Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lâm Dương dừng chân trước một tiệm trái cây nhỏ. Cửa tiệm này nằm khuất trong một con hẻm vắng, đối diện có một cây chò già đang độ đổ lá, quả chò rải rác khắp trên sân, chen chúc giữa những bóng nắng.

Đây là một tiệm trái cây nhỏ, nhưng nhìn khang trang, ấy là Lâm Dương thấy vậy. Tủ đựng trái cây trông như được ghép thô sơ từ mấy miếng gỗ cũ, mày gỗ không được mài nhẵn cũng chả được sơn bóng, mỗi miếng gỗ có dây dừa nhỏ chạy quấn quanh, được đính vài ba quả chò để trang trí. Mấy miếng gỗ này ghép thành 6 ô chữ nhật nhỏ, trải dài thành 3 ô, rộng 2 ô. Mỗi ô chữ nhật lại nhìn như được phân thành hai tầng, từ góc nhìn của Lâm Dương trông như bậc tam cấp.

Tầng đầu tiên trái cây cắt sẵn, đựng trong ly nhựa đậy kín, lấp lánh mấy tia nắng chiếu qua. Tầng thứ hai có rau củ và trái cây tươi nguyên, mỗi ô gỗ nhỏ đựng mỗi loại.

Cây chò già đổ bóng sang đây. Mỗi lần tràn qua một đợt gió khiến bóng cây lắc lư, bóng nắng chiếu lên rau quả cũng thuận theo động đậy, chiếu sáng gian nhà phía sau.

Quầy trái cây này được đặt phía bên phải ngoài cửa lớn, phía sau là gian nhà trống trơn, nền lát si măng cũ kĩ, bên trái đặt hai cái ghế gỗ tròn thấp thấp và một cái bàn vuông hơi cao hơn một tẹo, trông có vẻ cũng là tự gia công. Gần đây có mấy sọt trái cây xếp cao thành chồng, từng loại quả nằm riêng ngổn ngang trong từng sọt, không thành đường thành lối như trong quầy bên kia.

Sâu bên trong một chút là một thành tường si măng, chắc là vách của căn phòng bên trong, phía trên cũng không có trang trí gì nhiều, chỗ hành lang bên hông cũng không có tấm rèm hay gì ngăn lại, trông cực kì đơn giản một màu, nếu không có màu của dàn rau củ quả phía trước chắc Lâm Dương sẽ thấy sợ lắm. Ban ngày ban mặt nhưng mà cái màu tối thui thế này cũng dọa người ta quá rồi.

Hai tay Lâm Dương nắm chặt lấy hai quai balo đeo trên người, nhìn hết rồi cũng không biết phải làm gì nữa cả, mắt nhìn chân, mũi chân di di trên đất đảo qua đảo lại mấy quà chò già.

Tiếng xào xạt vang lên bên cạnh, Lâm Dương qua đầu sang nhìn, có một chiếc xe đạp từ xa đang chạy về phía này.

Anh trai trên xe cao lớn, mặt áo sơ mi trắng quần tây, mặt mũi có vẻ nghiêm túc lắm. Balo đeo phía sau, hai tay trên tay lái, chân để im trên bàn đạp, giữ nguyên tư thế ngầu vô cùng ấy để xe tự chạy dưới chân. Bánh xe chạy qua nền đất chất đầy quả chò, tiếng xào xạt càng lúc càng vang giữa trưa vàng nắng. Khuôn mặt anh ấy lúc thấy cậu cũng càng lúc càng nghiêm, lạnh nhạt, thờ ơ, chân mày hơi nhíu.

Anh bóp thắng xe kít lại cách cậu một khoảng, nhìn cậu một chút rồi xuống xe dắt vào nhà, dựng xe dựa vào vách tường si măng trước mặt. Anh đứng trước hành lang bên hông nhà nói vọng vào trong:

-Anh hai! Em về rồi! Nhóc đáng thương đến kìa!

Sau đó anh bước đến bỏ balo trên bàn, ngồi vào một bên ghế gỗ, không nhìn cậu thêm một lần.

Thế mà Lâm Dương vẫn sợ tới cứng đờ. Tay đang nắm hai quai balo lại càng siết chặt, chân cũng dính cứng ngắt dưới sàn, không dám động đậy mảy may.

Lâm Dương không tính là đặc biệt hoạt bát theo kiểu chạy nhảy suốt ngày không dừng được chân, nhưng ít ra gặp người vẫn rất thân thiện dễ gần, bạn bè đồng lứa và người lớn đều rất dễ bắt chuyện dễ làm quen, thế mà đứng trước mặt người này lại không biết làm sao, chôn chân tại chỗ nói không nên câu.

Cũng may Khánh An xuất hiện cứu lấy cục diện này. Anh vừa xuất hiện trước chỗ lối đi Lâm Dương đã nhìn thấy, lập tức cười tươi nhảy lên như gặp được cứu tinh:

- Anh An!

- Ây! Tới lâu chưa sao không gọi anh?

- Dạ không lâu, một lát thôi.

- Lúc em về đã thấy nó đứng đực trước cửa rồi. Anh đi đâu cũng không đóng cửa vào? Để tang hoang ra thế?

- Anh đi soạn đồ ăn có một lát, nghe tiếng mà. Còn mày, xưng hô với em cái kiểu gì đấy?

Khải Ca vẫn nhìn sách trên tay bĩu môi im lặng nghe mắng.

Khánh An cũng không thèm để ý em trai lớn, quay đầu tiếp tục nói chuyện với em trai nhỏ:

- Ba mẹ đâu? Sao chạy tới đây?

Nghe tới đây mặt Khải Ca lập tức đay lại, dứt khoát đóng sách đứng dậy xách balo vào phòng trong.

Tiếng động có chút lớn, dọa Lâm Dương giật thót cả người.

Khánh An cười cười, vươn tay vỗ vỗ đầu đứa nhỏ, lại hỏi lại:

- Ba mẹ đâu? Em tới đây ba mẹ em có biết không?

- Em...

Lâm Dương niết chặt lấy quai balo. Hai bàn tay nhỏ nhỏ kia vẻ như từ nãy đến giờ đều chưa buông khỏi hai cái dây đeo nhỏ thó kia dù chỉ một phút. Đứa nhỏ da tay mỏng, thế mà niết nãy giờ niết đến tê, đến vẻ như nó cũng không thấy đau. Có điều nó cảm nhận được dây vải dày bị niết đến không thể niết được nữa bắt đầu cắn lấy tay nó từng chút từng chút một, nhưng nó cũng không muốn buông ra.

Buông ra rồi, nó cũng không biết phải nắm níu vào chỗ nào.

Lâm Dương từ nhỏ sống với mẹ trong một căn hộ sập sệ. Nó lúc nhỏ chưa từng thấy mặt ba nó trông thế nào. Nhưng sẽ thường xuyên nghe về ba nó trong những lời nhiết mắng của mẹ. Bà lau nhà sẽ bắt đầu kể cha nó không lo được cho hai người cái nhà, bắt đầu so với chị hàng xóm cạnh nhà hay một nào đấy xóm bên. Ăn cơm sẽ bảo chả biết cha nó bây giờ ăn sung mặc sướng thế nào, để hai người ăn rau ăn rác ăn khổ ăn cực. Bà nhắc đến cha nó nhiều, không nhắc được lời nào hay ho, thế nên khi bà bảo hai người sẽ về sống với cha nó, nó cũng không hiểu ra sao.

Nó chuẩn bị tâm lý kĩ càng lắm, xưa nay nhìn người này thấy người kia trong xóm nuôi thành thói quen, làm người khác hài lòng là sẽ không thiệt thòi, sẽ không ăn đánh ăn mắng. Nên nó thân thiện, nên nó dễ gần, nên nó được lòng người. Nên bây giờ về nhà cha, theo lời mẹ có vẻ không dễ dàng gì, nhưng chắc nó cũng sẽ không quá khó khăn. Nhưng nó không hiểu, mấy lời mẹ nó nói có vẻ không thích cha nó tẹo nào, lúc sửa soạn sắp về thì lại rất vui. Không ngày ngày lặp lại ba nó xấu thế nào, cũng ít nói người này người kia ra làm sao.

Sau rồi nó về nhà ba nó ở. Nhà ba nó đẹp hơn nhà mẹ con nó đang ở. Sàn lót bằng thứ gạch vuông nhỏ nhỏ vẽ mấy hình chữ nhật quẹo quẹo màu vàng màu xanh, không như sàn gỗ dán miếng dán bong chỗ này tróc chỗ kia như nhà nó. Nhà ba có 2 phòng ngủ, trong phòng có nệm đặt trên sàn nhà, không như nhà nó chỉ trải chiếu thôi. Phòng bếp nhà ba cũng rộng hơn nhà nó.

Nó ở nhà ba cũng được mấy năm. Mỗi lần tết hoặc thi thoảng vài dịp sẽ thấy có hai anh trai chạy đến ăn cơm cùng mọi người. Anh trai lớn hiền lắm, chính là anh Khánh An. Anh hiền queo, hay vỗ vỗ xoa xoa đầu nó, nói gì cũng cười, hay đem cho nó mấy ly trái cây nhỏ nhỏ. Nó thích anh An lắm, anh An thường cùng nó nói chuyện, thường kể chuyện cho nó nghe, thi thoảng còn cho nó đồ chơi nhỏ, chỉ nó làm bài. Còn anh trai nhỏ hơn nghiêm túc lắm, mặt lúc nào cũng lạnh tanh, thường không nói với ai câu nào, ăn xong rồi theo anh trai lớn đi về.

Ba bảo nó gọi anh An là anh hai, gọi anh trai nhỏ là anh ba, lúc nói tới đó anh Khải Ca đập đũa suốt bàn một cái rầm, nó giật thót, sau đó ba mắng anh ấy, mắng cả anh hai. Nó thấy rõ ràng lắm, lúc bị ba mắng anh ấy chỉ nắm chặt đũa, mắng tới anh hai, đũa bựt một phát gãy làm đôi, nó hãi tới muốn nhảy khỏi ghế. Anh ấy còn mắng lại cả ba, nội dung nó không tập trung nghe nổi, nó thấy dằm đũa chọc vào tay anh chảy máu mà anh cũng không để ý, sau đó anh ấy nắm tay anh hai bỏ đi. Từ đó cũng ít khi về hai người, thường thì chỉ có anh An về. Từ đó nó cũng sinh ra sợ anh Khải Ca, sợ lắm, hãi từ trong lòng, không thể lý giải.

Nó với mẹ sống với ba được mấy năm, nó lại bắt đầu nghe mẹ nó lặp đi lặp lại về ba lúc nấu cơm lúc lau nhà lúc làm chuyện này chuyện nọ. Thường có một nhân vật con hồ ly xuất hiện, nó không biết đó là cái gì, tại sao con thú ở trong rừng lại có thể giành ba nó, ba nó nuôi để làm chi, nuôi như bạn nó hay nuôi chó nuôi mèo sao?

Nó không hiểu, lúc đó nó chỉ lớp một lớp hai.

Sau này ba ít thường về nhà lắm. Căn nhà lại như lúc xưa chỉ có mẹ con nó thôi. Nhưng khác là mẹ nó hay uống cái gì đó ban đêm. Uống nhiều lắm, sau đó khóc nhiều lắm, la hét gì đó về ba nó về hồ ly tinh, không nói gì nhiều về nó. Nó không biết làm sao.

Nó dễ cùng người khác làm thân lắm, nói hai ba câu người ta sẽ thích nó liền, hỏi nó chuyện này chuyện kia. Mà nó không nói chuyện được với mẹ nó. Mẹ nó kể nhiều chuyện lắm. Mà mẹ nó không muốn nghe nó nhiều.

Rồi sau đó cỡ một năm, mẹ nó cứ thường như thế như thế, ba nó về sẽ nắm áo ba nó la hét này kia, nó đứng ở cửa phòng, nó không biết làm sao, nó cũng sợ. Mấy năm này hai anh ít về tới, nhưng cũng may có hôm anh An về lúc ấy, anh ấy bước vào dẫn nó ra ngoài, như siêu nhân điện quang mặc áo choàng bay vào, phía sau còn tỏa ra luồng sáng. Anh nó chở nó đi dạo, đi ăn kem, chở nó về nhà anh ấy, chơi đến chiều tối mới chở về nhà. Anh ấy viết cho nó tờ giấy có số điện thoại, bảo sao này nếu khi nào thấy sợ thì gọi anh chở đi chơi.

Nó không thường thấy sợ, lúc thấy hai người dằn co thì nó sẽ hơi không biết làm sao như thế, nên lúc đầu chỉ gọi mấy lúc đấy thôi. Sau này nó hỏi anh An, nếu không sợ thì có được gọi không, anh An bật cười, đang cưỡi xe mà cười đến gập cả người lại, xe lắc lư nó cũng lắc lư. Cười được một lúc anh vươn một tay ra sau vỗ vỗ đầu nó, bảo muốn gọi lúc nào cũng được. Xe hết lắc rồi, mà lòng nó bay bay.

Sau đó nó thường đi với anh lắm, mẹ nó cũng không để ý, bận cãi nhau với ba nó bận uống rượu bận chuyện này chuyện kia. Thi thoảng mắng nó mày đi đâu đi suốt đi được đi luôn đi. Nó không biết mẹ nó nói thật không, nhưng nó cũng thật sự nghĩ, nếu đi luôn thì nó đi đâu bây giờ. Sau đó nó nghĩ tới anh An. Nên nó bắt đầu hết mực cố gắng lấy lòng anh An. Sau này nó bảo với anh mẹ nó nói thế, anh An bảo mẹ chỉ giận mới nói thế thôi, đừng để trong lòng, sau này xin mẹ trước, anh sang sau. Nó cứ tưởng anh sẽ bảo sẽ cho nó sang, mà anh không nói, nó còn chưa lấy lòng được anh sao.

Nó xem phim thấy người ta hái trái cây cho người khác thì người đấy sẽ rất vui, nó hái xoài gần nhà cho anh An, trèo cây trầy hết cả chân, anh An nhận lấy rồi lại mắng nghịch quá, dẫn về nhà bôi thuốc, bôi quá trời, anh Khải Ca suýt xoa dữ lắm, bảo uổng tiền thuốc quá. Rồi nó lại nói lần nữa, mà anh An cũng không nói câu kìa, lại còn bảo sau này đừng nghịch nữa, mẹ thấy lại mắng cho.

Nó còn cố tình hái hoa hồng cho anh ấy, bị gai đâm quá trời. Nó còn cố tình gấp hạt giấy, bị anh Khải Ca phát hiện xé vở viết bài, mặt lạnh tanh cả một ngày không nói với nó một câu. Nó cố tình hái thật nhiều hoa quả khác, mà anh An cũng không nói câu ấy.

Nó còn phải làm gì đây? Nó gấp lắm rồi. Cực kỳ gấp. Vì nó cảm giác được rồi. Mẹ nó sắp bỏ nó đi.

Rồi khi nó còn chưa kịp khiến anh An nói ra được câu kia, mẹ nó đã bỏ nó đi trước.

Đêm đó mẹ nó không uống rượu. Lúc đó mẹ nó đã tiều tụy lắm rồi. Hốc hác hơn xưa nhiều lắm. Không còn là gương mặt nó quen thân kia nữa. Nó nằm ngủ ở một bên. Sau lưng nghe mẹ nó kéo khóa túi xách, nghe tiếng mở tủ quần áo, nghe tiếng quần áo ma sát vào túi xách nghe loạt xoạt, rồi nghe tiếng mẹ nó xách đồ bỏ đi. Nó bùng dậy chạy theo. Không ngờ mẹ nó bỏ đi thật. Nó không mang giày mang dép. Quần áo ngủ tả tơi mỏng danh. Nó chạy trên đường xi măng nhựa một lúc thật lâu. Nó hét gọi mẹ nó, mà mẹ nó không quay lại. Mẹ nó chạy ra đầu đường. Mẹ nó nhảy lên một chiếc xe. Mẹ nó đi rồi.

Dứt khoát. Quyết tiệt. Không chút luyến lưu.

Nó, có là gì đâu.

Lâm Dương quay về căn nhà đó. Nó nằm cong vòng trong chăn. Có lần nó nghe tivi nói bản năng con người rút vào tư thế này là để tìm cảm giác an toàn, vì đây là tư thế khi đó được bào thai mẹ chở che, là khởi nguồn của cảm giác được bảo hộ. Có điều, này còn không nực cười sao, tìm về tư thế này, là vì không còn ai che chở nó nữa, kể cả mẹ nó, mẹ nó cũng bỏ đi rồi đấy thôi.

Lâm Dương nằm im lìm, ru mình vào giấc ngủ. Nó ngủ miết, ngủ mãi, ngủ bao lâu nó cũng không biết nữa. Đột nhiên một ngày nó nghe tiếng ba nó về, dắt thêm một người phụ nữ lạ mặt. Hỏi nó mẹ mày đi rồi chưa, sao mày không đi với mẹ mày luôn đi. Nó bảo mẹ không dẫn nó đi. Ba nó bảo vậy mày giờ mày muốn đi đâu. Nó hỏi giờ nó có thể đi đâu. Ba nó nói, kêu anh hai mày tới chở đi đi. Không thì bắt xe qua nhà nó đi, tiền đây. Rồi ba nó quăng cho nó tờ tiền. Nó cũng không chờ gì nữa. Xếp đồ rồi đi. Đồ nó cũng không nhiều. Nhưng nó đứng vừa xếp vừa nghĩ, anh An có cho nó ở không, anh Khải Ca có cho không, rồi nó nghĩ, cái cớ này rất tốt không phải sao, anh An có vẻ rất nghe lời ba nó, ba nó nói là được phải không. Nhưng anh Khải Ca không sợ, lỡ anh Khải Ca không cho thì sao...

Trong cái đầu nhỏ trăm câu hỏi xoay vòng. Cứ như mấy đứa con gái chơi nhảy dây, nhảy qua nhảy lại rồi cũng chỉ có chỗ đấy thôi, có một chút bước tiến cứ nghĩ mình tới gần đáp án được một chút, hóa ra cũng chỉ một chỗ đó xoay vòng mà thôi.

Cái xoay vòng đó vẫn cứ xoay vòng vòng lúc này khi nó đang đứng ở đây. Nhưng thái độ không mặn không nhạt của Khải Ca làm nó càng thêm tuyệt vọng một chút. Nó không biết anh An sẽ thế nào. Nó không biết thế nào. Nó không biết đi đâu giờ nếu anh An không chịu. Nó làm sao đây.

Anh An vỗ vỗ đầu mấy cái, không khóc không nháo mấy ngày nay đột nhiên nước mắt nó trào thành dòng, nó đột nhiên muốn khóc lớn một trận, rồi lại sợ anh An thấy nó khóc sẽ phiền, cố khóc cố nín không cố định một trạng thái nào cả người nó cũng muốn bể ra tới nơi, nó bây giờ chắc xấu xí lắm, anh An có chịu cho nó ở không?

Anh An dịu dàng lấy khăn lau nước mắt cho nó, dịu dàng kéo nó vào người ôm chặt cứng. Cảm giác này lạ lùng lắm. Nắng trưa dĩ nhiên nóng gắt. Nhưng cái ấm này không phải. Cả người anh vẫn phảng phất chút chút hơi lạnh. Tay anh thì nóng rực vỗ vỗ trên đầu nó ấm ấm, ấm hết toàn thân. Thân người trước mặt vững lắm, vững như không bao giờ có thể đổ được, vững như dù phía sau có đẩy tới thế nào cũng sẽ đứng chắc thế này thôi, không phải dính cứng ngắc như nó lúc nãy sợ anh Khải Ca, là vững chãi của sức mạnh, là chở che, đúng rồi, là chở che, là bảo hộ an toàn. Anh An dịu dàng, mà cũng vững chắc, tưởng như mâu thuẫn, dường như cũng không mâu thuẫn chút nào.

Anh không hỏi gì nữa, anh bảo, giường anh với anh Khải Ca còn trống, ba anh em mình nằm chung cho ấm, Khải Ca đang nấu đồ ăn, em vào bỏ balo rồi ra phụ anh ấy đi, vào phòng tắm rửa mặt anh đi lấy khăn cho lau, ăn trái cây gì anh đi lấy một lát rửa mặt rồi ra ăn nhé, hôm nay ăn cá nhé anh vừa mua, ăn xong anh với Khải Ca chỉ em làm bài tập, ngày mai ăn gì lát anh đi mua luôn, một lát đi chọn đồ của anh với Khải Ca xem em muốn mặc cái gì nhé...

Anh nói nhiều lắm, anh vừa vỗ vỗ sau đầu nó vừa nói từng câu từng câu. Nó vẫn còn hít hít, khóc không dừng ngay được, nhưng nước mắt cũng bắt đầu ngừng. Từng câu từng câu đều là tự nhiên gia nhập nó vào cuộc sống của mình, từng câu từng câu đều là hoạch định cho nó sau này nó sẽ sống cùng ra sao. Nó quên mất, người ta không nhất thiết phải nói ra một câu nhất định để thể hiện một loại ý nghĩa, người ta có thể nói nhiều câu. Anh An không nói em về sống với anh đi, anh An trực tiếp hỏi nó em muốn ăn gì mặc gì ngủ ở đâu chúng ta cùng nhau sắp xếp. Anh An không cân nhắc cho ở hay không, anh An hỏi nó muốn ở cùng thế nào.

Anh Khải Ca bước ra từng chỗ hành lang, quăng lên ghế hai bộ đồ nhỏ cỡ nó với một cái khăn, nói với nó, khóc xong thì ra dọn bàn ăn cơm, anh nấu rồi lát mày rửa, mày không muốn rửa thì mai mày nấu, sau đó xoay người lại bước vào bếp, để lại tấm lưng chắc nịch dưới lớp áo mướt mồ hôi.

Nó vốn quay mặt ra khỏi bụng anh An rồi, lại phải quay về, nước mắt cứ chảy miết thế này là làm sao.

Lâm Dương thả tay đang siết khỏi hai quai đeo balo, ôm chặt lấy tấm lưng anh An dài rộng. Sao lại không biết nắm víu chỗ nào, có đến hai tấm lưng nó muốn dùng cả tính mạng mà níu chặt, tuyệt không muốn buông tay.

--Jun 6th--

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro