17

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

An Thư  mơ màng tỉnh dậy khi những tia nắng đầu ngày khẽ len lõi qua song chắn cửa sổ, tỏa ánh sáng dịu nhẹ lên khuôn mặt non tơ và ngái ngủ của em. Hé mắt nhìn xung quanh cả chiếc giường chỉ còn lại mỗi mình, hẳn là bố mẹ đã dậy trước rồi. Bố mẹ còn không quên đặt hai cái gối xung quanh An Thư để phòng em ngủ trớ bị giật mình - đây là thói quen của An Thư từ khi còn nằm cũi, chả hiểu sao chỉ khi ngủ trên chiếc giường với gối ôm hoặc chăn bao quanh em mới có thể an tâm ngủ tròn một giấc. An Thư lười biếng nằm ườn ra thêm một lúc nữa rồi mới uể oải vươn mình dậy, xuống giường xỏ dép đi về phía nhà sau. 

Nhà bà nội An Thư vừa được xây mới cách đây không lâu, do 4 anh chị em thầy Tuấn góp chung lại. Nhà được xây theo kiểu kết hợp nét tinh tế tiện nghi của hiện đại và sự nhã nhặn thanh thuần của kiến trúc miền Bắc cổ xưa. Ông nội mất sau khi bố mẹ kết hơn chưa bao lâu, bà nội An Thư bây giờ sống cùng với gia đình bác trai cả. Thầy Tuấn là con thứ 3 trong nhà, trên thầy có 1 anh trai và 1 chị gái, cả 2 đều sống ở dưới quê nối nghiệp làm trà truyền từ đời cụ ngoại và chăm coi mộ phần tổ tiên, còn dưới thầy là 1 cô em gái đã theo chồng định cư ở nước ngoài từ lâu, vài năm mới có dịp gặp mặt một lần. Quê nội và họ hàng bên nội trong nhận thức của một đứa trẻ An Thư là một điều gì đó mơ hồ chỉ có trong lời kể của bố, thi thoảng ngày lễ mới theo bố mẹ về thăm. Nhưng vì đường xá xa xôi và thời gian eo hẹp, lần nào về cũng chỉ vội vội vàng thăm hỏi họ hàng rồi hội họp dòng họ, An Thư còn bé chỉ đành quanh quẩn bên mẹ chứ chả được đi đâu. Lần này em hạ quyết tâm sẽ tự mình khám phá làng quê xinh đẹp này.

Từ gian buồng ngủ của gia đình An Thư rẽ trái vòng qua một hành lang ngắn chính là nhà bếp. Thoáng thấy bố đang ngồi đọc báo bên ấm chè tươi mới om thoảng hương chan chát, An Thư liền bật chế độ nũng nĩu kéo dài một tiếng:"Bố....". Thầy Tuấn biết công chúa nhà mình vừa tỉnh giấc thể nào cũng mè nheo, nhanh chóng gấp gọn tờ báo rồi giang tay đón con vào lòng:"An Thư dậy rồi hả con". An Thư sà vào lòng, vòng tay qua ôm cổ bố, mắt lim dim ngái ngủ. Thầy Tuấn mỉm cười vuốt mái tóc rối của con gái, cảm thấy những lúc như thế này đứa trẻ nào cũng là thiên thần.

Cô An vừa đi chợ sáng cùng bác dâu cả về, tay xách nách mang bao nhiêu là thứ, thầy Tuấn thấy vậy liền vỗ nhẹ vào lưng đánh thức bé con dậy để ra xách đồ giúp vợ. 

"Con chào mẹ ạ. Ơ sao mẹ đi chợ mà không gọi cooooon" - An Thư cất giọng chữ "con" kéo dài từ đây ra đến ngoài đình làng mất.

"Ừm, mẹ đây em. Em dậy lâu chưa? Đi đánh răng rửa mặt đi rồi còn ăn sáng nào" - cô An chỉ kịp mỉm cười chào con rồi lại lúi húi cất dọn.

"Ơ sao mẹ đi chợ mà không gọi con dậy...hứ..." - An Thư bé nhỏ chưa nhận được câu trả lời thỏa mãn liền nhất quyết không buông.

"Mẹ đi từ sớm mà. Em Thư đang ngủ ngon thế sao mẹ nỡ gọi em dậy được. Em ngoan đi đánh răng nhanh ra mẹ làm trứng cuộn cho ăn sáng nhé. Mẹ còn mua được sữa đậu nành em thích này, nóng hổi mới ra lò luôn, không nhạt nhẽo như ở nhà mình uống đồ đóng hộp đâu"

"Không đúng...ở nhà sáng nào mẹ chẳng gọi con dậy đi học dù con buồn ngủ mà...không..." - An Thư mới ngủ dậy tính khí bướng bỉnh, vừa định mè nheo thêm đôi câu thì khựng lại vì tiếng hắng giọng và cái nhìn nghiêm nghị của bố liền ngưng bặt. Những lúc như thế này thì sự dịu dàng nhẫn nại của mẹ An thường chỉ khiến cho An Thư vòi vĩnh thêm thôi, chỉ có sự nghiêm nghị kịp thời của bố Tuấn mới nắn cho em tránh khỏi bị chiều thành "bệnh công chúa". Nhanh như sóc An Thư đứng dậy đi làm vệ sinh cá nhân trong cái lắc đầu quen thuộc của thầy Tuấn và tiếng nén phì cười của cô An.

Bữa sáng diễn ra nhẹ nhàng và nhanh gọn. An Thư cũng quên mất chuyện vòi vĩnh đi chợ, sự hào hứng của em đã chuyển sang đêm văn nghệ và trò chơi mừng ngày thống nhất đất nước tổ chức ở ủy ban xã tối nay. Vừa reo lên vui sướng khi bố mẹ đồng ý sẽ dẫn em đi chơi với các bạn đồng trang lứa thì mẹ An đã kịp nhắc nhở:"Ăn xong nghỉ ngơi một lát rồi em vào lấy bài tập ra làm đi nhé. Cô giáo nhắn mẹ rồi đấy, mỗi ngày 3 bài toán và 2 bài tiếng Anh, ôn luyện vậy mới kịp để làm kiểm tra đó." Bố Tuấn bổ sung thêm:"Đúng rồi, sáng làm 3 bài toàn chiều làm 2 bài Anh, xong xuôi hết rồi tối bố mẹ dẫn đi chơi". An Thư dù trong lòng ngán ngẩm với bài tập nhưng vì lời hứa hẹn đi chơi mà không ngại ngần gật đầu cái rụp.

Làng quê này dĩ nhiên nhiều điều thú vị và thu hút một đứa trẻ lên 9 như An Thư hơn là mớ bài tập khô khốc phẳng lì trên giấy kia rồi. Bố mẹ ăn sáng xong chỉ dặn dò em thêm đôi câu rồi liền lên nhà thờ họ. An Thư định bụng ra trước sân chơi với bà nội rồi sẽ làm bài sau. Em cứ líu lo bên bà cả ngày, thêm cả hàng xóm biết nhà có con cháu về nên cũng ghé qua hỏi thăm, dẫn theo cả những đứa trẻ trạc tuổi An Thư. Các bạn bày em bao nhiêu là trò chơi dân gian, lũ trẻ cười cười nói nói náo nhiệt cả một khoảng trời. Bữa trưa của hai bà cháu cũng trôi qua nhanh gọn vì em còn muốn tìm các bạn chơi thêm. Thầy Tuấn và cô An xong việc về nhà cũng đã xế chiều, từ đằng xa đã nghe thấy tiếng cười nói của con gái. An Thư được bố mẹ gọi về ăn tối thì lũ trẻ mới giải tán, vẫn không quên hẹn gọi nhau cùng tối cùng lên ủy ban xem hội.

An Thư cũng dần quen với khẩu vị đồ ăn ở quê, thêm nữa vui chơi cả ngày trời hao năng lượng nên em vui vẻ ăn ngon lành. Cả nhà cũng mấy phen bật cười vì sự nhanh nhảu và cái miệng líu lo của bé con. Khi mọi người bắt đầu dọn dẹp chén đĩa thì từ ngoài sân vọng vào tiếng một người phụ nữ: "Chào cả nhà. Bác Xuân ơi con trai về nên gia đình vui vẻ hẳn nhỉ"

Đó là một người phụ nữ trung niên, dáng người thấp và chắc nịch, khuôn mặt rám nắng điểm chút đồi mồi cùng bàn tay chai sạn của những người phụ nữ nhà nông. Bà ta dắt theo một bé gái buộc tóc đuôi ngựa thấp, tuy nhỏ con nhưng đoán chừng cũng hơn An Thư vài tuổi. Vừa nghe thấy giọng người phụ nữ ấy, đôi mắt cô An thoáng chút dao động, thầy Tuấn lập tức nhận choàng tay qua bóp nhẹ vai vợ tỏ ý trấn an.

Vừa bước vào nhà, ánh mắt người phụ nữ ấy quét nhanh một vòng rồi dừng lại ở gia đình An Thư. Một chút khó chịu lướt nhẹ qua mẹ con cô An, sau đó bà ta liền hướng về thầy Tuấn tỏ vẻ cười nói xởi lởi:

"Ôi chào anh Tuấn, lâu ngày không gặp, anh về đúng là quý hóa quá. Ôi chao con bé nhà anh đây hả, lớn thế này mà ngồi im làm em suýt không nhận ra". 

Thầy Tuấn gật đầu lịch sử chào đáp lại rồi quay sang nhẹ nhàng nhắc nhở con:"An Thư ơi chào dì Liên đi con." An Thư nãy giờ vẫn bị ngợp trong bầu không khí ngượng ngùng và giả tạo, giật mình nhẹ đúng dậy khoanh tay chào lễ phép theo lời bố. Linh tính non nớt nhưng chuẩn xác của trẻ con khiến em một tay nắm lấy tay mẹ còn tay kia ôm cổ bố thỏ thẻ:"Bố ơi...mình chuẩn bị đi chơi chưa ạ?"  Thầy Tuấn dịu dàng nhìn hai mẹ con, gật đầu chắc nịch:"Ừ, dọn dẹp xong bố đưa hai mẹ con đi".

An Thư chỉ chờ câu xác nhận của bố xong liền trở lại là một chú sóc nhỏ, vui vẻ giúp mẹ bưng chén để vào bồn. Mẹ An vừa mặc xong tạp dề đang xắn tay áo lên rửa chén thì dì Liên ấy chen ngang:"Ôi thôi nghe bảo gia đình sắp đi chơi, em để đấy chị làm cho kẻo bẩn đồ đẹp. Em xem móng tay em chau truốt thế nhỡ rửa hỏng thì tiếc bao tiền bao công. Không phải ngại đâu, mấy chuyện này chị sang giúp bác Xuân suốt ấy mà".

"Dạ chị để em làm. Lâu ngày mới về thăm quê mà để người ngoài rửa chén cho nhà chồng thì làm con dâu như em chẳng nhẽ chỉ thêu gấm trên hoa. Em với chị Lan người rửa người tráng không vất vả gì đâu. Chị là khách, mời chị lên nhà xơi nước là được rồi ạ"

Thầy Tuấn phải cố gắng lắm mới giữ được nét điềm nhiên trên mặt khi chứng kiến sự khôn khéo cương nhu kết hợp của vợ mình. Dì Liên kia nhắm không đọ lại liền chuyển qua cười nói gọi thầy Tuấn lên nhà uống nước trò chuyện. Thầy Tuấn dĩ nhiên không thể nào ngồi chơi xơi nước với một người phụ nữ khác trong khi "nóc nhà" của mình đang rửa chén thế kia, lập tức từ chối:

"Liên đưa con gái lên nhà trên chơi với mẹ tôi đi. Cứ tự nhiên nhé. Tôi còn phải vào xem bài vở của An Thư rồi cả nhà lên ủy ban xem văn nghệ nữa. Hoài An em xong việc thì vào gọi hai bố con nhé."

"Bùm" - một tiếng nổ lớn vang lên trong đầu An Thư khi hai chữ "bài vở" thoát ra từ miệng bố.

Thôi chết...

Bài tập về nhà...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro