Ký ức chiến tranh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Bốn mươi lăm năm trước, khi Chiến tranh biên giới Việt -Trung xảy ra, tôi chỉ mới tám tuổi. Ngày 17 tháng Hai năm 1979 là ngày 21 tháng Giêng âm lịch, chỉ có gần một tháng sau Tết và cũng là hơn một tháng sau khi Việt Nam giải phóng Phnôm Pênh khỏi Khme đỏ. Bao nhiêu năm trôi qua, cuộc chiến này không được nhắc đến hay kỷ niệm trọng thể như cuộc chiến chống Mỹ vì nhiều lý do, nhưng tôi muốn kể lại ký ức của tôi với tư cách là một người đã lớn lên trong thời gian đó.

 Khi tìm lời cho bài hát Cô du kích và tên bành trướng què, tôi đọc được những bình luận trên mạng như là có quá ít bài hát về cuộc chiến này, hay là cái tên bài này lạ quá. Dễ hiểu là người bình luận là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên sau năm 1990, vì thế các bạn không biết nhiều về Chiến tranh biên giới. Chứ tôi có thể kể ra một danh sách dài những bài hát thời đó, tất cả đều sục sôi vì tình yêu, vì quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Đơn giản là vì những bài hát đó phổ biến khi tôi lớn lên, cho đến khi xung đột biên giới kết thúc hoàn toàn vào năm 1989. Tôi cũng tự hỏi với mạng Internet hiện nay, có khó gì để tìm hiểu lịch sử xảy ra chỉ có ba mươi năm trước. Có thể là do môn Lịch sử hiện nay không được coi trọng trong chương trình học phổ thông chăng?

 Năm 1979 là giai đoạn gian khổ sau chiến tranh. Điều này đã được kể trong bài viết về Tết thời hậu chiến Những chuyến tàu đêm giao thừa tôi mới đăng gần đây. Điều tôi không biết rõ hồi đó là cuộc chiến chống Khme đỏ ở biên giới Tây Nam. Hồi đó, người miền Bắc chỉ nghe kể về Khme đỏ trên đài báo hay đi xem bảo tàng. Chứ người miền Nam đã trải qua sự tàn khốc của Khme đỏ qua vụ thảm sát Ba Chúc, rồi người Việt ở Campuchia bị tàn sát phải chạy về Việt Nam lánh nạn. Có những người từng là lính Việt Nam Cộng hòa, giờ lại cầm súng lần nữa để bảo vệ một Việt Nam thống nhất trước Khme đỏ. Họ dám tàn sát diệt chủng người dân nước họ, họ có sá gì tàn sát người Việt.

 Trong ký ức của một đứa trẻ tám tuổi, tôi nhớ sự trầm lặng lo lắng của người lớn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy vũ khí giết người là quả lựu đạn bố tôi được cơ quan phát để tự vệ. Rồi ông đào hầm trú ẩn trong vườn cho chúng tôi. Lâu lâu ông lại cho một đứa xuống đứng thử xem đã đủ sâu chưa! Khi đó tôi còn quá nhỏ nên coi đó là một trò chơi. Tôi có biết đâu những lo lắng ưu tư của ông. Những cái hầm trú ẩn từ cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn còn đó, vốn là chỗ chơi trốn tìm của bọn trẻ chúng tôi. Giờ đây bố mẹ tôi lại phải đào thêm những cái hầm mới.

 Tôi nghe người lớn nói chuyện với nhau về những phố Tàu ở Hà Nội, Hải Phòng bỗng nhiên vợi hẳn chỉ sau một đêm vì người ta ồ ạt ra đi. Rồi những nghệ sỹ, diễn viên bị nghỉ việc chỉ vì họ là người Hoa. Đài phát thanh thì phát đi phát lại những bài hát thời chiến như Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh (một chiến sỹ biên phòng hy sinh trong những cuộc đụng độ đầu tiên), Chiến đấu vì độc lập tự do, Lời tạm biệt lúc lên đường v.v. Bỗng nhiên Trung Quốc không còn là người anh em "môi hở răng lạnh" nữa. Họ trở thành quân bá quyền bành trướng Bắc Kinh. 

 Tôi còn nhớ những đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai trên đường sắt gần nhà chở pháo, xe tăng, đạn dược phủ kín bạt nhưng vẫn lộ ra một phần nòng pháo hay xích xe. Những gia đình tản cư cùng trẻ em sống tạm ở hội trường nhà máy gần nhà. Họ từ mỏ Apatit Lào Cai sơ tán về bằng những chiếc xe tải màu xanh lá lỗ chỗ viết đạn. Thường là người lớn trong đội dân quân tự vệ ở lại, chỉ người già và trẻ em đi tản cư. Sau cuộc chiến một tháng ngắn ngủi, thị xã Cam Đường nơi có mỏ Apatit bị quân Trung Quốc san bằng.

 Học kỳ ấy, lớp tôi đón một bạn trai tên Hải sơ tán từ vùng biên giới về. Cậu về ở với bà, nhưng bố mẹ cậu thì vẫn bám trụ ở lại. Hải trở thành kỳ phùng địch thủ môn Văn của tôi trong lớp. Nói thế nhưng chúng tôi không kình địch nhau. Có lần khi đi chợ vào Chủ nhật, tôi gặp Hải đi bán tôm cùng bà. Cậu nghịch ngợm gọi tên tôi, mắt lấp lánh cười. Còn tôi thì ngượng nên bỏ chạy. Sau học kỳ ấy, biên giới yên ổn trở lại. Hải trở về nhà cũ và tôi không bao giờ gặp lại cậu nữa.

 Sau khi quân Trung Quốc rút lui, cuộc sống trở lại bình thường. Tôi vẫn nhớ những buổi tối nghe đài tiếng Việt của Trung Quốc có đọc truyện Tây Du Ký. Tất nhiên là đài có mục tuyên truyền tin tức nhưng chẳng ai quan tâm. Cả người lớn và trẻ con chỉ chăm chú mục đọc truyện có phát thanh viên giọng thuần Việt, lên bổng xuống trầm kể chuyện thỉnh kinh của thày trò Đường Tăng. Người phát thanh viên này chắc chắn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam*. Giọng đọc của anh ấy hay đến nỗi kiến ở trong lỗ cũng phải bò ra mà nghe Tây Du Ký.

*Theo Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, tên anh là Bạch Minh, giờ đã ngoài tám mươi tuổi, sống ở Quảng Tây. Trên Youtube có truyện đọc Tây Du Ký của Bạch Minh, tôi chưa nghe thử.

 Dù người Trung Quốc rút quân vào tháng Ba năm 1979, nhưng máu vẫn đổ ở vùng biên. Và người Việt vẫn viết báo hay làm phim chống bành trướng. Ba năm sau cuộc xâm chiếm, tôi đi trại hè thiếu niên ở Tam Đảo còn được nghe vị phó tư lệnh quân khu Hai đến nói chuyện, trong đó nói tới âm mưu của giặc Bắc Kinh. Thế hệ chúng tôi, nếu là con trai phải làm nghĩa vụ quân sự, vẫn còn kịp lên biên giới đấu pháo với phía bên kia.

 Vào đầu những năm 90, kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam phát triển như vũ bão. Hai nước chính thức chấm dứt các hoạt động quân sự dọc đường biên và bình thường hóa quan hệ vào năm 1992. Liên Xô sụp đổ, khối Xã hội chủ nghĩa tan rã. Dường như người ta đã bỏ những mâu thuẫn lại phía sau để phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

 Vào dịp kỷ niệm bốn mươi lăm năm Chiến tranh biên giới năm nay, có ý kiến đây đó nói những đổ máu hy sinh của người Việt năm đó, trong đó có người anh con bác của tôi, bị lãng quên. Tôi viết bài này để nói rằng không một cái gì, không một ai bị lãng quên. Nếu nhìn lại lịch sử của Việt Nam, bạn sẽ thấy phần lớn lịch sử giữ nước chống ngoại xâm của nước nhà liên quan tới người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Vì thế, người Việt chỉ có thể bám trụ, kiên cường cảnh giác khi nước nhà gặp nguy nan, giống như tổ tiên ta đã làm hàng nghìn năm nay. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro