CHƯƠNG BỐN: NHÀY VÀO VÒNG CHIẾN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những  cuộc  tranh  luận  và  bút  chiến  mà  các  bài  phóng  sự  và  quyển  sách  của  tôi  đã  gây  ra  trong  các  giới,  trong  đó  bà  PHB  và  tôi  đều  có  dự  phần ; sự  tố  giác  và  bênh  vực  các  đồng  tử  Holmes; và  những  cuộc  bình  luận  sôi  nổi  kéo  dài  về  khoa  Thần  Linh  Học  trong  báo  giới  Âu-Mỹ,  đã  đưa  đến  vài  hậu  quả  thuận  lợi,  trong  đó  có  hai  điều  quan  trọng  là :

         1._  Việc  trình  bày  những  quan  niệm  Huyền  Môn  của  Đông  Phương,  làm  cho  thế  giới  Tây  Phương  phải  chú  ý;  và

         2._  Việc  khai  sinh  ra  hội  Thông  Thiên  Học  thế  giới.  Sự  thành  lập  Hội  Thông  Thiên  Học  không  phải  là  do  phép  mầu  của  các  Chân  Sư  theo  những  chuyện  bịa  đặt  láo  lếu,  mà  chỉ  là  do  hậu  quả  tự  nhiên  của  những  giai  đoạn  diễn  biến  tuần  tự,  như  độc  giả  sẽ  thấy  trong  những  thơ  từ  mà  chúng  tôi  viết  cho  các  báo  trong  những  thuở  ban  đầu,  và  trích  lục  vài  đoạn  dưới  đây.  Những  chi  tiết  có  vẻ  khô  khan,  nhưng  có  tầm  mức  quan  trọng  như  những  tài  liệu  lịch  sử.

         Như  đã  nói  trước  đây,  sự  công  kích  có  tính  cách  tự  quảng  cáo  của  bác  sĩ  Beard,  một  vị  lương  y  chuyên  khoa  chữa  trị  bằng  điện  ở  New  York,  nhằm  vào  các  đồng  tử  Eddy,  và  sự  tuyên  bố  láo  rằng  ông  ta  có  thể  tạo  ra  những  hiện  tượng  đó  “với  những  đồ  y  trang  rẻ  tiền  chỉ  tốn  chừng  ba  đô  la”,  đã  làm  cho  bà  HPB  phẫn  nộ  đến  mức  bà  đã “lột  da  sống”  ông  ta  trong  một  bức  thơ  trả  lời  nẩy  lửa  đăng  trên  nhật  báo  Graphic,  và  thách  đố  ông  ta  dám  đánh  cuộc  năm  ngàn  đô  la  ăn  thua  với  bà  về  sự  việc  trên.

          Chính  việc  ấy  đã  làm  cho  quần  chúng  Mỹ  lần  đầu  tiên  biết  đến  tên  tuổi  bà.  Lẽ  tự  nhiên,  có  sự  kết  bè  thành  hai  nhóm  đối  lập : nhóm  Thần  Linh  Học  và  các  đồng  tử  theo  về  phe  bà  HPB , còn  những  kẻ  chống  đối,  nhất  là  các  nhà  bác  học  có  khuynh  hướng  duy  vật,  thì  đứng  về  phía  những  người  ủng  hộ  bác  sĩ  Beard.  Kẻ  thủ  lợi  trong  việc  tranh  chấp  này  lại  chính  là  ông  Beard,  vì  đó  là  một  mánh  khóe  có  tác  dụng  quảng  cáo  cho  tên  tuổi  ông  và  khoa  điện  y  của  ông  với  kết  quả  quá  mức  dự  liệu.  Các  nhật  báo  Mỹ  đều  bình  luận  về  bức  thơ  khiêu  khích  nẩy  lửa  của  bà  HPB  chống  bác  sĩ  Beard.  Bà  cũng  đã  trả  lời  các  báo,  do  đó  tên  tuổi  của  bà  càng  ngày  càng  vang  dội  khắp  nơi  khi  cuộc  tranh  luận  càng  kéo  dài.

         Như  đã  nói  trước  đây,  bà  đứng  trên  lập  trường  của  một  nhà  Thần  Linh  Học,  không  những  tin  tưởng  mà  còn  BIẾT  RÕ  rằng  những  trí  lực  “nhiếp”  vào  các  đồng  tử  để  giáng  ngôn  giáng  bút,  làm  các  hiện  tượng  hữu  hình,  và  hiện  hình  toàn  diện  hoặc  cục  bộ,  chẳng  hạn  như  chỉ  hiện  có  những  gương  mặt,  bàn  tay  hoặc  bàn  chân,  hay  những  phần  khác  trong  thân  mình,  tất  cả  đều  là  do  tác  động  của  những  vong  hồn  người  chết,  không  hơn  không  kém.

           Về  sau,  bà  HPB  cho  tôi  biết  rằng  sự  bộc  phát  của  những  hiện  tượng  thông  linh  ở  khắp  nơi,  chính  là  do  Quần  Tiên  Hội  phát  động  như  một  khí  cụ  để  trợ  giúp  cơ  Tiến  Hóa.  Như  vậy,  những  hoạt  động  cơ  bút,  đồng  tử,  không  thể  bị  coi  như  tuyệt  đối  bất  hảo  như  vài  nhà  cực  đoan  Thông  Thiên  Học  đã  tuyên  bố,  vì  theo  chỗ  tôi  biết  về  các  đấng  Chân  Sư,  thì  người  ta  không  thể  quan  niệm  rằng  các  ngài  lại  dùng  một  phương  tiện  hoàn  toàn  bất  hảo,  dẫu  rằng  vì  sự  lợi  ích  của  nhân  loại.

          Trong  số  báo  của  tờ  Daily  Graphic  mà  bà  HPB  đã  gởi  đăng  bức  thơ  chống  bác  sĩ  Beard,  cũng  có  đăng  tiểu  sử  của  bà  do  bà  cung  ứng  tài  liệu  theo  lời  yêu  cầu  của  tòa  soạn.  Bà viết:

       … “Năm  1858,  tôi  trở  về  Paris  và  có  dịp  làm  quen  với  nhà  Thần  Linh  Học  Daniel  Home… Ông  này  đã  cải  hóa  tôi  theo  Thần  linh  Học… Sau  đó,  tôi  trở  về  Nga  và  cải  hóa  cha  tôi  theo  thần  Linh  Học”

            Trong  một  bài  báo  bênh  vực  các  nhà  đồng  tử  Holmes  chống  những  kẻ  đả  kích,  bà  nói  về  Thần  Linh  Học  như “tín  ngưỡng  của  chúng  tôi”,  “lý  tưởng  của  chúng  tôi”; và  ở  một chỗ  khác,  bà  viết:

           “Nếu bọn  Thần  Linh  Học  chúng  tôi  bị  người  ta  chê  cười,  nhạo  bang, chế  diễu, châm  chọc,  chúng  tôi  phải  biết  ít  nhất  lý do  tại  sao?”

           Trong  tờ  báo  Spiritual  Scientist  (Khoa  Học  Tâm  Linh) ra  ngày  8-3-1875,  bà  nói  có  vài  khuynh  hướng  chỉ  rằng  mặc  dầu  tính  cách  chân  thực  thiêng  liêng  của  khoa  Thần  Linh  Học  chúng  ta,  và  giáo  lý  của  những  vị  bảo  trợ  vô  hình  của  chúng  ta (những  vong  linh  khuất  mặt  của  những  họp  đàn),  vài  nhà  Thần  Linh  Học  đã  không  biết  thừa  cơ  hội  đó  để  học  bài  học vô  tư  và  công  bằng.

Đó  là  một  việc  làm  rất  can  đảm,  đầy  hào  khí,  hoàn  toàn  biểu  lộ  cái  đặc  tính  của  bà  khi  bà  nhảy  vào  vòng  chiến  vì  bất  cứ  mọi  lý  tưởng  nào  mà  bà  đảm  nhận  như  cái  chính  nghĩa  của  mình.  Như  đã  nói  trược  đây,  chính  vì  lòng  yêu  tự  do  và  chính  nghĩa  mà  bà  đã  cùng  với  một  nhóm  phụ  nữ  chiến  đấu  trong  hàng  ngũ  của  nhà  ái  quốc  Garibaldi  và  mạo  hiểm  lao  mình  vào  trận  đánh  ác  liệt  ở  Mentana.  Bây  giờ,  khi  thấy  cần  phải  binh  vực  cái  lý  tưởng  Tâm  Linh  để  chiến  đấu  chống  lại  Khoa  Học  Duy  Vật,  thì  bà  chấp  nhận  cả  sự  ô  nhiễm  khi  phải  tiếp  xúc  với  bọn  đồng  tử  giả  mạo,  với  những  loại  âm  binh  bất  hảo,  hay  với  phe  vô  luân  trong  giới  Thần  Linh  Học  chủ  trương  tự  do  luyến  ái  và  thoát  ly  gia  đình.  Không  một  điều  bất  lợi  nào  trong  những  sự  việc  kể  trên  làm  cho  bà  do  dự  dù  chỉ  trong  một  lúc,  khi  bà  thấy  cần  đứng  vào  hàng  ngũ  của  phái  thần  Linh  Học  chống  lại  Duy  Vật  chủ  nghĩa.

          Đường  lối  của  bà  có  thể  bị  vài  người  lên  án,  ngôn  ngữ  của  bà  có  thể  bị  coi  như  hoàn  toàn  đồng  ý  và  chấp  nhận  cái  Thần  Linh  Học  mà  về  sau  bà  đã  lên  tiếng  công  kích  thậm  tệ  không  tiếc  lời.  Nhưng  nếu  lấy  công  tâm  mà  xét  đoán,  người  ta  phải  nhận  định  rõ  cái  tình  trạng  xã  hội  của  thời  bấy  giờ.

          Người  ta  phải  nhận  định  rõ  cái  kiến  thức  sâu  rộng  của  bà,  trên  lý  thuyết  lẫn  cả  thực  hành,  về  những  hiện  tượng  huyền  linh  mà  người  đời  cần  phải  biết  trước  khi  bị  lôi  cuốn  theo  cái  trào  lưu  độc  hại  của  chủ  nghĩa  Duy  Vật.  Nhiều  người  trong  chúng  ta  có  lẽ  đã  dùng  một  ngôn  ngữ  dè  dặt  cẩn  thận  hơn  để  tránh  khỏi  bị  kẹt  vào  bao  nhiêu  sự  mâu  thuẫn  và  rối  rắm  về  sau  này.  Nhưng  trường  hợp  của  bà  hoàn  toàn  khác  hẳn,  bà  là  một  nhân  vật  độc  đáo  trên  tất  cả  mọi  phương  diện,  về  trí  lực  và  quyền  năng  thần  bí,  cũng  như  về  khí  chất  và  về  phương  pháp  tranh  luận.  Một  mục  đích  của  tập  Hồi  Ký  này  là  để  chỉ  rằng,  với  tất  cả  những  sự  thiếu  sót  rất  cận  nhân  tính  và  tật  chứng  ngáo  ngổ  mà  người  ta  có  thể  gán  cho  bà,  bà  vẫn  là  một  nhân  vật  đặc  biệt,  phi  phàm,  một  người  dành  trọn  cuộc  đời  làm  một  công  việc  vĩ  đại  phụng  sự  thế  gian,  nhưng  lại  bị  người  đời  phê  phán  một  cách  mù  quáng  và  vô  ơn  bạc  nghĩa.

                                                  II

          Trong  những  cuộc  thí  nghiệm  riêng  tư  giữa  chúng  tôi  về  những  hiện  tượng  thần  linh,  bà  HPB  đã  chỉ  dẫn  cho  tôi  biết  về  sự  hiện  hữu  của  giới  TINH  LINH  NGŨ  HÀNH.  Nhờ  đó,  tôi  mới  biết  phân  biệt  hai  loại  sinh  vật  khác  nhau  trong  việc  tạo  nên  các  hiện  tượng, là  những  tinh  linh  ngũ  hành  và  những  vong hồn  người  chết.

Vào  khoảng  cuối  năm  1874-75,  nhờ  một  dịp  may  hiếm  có  được  đọc  qua  những  quyển  sách  quý  về  Khoa  Học  Huyền  Môn  tại  thư  viện  Watkinson,  nên  tôi  được  chuẩn  bị  khá  nhiều  về  phần  kiến  thức  để  có  thể  hiểu  những  lời  giải  thích  khẩu  truyền  của  bà  và  những  hiện  tượng  thông  linh  kỳ  diệu  do  bà  tạo  ra  để  chứng  minh  cho  những  lời  giải  thích  đó.  Thời  kỳ  học  hỏi  của  tôi  lúc  ấy  qua  sách  vở,  lời  dẫn  giải  khẩu  truyền  và  sự  quan  sát  các  hiện  tượng,  cũng  đủ  chuẩn  bị  cho  tôi  có  được  một  bản  lĩnh  khá  vững  vàng  về  Khoa  Học  Huyền  Môn  cho  đến  khi  bà  bắt  đầu  công  việc  soạn  bộ  sách “Vén  màn  Isis” và  mời tôi  cùng  cộng  tác.

Khoảng  đầu  năm  1875,  chúng  tôi  bắt  đầu  lưu  ý  đến  tờ  “Khoa  Học  Tâm  Linh”  một  tờ  tạp  chí  tiến  bộ  và  độc  lập  tại  Boston  do  ông  Gerry  Brown  làm  chủ  bút  và  chủ  nhiệm.

          Nhu  cầu  cấp  bách  của  thời  bấy  giờ  là  một  tờ  báo  vừa  được  coi  như  một  cơ  quan  ngôn  luận  của  Thần  Linh  Học,  lại  vừa  có  thể  khuyến  khích  các  nhà  Thần  Linh  Học  hãy  quan  sát  chặt  chẽ  hơn  tác  phong  hạnh  kiểm  và  khả  năng  thông  linh  của  những  đồng  tử  của  họ,  và  hãy  kiên  nhẫn  lắng  nghe  những  lý  thuyết  về  các  vong  linh  ở  cõi  âm  cùng  sự  giao  tiếp  của  họ  với  người  sống.  Những  tạp  chí  khác  cũ  kỹ  hơn  thuộc  loại  này  lại  quá  bảo  thủ,  còn  tờ  báo  của  ông  Brown  dường  như  đang  tiến  bước  bằng  cách  mạnh  dạn  chỉ  trích  những  sự  lạm  dụng  đương  thời.  Một  bức  thơ  của  chúng  tôi  gởi  cho  ông  Brown  dăng  trên  tạp  chí  ấy  ngày  8-3-1875  khởi  đầu  những  mối  liên  hệ  giữa  chúng  tôi,  và  trong  vòng  một  tháng  sau,  y  đã  được  đặt  dưới  sự  chăm  sóc  biệt  đãi  của  những  thế  lực  hỗ  trợ  sau  lưng  bà  HPB.

          Trong  số  tạp  chí  tháng  tư  năm  ấy,  tôi  có  đăng  một  bản  thông  tư  đặc  biệt  với  tựa  đề: “THÔNG  TƯ  QUAN  TRỌNG  CHO  CÁC  NHÀ  THẦN  LINH  HỌC”.  Điều  quan  trọng  của  nó  đối  với    ông  Gerry  Brown  là  lời  hứa  trợ  giúp  bài  vở  và  tài  chánh  cho  y,  còn  đối  với  công  chúng  hâm  mộ  phong  trào  Thần  Linh  Học,  thì  nó  cho  biết  rằng  tờ  tạp  chí  ấy  sẽ  được  sử  dụng  như  cơ  quan  của  một  phong  trào  mới,  nhằm  mục  đích  đặt  khoa  Thần  linh  Học  ở  Mỹ  trên  một  nền  tảng  triết  học  và  trí  thức  hơn  trước,  thay  vì  chỉ  chú  trọng  đến  những  thông  điệp  cơ  bút  và  những  hiện  tượng  tầm  thường,  không  đủ  thỏa  mãn  những  đầu  óc  khoa  học.

          Chính  tôi  tự  thảo  ra  tờ  thông  tư  đó,  tự  sửa  chữa  lấy  bản  kẽm  in  và  tự  đài  thọ  phí  tổn  ấn  loát.  Nói  thế  có  nghĩa  là  ngoài  tôi  ra,  không  một  ai  nhúng  tay  vào  công  việc  này,  hoặc  thêm  bớt  một  chử  nào  trong  bản  thảo,  hoặc  điều  khiển  hành  động  của  tôi  bằng  bất  cứ  cách  nào.  Tôi  viết  bản  Thông  Tư  ấy  để  thi  hành  ý  định  của  Chân  Sư,  ngài  dạy  chúng  tôi  hãy  trợ  giúp  vị  chủ  nhiệm  tờ  tạp  chí  ấy  trong  giai  đoạn  khó  khăn  hiện  tại  bằng  đủ  mọi  cách  về  phương  tiện  tài  chánh  cũng  như  đóng  góp  bài  vở.

            Khi  bản  Thông  Tư  đã  soạn  thảo  xong  và  đem  lên  máy  in,  tôi  hỏi  bà  HPB  trong  một  bức  thơ  rằng  theo  ý  bà  thì  tôi  có  nên  ký  tên  vào  bản  thông  tư  ấy  không.  Bà  trã  lời  rằng  theo  ý  muốn  của  các  Chân  Sư,  thì  nó  phải  được  ký  tên  như  sau: “Thay  mặt  HỘI  ĐỒNG  TIÊN  THÁNH,  PHÂN  BỘ  LUXOR (AI  CẬP )”. Tôi  làm  y  theo  lời,  và  bản  Thông  Tư  được  công  bố.

           Sau  đó,  bà  giải  thích  rằng  công  việc  làm  của  chúng  tôi  được  giám  sát  bởi  một  Ủy  Ban  gồm  Bảy  vị  Chân  Sư  thuộc  phân  chi  Ai  Cập  của  Quần  Tiên  Hội.  Vì  bà  chưa  đọc  qua  bản  Thông  Tư  lần  nào,  lúc  ấy  tôi  mới  cầm  đưa  cho  bà  một  bản  và  bà  bắt  đầu  đọc  một  cách  chăm  chú.  Đọc  xong,  bà  bất  giác  cười  lớn,  và  bảo  tôi  nhìn  xem  những  chữ  cái  khoản  thủ  ở  đầu  câu  của  mỗi  doạn  văn  trong  đó.  Tôi  lấy  làm  ngạc  nhiên  vô  cùng  mà  nhận  thấy  rằng  những  chữ  cái  đó  nếu  đem  ráp  lại  thì  hợp  thành  thánh  danh  của  vị  Chân  Sư  Ai  Cập,  sư  phụ  của  tôi  lúc  ấy.  Sau  đó  ít  lâu,  tôi  nhận  được  một  chứng  thư  viết  bằng  mực  vàng  trên  một  tờ  giấy  xanh,  dầy,  cho  biết  rằng  tôi  được  chính  thức  liên  hệ  đến  cơ  quan  này,  và  đặt  dưới  sự  giám  sát  của  ba  vị  Chân  Sư.

            Trong  những  kinh  nghiệm  huyền  linh  của  tôi  hồi  thuở  ban  đầu,  không  có  gì  gây  một  ấn  tượng  sâu  xa  vào  trí  óc  tôi  hơn  là  những  sự  việc  trên.  Điều  ấy  chứng  minh  cho  tôi  thấy  rằng  sự  chuyển  di  tư  tưởng  giữa  Chân  Sư  và  đệ  tử  vẫn  là  một  việc  xảy  ra  thường  xuyên,  mà  không  gian  không  hề  làm  ngăn  cách,  chướng  ngại.  Nó  cũng  chứng  tỏ  rằng  trong  công  việc  phụng  sự  thế  gian,  người  đệ  tử  thường  được  các  đấng  Cao  Cả  dìu  dắt,  hướng  dẫn  để  làm  những  công  tác  mà  các  ngài  muốn  được  thực  hiện  trong  khi  đó  người  đệ  tử  vẫn  không  hề  hay  biết  chi  cả.

          Trong  toàn  bộ  lịch  sử  hội  Thông  Thiên  Học  thế  giới,  ai  đã  biết  được  có  bao  nhiêu  trường  hợp  mà  mỗi  người  trong  chúng  ta  vô  tình  đã  làm  những  gì  cần  phải  làm,  nhưng  những  việc  đó  có  lẽ  đã  không  được  thi  hành  nếu  không  có  một  ảnh  hưởng  nào  từ  bên  ngoài  đến  thúc  đẩy  chúng  ta?. Và  có  bao  nhiêu  lỗi  lầm  tai  hại  mà  mỗi  người  trong  chúng  ta  đã  làm,  bởi  vì  chúng  ta  được  tự  do  hành  động  theo  những  dục  vọng  cá  nhân,  kết  quả  của  sự  vô  minh,  hèn  kém,  hay  thành  kiến  chật  hẹp  riêng  tư  của  chính  mình?  Người  ta  thường  tự  hỏi  tại  sao  những  vụ  tranh  chấp,  xung  đột,  những  cơn  biến  động  gây  ra  bao  nhiêu  tai  tiếng,  xúc  phạm  đến  thanh  danh  của  Hội,  lại  không  được  các  Chân  Sư  tiên  liệu  trước  và  ngăn  chận  đừng  để  cho  chúng  xảy  ra?  Tại  sao  bà  HPB  không  được  cho  hay  trước  về  những  hành  động  của  những  kẻ  phản  bội,  và  trong  những  cơn  khủng  hoảng  nghiêm  trọng  nhất  của  hội  Thông  Thiên  Học,  không  hề  thấy  có  sự  trợ  giúp  nào,  và  không  có  một  vị  hướng  dẫn  tâm  linh  nào  xuất  hiện?

            Lẽ  tất  nhiên,  những  câu  hỏi  đó  thật  rất  vô  lý.  Các  Chân  Sư  vốn  đã  nắm  vững  định  luật  Nhân  Quả,  không  thể  xử  dụng  chúng  ta  như  những  hình  nộm  để  cho  các  ngài  giật  dây,  hoặc  như  những  con  thú  nhà  đã  được  tập  luyện  cho  biết  làm  theo  ý  chủ.  Các  ngài  không  thể  xử  dụng  chúng  ta  một  cách  máy  móc  theo  những  đường  lối  đã  định  sẵn,  can  thiệp  vào  nghiệp  quả  của  mỗi  người,  và  xâm  phạm  đến  quyền  tự  do  hành  động  của  chúng  ta.

            Vào  một  thời  kỳ  nhất  định,  trong  cơ  tiến  hóa  của  nhân  loại,  có  lẽ  cần  có  một  người  nào  đó  phải  làm,  viết,  hoặc  nói  một  điều  gì  đó,  mà  những  điều  này,  khi  đã  thực  hiện  xong  sẽ  đưa  đến  cả  một  loạt  những  hậu  quả  mong  muốn.  Nếu  điều  đó  không  tạo  nên  nghiệp  quả  bất  lợi  cho  đương  sự,  thì  sự  thúc  đẩy  vô  vi  để  làm  công  việc  cần  thiết  đó  sẽ  được  đưa  đến  cho  y.

         Thí  dụ, vận  mạng  của  thế  giới  nằm  trong  tay của  vài  ba  nhà  lãnh  tụ  hay  nguyên  thủ  quốc  gia  của  một  vài  nước  siêu  cường.  Nếu  một  biến  cố  nhỏ  nhặt  nào  đó  xảy  ra  một  quốc  gia  có  thể  bị  tiêu  diệt,  hoặc  một  triều  đại  trở  thành  một  tai  họa  cho  cả  một  dân  tộc,  hoặc một  thời  kỳ  hòa  bình  và  tiến  bộ  cho  nhân  loại  có  thể  mở  màn. Nếu  trong  giai  đoạn  lịch  sử  đó, một  trong  những  điều  kể  trên  cần  phải xảy  ra  vì  sự  lợi  ích  chung  của  toàn  thể  nhân loại, và  nếu  KHÔNG  CÓ  MỘT  CÁCH  NÀO  KHÁC  để  gây  nên  cơn  khủng  hoảng  cần  thiết,  thì  chừng  đó  sự  gợi  ý  cho  một  vị  lãnh  tụ  ra  tay  hành  động  có  thể  đến  từ  bên  ngoài.

           Đây  là  một  trường  hợp  đơn  giản  hơn,  đã  xảy  ra  trong  lịch  sử.  Trong  khoa  cổ  học  Ai  Cập,  người  ta  đã  đạt  tới  một  trình  độ  mà  sự  tiến  bộ  của  thế  giới  đòi  hỏi  một  cái  chìa  khóa  tinh  vi  hơn  để  đọc  những  cổ  tự  bí  mật  trong  các  Kim  Tự  Tháp.  Thời  giờ  đã  điểm  để  tiết  lộ  thêm  những  chân  lý  thâm  sâu  và  vô  cùng  quan  trọng  hàm  xúc  trong  khoa  cổ  tự  của  nền  văn  minh  cổ  Ai  Cập.  Vì  không  có  cách  nào  khác,  một  người  nông  dân  Ả  Rập  được  gợi  ý  để  cho  y  đào  xới  một  khoảnh  đất  nào  đó,  hoặc  khai  quật  một  ngôi  mả  đá  và  cậy  bật  lên  một  cái  nắp  hòm  đựng  xác  ướp.  Người  ta  tìm  thấy  một  bia  đá  hoặc  một  mớ  lá  chỉ-thảo  có  khắc  cổ  tự,  y  bèn  đem  bán  cho  một  nhà  khảo  cổ,  rồi  người  này  truyền  đến  tay  các  nhà  Ai  Cập  học  uyên  bác  như  Champollion,  Young  hay  Ebers.  Các  ông  này  mới  tìm  thấy  cái  chìa  khóa  đã  mất,  và  nhờ  đó  mới  đọc  được  nhiều  bản  văn  cổ  xưa  vô  cùng  quan  trọng.  Sự  gợi  ý  vô  vi  cho  người  nông  dân  thất  học  đào  xới  lên  những  tài  liệu  cổ  đã  bị  chôn  lấp  từ  lâu,  là  do  bàn  tay  trợ  giúp  của  các  đấng  vô  hình,  tuy  ẩn  tàng  nhưng  luôn  luôn  dìu  dắt  sự  tiến  bộ  của  nhân  loại.

          Xin  kể  một  trường  hợp  cá  nhân  gần  gũi  với  chúng  ta  hơn:  một  ngày  nọ  tôi  được  gợi  ý  đi  mua  một  tờ  báo;  trong  đó  tôi  đọc  thấy  một  chuyện  gì  đó,  nó  thúc  đẩy  tôi  có  một  hành  động  tự  nhiên;  việc  ấy  làm  cho  tôi  tiếp  xúc  với  bà  HPB,  và  bởi  đó  mới  có  hội  Thông  Thiên  Học  ra  đời,  và  những  hậu  quả  do  Hội  này  đem  đến.  Khi  làm  cái  bước  đầu  tiên,  tôi  không  có  công  đức  gì  cả.  Nhưng  nếu  việc  ấy  gây  nên  những  hậu  quả  tốt  lành,  nếu  tôi  đóng  góp  công  lao  sức  lực  để  làm  việc  với  một  tinh  thần  hiến  dâng  nhiệt  thành  và  vị  tha,  thì  chừng  đó  tôi  cũng  được  chia  xẻ  những  nghiệp  tốt  mà  việc  ấy  đem  đến  cho  nhân  loại.

          Có  lần  tôi  thấy  những  người  dân  Tích  Lan  ở  tỉnh  Galle  tranh  nhau  đưa  tay  ra  sờ  vào  những  rổ  thúng  đựng  đồ  vật  thực  của  những  nhà  giàu  đem  đi  cúng  dường  cho  các  sư  tăng.  Hỏi  ra  mới  biết  là  họ  tin  tưởng  rằng  do  lòng  ưu  ái  chân  thành  đối  với  hành  động  bố  thí  của  kẻ  khác,  họ  cũng  được  chia  xẻ  một  phần  công  đức  của  các  thí  chủ.  Tôi  nghiệm  thấy  điều  ấy  rất  đúng,  và  có  ghi  nhận  cái  ý  tưởng  đó  trong  quyển “PHẬT  GIÁO  VẤN  ĐÁP” của  tôi  soạn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro