Vợ Nhặt - Tràng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Còn nhớ sinh thời tác giả của "Bỉ vỏ" - nhà văn Nguyên Hồng từng "phán" về đồng nghiệp của mình rằng: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với "đất" với "người" với "thuần hậu nguyên thuỷ" của cuộc sống nông thôn. Quả thật không chê vào đâu được lời "truyền thần" ấy của nhà văn Nguyên Hồng! Sự nghiệp và những quan niệm về văn chương của Kim Lân qua những tác phẩm của ông đã để lại rất nhiều ấn tượng đẹp trong lòng độc giả, và càng chứng minh nhận định của nhà văn Nguyên Hồng không thể bỏ đi từ nào được. Đọc "Vợ nhặt" - tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, ta càng hiểu rõ và thấm nhuần hơn điều này. Tràng là nhân vật chính trong tác phẩm. Qua những cảm nhận về diễn biến tâm trạng của Tràng từ khi đón người vợ nhặt về nhà, được Kim Lân miêu tả tiêu biểu qua chi tiết: (trích đề bài) , bạn đọc có cơ hội để thấm thía hơn tư tưởng nhân đạo của tác giả.

Là gương mặt xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân thành công trong cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau năm 1945. Nhắc đến ông là nhắc đến một mảng văn học đậm đà hơi thở của cuộc sống làng quê. Ông là mẫu nhà văn "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa" - sự kỹ lưỡng, viết từ ruột gan, không chấp nhận sự nhạt nhẽo, giả tạo trong văn chương. Nên sáng tác của Kim Lân tuy không nhiều nhưng mỗi tác phẩm đều là một kiệt tác văn chương.

Truyện ngắn "Vợ nhặt" được coi là một kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân được in trong tập truyện "Con chó xấu xí" năm 1962. Tiền thần của truyện ngắn này là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được viết sau khi cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và bị thất lạc. Đến khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc năm 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện còn lại và hoàn thành tác phẩm. Tác phẩm vì thế không chỉ là kết quả của quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới.

Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân - một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với "thuần hậu phong thủy" ấy. Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ, đặc biệt đối với hình ảnh nhân vật chính - anh cu Tràng.

Hòa bình đã lặp lại nhưng trực cảm về cái đói, cái chết vẫn hằn sâu trong tâm trí, trong kí ức của Kim Lân. Truyện mở đầu bằng hình ảnh chiều hoàng hôn lạnh lẽo, ảm đạm, ánh sáng hắt vào trang viết của Kim Lân là ánh sáng "chạng vạng" trong màn ánh sáng vật vờ của những bóng người như những bóng ma. Nhà văn đã để cho Tràng - nhân vật chính xuất hiện trong bối cảnh đó.

Tràng hiện lên là một nhân vật có ngoại hình thô kệch, xấu xí: "thân hình to lớn, lưng bè như lưng gấu, hai con mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra rung rung làm cho bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lí thú vừa dữ tợn". Vẻ ngoài xấu xí như thể hiện Tràng chính là sản phẩm được gọt đẽo sơ sài bởi bàn tay của tạo hóa". Không chỉ xấu xí, anh ta còn cộc cằn, thô lỗ và ngây ngô ""hắn có tật vừa đi vừa nói lảm nhảm những điều mà hắn nghĩ". Tràng thường trở thành thú vui, trò cười cho bọn trẻ con xóm ngụ cư. Tràng xuất thân trong một gia đình nghèo, sống cảnh mẹ góa, con côi và là dân ngụ cư - vốn là những con người vì nghèo đói mà phải bỏ nhà đi tha hương cầu thực. Có thể nói ở Tràng hội tụ đủ những điều kiện ế vợ. Thế nhưng, Tràng đã có vợ trong hoàn cảnh rất đỗi bi hài. Giữa nạn đói thê thảm, tự nuôi thân chưa chắc đã xong mà Tràng lại vô tư đồng ý đưa thị - một người phụ nữ xấu xí, cũng nghèo khổ, đang ở trong tình cảnh cùng đường vì thiếu miếng ăn - về làm vợ. "Sính lễ" chỉ có hai lần gặp mặt, bốn bát bánh đúc và một câu nói tầm phơ tầm phào, thị đã đồng ý theo Tràng, và Tràng từ đây đã có vợ.

Mới đầu, Tràng cũng lo lắng, chợt nghĩ: "thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng". Sau không biết nghĩ thế nào Tràng tặc lưỡi "Chậc, kệ". Lòng nhân hậu khiến anh không nỡ từ chối bởi. Đây không phải là một sự liều lĩnh mà là 1 thái độ dũng cảm, chấp nhận như để thách thức với cái đói, để sống 1 cuộc sống đầy đủ như người bình thường. Với bốn bát bánh đúc ngày đói đã làm nên một mối tình, nồi cháo cám ngày đói cũng làm nên cổ tân hôn. Kim Lân không né tránh hiện thực mà theo đuổi hiện thực nó tới cùng, tạo cho truyện 1 cái phong đặc biệt ảm đạm, tăm tối và có thể nói là có phần nghiệt ngã. Sự gặp gỡ đã tạo nên 1 cuộc tình kì lạ, niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc được nhen nhóm lên trên bờ vực của cái đói, cái chết.

Một người đàn bà đã bước vào cuộc đời của Tràng, đó là sự kiện lớn nhất trong đời, làm cho anh không còn mang thân phận tủi buồn của 1 thứ cỏ rác ở chốn làng thôn. Đó là lúc anh gò lưng kéo xe thóc vào tỉnh thì anh buông 1 câu hò tầm phơ, tầm phào cho đỡ mệt nhưng đã có 1 người đàn bà bám lấy, chạy theo đẩy xe bò và đòi ăn bánh đúc, ngay lập tức được Tràng chấp nhận. Trong văn chương, người ta nhấn mạnh chữ tâm hơn chữ tài, song nếu cái tài không đạt đến một mức độ nào đó thì cái Tâm kia sao bộc lộ ra được. "Vợ nhặt" cũng thế, tấm lòng tha thiết của Kim Lân sở dĩ lay động được lòng người trước hết là nhờ tài dựng truyện và sau đó là nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật. Hạnh phúc thật sự đến với những người dũng cảm và Tràng đã được toại nguyện. Cái đói, cái chết vẫn còn lởn vởn ở ngoài kia nhưng sự đổi đời, đổi kiếp đã diễn ra trong tâm hồn Tràng rồi.

Trên đường dẫn thị về nhà Tràng phấn chấn, tự đắc lắm: "mặt hắn có 1 vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ 1 mình và 2 mắt thì sáng lên lấp lánh"; "Trong 1 lúc Tràng như quên hết những cảnh sống ê chề hàng ngày, quên hết cả những cái đói khát đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mắt, trong lòng hắn bây giờ chỉ còn hắn tình nghĩa với người phụ nữ đi bên". Thị tỏ ra e thẹn, ngượng ngùng thì hắn tỏ ra thích chí, tự đắc.

Cái hạnh phúc được yêu thương thật là vô giá, nó mạnh hơn cả sự đe dọa của cái đói và cái chết, nó có thể làm thay đổi con người. Chuyện Tràng nhặt được vợ khiến ai nấy đều bất ngờ, ngạc nhiên, bản thân Tràng chính là người ngạc nhiên nhất. Với bản thân mình cộng với gia cảnh nhà mình, có lẽ anh chưa bao giờ nghĩ tới việc xảy ra ngày hôm nay. Nhưng chỉ với một lời bông đùa vu vơ, người phụ nữ đó đã theo anh về thật. Khoảnh khắc cầu hôn đối với mỗi người đều là phút giây đáng trân trọng, nhưng với anh cu Tràng đó lại là một giây phút, khoảnh khắc ngẫu nhiên không tính toán trước. Diễn biến tâm trạng của Tràng sau đó khiến người đọc bắt được rất nhiều khoảnh khắc thú vị, cũng chứng tỏ những người giống như anh ham sống tới nhường nào.

Trên đường về nhà, thái độ của Tràng có nhiều khác lạ. "Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh." Nhà văn Kim Lân đã diễn tả sinh động niềm hạnh phúc và sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau của những người nghèo khổ trong hoàn cảnh tăm tối của ngày đói kém. Tràng như quên cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, trong lòng chỉ còn tình nghĩa đối với người đàn bà đi bên cạnh. Với anh, tình yêu (hay khởi đầu chỉ là tình thương) gắn liền với trách nhiệm. Đó là cảm giác và biểu hiện đầu tiên cho thấy Tràng là một người đàn ông tốt, chân thành, đáng quý. Trên đường về, Tràng cố tìm một khoảnh khắc nào đó để nói với thị một câu cho thật tình tứ sau khi đưa thị vào chợ mua mấy thứ đồ con con nhưng anh chàng lại không thể ngay lập tức thay đổi bản ngã thô kệch của mình. Thế nhưng, sự chu đáo quan tâm tới người đàn bà bên cạnh cũng đã được thể hiện khá rõ với việc nhìn xem thị đang cảm thấy thế nào, mua 2 hào dầu để tối nay thắp cho sáng, đùa với thị. Khi lũ trẻ trong xóm chạy ra trêu anh, hôm nay anh không đùa mà nghiêm mặt lại, biết có bao nhiêu ánh mắt đang đổ dồn về thị, anh thấy đó làm thích chí lắm. Lần đầu tiên đi bên một người đàn bà mà người đó lại là vợ mình khiến người đàn ông như Tràng vốn dĩ rất trẻ con nay lại trưởng thành. Hạnh phúc dường như đang chạm khẽ, mơn man trái tim của người đàn ông này sau biết bao tháng năm sống ngày qua ngày không chút suy nghĩ.

Về đến nhà, anh cu Tràng đứng tây ngây trước khung cảnh cái nhà nằm rúm ró giữa những bụi cỏ dại lổm ngổm. Khi dẫn thị vào nhà, tâm trạng và thái độ của Tràng cũng có những diễn biến khá phức tạp. Bắt đầu là "xăm xăm bước vào trong nhà", dọn dẹp sơ qua, thanh minh về cảnh nhà bừa bộn vì thiếu tay đàn bà. Rồi Tràng thấy ngượng nghịu "đứng tây ngây ra giữa nhà một lúc", chợt thấy sờ sợ, anh lấm lét bước vội ra sân, sốt ruột mong mẹ về. Anh cứ chạy ra ngoài sân ngóng mẹ rồi lại nhìn vào trong nhà, lòng thắc mắc không hiểu sao thấy thị cứ buồn buồn như vậy. Anh không dám hỏi, chỉ tự hỏi mình, lòng cứ suy nghĩ vẩn vơ. Tràng hồi hộp và lo lắng không biết mẹ sẽ nói gì với nàng dâu mới, mong ngóng mẹ trong lòng sốt ruột như có lửa. Tràng bây giờ, đã trở thành một người đàn ông biết lo lắng những công việc của mình.

Khi thấy mẹ về, Tràng "reo lên như một đứa trẻ", trịnh trọng mời mẹ vào nhà, trình bày mộc mạc câu chuyện lấy vợ đặc biệt của mình và xin ý kiến mẹ. Tràng là người rất lễ nghĩa, ai dám bảo cái nghèo, cái đói sẽ tiêu diệt được đạo lý của con người. Khi bà mẹ tỏ ý "mừng lòng", anh thở phào nhẹ nhõm "bước từng bước dài ra sân". Niềm hạnh phúc của anh ngỡ như không phải bây giờ đã biến thành hiện thực. Anh cu Tràng hiện tại đã là một người đàn ông chân chính của gia đình, anh đã có vợ. Diễn biến tâm trạng từ ngạc nhiên, bất ngờ tới gần gũi, thân quen, từ lo lắng hồi hộp tới hạnh phúc vỡ òa. Tất cả xảy ra giống như một câu chuyện kỳ diệu trong cuộc sống, một câu chuyện khó tin nhưng có thật.

Sáng hôm sau, Tràng dậy muộn hơn và thấy cuộc đời mình từ đây đã thay đổi hẳn. Tràng cảm thấy "Trong người êm ái lửng lơ như từ trong giấc mơ đi ra." Tràng ngạc nhiên vì nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, mẹ và vợ đang dọn dẹp sân vườn. Từ giây phút này, Tràng đã có một gia đình mới với bao đổi thay từ những thành viên trong gia đình. Có vợ, nhân cách của Tràng cũng hoàn thiện hơn, anh bỗng thấy yêu thương, gắn bó với cái nhà của mình hơn: "Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này". Tràng rất muốn bây giờ mình có thể cùng với mẹ, với vợ thu dọn và tu sửa, làm một cái gì đó cho gia đình. Ánh mắt của anh hướng về người vợ. Bây giờ trước mặt anh là một người phụ nữ đảm đang đúng mực, một người con dâu hiếu thảo không có vẻ gì là chao chát, chỏng lỏn như hôm qua anh gặp ngoài chợ. Hạnh phúc khi có gia đình lan tỏa khiến khoảnh khắc gia đình chưa bao giờ vui vẻ đến thế. Anh nhẹ nhàng nói năng với mẹ, hiếu thuận ngoan ngoãn, mang tâm thế của một người con hiếu thảo, một người chồng có trách nhiệm và một người chủ gia đình.

Với nhân vật Tràng, Kim Lân đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc trước những số phận con người nghèo khổ giữa nạn đói năm 1945. Cũng chính ông là người đã đưa cho Tràng người đàn bà khốn khổ để thức tỉnh những đức tính, sự trưởng thành trong Tràng. Giữa những năm đói quay đói quắt ấy, liệu người ta có dễ dàng cưu mang một người khác cũng nghèo khổ như chính mình? Nhưng Tràng lại dễ dàng chấp nhận người đàn bà làm vợ, bởi lòng nhân ái, tình yêu thương con người trong anh vẫn nguyên vẹn cho dù cái đói, cái nghèo có thể khiến nhiều người đánh mất cả bản thân mình. Cùng với đó, Tràng cũng tỏa sáng với một khát vọng sống mãnh liệt cùng niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Hành động dọn dẹp nhà cửa cùng mẹ và vợ của anh đã thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng, niềm tin hướng tới một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, đủ đầy. Hình ảnh "là cờ đỏ bay phấp phới" vẫn còn hiện mãi trong tâm trí Tràng sau lời kể của vợ đã khơi dậy trong anh niềm tin, niềm hy vọng, cũng đồng thời khẳng định con đường duy nhất cứu người dân thoát khỏi đói nghèo chính là vùng dậy khỏi xiềng xích của ách nô lệ và theo Cách mạng.

Bằng cái nhìn mới mẻ về cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Kim Lân đã vẽ lên một bức tranh hiện thực về nạn đói và cái chết đầy bi thương của những năm tháng này nhưng vẫn ánh lên khát khao hạnh phúc mãnh liệt của người lao động nghèo khổ. Kim Lân đã không nỡ "giết chết đứa con tinh thần" của mình mà đã gieo vào đó mầm hy vọng, mang đến hạnh phúc cho họ vào những tháng ngày tăm tối nhất. Tấm lòng cảm thông, thấu hiểu thể hiện ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật một cách chi tiết, chính xác và hấp dẫn. Tràng, có lẽ chỉ dưới ngòi bút của Kim Lân mới hiện lên mộc mạc, gần gũi và đáng mến đến thế. Nhà văn đã khẳng định vẻ đẹp đáng trân trọng của người lao động dù trong hoàn cảnh nào họ cũng không nguội tắt hy vọng, vẫn vươn lên để sống với một niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn, thể hiện ở hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới cứ trở đi trở lại trong tâm trí Tràng ở cuối câu chuyện. Tất cả đó đã thể hiện một tinh thần nhân đạo cao cả của một nhà văn đôn hậu, giản dị - nhà văn Kim Lân.

Truyện ngắn "Vợ nhặt" được chấp bút trong bối cảnh tăm tối, ám ảnh khủng khiếp của nạn đói, thế nhưng Kim Lân đã pha vào đó chút sắc màu của hạnh phúc lứa đôi, lóe lên hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Nguyễn Khải nhận định rằng "Trên đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới đó." và Frankl cũng đồng ý: "Người nào có lí do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh". Thật vậy, "Vợ nhặt" của Kim Lân đã vô cùng thành công khi tìm thấy ánh sáng đẹp đẽ nhất của sức sống, vẻ đẹp tình thương bên trong những người nông dân nghèo - nạn nhân đáng thương của nạn đói. Qua truyện ngắn, nhà văn cũng khẳng định cái đói, sự mất mát khủng khiếp chỉ có thể bào mòn sức sống, tước đoạt sinh mạng nhưng không thể làm mất đi bản chất tốt đẹp của con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro