Cực Đông 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hơn 12h trưa, tôi lên xe ra lại ngã tư xã, không quên hẹn gặp lại hai anh vào ngày mai. Đến nơi, anh porter đã chờ sẵn, rồi ra hiệu gửi xe vào nhà nghỉ, mua thêm 3 lít nước, vài ly mỳ rồi hai anh em lập tức khởi hành cho kịp trời tối. Mặc dù không có chút ý niệm gì về đoạn đường sắp phải vượt qua, nhưng với dáng vẻ gấp rút của anh, tôi hiểu nó sẽ không dễ dàng gì.

Anh đi trước, tôi theo sau băng qua đường, tiến ra đồi cát phía trước mặt. Cát ở đây trắng và mịn, rất lý tưởng để chơi môn bóng chuyền, nhưng đó là khi ở cạnh bãi biển vào sáng sớm hoặc buổi chiều tà. Còn với môn trekking vào lúc 1h trưa, nó là một cực hình. Tuy chỉ mới khởi hành nhưng tôi đã có cảm giác chùn chân, "chùn" theo đúng nghĩa đen. Đôi dép cao su dành để đi mưa với cái đế rộng chà bá cũng không giúp tôi tránh khỏi việc bị lún xuống mớ cát nóng hổi. Cứ thế tốc độ di chuyển cứ chậm dần đều, trong khi cái nắng thì như đang đổ lửa. Tôi nhanh chóng lấm tấm mồ hôi, còn anh vẫn bình thản bước như không có gì xảy ra. Thấy tôi có vẻ không ổn, anh gợi ý:
-    Em đi bằng gót ấy!
Quả thật nãy giờ theo quán tính tôi cứ tiếp đất bằng mũi chân, do đó dễ lún mà cát nóng thì cứ được thể lùa vào dép rất khó chịu. Di chuyển bằng gót chân dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi mừng rơn như vừa giải được bài toán khó, lấy lại "phong độ", tôi không khó để theo sát anh.

-    Em là gì với anh Mốc vậy, trông em lạ với nghe giọng hình như không phải người ở đây?
-    Dạ em ở Sài Gòn, tính nhờ chú Hai Châu dẫn đi cực Đông nhưng tìm không ra nhà, hỏi đường ảnh xong ảnh kêu ngủ lại luôn chứ em đâu có bà con gì với ảnh đâu anh. - Tôi thuật lại câu chuyện hôm qua.
-    À ra vậy! Chú Hai là bác của anh á. Anh tên Sử, hồi xưa cũng lông bông lắm, rồi chú có nhiều khách cần đi ra cực Đông nên kêu anh cùng làm porter, riết rồi giờ anh theo nghề này luôn.
-    Tính ra cũng bùng binh dữ quá anh! Em tính nhờ chú Hai dẫn ai ngờ lại gặp anh. Mình đi vậy khoảng bao lâu thì tới vậy anh?
-    Nhanh cũng bốn tiếng đó em, còn chậm thì tới tối lận. Hên là em không mang giày đó! Đoạn này xỏ giày mà không biết cách đi, đi được chút lại cởi giày đổ cát thì tốn thời gian lắm. Đoạn này cần phải đi nhanh tại mau xuống sức lắm!

Phải công nhận sa mạc cát này vô cùng khắc nghiệt. Cả hai vừa nheo mắt vừa di chuyển, chênh lệch nhiệt độ lớn khiến hình ảnh phía trước như bị bẻ cong. Vất vả lắm mới leo lên ngọn đồi đầu tiên, nhưng anh bảo vẫn còn một ngọn nữa mới thấy biển. Cứ thế chúng tôi như hai kẻ du mục, không nghỉ chân vì có muốn nghỉ cũng không được, không hề có bóng râm. Suốt gần hai tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng chinh phục được đoạn sa mạc được đánh giá là vất vả nhất của cung đường. Thành quả là trạm dừng chân vô cùng lý tưởng: Một quán nước nhỏ ven biển, được che phủ kín bởi các cây dứa biển lâu năm, cùng với một dòng suối trong vắt không biết từ đâu chảy ngang qua, dăm ba con vật nuôi khiến nơi đây như thiên đường nơi muôn trùng cát trắng. Trên cao nhìn xuống quán cứ như một ốc đảo thu nhỏ, khiến ai nấy cũng không khỏi sung sướng, chỉ muốn lao thật nhanh để hưởng thụ ngụm nước mát lành và thứ bóng mát mà nãy giờ cơ thể đang thiếu thốn. Tôi không giấu nổi niềm vui mà cười phát ra thành tiếng, gương mặt nhăn nhúm bỗng trở nên sáng rỡ. Anh cũng thế, chúng tôi không ai bảo ai liền sà xuống thật nhanh.

Dường như đã quá quen, cô chủ mang ra hai ly nước chanh, chúng tôi nhất trí gọi thêm hai ly mỳ để nạp năng lượng. Mỗi người một võng, ba người cùng trò chuyện:
-    Sao nay dẫn có một em vậy Sử?
-    Dạ đúng ra có thêm hai đứa nữa ở ngoài Bắc đi xe lửa vào, nhưng con không biết sao tối qua tới giờ không liên lạc được nên con dẫn em này đi thôi.
-    Ủa vậy còn hai bạn nữa hả anh?
-    Ừ nhưng chắc tụi nó huỷ rồi, anh gọi không được.
-    Tiếc quá! Không là em có người share tiền rồi. Haha.

Dáng người gầy gòm, dong dỏng cao, gương mặt hơi khắc khổ, cô chủ tỏ ra rất thân thiện và hiếu khách. Vì chẳng mấy khi có người lạ ghé qua, trừ những kẻ muốn chinh phục cực Đông thiêng liêng của Tổ quốc như tôi chẳng hạn. Với chất giọng miền Trung đặc, cô và anh hỏi han nhau nhưng câu chuyện mà cả hai mới rõ. Về những lần đi đánh cá của chồng cô, tình hình sức khoẻ của hai vợ chồng và cuộc sống của mấy đứa con. Tôi vừa nghe vừa lim dim ngủ, quả thật với khung cảnh này mà không ngủ thì thật phí của trời (hehe). Cả anh Sử cũng nghĩ như vậy thì phải, tôi có cảm giác như anh cũng chợp mắt một chút trước khi gọi tôi dậy để tiếp tục di chuyển.

Sau khi rửa mặt để tỉnh táo, chúng tôi leo lên một con dốc khá đứng ở phía bên kia con suối. Lưng chừng dốc là một ngã ba, anh Sử bảo vốn dĩ có thể chạy xe máy từ đường nhựa vào tới đây, nhưng con đường đã hư hỏng nhiều, cộng thêm mùa này đi rất khó khăn vì cát lún nên đi bộ có khi còn nhanh hơn. Cách ngã ba không xa xuất hiện một cánh cửa gỗ, dùng để chặn không cho bò đi vào vì phía trước đã là rừng rậm. Nguyên cả chặng sa mạc thiếu thốn bóng mát, thì đoạn trước mặt tôi lại quá thừa thãi. Chúng tôi băng qua đoạn ven rừng, là những cây tầm thấp nhưng mọc khá dày đặc, chúng che phủ hầu hết các lối đi. Đi chút lại thấy các lối rẽ, mà lối nào cũng có các nhành cây được buộc dây đỏ, xanh, tím, vàng,... để làm dấu của những người đi trước để lại. Anh nói vô rừng dễ lạc lắm, chỗ này không có sóng, có la bàn cũng chưa chắc đi đúng đường. Bằng chứng là anh đã chứng kiến nhiều cảnh đi lạc, rồi được người ta tìm thấy trong tình trạng không thể tệ hơn. Đoạn này độ ẩm cao, lại dễ va quẹt vào các cành cây, rồi bọn muỗi rừng cứ thi nhau tìm cách bâu bám để hút máu rất khó chịu. Mặc dù đang là mùa nắng nhưng rong rêu ở đây vẫn phát triển tốt, chúng mọc đầy trên các thân cây mục nát, rồi tràn lan cả xuống đường, di chuyển không cẩn thận rất dễ trơn trượt.

Hơn một tiếng sau, chúng tôi đã đặt chân đến bãi Rạng, cảm giác ra khỏi rừng rậm đón không khí biển thật sảng khoái. Lúc này nước ngọt của cả hai đã sử dụng hết, anh tìm đến một cái giếng. Chúng tôi hì hục kéo những gàu nước trong vắt từ dưới lên, vừa uống vừa rửa ráy cho đã cơn ngứa ngáy, khó chịu nãy giờ. Sau khi rót đầy các chai nước, tôi dạo chơi xung quanh, còn anh đi thăm mấy cái bẫy dong. Thông qua anh, lần đầu tiên tôi được biết đến con dong và cách bắt chúng. Nó giống như con rắn mối ở quê tôi, nhưng dài hơn nhiều, chuyên sống vùng đất cát và là đặc sản dọc biển miền Trung. Người ta thiết kế một nan tre uốn cong rồi buộc dây như thòng lọng để bẫy dong. Không biết có hiệu quả hay không nhưng mấy cái bẫy anh đi thăm không thấy dính con nào?

Không biết sao nhưng từ nhỏ đến lớn tôi vui khi thấy người ta câu ... không có cá, bẫy ... không dính thú và bắn ... không trúng chim. Tôi ghét cảm giác bị vào tròng, trong khi bản thân không làm hại ai và tôi tin chúng cũng biết đau và biết hận. Hồi bé có lần tôi còn cố ý phá một lũ lưu manh khi chúng đang hăm he bắn một chú chim. Chim bay được mà tôi cũng chạy thục mạng, đúng là hành động của tấm chiếu mới mang tên tôi (haha). Bất chợt một con dong từ cái lùm cây chạy băng qua chúng tôi. Cái dáng chàng hảng hối hả của nó khiến tôi không khỏi phì cười.

Chúng tôi lại tiếp lục leo, lần này là những ngọn đồi ngay sát biển. Chỉ còn một lối đi duy nhất, thoáng mát và sáng sủa khiến tâm trạng sảng khoái hơn rất nhiều, không thấy mệt mỏi mà chỉ thấy hào hứng. Do đi khá nhanh nên lúc này hẵng còn sớm, cả hai cứ thong thả vừa đi vừa buôn chuyện:
-    Thấy cái bụng anh không? Trước nó bự lắm đó, đi riết mà giờ nó xẹp còn có nhiêu đây nè. - Anh vừa nói vừa xoa xoa bụng trông rất buồn cười.
-    Dạ anh! Thấy đường đi vất vả quá mà, anh đi quen nên thấy bình thường còn em theo trưa giờ nhiều lúc hụt hơi.
-    Nhiều đoàn trekking ra, xong lại thuê thuyền chở về, mà chi phí mắc lắm, phải đi nhiều người mới kham nổi.
-    Dạ mai mình đi bộ về bình thường ha anh, em vẫn còn sức. - Tôi quả quyết.
-    Thấy mấy vách đá dưới kia không? Hồi xưa có một nhóm sinh viên mang theo đủ đồ nghề, muốn chinh phục cực Đông theo đường leo đá. Sau mấy ngày liền vật lộn, cả đám thất bại. Bốn đứa mà có một đứa mém toang luôn, cũng may có chú Hai thấy được rồi cứu tụi nó. Sau này tụi nó trả ơn bằng cách viết bài báo về chú. Từ đó chú nổi luôn.
-    Dạ thì ra là vậy!
Độ thực hư của câu chuyện dĩ nhiên là ngoài tầm kiểm soát của tôi. Tuy vậy cũng chẳng ai quan tâm làm gì, thưởng thức nó như một món ăn tinh thần khiến chuyến đi của tôi phong phú hơn rất nhiều.

Chúng tôi nghỉ chân sau khi bị con dốc cao bào mòn sức. Mỗi người ngồi lên một thân cây, anh cởi cái nón tai bèo đã thấm đẫm mồ hôi, tôi cởi phăng cái áo để vắt cho ráo. Đoạn còn lại không còn xa, lượng nước thì dư giả nên cả hai nốc lấy nốc để rồi thư thái tận hưởng không gian tĩnh lặng của núi rừng. Đi kiểu này cũng vui, mặc dù nặng về mặt chi phí (porter tính tiền theo chuyến, không quan trọng đi một người hay mười người), nhưng thoải mái và tự do hơn, nhất là được nghe những câu chuyện hay ho từ người dẫn đường.

Chợt có một anh đội chiếc mũ tai bèo như anh Sử nhưng dáng người cao to và khuôn mặt thư sinh sau gọng kính đang leo về phía chúng tôi với vẻ gấp gáp. Tuy vậy anh vẫn vẫy chào khi bắt gặp chúng tôi với chất giọng miền Bắc trầm ấm. Hoá ra anh ra đây chỉ để chụp vài tấm hình làm kỷ niệm chứ cực Đông thì anh đã đi vài lần rồi. Vào thời điểm này chỉ có chạy mới ra khỏi rừng cho kịp trời tối. Anh vội chia tay chúng tôi rồi tiếp tục đi băng băng. Nhìn cách anh ta di chuyển cùng với đôi giày đã sờn rách, chúng tôi biết mình vừa gặp dân chuyên rồi (haha).

Chúng tôi đến nơi khi trời vẫn còn sáng, lúc này chỉ mới 6h. Anh bảo giờ này trời tối rất nhanh, đi ra tới chóp cực Đông cần phải nhảy đá ghềnh, không khéo rất dễ té gây nguy hiểm. Do đó chúng tôi chuẩn bị để ngủ lại ở một bãi cỏ nằm ngoài rìa đám cây bụi rậm rạp, nơi phải đi qua để đến bãi đá vào sáng mai. Anh trải tấm bạt lớn ra giữa thảm cỏ, kê lên vài cục đá ở bốn góc rồi bày tất cả đồ đạc lên phía trên. Tối nay chúng tôi "phơi mình dưới gió sương", không cần phải dựng lều gì cả vì mùa này oi bức.

Trong khi cả hai đang loay hoay nhóm bếp thì bỗng phía bụi cây có tiếng sột soạt rồi tiếng nói cười ngày một lớn cho tới khi hai "ông thần" xuất hiện:
-    Oa có người nè mày! – Ông đi trước reo lên.
-    Vậy là tối nay chúng ta có bạn rồi haha. – Ông đi sau cũng hưởng ứng.
Chúng tôi nhanh chóng làm quen, thì ra hai anh chàng này chính là người cho anh Sử leo cây. Hai người quyết định đi theo bản đồ thay vì thuê người dẫn đường.
-    Tụi em bị lạc đường, cũng may gặp được anh Ngũ tận tình chỉ đường nếu không hai đứa bây giờ không biết ở nơi nào. – Anh Ngũ mà cả hai nhắc tới chính là anh mà hồi nãy chúng tôi có gặp.
-    Mấy đứa may mắn đó! Nhiều người suýt bỏ mạng ở khu này rồi. – Anh Sử không tỏ ra giận hai anh chàng kia gì cả, chỉ thấy vui lây khi cả hai vẫn an toàn.

Chúng tôi chia nhau đồ ăn, thức uống, hai anh chàng mang rất nhiều trái cây và bánh ngọt, tôi và anh Sử thì mỳ gói và xúc xích. Cả bốn người vừa ăn vừa trò chuyện bên bếp lửa phập phồng. Một ông đang học sĩ quan ở Bình Dương, về Bắc thăm nhà rồi tranh thủ đi chơi. Ông kia thì đang trên đường vô Sài Gòn tìm việc làm. Cả hai rủ nhau đi cực Đông cho biết với thiên hạ. Tôi cũng lò dò hỏi về văn hoá và lối sống của người miền Bắc vì sắp tới đây, tôi phải tiếp xúc nhiều với họ...

Cả hai đều cởi mở và vui tính, chúng tôi quyết định sẽ cùng nhau di chuyển trên chuyến về. Chia tay một ngày khá mệt mỏi, chúng tôi "đầu sát bên đầu", cùng chia nhau chiếc túi ngủ để đắp...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro