Cực Đông 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đoạn từ Vạn Giã về Đầm Môn không xa, nhưng khi đến nơi thì trời cũng không còn sớm, việc đợi chờ đã ngốn của tôi hết nửa buổi chiều nên phải nhanh chóng tìm chỗ nghỉ chân. Vừa lăn bánh đến Đầm Môn tôi đã để ý có vài nhà nghỉ ngay ngã tư lớn, do đó trong bụng cũng yên tâm phần nào. Từ ngã tư tiếp tục đi thẳng sẽ gặp khu cảng, mặc dù quy mô lớn nhưng hình như đã xuống cấp rất nhiều. Rẽ sang phải, tôi ung dung chạy lòng vòng xã, xuyên qua nhưng ngôi nhà cấp bốn khá xập xệ, được xây san sát nhau. Số lượng nhà khá dày đặc so với diện tích nhỏ tạo cảm giác không biết là ấm cúng hay tù túng nữa... Càng vào sâu đường sá càng hẹp và xấu hơn, nhất là các khu sát biển. Dừng lại bên một khu bờ kè, tôi thử vận may kiếm host để tá túc và tìm kinh nghiệm chinh phục cực Đông. Host thì không thấy nhưng trên các kênh mạng, nhân vật chú Hai Châu có vẻ được nhắc đến nhiều nhất. Lấy được số điện thoại, tôi liên hệ ông.
-    Chú đang đi công chuyện rồi con giờ con ra lại "Km số 0" rồi rẽ vào phía sau trạm biên phòng...

Tôi nghe được tới đó đành vâng vâng dạ dạ rồi quay trở lại ngã tư lớn, hỏi người dân chỗ "Km số 0" rồi chạy ngược lại một đoạn khá xa. Đến nơi tôi mới nhận ra khu vực này rất ít người, không có căn nhà nào hai bên đường cả, xung quanh chỉ là nhưng đồi cát triền miên. Lâu lâu mới thấy một chiếc xe máy chạy ngang, tôi cũng không dám làm phiền họ để dò đường. Tôi lại gọi cho ông:
-    Chú ơi con tới nơi rồi mà không thấy trạm biên phòng nào hết chú!
-    Nó nằm ngay đó mà tới đó rồi gọi chú ra rước.
Ông chú có vẻ đang bận việc nên trả lời lấp lửng rồi vội vã cúp máy. Lúc này trời cũng sập tối, tôi bắt đầu mất kiên nhẫn nhưng vẫn cố tìm đường, dù gì nếu qua đêm ở nhà chú, rồi hôm sau chú dẫn đi cực Đông luôn thì đỡ một phần chi phí. Chỗ đang đứng thì không có hy vọng hỏi đường, do đó tôi phóng đại vào một ngã ba cũng cỡ lớn, phía bên đó lấp ló các bóng đèn vàng. Đoạn này một bên vẫn là những cồn cát nối tiếp nhau, nhưng phía còn lại là các ao đào để nuôi thuỷ sản. Tôi rẽ xuống con đường toàn đá và sỏi, dốc và hẹp. Hai chân tôi không để trên xe nữa mà buông hẳn xuống đường, hai tay thì nhấp thắng liên tục, mặc dù dốc không cao lắm nhưng đường rất trơn, trời lại tối, sơ suất một chút là ăn hành. Hết dốc có vài căn nhà nhưng nằm hơi sâu nên tôi tấp vào một căn ngay sát đường. Nghe tiếng xe nên một anh từ trong bước ra:
-    Có gì không em?
-    Dạ anh có biết đồn biên phòng nào gần đây không anh?
-    Có mà xa lắm! Em đi đâu giờ này? Đến đó làm gì?
-    Dạ em đi chơi, dạ em tìm người dẫn ra cực Đông, em hỏi chú dẫn đường thì chú kêu ra đó.
-    Em đi một mình hả?
-    Dạ một mình à anh!
-    Đi chơi mà đi một mình? Thôi tối rồi không chê thì ngủ lại với hai anh em anh nè! Sáng mai tính tiếp.
-    Dạ vậy anh cho em ngủ nhờ một đêm nha anh! Em cám ơn anh!
Vấn đề trước mắt là chỗ ngủ, còn chuyện khác sáng mai tính cũng được. Nói là nhà cho sang chứ thực chất chỉ là bốn bức tường lợp mái tôn và một gian ọp ẹp nối dài đằng sau. Tôi dắt xe để gọn bên hông nhà, anh kia đã ngủ say từ bao giờ phía trong, anh thì nằm đung đưa trên cái võng dây thừng cột ngang trên hành lang phía trước nhà. Anh kêu tôi cất đồ đạc rồi tắm rửa. Tôi rón rén để gọn đồ một góc, quyết định không tắm bởi làm biếng và cũng không dơ gì nhiều (haha).
-    Ăn gì chưa?
-    Dạ chiều em ăn rồi anh. - Lúc ở Vạn Giã tôi có làm một lúc hai tô bánh canh cá rồi.
-    Nãy hai anh em có uống mấy lon, mà giờ anh hơi đói bụng không ngủ được. Thôi để tao chở mày đi xuống chợ kiếm gì ăn, sẵn đi chơi luôn!

Anh vừa nói vừa đứng dậy mặt áo rồi dắt xe, không để tôi kịp ú ớ gì hết. Leo lên chiếc xe cà tàng, do thân hình khá đồ sộ của anh cộng thêm tôi ngồi sau nên cái xe có vẻ "không quen". Hai anh em phải dùng chân đẩy thêm để lên dốc ra lại lộ lớn.
-    Anh tên Mốc, ở đây ai cũng biết anh hết á! Nhà anh ở xã, vợ con anh ngủ ở nhà á! Anh và em họ ngủ ngoài đây canh ao tôm.
-    Dạ anh! Em ra đây để đi cực Đông.
-    Ừ anh có quen thằng bạn chuyên gia dẫn người đi cực Đông, yên tâm mai anh kêu nó dẫn em đi.

Tôi nghe vậy thì mừng lắm, cảm ơn anh ríu rít. Anh chở tôi ra lại ngoài xã, đi lòng vòng không có gì ăn no nên anh rủ ăn trứng vịt lộn, rồi dắt tôi uống sinh tố. Đúng thật mọi người ai cũng biết anh, tôi lại có cảm giác như lúc ờ Vĩnh Hy, rất thích! Đi từ quán này sang quán nọ nhưng anh cũng không hỏi nhiều về tôi. Đối với tôi, anh không có sự phòng bị gì cả, đơn giản như một người anh, dắt đứa em đi ăn vậy thôi. Lúc đó tôi không nghĩ được nhiều, chỉ biết mình rất ngại...

Chở tôi về, trên đường anh còn hí ha hí hửng chỉ nhà anh. Lúc gần tới anh chạy thật chậm, tôi và anh cùng ngó vào, nhà sáng trưng, chị vợ và sấp nhỏ cùng chơi đồ hàng. Khi thấy mình sắp bị phát hiện, anh mới rồ ga chạy thật nhanh tỏ vẻ khoái chí lắm. Về đến nhà anh liền gọi cho chị vợ bảo sao giờ này còn thức với giọng điệu hóm hỉnh. Rồi anh giục chị cho con ngủ sớm, không quên dặn dò kiểm tra cửa nẻo kỹ càng. Xong anh quay sang tôi:
-    Tao ngủ cái võng này quen rồi! Mày thích thì nằm cái võng này ngủ với anh, không thì vô phòng mà ngủ nhen! - Anh vừa nói vừa chỉ tay sang cái võng kế bên.
-    Dạ em ngủ ngoài đây cho mát.

Nhà không còn mền, tôi chui vào túi ngủ của mình rồi nằm lên cái võng dù kế anh. Chưa đầy năm phút anh đã ngáy o o, riêng tôi cứ mãi ngắm lên bầu trời cao vút, đung đưa trên võng mà hưởng thụ cái lạnh ban đêm trong khi cơ thể được cuộn trong túi. Móc điện thoại ra xem, vẫn không thấy cuộc gọi nào từ ông chú, điều này làm tôi đỡ áy náy hơn, yên tâm mà đi ngủ. Ngoài kia tiếng động cơ của mấy cái máy đập nước vẫn kêu đều đều...

Tôi tỉnh giấc khi hai anh đang dang dở công việc thường nhật. Anh Mốc đang ngụp lặn ngoài ao để dọn thức ăn thừa. Lặn xuống với cái thùng rỗng, rê nó sát đáy ao, lúc sau đã đem lên cơ man nào là xương cá, cặn, bùn. Anh còn lại đem đi đổ thành đống chắc là ủ để làm phân bón. Cả hai cứ thế cho đến khi dọn sạch ao. Sau đó bật máy bơm để thay nước cho ao. Vì tôm ưa nước sạch, nếu không đảm bảo cho nước trong ao đủ tiêu chí, chúng sẽ chết hết. Để có nước sạch, anh phải bỏ chi phí rất lớn để đào giếng ở ngoài biển dẫn vào ao. Cộng với hệ thống điện đóm, máy móc, tua-bin,... nếu so với việc ngăn lưới gần bờ để nuôi tôm như anh trên đảo Điệp Sơn thì ở đây công phu và tốn chi phí hơn rất nhiều. "Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", anh bảo vậy đó nhưng ngày mai thương lái vô thu, đêm nay nó bị nhiễm bệnh chết nửa ao là bình thường.
-    Chết như vậy thì vớt lên vứt hết chứ ai rảnh đâu mà lựa ra. Còn đỡ tức hơn là bị tụi nó ép giá! Anh thua mấy lần rồi, lỗ cũng bạc tỉ. Nhưng nhà anh cũng thuộc hạng đại gia nhất nhì cái vùng này. Chị anh bả bỏ cá làm thức ăn cho tôm nguyên cái vùng này mà. Nên anh phải ráng phấn đấu theo đến cùng. - Anh cười hà hà.
-    Ổng coi vậy chứ là công tử đó mày! Haha. Ông em họ vừa cười vừa hất mặt sang phía ông anh to bự, đen nhẻm.

Xong việc, anh Mốc tắm rửa cho sạch mớ sình bùn, anh kia thì vô bếp làm đồ ăn. Nói là làm đồ ăn cho oai, thực chất là cho nguyên một mớ cá biển cùng khoảng chục con tôm vào nồi hấp. Cá thậm chí còn không cần phải moi ruột.

Dọn ra bàn cùng với chén nước chấm, trông đơn giản nhưng hải sản tươi ngon nên rất nhanh hết cơm (haha). Xong xuôi anh Mốc gọi điện cho một anh bảo là có thằng em cần người dẫn đường ra cực Đông. Sau đôi ba câu, anh cho tôi số điện thoại của anh kia rồi kêu tôi tự liên lạc. Hai anh lại tiếp tục công việc của mình, tôi thì liền gọi cho anh kia:
-    Dạ em đang muốn trekk cực Đông, khi nào thì mình đi được vậy anh?
-    Nếu em rảnh thì đầu giờ chiều mình đi luôn, ngủ lại ngoài đó một đêm, sáng ra check in cực Đông rồi về. Em thấy sao?
-    Dạ được anh!
-    Em có mang theo đồ dã ngoại không?
-    Dạ có túi ngủ được không anh?
-    Ok em vậy hẹn em 1h ở ngay ngã tư xã nha!
-    Dạ anh.

Vẫn còn sớm, tôi vô chào hai anh rồi đi bộ lòng vòng quanh khu vực này. Cứ tưởng khu này hẻo lánh, nhưng không phải vậy, hướng ra biển, cuối đường có một ngôi chùa nằm chễm chệ. Chính điện vẫn còn đang xây cất, nhưng khuôn viên chùa thì đã hoàn thành đâu vào đó cả rồi. Khác với Cổ Thạch với lối kiến trúc mang hơi hướng phong kiến xưa, chùa Thiên Ân này mang cốt cách hiện đại hơn rất nhiều. Mặc dù vậy vẫn giữ được sự uy nghiêm, thanh tịnh nơi của Phật.
Hữu duyên được gặp cảnh chùa,
Chắp tay vái lạy nguyện cầu điều may.

Các pho tượng hết thảy đều nhìn ra biển, từng cái ghế đá, xích đu cũng được tính toán bố trí thích hợp để đón gió, tạo không gian thoải mái để nghỉ ngơi. Tôi ngồi đó hóng gió và ngắm sóng biển mà lòng bình yên đến lạ. Hồi lâu sau, tôi mới tiếp tục công cuộc khám phá của mình. Hết khu nuôi thuỷ sản là một bãi tắm nhỏ xinh khá lý tưởng. Xung quanh người ta cũng đã dựng vài khu chòi gỗ cùng với các bè cá để đón khách du lịch. Lâu lâu cũng có vài chiếc ô tô chạy vào, không biết là hành hương hay là đi nghỉ mát...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro