Chương 2: Gặp gỡ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thương Mỹ bò dậy, chiếc váy hai dây ướt nhẹp bó sát cơ thể cô. Tóc đã rối thành một nùi như mớ tơ bị người ta vò nát. Cô đưa tay vuốt mặt, gạt đi những giọt nước lạnh băng đọng lại trên da thịt.

Vô thức, bất định.

Cô không cảm giác được gì, cũng không biết mình nên làm gì tiếp theo bây giờ?

Nên sống như một cái xác hay trở thành một cái xác thật sự? Nằm thẳng thóm trong quan tài, được điểm phấn tô son, được người ta khấn xá trước bài vị, được người ta khóc thương. Liệu người ta đó có mẹ của cô không? Đúng là một câu hỏi khó.

Thương Mỹ thôi nghĩ nữa, nhấc đôi chân nặng trĩu ra khỏi nhà tắm. Lúc đi ngang qua phòng khách, cô nhìn thấy Trịnh Kim Thương ngồi trước bàn trang điểm, mắt xanh môi đỏ, quần áo tươm tất hình như đang chuẩn bị ra ngoài.

Căn phòng này diện tích không lớn, chỉ có một phòng ngủ chật chội, ọp ẹp thế nên mấy thứ như bàn trang điểm, tủ quần áo Trịnh Kim Thương đều đặt ở phòng khách. Thương Mỹ cũng ở phòng khách nốt, đêm nào cũng co ro trên sô pha từ năm mười một tuổi đến giờ, cái sô pha mục nát dài khoảng đâu đó một mét mốt sớm đã không dung chứa nổi cơ thể của cô. Cũng có đôi lúc Thương Mỹ năn nỉ, van xin Trịnh Kim Thương cho cô cùng ngủ với bà ta, không phải cô khao khát gì cái phòng ngủ đó, chỉ là khi ấy cô nghĩ ngủ với mẹ chắc sẽ ấm áp hơn ngủ ngoài sô pha nhiều lắm.

Nhưng điều cô nhận được là ánh mắt chán ghét của mẹ, giọng điệu hằn học của mẹ cùng vài cái bạt tai điếng người.

Thương Mỹ không thay quần áo, cũng không lau khô tóc mặc cái thân ướt đẫm nhớp nháp mà rời đi trong cái nhìn thoáng qua của Trịnh Kim Thương. Cô lang thang ngoài đầu đường, đứng dưới cột đèn sáng trưng đốt một điếu thuốc, kề bên môi, ngậm lấy, rít một hơi thật dài. Tưởng như cái luồng khói thuốc cay đắng đó trườn đến tận tử cung, nóng bừng, ấm áp.

Thời tiết vào độ thu sang, trời đêm càng lạnh lẽo. Những cơn gió cắt da cắt thịt quấn quýt quanh người cô, đưa khói thuốc lượn lờ đi xa, cũng đưa tâm trí về một miền kí ức xa xăm.

Thương Mỹ sinh ra vào mùng một tháng giêng, tết nhất rộn ràng, đâu đâu cũng là tiếng cười, lời chúc rộn rã. Nhưng đối với cha của cô mà nói việc cô có măt trên đời này chẳng khác nào một nỗi niềm xui rủi. Ông ta đã mong chờ biết bao nhiêu Trịnh Kim Thương đẻ cho ông ta một thằng con trai để nối dõi tông đường.

Con gái lớn rồi chỉ có thể gả cho người ta khác nào bát nước đổ đi?

Còn Trịnh Kim Thương thời điểm đó lại khó sinh, suýt nữa đã mất mạng mà sau này cũng không thể mang thai thêm lần nào nữa.

Cũng từ đó Thương Mỹ trưởng thành trong hoàn cảnh cha không thương, mẹ không yêu. Mỗi ngày đều bị cha mẹ mắng chửi ỉ ôi, có lúc còn lôi cô nằm sấp trên ván dùng cây roi mây đánh đến Thương Mỹ xay xẩm mặt mày, mấy lần cô khóc ré lên rồi không biết từ khi nào đã không còn khóc nổi nữa, thậm chí cơn đau dần trở thành thói quen ăn sâu vào máu thịt.

Cha sẽ thỉnh thoảnh nhìn cô bằng ánh mắt cay nghiệt, nói bằng giọng tiếc hận: “Tại sao lại là một con vịt trời?”

Mẹ sẽ siết chặt người cô ngồi quạnh quẽ trước sân, tủi nhọc khóc lóc, cay đắng đủ bề đổ lên đầu cô tất cả lỗi lầm. Mẹ nói nếu không vì cô mẹ sẽ không lấy một người khốn nạn như cha, nếu không vì cô sẽ không bị vô sinh, nếu không vì cô sẽ không phải khổ như bây giờ.

Đều là lỗi của cô.

Về sau lớn hơn một chút, Thương Mỹ nghe hàng xóm xung quanh bàn tán xôn xao. Họ kể năm xưa mẹ cô dâm đãng, lẳng lơ, mới mười tám tuổi đã ăn nằm với đàn ông mà có bầu. Nhà họ Nguyễn ở vùng này cũng xem như là khá giả, có của ăn của để lại chỉ có một người con là Nguyễn Trung Kiên, nếu không phải vì nghe mẹ Thương Mỹ mang thai cháu nội của họ còn có thể là con trai thì làm gì có chuyện cho Nguyễn Trung Kiên là cha cô rước về nhà.

Cưới chạy bầu cũng có vẻ vang gì cho cam, phải đi cửa sau, phải luồng cúi trước người ta còn đẻ ra một con vị trời dòng họ khinh bạc. Tính ra Trịnh Kim Thương gả cho nhà giàu cũng chẳng sung sướng gì, khổ hoàn khổ.

Bắt đầu từ khi Thương Mỹ nghe hiểu được những lời phũ phàng, chửi rủa, hiểu được sự rẻ rúng của lòng người là bấy lần nghe Nguyễn Trung Kiên và Trịnh Kim Thương cãi nhau hết ngày này đến ngày khác, họ xỉa xói đủ điều, chê trách nhau tồi tệ rồi lao vào nhau cấu xé như những con chó vô chủ ngoài đường lớn. Thương Mỹ đều chứng kiến tất thảy, có lần cô nép vào góc tường nhìn cha đè mẹ lên tấm ván mà cô đã từng chịu trăm lằn roi mây, cha xé đồ của mẹ tan tác, từng mảnh vải rơi xuống chân hai người. Cha vừa chửi, vừa rủa, vừa thúc mạnh vào giữa hai chân mẹ, mạnh lắm. Mẹ vùng vẫy, mẹ khóc khàn cả giọng rồi trở nên chết lặng, mẹ đưa cái ánh mắt tối tăm đó nhìn cô. Giống như muốn nói với cô: mày thấy chưa? Điều là tại mày, tại mày tao mới ra nông nỗi này.

Đó cũng là lần cuối cùng cô khóc sỗ sàng như cái ngày vừa chào đời, nước mắt ứa ra như trời trút mưa xóa nhòa hết những gì trước mắt. Cô khóc đến mệt lả, rồi ngã gục nơi góc tường.

Ngày hay tin cha cô ngoại tình, mẹ cô không khóc lóc vật vã, có lẽ mẹ cũng mệt rồi. Hay người ta thường nói hết yêu rồi. Rồi họ đưa nhau ra tòa, làm thủ tục ly hôn cũng như phân chia tài sản. Lúc thẩm phán hỏi cô muốn theo cha hay theo mẹ, cô không biết nói gì chỉ trân trân nhìn ông ấy. Nếu có thể cô muốn làm một ngọn cỏ, làm một con mèo của nhà hàng xóm mặc xác mà sống bởi vì cha hay mẹ đều không ai cần cô, bọn họ chán ghét cô như chán ghét loài muỗi bay lẩn quẩn trong nhà chỉ biết hút máu bọn họ.

Cuối cùng tòa phán cô theo mẹ, Nguyễn Trung Kiên phải chu cấp mỗi tháng cho Trịnh Kim Thương để nuôi con.

Năm đó, Thương Mỹ mới mười một tuổi. Cô đổi thành họ mẹ, theo Trịnh Kim Thương đến một thành phố khác, ở trong một khu chung cư cấp bốn cũ kĩ. Trịnh Kim Thương có tiền liền sớm tối ở bên ngoài ăn chơi, cặp kè đàn ông. Thương Mỹ có mấy lần đói lả phải gõ cửa nhà hàng xóm xin cơm. Nhưng khi đó cô chưa ghét mẹ mình, bởi vì cô nghĩ là do mình hại mẹ, mẹ vì mình mới khổ, mới khóc.

Nhưng Trịnh Kim Thương thường xuyên đem Thương Mỹ ra trút giận, bắt ép Thương Mỹ làm hết cái nọ đến cái kia dù cô có đang sốt cao, cơ thể gầy nhom, yếu ớt. Lúc say xỉn càng bạo ngược hơn, lôi cô như một cái bao tải nhấn vào nước.

Thương Mỹ rất nhiều lần chết hụt trên tay mẹ mình.

Năm Thương Mỹ mười lăm tuổi, nghe được mẹ cô nói với một cô hàng xóm rằng muốn cho cô nghỉ học nhưng được cô đó khuyên bảo, có cái bằng cấp ba làm trong nhà máy lương cao hơn gấp mấy lần bình thường, mẹ cô mới thôi cái ý nghĩ bắt cô thôi học ít nhất là cho phép học hết cấp ba.

Thương Mỹ rất thích đi học cũng học rất giỏi nhưng bắt đầu từ ngày hôm đó cô đột nhiên ghét học lạ kỳ. Hóa ra từ trước đến giờ mẹ chưa từng yêu thương cô, mẹ chỉ dùng cô như một công cụ giải tỏa, một công cụ kiếm tiền sau này.

Một công cụ không hơn không kém. Mấy năm qua cô nỗ lực như vậy, ngoan ngoãn như vậy được cái gì chứ? Cô chán rồi, chán ghét.

Năm Thương Mỹ mười lăm tuổi, hút điếu thuốc đầu tiên. Nó đắng, nó cay, nhưng phát ghiền. Vừa lên cấp ba đã tham gia vào một nhóm chị đại của trường, nhìn bọn họ bắt nạt người khác, nhìn bọn họ ngang ngược càng quấy thứ mà từ trước đến giờ cô chưa bao giờ dám thử. Nhưng Thương Mỹ chỉ nhìn như thế chứ không động tay, mãi cho đến một ngày trong phòng vệ sinh của trường nghe được người khác nói bản thân là đồ bỏ đi, cha mẹ chán ghét. Mẹ còn là loại đàn bà không ra gì thì con gái cũng một khuôn mà ra. Ngày hôm đó, lần đầu tiên cô đánh người, còn dí tàn thuốc vào cánh tay cô gái đã nói xấu mình.

Thương Mỹ dần trở nên hư hỏng khó kiểm soát, chuyện xấu gì cũng làm qua riêng có việc ngủ với đàn ông là cô từ chối. Cô kinh tởm, rất kinh tởm. Đàn ông thích hương vị ngon ngọt trên cơ thể đàn bà, đàn bà lại mê mẩn những cú luân động mạnh mẽ của đàn ông. Họ trầm mê trong những trận nhục dục vui sướng lại chưa từng lường trước hậu quả. Về những đứa bé chưa kịp chào đời đã bị mẹ ruột của mình giết chết, về những đứa trẻ cù bơ cù bất bị bỏ lại nơi thùng rác chất đầy phế phẩm, về những đứa trẻ yêu thương sứt mẻ, sống như một nỗi ô nhục của cha mẹ nó.

Điếu thuốc trên tay dần cháy rụi, tàn thuốc khẽ rơi xuống, Thương Mỹ lấy lại ý thức. Cô vứt đại đầu lọc, nghiền nát nó dưới chân rồi đốt một điếu khác hút lấy hút để. Trước mặt cô là những căn hộ cao cấp, căn nào căn nấy tương tự nhau nhìn loạn cả mắt. Chúng phân cách khu chung cư cấp bốn này bằng một tuyến đường lớn giống như rạch ròi giữa giàu và nghèo. Sự sắp xếp này xem chừng cũng thật ý vị.

Một chiếc xe hơi màu đen dừng lại trước một căn hộ, sau đó là một xe bán tải. Bọn họ bắt đầu khênh xuống đủ thứ đồ lớn nhỏ, chắc là mới chuyển đến. Kể cũng lạ, đêm hôm khuya khoắt lại đi chuyển nhà, coi bộ gấp gáp hơn cả chạy giặc.

Chiếc xe hơi phía trước bước xuống một người phụ nữ xinh đẹp, dù chỉ một cái bóng lưng nhưng Thương Mỹ chắc chắn vị này chính là một phu nhân nhà giàu hàng thật giá thật, đứng xa như thế vẫn cảm nhận được khí chất cao quý, thanh nhã kia thứ mà Trịnh Kim Thương có bắt chước cả đời cũng không đạt đến được. Thương Mỹ có chút buồn cười nâng khóe môi.

Cánh cửa bên này tiếp tục mở ra, xuất hiện một thiếu niên chạc tuổi cô, cao dong dỏng như cái cột cờ trong sân trường, có điều hơi gầy. Trên người cậu là bộ đồng phục thể dục trường Thương Mỹ, mái tóc đen nhánh nếu không phải có ánh đèn đường không chừng mái tóc đó đã chìm nghỉm trong bóng tối.

Hình như Thương Mỹ chưa từng gặp qua bạn học này, học sinh mới chăng? Có lẽ ánh mắt của Thương Mỹ quá mức cháy bỏng đến cậu trai đứng tận bên đường còn cảm nhận được. Dương Quanh Minh xoay người đối diện cô, thấp thoáng thấy một cô gái trong chiếc váy đen hai dây bó sát đứng dưới cột đèn, trên tay còn cầm một điếu thuốc cháy dở, dáng vẻ điệu nghệ cũng quyến rũ chết người.

Đốm thuốc vàng rực điểm xuyết trong không khí ánh lên thứ sáng lạ thường khiến cho hai con người, ở hai bên thế giới phải đột nhiên rạo rực.

Thương Mỹ nhìn cậu không chớp mắt, dường như nhìn ra được cái dáng vẻ vô hồn của cậu, nhìn thấu được đôi mắt đen tuyền kia.

Chính hai người cũng không ngờ, cái bắt gặp thoáng qua giữa đêm đen yên tĩnh lại kéo hai người lại với nhau, thít chặt, không xa rời.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro