Chương 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tính ra hôm nay là ngày tôi về trễ nhất sau hơn hai tuần đi làm. Ra bãi giữ xe, nhìn đồng hồ mới thấy đã bảy giờ.

Tối cuối tuần, người ta nhàn rỗi nhiều. Trên đường phố đông đúc người dẫn nhau đi mua sắm, đi dạo thật náo nhiệt. Nhưng riêng lòng tôi nặng nề, không rõ vì sao.

Muốn về nhà ăn cơm nhưng sực nhớ giờ này ở nhà cũng không có ai. Ba trực đêm, mẹ đi thăm bạn. Lười nấu nướng, tôi định ghé vào nhà hàng nào đó qua loa cho xong bữa tối.

Dọc hai bên đường đầy những quán xá, nhà hàng, nhưng đâu cũng đầy ắp người. Chạy mãi mới thấy một chỗ thưa khách, tôi tấp xe vào đó.

Nhà hàng gọn gàng, thanh nhã. Bàn ghế sắp ngay ngắn trên sàn gỗ sạch sẽ, đèn trần lộng lẫy. Trong góc khuất, một chiếc đàn piano cổ điển đen bóng, sang trọng.

Tôi vào gọi bát phở. Vừa ăn được một lúc, tiếng đàn đầy cuốn hút bỗng vang đầy trong tay.

Đằng góc phòng, một cô gái đang ngồi, thuần thục đàn từng nốt nhạc. Bản đàn trầm buồn, nhưng nhẹ nhàng và thanh thản, "River Flows in You."

Từ sau lưng, cách một quãng khá xa, tôi thấy cô gái ấy mặc áo thun xanh ngọc, quần jean xám nhạt, trông hiền lành, dịu dàng. Cô còn khá trẻ, dáng người mảnh khảnh, mái tóc buộc cao gọn gàng. Cô thong thả như đàn cho tự mình nghe, mặc kệ bao nhiêu ánh mắt đổ về mình.

Không hiểu sao, nhìn người này, tôi lại thấy thật thân quen.

Tôi tiếp tục ngồi nghe cô đàn thêm vài bản nữa, dù đã ăn xong từ lâu.

Mỗi bản kết thúc, trong nhà hàng ồn ào tiếng vỗ tay. Hết bản thứ sáu, một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề đến vỗ vai cô gái. Tôi nhăn mặt rủa gã phá đám. Cô quay đầu lại, vui vẻ nói chuyện với anh ta.

Thì bấy giờ, tôi mới thấy rõ mặt cô. Đôi mắt cô sáng, long lanh nước. Đôi môi hồng hào lúc cười thật duyên. Gương mặt thật dễ mến.

Nhưng tôi lập tức nhận ra, cô ta có nhiều điểm trông giống tôi. Nhìn kĩ hơn nữa, tôi càng run lên.

Nói chuyện hơn mười phút, cô mới đứng dậy gom mấy quyển tập bài hát bày trên chiếc đàn, ôm gọn trong tay chuẩn bị về. Người đó cũng theo cô sóng bước đi ra.

"Tâm, không phải nói hoài chứ bữa nay em đàn hay thiệt hay! Khách ở đây ai nấy khen em quá trời, anh cũng thấy vui!"

Tôi giật bắn mình. Cô gái đó tên Tâm?

Cô cười ngượng nghịu, "Có gì đâu ạ. Bản thứ tư em đàn còn lấc cấc, phải tập thêm nữa mới được."

"Ừ. Mà còn chuyện em nhờ anh tìm giùm em chỗ hát phòng trà, anh cũng xong rồi, địa chỉ đây. Tối mai em bắt đầu tới hát được rồi. Nhưng mà em có đủ sức làm nhiều việc vậy không đó?"

"À, anh khỏi lo! Thấy vậy thôi chứ em khoẻ như trâu á, không sao đâu!"

"Biết rồi. Về sớm đi. Mai tới chỗ mới làm việc. Nếu không biết đường thì tới tìm anh, anh chỉ cho."

"Dạ, cảm ơn anh. Em về!"

Cô gái đã đi, còn tôi ngồi thừ trên ghế, bần thần lơ lửng, không biết nên làm gì nữa.

Cô gái đó là Tâm. Chắc chắn chính là em gái tôi rồi!

Tôi đã nhớ mong em gái mình suốt mười mấy năm, nhớ đến từng giấc ngủ, bây giờ đã được gặp lại, tôi quá xúc động. Tôi chỉ muốn chạy đến ôm em thật chặt, hỏi thật nhiều chuyện cũ, trở về gia đình mình.

Nhưng có chắc rằng Tâm sẽ nhận ra tôi không?

Mà tạm thời bỏ qua hết đi, trước nhất tôi phải biết hiện tại Tâm đang ở đâu, sống thế nào, tôi mới yên lòng. Nghĩ vậy, tôi đứng dậy trả tiền, rời nhà hàng.

Ra đường lớn, tôi nhìn quanh quất, thấy Tâm đã đi khá xa, mất hút rồi. Tôi cho xe chạy chầm chậm dọc đường, tiếp tục tìm.

Thêm một đoạn xa nữa, tôi mới thấy Tâm đang ngồi chờ xe buýt ở một trạm, bèn ghé xe vào lề đường đối diện. Dưới ánh đèn đường nhàn nhạt, Tâm chăm chú đọc sách nên không thấy tôi bên kia đường đang nhìn em chằm chằm. Mười lăm phút sau xe buýt đến, em vội lên xe.

Xe hướng về phía ngoại thành, tôi theo sau. Dọc đường, cảnh ruộng đồng trong đêm mênh mông, âm u trải rộng ra trước mắt. Mặt đường mới xây rải đầy đá lụn vụn, thoảng lên tiếng rào rạo khi bánh xe cán qua.

Xe dừng lại ở một trạm chờ xập xệ. Tâm bước xuống rồi rẽ vào con đường ngay sau lưng trạm, đi sâu vào ngõ tối. Em mở cổng một căn nhà nhỏ cũ nát.

So với những gì tôi còn nhớ, căn nhà này trông không khá hơn chút nào, thậm chí xập xệ, xuống cấp hơn trước nữa. Vậy cũng đủ cho tôi thấy, bấy lâu nay, mẹ và em tôi đã sống khổ cực nhiều đến thế nào. Lồng ngực tôi bỗng dưng nhức nhối.

Chờ Tâm vào nhà rồi, tôi mới từ từ tới cổng. Cổng chưa khoá, tôi nhẹ nhàng lách người vào. Thoáng nghe tiếng nói chuyện vui vẻ, tôi bèn nép sát vách tường rón rén tới gần chỗ cửa sổ nhà bếp sáng đèn.

Giọng Tâm hào hứng nói với mẹ: "Mẹ, con về rồi!"

"Ừ con! Rửa tay ăn cơm đi, mẹ chiên cái này nữa xong rồi."

Sau nhiều năm, giọng mẹ cũng đổi khác, không còn trong trẻo như lúc trẻ nữa, mà trầm khàn.

"Dạ. Mà mẹ đang làm gì vậy? Chả giò hả? Thơm quá!"

"Đúng rồi, món này hồi nhỏ anh hai mày thích ăn lắm nè, mà hứa chắc là chỉ có mẹ làm nó mới chịu ăn thôi đó!"

"Tự nhiên mẹ nói làm con nhớ anh hai quá, không biết bây giờ ảnh có còn nhớ mẹ con mình không nữa... Mà quan trọng là bệnh tình có hết hay chưa. Phải chi giờ này anh hai có ở đây thì nhà mình vui lắm, phải không mẹ!"

Mẹ không nói gì.

Tự nãy giờ tôi vẫn đứng ngoài cửa sổ đứng yên nghe họ nói chuyện, nhưng đến đây, tôi lặng người, sống mũi cay cay. Ừ, nếu như ngày xưa mình không mắc bệnh, hẳn là giờ này mình đang được sống hạnh phúc lắm.

Tôi quá xúc động, quá muốn được nhìn lại mẹ mình. Tôi bèn nghiêng người liếc vào cửa sổ.

Bà đang đứng bên bếp ga, tay cầm đũa đảo mấy miếng chả trong chảo dầu. Bà mặc cái áo gió màu xanh đã bạc; trên trán lấm tấm mồ hôi, bết vài sợi tóc. Làn da bà sạm đen, mái tóc thề óng mượt đã không còn, thay vào đó là búi tóc vấn cao quê mùa. Khuôn mặt bà khắc khổ, đôi mắt ngân ngấn nước vì mới nhắc đến chuyện không vui. Tâm đứng kế bên, vừa rửa tay vừa huyên thuyên nói.

Tôi chắc chắn họ đúng là mẹ và em mình rồi. Trong thâm tâm, thật sự tôi còn rất nhớ, rất thương họ, cũng thật mong được trở về gia đình này. Nhưng trong lòng tôi vẫn còn nhiều điều vướng mắc.

Ngày xưa vì sao mẹ đột ngột bỏ tôi đi? Vì sao mẹ không bao giờ liên lạc với tôi kể từ khi đó nữa?

Chỉ hai điều đó thôi cũng đã khiến tôi tổn thương nhiều năm nay. Nhưng hơn thế nữa, tôi còn phải đối mặt với nhiều điều khủng khiếp khác: cô đơn có, đau đớn có, sợ hãi có, nhớ thương có. Mà, đó chẳng phải cũng là lỗi do bà chịu buông xuôi, chọn cách bỏ tôi đó sao...? Tôi rùng mình, tự hỏi ngày xưa tôi làm sao có thể sống qua được chuỗi ngày ghê sợ ấy.

Càng nghĩ càng thêm phiền, tôi bắt đầu bực bội, định về. Nhưng vừa mới đi được một bước đã lỡ đạp lên mảnh cây khô, bật lên một tiếng "rắc" khô khốc giữa đêm.

Mẹ giật mình kêu lên: "Ai ngoài đó vậy?"

Tôi tái mặt, nín thở đứng im bặt. Lặng một hồi, Tâm mới nói: "Chắc là chó hay mèo gì đó, giờ này còn có ai tới nhà mình nữa chứ. Nếu có là ăn trộm thì nó cũng khùng lắm mới trộm nhà mình!"

Mẹ không để ý nữa. Hai người lao xao dọn đồ chuẩn bị ăn cơm.

Tôi nhẹ thở một hơi, rón rén mò ra đầu đường. Một lúc lâu sau tim vẫn còn đập thình thịch thình thịch.

Trong đầu tôi bỗng dưng nảy ra ý muốn tìm lại bãi biển cũ lúc trước. Vì vậy, tôi vòng xe lại chạy đến làng chài kia.

Mười phút sau, tôi đã thấy biển đêm trước mắt.

Tôi đi dạo thong thả dọc theo bờ cát, nhìn quanh cố tìm lại những gì quen thuộc.

Tuy rằng cảnh vật đã có nhiều đổi thay, nhưng đây vẫn gợi lại cho tôi bao kỉ niệm vui vẻ với mẹ và em ngày trước.

Buổi chiều nào mẹ cũng dẫn anh em tôi ra đây chơi một lúc. Tôi hay chạy ra chỗ nước cạn, chờ cho sóng biển tạt vào chân, vừa mong chờ vừa phấn khích, tôi rất thích cảm giác đó. Nhưng em Tâm không giống tôi, nó ngồi tựa vào những tảng đá to ngắm biển. Mẹ thì không làm gì cả, chỉ nhìn hai anh em tôi mãi không rời. Cứ vậy, buổi chiều mỗi ngày yên bình trôi qua.

Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng tôi đã vô cùng hạnh phúc.

Nhưng có được bao lâu đâu?

Tôi rất căm thù số phận sao lại bắt tôi phải chịu căn bệnh khốn kiếp này, khiến tôi mất cả gia đình, mất đi hạnh phúc, mất luôn thời thơ ấu tươi đẹp mà bất cứ đứa trẻ nào khác ngoài tôi cũng đều có được!

Tôi giận mẹ vẫn vì chuyện cũ. Nhắc đi nhắc lại mãi một chuyện thì thật đáng chán, nhưng nó lại day dứt lòng tôi đến chết. Nếu như ngày xưa được chọn lựa, chắc chắn tôi sẽ chọn sống cùng mẹ. Dẫu sau này có phải chết trong đau đớn, hoặc thương tật hết cả đời còn lại, tôi cũng không hối hận. Điều mà cả đời này tôi cầu mong chính là hạnh phúc. Bây giờ dù tôi có khoẻ mạnh, tương lai đang rộng mở, nhưng cũng không bằng mấy năm cuối cùng được ở bên mẹ.

Dẫu đã biết mẹ thương tôi rất nhiều, muốn tôi được sống trong điều kiện tốt hơn mà vì bà không có tiền nên mới phải làm vậy, nhưng tôi vẫn băn khoăn. Tại sao hồi đó mẹ không nói một lời đã đi, tại sao từ bấy lâu nay mẹ không một lần tới thăm tôi, đến một cuộc điện thoại cũng không có?

Tôi đã tự hỏi mình câu đó hàng nghìn lần mà vẫn không làm sao ra câu trả lời.

Gió biển đêm lạnh lẽo, thổi vào tấm lòng nguội lạnh của tôi.

Mẹ ơi, con thương mẹ. Nhưng tại sao mẹ nỡ làm vậy với con? Mẹ định hoàn toàn dứt bỏ con, coi như chưa từng sinh ra con sao?

Nếu đã vậy, con cũng không mong được nhận lại mẹ nữa.

Khoé mắt tôi âm ẩm nước, nhưng tôi cố ép hết nước mắt vào, ngăn không cho mình khóc.

Mang theo tâm trạng buồn phiền cùng cực, tôi lặng lẽ về nhà.

* * *

Mười một giờ đêm, vùng quê này đã hoàn toàn chìm vào tịch mịch. Cả quãng đường thật dài không có một bóng ma, một ngọn đèn đường. Bóng tối trải dài đến vô tận, đặc quánh, nuốt cả ánh đèn xe. Tôi quá mệt mỏi, muốn được mau về nhà ngủ nên lái xe thật nhanh.

Khu phố nhà tôi. Đêm khuya trên đường vắng xe, hàng quán đóng cửa hết. Mọi căn nhà đã kín cổng từ lâu, dần chìm khuất vào bóng tối. Trên vỉa hè lác đác chỉ còn vài người đi đâu đó về khuya, hay có kẻ ăn mày, ôm manh chiếu lầm lũi như những bóng ma. Ngọn đèn đường vàng vọt chiếu xuống mấy mẩu rác bẩn thỉu. Cỏ cây đẫm sương đêm lặng lẽ ngủ say.

Thật đáng chán, tôi thầm nghĩ.

Hôm nay tôi đã thấy quá nhiều điều bất ngờ, bất ngờ đến mức tôi còn chưa tin là thật. Tôi đã lần đầu được gặp lại mẹ và em gái sau rất nhiều năm xa cách, đã trở về nhìn lại nhà cũ của mình, đã nhớ lại biết bao chuyện cũ.

Lúc trước tôi vẫn nghĩ tình cảm mình dành cho mẹ đã phai nhạt, nhưng giờ gặp lại bà đang phải sống khổ cực, dáng vẻ hao gầy tiều tuỵ, tôi bỗng thấy đau lòng. Giờ mới biết thật ra tình cảm trong tôi vẫn tròn vẹn, nhưng tôi vẫn chưa muốn gặp bà... thậm chí là không muốn...

Nhà tôi kia rồi, một căn nhà ba tầng, với hai cái cây cao lớn trước cổng. Ngọn đèn đường phủ ánh sáng vàng vọt vào mọi ngõ ngách.

Ừ... Tôi sống trong căn nhà lớn thế đấy. Mà hai người thân yêu nhất của tôi sống ở một góc khuất tồi tàn không ai biết đến...

Tôi thở dài.

Vừa mới tấp xe vào cổng, tôi đã thấy chú Chung, quản gia, chạy ra mở cửa.

Thường ngày, muộn lắm chín giờ chú đã đi ngủ, nhưng hôm nay tôi về trễ, chú cũng thức khuya mở cổng cho tôi.

Tôi dẫn xe vào gara. Trở ra sân thấy chú còn ngồi trên thềm đợi tôi vào nhà đóng cửa. Lòng phiền muộn muốn vùi mình vào giấc ngủ ngay, nhưng bỗng tôi muốn nói chuyện với chú Chung - một người đàn ông đã trải qua nhiều chuyện trong đời. Biết đâu chú sẽ cho tôi vài lời đúng đắn.

"Chú Chung, thí dụ như, nếu con ruột của chú không chịu nhìn nhận chú, chú có buồn không?"

Chú Chung nhíu mày, bất ngờ nhưng cũng đáp.

"Buồn lắm chứ con, máu mủ ruột thịt của mình mà. Nhưng nếu con cái kiên quyết không muốn nhìn cha mẹ mình nữa, thì cha mẹ cũng đành chấp nhận thôi."

"Chấp nhận sao? Có nghĩa là coi như mình chưa hề có đứa con đó?"

"Không đâu, chỉ có con cái mới từ bỏ cha mẹ. Còn với cha mẹ, nếu không vì khó khăn gì đó thì sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái của mình đâu con."

"Vậy như con của chú bị bệnh nặng, chỉ có hai con đường, hoặc là giữ nó lại để nó sống với mình thêm vài năm, hoặc là chịu bỏ nó để nó đến với gia đình khác, mà được chữa khỏi bệnh, sau này nó có tương lai tốt hơn. Vậy chú chọn đường nào?"

"Chú... Trước hết chú cũng phải tìm mọi cách để giữ nó lại mà nó vẫn sống tốt. Nhưng... Nhưng nếu mà vô phương rồi thì cũng đành để nó đi."

"Sao vậy ạ, sao không giữ nó lại, chú không thương nó?"

"Thương? Giữ nó lại khác nào giết nó chứ? Con có con rồi thì biết, nó vấp ngã trầy chân thôi mình cũng buồn rồi, nói chi nhìn nó chết dần chết mòn!"

"Nếu như nó đòi ở lại, không chịu đi?"

"Không đi chú cũng bắt nó đi. Nó ở lại thì đúng là điên dại. Cha mẹ thương con nhưng không bao giờ ích kỉ. Nếu hy sinh để con được sống tốt thì cha mẹ làm gì cũng không từ."

"Kể cả sau này nó có trở mặt mà ghét chú?"

"Thì chú đành chịu. Trừ khi nó tự hiểu chuyện này và thông cảm cho chú."

Những lời chú Chung làm tôi bừng tỉnh. Mẹ, mẹ không nhẫn tâm như tôi nghĩ, bởi bà không đủ sức rời bỏ tôi, chỉ có thể ngậm ngùi mà đi. Chắc chắn lúc xa nhau mẹ cũng từng rất đau khổ, rất nhớ tôi - tôi cũng thế. Mười tám năm nay bà không muốn gặp tôi cũng bởi không muốn khơi sâu nỗi đau thêm nữa. Mà tôi thì sao? Tôi chưa bao giờ đứng về phía mẹ mà nghĩ lại điều gì. Hai mươi ba tuổi đời vẫn ôm một nỗi giận hờn trẻ con và ích kỉ. Rồi vì nỗi giận hờn ấy mà tôi giận mẹ, trốn tránh mẹ. Và mỗi ngày mẹ lại phải chịu thêm nỗi đau có con mà bị con thù ghét. Lòng tôi dậy lên cảm giác hối hận, choáng ngợp đến nghẹt thở! Tôi phải thật làm gì đó, làm gì đó để chuộc lại lỗi lầm, trước khi quá muộn!

Đêm đó, tôi mơ thấy mình bé lại, được nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro