Chương 1 : Mở đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vũ trụ bao la rộng lớn vô cùng. Thái Cổ Thần Tiên Lục chép lại rằng nằm dưới Tam Thập Tam Thiên có 4 đại châu, phân biệt theo diện tích từ lớn đến nhỏ là Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hoá Châu, Nam Thiêm Bộ Châu và Bắc Câu Lư Châu. Trong đó Đông Thắng Thần Châu do nhân tộc cộng đồng chiếm cứ, Tây Ngưu Hoá Châu còn gọi là Hỗn Loạn Chi Địa, là nơi yêu tộc sinh tồn, Nam Thiêm Bộ Châu hay còn gọi U Minh thế giới, là nơi chí âm trong thiên địa, các âm hồn tất cả sinh linh trên thế gian được tiếp dẫn trở về đây chờ ngày tiến nhập luân hồi, Bắc Câu Lư Châu tuy diện tích nhỏ nhất nhưng là nơi linh khí nồng đậm nhất, chính là Thần Tiên Lục Địa nơi các bậc địa tiên, tán tiên tu hành.

Đạo lớn càn khôn khi tan khi hợp, hết hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp. Âm cực dương sinh, dương cực âm sinh, sinh sinh hoá hoá, lưu chuyển không ngừng.

Hồng Mông định Âm Dương, âm dương sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, từ bát quái ngũ hành sinh hóa ra thiên địa càn khôn, vạn vật muôn loài cũng từ đó dần dần xuất hiện tạo thành thế giới.

Tất cả biến hoá ấy không nằm ngoài đại đạo của vũ trụ. Đạo tự thân nó vốn không có hình thể, nó tự gốc của nó mà có thể tạo ra quỉ thần, Thượng Đế, nó sinh ra trời đất vạn vật, ở trên thái cực mà không cao, dưới lục cực mà không sâu, có trước trời đất mà không phải trường cửu, có trước thời thái thượng thái cổ mà không phải là già. Thái Thượng Lão Quân gọi là Đạo.

Đạo là nguồn gốc phân chia thế gian thành Tiên – Nhân - Ma tam giới. Tam giới phát nguyên từ Đạo mà căn bản của Đạo là lẽ tan hợp nên tam giới cũng không thoát khỏi vòng tuần hoàn sinh tử, luân hồi mãi không thôi. Mỗi lần vũ trụ Đại Phá Diệt đều quy về Hồng Mông chi kỳ.

Đây lại nói về kỳ Hồng Mông chính là lúc hỗn độn sơ khai. Khí đục trong chia tách tạo ra thế giới, đó là phần hữu hình. Phần vô hình khi hỗn độn phân chia cũng theo mà tách rời gọi là tiên thiên chi thể, 1 dạng linh khí, tinh thần của vô cực, tản mác vào khắp nơi trong vũ trụ. Đạo gia gọi là tiên thiên chi khí hay còn gọi là linh khí, Nho gia gọi là hạo nhiên khí, Phật gia gọi là Phật lực.

Tuy linh khí vô hình vô thể nhưng cũng có khi tụ khi tán, khi tụ thì linh lực thu liễm, lúc tán thì linh lực lan tỏa, tùy theo cơ duyên mà thay đổi. Tương truyền từ lúc hỗn nguyên phân chia, 1 mảnh Hồng Mông chi khí lần nữa lại tụ thành hữu hình, trở thành tiên thiên chí bảo là Hỗn Nguyên Vô Cực Linh Kỳ cùng với Vô Cực Đồ của Thái Thượng Lão Quân được xưng là Tiên gia song bảo.

Hỗn Nguyên kỳ lưu lạc nhân thế không biết tự bao giờ, chỉ biết rằng vua Hi Vi hòa hợp trời đất cũng chính phần lớn nhờ vào pháp lực của nó, Tây Vương Mẫu năm xưa đấu pháp giành núi Thiếu Quảng cũng phải nhờ đến uy lực của Hỗn Nguyên kỳ mới đả bại Địa Cực tán tiên, chủ của các vị địa tiên trên thế gian.

Đến thời Hoàng Đế, vị pháp lực đứng đầu trong Tam Hoàng thời ấy, khi đại chiến với Si Vưu ở cánh đồng Trác Lộc suốt chín ngày đêm máu chảy trăm dặm, nếu không nhờ đến tiên kỳ hủy diệt Thiên Ma phan của Si Vưu thì thắng bại về ai cũng còn chưa phân.

Trải qua bao đời thăng trầm, Hỗn Nguyên kỳ lần lượt về tay Dung Thành, Đại Đình, Bá Hoàng, Trung Ương, Lật Lục, Li Súc, Hiên Viên, Hách Tư, Tôn Lư, Chúc Dung, Phục Hi, Thần Nông 12 vị hoàng đế đầu tiên của đất Đông Thắng, được xem như bảo vật trấn quốc, bình trị thiên hạ.

Đến thời Hoàng đế, sau khi bình định Si Vưu thì tiên kỳ bỗng thất lạc đi đâu không rõ. Có thuyết cho rằng Nguyên Thủy Thiên Tôn đã thu hồi thần vật, có thuyết lại cho rằng do sát khí nhiễm phải quá nặng sau trận chiến kinh hồn này, Hỗn Nguyên linh kỳ do tự có linh khí bèn nhập thổ, chờ người có tiên duyên tìm được và đủ phúc đức để làm chủ nhân. Tóm lại là rất nhiều thuyết hoang đường xoay quanh chiếc linh kỳ thần bí, nhưng sự thật như thế nào thì cho đến bây giờ vẫn chưa ai biết.

……………..

Chính vì thế Trương Đạo Lăng tu tiên đắc đạo được tôn thành Trương Thiên Sư, pháp lực đạo hạnh ngang với bậc Đại La thần tiên một phần do công phu tu tập cùng tiên thiên chi thể, một phần cũng do phúc duyên thâm hậu khai phá được chướng nhãn trận vào Thiên Quang động phủ, tìm thấy 3 cuốn thiên thư tu luyện tiên pháp.

Đây lại nói về Trương Thiên Sư – Trương Đạo Lăng.

Trương Đạo Lăng lúc mới sinh ra trên 2 bàn chân đều có dấu Thất Tinh, lớn lên lại bái Thiên Toàn chân nhân, chưởng môn Thất Tinh môn làm thầy.

Thiên Toàn chân nhân lúc bấy giờ được xem là Thái Sơn Bắc Đẩu trong thiên hạ, nhưng vì bản tính ôn hòa không thích đua tranh nên chỉ thu nhận 7 môn đồ, phân chia đạo thuật ra làm 7 phần theo thứ tự truyền dạy : thiên văn địa lý, cầm kỳ thi họa, kỳ hoàng, võ công, đạo thuật, đan thuật, trường sinh thuật. Sau khi chân nhân tọa hóa, các đệ tử mỗi người đều tự khai tông lập phái thành ra 6 chi riêng rẽ. Chỉ riêng tiểu sư đệ Trương Đạo Lăng không màng danh lợi tiếp tục khắc khổ tu hành.

Theo truyền thuyết, người chân đạp Thất Tinh là nhân tài hàng ngàn năm mới xuất hiện nên từ thuở nhỏ Trương đã vượt xa đồng môn huynh đệ trên đường tu đạo. Đến năm 30 tuổi nhân 1 lúc truy đuổi Kim Giáp Tê Ngưu tình cờ phát hiện ra động Thiên Quang, bên trong có khối ôn ngọc hàn nhiệt vạn năm và 3 quyển Thiên Thư. Đạo Lăng bèn lưu lại, dựa vào linh khí của kỳ thạch luyện thành Vô Cực đạo pháp. Công lực của ông lúc bấy giờ có thể nói sánh ngang thần tiên trong thần thoại, thông thiên triệt địa.

Trương Thiên Sư lúc sinh thời, với pháp lực cao siêu hành thiện khắp thiên hạ, diệt ác trừ bạo, hàng phục yêu ma quỷ quái khắp tam sơn ngũ nhạc, dùng thần thông tiêu tai giải nạn, giúp đỡ lê thứ, lại tích cực khuyên răn mọi người 1 lòng hướng thiện tu nhân tích đức. Đối với kẻ chưa đến mức thập ác bất xá thì khuyên răn, cho cơ hội cải tà qui chính. Thiện nghiệp vô cùng trải khắp nơi nơi khiến người người, nhà nhà đều tôn làm thánh. Danh tự Thiên Sư cũng từ đó mà ra.

Trương Thiên Sư du lãng giang hồ đến năm hai trăm tuổi thì lui về Thiên Quang động phủ bắt đầu thu nhận môn đồ, thành lập Thanh Hư đạo quán và sáng lập Thanh Hư môn, chi phái thứ 7 của Thất Tinh môn. Thanh Hư môn chẳng mấy chốc trở thành môn phái lãnh tụ thiên hạ, cao thủ nhiều như mây. Thanh Hư môn hạ hành hiệp giang hồ, nhờ vào đạo pháp cao cường lập nên nhiều thành tích lẫy lừng. Tiếc rằng kể từ khi Trương tổ sư thăng thiên đến nay gần ngàn năm nhưng trong môn phái chưa xuất hiện được nhân tài nào kiệt xuất. Ba quyển Thiên Thư là Đạo gia chí bảo đến nay vẫn chưa có ai tham ngộ được triệt để để luyện thành đạo pháp như Trương tổ sư khi xưa.

Trương chân nhân tham thấu được huyền cơ trong quyển cuối cùng của bộ Thiên Thư, trước khi tọa hóa đã lưu lại 1 phần thần khí của mình đồng thời thu thập linh lực của trấn thế kỳ bảo là Vạn Niên Thạch Mẫu trong Thiên Quang động dựng nên trận pháp Bát Quái Càn Khôn Khuyên có khả năng trừ yêu phục ma, bảo vệ 1 toà Thanh Hư đạo quán khỏi bị xà trùng độc thú, yêu nghiệt ma chướng quấy nhiễu.

Từ khi Trương Thiên Sư thăng thiên đến nay pháp trận này vẫn chưa từng bị chính thức thử thách qua bao giờ. Khắp thiên hạ ai cũng đều biết với linh lực thần kỳ của Thạch mẫu, cộng với tiên pháp của Trương tổ sư, uy lực của nó phải ghê gớm thế nào.

Cửu U giáo tuy hoành hành Đại Nhật quốc nhưng đối với pháp trận này cũng mười phần e dè, không dám lỗ mãng hưng binh quấy nhiễu Thanh Hư đạo quán. Cửu U ma quân tâm cơ sâu sắc lại mang dã tâm cực lớn đã nhiều lần ngầm lệnh cho đệ tử dưới trướng tìm cách dò xét Thanh Hư quan, nhưng bao nhiêu thuộc hạ dù tài giỏi cỡ nào đều 1 đi không trở lại, vô tung vô tích biến mất. Cho đến khi phó giáo chủ Cửu U giáo là Thiên Bằng công tử Hạ Hầu Vân, đại cao thủ đệ nhất của Tổng đàn chỉ đứng sau Giáo chủ cũng mất tích thần bí tại động Thiên Quang thì Cửu U ma quân mới đích thân ra lệnh cho môn hạ đình chỉ mọi hành động dò thám Thanh Hư đạo quan, đồng thời cấm môn đồ Cửu U giáo tự tiện hành động trong vùng phụ cận Thiên Ân quận.

Mặc dù ma chướng không ngừng hoành hành khắp nơi nơi nhưng Thanh Hư môn hình như chỉ trọng câu “tiên bảo kỳ thân”. Dù thời thế loạn lạc thế nào, dù nhân sĩ chính đạo bị áp bức ra sao cũng vẫn 1 mực án binh bất động, không có phản ứng gì tích cực đáp lại. Thanh Hư đệ tử cũng không bước ra ngoài tục thế mà chỉ ở trong phạm vi trăm dặm quanh Thiên Ân thành đi lại.

Thanh Hư quán chủ Thiên Cơ chân nhân từ lúc Cửu U giáo quật khởi thôn tính thiên hạ đến nay chưa hề ra mặt vì đồng đạo phù trì chính nghĩa, lấy danh nghĩa Đạo môn đệ nhất nhân hiệu triệu thiên hạ đối phó ma chướng. Nhân sĩ khắp nơi tuy không nói ra nhưng ai ai cũng thầm oán trách thái độ “hạnh tai lạc họa” của đệ nhất phái chính đạo này.

Đây nói về đất Đông Thắng Thần Châu.

Đại châu mênh mông từ xưa đến nay chưa ai biết tận cùng, phía Đông giáp với Đại Hoang Hải, phía Tây giáp với Thiên Trùng Lĩnh, phía Nam bị vòng đai chướng khí Hắc Ám Mê Vụ ngăn cách với Bắc Câu Lư Châu, phía Bắc giáp với Nguyên Thuỷ Sâm Lâm. Theo Thần Tiên Lục ghi lại, Đông Thắng Thần Châu là đại châu có hoàn cảnh sinh tồn dễ dàng nhất trong 4 đại châu, theo thiên nhiên ưu đãi mà nơi đây nhân tộc phát triển phồn hoa nhất.

Vùng trung tâm Đông Thắng Thần Châu khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu là lãnh thổ của 6 đại đế quốc : Đại Dung, Đại Nam, Đại Việt, Đại Hạ, Đại Nhật và Trung Ương Đại Thiên quốc, mỗi đế quốc cũng bao gồm vô số tiểu quận phụ thuộc. Trong đó Trung Ương Đại Thiên quốc thực lực siêu cường chiếm vị trí lãnh tụ, 5 đế quốc còn lại thực lực sàn sàn nhau, tuy xung đột vùng biên cương vẫn thỉnh thoảng xảy ra giữa các tiểu quốc chư hầu thuộc về các đế quốc khác nhau nhưng thủy chung vẫn chưa phát triển thành qui mô lớn. Các đế quốc vẫn lẫn nhau dè chừng, sợ rằng toàn diện xung đột với 1 bên khác sẽ làm các đế quốc còn lại ngư ông thủ lợi.

Đại Dung quốc, Đại Nam quốc, Đại Việt quốc và Đại Thiên quốc là do hoàng quyền nắm giữ, ngoài ra Đại Nhật quốc và Đại Hạ quốc do tông phái giới thao túng. Đại Nhật do 7 tiên đạo đại phái cộng đồng lãnh đạo, trong đó vị trí đệ nhất và đệ nhị thuộc về Thanh Hư môn và Thiên Đô phái. Đại Hạ quốc tuy bề ngoài do hoàng triều cai trị nhưng thực chất quyền lực tập trung vào Vô Tướng môn. Môn chủ là Vô Tướng lão tổ nửa chính nửa tà, nghe đồn tu vi sớm đã siêu việt phàm nhân, chỉ còn nửa bước đã tiến vào hàng Địa tiên.

Lại nói riêng về Đại Nhật quốc.

Đạo lớn xoay vần, càn khôn biến đổi, hết đạo thắng ma suy rồi lại đến thời ma thắng đạo suy, thời kỳ này thật đúng với câu “đạo cao 1 thước, ma cao 1 trượng”. 

Ngày nay thiên hạ Đại Nhật nằm trong tay của Cửu U giáo. Giáo chủ Cửu U giáo Cửu U Nhân Ma, tên gọi Lam Ngạo Thiên, người ngoài thường gọi y là Lam Cửu U. Lam Cửu U xuất thân kỳ bí, không rõ môn hộ nhưng pháp lực cực cao có thể nói đương kim Đại Nhật đệ nhất nhân. Cửu U giáo chủ với dã tâm không nhỏ chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm quật khởi đã thôn tính hết các môn phái ở Đại Nhật, gần như nhất thống các tiểu quận phụ thuộc các đại môn phái ở Đại Nhật dưới trướng mình, tự lập quốc chủ, đổi quốc hiệu thành Đại Tần.

Chính phái luyện khí sĩ tuy nhiều nhưng bị Cửu U giáo áp chế đến nỗi ngóc đầu không được, nhân tài điêu linh, các bậc trưởng lão nếu không bị sát hại hoặc bị bắt giam vào Thiên Ma Cửu U Lao thì cũng bị khuyến dụ đầu hàng, bọn đệ tử kẻ nào có tư chất thì bỏ sang đầu nhập Cửu U giáo, lớp ở lại không được Cửu U giáo thu nhận do tư chất thấp kém thì do không được minh sư chỉ điểm nên chỉ học được vài miếng võ đuổi gà, pháp lực tầm thường đến độ bắt bọn ma cỏ chuyên hù nhát bọn đàn bà con nít cũng chẳng xong.

Thái Bạch môn thái thượng trưởng lão Thiên Trì Thượng Nhân bế quan hơn trăm năm tiềm tu thiên đạo, vì sự tồn vong của bản môn phải xuất quan, bị Thái Hạo Càn Khôn Khuyên của Lam Cửu U đánh tiêu tán pháp lực đương trường tự vẫn, Thái Bạch phái từ chưởng môn nhân đến các đệ tử đều tuẫn tiết, nhất quyết không chịu nhục. Trận này tuy không thu phục được Thái Bạch môn nhưng Cửu U ma quân lập danh thiên hạ vì đánh bại Thiên Trì trưởng lão công lực đã tiến nhập vào cảnh giới tán tiên. Lam Cửu U thu được trấn môn chi bảo của phái Thái Bạch là Ngọc Đới Cẩm Y. Bảo y này được truyền lại từ thái cổ, nghe đồn là vật tùy thân của Cung Công có thể tỵ thủy hỏa, vào nước lên non, đi vào bể lửa đâu đâu cũng được. Thiên Lam quận theo Thái Bạch môn diệt cũng xóa tên, sát nhập vào bản đồ Đại Tần.

Ngọc Hư đạo trưởng chưởng môn đời thứ 14 Thiên Đô phái, cùng với Thanh Hư chưởng môn Thiên Cơ chân nhân được tôn là thiên hạ song tiên, ước hẹn cùng ma quân ấn chứng pháp lực, kẻ bại phải vĩnh viễn ẩn cư không xuất thế. Hai nhân vật tuyệt đỉnh đại biểu cho 2 phái chính tà đấu pháp trên Thiên Đô phong suốt 3 ngày đêm. Nghe kể lại đó là 1 trận đấu phép ghê gớm chưa từng thấy kể từ thần ma chiến thời Thái Cổ đến nay. Trận chiến này làm trời long đất lở, phong vân biến sắc, cơ hồ suốt 3 ngày thiên địa rung chuyển, ánh dương quang ảm đạm như hồi tận thế. Nhân sĩ tu chân chỉ dám từ xa quan vọng không dám tiếp cận quá gần vì dư ba pháp lực chấn động quá mãnh liệt, chỉ cần sơ sẩy tiếp xúc sẽ không chết cũng bị thương nặng.

Ngọc Hư đạo trưởng không tiếc hao tổn chân nguyên cùng thọ mệnh triệu hoán hộ giáo đại thần là Lục Giáp Thiên Thần bày Chân Võ Phục Ma pháp trận vây khốn ma quân. Pháp trận uy lực cực mạnh những tưởng đã luyện hóa được Cửu U giáo chủ cùng nguyên thần, vậy mà cuối cùng bị y dùng bí pháp vô thượng đánh vỡ thoát ra, còn triển khai U Hạo Luyện Hồn Câu Tâm đại pháp phản kích. Ngọc Hư đạo trưởng nguyên thần cùng chân khí tiêu tán không tiếp tục chi trì nổi nên đành nhận bại, tự nguyện đem 1 thân công lực vĩnh viễn phong ấn thoái ẩn giang hồ. Toàn bộ Thiên Đô phái cũng lui ra ngoài quan ngoại không bước chân vào Đại Tần lãnh thổ nữa. Tiểu quốc phụ thuộc Hạo Thiên quốc diệt.

Trận đấu pháp này cũng để lại một nghi vấn không ai giải đáp được, đó là Phục Ma Pháp Trận có thiên thần hộ trận, là trận pháp bí truyền do Chân Võ đại đế lưu lại, hàng nghìn năm qua được coi là trấn môn chi trận của Thiên Đô phái. Phục Ma trận có thể nói vững như tường đồng vách sắt, kín như thiên la địa võng, bất luận thần hay ma hễ bị vây khốn trong trận sẽ không có cách nào thoát thân đến khi nguyên thần tiêu tán, thân thể bị luyện hóa thành tro bụi. Dù tu vi như bậc địa tiên cũng bị phong bế Linh Đài trở thành phàm nhân. Cửu U ma quân chẳng những thoát ra khỏi trận mà còn đủ công lực áp bức Ngọc Hư chân nhân phải chịu bại. Tuy ma quân cũng bị tổn thất không nhẹ, phải bế quan tu luyện suốt 3 năm sau đó, nhưng đổi lại Cửu U giáo đã tiêu diệt được đệ nhất phái chính đạo tại Trung thổ, là cái đinh nhọn trước mắt. Đạo pháp Thiên Đô môn truyền đến đời này là dứt.

Hoàng Y Hội hội chủ danh chấn giang hồ với Kim Quang Hộ Thân Tráo, rốt cuộc cũng bị Cửu U giáo chủ đánh cho hình thần câu diệt. Rồi Triều Dương môn, Kim Đao phái, Toàn Chân giáo lần lượt bị diệt, 7 chính phái đứng đầu Đại Tần giờ chỉ còn Thanh Hư môn. Theo đó các tiểu quận Vân Hà, Xích Tiêu, Thanh Hải cũng xóa tên, hiện giờ chỉ còn quận Thiên Ân phụ thuộc Thanh Hư môn còn tồn tại lẻ loi nơi cực bắc của Đại Tần.

Quang âm thấm thoát, thoáng cái đã mười mấy năm trôi qua. Cửu U Lam Ngạo Thiên thống nhất Đại Nhật quốc, đổi quốc hiệu từ Đại Nhật thành Đại Tần.

Cửu U giáo chủ tự xưng quốc chủ, đạo pháp hiện nay được coi là Đại Tần đệ nhất, thâm mưu viễn lự, khi tính toán thì sâu xa thận trọng, đến lúc hành sự thì quyết đoán tàn nhẫn, làm cho Cửu U giáo thực lực vượt xa cả Thanh Hư môn lúc đương thời.

Có điều kỳ lạ là tuy danh chấn giang hồ nhưng từ trước đến nay chưa ai thấy chân diện mục của vị giáo chủ đệ nhất tà giáo bao giờ. Lam ma quân lúc nào xuất hiện cũng thần thần bí bí với mặt nạ Thiên Ma bằng vàng. Người thì đoán Lam ma quân mặt mũi xấu xí đến mức không dám chường mặt thực ra nhìn đời, kẻ thì lại đoán y là tuyệt sắc nữ nhân nên không muốn mang nhan sắc ra cho mọi người nhòm ngó, có kẻ táo tợn hơn thì lại cho rằng y là 1 nhân vật đại thiện danh trên giang hồ nên phải che kín dung mạo thật. Tóm lại có rất nhiều truyền kỳ xoay quanh nhân vật thần bí này.

Cửu U giáo thống trị Đại Tần, ngoại trừ phần lãnh thổ ở trung tâm do Cửu U tổng đàn quản lý, 4 phương Đông Tây Nam Bắc được chia thành tứ trấn lần lượt là Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Võ và Chu Tước dưới quyền cai quản của 4 vị Hầu gia : Oai hầu Âu Dương Siêu cai quản Thanh Long trấn, Ninh hầu Mã Bá Thiên cai quản Chu Tước trấn, Vinh hầu Âm Bỉnh cai quản Huyền Võ trấn và Khang hầu Lăng Vô Song cai quản Bạch Hổ trấn.

Trung ương tổng đàn ngoài giáo chủ tọa trấn còn có đệ nhất phó giáo chủ là Phụng Vỹ tiên tử Nhâm Băng, đệ nhị phó giáo chủ là Thiên Bằng công tử Hạ Hầu Vân tạm thời chưa rõ tung tích sau khi biến mất 1 cách bí ẩn trong phạm vi Thanh Hư đạo quán, và 3 vị sứ giả Nhật Nguyệt Tinh tam sứ. Ngoài ra còn thiết lập nội tam đường gồm Hình Pháp đường do Âm ma Lạc Cửu làm đường chủ, Luyện Khí đường do Phiêu Diêu Long Nữ Hà Hồng Anh làm đường chủ, Truyền Công đường do Bạch y tú sĩ Long Thái Quan làm đường chủ.

Cửu U giáo tổng đàn trừ giáo chủ công lực cao đến mức nào không ai rõ, trong các cao thủ dưới trướng hạng nhất phải kể đến tam sứ đứng đầu là Nguyệt sứ. Người trong giáo chỉ biết gọi cô ta là Nguyệt Cô còn tên họ là gì, môn hộ xuất thân ra sao thì không ai rõ ngoài giáo chủ. Mặc dù ở địa vị tôn quý, công lực cao siêu nhưng Nguyệt Cô luôn khiêm cung hòa ái nên bọn đệ tử ai cũng yêu mến.

Đạo môn thất đại phái chỉ còn duy nhất Thanh Hư môn nơi cực Bắc, tuy vẫn là cái gai trong mắt nhưng uy hiếp đã không còn, mục tiêu kế tiếp của Cửu U giáo là thanh trừ thế lực của Phật môn trên lãnh thổ Đại Tần mà đứng đầu là Thiên Phật tự. Cửu U ma quân tuy dã tâm cực lớn muốn gồm thâu toàn bộ bách gia pháp môn cùng tam giáo cửu lưu về 1 mối, hoàn toàn nắm trong tay Đại Tần quốc, nhưng vì Phật môn tăng lữ vốn bao đời nay không đua tranh với đời, hơn nữa Phật môn thần thông thâm sâu khó lường nên đành tạm thời ẩn nhẫn chưa có hành động gì.

Lam Ngạo Thiên ngoài mặt tuy không tìm cách uy hiếp cửa Thiền nhưng vẫn sai người ngấm ngầm dò xét hư thực của Phật môn. Phật môn tăng lữ trong Đại Tần đứng đầu là Thiên Phật tự cũng ước thúc đệ tử nghiêm ngặt, cực ít xuất hiện trên chốn giang hồ.

Chi phái đạo gia khắp Đại Tần hiện thời chỉ còn Thanh Hư đạo quán miễn cưỡng chống đỡ được với sự xâm lấn của Cửu U giáo, 1 phần vì nằm ở biên cương trên đỉnh Côn Lôn xa xôi, 1 phần vì Cửu U ma quân e ngại oai lực của pháp trận Bát Quái Càn Khôn. Trận pháp vô thượng này được lưu lại từ lúc Trương Thiên Sư tu hành và đắc đạo tại đây. Trước khi vũ hóa phi thăng, Trương Thiên Sư đem cảm ngộ qui tắc thiên địa suốt đời mình bày xuống trận pháp, lấy Càn Khôn vi chủ, Bát Quái vi phụ thiết lập 1 tòa pháp trận kiên cố để ngăn chặn chướng khí xông lên Côn Lôn sơn, đồng thời là bước tối hậu thủ hộ môn phái trước thời khắc sinh tử tồn vong.

Nguyên dãy Côn Lôn hùng vĩ bao la kéo dài ngàn vạn lý thành 1 mạch xuyên suốt mấy đại đế quốc, đứng trên mây xanh cũng khó lòng bao quát trọn vẹn cả đầu lẫn đuôi của nó, sơn mạch liên miên, sông hồ nhiều vô số, linh khí trời đất hội tụ về 1 nơi gọi là Tiên Quang động nằm trên ngọn núi cao nhất thuộc dãy Côn Lôn nằm trong phạm vi Đại Tần đế quốc.

Tên gọi Tiên Quang động vì từ ngọn cao phong này, đêm đêm người ta luôn thấy 1 luồng hào quang trắng đỏ ẩn hiện xuất phát từ động khẩu nọ. Hào quang nhị sắc trắng đỏ ẩn hiện tiên khí vần vũ, ngay cả khi trời mưa gió sấm chớp cũng không biến mất.

Đến thời Trương Đạo Lăng trong lúc ngao du sơn thủy, truy đuổi linh thú tình cờ lạc bước đến đây, nhận thấy linh khí hội tụ bèn ở lại tu hành, chẳng mấy chốc đắc đạo thành tiên. Thiên nhiên kỳ động, linh khí phi phàm nên từ lâu rất nhiều môn phái chính tà đều có tham vọng biến kỳ động thành sơn môn của mình. Lạ 1 điều là từ xa nhìn thì hào quang ẩn hiện, nhưng khi đến gần thì bốn bề mù mịt không phân biệt phương hướng, trước Trương Đạo Lăng đã có biết bao nhân vật đạo hạnh cao siêu sau khi tận lực tìm tòi lối vào không thành đã chán nản bỏ cuộc.

Thái Cổ Thần Tiên Lục ghi rằng Nguyên Thuỷ Thiên Tôn bày ra Hỗn Mang Mê Vụ Chướng Nhãn Trận án ngữ che khuất lối vào để ngăn kẻ không đủ phúc duyên hoặc kẻ có dã tâm đến đây hấp thu linh khí trời đất, luyện thành vô thượng pháp lực gây hại bách tính.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hiep#tien