1. Hoàng Lập

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiều, mặt trời ngả màu gạch, những đám mây ửng hồng như đôi gò má của thiếu nữ, hắt lên mặt sông hình hài loang lổ, lay động khiến người ta hoa cả mắt.
Chợ tàn, người người dọn sạp chuẩn bị ra về. Nói là sạp chứ thực chất chỉ có một cái bao trải dài, bên trên bày bừa hàng hóa lộn xộn, người bán ngồi bệt dưới đất, ai sạch sẽ còn lót được đôi dép đan bằng rơm rạ. Yên bình là thế, nhưng ít ai biết được 2 hôm trước đã có một việc chấn động xảy ra.

Nổ mìn.

Người bị nạn là một cặp vợ chồng. Đang cuốc đất, chẳng may thế nào lại trúng phải mìn, chết chẳng toàn thây. Trong nhà để lại 2 đứa trẻ một trai một gái, đứa nhỏ nhất chỉ vừa tròn 6. Mùi tanh của máu thịt đã bị mùi thuốc nổ át lấy, gay cả mũi. Người than trời, kẻ lắc đầu đau xót, tiếc thương cho hai đứa nhỏ mồ côi. Hai đứa trẻ hoảng loạn khóc toáng lên, thằng anh lấy tay che mắt con em lại, dúi đầu nó vào vai mình. Cả tâm hồn thơ dại của hai đứa nhỏ cũng đã nổ tung theo quả mìn ấy.

Nổ mìn là việc thường ở đây thôi, hậu chiến tranh mà, Nhà nước vẫn rất cố gắng dò mìn, cảnh báo bà con chú ý an toàn. Nhưng biết sao được, trước khi an toàn thì cũng phải no đã, trời kêu ai nấy dạ. Chỉ tội cho hai đứa nhỏ không biết phải sống làm sao.

Mọi người xung quanh giúp nó gom lại những mảng thịt vụn, rồi đắp một u đất lên thành cái mộ đơn sơ, nhưng không ai biết chữ để giúp nó ghi một tấm bia. Anh em nó quỳ dưới đất ngẩn ngơ nhìn cái mộ nhỏ trước mặt, chỉ trong một khắc, anh em nó thành mồ côi!

Trong căn nhà lá ọt ẹp cũng chỉ có mấy cắc để lo tiền nhang đèn, cha mẹ nó chết trẻ, chỉ mới ngoài 30, chẳng có nổi một tấm ảnh để thờ cúng cho đàng hoàng. Thằng anh vì dỗ em mà đêm nào cũng gần như thức trắng, con bé nó khóc trong mơ, miệng lắp bắp gọi cha mẹ, làm lòng thằng anh đau không thể tả, đêm nào nó cũng ôm em len lén lau nước mắt. Từ một thằng nhóc tinh nghịch ham chơi, bây giờ mặt mày nó u ám, hai con mắt lờ đờ, rõ cả vùng thâm vì thiếu ngủ, mệt mỏi ốm yếu như mấy thằng nghiện rượu trong vùng, tính cách cũng ù lì ít nói hơn. Bữa thì nó dẫn em ra sông ra đồng mò cua bắt cá, bữa lại dẫn ra chợ lượm những củ khoai sùng người ta vứt đi, ai thương thì cho nó đôi ba hào, ít cân sắn, cân khoai, anh em nó cúi đầu khoanh tay cảm ơn rối rít.

Nhà nó vốn không phải người ở đây, mà là miền Trung du, cha nó thứ ba nên người ta kêu anh Ba, họ Lương tên Khiêm, còn nó là Lương Nhất Uy, con em tên Lương Y Nhàn. Năm đó, nạn đói năm 45 còn chưa dứt lại tiếp tục mất mùa đói kém, còn lũ lụt liên miên. Miền bắc được giải phóng nhưng miền nam vẫn đang rơi vào tay bọn Mĩ Ngụy, phức tạp và hoảng loạn. Cha nó xuất thân là một nhà văn nghèo, nghe loáng thoáng vùng sông Mê Kong này dễ sinh sống, đất đai màu mỡ, địa chủ lại tốt bụng nên cả nhà đã khăn gói đến đây, giờ cha nó phải cuốc đất chả khác gì nông dân. Mới vài ba năm sung túc giờ chỉ còn lại 2 anh em nó. Đúng là thế sự vô thường, chẳng biết trách ai.

Bẵng đi 2 năm sau, cuộc sống cũng chỉ leo lắt, thằng Uy năm nay đã 12 tuổi dắt con Nhàn cùng đi gặt lúa thuê cho người ta. Nhưng thằng Uy thương em, chỉ để em nó đợi dưới bóng râm, hôm nào chủ dễ thì con Nhàn theo sau mót ít lúa, nhưng cũng chẳng đủ sống là bao. Vài ngày gần đây con Nhàn bệnh mãi không khỏi, cứ hầm hập sốt cả đêm, cuộn mình trên cái giường tre xập xệ, gần sáng mới yên ổn ngủ được chút. Thằng Uy trông em, ngẫm lại mới hiểu được cảnh làm cha làm mẹ khó đến mức nào. Nghĩ lại những ngày trẻ dại cứng đầu, làm cha mẹ buồn bã mà lòng nó hối hận khôn nguôi. Từ ngày cha mẹ nó gặp nạn, nó chả ngủ được là bao, từng cơn ác mộng chiều hôm đó cứ đeo bám cả giấc ngủ, giày vò tinh thần. Ngó xuống thấy con Nhàn đã mơ màng ngủ, nó đẩy cái cửa lá, bước ra sân, nằm xuống nền đất ngửa mặt lên trời. Bầu trời lấp lánh những ánh sao, làm nó nhớ những ngày trời nóng, cả gia đình nó cũng hay ra sân nằm, 2 anh em nó nằm giữa, cha mẹ ôm nó vào lòng, xoa đầu, hôn lên trán nó. Tiếng cười khúc khích của hạnh phúc vang đều đều trong đêm. Mọi thứ đã qua hết rồi, như chớp mắt, không kịp có một chút phòng bị nào, anh em nó đã thật sự mồ côi! Không có cha mẹ có lẽ là điều đáng thương nhất trên đời, sẽ chẳng còn ai ru nó ngủ, vỗ về lưng nó, ôm nó vào lòng, răn dạy những điều trái phải, đúng sai. Không còn ai đút nó từng muỗng cơm, chải từng sợi tóc, hôn nhẹ vào những nơi mà nó thấy đau. Nó nhớ quãng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi trước đây, nó muốn được quay về vòng tay của cha mẹ, bị mắng cũng được, bị đánh cũng chả sao, chỉ cầu xin một điều đừng để anh em nó ở lại. Bây giờ nó đang đau lắm, tay, chân, cả tim nữa nhưng không còn ai nữa rồi! Từng cơn đau xót, nhớ thương trong lòng cứ như vậy dâng lên, tràn ra khóe mắt. Nó xoay người nằm nghiêng lại ôm chặt lấy đầu gối mà nức nở. Cơn gió mang theo hơi lạnh quét qua người nó, hong khô đi vệt nước nhòe trên má, lay động những tán lá. Tiếng ve mùa hè vang vọng nghe như lời bài hát mẹ ru văng vẳng bên tai:

Mồ côi...,
Tội lắm ai ơi....
Đói cơm, khát nước,
Biết người nào lo...

Cứ như vậy nó thiếp đi lúc nào không biết. Lúc bị tiếng ho của con Nhàn đánh thức, một góc nhỏ bầu trời đã ửng màu, thằng Uy gom chút tiền hôm qua gặt được, chạy ra chợ mua chút gạo nấu cháo cho em. Nó nhắm mắt nhắm mũi cố gắng chạy thật nhanh, cái chuông bạc ở cổ chân đong đưa từng nhịp, tiếng leng keng nho nhỏ theo nó suốt cả con đê. Tay nắm chặt mấy hào cỏn con, nó đâm đầu bán mạng mà chạy. Bỗng trước mắt chợt lóa, nó nghe tiếng còi xe hơi ting ting nhưng không thắng kịp. Trong đầu nó chỉ còn một mảng trắng xóa chả kịp nghĩ ngợi gì.

Rầm!!

Nó đập thẳng vào chiếc xe hơi màu đen bóng kia rồi ngã uỵch xuống đất, đầu óc quay cuồng.
Mơ mơ màng màng nghe được giọng nói của ông bác đã hơn 40.

- Ông chủ, cậu cả, đụng trúng đứa nhỏ rồi làm sao đây?

Sau đó, tai dần ù lên, chả nghe thấy họ nói gì nữa, nhưng thằng Uy vẫn cố gắng mở mắt, bò dậy, lòng bàn tay nắm chặt không buông mấy hào lẻ, lảo đảo đứng lên. Trên vai đau nhói, ở khuỷu tay cũng truyền đến cơn ê ẩm đau nhức. Nó cắn răng nhịn xuống, em nó còn đang đợi nó về. Ông bác đến đỡ, vô tình chạm phải cánh tay bị thương, nó nhịn không nổi A một tiếng đau đớn. Nó ngước mặt lên thấy có 2 người đứng đối diện mặc quần áo của người Tây, bộ com-lê một đen một xám đứng cạnh nhau, thiếu niên độ chỉ tầm 16, tóc vuốt ngược, người phát ra mùi thơm gay mũi, nhìn là biết nó gây ra họa lớn rồi. Nó có mót lúa 10 năm cũng không đủ đền một vết xước, đành lẳng lặng cúi đầu lí nhí xin lỗi, hồi hộp đợi trả lời. Người đàn ông mặc chiếc áo xám độ chừng cũng đã gần 50 bước đến, liếc mắt qua chiếc xe, khóe miệng cong cong, xoa xoa cái đầu xe hơi bị biến dạng nói:

- Đầu cứng đấy nhóc con.

Rồi người đàn ông đó bước đến gần nó, nói:

- Thôi không sao, cháu chắc gãy tay rồi, lên xe bác chở đi trạm xá.

Thấy người lạ đến gần, thằng Uy theo phản xạ lùi ra sau 1 bước rồi lắc lắc đầu tỏ ý không cần. Thiếu niên mặc áo đen kia bước đến, chìa lòng bàn tay mặt nó, nở nụ cười nhẹ, nói:

- Không sao đâu, đừng sợ.

Thằng Uy ngước lên nhìn, người trước mắt rất đẹp với mái tóc không quá dài vuốt ngược ra sau, để lộ đường nét gương mặt thanh thoát trắng nõn, mũi cao, môi mỏng, mày kiếm xếch lên, đôi mắt sáng ngời, đặc biệt còn có một nốt ruồi nhỏ ở lệ đường rất hút mắt. Y nở một nụ cười, đôi mắt cong lên lấp lánh, hàm răng trắng đều như ngọc lộ ra. Y nói:

- Ta không lấy tiền của em đâu. Em vội đi đâu đấy, ra chợ à?

Lúc này nó mới nhớ ra, khẽ gật đầu.

- Vậy, em lên xe ta chở em xuống chợ, em như này không đi được đâu.

Bàn tay của y vẫn lịch sự chìa ra, không có ý định thu về. Lại nói, thằng Uy đang vội, em nó còn đang ở nhà một mình, chần chừ một lát rồi gật nhè nhẹ, thiếu niên trước mặt tiến một bước nắm lấy bàn tay be bé của nó, dìu lên xe.

Đây là lần đầu nó được ngồi trên chiếc xe sang trọng như vậy, nhưng nó chỉ thấy ngột ngạt, áp lực. Nó cứ liên tục nhìn ra cửa để mong ngóng xuống xe. Thiếu niên thấy bộ dạng bồn chồn, lo lắng của nó liền hỏi:

- Sao thế, đau hả?

Nó lắc đầu.

- Trông thấp thỏm vậy, ta không bắt đền em đâu.

Nó khẽ mấp máy môi nói: " Có em gái đợi ở nhà. "

Thiếu niên kia ồ một tiếng rồi lại hỏi: " Tay em đang cầm gì đó? "

- Dạ tiền mua gạo.

- Xòe ra ta xem.

Nó hơi rụt rè, bàn tay run run chìa đến trước mặt y xòe ra, chỉ có vài xu và một tờ giấy 5 đồng bị vò lại thành cục, nhăn nhúm đến thảm thương. Thiếu niên kia nhìn rồi gật đầu. Bỗng chiếc xe đang chạy êm lại xốc lên, thằng Uy không kịp phòng bị nảy lên một cái, theo quán tính lấy tay vịn lại, chạm phải vết thương đau tới mặt trắng bệch, trán lấm tấm mồ hôi. Thiếu niên kia thấy thế liền đỡ lấy vai nó, lo lắng hỏi:

- Có sao không? Đi trạm xá nhé?

Nó vẫn cứ lắc đầu. Ngẩng lên chạm phải ánh mắt không hài lòng của thiếu niên trước mặt, trong lòng có chút hoảng loạn. Trên làn da trắng muốt, đôi mày y hơi nhíu lại, cặp mắt phượng dài cũng theo đó mà biểu lộ vẻ không vui mang chút lo lắng. Sau khi cơn đau giảm dần, thằng Uy mới khó khăn nói mấy câu:

- Em gái bệnh, ở một mình, em phải về sớm.

Tuy không hài lòng lắm nhưng y cũng không muốn ép buộc đứa nhỏ làm gì.

- Ừm lát ta bảo chú Tư đưa em về.

Cả không gian yên tĩnh, chỉ còn tiếng động cơ vang trong đêm.

Hoàng Lập nhìn chiếc chuông bạc đung đưa theo nhịp của động cơ, hơi đăm chiêu. Lát sau, Hoàng Lập cất tiếng, ánh mắt dời sự chú ý lên gương mặt hơi lem luốt của thằng Uy:

- Trong gia đình còn ai không?

Thằng Uy trầm ngâm một chút, lắc đầu.

Ánh mắt y trở nên phức tạp. Không gian lần nữa trầm xuống. Lát sau, y nói:

- Ta tên là Hoàng Lập nhà ở cuối con đường này, sau này em đổi ý, em cứ hỏi đường đến nhà ta. Em tên gì?

- Dạ Uy,... Nguyễn Nhất Uy.

Nó đáp, hơi ngắt quãng.

- Tên hay nhỉ! Ta nhớ tên em rồi.

Nghe y khen, mặt nó đỏ bừng, hồng đến cả vành tai, còn cậu cả Lập cứ nhìn nó cười cười làm thằng Uy càng xấu hổ, mặt nóng ran, nó nhìn ra cửa kính thấy đã đến chợ, nó nôn nóng khẽ lay lay tay áo của cậu Lập, ý muốn ngừng xe. Cậu cũng hiểu ý mà nói chú Tư ngừng trước một sạp gạo, thằng Uy định xuống xe đã bị cậu giữ tay kéo lại, lắc lắc đầu. Chú Tư biết ý cậu cả, đi xuống mua 1 bao gạo đủ cho 2 đứa nhỏ ăn cả quý. Thằng Uy hơi khó hiểu nhìn Hoàng Lập, còn cậu thì tỉnh như sáo, cười cười xoa đầu nó:

- Coi như ta bồi thường cho em, khi nãy ta lỡ lời. Em không nhận, ta sẽ áy náy lắm đó nhóc con. Mua thêm chút sữa nhé, trẻ con nên uống nhiều vào cho mau lớn.

Thằng Uy còn đang mơ màng nhìn đôi má lúm nở rộ trên nụ cười của y, hai mắt y cong cong như vầng nguyệt nó vừa ngắm ban nãy, cả đôi mắt cũng sáng lấp lánh như những vì sao. Khi nó thôi ngẩn người thì chiếc xe đã bắt đầu chạy, theo quán tính ngã ra sau một chút, tinh thần cũng nhờ đó mà tỉnh táo hơn. Nó không nhìn cậu nữa, cúi đầu lặng im không nói, cha nó từng dạy rằng không nên nhận không của ai cái gì, nếu không cả đời này con sẽ luôn mắc nợ người đó.

Chiếc xe vòng lại con đường cũ. Mỗi người đều có cho mình những tâm tư riêng.

Muốn về được nhà phải băng qua vài cánh đồng, xe hơi không thể đi được, chú Tư đành ngừng ngay chỗ ban đầu, bước xuống mở cửa giúp thằng Uy. Thằng Uy định leo xuống thì bị Hoàng Lập giữ lại. Y nhìn nó, ngập ngừng nói:

- Nhà ta đang thiếu gia nhân hầu hạ, em...?

Thằng Uy hơi bất ngờ, cha y ông Hoàng Thái ngồi ở ghế trước cũng không khỏi nhíu mày. Không cần nghĩ ngợi, Nhất Uy từ chối ngay lần đầu tiên. Nó lắc đầu, nói: " Em cảm ơn cậu, em sẽ trả lại đầy đủ số gạo này. " rồi xuống xe.

Chú Tư thuê giúp nó một anh nông dân đang ra đồng để vác gạo giúp, cậu cả Lập vẫn luyến tiếc đứa nhỏ này, ngoái đầu nhìn mãi.

Thằng Uy đứng đó, đợi chiếc xe khuất dạng mới quay đi...
Chiếc xe lăn bánh, ánh mắt cậu cả cũng tiếc nuối không rời, nhưng y không mảy may để ý rằng, đôi tay be bé kia của thằng Uy không còn nắm chặt nữa.

Dọc đường về, anh nông dân cứ tấm tắc khôn nguôi về chiếc xe, anh biết đó là xe của ông Hoàng Thái - địa chủ giàu nhất vùng này. Mảnh đất mà anh em nó đang ở cũng là của cha mẹ nó xin thuê từ ông. Năm đó cả gia đình nó dắt díu nhau đến nhà ông, cha nó bế nó trên tay, lúc đó còn chưa có con Nhàn, cũng đã gần 10 năm trôi qua rồi.

Năm đó mất mùa nặng, cả làng ai cũng u sầu, ngày nào nó cũng nghe tiếng cọt kẹt của vỏ lon chạm vào nồi. Nhớ có lần nó thấy mẹ nó ngồi đếm gạo, rồi thở dài. Nó biết nhà mình hết gạo, thế là nó lén chạy ra chợ, núp ở gốc cây xa xa chăm chăm nhìn sạp gạo của người ta, trong đầu tính toán đợi thời cơ thích hợp. Hôm đó nó trộm thành công cả một nón gạo, hí hửng chạy về khoe với mẹ, kết quả bị đánh một trận, bắt mang ra sạp trả lại rồi xin lỗi người ta cả tiếng đồng hồ. Trong thâm tâm nó có chút oán hận, nó hờn dỗi tự nhủ lòng có lấy được cũng sẽ không cho cha mẹ biết nữa, nó sẽ chia cho các bạn hàng xóm ăn cùng. Trẻ con đâu biết sợ, nó luôn nhìn sự việc một cách ngây ngô, đơn giản, nhưng người lớn thì khác. Càng lớn, người ta càng có xu hướng thu mình lại, con người tiến hóa để nhận lấy thương đau, rồi nhận ra phần ký ức đẹp đẽ còn sót lại trong tâm hồn đáng quý đến nhường nào. Cá tính, ương ngạnh của bản thân đã bị cuộc đời mài giũa, thậm chí bị đập thành trăm mảnh như thằng Uy. Đôi lúc nó vẫn trách cha mẹ nó tại sao phải bỏ quê, phải đến đây...
Nếu không đi có lẽ số phận sẽ khác....

Hối hận luôn là điều muộn màng sau những quyết định.

------------






Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro