Vợ Nhặt - bà cụ Tứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Nhà văn Nguyễn Khải cho rằng "Văn chương có quyền, nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung." Bằng tài năng của mình, nhà văn Kim Lân cũng lấy "thanh nam châm" làm sợi dây níu giữ hình ảnh bà cụ Tứ - người mẹ nghèo khổ, nhân hậu, bao dung và có lòng yêu thương con vô bờ bến. Đọc truyện ngắn "Vợ nhặt" không ai không xúc động trước dòng diễn biến tâm trạng đầy phức tạp nhưng vô cùng đáng thương lại đầy nhân hậu của bà cụ Tứ trước tình huống nhặt vợ oái oăm của anh con trai, đặc biệt qua đoạn văn sau: (trích đoạn văn trong đề)

Là gương mặt xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân thành công trong cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau năm 1945. Nhắc đến ông là nhắc đến một mảng văn học đậm đà hơi thở của cuộc sống làng quê. Bởi lẽ đó sinh thời tác giả của "Bỉ vỏ" - Nguyên Hồng từng phán về đồng nghiệp của mình rằng "Kim Lân là nhà văn một lòng đi, về với đất với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn." Ông là mẫu nhà văn "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa" - sự kỹ lưỡng, viết từ ruột gan, không chấp nhận sự nhạt nhẽo, giả tạo trong văn chương. Nên sáng tác của Kim Lân tuy không nhiều nhưng mỗi tác phẩm đều là một kiệt tác văn chương.

Truyện ngắn "Vợ nhặt" được coi là một kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân được in trong tập truyện "Con chó xấu xí" năm 1962. Tiền thần của truyện ngắn này là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được viết sau khi cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và bị thất lạc. Đến khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc năm 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện còn lại và hoàn thành tác phẩm. Tác phẩm vì thế không chỉ là kết quả của quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới. Tác giả đã miêu tả sức sống kỳ diệu, bản chất tốt đẹp của con người ngay giữa những tháng ngày tăm tối nhất của nạn đói năm 1945.

(Đoạn trích trên thuộc phần cuối của truyện ghi lại những dòng tâm trạng đầy xúc động, phức tạp nhưng thống nhất của bà cụ Tứ sau sự kiện nhặt vợ oái oăm của anh cu Tràng.)

Là nhân vật xuất hiện ở khoảng giữa truyện, bà cụ Tứ đóng vai trò quan trọng giúp nhà văn Kim Lân thể hiện được chiều sâu trong tư tưởng nhân đạo của mình. Đây là nhân vật được nhà văn miêu tả chi tiết, sinh động từ ngoại hình, dáng vẻ, cử chỉ, hành động đến những lời đối thoại và độc thoại nội tâm. Nhân vật gây ra niềm xúc động mạnh với người đọc qua dáng đi "lọng khọng", tiếng ho "húng hắng", hành động "vừa đi vừa nhẩm tính gì trong miệng". Cuộc đời của một người mẹ già nghèo khổ lại là cảnh ngụ cư góa chồng càng khiến cho độc giả thêm niềm thương xót. Điểm đặc biệt trong câu chuyện này chính là việc, nhà văn đặt bà mẹ già ấy vào tình huống nhặt vợ éo le giữa nạn đói khủng khiếp của anh cu Tràng. Khi mà người ta có nhu cầu được sống, được ăn hơn nhu cầu hạnh phúc, tấm lòng nhân hậu của người mẹ nghèo thật đáng quý biết bao. Nhà văn đã làm bật lên tình người nhân ái, khát vọng sống mãnh liệt của nhân vật qua dòng diễn biến tâm lí trong đoạn văn.

Sau tâm trạng ngạc nhiên đến sững sờ trước tình huống nhặt vợ của anh con trai, trong đoạn văn trên nhà văn Kim Lân đã tinh tế nắm bắt trạng thái cảm xúc buồn tủi đến xót xa của người mẹ nghèo. Nỗi tủi hờn của bà cụ Tứ hiện ra qua cái "cúi đầu nín lặng" đấy đáng thương. Cái "cúi" đầu của người mẹ nghèo ấy chất chứa bao nhiêu dòng cảm xúc phức tạp, bao xót xa không nói thành lời. Hành động ấy giống như nốt lặng đến nao lòng, gợi bao xót thương trong lòng người đọc. Cử chỉ "cúi đầu" cùng dòng độc thoại nội tâm càng làm đậm thêm cho nỗi niềm tủi hổ nơi bà. "Bà lão hiểu rồi...hiểu ra hết biết bao cơ sự. Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì...". Bao niềm đau được cất chứa trong hai chữ "cơ sự". Người mẹ đã đi qua gần hết cả một đời người trước câu nói "nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ", nhạy cảm phát hiện ra tình cảnh nhặt vợ trớ trêu của đứa con trai mình, hình dung được cả cảnh ngộ đầy đáng thương của người vợ nhặt mà bà không nỡ nói ra, hiểu được nỗi lo lắng qua điệu bộ của thằng con trai mình và bao tủi hổ, bẽ bàng của người đàn bà kia. Cái "cơ sự" ấy là tất cả cái oái oăm của cảnh ngộ, cái bi hài của duyên kiếp khiến người ta nghẹn ngào, cười ra nước mắt. Chính bởi sự trải đời đã giúp bà thấu hiểu hết bao uẩn khúc trong cảnh ngộ trớ trêu kia để rồi dâng lên niềm buồn tủi xót xa. Bà đau đớn vì không thể làm tròn bổn phận của một người mẹ như bao người phụ nữ khác "còn mình thì...", bà cụ Tứ nghẹn lời không nói được. Bao niềm tự trách cất giấu ở đây. Bao sự trớ trêu hiện hình trong nốt lặng này. Trong cảnh túng đói, việc có vợ của anh con trai khiến bà biết bao khó xử. Bà liệu sẽ lấy gì để tiếp đãi con dâu, dâng lên ông bà tổ tiên hay trình làng hàng xóm. Lời độc thoại nội tâm vì thế vô cùng chân thực và xúc động.

Bà thương con, tủi mình đến xót xa ứa nước mắt "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà ủ xuống hai dòng nước mắt...". Nước mắt ở tuổi già là giọt nước mắt hiếm hoi:

"Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan"

Nước mắt của người mẹ già đã rơi suốt cả chặng đường đời phía trước, bây giờ nó lại hiện ra trên khóe nứt của dấu chân chim hằn sâu trên đôi mắt. Dáng hình của bà mẹ ấy khắc khổ đến đáng thương. Diễn biến tâm trạng qua những câu văn này làm người đọc không cầm nổi nước mắt. Hình ảnh người mẹ tần tảo, lo toan, vất vả và yêu con vô bờ bến hiện ra ngày càng xúc động.

Ẩn sau những giọt nước mắt lã chã rơi là dòng tâm trạng đầy lo lắng cho các con. Cuộc đời người mẹ nghèo đã có biết bao lo toan, vất vả. Đến gần cuối đời vẫn không yên lòng về con "biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không". Giữa nạn đói khủng khiếp năm 1945, cái nạn đói mà theo lời Bác nó "còn nguy hiểm hơn nạn chiến tranh nhiều", nạn đói mà chỉ nửa năm ở Bắc Bộ đã chết hơn hai triệu người, rùng rợn, khủng khiếp. Vào thời điểm "cám không có mà ăn", "đói thì đầu gối phải bò", vậy mà Tràng lấy vợ. Lấy vợ là lấy thêm một gánh nặng kiếm sống, thêm một miệng ăn, thêm nhiều hơn lo toan, vất vả. Người mẹ trải đời ấy không lo sao được cho tương lai, cho sự sống, cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Lo lắng nhưng tấm lòng người mẹ vẫn cố giấu vào trong vì thương con. Bà hiện lên qua niềm yêu thương con vô bờ bến. Bà thương xót cho anh cu Tràng cả đời chỉ đến lúc đói khát mới lấy được vợ. Bà đau đớn, xót xa cho thằng con trai tội nghiệp "vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình". Tấm lòng nhân hậu còn được người mẹ nghèo mở ra cả với người vợ nhặt, Kim Lân đã quặn thắt trái tim khi lia ống kính vào dáng điệu "thở dài" của bà cụ Tứ, ánh nhìn "đăm đăm" với người vợ nhặt. Chính sự vất vả, đói nghèo khiến bà dâng lên niềm đồng cảm với người phụ nữ ấy. Bà xót thương cho hoàn cảnh theo không của thị, cho sự tủi hổ, bẽ bàng của cô con dâu lần đầu về nhà chồng. Bà hiểu " người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới được có vợ...". Dòng suy nghĩ của bà thật đáng trân trọng. Bởi đó không chỉ là suy nghĩ của người mẹ trải đời, đó còn là suy nghĩ của người mẹ đang tỏ ý bênh vực thân phận phụ nữ, trân trọng người con gái đã để ý đến đứa con của mình. Bà cụ Tứ hiện lên trong trang viết của Kim Lân hoàn toàn đối lập với những bà mẹ chồng của năm tháng phong kiến, cổ hủ, lạc hậu:

" Cô kia đội nón đi đâu

Tôi là phận gái làm dâu mới về

Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê

Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi"

Ở bà hiện lên hình ảnh của một bà mẹ giàu lòng bao dung, nhân hậu. Xót cho người vợ nhặt, xót xa cho thân phận lấy vợ trớ trêu của anh cu Tràng. Thương con bà ngầm chấp nhận cho sự kiện lấy vợ của con. Trong suy nghĩ của bà hiện lên thái độ chấp thuận đầy bao dung, đầy thương xót "may ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ... ông giời bắt chết cũng phải chịu...". Trong lòng bà vẫn canh cánh lo âu.

Đặc biệt, sự chấp nhận của bà còn hiện ra qua câu nói đầy yêu thương. Ở đó là dòng tâm lí "mừng lòng" xen lẫn biết bao thương cảm cho thằng con mình. Hành động nhẹ nhàng, tiếng gọi trìu mến, giọng điệu ngọt ngào. Người mẹ già đang cố gắng xua đi tất cả nỗi tủi hờn của cô con dâu mới, "Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng". Một đám cưới không lễ chạp, không váy lụa, không hoa thơm, chỉ một lời chấp thuận là thành vợ, thành chồng. Một câu chấp thuận thôi nhưng là cả một tấm lòng của người mẹ. Người đang cố gắng tạo ra cái yêu thương, trìu mến với các con, cố gắng rút ngắn khoảng cách con dâu, mẹ chồng và xua đi tâm trạng lo lắng, thấp thỏm trong anh cu Tràng.

Dòng tâm trạng của bà hiện ra với vẻ "mừng lòng" đầy xúc động. Đó là tâm lý của một trái tim nhân hậu, của một bà mẹ yêu con vô bờ. Chữ nghĩa của Kim Lân đến đây đã biết tự tìm đúng vị trí của nó. Nhà văn không nói "bằng lòng" bởi đó đâu phải lời lẽ của một người mẹ nhân hậu, bao dung. Ông cũng không nói "vui lòng", bởi dù cố quên nhưng con người ta cũng không thể phủ nhận hiện thực đói khát. Nhà văn nói "mừng lòng" - cái niềm vui vừa đủ trong ngày đói khát. Người mẹ già đã cất giấu bao xót xa vào trong, gắn gượng vì hạnh phúc của các con.

Tấm lòng nhân đạo của Kim Lân thật sâu sắc qua dòng tâm trạng sau: niềm lạc quan, hi vọng vào tương lai phía trước. Văn nhân để cho một bà mẹ già nói lên niềm hy vọng dù mong manh. Bằng tấm lòng ăm ắp yêu thương của một người mẹ, bà cụ Tứ động lòng khuyên các con: "Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn". Bà khuyên các con như bao bà mẹ khác khuyên các con làm ăn, gây dựng sự nghiệp, vun đắp cho tương lai. Lời khuyên ấy trong hoàn cảnh nạn đói tuy mong manh nhưng thật đáng trân trọng. Đặc biệt, cái sâu sắc của văn nhân còn hiện lên qua lời động viên đầy xúc động "Rồi may ra ông giời cho khá... ai giàu ba họ, ai khó ba đời." Người đọc có chút gì đó lâng lâng vì xúc động, đang vui lên bởi niềm hy vọng. Ánh mắt độc giả cũng đang dõi theo đôi mắt dường như đang lấp lánh của bà cụ Tứ. Tôi cứ tưởng tượng ra hình ảnh bà mẹ khóe miệng đang mỉm cười, đôi mắt đang ngời sáng, tay nắm chặt đứa con dâu mình mà nói. Đó là lời động viên của một bà mẹ đã trải qua gần hết cả cuộc đời, lời khuyên của bà mẹ đã được rút ra từ bài học của ông bà xưa. Đó là niềm ao ước dù mong manh mơ hồ về ngày mai nhưng là lời động viên thật cần thiết để vợ chồng anh cu Tràng có thể vượt lên hoàn cảnh.

Qua dòng diễn biến tâm trạng, chân dung bà cụ Tứ hiện lên với biết bao vẻ đẹp tâm hồn của bà mẹ yêu con, người mẹ bao dung, giàu hy vọng. Hình ảnh quen thuộc của bao bà mẹ Việt xưa hiện lên qua nhân vật này.

Góp phần xây dựng thành công dòng tâm trạng của bà cụ Tứ, không thể không kể đến nghệ thuật dựng chuyện của Kim Lân. Nhà văn đã xây dựng tình huống nhặt vợ éo le làm đòn bẩy bật lên tình nhân ái của người mẹ nghèo. Văn nhân không chỉ lách sâu vào dòng diễn biến nội tâm mà còn khéo léo tạo dựng cử chỉ, lời nói, hành động để khắc họa đậm nét chân dung nhân vật. Ngôn ngữ kể chuyện bình dân, giản dị gần với phong cách sinh hoạt nhưng lắng sâu trong từng câu từng chữ.

Qua đoạn văn trên, nhà văn khắc họa thành công dòng tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ. Nhà văn đã làm hiện lên bao hình ảnh của những bà mẹ Việt yêu con, tảo tần, bao dung, giàu lòng nhân ái bước ra từ trong trang văn của ông. Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ trong hoàn cảnh éo le của nạn đói và tình huống nhặt vợ, nhà văn muốn làm ngời sáng lên chân lý: con người ta dù cận kề cái chết, vẫn khao khát được sống, vẫn tin tưởng vào tương lai. Đồng thời nhà văn bộc lộ niềm trân trọng, ngợi ca trước tấm lòng nhân ái, niềm tin yêu, lạc quan của người mẹ nghèo này.

Gần mười lăm năm sau ngày Kim Lân rời xa thế giới, nhưng "Vợ nhặt" cùng bao thiên truyện khác của ông vẫn cứ tự nhiên như thế bước vào và cư ngụ trong lòng độc giả. Có thể nói rằng, "Vợ nhặt" là một bức tranh sống động về đời sống người nông dân trong nạn đói 1945. Tuy rằng ở đó, con người hãy còn chìm trong bóng tối, đói nghèo và chết chóc nhưng với con mắt tinh tường, nhà văn vẫn phát hiện ra chiều sâu tâm hồn tốt đẹp ẩn chứa bên trong họ. Đó là tình yêu thương con người, là ý thức trách trách nhiệm của mình đối với gia đình và và xã hội. Đó cũng chính là giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc mà nhà văn Kim Lân muốn gửi gắm đến bạn đọc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro