Quê

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Quê nội tôi ở thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, tổng Hà Đông cũ. Sau năm năm tư, người ta không gọi là tổng nữa, mà đổi thành huyện, huyện Ứng Hòa. Có lẽ đối với ông nội tôi, nó vẫn giữ cái tên cũ tổng Hà Đông, giống như trên bức ảnh thờ ông chuẩn bị sẵn cho bà.

 Ông ra đi từ thôn quê ra thành phố với tay nghề mộc. Hà Nội hồi đầu thuộc địa không thiếu những công trình xây dựng cần tay thợ mộc. Rồi ông học được nghề làm đàn. Cửa hàng ông có tiếng nhất về làm đàn ghita, ngày xưa gọi là Tây Ban Cầm. Tôi còn nhớ những người đàn ông đến nhà tôi, khi đó hiệu đàn đã đóng cửa nhiều năm, thủ thỉ truyện trò cùng bác tôi mấy buổi tối để mua đàn còn sót lại trong nhà. Tôi lớn lên mà vẫn còn thấy khuôn làm đàn, vật liệu, đồ nghề thợ mộc còn lại của xưởng sản xuất nhạc cụ.

 Mới đây tôi tìm ra làng làm nhạc cụ truyền thống ở Đào Xá, Ứng Hòa, chỉ cách làng tôi có hơn hai mươi cây số. Tôi chắc rằng ông tôi đã học nghề làm đàn ở đây. Ông mở cửa hiệu nhạc cụ, lấy tên xã nên gọi là Cao Thanh. Đến đời tôi, tên xã đã được thêm cái đuôi tiếng Anh, trở thành Cathaco, là tên công ty đầu tiên tôi mở ở Đan Mạch.

 Người thôn quê ra thành phố làm ăn phát tài thì sẽ rủ họ hàng ra theo. Những người làmtrong xưởng nhạc cụ phần lớn là họ hàng ở quê ra. Họ học nghề rồi mở hiệu riêng ở thành phố. Người trong nhà nói rằng có hẳn một làng Xốm (tên tục của làng) giữa lòng Hà Nội, trên phố Hàng Bột xưa. Nhiều năm sau khi đi chúc tết cùng ông bà, tôi vẫn được hưởng phúc từ ông bà với những bao lì xì lớn bất thường. Họ vẫn nhớ ơn dạy nghề của ông tôi.

 Ông tôi gây dựng sự nghiệp ở thành phố mà vẫn chỉ một lòng hướng về quê. Dù có làm ăn phát đạt đến thế nào, người vẫn chỉ ở nhà thuê ở Hà Nội, bao nhiêu tiền có được đổ hết vào mua ruộng, mua ao ở quê. Mua thêm cả chức cửu phẩm mà vì nó ông suýt bị qui thành địa chủ hồi Cải cách ruộng đất. Nhà ở quê có ba bề bốn bên là nhà họ hàng con chú con bác. Nhà nào không phải là họ hàng ruột thịt thì lại là thông gia.

 Hồi bảy tuổi tôi có chuyến đi lễ chùa ở Hà Đông với ông nội. Chúng tôi đi bằng tàu điện tuyến Hà Nội- Hà Đông. Ngồi trên xe, ông nội bắt đầu kể chuyện mỗi lần qua một bến đỗ nào đó, nói có những thay đổi gì, ngày xưa như thế nào. Ông say sưa nói, chẳng cần có người nghe hay không. Giờ thì tôi hiểu đó là chuyến đi về ký ức của người. Tuyến đường đó là con đường về nhà của ông tôi, từ thời là chàng trai trẻ cho đến khi là ông già chống gậy. Với ông, mỗi trạm đỗ, mỗi khúc quanh gắn liền với câu chuyện cuộc đời mình. 

 Tôi là thế hệ thứ ba xa quê nên có phần mất gốc. Chúng tôi gốc nhà nông mà chẳng làm ruộng bao giờ, giỏi lắm là trồng rau trồng hoa. Những lần về quê thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng mà chúng tôi luôn biết, có một nơi gọi là quê có gian nhà ngói ba gian sau bức tường gạch có giàn hoa đăng tiêu màu cam. Nhà của người ra phố nên ngoài ba gian xây gạch trộn mật lại có một gian mái bằng kiểu Tây, quét vôi màu vàng thuộc địa, có cửa gỗ che nắng sơn xanh, gọi là nhà cao. Nó đi ngược lại tất cả các qui tắc cơ bản của ngành kiến trúc. Sân nhà lát gạch bát đã mọc rêu, có lu nước đầu chái bếp và hòn non bộ cạn nước. Lối đi vào nhà có cây khế nở hoa nhỏ li ti rơi xuống lối đi. Ở góc vườn là một cái ao hình chữ nhật phủ bèo hoa dâu xanh ngắt.

 Lần đầu tiên về quê khi chỉ mới bốn, năm tuổi, tôi nhớ rất mù mờ. Nhớ rằng người nhà đi làm đồng về cuộn tay áo ra cho những con châu chấu béo mập. Rồi món khoai lang phơi khô dẻo quẹo, mà càng ăn càng ngọt. Ngon đến nỗi chị tôi bỏ ngủ trưa chỉ để ăn khoai khô. Hồi đó còn thiếu điện, ăn cơm trong nhà dưới ánh đèn dầu leo lét. Trong nhà có hai bộ ván bằng gỗ tốt để dưới nhà ngang mà người lớn bảo là cỗ hậu sự chuẩn bị sẵn cho ông bà tôi.

 Đến lần sau về quê khi đã mười bốn tuổi, tôi đã nhớ được nhiều. Nhớ nhất là đi trên đường hay gặp ai đó kéo dừng lại, và giới thiệu là họ hàng của mình. Tôi đã ngạc nhiên, rồi cảm động trước ánh mắt yêu thương của họ. Tình ruột thịt là ở đây chứ đâu. Họ không biết tôi, nhưng họ có chung dòng máu, ruột rà với tôi. Chỉ cần qua khỏi cái cổng làng, qua lũy tre xanh kia, bạn sẽ không thể gặp những cái nhìn như thế. Ngoài kia là thế giới sòng phẳng, bán mua, đổi chác.

 Bố mẹ tôi là giáo viên cao đẳng, nên việc con cái học đại học là có thể đoán được. Nhưng đọc về Cao Lãm trên báo Hà Nội Mới mới biết làng tôi là làng khoa bảng, và chuyện nhà có nhiều người học đại học không hiếm*. Hồi trước, nhà tôi hay có người làng đi học ở trường bố mẹ tôi được gửi gắm, vì là người cùng làng. Họ trở thành người nhà, trông nom chúng tôi khi bố tôi đi công tác. Có lẽ nếu về làng, tôi vẫn có thể gặp lại họ.

*Đọc trên báo Hà Nội Mới, Cao Lãm làng khoa bảng xưa và nay.

 Loanh quanh thế nào mà rồi vẫn gặp nhau. Hồi học cao đẳng, lần đầu tiên tôi có đứa bạn cùng lớp có tên giống hệt, cả tên đệm lẫn họ. Nói chuyện rồi mới biết mẹ nó là người cùng làng, được bà nội tôi "giấm" cho bố tôi hồi xưa. Có điều sau này thời đại mới, tự do luyến ái, nên chuyện không thành. Kết quả là thế hệ con lại được đặt tên giống nhau, học cùng trường, cùng lớp! Chúng tôi cứ cười mãi về chuyện này.

 Quê chỉ là cái tên được ghi trên giấy tờ xin học, trên chứng minh thư. Với những người không sinh ra và lớn lên ở quê gốc như tôi, quê chỉ là một cái tên xa xôi, gợi lên nguồn gốc của mình ở Việt Nam. Đến khi xuất ngoại, quê quán không còn quan trọng nữa. Khi đó, nguồn gốc sẽ được giới thiệu là người Việt, hay đôi khi, là người châu Á. Quê của một người đã không chỉ còn giới hạn ở một thôn, một làng. Quê giờ đây là cả một lục địa ở bên kia trái đất, có những người nhìn giống mình, yêu ghét giống mình. Đó là nơi không có ai yêu cầu bạn phải thay đổi cách sống, cách suy nghĩ để hòa nhập vào số đông.

 Ông tôi ra Hà Nội làm việc cả đời chỉ để gom góp về già sống ở quê. Bà nội ra phố sống hơn nửa đời người mà vẫn mãi nhớ con cá, ngọn rau đồng nội. Bố tôi chỉ sống ở quê hồi nhỏ mà đến khi về đất vẫn muốn về Cao Lãm. Còn tôi, giờ sống ở xứ người ở tuổi trung niên, cũng bắt đầu ngấp nghé kiểm tra giá nhà đất ở quê. Có lẽ đi đâu, làm gì, chúng ta vẫn không thể vứt bỏ được quê quán, nguồn cội. Dù nó có xa xôi, lạc hậu, hay nghèo nàn đến thế nào. Dù có thể khi trẻ bạn quyết chí rời đi, thì khi về già, nó là tất cả những gì còn lại. Sau những quay cuồng sống, quay cuồng lo, quê là nơi người ta có thể ngả lưng xuống võng, đánh một giấc ngủ khì trong vòng tay thân thuộc, rũ hết bụi trần ai.   

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro