16

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đón gia đình cô An thầy Tuấn là một bàn đầy ắp thức ăn đặc sản vùng quê, nào là cơm lam, xôi nếp cẩm, ốc nhồi thịt, cá chép om dưa, vịt nấu măng, gà đồi hấp sả...toàn là những món lạ hiếm thấy trên thành phố. An Thư vốn khá kén ăn lại vừa trải qua một hành trình dài nên tỏ vẻ uể oải. Người lớn trong nhà dường như vui vẻ náo nhiệt sum vầy mải không để ý, cứ liền tay gắp vào chén em đầy ụ thức ăn. Thầy Tuấn vừa nhấp môi ly rượu nếp quen thuộc vừa nhìn sang đứa con gái đang dùng đũa khẩy thức ăn trong chén liền tỏ ý nhắc nhở:

"An Thư làm sao đấy con? Ăn uống ngồi thẳng thớm đàng hoàng nào."

"Bố ơi con muốn ăn trứng cuộn" - An Thư quay sang dụi đầu vào cánh tay bố nũng nịu.

"Hửm? Một bàn đầy thức ăn đây mà còn trứng cuộn nữa là sao con? Ngoan, ăn đi nào, ăn cá chép vào thông minh đấy, bố gắp cho con nhé?"

"Hônggg... con muốn ăn cơm trứng cuộn màaa..." 

An Thư đột nhiên cao giọng nhõng nhẽo khiến sự chú ý của cả bàn ăn đổ về mình. Thầy Tuấn nhìn là biết bé con đang muốn giở thói ăn vạ đây. Bình thường ở nhà mà đã ngồi vào bàn ăn là không có cái kiểu vòi vĩnh như này, chắc hôm nay lạ chỗ, ỷ được người lớn cưng nên tính khí cũng thất thường. Vì thương con đi đường mệt nên thầy Tuấn vẫn kiên nhẫn nhỏ nhẹ:

"Nào An Thư ngoan, cả nhà đang ăn cơm, con không nên lớn tiếng như vậy, ha? Bố nói rồi, ở đây bao nhiêu món ngon như thế này còn chưa hết, làm thêm trứng cuộn rất lãng phí. Hôm nay An Thư ăn ngoan đi rồi bố dặn mẹ mai làm trứng cuộn cho con. Nghe lời bố, ha?"

Bà nội thấy cháu mặt mũi ủ dột như bánh đa ngâm nước liền xót xa: "Cháu nó thích ăn gì thì cứ làm cho nó ăn. Tội nghiệp đi cả một ngày đường mà còn không ăn được gì nhỡ đổ bệnh thì sao. Cứ ngồi đấy, để bác Lan xuống chiên trứng cho cháu nó quả trứng với. Gớm, ở với bà thiếu gì chứ vài ba quả trứng gà đồi vừa thơm vừa béo thì chả phải lo"

"Kìa mẹ" - thầy Tuấn không vừa lòng mẹ chiều hư cháu, lại thấy chị dâu toan đứng dậy thì vội can ngăn - "Đây không phải là chuyển thiếu hay thừa trứng gì cả. Đây là thói quen xấu, cả nhà đừng chiều hư cháu quen. Cứ để con bảo cháu, chắc hôm nay nhõng nhẽo tí thôi chứ ở nhà con là tuyệt đối không được phép như vậy".

Quay sang chỉnh lưng con gái ngồi thẳng thớm, thầy Tuấn bắt đầu nghiêm giọng hơn, tuy vẫn trầm ấm nhưng khác hẳn sự dỗ dành ban nãy:" Nào, An Thư, không có vòi vĩnh vô cớ nữa, con muốn ăn món nào để bố lấy."

Trẻ em có thể không biết nhiều thứ nhưng chắc chắc biết được là có người đang đứng về phía mình, từ đó càng giở thói ăn vạ. An Thư chỉ ngúng nguẩy đặt đũa xuống chứ không đáp lại lời bố - cách cư xử mà thầy Tuấn cực kì không vừa mắt. 9 tuổi của An Thư có đặc quyền là con gái, út ít trong dòng họ nên được đặc ân mềm mỏng hơn. Chứ Tùng Bách 9 tuổi mà như vậy thử xem, chắc chắn lúc này đã bị bố Tuấn trực tiếp kéo dậy rời bàn ăn để vào phòng giáo huấn cho một trận nên thân rồi.

Cô An từ dưới bếp bưng khay nước chấm lên vừa hay kịp nhìn thấy thái độ không tốt của con, không muốn hai bố con căng thẳng mất vui nên liền lập tức đánh tiếng vui vẻ chuyển hướng chú ý:

"Đậy ạ, mắm thấm gia truyền của nhà mẹ dạy con chấm cá chấm gà vịt gì cũng đều ngon. Tiếc quá lâu lắm mới được về quê trổ tài cho cả nhà. Em Thư ơi mẹ lấy một chén nhỏ cho em chấm gà riêng đây"

Bữa ăn đang khựng lại vì đứa cháu gái bỗng dưng dở thói kịp thời được sự vui vẻ khôn khéo của cô An kéo lại bầu không khí. Mọi người truyền tay nhau từng chén nước chấm vàng ươm sánh đặc, nức nở khen ngon, sự căng thẳng khi nãy cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Ánh mắt cô và thầy chạm nhau, một sự ngầm hiểu đầy ăn ý giữa cặp vợ chồng gần 20 năm, cô An nhanh chóng ngồi xuống bên cạnh bé con, cười hiền:

"Em Thư của mẹ mệt lắm không?"

An Thư vẫn chẳng nói chẳng rằng, chỉ quay người qua ôm chầm lấy mẹ, dụi dụi đầu vào lòng mẹ tỏ ý muốn được chiều chuộng.

Cô An vỗ vễ lưng con vài cái rồi nhẹ nhàng gỡ vòng tay để con ngồi thẳng người dậy. Khi hai ánh mắt mẹ con chạm nhau, miệng vẫn giữ nụ cười hiền, một tay nắm lấy tay con còn một tay chạm người chồng:

"Em Thư không quen thức ăn có gia vị nồng, mẹ biết. Nhưng hôm nay là ngày đặc biệt, lâu lắm nhà mình mới về thăm bà và các bác các cô, mọi người đều giành cho em những gì ngon nhất, tốt nhất. Thư không nên vào bàn ăn mà lại yêu cầu vô lý như thế, em nhé?"

"Nhưng con có yêu cầu vô lý đâu ạ? Con chỉ muốn ăn trứng cuộn mẹ làm thôi. Ăn trứng cuộn mà là vô lý hở mẹ?" - An Thư hai mắt long lanh ủy khuất.

"Ừ đúng rồi, em Thư thích ăn trứng cuộn mẹ làm, mẹ vui lắm. Ăn trứng cuộn không phải là vô lý, nhưng quan trọng là em ăn khi nào và ra sao, mẹ nói em Thư có hiểu không?" - dừng một lát ngước lên nhìn chồng đang chỉnh lại nơ tóc trên đầu con, cô An tiếp tục - "Mẹ luôn nói với em mà, em có nhớ không, rằng mọi người đều có thói quen và sở thích khác nhau, chúng ta cần tôn trọng tính cá thể của mỗi người. Nhưng nếu chỉ vì bản thân mình mà làm ảnh hưởng đến người khác thì là chuyện không hay. Em nhìn xem nhé, để làm được bữa tối hôm nay các bác các dì đã vất vả biết bao nhiêu, dày công chuẩn bị để cho gia đình mình được thưởng thức quà quê, đấy là tình cảm khó gì sánh bằng. Đúng, em không quen thức ăn nhiều gia vị nhưng đâu có nghĩa là nó không ngon, đâu có nghĩa là em không thể vui vẻ thưởng thức, đúng chứ? Trứng cuộn em Thư muốn ăn khi nào mẹ cũng có thể làm cho em, nhưng vào hoàn cảnh này thời điểm này là không phù hợp, em hiểu không?"

An Thư cúi đầu im lặng, dường như bé con đang nhận thức lại cái sai của mình sau những lời mẹ nói. Thầy tuấn thấy con bắt đầu nguôi ngoai, đưa vòng tay rộng lớn ra xoay người con ngồi chính diện lại với bàn ăn, đầu cuối xuống thấp gần sát lại bên nói với con: "An Thư có nhớ bố hay kể chuyện ngày bé cùng các bạn đi mò ốc hay bắt gà rừng không? Lúc đó An Thư còn nói tuổi thơ của bố vui quá, bố kể nghe thèm quá, con cũng muốn thử còn gì. Đây này, bà nội biết vậy nên làm những món này dành cho con đó. Không ăn được nhiều thì mình cũng vui vẻ ăn thử cho biết, được không? Lỡ mà khó tiêu thì mẹ có mang men tiêu hóa rồi, không sao, ha?"

An Thư lúc này mới ngẩng đầu lên đưa mắt nhìn bố, rồi đưa mắt nhìn mẹ, rồi lại đưa mắt nhìn sang bố, sau đó gật nhẹ đầu ra ý xuôi cơn ăn vạ. Cô An nhắc con: "Thư ơi, bố mẹ dặn khi người lớn hỏi thì phải làm sao nhỉ? Dùng cái gì để trả lời nhỉ? Đầu hay là miệng nào?"

"Người lớn hỏi phải trả lời đàng hoàng ạ"

"Đúng rồi, em Thư nhớ lời bố mẹ dặn đó. Vậy khi nãy ai phụng phịu bố hỏi nhẹ nhàng mà lại giận dỗi bỏ đũa ha?" - cô An vuốt má con vừa trêu vừa dạy bảo.

An Thư nghe xong liền hiểu ra, muốn xin lỗi bố nhưng lại làm cao "giữ giá" nên quay ra ôm chầm lấy bố, thỏ thẻ: "Bố ơi, con muốn ăn gà, nhưng bố phải xé da riêng ra cơ..."

Chiêu này quả nhiên cả mẹ lẫn con đều có tác dụng với thầy Tuấn, thầy giả vờ kí nhẹ lên trán cô con gái rượu đáng yêu rồi quay sang gắp gà xé da bỏ riêng theo đúng yêu cầu. Cô An lúc này mới yên tâm cầm đũa, bữa ăn tối đoàn viên cũng trở lại không khí sôi nổ ấm áp bình thường.


*     *    *

Viết chap này vì nhớ bà nội quá. Giờ có muốn về quê ăn cá bà nội kho cũng không còn cơ hội nữa rồi... Các bạn ai còn ông bà nội ngoại thì nhớ phải thường xuyên thăm hỏi ông bà nha. Người già thực sự chỉ sống vì mong nhìn thấy con cháu kề bên mà thôi...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro