Chương 1: Tiếp diễn đến bao giờ?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Trịnh Thương Mỹ, hay là mày làm bạn gái tao đi từ nay về sau sẽ không cần trở về nơi quỷ quái này nữa.”

...

Đã không biết bao nhiêu đêm như vậy, Thương Mỹ ngồi sau xe Lê Bảo Tấn, hai tay níu chặt mánh áo nơi thắt lưng hắn nhìn hắn phóng xe điên cuồng như kẻ điên bắt gặp thứ ma quỷ nuốt chửng linh hồn tỉnh táo của mình, ngẩng mặt nhìn bầu trời trên đỉnh đầu mặc gió lạnh cắt da cắt thịt, xướt cả vào đáy mắt cay xè.

Cô đã ngắm qua biết bao khung cảnh đêm đen, có hôm mây mù mịt, có hôm lác đác vài tia sáng le lói cũng có hôm sao giăng kín rực rỡ lóa mắt người nhìn.

Nhưng chẳng có đêm nào khiến cô thấy an tâm, lòng thôi dậy sóng.

Chừng năm phút sau, con mô tô đời mới nhất của Lê Bảo Tấn dừng trước một khu chung cư cấp bốn xuống cấp, tồi tàn. Thương Mỹ như thường lệ nói lời cảm ơn với hắn rồi bước xuống xe.

Thân xác mỏng manh vươn trong gió lạnh, rõ ràng chiếc váy hai dây này chẳng cách nào bao bọc được chủ nhân nó. Lê Bảo Tấn lắc đầu ngao ngán khoác chiếc áo da đắt tiền của mình lên người cô, Thương Mỹ ngoảnh đầu khó hiểu nhìn hắn:

“Làm gì đấy?”

“Đừng bướng, trời lạnh lắm mày mặc vào đi.” Lê Bảo Tấn vỗ vỗ vai cô, đôi mắt hẹp dài ánh lên thứ ánh sáng ảm đạm, có chút trêu đùa, lại có chút thật lòng quan tâm.

Thương Mỹ im lặng không nói nhưng vẫn cố chấp trả lại áo khoác cho hắn. Chút gió lạnh này không làm cô yếu đuối đến mức cần sự thương hại của người khác, hoặc có lẽ cô thật sự không quen được đối xử đàng hoàng, tử tế.

Thương Mỹ bây giờ là chị Mỹ nổi loạn xưng bá một trường, sớm đã chẳng còn là con nhóc yếu đuối, nỗ lực cầu mong người ta yêu thương như trước đây nữa.

Lê Bảo Tấn thấy cô phũ phàng như vậy rõ ràng là cảm thấy bản thân vô cùng mất mặt, làm gì có cô gái nào từ chối hắn chứ? Cúp đuôi theo sau hắn còn không kịp kia kìa. Thương Mỹ này vốn thanh cao ngạo mạn, hay là muốn khơi gợi sự chú ý của hắn?

“Chỉ giỏi cứng đầu cứng cổ, mai tựu trường mày nghỉ học thì coi chừng tao, tao qua đón đấy.” Lê Bảo Tấn lèm bèm trong miệng, khó chịu vắt áo khoác lên vai.

“Biết rồi!” Thương Mỹ vẫy tay quay lưng đi tiếp. Lê Bảo Tấn nhìn theo bóng lưng cô, trong lòng trăm trận ngổn ngang, không chừng thời tiết quá đỗi lạnh lẽo nên đầu óc người ta thường hay trì độn, mụ mị thế cho nên Lê Bảo Tấn đột nhiên phát ngôn một câu đến cả hắn cũng muốn khinh bỉ chính mình.

“Trịnh Thương Mỹ, hay là mày làm bạn gái tao đi từ nay về sau sẽ không cần trở về nơi quỷ quái này nữa.”

Ngay lúc hắn nghĩ Thương Mỹ sẽ chẳng quan tâm đến lời nói có tính chân thực bằng không này của hắn thì lại nghe được tiếng cười bất chợt của cô gái.

Giọng Thương Mỹ vốn dĩ rất ngọt ngào đối lập một trời một vực với vẻ bề ngoài của cô, âm thanh vừa rồi chẳng khác nào tiếng chuông điểm trong nhà thờ khiến Lê Bảo Tấn thổn thức không thôi.

Thương Mỹ lại ngẩng mặt nhìn bầu trời, đêm nay chỉ có vài tinh tú hiện hữu: “Cho dù lời mày là thật hay giả thì tao cũng rất cảm kích. Nhưng mà, mày có thể giúp tao được bao lâu? Nuôi tao bằng tiền của cha mẹ mày à? Thế thì nhục lắm, tao chẳng cần. Hoa bướm xung quanh đeo mày nườm nượp, tao thì lại không muốn làm cái áo yếm dùng một lần của cậu ấm nhà họ Lê.”

“Trịnh Thương Mỹ tao dù đói dù nghèo cũng không muốn nhận sự bố thí của người khác, nhất là mày.” Nói rồi, Thương Mỹ dứt khoác rời đi, bóng hình mờ dần dưới ánh đèn leo lắt Lê Bảo Tấn dù có mở to mắt thế nào cũng không thể nhìn rõ được cô.

Tâm tư của Trịnh Thương Mỹ, hắn vô phương hiểu thấu. Lại nói cái bản tính cứng đầu, cứng cổ này làm người ta chán ghét đến thấu xương nhưng lại không có cách nào thoát khỏi được sức ảnh hưởng của cô, chỉ có thể vùng vẫy như người sắp chết đuối.

Lê Bảo Tấn leo lên xe, thở phì phò, bộ dáng làm ơn mắc oán. Con nhỏ đó sống thực dụng một chút thì chết chắc? Nhà hắn nổi tiếng giàu nhất cái đất quận một này hắn có đào ba đời cũng không hết của, nuôi thêm một miệng ăn là cô cũng chả thấm tháp gì.

Ai đời chị đại như nó lại nghèo kiết xác thế kia. Ngó qua khu chung cư chẳng khác nào bối cảnh của mấy bộ phim ma chiếu rạp, Lê Bảo Tấn rùng mình. Trịnh Thương Mỹ sống được ở nơi này đúng là đáng khâm phục.

Tiếng xe mô tô rào rít trong đêm tựa như lũ mèo đến mùa động dục vừa chói tai, vừa ai oán.

Thương Mỹ lững thững đi cầu thang bộ lên tầng bốn, cuốc bộ thong dong chẳng rịn chút mồ hôi nào. Chung cư, cầu thang hay khúc hành lang này cô đã sớm thuộc nằm lòng như bảng cửu chương, nhắm mắt cũng có thể đi được thế nhưng dù ít dù nhiều sự căng thẳng, sợ hãi nuôi dưỡng nhiều năm vẫn lộ rõ mồn một thể hiện trong những bước đi ngày càng chậm chạp thậm chí có ý thoái lui.

Càng đến gần căn phòng đó, Thương Mỹ càng cảm thấy áp lực nặng nề giống như loài kiến hôi bị người ta vùi dập trong cát bụi, nhừ nhẫm, tràn vào cả lồng ngực.

Cô nín thở xoay tay nắm cửa, vừa bước vào nhà đã bị ném mấy cuốn tạp chí vào đầu tiếp đó là những lời mắng chửi, đay nghiến quen thuộc.

“Con quỷ cái, mày đi đâu giờ này mới về? Tao đã bảo với mày như thế nào hả?” Trịnh Kim Thương xoay người cầm lấy mớ quần áo xanh xanh đỏ đỏ, có cả đồ lót vứt mạnh xuống chân cô, hai vai run lên vì tức giận, mắt long sòng sọc: “Tao đã nói với mày đem hết quần áo của mày giấu nhẹm đi chỗ nào đấy, vậy mà mày như kẻ câm người điếc thản nhiên treo ngoài ban công. Đồ con điếm, mày treo đó cho ai nhìn hả?”

Ngỡ thì như một người mẹ hà khắc quan tâm đến mặt mũi, sĩ diện của con gái mình nhưng sự thật là bà ta bị Thương Mỹ ngáng mất chuyện tốt. Chuyện là gần đây Trịnh Kim Thương có quen một người đàn ông nhỏ hơn bà ta vài tuổi, bà ta lại ngang nhiên nói dối bản thân còn chưa có con vốn muốn Thương Mỹ giấu hết đồ đạc liên quan đến cô đi để dắt người đàn ông đó vào nhà tằng tịu. Ấy mà cái đứa con trời đánh này lại chống đối với bà ta, đồ đạc chẳng chịu cất đi còn phơi bày cho người gặp người thấy.

Người đàn ông kia há lại là kẻ ngu ngốc tùy ý bà ta dắt mũi? Hay cho một cái mồm giỏi khua môi múa mép. Ngay sau khi biết mình bị Trịnh Kim Thương lừa gạt, mặt mũi ông ta lầm lì, bỏ về ngay tức khắc còn nói sẽ cắt đứt quan hệ với bà ta. Người đàn ông đó chẳng muốn nuôi một người đàn bà ẻo lả vô tích sự còn phải đèo bồng thêm một đứa con riêng kia.

Chuyện thành ra thế này, nói xem bà ta làm sao không tức giận cho được? Sao cái con quỷ cái đó chả ra đường chết quách đi để cho nhẹ cái thân bà?

Lại nhìn cái vẻ lẳng lơ, ngời ngợi sức sống của cái tuổi xấp xỉ đôi chín trên khuôn mặt có mấy phần giống bà ta hồi trẻ Trịnh Kim Thương càng cay đắng, hờn giận gấp mấy lần. Xem đó, mơn mởn ra ấy, bà ta cũng đã từng như thế cũng từng khiến đàn ông trong phố rạo rực. Thế nhưng sau một cuộc hôn nhân chó má, còn phải vắt cái thân cằn cỗi đẻ ra con trời đánh này bà ta chỉ được ban tặng vài dấu vết chân chim trên mặt. Thời gian cuỗm đi những gì bà ta từng lấy làm tự hào rồi trao cho cái thứ nợ đời bà ta đã dứt ruột sinh ra.

Thương Mỹ tĩnh lặng như một pho tượng sống, đối mắt với bà ta bằng thứ ánh mắt bình thản rợn người tựa như loài xác sống đào mồ trồi dậy rồi cấu xé bà ta tan xương thịt nát. Trịnh Kim Thương rùng mình nhưng vẫn rướn người về phía cô ra vẻ bợm trợn. Chỉ thấy Thương Mỹ từ từ ngồi xuống nhặt hết đống quần áo bà ta vừa vứt đó, ôm vào người. Cô thừa nhận bản thân cố ý, vì cô không muốn nơi dung thân duy nhất của mình lưu lại thứ mồ hôi tanh tưởi của đàn ông xa lạ hay cái thứ mùi hôi hám buồn nôn của những trận làm tình thác loạn.

Dù cô biết rõ mình sẽ bị đánh.

Thế thì có gì phải để cô nhẫn nhịn, tôn trọng người phụ nữ mang danh tiếng mẹ thiêng liêng này?

“Cất đi để bà dẫn đàn ông vào nhà làm ra mấy chuyện buồn nôn sao?” Khi nói ra những lời này, Thương Mỹ vẫn không lộ ra chút cảm xúc nào giống như thật sự cô vốn dĩ là người chết.

Hiển nhiên Trịnh Kim Thương đã bị lời này của cô đả kích đến thở không ra hơi. Tuy Thương Mỹ mấy năm gần đây luôn cứng đầu khó bảo nhưng chưa bao giờ dám vô lễ với bà ta nói chi đến việc vạch mặt bà ta một cách trần trụi như thế?

“Mày, mày...” Ngón trỏ run run chỉ vào mặt cô.

Lần này Thương Mỹ nở nụ cười: “Bà không thấy bản thân thật sự rất bẩn sao?”

Trịnh Kim Thương chết trân, lát sau mới có thể lấy lại được tinh thần lập tức hét lên: “Con khốn nạn, mày có quyền gì nói tao như vậy? Cái quân mất dạy!”

Nói rồi, bà ta xông đến tát vào mặt Thương Mỹ mấy phát sau đó túm lấy mái tóc dài của cô. Lực mạnh vô cùng, Thương Mỹ có cảm giác da đầu mình sắp bung ra đến nơi, lở loét giống như một thứ bệnh viêm mủ.

Đau, đau lắm chứ! Nhưng chân mày cô chỉ khẽ chau lại để yên cho Trịnh Kim Thương lôi xềnh xệch về phía nhà tắm. Cô không phản kháng cũng không muốn phản kháng.

“Con mất dạy, hôm nay tao sẽ giết chết mày. Tao hối hận năm đó lúc sinh mày ra không bóp mũi cho mày chết đi, để khỏi phải thấy cái bản mặt chết bầm của mày.”

“Mày chết đi, chết đi.”

Theo từng câu chết đi, là từng lần đầu của Thương Mỹ bị bà ta nhấn vào thùng nước, nước lạnh băng, xộc vào mắt, mũi, miệng. Nó chát chúa, nó uất nghẹn ăn mòn vào da, vào thịt, vào xương.

Thương Mỹ nhớ rõ có một ngày của sáu năm về trước, cũng tại nơi này cô bị chính mẹ mình nhấn nước không thương tiếc, hụp lặn trong cái thùng nước đường kính chưa tới nửa cánh tay, mỗi lần vùng vẫy ngoi lên đớp lấy đớp để thứ không khí lấp lửng như một con chó quèn cô lại không ngừng buông lời van xin với mẹ của mình.

“Mẹ ơi, mẹ ơi con xin lỗi.”

“Mẹ ơi, con sai rồi.”

“Mẹ ơi tha cho con.”

“Mẹ ơi, đừng giết con.”

“Mẹ ơi...”

Những lời gào thét khàn giọng đặc quánh đó bất lực nhường nào, khốn khổ nhường nào có khi một người xa lạ nghe thấy còn phải ứa nước mắt, ruột gan đau thắt vậy mà người mẹ ruột của cô chẳng mảy may động lòng, thương xót cho đứa con bà ta từng mang nặng đẻ đau dù chỉ một chút.

Tàn nhẫn hơn cả bất kỳ kẻ sát nhân nào trên đời này - Trịnh Kim Thương mẹ ruột của Trịnh Thương Mỹ. Có những hiện thực cay đắng đến nực cười.

Nhưng lần này Thương Mỹ không muốn phản kháng hay vùng vẫy sống sót, dù cô còn sức, còn thừa khả năng hất bà ta ra khỏi người mình, chạy thoát người đàn bà man rợ này ấy mà thân thể còn đó nhưng lòng đã mệt nhoài đến héo mòn và rũ rượi.

Cô chợt nghĩ giá mà cứ bị bà ta nhấn nước cho chết đi thì tốt. Món nợ đời là cô biến mất thì bà ta chẳng nhẹ cái thân ra, khỏi nhọc công lo lắng lừa gạt mấy gã đàn ông tồi tệ về hoàn cảnh mẹ đơn thân của mình mà cô cũng vĩnh viễn buông tuột thứ xiềng xích hiếu đạo, buông tuột cái thân phận con gái của Trịnh Kim Thương.

Trịnh Kim Thương nào có cho Thương Mỹ chết dễ dàng như vậy? Nó chết rồi thì ai sẽ làm mọi cho bà ta, chết rồi thì đống tiền bà ta đổ vào cho nó học hết cấp ba để có cái tấm bằng đường hoàng vào làm trong nhà máy lại chẳng đổ sông đổ biển? Nghĩ đến đó bà ta nhăn nhó mặt mày, giật lấy tóc cô kéo ngược ra phía sau khiến cô ngã vật ra sàn ho sặc sụa, bộ dạng chật vật, nhớp nháp không nỡ nhìn.

“Dòng thứ súc sinh.” Bà ta bỏ lại một câu như thế rồi lạnh lùng rời khỏi nhà tắm một cái liếc mắt ban phát xem xem cô còn sống hay đã chết cũng không buồn cho. 

Thương Mỹ nằm đó, chớp mắt nhìn bóng đèn dây tóc treo lủng lẳng trên trần nhà tắm. Khu chung cư này quả thật quá xuống cấp rồi, đến cả đèn cũng chập chờn, ánh sáng lúc thì loang loáng lúc thì tắt phựt hệt như cái sinh mệnh tiềm tàn trong thân xác của cô.

Cuộc sống như thế này còn phải tiếp diễn đến khi nào?

Trên một chiếc xe nọ đang băng băng ngoài đường lớn cũng có một thiếu niên có suy nghĩ tương tự. Cậu tựa đầu vào cửa kính, thỉnh thoảng thân xe lắc lư như đánh võng đầu cậu lại va đập mạnh vào đó - đau điếng, cơ mà cậu thấy khoan khoái khó hiểu. Cơn đau khiến cậu dễ chịu, khiến cậu tỉnh táo. Bên tai cậu vẫn vang vang lời của mẹ, về chuyện trường lớp cậu sắp chuyển tới, về thành tích học tập nhất định phải luôn luôn đầu khối, về cuộc thi dương cầm một tháng nữa sẽ khai mạc, về những kì vọng của mẹ cậu. Nhiều lắm, nghe không xuể.

Cậu dán mắt vào kính xe, ánh đèn đường sẫm cam, những biển quảng cáo to tướng trên những tòa nhà cao chọc trời in hằn trong đôi đồng tử đen lòm của cậu, chỉ có vậy đôi mắt ấy mới tồn tại cái gọi là dấu hiệu của sự sống. Đột nhiên cậu tự hỏi cuộc sống như thế này còn phải tiếp diễn đến khi nào?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro