CHƯƠNG MƯỜI: NHỮNG QUAN ĐIỂM ĐỐI NGHỊCH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

       Như đã kể trước đây, trong những thuở ban đầu của hội Thông Thiên Học, chúng tôi có trao đổi thư từ với những nhà trí thức trên thế giới. Trong số đó có hai người đã trở nên những bạn thân của chúng tôi, là C.C.Massey và Stainton Moses, mà chúng tôi còn lưu lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp.

       Stainton Moses là một nhà Thần Linh Học tiến bộ và có trình độ văn hóa cao. Y bắt đầu khảo cứu về các hiện tượng đồng tử với mục đích tìm hiểu sự thật, nhưng không bao lâu y nhận thấy rằng chính y lại là một đồng tử mà y cũng không ngờ, và có những hiện tượng thuộc về loại kỳ lạ nhất. Những hiện tượng ấy xảy ra bất cứ ngày đêm, dù trong lúc y chỉ có một mình hay có người chung quanh. Thế là không bao lâu, tất cả những sở đắc về khoa học và triết lý mà y đã thâu thập được ở trường đại học Oxford đã trở nên tan tành như mây khói, và y đành phải chấp nhận những lý thuyết mới về vật chất và sức mạnh, về cõi thiên nhiên cũng như về con người.

       Những hiện tượng của y thật vô cùng phong phú và lạ lùng, cả về phương diện vật chất và tâm linh. Chúng phản ảnh nơi phẩm chất thanh cao của những giáo lý mà y tiếp nhận được, và y quyết định không tin bất cứ giáo điều nào được chuyển đạt cho y bởi những thần linh khuất mặt trong cõi vô hình mà y không hiểu được một cách hoàn toàn rõ rệt.

       Phần lớn những giáo lý ấy, S. Moses nhận được bằng những cơn giáng bút tự động viết qua chính bàn tay của y. Trong khi y đang chăm chú đọc sách hay nói chuyện, thì bàn tay mặt của y tự động viết liên tục trong độ nửa giờ hay một giờ, và khi y nhìn lên những trang giấy đã viết đầy chữ, thì thấy đó là những tư tưởng độc đáo, mới lạ, hoàn toàn khác hẳn với những gì y đã tin tưởng từ trước đến nay, hoặc giải đáp thỏa đáng những câu hỏi hay nghi vấn của y đã đưa ra trong một lần trước. Y luôn luôn tin tưởng và tuyên bố một cách hào hứng trong những bức thư của y gởi cho chúng tôi, rằng cái trí lực điều khiển bàn tay của y để giáng bút vốn không phải là của y, cũng không phải là cái tâm thức của y, dù hữu thức hay tiềm ẩn, mà chỉ là trí lực của những thực thể tâm linh hay đấng vô hình náo đó. Y còn nói rằng y biết rõ những đấng ấy qua hình dáng (bằng thần nhãn), qua giọng nói (bằng thần nhĩ), và tuồng chữ viết một cách rõ ràng không thể lầm lẫn cũng như y biết những người còn sống.

       Trong số những hiện tượng chung của cả hai người, có việc làm cho những tiếng “chuông thần” reo nhẹ trong không gian; việc sản xuất hương thơm phảng phất trong không khí; những ánh sáng chập chờn bay lượn trên không trung, việc phóng xuất ra chữ viết trên mặt giấy ngoài tầm tay của đương sự; việc tạo ra những loại đá quý và những vật thể khác; âm nhạc reo trong không khí; những mùi hương lạ của Đông Phương thơm nức mỗi khi có sự hiện diện vô hình của những đấng Cao Cả hay bậc đạo gia ưu tú ở gần bên; việc S.moses nhìn thấy trong chất Tinh Quang những điểm ánh sáng có màu xếp theo hình tam giác, làm thành mật hiệu của Tập Đoàn Tiên Thánh phân bộ Á Đông; và sau cùng, là quyền năng xuất vía một cách ý thức và trở về tái nhập vào thể xác sau một chuyến ngao du trong cõi vô hình. Sự giống nhau mật thiết như vậy về những kinh nghiệm huyền linh đương nhiên là tạo nên một sự thích thú hỗ tương mạnh mẽ giữa hai nhà thông linh ưu tú.Tự nhiên là S.Moses rất ước mong tiếp nhận được mọi sự chỉ dẫn hay huấn thị mà bà HPB có thể đưa ra để giúp đỡ y hiểu biết thêm về thế giới vô hình và hoàn toàn làm chủ cái tính chất thông linh của y, mà sự huấn luyện tâm linh hoàn bị trên đường Đạo bắt buộc cần phải có.

                                                                                     II

       Thật không gì trái ngược nhau cho bằng những quan điểm của các nhà Thần Linh Học Tây Phương và của người Đông Phương nói chung về vấn đề giao tiếp với người chết. Người Tây Phương khuyến khích những việc đó, và thường cố gắng phát triển khả năng đồng tử của chính họ hay của những người trong gia đình họ để làm trò tiêu khiển mua vui. Họ ủng hộ nhiều tạp chí thần linh học và xuất bản nhiều sách vở để trình bày và lý luận về những hiện tượng của họ, và dẫn chứng những hiện tượng này như là nền tảng khoa học của lý thuyết về cuộc đời sau.

        Người Đông Phương, trái lại, coi việc giao tiếp với người chết như một sự đọa lạc của linh hồn, có tác dụng vô cùng tai hại đối với người chết lẫn người sống, làm ngăn trở sự tiến hóa tự nhiên của linh hồn và làm trì hoãn sự giác ngộ tâm linh. Ở các nước Âu Mỹ, người ta thường gặp trong các buổi họp đàn những người thuộc đủ mọi thành phần, những người có học thức, thanh cao, sang trọng, tinh khiết, cũng như những đối tượng trái ngược lại. Ở phương Đông, như ở xứ Ấn Độ nói chung những người đồng tử và các nhà phù thủy chỉ được sự bảo trợ của những người thuộc giai cấp hạ tiện (pariah) và bất khả tiếp xúc. Ở phương Tây vào thời buổi hiện đại, người ta thường  tỏ vẻ vui mừng thay vì lo buồn khi họ phát hiện ra một đồng tử trong gia đình họ, còn ở Ấn Độ nó bị coi như một điều ô nhục, một tai họa, một điều mà họ phải lấy làm bi thảm và giải trừ càng sớm càng hay.

       Tất cả các dân tộc Đông Phương, gồm người Ấn Giáo, Phật Tử, Hỏa Giáo, Hồi Giáo, thảy đều đồng một quan niệm về vấn đề này do ảnh hưởng của truyền thống tổ tiên cũng như do những giáo lý chứa đựng trong các Thánh Kinh của tôn giáo họ. Không phải chỉ có sự giao tiếp với người chết mới bị ngăn cấm mà thôi, mà luôn cả việc phô trương những phép tắc thần thông do sở đắc tự nhiên hay do sự phát triển nhờ công phu tu luyện.

       Bởi vậy, người Bà La Môn Ấn Độ sẽ nhìn bằng cặp mắt không tán thành những hiện tượng mầu nhiệm của Stain-ton Moses, nhà đồng tử trí thức, cũng như của HPB, nhà phương sĩ có bản lĩnh cao cường. Không cần biết đến sự tìm tòi khảo cứu các vấn đề thông linh như một nhu cầu thúc đẩy trên phương diện trí thức, và vốn có những hình thức tôn giáo dựa trên căn bản tinh thần họ không đặt vấn đề lấy những hiện tượng thần thông làm bằng chứng cho sự bất tử của linh hồn. Trái lại, họ ghê tởm người đồng tử bị ám ảnh như một sự ô uế tâm linh, và bớt kính trọng những người có quyền năng thần bí, nhưng lại đem ra phô trương, biểu diễn trước mắt mọi người.

        Sự phát triển những quyền năng thần bí là hậu quả tự nhiên của công phu tu luyện. Có tám thứ quyền năng loại cao (Ashta Siddhis) thuộc về trình độ tâm linh siêu đẳng, là sở đắc của các vị đạo sĩ chân tu bên Chánh Đạo. Ngoài ra, còn có mười tám thứ quyền năng (hay nhiều hơn nữa) thuộc về cõi trung giới và hạ giới hồng trần, là sở đắc của những thuật sĩ hay phù thủy bên Bàn Môn Tả Đạo.

       Như vậy, người ta sẽ nhận thấy rằng trong khi những hiện tượng thần thông của bà HPB làm cho những đệ tử và bạn bè thân hữu Tây Phương của bà thán phục và tôn sùng, và gây nên sự hoài nghi lẫn ác ý của những kẻ đối nghịch, thì chính những sự biểu diễn đó hạ thấp bà trong dư luận của những đạo gia và học giả chính thống của Ấn Độ và Tích Lan, như là dấu hiệu của trình độ tâm linh thấp kém. Đối với họ, không hề có nghi vấn nêu ra về sự thật của các hiện tượng, vì tất cả những sự huyền linh ấy đều đã được thừa nhận và ghi chép trong các Thánh Kinh của họ. Đồng thời, trong khi sự biểu diễn những hiện tượng thần thông trước công chúng bị chỉ trích, lên án, thì một mặt khác, khi người ta được biết rằng một vị đạo sư có những quyền năng thần bí, điều ấy lại càng làm tăng thêm giá trị của ông ta như những dấu hiệu của sự phát triển tâm linh thật sự. Nhưng quy luật chung vẫn là một bậc đạo sư không nên đem phô trương những quyền năng của mình dẫu cho trước mặt các đệ tử, trừ phi họ đã đạt tới một trình độ tâm linh vững chắc để có thể hiểu được mọi điều lợi hại của vấn đề.

       Trong thiên Tiểu Phẩm (Kullavagga) của Phật Giáo, có tường thuật chuyện sau đây:

      Một vị phú thương ở Vương Xá Thành cho người treo một cái chén đẽo bằng cây mộc hương trên ngọn cây tre để làm giải thưởng cho vị Sa Môn hay Bà La Môn nào có quyền năng khinh thân lên cao để lấy cái chén ấy xuống. Một vị sư tăng danh tiếng tên là Pindala Bharadvaga nhận cuộc thử thách, bèn chuyển mình vượt lên không trung, bay lượn ba vòng trên thành Vương Xá rồi gỡ lấy cái chén từ trên ngọn cây tre đem xuống đất. Công chúng đứng xem bèn hoan hô inh ỏi và lấy làm bái phục nhà sư. Việc ấy đến tai Đức Phật, ngài bèn triệu tập một buổi họp riêng với các đệ tử và quở trách Pindala như sau:

      “Nhà ngươi đã làm một việc vi phạm luật lệ nhà chùa: Đó là một hành động bỉ ổi, bất nhã, không xứng đáng với một vị Sa Môn. Cũng như một gái điếm bán mình vì một đồng tiền xấu xa nhơ nhớp, nhà ngươi đem phô trương phép thuật thần thông cũng chỉ vì một cái chén gỗ bẩn thỉu, đê tiện. Việc ngươi đã làm chẳng những không cải hóa được những kẻ chưa quy y Phật Pháp, hay làm cho những kẻ đã quy y Phật Pháp càng tang thêm; mà trái lại, nó làm cho những kẻ chưa quy y vẫn không chịu quy y , còn những kẻ đã quy y Phật Pháp thì trở lại hoàn tục!”

      Kế đó, Phật mới đưa ra một kỷ luật nghiêm nhặt: “Hởi các tì kheo, các ngươi không bao giờ được biểu diễn phép thần thông trước công chúng nữa”.

      Cũng trong thiên Tiểu Phẩm, có chỗ nói rằng nhà sư Devadutta bị ngăn trở trên đường tu luyện tới quả vị La Hán bởi vì ông ta đã đạt được vài quyền năng hạ cấp, rồi lấy làm mãn nguyện và tưởng rằng mình đã đạt tới tuyệt đỉnh trên đường Đạo. Trong bản luận kinh Yoga Sutra của Patanjali, nói về sự phát triển quyền năng thần bí, Tiến Sĩ R.Mitra viết:

     “Những phép thuật thần thông diễn tả trong kinh ấy đều là những điều phàm tục, chúng được nhu cầu vì mục đích thỏa mãn những ước vọng phàm trần, nhưng hoàn toàn vô ích cho sự công phu thiền định ở cấp bậc thượng thừa, vì hành giả nhắm sự cô lập làm mục tiêu. Những phép tu luyện ấy không những là vô ích, mà còn là những chướng ngại thật sự, vì chúng làm quấy động sự yên lặng tĩnh mịch trong cơn tham thiền”.

       Người ta thường không hiểu rằng sự phát triển những năng khiếu thần thông có một mối quan hệ đối với Chân Ngã cũng giống như sự liên hệ của năm giác quan đối với phàm ngã con người. Cũng như người ta phải tập chế ngự giác quan cho bớt bị loạn động và bớt nhiễm trần, để tập trung mọi tư tưởng vào một vấn đề khoa học hay triết học thâm sâu, thì cũng y như thế, người hành giả theo pháp môn tu huệ để đạt tới Minh Triết phải kiểm chế những tác động của các năng khiếu thần nhãn, thần nhĩ,v..v…để giữ cho được nhất tâm bất loạn và thẳng tiến đến mục đích, thay vì để tư tưởng vẩn vơ đi lạc vào những lối rẽ, khúc quanh của chốn mê đồ mờ mịt do những năng khiếu thần thông ấy vừa hé mở cho y. Xưa nay tôi chưa hề thấy điểm ấy được vạch rõ bao giờ, tuy vậy đó là một điếu tối quan trọng mà người ta phải biết. Vì không biết cái định luật tâm linh đó, nên các nhà linh thị như Swedenborg, Davis, các vị Thánh Gia Tô và những tu sĩ linh thông của tất cả các tôn giáo khác đều đã bị kinh ngạc, sửng sốt, lảo đảo,ngây ngất như điên như dại khi những linh ảnh xuất hiện và diễn ra trước mắt họ như cuốn phim chiếu trên Tiên Thiên Khí Ảnh. Những sự vật mà họ nhìn thấy trong cõi vô hình thật khó phân biệt thực hư, chân giả; thường thì họ lấy giả làm chân, lấy hư làm thực, thế rồi họ phát ngôn những lời tiên tri vụn vặt về thời thế, những mặc khải giả tưởng về tương lai, đưa ra những lời khuyến cáo sai lầm, những pháp môn giả tạo và những giáo điều lệch lạc làm mê hoặc lòng người.

       Người Á Châu thường tụ tập chung quanh một người có hoặc nghe đồn là có phép thuật thần thông, với những mục đích thật ích kỷ: muốn có con cầu tự vì vợ nhà hiếm hoi không sinh đẻ; muốn được chữa khỏi bệnh, thường là do hậu quả của những thói hư tật xấu; mong tìm thấy lại của đã mất; muốn được sự ưu đãi của chủ nhân; và muốn biết việc tương lai. Họ gọi việc ấy là “cầu xin Thánh Tổ ban phước lành”, nhưng không ai bị phỉnh lừa bởi những ngôn từ kiểu cách ấy, và có đến chín mươi chín phần trăm trường hợp những tín chủ ra về trong cơn thất vọng.

        Với kinh nghiệm riêng của tôi, tôi cũng đã có dịp biết cái tinh thần thấp kém của hạng người này. Vì trong số hằng nghìn bệnh nhân đau khổ rên xiết mà tôi đã chữa khỏi hoặc làm cho bệnh được thuyên giảm trong những cuộc khảo sát thực nghiệm về phép truyền nhân điện của tôi hồi năm 1881, tôi ngờ rằng không biết có được một trăm người đã thật sự biết ơn. Trước khi năm ấy kết thúc, tôi đã do kinh nghiệm thực tế mà biết rõ cái tâm trạng của người đạo sĩ và y có những cảm nghĩ ra sao về việc biểu diễn những phép thuật thần thông.

       Thật vậy, kinh Sambita của Ấn Độ nói rằng vị Đạo Sư chân chính không phải là người dạy ta khoa học vật lý, đem cho ta những khoái lạc trần gian, huấn luyện cho ta có những quyền năng thần bí, vì tất cả những thứ đó đều là những nguồn gốc phát sinh ra đau khổ phiền não. Trái lại, bậc Đạo Sư chân chính là người chỉ dẫn cho ta thấu triệt Chân Lý (Brahman). Các Thánh Kinh khác của Ấn Độ như kinh Upanishad cũng dạy rằng tuy người đạo sĩ Yogi có thể dùng quyền năng của ý chí để sáng tạo hay hủy diệt các bầu thế giới, kêu gọi các bậc thần tiên ở cõi Trời đến với y, thưởng thức niềm phúc lạc yên tĩnh của Thượng Đế không hề suy giảm, nhưng y phải tránh tất cả những việc vô nghĩa đó như có khuynh hướng tăng cường ý thức cách biệt (với tha nhân) và làm ngăn trở, chướng ngại cho sự giác ngộ tâm linh. Còn nói về việc tự nguyện giao tiếp với những vong linh ở cõi Trung Giới, kêu gọi sự giúp đỡ và chịu khuất phục dưới mệnh lệnh của chúng, thì không một người Đông Phương nào có trí óc lành mạnh và kiến thức sâu xa thèm nghĩ đến.

        Trong Thánh Kinh “Chí Tôn Ca” (Bhagavad Gita), đức Krishna nói:

      “Những kẻ nào tôn sùng các vị thần linh, sau khi chết sẽ về cõi giới thần linh; kẻ thờ cúng tổ tiên sẽ về với tổ tiên; kẻ thờ cúng ma quỷ sẽ đi theo ma quỷ. Chỉ có những kẻ nào tôn sùng Ta (tức là những người tầm Đạo, hướng về sự giác ngộ tâm linh cao cả) mới trở về với Ta”.

       Như thế, chúng ta thấy rằng theo quan niệm người Ấn Độ, một người như bà HPB sẽ được kính nể vì có quyền năng siêu đẳng, nhưng lại bị chê trách về việc biểu diễn các phép thuật thần thông. Còn một người như Stainton Moses thì bị họ khinh rẻ như một đồng cốt của các loại vong linh thấp kém, dù cho y có những khả năng trí thức tốt, có văn hóa cao ở cấp bậc Đại Học, và dẫu cho y có những ý đồ trong sạch và vô tư đến đâu.

       Trên đây là quan điểm của người Á Đông nói chung. Riêng phần tôi, tôi là một người Tây Phương hoàn toàn về cách nhận xét những hiện tượng nhiệm mầu của bà HPB và của Stainton Moses. Đối với tôi, những sự việc ấy rất vô cùng quan trọng như những bằng chứng của sự sinh hoạt tâm linh và như những vấn đề khoa học còn cần phải giải đáp. Tuy tôi không thể giải đáp sự bí hiểm về tính chất phức tạp đa diện của bà HPB, tôi tin chắc rằng những mãnh lực tác động trong người bà và hỗ trợ cho bà làm các hiện tượng, vốn được sử dụng khéo léo bởi những người còn sống biết rõ khoa Tâm Linh, và cả khoa học thực dụng các chủng loại tinh linh ngũ hành. Nói về trường hợp của Stainton Moses, thì cũng có một sự bí hiểm tương tự. Y tin chắc rằng những vị danh sư khuất mặt của y mệnh danh là “Imperator”, v…v… tất cả đều là những linh hồn người đã bỏ xác, trong số đó có vài người của những thế hệ rất cổ xưa, có người của thế hệ tương đối ít xưa hơn, nhưng tất cả đều là những bậc hiền minh, thánh triết. Những vị ấy không những cho phép, mà còn khuyến khích y nên sử dụng lý trí để tự vạch con đường tiền bộ tâm linh của mình. Với một sự kiên nhẫn vô biên, họ trả lời những câu hỏi và giải đáp những điều thắc mắc nghi ngờ, giúp y phát triển trực giác tâm linh và trợ giúp y xuất vía được dễ dàng. Bằng vô số những hiện tượng lạ lùng họ chứng minh cho y thấy rõ đặc tính của vật chất và sức mạnh, và khả năng kiểm soát các hiện tượng thiên nhiên. Hơn nữa, họ còn dạy cho y biết rằng việc truyền Đạo giữa đạo sư và đệ tử vẫn từng có ở khắp nơi trong càn khôn vũ trụ, trong những giai đoạn tuần tự phát triển trí tuệ và tâm linh, cũng giống như cách giáo dục ở các nhà trường v…v…

                                                                                   III

       Theo Huyền Học Ấn Độ, người hành giả muốn thực hành pháp môn Thiền Định, phải áp dụng một phương pháp chuẩn bị gồm có ba nghi thức: tẩy trần; gián đoạn mọi sự liên lạc từ điển với cõi trung giới; và cô lập hóa các loại âm binh lởn vởn ở nơi ấy.

      1_ Trước hết là nghi thức tẩy trần: Chỗ ngồi phải được rửa sạch, và rải lên trên một lớp cỏ Kusa, một loại thảo mộc có tác dụng hấp dẫn những tinh linh tốt lành và xua đuổi ảnh hưởng xấu của những vong linh bất hảo. Trong những loại cây có ảnh hưởng xấu mà người ta tin rằng thường hay quy tụ những vong linh và âm binh bất hảo, có cây me và cây đa. Những vong linh bất hảo này cũng thường hay tụ tập ở những nơi giếng cũ, nhà bỏ hoang, các nghĩa địa, nơi thiêu xác, bãi chiến trường, lò sát sinh, nơi hành quyết và những nơi xảy ra án mạng giết người hay những vụ đổ máu. Đó là sự tin tưởng của người Ấn Độ.

     2_ Nghi thức kế đó là niệm thần chú để xua đuổi các loại âm binh lánh đi nơi khác. Trong khi niệm chú, hành giả dùng bàn tay khoát nhiều lần trên đầu, để tạo một vòng rào từ điển chung quanh mình, có tác dụng bảo vệ y chống lại mọi sự xâm nhập của những ảnh hưởng bất hảo.

    3_ Sau khi đã thi hành một cách cẩn thận và nghiêm túc hai nghi thức tối cần kể trên, mà hành giả không bao giờ được quên lãng hoặc làm một cách cẩu thả, chừng đó y mới đọc những câu chân ngôn có tác dụng thanh lọc thể xác lẫn tinh thần, và chuẩn bị cho sự nhập thiền nhằm mục đích thức động những khả năng tâm linh và đạt tới sự giác ngộ. Một chỗ ngồi thanh tịnh, không khí trong sạch, tránh xa những người vật chất, nặng trược, ô uế, những kẻ vô luân, vô đạo, vô thiện cảm, tất cả đều là cần thiết cho người tầm Đạo.

       Những lời khuyến cáo của “Imperator” (vị hướng dẫn tâm linh khuất mặt của S. Moses) và của các vị thần linh hộ trì cho những đàn cơ chọn lọc ở khắp nơi trên thế giới, cũng đều phù hợp với những quy luật Đông Phương kể trên. Nói tóm lại, những quy luật phòng vệ ấy càng được áp dụng chặt chẽ, thì những lời giáng ngôn tiếp nhận được càng thanh cao siêu việt hơn. Những cử chỉ và ngôn ngữ thô tục, khả ố cùng những thông điệp có lời lẽ xấu xa bỉ ổi thường diễn ra trong nhiều đàn cơ với những đồng tử thiếu sự che chở và thiếu chuẩn bị, giữa những cử tọa gồm những thành phần hỗn tạp, xấu tốt lẫn lộn, đều có thể truy nguyên từ việc xao lãng, không áp dụng cẩn mật chặt chẽ những quy luật bảo vệ nói trên. Tình trạng này đã được cải tiến lần lần trong vòng mười bảy năm qua. Những đồng tử nặng trược và những hiện tượng vật chất đang lần hồi bắt đầu nhường chỗ cho những hình thức sinh hoạt thông linh cao siêu hơn.

        Những quan điểm của “Imperator” về những họa hoạn của những đàn cơ ô trược, hỗn tạp, đã được phản ảnh trong những tác phẩm của ông Stainton Moses. Ông thừa hiểu rằng những kinh nghiệm thu thập được trải qua nhiều thế kỷ, hẳn đã giúp cho người Đông Phương biết được điều chân lý này, là luồng thanh điển thiêng liêng không thể nào đi xuyên qua một đồng tử thấp hèn và một vòng cử tọa ô trược mà không bị ô nhiễm, cũng ví như giòng nước suối trong lành đi xuyên qua một cái bình lọc dơ bẩn sẽ không thể nào còn được tịnh khiết như lúc ban đầu. Bởi đó, họ áp dụng những quy luật nghiêm khắc và chặt chẽ để cô lập hóa người đồng tử khỏi mọi ảnh hưởng xấu xa tai hại, và để chuẩn bị cho sự tinh luyện cá nhân của y đến mức hoàn hảo.

       Không biết một chút gì về những điều lợi hại trên đây, người Tây Phương thường tự họ đi và còn đem những con cái non nớt và nhậy cảm của họ đến những nơi họp đàn bao phủ trong một bầu không khí hắc ám ô trược và sặc mùi tội lỗi. Khi nhìn thấy cái hiểm họa đó, người ta có thể thấy rằng lời khuyến cáo và chỉ trích nghiêm khắc của Imperator, vị hướng dẫn vô hình của S. Moses, thật đúng là dường nào khi ông nói về sự khờ dại của người Tây Phương dối với vấn đề giao tiếp với những vong linh người chết.

       Tình trạng cải tiến nói trên chính là do kết quả tốt lành mà những sách vở và giáo lý Thông Thiên Học của Hội chúng ta đã gây nên trong các giới đồng tử và các phòng họp đàn, hơn là do ảnh hưởng trực tiếp của các diễn giả, tác giả và chủ bút của các báo chí. Chúng ta hãy hy vọng rằng không bao lâu, những quan điểm Thông Thiên Học về các giới Tinh Linh Ngũ Hành và vong linh người chết sẽ được người ta dành cho một sự lưu ý và quan tâm xứng đáng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro