Điệp Sơn 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trước khi chia tay home, tôi kịp "độ" cho cái balo đằng sau một tấm nylong dạ quang, phần che mưa, phần tạo chút điểm nhấn. Trở lại con đường Trần Phú quen thuộc, rẽ vào khu Triệu Quang Phục, tôi ghé vào quán bánh canh chả cá mà hôm qua có hỏi đường. Mặc dù cả người hỏi lẫn người chỉ dường như không hiểu ý nhau mà câu chuyện chuyển chủ đề từ hỏi đường sang tự sự cuộc đời lẫn tư vấn tâm lý. Dẫu sao đó cũng là kỷ niệm khó quên. Chậc, hôm nay ăn bún bò vậy, cả hai món đều rất ngon lành. Chào thân ái cô chủ, tôi lại lên đường ra Đầm Môn, tiến ra cực Đông như kế hoạch.

Đường Phạm Văn Đồng tiễn tôi chia tay Nha Trang, đổ ra lại quốc lộ 1A. Giai đoạn lên ý tưởng xuyên Việt, chặng đầu tiên của hành trình sẽ là men theo biển từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tôi muốn ngắm nhìn vùng biển của đất nước mình xuyên suốt qua các tỉnh. Cũng chính vì vậy mà không ít lần tôi chọn đi đường vòng, chẳng hạn như lần này. Rẽ vào quốc lộ 26B rồi đánh một vòng thay vì đi tiếp quốc lộ 1A. Trông có vẻ ngớ ngẩn nhưng nó cũng chẳng thấm vào đâu bởi cả chuyến đi này của tôi đã là một sự ngớ ngẩn với nhiều người rồi. Mặc dù vậy có câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Lần này tôi có dịp đi ngang qua một làng bè. Không ít xe du lịch ghé để thưởng thức hải sản, có lẽ đây là một trong những giải pháp cho vấn đề đồ ăn vừa mắc vừa không được tươi ngon ở Nha Trang.

"Thẳng tiến ra Đầm Môn thôi! Nhưng mà gượm đã!"Ở thị trấn Vạn Giã có gì hay hay nè: "Đảo Điệp Sơn". Cái bản tính ham chơi của tôi trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhất là hụt đảo Phú Quý ở Phan Thiết một lần. Đêm nay tôi chọn ra đảo ngủ vậy. Và câu chuyện về đảo Điệp Sơn xin được phép bắt đầu: "Tèn ten, nổi nhạc lên nào!"

Mở đầu câu chuyện đã chứa yếu tố ly kỳ, gay cấn với nội dung tìm đường ra đảo và mang gì ra đảo. Kế bên khu cảng, hành loạt quầy bán vé với cùng một lời mời: "Điệp Sơn đi mấy đứa ơi!". Tôi chọn đại một quầy, mua vé, thuê lều, gửi xe và... chờ thời. Lịch cano chạy trên tấm vé là cú lừa cực mạnh với người mua. Tôi khai trương có vẻ đắt khách, bằng chứng là xuất hiện thêm một nhóm cũng bắt đầu "chờ thời" chung với tôi. Mãi tận hôm sau tôi mới biết "thời" tới khi mà cano gom đủ khách cho lượt về ở ngoài đảo. Nhưng đó lại là câu chuyện lâm li bi đát của tôi vào hôm sau, còn hiện tại, chúng tôi hết ăn mỳ, uống nước mía, nằm ngửa, nằm ngang, hỏi han nhưng đều nhận câu trả lời: "Sắp rồi!". Đó hẳn là câu trấn an đầy uy tín. Cuối cùng thì cano cũng vác xác nó về, mang theo vài mạng trên đó, tưởng rằng mình sắp được đi, cả đám như mò được vàng. Té ra cano của chủ khác, cả đám được phen hụt quẻ. Cuối cùng thì chiếc cano thuộc về chúng tôi mới mò tới, thành quả của việc chờ đợi gần hai tiếng đồng hồ.
Tiếp theo là phần nội tâm nhân vật chính. Tôi đứng giữa hai lựa chọn: Tham gia cùng nhóm kia hoặc là đánh lẻ. Ông chủ cano khuyên tôi nên ghép đoàn, vừa vui vừa an toàn. Mãi hôm sau tôi biết ông muốn dễ quản lý khách, sợ tôi có chuyện gì thì toi và dễ gom đủ người cho chuyến về lại đất liền. Nhưng đó lại là câu chuyện của hôm sau, còn hôm nay, tôi đã lỡ giới thiệu đây là chuyện ly kỳ nên dĩ nhiên là tôi đánh lẻ.

Ngồi trên cano của ông chú hấp dẫn hơn chơi mấy trò cảm giác mạnh ở Đầm Sen nhiều. Nhất là mấy pha "cưỡi lên sóng" mém lật luôn cái cano. Cả đám đứa hét đứa la không biết vì sợ hay vì thích thú. Riêng tôi câm như hến tận hưởng mấy pha "drift sóng" kinh điển khi mà nước biển phun sương lên người. Còn ông chú thì ngầu lòi kiểu: "Tụi mày yên tâm nhà tao ba đời lái cano!". Cứ thế chúng tôi được dìu dắt vào bến.

Sở dĩ Điệp Sơn gần đây được khai thác du lịch mạnh mẽ bởi con đường cát trắng phau nổi trên biển, nối liền hai bên. Một bên có một nửa diện tích là dân thôn Điệp Sơn sinh sống, nửa còn lại đã được đầu tư vào du lịch. Bên còn lại gần như là bỏ hoang bởi chỉ có độc một dãy nhà sàn đã xuống cấp để phục vụ cho khách từ đất liền. Ông chú bỏ chúng tôi lại bên "đảo hoang" đó bởi đơn giản "khu vực" của ai thì người nấy sống.

Đến nơi, nhóm bạn kia mỗi người một việc chuẩn bị cho một đêm quẩy banh càng. Còn tôi tay xách nách mang, lủi thủi đi tìm chỗ cắm trại. Ở cái đảo hoang này, dường như không thể tìm được chỗ nào lý tưởng cả, bởi địa hình toàn là đá gồ ghề nên tôi quyết định đi qua phía bên kia, tiện thể tận hưởng cảm giác đi trên biển luôn.

Con đường được mệnh danh là "thuỷ đạo" độc nhất vô nhị với muôn vàn hình ảnh ảo lòi ở trên mạng khiến tôi ngẩn tò te. Vẫn là ẻm nhưng tang hoang hơn rất nhiều, cát trắng phau không còn mà chỉ là một con đường đầy sỏi. Tình hình này dẫu nước biển có rút thêm nữa, con đường có lộ ra rõ hơn cũng khiến người ta vỡ mộng mà thôi. Cũng may lúc này nước biển chỉ ngập đến mắt cá chân cho nên vẫn còn di chuyển được. Ít nhất tôi cũng được trải nghiệm cảm giác thần thánh đi từ hòn này sang hòn khác bằng thuỷ đạo rồi, không có gì phải luyến tiếc cả.
Trên đường, vài người đang mải mê bắt ốc. Có hai người dường như là mẹ con đang tập trung công việc. Tôi từ xa đi tới, thấy họ cũng dòm dòm mình nên tới nơi tôi bắt chuyện bằng một câu không thể nào tự nhiên hơn:
- Mình bắt gì vậy cô ha?
Cả hai vẫn tiếp tục mò mẫm, dường như thích giác họ đang trong trại thái không hoạt động để thị giác làm việc cao độ hơn. Hoặc họ bật chế độ "phớt lờ" người lạ, nhất là thằng ngáo ngơ như tôi chẳng hạn. Chẳng biết nữa, chỉ biết tôi đứng hình mất năm giây, quê chữ ê kéo dài. Đi tiếp thì từ chữ quê chuyển thẳng sang chữ nhục rồi, nhưng mà nghĩ đơn giản hơn thì chắc họ đang mệt không muốn nói chuyện, với cả đang trùm kín mít nữa rảnh đâu mà ngước lên rồi kéo khăn xuống trả lời mình. Độc thoại nội tâm suốt vài trăm mét, tôi lại hỏi một cô khác, lần này chắc cô đang rảnh nên bảo:
- Ốc len đó con, ký có 10 ngàn à!
- Dạ.
Đi tiếp một đoạn tôi bắt gặp hai người đang giăng lưới cá.
- Khu nước nông này cũng có cá để bắt hả anh?
- Có chứ em nó leo dòng nước giữa hai đảo nè, dễ bắt mấy con lớn lắm.
- Dạ.
Phía bên kia đường, cũng một khu nhà gỗ với kiểu cách thường thấy để phục vụ du lịch, nhưng nom có vẻ được trang trí tỉ mỉ hơn và có vài khu dành cho dân sống ảo. Tội gọi một tô mỳ hải sản, vừa nghỉ mệt vừa ung dung ngắm buổi chiều tà. Mặt Trời dần buông xuống, mang theo cái oi bức về bên kia bán cầu. Lúc này chiếc cano cũng gom đủ khách để làm chuyến cuối cùng trong ngày trở về đất liền. Cả khu nhà chỉ còn tôi và anh phục vụ. Đột nhiên không muốn cắm trại ở khu này, tôi lại mò sang khu dân chài cách đó chừng cây số. Dọc theo bờ biển có hai anh cũng vừa đi bắt cá về, họ dùng dụng cụ giống như cây đinh ba. Người thì xâu mấy con cá và vài con mực vào dây, móc lên cây đinh ba rồi treo vắt vẻo phía sau, anh kia thì cho hẳn chiến lợi phẩm vào lưới. Cả hai vừa đủng đỉnh về làng vừa trò chuyện rôm rả. Hai anh còn kêu tôi theo sau, chỉ cho đường tắc vào làng, chứ đi dọc theo bờ biển thì xa lắm. Đó là một đường bê tông khá hẹp, hai bên cây các loại cây thân cỏ mọc cao hơn đầu, lâu lâu có mấy cái nền nhà đã bỏ hoàng từ lâu. Con đường ấy dẫn thẳng vào làng, ở đây nhà người nào người nấy rào lại hết và dường như nhà nào cũng có một cái sân cát rộng rãi. Đương nhiên là không được quy hoạch nên mấy con hẻm cũng xoạc ngang xoạc dọc không theo trật tự gì cả. Từ biển nhìn vào là bờ cát khá rộng rãi, rồi đến làng chài, sau lưng ngôi làng đã là vách núi. Chắc chắn trên núi không có nơi dựng lều, nên tôi thơ thẩn ra lại khu bờ biển để kiếm chỗ thích hợp... Đang loay hoay cân nhắc thì một anh chắc là đang đi dạo biển tiến đến hỏi thăm:
- Làm gì ở đây vậy em?
- Dạ em kiếm chỗ dựng lều.
- Em đi một mình hả?
- Dạ em đi một mình.
- Thôi về nhà anh tắm rửa ăn uống gì đi! - Anh ngẫm nghĩ một chút rồi đề nghị.
- Dạ thôi anh em vừa ăn rồi. Em cám ơn anh!
- Ngại cái gì nhà anh ngay đây nè! Ghé chơi, tắm rửa ăn chén cơm rồi thích dựng lều thì ra đây dựng nè! - Anh hết chỉ chỉ về phía nhà anh, rồi lại chỉ chỉ chỗ bằng phẳng mà cao ráo cho tôi.
- Dạ vậy em cám ơn anh nha!
Tôi ngoan ngoãn theo sau anh. Nhà anh nằm ngay sau một dãy nhà "mặt tiền" nhìn ra biển. Trước nhà có hai cây sanh nên anh bảo lần sau có tới chơi thì kiếm cũng dễ (haha). Nhà anh còn ba mẹ, vợ anh và mấy đứa em gái. Cả nhà không tỏ gì là ngạc nhiên khi thấy tôi cả, điều đó làm tôi đỡ ngại phần nào.
- Nó dẫn mấy nhóm về rồi nên nhà này quen rồi con! Thoải mái đi, con cất đồ ở đây nè! Cất đi rồi ra tắm cho mát! - Cô nhà vừa cười hiền hậu vừa nói.
- Dạ. - Nói thật tôi chẳng biết phải thế nào chỉ biết vâng dạ, cười trả lễ và răm rắp làm theo.
Tắm táp xong tôi được gọi ra bàn đá phía trước, ngồi chơi, tán gẫu với anh và chú. Còn vợ anh và cô nhà đang làm cá để đem đi phơi khô. Hai đứa em gái của anh làm gì cả buổi tôi cũng không rõ, chỉ biết hai đứa làm ở Nha Trang, hai tháng mới về nhà một lần. Vợ anh là giáo viên, anh và gia đình theo nghề chài lưới truyền thống, ngoài ra còn có vài ô tôm gần bờ. Trò chuyện nhiều nhưng chủ yếu là những câu hỏi từ phía tôi, một đứa không biết từ phương trời nào đến, lần đầu tiên đặt chân lên đảo hiển nhiên mọi thứ với tôi đều lạ lẫm.

Nhờ có con đường "thuỷ đạo" mà du lịch Điệp Sơn đã từng rất phát triển. Dân đầu tư về đây không ít. Điển hình là hai căn bỏ hoang ở ngay trước nhà, được hai anh chàng ở Bình Dương bỏ tiền tỷ ra để mua, làm quầy bán hàng. Lúc này giá đất ở đây sốt lên thấy rõ, các ông tay to nước ngoài còn muốn mở cả casino trên biển ở khu Bắc Vân Phong này.

Nhưng dự án đó nghe chừng không được thông qua. Lại thêm năm 2017 hứng chịu nhiều cơn bão lớn chưa từng có, con đường thuỷ đạo bị dập tơi tả khiến cho làn cát trắng bị cuốn đi mất, để lộ ra lớp sỏi phía dưới làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Điều này khiến cho cơn sốt du lịch ở đây hạ nhiệt hẳn. Lượng khách ít ỏi khiến nhiều người không còn đủ kiên nhẫn. Hai chàng đành để lại số điện thoại cho chú, nhờ trông coi hộ hai cái nền nhà giờ không đáng giá bao nhiêu.

Chú kể năm đó nhà cửa ở đây tốc mái hết nhưng may mắn ở thôn này không bị thiệt hại về người. Rồi chú chỉ qua hòn đối diện, hướng ra phía biển Đông, bên đó thì có vài người vì tiếc của, không chịu vào nhà mà khư khư ở ngoài bè, mặc cho đài đóm người ta cảnh báo hết cả rồi nên phải bỏ mạng. Thiên nhiên thật khắc nghiệt, tôi chợt nghĩ mà rùng mình.

Cả nhà vừa tám vừa đợi một người hàng xóm đi thuyền về, người này chắc cũng là họ hàng với gia đình anh. Về đến anh này cho cả nhà nguyên một thùng cá có chừng hơn chục ký, có cả cua trong đó nữa. Cô nhà và chị vợ anh thoăn thoắt lựa những con to nhất đem đi hấp, số còn lại cho tôm ăn. "Tôm ăn còn ngon hơn cá con mua ngoài chợ nữa á cô!", tôi nghĩ bụng. Với mọi người việc ăn hải sản tươi rói thế này chỉ là chuyện thường ngày. Còn với tôi, sống ở thành thị lâu năm dẫu có tiền cũng chẳng thể nếm được mùi vị con cá con tôm vừa mới chài được. Vậy mà đêm nay tôi có dịp thưởng thức sự tươi ngon như vậy đấy, ai mà ngờ được chữ ngờ?

Ăn tối xong cũng đến lúc cả thôn tắt điện. Lúc này tôi mới biết nhà nước cấp cho thôn một máy phát điện, mọi người góp tiền mua xăng dầu để duy trì máy hoạt động, do đó điện ngoài đây người ta sử dụng có giờ có giấc hẳn hoi. Điều lý thú nhất mà tôi thấy được ở đây là mùa này hầu như mọi người không ngủ trong nhà. Anh bảo tôi cất cái lều đi, rồi kêu tôi vác cái võng ra ngoài biển ngủ với anh. (Mô tả sơ: cái sườn võng được lắp ghép từ các thanh gỗ lại với nhau, tưởng tượng như cái võng xếp thường thấy nhưng thay vì thanh kim loại thì này là thanh gỗ và đương nhiên là không xếp được). Tôi vừa đi vừa chấm hỏi liên tục. Khi chúng tôi ra đến bãi cát, mọi người trong thôn dường như đã kéo ra đây cả rồi. Hàng chục cái võng xếp dọc theo bờ biển, có người chỉ mang mỗi cái chiếu và đã trùm chăn kín mít. Cảnh tượng trước mắt tôi còn độc nhất vô nhị hơn cả con đường xuyên biển mà người ta hay nhắc về Điệp Sơn.

Đu đưa trên võng, mở mắt là đã có thể ngắm vô vàn ông sao đang chớp tắt, phía dưới là sóng vỗ rì rào, xung quanh từng con gió nhẹ nhàng mang hơi lạnh từ biển vào. Không gian cực kỳ phóng đãng, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng hào phóng vô cùng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro