Sóng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tình yêu là đề tài muôn thuở được nhiều thi nhân, nghệ sĩ chọn làm nguồn cảm hứng trong các tác phẩm của mình. Một nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: "Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi". Thật vậy, từ ngàn đời nay tình yêu luôn là một điều bí ẩn, là đề tài vô tận của văn chương nhưng chẳng ai có thể thấu hiểu trọn vẹn hai mĩ từ ấy. Và nhắc đến tình yêu không thể không nhắc đến "Sóng" của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Sóng là nơi gửi gắm những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm hồn người thiếu nữ khi nói về tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt gắn với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.

Xuân Quỳnh - một người phụ nữ sinh ra với sứ mệnh để yêu và làm thơ, là nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ. Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khát khao tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hàng ngày, trân trọng, nâng niu và chăm chút cho hạnh phúc đời thường. Trong các nhà thơ nữ Việt Nam, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu. Bà viết nhiều, viết hay về tình yêu nhưng có lẽ "Sóng" là bài thơ đặc sắc hơn cả. Năm 1967, nhân một chuyến đi thực tế ở miền biển Diêm Điền (Thái Bình), khi đứng trước biển khơi rộng lớn, những tâm tư tình cảm của bà được bộc bạch qua những vần thơ và đó là cơ sở để "Sóng" ra đời. Bài thơ được in trong tập "Hoa dọc chiến bào". Thi phẩm nói lên một tâm hồn khao khát yêu đương, một tình yêu vừa hồn nhiên chân thật, vừa mãnh liệt sôi nổi của trái tim người phụ nữ. Mở đầu bài thơ tác giả bày tỏ khát vọng về tình yêu và chủ động tìm kiếm bến bờ hạnh phúc:

        "Dữ dội và dịu êm

        Ồn ào và lặng lẽ

        Sông không hiểu nổi mình

        Sóng tìm ra tận bể"

Bài thơ bắt đầu là hình ảnh sóng nước. Đó là con sóng lúc thì dữ dội, ồn ào có thể phá tan tất cả trong những trận cuồng phong, nhưng lúc trời yên gió lặn thì sóng dịu êm, lặng lẽ. Sóng là vậy đấy, dữ đấy rồi êm đấy, chợt ồn rồi chợt lặng, sóng luôn biến đổi muôn hình vạn trạng. Qua hình tượng sóng nhân vật trữ tình thấy có sự tương đồng đặc tính phức tạp của sóng biển với nỗi niềm, cảm xúc trong tâm hồn mình. Nếu như "sóng" trong trạng thái đối cực thì em cũng vậy: lúc thì say đắm nồng nàn, mạnh mẽ nhưng cũng có lúc dịu dàng đằm thắm, cần được chở che, mong có một bến đỗ bình yên. Hai câu thơ kế là cách nói ẩn dụ và thể hiện sự chủ động và bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại. Sóng dám làm cuộc hành trình từ sông ra bể, để mặc sức vùng vẫy thì em cũng thế. Không còn cam chịu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", em không đứng yên, thụ động, mà mạnh dạn tìm kiếm tình yêu đích thực và hạnh phúc cho riêng mình. Thế là sóng nước đã dần chuyển thành sóng tình. Giống như sóng, tình yêu là một khái niệm khó giải thích minh bạch. Tình yêu là vậy và khát vọng tình yêu của con người thì muôn đời không thay đổi:

        "Ôi con sóng ngày xưa

        Và ngày sau vẫn thế

        Nỗi khát vọng tình yêu

        Bồi hồi trong ngực trẻ"

Từ cảm thán "ôi" được đặt ở đầu câu nhằm diễn tả cảm xúc dạt dào sâu lắng và thiết tha. Em nhận ra con sóng cũng như tình yêu, muôn đời vẫn tồn tại và đây là niềm khao khát của con người, nhất là những ai còn "trẻ lòng". Như Xuân Diệu - ông hoàng của thơ tình yêu cũng từng quả quyết:

        "Làm sao sống được mà không yêu

        Không nhớ không thương một kẻ nào"

Tình yêu được xem là gia vị của cuộc sống, là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho nhân loại. Tình yêu từ ngàn đời nay chẳng hề bất di bất dịch, đó là một quy luật của tự nhiên.

        "Trước muôn trùng sóng bể...

Khi nào ta yêu nhau"

Sóng tìm ra tận bể để hiểu mình thì em đây cũng tìm đến tình yêu anh để hiểu sâu hơn về con người em. Trước không gian bao la là biển cả, làm sao em không trăn trở với những câu hỏi có từ ngàn xưa, những câu hỏi vượt không gian, thời gian, những câu hỏi giản dị, tự nhiên nhưng rất khó lý giải.    Tất cả chúng như quấn lấy tâm hồn em làm cho em thao thức khôn nguôi. Em tự hỏi, giữa đại dương mênh mông ấy nơi nào là nơi bắt đầu của sóng? Dẫu biết "sóng bắt đầu từ gió" thế nhưng "gió bắt đầu từ đâu?". Thế là ra đến tận bể rồi ấy vậy mà sóng cũng vẫn chưa hiểu nổi mình. Cũng như sóng, em đã hòa nhập vào biển lớn tình yêu anh mà em nào hiểu được em. Em yêu anh từ đâu? từ khi nào? từ cái gì? "Em cũng không biết nữa". Tuy nhiên "trái tim có lý lẽ riêng mà lý trí không sao kiểm soát nổi." Nếu em biết tất cả và giải thích đầy đủ thì không còn gì là kỳ diệu và bí ẩn.

Trong tình yêu, ta vẫn thường thấy hai mặt yêu và nhớ, yêu say đắm thì nhớ tha thiết. Vậy nên ở khổ thơ thứ năm dường như bốn dòng thơ là không đủ để diễn tả tình cảm sâu sắc ấy nên tác giả đã mở rộng thêm hai dòng để tạo thành một mạch cảm xúc mênh mông. 

        "Con sóng dưới lòng sâu

        Con sóng trên mặt nước"

Là những cung bậc khác nhau của nỗi nhớ anh. Dù trên mặt nước hay dưới lòng sâu thì con sóng đều vẫn có bờ. Bờ là nơi đến của sóng, là đối tượng để sóng vuốt ve, vỗ về, là cái đích để đi đâu về đâu sóng lúc nào cũng nhớ đến, cũng không quên, ngay cả đó là ngày hay đêm:

        "Ôi con sóng nhớ bờ

        Ngày đêm không ngủ được"

Nỗi nhớ có cái biểu hiện ra bên ngoài, có cái ẩn chứa tự sâu trong đáy lòng. Vắng anh, em nhớ, khi thức, em cũng nhớ, ngay cả trong mơ em vẫn nhớ. Đó là nỗi nhớ mới da diết, khắc khoải, thổn thức cứ trằn trọc không yên

        "Lòng em nhớ đến anh

        Cả trong mơ còn thức"

Xưa nay, nỗi nhớ luôn gắn liền với khái niệm thời gian vô tận và không gian vô cùng. Với thời gian, nó không có ngày đêm; với không gian, nó không có phương hướng. Không gian có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc nhưng tình yêu thì chỉ có một phương và đó chính là anh. Trong đời, em quen biết nhiều người, họ có thể hơn hẳn anh thế nhưng em lại chọn anh, yêu anh và chỉ biết có anh. Chỉ riêng anh là khiến em luôn nghĩ tới và hướng về:

        "Nơi nào em cũng nghĩ

        Hướng về anh một phương"

Những người đang yêu bao giờ cũng hướng về nhau, họ là mặt trời suốt đời soi sáng và sưởi ấm cho nhau. Tình yêu đẹp là vậy, trong sáng là vậy, mãnh liệt bay bổng là vậy nhưng nó không tránh khỏi những dâu bể của đời thường. Chính vì thế những người đang yêu ngoài sự say mê còn phải có đủ nghị lực và niềm tin vào sức mạnh của tình yêu để vượt qua mọi thử thách, giông bão của cuộc đời.

        "Ở ngoài kia đại dương

        Trăm ngàn con sóng đó

        Con nào chẳng tới bờ

        Dù muôn vời cách trở"

Xuân Quỳnh tin rằng khi tình yêu đủ lớn, người ta sẵn sàng cùng nhau vượt qua mọi điều trở ngại và thử thách. Cũng như ở ngoài biển khơi, sóng chắc chắn sẽ tới bờ dù phải vượt qua nhiều giông tố, bão táp. Bài thơ được viết giữa khói lửa chiến tranh, tiếng súng ngoài chiến trường vẫn chưa dứt. Khi đó, nhiều đôi lứa phải giã từ nhau để lên đường ra trận. Xuân Quỳnh đã nói thay tiếng lòng bao nhiêu người con gái, là niềm tin, là động lực cho người đi xa. Điều đáng chú ý là bài thơ viết khi tác giả đã từng nếm trải sự đổ vỡ, nhưng vẫn phơi phới một niềm tin vào giá trị bền vững của tình yêu chân chính. Như ông bà ta có câu:

        "Yêu nhau mấy núi cũng trèo

        Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua."

Đẹp là thế, thiêng liêng là thế nhưng tình yêu và tuổi trẻ cũng lại là những thứ ngắn ngủi, mong manh và khó giữ:

        "Cuộc đời tuy dài thế...

        Để ngàn năm còn vỗ"

Bằng những trải nghiệm của cuộc đời, tác giả đã nhận ra sự hữu hạn của đời người trước dòng chảy của thời gian. Ai rồi cũng sẽ mất đi, làm thế nào để tình yêu là vĩnh hằng, bất diệt? Con sóng từng làm cuộc hành trình tìm ra biển lớn để được sống hết mình với tình yêu thì em cũng bản lĩnh và mạnh dạn không kém. Con sóng giữa trùng khơi đại dương sẽ ngàn năm dào dạt nhưng cuộc đời con người thì ngắn ngủi, chỉ có cách hóa thân vào sóng, khát vọng tình yêu của em sẽ trở nên vĩnh cửu, bất diệt. Xuân Diệu từng nói về sóng biển yêu bờ cát đến tận cùng nhưng vẫn phải có lúc ngừng, đó là khi:

        "Đến tan cả đất trời

        Anh mới thôi dào dạt"

Xuân Quỳnh dám giành quyền làm sóng, rồi tha thiết được hóa thân vào sóng, hòa tình yêu cá nhân vào biển lớn tình yêu, để dào dạt muôn đời. Niềm khao khát về tình yêu của tác giả thật tha thiết làm sao!

Bài thơ "Sóng" thể hiện vẻ đẹp hiện đại và truyền thống trong quan niệm tình yêu của thi nhân. Theo Maiacôpxki "Trên đời, có những thứ chỉ giải quyết được bằng thơ". Và "Sóng" là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Mạch vận động của bài thơ đi từ những khám phá về sự tương đồng giữa sóng và các quy luật tình yêu đến nỗi nhớ, lòng thủy chung, niềm tin và cuối cùng là những suy tư, khát vọng được bất tử hóa tình yêu. Những khám phá, cảm nhận của Xuân Quỳnh trong bài thơ không phải là những điều mới mẻ nhưng tác phẩm vẫn tạo được sức hấp dẫn bởi giọng điệu hồn nhiên, tự nhiên, trong sáng.

Theo Phong Lê"Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài "Sóng" thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ". Quả thực vậy, từ câu từ bài thơ, cách gieo vần, nhịp, sử dụng hình ảnh và đôi khi còn bất tuân theo cả những quy luật của nghề thơ nhưng Xuân Quỳnh đã đưa người đọc từ cung bậc này qua cung bậc khác trong tình yêu của chính mình. "Sóng" đã tự nhiên trở thành tiếng hát, tiếng lòng của biết bao nhiêu người trẻ "khát sống, khát yêu".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro