CHƯƠNG CHÍN: MỘT KHÍ CỤ ĐẶC BIỆT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I

        Xét  qua  những  gì  đã  trình  bày  trước  đây, người  ta  phải hiểu  như  thế  nào  về  việc  soạn  bộ sách  VÉN  MÀN  ISIS, và  về  vai  trò  của  bà  HPB? Đó hiển nhiên  là  một  công  trình  tập  thể, do sự đóng góp của nhiều tác giả khác nhau, chứ không phải chỉ có một mình bà HPB. Sự nhận xét riêng của tôi về vấn đề này cũng hoàn toàn phù hợp với sự giải thích trong những bức thư của bà gởi về cho gia đình. Bà cho biết rằng tất cả những đoạn sách nói về những vấn đề mà trước đây bà chưa hề quen thuộc, đều được một vị Chân Sư đọc cho bà viết, hoặc do Chân Ngã của bà tác động xuyên qua bộ óc và bàn tay bà để viết ra. Vấn đề này thật vô cùng phức tạp, và người ta sẽ không bao giờ biết rõ sự thật về mức độ đóng góp nhiều ít thế  nào của mỗi thành phần tham dự.

           Cá tính của bà HPB là cái khuôn mà tất cả mọi chất liệu đóng góp đều được đổ vào; cái cá tính ấy do bởi những khí chất, đặc điểm và thói tật riêng của nó, tác dộng ảnh hưởng đến phần hình thức và sắc thái biểu lộ của những chất liệu này cả trên phương diện thể chất lẫn tinh thần.

           Những vị Chân Sư luân phiên nhau mượn xác bà HPB chỉ làm thay đổi tuồng chữ của bà, chứ không viết bằng tuồng chữ riêng của các ngài. Cũng y như thế, khi sử dụng bộ óc của bà HPB, các ngài bắt buộc phải để cho nó tô màu những tư tưởng của các ngài, và sắp đặt những lời lẽ ngôn từ của các ngài theo một cách thức cố định đặc biệt của nó. Cũng như ánh sáng ban ngày đi xuyên qua những cửa kiếng màu ở các Nhà Thờ trở nên nhuộm màu của những tấm kiếng ấy, thì những tư tưởng do các Chân Sư chuyển đạt xuyên qua bộ óc lạ lùng của bà HPB cũng phải bị thay đổi uốn nắn theo cách hành văn và cách trình bày tư tưởng quen thuộc riêng của bà.

         Sự đồng thanh khí tự nhiên về phương diện tinh thần trí não giữa vị khuất mặt vô hình và người bị mượn xác càng chặt chẽ mật thiết, thì sự kiểm chế càng dễ dàng hơn, văn chương lưu loát hơn, và bút pháp cũng điêu luyện hơn. Một thí dụ diển hình là tôi nhận thấy rằng những khi bà HPB lâm vào trạng thái nóng nảy đến cực điểm, thì các Chân Sư ít khi mượn xác bà để làm việc trừ ra Sư Phụ của bà, vì ý chí sắt thép của ngài còn mạnh mẽ hơn bà nhiều, còn những vị khác hiền hòa hơn thì luôn luôn tránh né chứ không lại gần.

          Lẽ tự nhiên, tôi hỏi rằng tại sao các Chân Sư không dùng biện pháp thường xuyên chế ngự cái khí chất táo tợn của bà, để làm cho bà luôn luôn trở thành một nhà hiền giả điềm đạm, trầm tĩnh như những khi bà được đặt dưới sự kiểm chế của vài đấng Cao Cả. Tôi được trả lời rằng một biện pháp như vậy chắc chắn sẽ làm cho bà chết bất ngờ vì đứt gân máu trong óc. Thể xác của bà được sinh động bởi một tinh thần dũng mãnh táo cấp, một tính khí bạo tợn không hề bị kềm chế từ khi còn nhỏ, và nếu cái khí lực thặng dư thái quá đó không được để cho có lối thoát ra ngoài, thì điều ấy hẳn phải đưa đến một hậu quả khốc hại.

          Đó là cái khí chất độc đáo của bà HPB, và bà đã có nhiều lần nói với tôi rằng bà không muốn bị chế ngự bởi bất cứ một quyền lực nào trên thế gian hay ngoài Trái Đất! Bà chỉ tôn kính các đấng Chân Sư, tuy nhiên thậm chí đối với các ngài, đôi khi bà cũng tỏ ra cương  cường bất khuất đến nỗi, như đã nói ở trên, những vị có tính chất dịu dàng ôn hòa hơn không thể, hay không chịu, đến gần bà. Bà cũng cho tôi biết rằng việc đặt mình vào một trạng thái tinh thần thích nghi để có thể giao tiếp dễ dàng và thường xuyên với các Chân Sư, đã đòi hỏi ở nơi bà một sự cố gắng tự chủ ráo riết đến mức tuyệt vọng trong nhiều năm liên tiếp. Thật không có ai đã từng bước vào đường Đạo với những chướng ngại khó khăn hơn và một tinh thần khắc kỷ gian lao hơn nữa.

          Lẽ tất nhiên, một bộ óc dễ bị khích động như vậy không phải là một dụng cụ thích nghi để thi hành cái sứ mạng vô cùng tinh tế được giao phó cho bà, nhưng các Chân Sư cho tôi biết rằng đó là cái khí cụ tốt nhất hiện hữu, và các ngài phải tận dụng mọi khả năng của nó với sự cố gắng tối đa. Đối với các ngài, thì bà là hiện thân của sự trung thành và lòng sùng tín, sẵn sàng dám làm và dám chịu tất cả vì đại nghĩa. Bẩm sinh với những quyền năng thần thông thiên phú vượt trội hẳn tất cả mọi người cùng thế hệ với bà, và với một tấm lòng hứng khởi nhiệt thành bốc lửa hầu như đi đến chỗ cuồng tín, bà có đủ đức tính trung kiên, bền vững, nhất tâm bất loạn. Điều này, phối hợp với một sự dẻo dai bền bỉ về thể chất đến một mức độ phi thường, làm cho bà trở thành một khí cụ vô cùng đắc lực, tuy rằng không phải dễ dạy dễ bảo, và có một khí chất bất trắc dị thường.

        Có một lý do tối hậu khác vì sao các Chân Sư không dám kềm chế bà HPB để bắt buộc tính nết bà phải trở nên thuần thục dịu dàngtheo lý tưởng của một vị Hiền giả điềm nhiên và trầm tĩnh. Đó là bởi vì làm như vậy tức là can thiệp một cách bất hợp pháp vào Nghiệp Quả cá nhân của bà. Cũng như mọi người, bà có một số lượng nghiệp duyên ràng buộc do hậu quả của lịch trình tiến hóa của linh hồn. Chính cái Nghiệp Quả đó làm cho bà tái sinh trở lại kiếp này với một xác thân người nữ luôn luôn khích động ồ ạt, và như vậy bà có cơ hội đạt tới sự tiến bộ tâm linh bằng cách phải chiến đấu trường kỳ để làm chủ lấy nó. Nếu các Chân Sư trực tiếp can thiệp vào tình trạng đó bằng cách kềm hãm cái khí chất hung bạo và xóa bỏ những sự thiếu sót khác trong tâm linh của bà, thì việc ấy sẽ rất tai hại cho bà mà không làm cho bà được tiến hóa thêm chút nào: đó chẳng khác nào như đặt một người thụ cảm dưới sự chế ngự thường xuyên bằng ý chí của một nhà thôi miên, hay đặt một người bệnh dưới ảnh hưởng tê liệt trường kỳ của chất ma túy. Có những lúc mà thể xác của bà không được các Chân Sư mượn tạm để làm việc, hoặc trí óc bà không  bận rộn để viết những gì các Chân Sư đọc cho bà viết. Ít nhất là tôi nghĩ như vậy, nhưng đôi khi tôi cũng nghi ngờ rằng không một ai trong chúng tôi, là những người cộng sự với bà, đã từng biết rõ bà HPB trong trạng thái bình thường! Biết đâu chúng ta chỉ có tiếp xúc với một cái xác phàm được sinh động giả tạo, mà linh hồn đã thoát ly đi mất trong trận chiến Mentana khi bà bị tử thương trầm trọng do năm vết đâm hiểm nghèo bằng vũ khí sắc bén, sau đó bà được vớt xác ra khỏi một cái hố sâu và coi như đã chết?

          Giả thuyết ấy không phải là hoàn toàn vô lý, bởi vì có một sự  kiện lịch sử tương tự đã từng xảy ra. Đó là trường hợp của cô Mary Reynold, mà linh hồn đã thoát xác trong khoảng thời gian bốn mươi hai năm, trong khi đó thể xác của cô bị chiếm đóng bởi một nhân vật khác không hề hay biết gì về những kinh nghiệm và ký ức của cô trong mười tám năm qua trước khi có sự thay hồn đổi xác này.

         Còn nói về trường hợp bà HPB, tôi không cả quyết mà chỉ lý luận thôi, vì tôi không dám nói một cách chắc nịch rằng một kỳ nữ như bà là ai. Bà thật là một nhân vật kỳ bí đầy những yếu tố mâu thuẫn trái ngược, tuyệt đối không thể sắp hạng hay phân loại như bất cứ một người nào trong chúng ta là những nhân vật thường tình, đến nỗi vì bản tính thận trọng, tôi phải dè dặt không thể đưa ra một lý luận nào có tính cách đề quyết, khẳng định. Bất cứ điều gì bà đã nói với tôi hay với một người nào khác, đối với tôi thật không đáng kể bao nhiêu, bởi vì đã từng sống chung và cùng đi công tác lưu động với bà những bao lâu nay, và vẫn có mặt trong bao nhiêu những cuộc hội kiến của bà với những người khác, tôi đã từng nghe bà kể những chuyện vô cùng mâu thuẫn về cuộc đời bà. Đó là bởi vì một lý do nghiêm trọng. Một thái độ dễ dãi, cởi mở với người đối thoại có thể làm cho bà vô tình tiết lộ nơi cư trú và bản chất, cá tính của các đấng Chân Sư cho những kẻ thế nhân phàm tục, mà những ý đồ riêng tư, ích kỷ cùng những sự quấy rầy, phiền nhiễu của họ đã từng làm cho các nhà đạo sĩ Yogi phải lánh mình tìm nơi ẩn trú trên non cao rừng thẳm.

         Để giải quyết sự khó khăn ấy, bà đã chọn lấy một lối thoát dễ dàng là tự phát ngôn mâu thuẫn với mình để làm cho tâm trí người đối thoại bị hoang mang mờ mịt. Xin kể một thí dụ: Bà đã có thể nói dễ dàng cho ông Sinnett (Phó Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học) biết rằng khi bà tìm cách đột nhập vào xứ Tây Tạng hồi năm 1854 xuyên qua xứ Bhutan hay Népal, bà đã bị Đại Úy (hiện nay là Thiếu Tướng) Murray, chỉ huy biên khu thuộc địa phận ấy, bắt trở lại và đem về giữ trong nhà làm bạn với vợ ông ta trong một tháng. Nhưng bà không bao giờ kể lại chuyện ấy, và không một ai trong số những bè bạn thân hữu của bà đã từng nghe nói về việc này. Mãi về sau, ông Edge và tôi mới được nghe câu chuyện ấy do chính Thiếu Tướng Murray kể lại vào ngày 3 tháng 3 vừa qua trên chuyến xe lửa từ Nalhati đi Calcutta, và tôi đã cho đăng trong tạp chí của Hội.

           Còn nói về tuổi tác của bà, thì bà kể đủ mọi thứ chuyện, nó làm cho bà lên đến hai mươi, bốn mươi, chí đến sáu mươi và bảy mươi tuổi cao hơn tuổi thật của bà. Chúng tôi còn giữ những thư từ văn kiện về chuyện này do những khách viếng thăm và những phóng viên các báo tường thuật lại sau những cuộc hội kiến riêng với bà, trong nhiều buổi diện kiến mà chính tôi có tham dự. Để tự bào chữa, bà nói với tôi rằng những Nhân Vật giáng lâm và ngự trong thể xác của bà trong những dịp đó đều có tuổi tác y như thế, và thế là bà nói không có sai, trong khi người đối thoại chỉ nhìn thấy có cái thể xác của bà và tưởng rằng câu chuyện bà nói chỉ áp dụng cho cái xác phàm đó mà thôi!

                                                                                          II

         Trên đây tôi có dùng chữ “ám ảnh” (obsession), nhưng tôi biết rõ sự thiếu sót ý nghĩa của nó trong trường hợp này. Cả hai danh từ “ám ảnh” (obsession) và “chiếm hữu” (possession) đều được dùng để nói lên sự quấy phá một người còn sống bởi ma quỷ hay những vong linh bất hảo. Một người bị ám ảnh (obsession)là người bị quấy phá, hay vây phủ, còn một người bị chiếm hữu (possession) là người bị tà ma quỷ mị nhập xác, kiểm chế, ngự trị. Tôi tự hỏi những vị cố đạo thời xưa không đặt ra một danh từ tốt đẹp hơn để chỉ việc chiếm hữu, kiểm chế, ngự trị, hay nhập xác một người bởi những thần linh hay vong linh tốt lành? Nhưng điều ấy không giúp cho chúng ta được bao nhiêu trừ khi chúng ta không biết đến những trường hợp mà đôi khi thể xác bà HPB bị những thực thể khác chiếm đóng. Câu chuyện sau đây sẽ cho thấy đến mức độ nào.

         Một buổi chiều mùa hạ, bà HPB và tôi cùng có mặt trong văn phòng làm việc của chúng tôi tại New York. Trời chưa tối, nên chúng tôi chưa thắp đèn lên. Bà ngồi gần bên cửa sổ, còn tôi đứng. Bỗng nhiên tôi nghe bà nói:

         “Hãy nhìn xem để học”

        Tôi day đầu nhìn lại và thấy một đám mây mù bốc lên từ đầu và vai của bà. Trong chốc lát, nó tượng hình một vị Chân Sư, vị này về sau đã cho tôi cái khăn bịt đầu lịch sử của ngài, nhưng lúc ấy thì chỉ là một hình bóng như sương mờ. Mải chăm chú nhìn hiện tượng ấy, tôi đứng yên không cử động. Cái bóng chỉ tượng hình có nửa phần trên thân mình, rồi lu mờ dần và biến mất; nó có được thu hồi trở về bên trong thể xác bà HPB hay không, thì tôi cũng không biết. Bà ngồi yên như pho tượng trong đôi ba phút, sau đó bà thở dài một cái, trở lại trạng thái bình thường, và hỏi tôi có thấy gì không. Khi tôi yêu cầu bà giải thích hiện tượng ấy, thì bà từ chối và nói rằng tôi phải khai mở trực giác để tìm hiểu những hiện tượng của cái thế giới mà tôi đang sống. Bà chỉ có thể giúp đỡ bằng cách cho tôi xem thấy những hiện tượng nọ kia, rồi để cho tôi tự tìm hiểu lấy tùy khả năng của mình.

         Nhiều nhân chứng đã có thấy một hiện tượng khác nữa, nó có thể hoặc không chứng minh rằng những thực thể khác đôi khi cũng đã nhập xác bà HPB. Trong năm lần khác nhau, một lần để làm vui lòng một vị nữ khách, và một lần cho em gái tôi là Mitchell, bà HPB đã gom trên đầu một lọn tóc mịn màu nâu lợt và dợn song của bà, rồi lấy kéo cắt và đưa cho một người trong chúng tôi. Nhưng lọn tóc ấy khi cắt ra thì nó lại thô cứng, thẳng tuột và đen như huyền chứ không còn dợn song hay quăn chút nào, tức là tóc của người phương Đông hay người châu Á chứ không giống chút nào như những lọn tóc mịn như tơ, màu nâu lợt và dợn song của bà. Tôi còn cất giữ hai lọn tóc cắt ra từ trên đầu bà, cả hai đều đen như huyền và thô cứng hơn tóc bà rất nhiều, nhưng có một lọn lại thô cứng hơn lọn kia một cách rõ rệt. Lọn trước là tóc của người Ai Cập, còn lọn sau là tóc của người Ấn Độ. Hiện tượng này còn có cách giải thích nào khác hơn là giả thiết rằng những người đàn ông có hai lọn tóc đó đã thật sự nhập xác bà HPB trong hai lần khác nhau khi mà những lọn tóc ấy được cắt ra?

          Vấn đề nhập xác một người còn sống, bởi những người cũng còn sống, tuy là một việc hoàn toàn xa lạ đối với người Tây Phương đến nỗi họ không có một danh từ nào trong ngôn ngữ của họ để chỉ việc đó, vốn đã được biết rõ và định nghĩa ở Ấn Độ. Người Ấn gọi hiện tượng đó là Àvesa, tức là việc chiếm hữu, nhập xác, ngự trị xác thân của một người sống. Hiện tượng đó có hai loại: khi người đạo sĩ xuất vía ra khỏi thể xác mình và nhập vào xác một người khác, đó gọi là svarupàvesa; còn khi nào người đạo sĩ dùng ý chí của mình để tác động ảnh hưởng hoặc chế ngự thể xác của người khác để làm những việc hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của người kia, thí dụ như nói một tiếng ngoại ngữ chưa từng học, hiểu được những ngành học thuật không hề quen biết, đột nhiên tàng hình trước mắt mọi người, biến thành một vật hình thù đáng sợ, chẳng hạn như một con rắn hay  một thú dữ, v…v…, thì đó gọi là saktyàvesa.

       Cái quyền năng đó chỉ áp dụng cho sự tác động tâm linh giữa hai người còn sống, hay sự “nhiếp” tư tưởng và gây nguồn cảm hứng cho một người sống bởi một thực thể tâm linh có trình độ cao hơn, chứ nó không nên bị hạ thấp ý nghĩa để chỉ việc nhập xác một đồng  tử bởi một vong hồn người chết để tạo nên các hiện tượng. Trường hợp sau này gọi là “gràhana”, và vong hồn người chết được gọi là “graham”. Danh từ này cũng được dùng để chỉ việc nhập xác một người sống bởi một TINH LINH NGŨ HÀNH. Hiện tượng này cũng có hai trường hợp khác nhau. Sự nhập xác ấy có thể:

        a) TÁC ĐỘNG TỰ NHIÊN, do sự thu hút, hấp dẫn một tinh linh đến với người đồng tử.

        b) TÁC ĐỘNG CƯỠNG CHẾ, do sự cưỡng ép bằng ý chí của một vị  thuật sĩ hay phù thủy biết rõ những chân ngôn thần chú để sai khiến  các loại âm binh.

         Chúng tôi thấy trong Thánh Kinh Pàncharàtra Pàdma-samhita Charyàpada của Ấn Độ, chương 24, có những huấn thị đầy đủ về sự thực hành thuật nhập xác (Avesa) như sau:

         “ Nay ta dạy cho người biết, hỡi hành giả, phương pháp nhập xác một người khác….Cái thể xác ấy phải được tinh khiết, tươi tốt, độ trung niên, có tất cả những tính chất tốt và không bị những chứng ác bệnh do tội lỗi gây ra (như bệnh cùi, bệnh phong tình,v…v…).Xác thân ấy phải là của người Bà La Môn hay người Kshatriya (thuộc giai cấp quý tộc).Nó phải được đặt ở một nơi vắng vẻ,(để tránh nguy cơ bị gián đoạn trong khi thực hành các nghi thức),mặt ngửa lên trời và hai chân duỗi thẳng. Ngồi một bên, ngươi phải giữ tư thế YOGASANA (một tư thế của pháp môn Yoga), nhưng trước khi đó, hỡi hành giả, ngươi phải đã có tập luyện cái quyền năng tập trung tư tưởng vào một mục tiêu nhất định. Thần thức (jiva) vốn ngự ở chỗ VĨ LƯ QUAN tức là Luân Xa nơi Rún (nàbhichakra), nó sáng rực như mặt  trời, có hình dáng như con hạc (hamsa)(*)[10] và di chuyển dọc theo những đường vận hà Idâ và Pingala. Sau khi nó đã được tượng hình con hạc(*) bằng cách tập trung tư tưởng theo pháp môn Yoga, nó sẽ thoát ra do hai lỗ mũi, và như một con chim, nó sẽ phóng ra ngoài không gian. Ngươi phải tập cho quen phép này, là phóng luồng Sinh  Khí (Prâna) cho bay lên tới ngọn cây, đưa nó đi xa một dặm, hay năm dặm, hay hơn nữa, rồi thu hồi nó trở về thể xác ngươi xuyên qua hai lỗ mũi, và trả nó lại vị trí cũ ở Luân Xa nơi Rún. Phép này phải được tập luyện hằng ngày cho đến khi đạt tới mức tuyệt hảo”.

        Kế đó, sau khi đã sở đắc được cái bí thuật đó rồi, người đạo sĩ có thể thực nghiệm phép nhập xác. Khi đã ngồi theo tư thế nói trên, y mới rút luồng sinh khí (Prâna-jiva) ra khỏi thể xác y, và đem nó vào cái thể xác đã chọn làm mục tiêu do nơi hai lỗ mũi, dẫn nó đi xuống mãi cho đến khi nó lọt vào bí huyệt vĩ lư quan hãy còn bỏ trống, rồi trụ nó vào Luân Xa nơi Rún, để cho người chết được phục hồi sinh khí và làm cho người ta thấy rằng y đã sống lại.

        Mọi người đều biết câu chuyện nhà Hiền Giả Sankarâ đã phục sinh cho cái xác chết của vua Amaraka ở thành Amritapura, do Mâdhava, nhà chép tiểu sử của ông thuật lại. Để trả lời những câu hỏi của Mandana Misra phu nhân về khoa học Ái Tình, mà ông hoàn toàn mù tịt vì ông vẫn sống độc thân từ khi còn nhỏ, nhà Hiền Giả hẹn sẽ giải thích đáp trong vòng một tháng. Kế đó, trong một chuyến đi ngao du với các đệ tử đến gần thành Amritapura, ông nhìn thấy cái xác chết của nhà vua đặt nằm dưới gốc cây, giữa một đám thần dân vây chung quanh đang than khóc. Nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để thâu thập những kiến thức về tình dục mà ông còn thiếu sót, Đạo Sư Shankara bèn giao cái thể xác của ông cho các đệ tử coi sóc, rồi xuất vía rồi nhập vào xác chết của vua, làm cho nó hồi sinh trở lại giữa sự reo mừng của đám cận thần ở chung quanh. Kế đó, Đạo Sư được đưa trở về kinh đô, và trong một thời gian đã trải qua cuộc sống bình thường của một ông vua giữa những phi tần cung nữ trong tam cung lục viện và sau cùng ông đã giải đáp những câu hỏi về ái tình.

        Bộ sách SANKARAVIJAYA của nhà chép tiểu sử Mâdhava viết như sau:

        “SAU KHI RÚT LUỒNG SINH KHÍ (PRÂNA VAYU) TỪ ĐẦU CÁC NGÓN CHÂN TRỞ LÊN CHO THOÁT RA NGOÀI XUYÊN QUA NÊ HUỜN CUNG, TỨC LUÂN XA TRÊN ĐỈNH ĐẦU (BRAHMARÂNDHRA), ĐẠO SƯ SHANKARA MỚI TỪ TỪ, TỪNG GIAI ĐOẠN CHẬM RÃI, NHẬP VÀO XÁC CHẾT CỦA NHÀ VUA DO NÊ HUỜN CUNG VÀ CHIẾM ĐÓNG TRỌN VẸN TỪ ĐẦU ĐẾN CHÂN”.

         Nhân dịp soạn lại tập hồ sơ cũ,tôi đã tìm thấy một trang nhật ký cũ trong đó có ghi lại một cuộc đối thoại giữa tôi với một vị Chân Sư có quốc tịch Hung Gia Lợi, đã mượn xác bà HPB buổi tối hôm đó. Trang nhật ký ấy viết như sau:

         “NGÀI LẤY TAY CHE MẶT VÀ HẠ THẤP BẤC ĐÈN ĐẶT TRÊN BÀN. TÔI HỎI NGÀI TẠI SAO? NGÀI NÓI RẰNG ÁNH SÁNG LÀ MỘT MÃNH LỰC VẬT CHẤT, NẾU ĐỂ LỌT VÀO MẮT CỦA MỘT THỂ XÁC BỊ MƯỢN TẠM, SẼ VA CHẠM ĐẾN THỂ VÍA CỦA NGƯỜI MƯỢN XÁC, GÂY CHO NÓ MỘT SỰ KHÍCH ĐỘNG MẠNH VÀ MỘT SỨC ĐẨY ĐỘT NGỘT ĐẾN MỨC LÀM CHO VÍA NGƯỜI MƯỢN XÁC CÓ THỂ BỊ ĐẨY BẬT RA NGOÀI. THẬM CHÍ NÓ CÒN CÓ THỂ LÀM CHO CÁI THỂ XÁC KIA BỊ TÊ LIỆT.

        KHI NHẬP XÁC MỘT NGƯỜI KHÁC, PHẢI RẤT VÔ CÙNG THẬN TRỌNG. NGƯỜI TA KHÔNG THỂ TỰ ĐỒNG HÓA VỚI CÁI THỂ XÁC ẤY MỘT CÁCH HOÀN TOÀN CHO ĐẾN KHI NÀO NHỮNG SỰ VẬN ĐỘNG TỰ NHIÊN VÔ THỨC CỦA NHỮNG BỘ MÁY TUẦN HOÀN, HÔ HẤP V…V…, ĐÃ ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH CHO THẬT ĂN KHỚP VỚI NHỮNG ĐỘNG TÁC TRONG CƠ THỂ CỦA NGƯỜI MƯỢN XÁC, MÀ CÁI THỂ XÁC CỦA NGƯỜI NÀY, DÙ Ở CÁCH ĐÓ BAO XA ĐẾN ĐÂU, VẪN CÓ LIÊN HỆ VÔ CÙNG MẬT THIẾT ĐẾN CÁI THỂ VÍA ĐÃ XUẤT RA.

        KHI ĐÓ, TÔI MỚI THẮP SÁNG NGỌN ĐÈN TREO LỦNG LẲNG TRÊN TRẦN NHÀ, NHƯNG CHÂN SƯ LIỀN CẦM LẤY MỘT TỜ NHẬT BÁO CHE TRÊN ĐỈNH ĐẦU. TÔI NGẠC NHIÊN VÀ YÊU CẦU NGÀI GIẢI THÍCH LÝ DO, THÌ NGÀI CHO BIẾT RẰNG ĐỂ ÁNH SÁNG TỪ TRÊN CAO RỌI XUỐNG ĐỈNH ĐẦU LẠI CÒN NGUY HIỂM HƠN LÀ ĐỂ ÁNH SÁNG RỌI VÀO MẮT”.

        Hồi đó, tôi chưa biết gì về sáu bí huyệt hay Luân Xa trong thân thể con người. Tôi cũng không biết rằng Luân Xa quan trọng nhất trong những bí huyệt đó, tức Nê Huờn Cung (brahmarândhra), nằm ở dưới những xương sọ trên đỉnh đầu, và ở Ấn Độ, người ta có tục lệ chọc thủng cái xương sọ ở chỗ ấy khi đem hỏa tang xác chết để cho cái Vía người chết xuất ra được dễ dàng. Hơn nữa, lúc đó tôi cũng chưa đọc câu chuyện Đạo Sư Shankara xuất vía và nhập vào xác chết của ông vua xuyên qua Nê huờn Cung là cái cửa ngõ của linh hồn.

        Tôi chỉ nhìn thấy những động tác của vị Chân Sư, và cũng chưa hiểu rõ những lời giải thích của ngài tối hôm đó, nhưng bây giờ, với thời gian qua, điều bí hiểm đó đã được soi sáng và cả hai sự việc xảy ra ở New York và Amritapura đều có liên hệ hỗ tương với nhau. Qua sự việc sau này, và những giáo lý của Huyền Học Ấn Độ, người ta có thể hiểu dễ dàng hơn điều bí mật của sự việc trước. Trước kia thì mọi sự có vẻ tối tăm mờ mịt, và thậm chí người ta cũng không có đến một danh từ để giải thích sự việc ấy, nhưng nay người ta có thể thấy rằng bất cứ người nào tinh thông pháp môn Yoga đều có thể nhập xác một người khác còn sống, khi mà thể Vía của người này đã xuất ra và cái thể xác trống trơn được đặt dưới việc sử dụng của những bạn bè thân hữu đến viếng. Tầm mức quan trọng của vấn đề này đối với việc mượn xác bà HPB thật đã hiển nhiên, như tôi sẽ cố gắng trình bày trong phần kế tiếp.

                                                                                    III

        Đây xin trở lại vấn đề mượn xác của bà HPB, trong đó có một bằng chứng luôn luôn xuất hiện làm cho người ta phải chú ý. Hãy xét trường hợp vị Chân Sư A hay B đã “giáng lâm” qua thể xác bà HPB độ một giờ hay lâu hơn, đã viết vài đoạn trong quyển “VÉN MÀN ISIS” hoặc đơn phương hoặc với sự cộng tác của tôi, và vào một lúc nhất định, đã nói một điều gì đó với tôi hoặc với một trong những vị khách có mặt. Thình lình, bà (hay ngài?) ngừng nói chuyện, đứng dậy và, với một lời xin lỗi khách vì một lý do nào đó, bèn rời khỏi phòng trong giây lát. Sau đó bà trở lại, dáo dác nhìn quanh với đôi mắt bỡ ngỡ như một người lạ vừa bước vào một gian phòng có đông người, vấn một điếu thuốc hút, và thốt ra những lời không có liên quan gì đến câu chuyện đã nói lúc nãy. Bà tỏ vẻ lúng túng, không thể nối tiếp câu chuyện đang bỏ dở, hoặc nói vài câu trái ngược hẳn với những gì bà vừa mới khẳng định, và khi có người nhắc lại cho bà biết việc ấy, bà lấy làm bực mình và thốt lên những lời nói nặng nề. Hoặc khi được nhắc lại rằng hồi nãy bà đã nói như vậy như vậy, thì bà có vẻ trầm ngâm nghĩ ngợi giây lát và nói: “Ờ nhỉ, xin lỗi ông…”, rồi tiếp tục nói về đề tài đang bỏ dở.

       Đôi khi bà có những sự thay đổi ý kiến như vậy mau như chớp, và vì quên đi cái cá tính đa hình đa dạng của bà, chính tôi cũng đã lắm khi bực mình về sự lý luận không nhất trí đó, khi bà mạnh dạn lên tiếng phủ nhận những điều mà bà đã tuyên bố một cách chắc chắn và rõ ràng chỉ một lúc trước đó. Lần lần, tôi được giải thích cho biết rằng sau khi nhập xác một người khác (còn sống), cần phải có một thời gian ngắn để nối liền tâm thức của mình với ký ức của nhân vật vừa xuất ra trước đó, chứ nếu không, mà cứ tiếp tục câu chuyện trước khi có sự điều chỉnh, thì những sự lệch lạc như trên vẫn có thể xảy ra. Điều này phù hợp với những gì Chân Sư đã nói với tôi tại New York về vấn đề nhập xác, và với sự diễn tả cách thức mà Đạo Sư Shankara nhập vào cái xác chết của vua Amaraka như đã nói trong bộ sách SHAKARAVIJAYA(*):[11]

       “…Đạo Sư Shakara MỚI TỪ TỪ, TỪNG GIAI ĐOẠN CHẬM RÃI, nhập vào xác chết của nhà vua và chiếm đóng trọn vẹn từ đầu đến chân”.

        Sự giải thích về việc điều chỉnh từ từ từng giai đoạn những động tác sinh lý trong hai cơ thể cho điều hòa tiết điệu và ăn khớp với nhau còn nới rộng đến sự điều chỉnh của hai tâm thức, và khi nào chưa có sự hòa hợp hoàn toàn, thì đương nhiên phải có sự lộn xộn về tư tưởng, lý luận và ký ức như tôi đã diễn tả ở trên, và như phần nhiều những vị quan khách đến viếng bà HPB đã phải lấy làm vô cùng ngạc nhiên sửng sốt.

         Thỉnh thoảng, khi chỉ có hai chúng tôi trong phòng, thì hoặc Nhân Vật sắp “thăng”, nói:

       “Ta phải giữ điều này lại trong óc để cho vị đến sau Ta có thể theo dõi…”,

        Hoặc Nhân Vật vừa giáng lâm, sau khi chào hỏi tôi bằng một lời thân mật, bèn hỏi tôi vấn đề đang thảo luận là vấn đề gì trước khi có sự “thuyên chuyển”.

        Trong những bức thư của các Chân Sư viết cho tôi về bà HPB, các ngài thường đề cập đến cái xác phàm của bà như một cái khí cụ mà một trong các ngài đang sở hữu và dùng tạm. Trong quyển Nhật Ký của tôi năm 1878, tôi nhận thấy một đoạn ký sự đề ngày 12 tháng 10 do bút tích của Chân Sư M. viết qua tuồng chữ của bà HPB như sau:

      “HPB mạn đàm với W. đến hai giờ sáng. W. tâm sự rằng y nhìn thấy nơi bà có đến BA CÁ TÍNH RÕ RỆT. Y BIẾT chắc như vậy, nhưng không muốn nói với Olcott về việc ấy, vì y sợ rằng H.S. Olcott sẽ chế diễu y !!!”

        Những chữ gạch đít và những chấm than đều chép lại đúng y nguyên văn. Chữ “W.” là nói ông Wimbridge, lúc đó là khách của chúng tôi.

       Sở dĩ có đoạn văn do tay người khác viết trong tập Nhật Ký riêng của tôi, là vì khi tôi rời khỏi New York vì hoạt động nghề nghiệp, mà trong năm đó tôi phải đi vắng nhà đến nhiều lần, thì bà HPB viết nhật ký thay cho tôi. Cái tên “HPB” cũng phải được hiểu là những Nhân Vật mượn xác của bà trong mỗi lần nhất định. Trong đoạn nhật ký ngày hôm sau (13 tháng 10), cũng do một bàn tay ấy viết, sau khi điểm danh bảy người khách đến viếng thăm hôm đó, có sự ghi nhận như sau về một vị khách có mặt:

       “Tiến Sĩ Pike nhìn thẳng vào mặt HPB nhiều lần, bèn giật mình và nói rằng trên đời không có ai đã gây cho y một ấn tượng lạ lùng như thế. Có khi y nhận thấy nơi HPB một thiếu nữ độ mười sáu tuổi, có khi đó là một bà già một trăm tuổi, một lần khác đó lại là một người đàn ông có râu!”

        Ngày 22 tháng 10, cũng một bàn tay ấy viết:

      “N. (một vị Chân Sư) thăng, nhường chỗ cho S. (một vị Chân Sư) nhập vào (thể xác bà HPB). Vị sau này đến với mật lệnh của _(*)[12] dạy phải hoàn thành tất cả vào ngày mùng 1 tháng 12” ( để chúng tôi lên đường sang Ấn Độ)

       Đoạn nhật ký ngày 4 tháng 11, cũng một tuồng chữ ấy viết:

     “N. xuất ra, và M. giáng lâm với lệnh tối hậu của _(*) dạy phải lên đường (sang Ấn Độ) từ ngày 15 đến 20 tháng 12 là trễ nhất”.

       Tôi cũng có nhận được nhiều thơ của các Chân Sư nói về bà HPB với tư cách cá nhân của bà, đôi khi nói rất thành thật về những đặc điểm của bà, cả tốt lẫn xấu. Có một lần, tôi được các Chân Sư, với những huấn lịnh viết tay, giao sứ mạng kín cho tôi đi đến một thành phố khác để tạo nên một vài diễn biến cần thiết cho sự tiến hóa tâm linh của bà. Tôi vẫn còn giữ bức văn kiện đó.

       Khi tôi đến tỉnh Rajputana năm 1879, tôi có nhận được một bức thư rất dài của các Chân Sư. Đó là một thông điệp đầy lòng ưu ái, nhân từ, và nếu nó có liên quan đến cái đề mục của chúng ta bây giờ, thì có lẽ tôi đã công bố trong sách này, để chứng minh tính chất cao siêu của sự trao đổi thơ từ giữa các Chân Sư với tôi trong nhiều năm liên tiếp. Chính trong bức thơ đặc biệt đó Chân Sư đã giải đáp thắc mắc khi tôi bày tỏ sự ước muốn rút lui ra khỏi cuộc đời thế tục và đi theo các ngài. Tôi được trả lời rằng:

      “Phương tiện duy nhất hiện có sẵn và ở trong tầm tay con để bước đến gần Chúng Ta là xuyên qua Hội Thông Thiên Học”

       Tức là cơ quan mà tôi được lịnh phải xây dựng, củng cố và phát triển. Tôi phải tập sống hoàn toàn vô kỷ, vị tha. Chân Sư nói thêm:

      “Không một ai trong Chúng Ta sống cho riêng mình, mà tất cả đều sống cho nhân loại”.

       Đó là cái tinh thần rốt ráo, tối hậu, chứa đựng trong tất cả những lời giảng dạy của Chân Sư gởi cho tôi, và đó cũng là cái lý tưởng xuất hiện bàng bạc khắp nơi trong bộ sách “VÉN MÀN ISIS”.

       Giáo lý chứa đựng trong bộ sách này có thể tóm tắt đại lược như sau:

       “Con Người có một tính chất phức tạp, gồm cả hai phương diện cực đoan, một đàng là những thú tính thấp hèn, một đàng là tính  chất thiêng liêng cao quý. Sự sống duy nhất chân thật và toàn mỹ, thoát ly khỏi mọi ảo giác, ngoài vòng tục lụy, khổ đau, bởi vì nơi đó không có sự Vô Minh, ấy là sự sinh hoạt tinh thần, tức của Chân Ngã.”

       Bộ sách ấy giúp cho con người có một đời sống trong sạch, cao thượng; nó giúp cho sự mở trí và khai mở lòng từ bi bác ái đối với muôn loài vạn vật; nó chỉ cho người đời thấy con đường Đạo diệu huyền. Con đường Đạo ấy luôn luôn mở rộng cho những người thiện chí, khôn ngoan và dung cảm. Bộ sách ấy cũng truy nguyên tất cả mọi kiến thức và hiểu biết của chúng ta hiện nay đến những nguồn gốc xa xưa của thời thái cổ; nó cũng khẳng định sự hiện diện luôn luôn hằng có từ xưa đến nay của các đấng Chân Sư và của khoa học Huyền Môn; nó còn đem đến cho chúng ta một nguồn khích lệ và một lý tưởng cao siêu để cho chúng ta cố gắng đạt tới, ngõ hầu có thể thực hiện sự tiến hóa tâm linh của mình.

       Khi bộ “VÉN MÀN ISIS” vừa xuất bản, nó đã gây khích động trong quần chúng đến mức bản in đầu tiên năm ngàn cuốn đã bán hết sạch trong vòng mười ngày. Tiến Sĩ Shelton Mackenzie, một trong những nhà phê bình tài ba nhất thời đó, viết rằng:

      “Đó là một trong những công trình dáng kể nhất về tư tưởng xuất chúng, công phu sưu tầm tỉ mỉ, và cách trình bày đạo lý, triết học bao gồm một học lực uyên thâm, quảng bá chưa từng thấy từ nhiều năm nay”.(Phila. Press, 9.1.1887).

       Nhà phê bình văn nghệ của nhật báo New York Herald ra ngày 30 tháng 9 năm 1877 nói rằng:

      “Những tâm hồn tự do độc lập sẽ hoan nghinh công trình mới xuất bản này như một sự đóng góp sáng giá nhất vào nền văn chương Đạo Lý”.

       Ông viết tiếp:

      “Với những đặc điểm lạ lùng, những luận điệu phong phú, táo tợn, và những đề mục dồi dào bất tận mà tác giả đã triển khai một cách vô cùng linh hoạt và hấp dẫn, bộ sách này là một công trình sáng tạo độc đáo phi thường của thế hệ”.

       Một sự kiện cụ thể là bộ sách “VÉN MÀN ISIS” nay đã trở nên một tác phẩm cổ điển khuôn mẫu, nó đã được tái bản nhiều lần, và hiện nay, sau một thời gian mười bảy năm đã trôi qua, vẫn đang được nhu cầu ở khắp nơi trên thế giới. Một tác giả Mỹ đã phát biểu ý kiến mà tôi cho là đúng nhất, khi ông nói rằng:

     “Đó là một bộ sách bao gồm cả một cuộc cách mạng tư tưởng trong đó”.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro