22

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

An Thư bình an lành lặn trở về, người lớn trong nhà đều xoắn xuýt vây quanh em, riêng chỉ có thầy Tuấn khẽ thở phào đứng từ xa quan sát con rồi lẳng lặng ra sân rút một cây tre thanh mảnh dài hơn một mét mỏng bằng ngón tay út, thường dùng chằng giữ dáng trong chậu hoa để làm roi.

Không phải thầy không lo lắng cho con, không phải thầy không biết xót con nhỏ. Hai tiếng đồng hồ vừa rồi thật sự là hai tiếng dài thứ nhì trong cuộc đời thầy (vị trí thứ nhất chắc hẳn là cái ngày cô An phải mổ cấp cứu đón An Thư chào đời). Làm tốt tất nhiên phải được khen thưởng kịp thời, sai phạm dĩ nhiên phải chịu hình phạt thích hợp, tuyệt đối không thể vì chút mềm lòng nhất thời mà ảnh hưởng đến việc định hình nhân cách cho con - thầy Tuấn dặn lòng như vậy khi quyết định phạt nặng bé con.

Trông dáng dấp con gái bé nhỏ xíu xiu, làn da trắng trẻo căng tròn nay hồng lên từng mảng do cháy nắng đang rụt rè tiến từng bước về phía mình, trong một giây thầy đã muốn buông roi xuống ôm chầm lấy con mà cảm tạ trời đất. Tuy nhiên thầy Tuấn nhanh chóng lấy lại sự kiên định: hôm nay đánh con đau thì lòng bố cũng đau, nhưng như vậy tốt hơn nhiều so với sau này không còn bố mẹ ở bên nữa con lại lầm đường lạc lối. Nghĩ thầm như vậy cho nên An Thư vừa cất tiếng thỏ thẻ chào, thầy đã không nhân nhượng ngay lập tức nhắm vào bắp chân con quất một roi. Dù thầy chỉ dùng 4 phần lực nhưng nhiêu đó thôi cũng đủ để An Thư lần đầu nhận roi phải khóc ré lên đau đớn.

"An Thư, con đứng dậy" - thầy Tuấn vẫn giữ nguyên tone giọng lạnh lùng và nét mặt nghiêm khắc, mặc kệ cho vợ đang ôm con đầy xót xa.

Cô An vừa vỗ về con vừa ngước lên nhìn thầy, ánh mắt chứa đựng cả sự đau xót lẫn cầu xin:" Con vẫn còn đang bệnh, sao anh lại..."

"Hoài An em tránh ra" - thầy Tuấn cương quyết không để An Thư cảm nhận được một sự bênh vực nào trong thời điểm quan trọng cần răn dạy như thế này.

"Anh..." - cô An dĩ nhiên không nghe lời ngay. Dù cô hiểu rõ lí do cho hình phạt này, dù cô hiểu rõ tầm quan trọng của sự cứng rắn trong nuôi dạy con cái, suy cho cùng cô vẫn là một người mẹ mềm lòng. Chút nỗ lực phản kháng của cô cũng không thể đọ lại khí thế bức người của ông giáo lâu năm như thầy Tuấn khi ánh nhìn kiên nghị đầy nghiêm khắc của chồng xuyên thẳng vào cô. Trước là thầy trò sau mới nên duyên vợ chồng, cô An không chỉ yêu thầy Tuấn như yêu một người đàn ông, hơn thế cô còn dành cho chồng tất cả sự kính trọng của một cô học trò nhỏ.

Nhận thức rõ tình hình lúc này, cô An đành lùi lại một bước để chồng toàn tâm toàn ý giáo huấn An Thư. Thu lại ánh mắt phản kháng ban nãy, cô đưa tay toan đỡ con đứng dậy thì thầy Tuấn tiếp tục lên tiếng:"An Thư, con tự mình đứng dậy cho bố, nhanh!".

Cô An cũng không còn tỏ vẻ phản kháng bênh vực con nữa. Không để cho chồng phải nói đến lần thứ hai, cô An rút tay lại, chỉ lẳng lặng ngồi xuống ngang tầm lau nước mắt cho An Thư, nhẹ nhàng nói:"Em Thư, bố gọi kìa, đứng dậy đi con."

"An Thư, bố nói con có nghe thấy không?" - thầy Tuấn tiếp tục tông giọng ghê người ấy.

"Em nghe thầy rồi ạ. Bố đợi em một chút" - cô An khéo léo vừa đỡ lời vừa tranh thủ cho con thêm chút thời gian để dịu lại cơn đau. An Thư lúc này hiểu rằng bố đang rất tức giận, lại rất cương quyết, mẹ An dù thương em cách mấy cũng không thể bảo bọc cho em lần này. An Thư không muốn bố giận thêm, càng không muốn mẹ vì em mà bị bố mắng lây, em hít một hơi dài, dụi mắt rồi đứng dậy đầy khó khăn. Cô An đợi con đứng dậy thẳng thớm đối diện bố rồi mới lùi lại phía sau hai bước, lòng tràn ngập sự lo lắng và xót xa.

Thầy Tuấn khẽ liếc nhìn xuống vệt roi ửng hồng vắt ngang qua bắp chân con. Dù không đành lòng, thầy vẫn xoay người con đứng chếch vuông góc rồi vung tay hạ thêm xuống bắp chân run rẩy ấy thêm 2 roi nữa. Tiếng roi chạm vào da thịt vang lên đầy chát chúa nối tiếp sau tiếng xé gió rợn người, để lại thêm hai con lươn đỏ hồng nằm song song nhau, kèm theo đó là tiếng khóc xé lòng của An Thư. Lần này không còn nhanh chóng và mạnh bạo như roi đầu nữa, thầy Tuấn đã biết giữ chắc con trong tay, cũng mủi lòng cho con thêm ít thời gian để cái đau tan bớt rồi mới bắt đầu giáo huấn:

"An Thư, con nhìn bố này, bố hỏi: trưa nay con đi đâu?" - thầy Tuấn thân cao mét tám đứng chắp hai tay ra sau, đầu khẽ cúi xuống, nghiêm giọng hỏi bé con nước mắt ngắn dài đang đứng vòng tay ngoan ngoãn trước mặt mình.

"Con...con...hức...con đi ra suối tìm các bạn chơi...hức...nhưng không có ai ạ"

"Con có xin phép người lớn trong nhà chưa?"

"Huhu..con có ạ...nhưng...huhu..."

"Nhưng như thế nào? Nói to rõ ràng lên" - thầy Tuấn đột nhiên nâng tông giọng làm An Thư bị dọa.

"Hức...con xin phép...nhưng bố mẹ và bà nội...hức không đồng ý ạ...huhu"

"Bố mẹ nói như thế nào? Bà nội nói như thế nào? Con nhắc lại cho bố"

"Mẹ nói...mẹ nói con đang bị bệnh ạ...hức... Bà nội nói..." - An Thư bị bố hỏi dồn nên trở nên lo sợ đến hoảng loạn òa khóc quay sang cầu cứu mẹ - "Mẹ ơi...huhu..."

"Nào, nhìn vào đây" - Thầy Tuấn đưa roi ra nhịp nhịp vào một bên mông An Thư - "Trả lời cho hết. Bố đang hỏi con, con có gọi mẹ gọi bà cũng vô ích."

An Thư vừa thấy roi tre liền lập tức đứng lại nghiêm chỉnh, không quên dịch một bước nhỏ sang bên trái né tránh cái thứ màu vàng mỏng nhẹ nhưng độ sát thương cực kì cao ấy, sau đó liền rành mạch thuật lời lại y nguyên những gì bà nội nói với em trưa nay.

"Người lớn dặn như thế nào đều nhớ rõ, vậy tại sao con lại làm trái lời?" .

Câu hỏi của bố khiến An Thư nghệt mặt ra. Vừa mấy giây trước thôi em chỉ lo thuật lại lời được dặn để mong bố tha cho, có ngờ đâu nó lại dẫn vào một câu hỏi khác hóc búa hơn.

"Nếu con không nhớ lời người lớn dặn, điều đó chứng tỏ con hoàn toàn không để tâm. Nếu con trả lời vanh vách như thế nhưng vẫn làm trái lời, vậy nghĩa là con cố tình chống đối. Con nói xem bố nên phạt con tội nào, An Thư?" 

An Thư giờ đây trông thật tội nghiệp, em lơ ngơ như gà mắc tóc. Cơn đau từ ngọn roi ban nãy vẫn đang âm ỉ dưới chân, em không muốn nhận thêm một roi nào nữa, cũng không biết làm thế nào cho bố nguôi giận, càng không có ai bảo vệ em... Càng nghĩ càng sợ, càng sợ lại càng rối, An Thư bé bỏng lần đầu nếm mùi bị đòn chỉ còn cách ngước đôi mắt to tròn ậng nước lên nhìn bố:" Con xin lỗi bố ạ... Con biết sai rồi...bố tha cho con...huhu"

"Con nói bố nghe con sai ở đâu?" - khí thế bức người của thầy Tuấn đã phần nào nguội bớt, quả nhiên vẫn là con gái rượu có khác.

"Hức...con không nên trái lời bố mẹ và bà nội...huhu...con không như thế nữa ạ..."

"Còn sai ở đâu nữa?"

"....Con..."

"An Thư, con nhìn con xem. Con tự ý bỏ nhà đi chơi, trái lời người lớn căn dặn đã dành. Con không thấy trời nắng à? Mũ con đâu? Áo khoác con đâu? Con nhớ rõ rằng bố mẹ lo cho con bệnh, cả đêm thao thức, vừa sáng ra đã nấu cháo cho con. Con không biết thương cho bố mẹ sao? Con một mình đầu trần đi giữa trời nắng như thế, nhỡ ngất xỉu bên đường thì bố mẹ biết đi đâu mà tìm, cũng làm gì có ai biết con là ai mà đưa về nhà, lỡ gặp người xấu thì phải làm sao? Bây giờ con may mắn được người tốt đưa trở về với bố mẹ, nhưng tối nay bệnh của con nặng thêm thì như thế nào? Có phải vẫn là mẹ thức trắng đêm lo lắng hay không? Con ham chơi một chút nhưng để lại bao nhiêu hậu quả, bố mẹ nói mà con không ý thức được chút nào là sao vậy hả An Thư?"

Đáp lại lời giáo huấn đau lòng của bố chỉ là tiếng khóc nức nở của An Thư. Em biết em sai rồi, em đã triệt để nhận thức cái sai của mình rồi. Bây giờ em hối hận lắm, em đâu ngờ chút ham chơi ích kỉ của mình lại đánh đổi bao giờ phiền não cho bố mẹ như vậy.

Nhận thấy con đã có ý thức hối hận, thầy Tuấn dĩ nhiên không đành lòng làm khó An Thư thêm một phút nào nữa, ngay lúc này đây thầy cũng rất sốt sắng không biết bệnh con có trở nặng thêm hay không rồi, vì thế thầy mở đường lui:"Còn có lần sau nữa không An Thư?"

An Thư ngay lập tức bắt được tín hiệu tha bổng từ bố, nước mắt vẫn lăn đều nhưng miệng mếu máo vội đáp:"Con không dám nữa ạ...huhu...bố tha....huhu..."

"Hôm nay bố phạt con mấy roi rồi?"

"Hức..dạ 3 rọi ạ...hức...đau lắm bố ơi..."

"Con có hiểu rõ vì sao hôm nay bị đòn không?"

"Con nhớ rồi ạ....con không dám nữa...."

"Được rồi, con đi xin lỗi bà nội rồi quay lại đây" - thầy Tuấn vừa dứt lời, An Thư lập tức làm theo dù từng bước chân run rẩy khó nhọc. Bà nội thương cháu, cứ liên lục lau nước mắt cho em. Xong xuôi, An Thư quay lại vòng tay nghiêm túc đối diện bố.

"Hôm nay bố cho An Thư nợ 2 roi. Có lần sau thì bố phạt gấp đôi, tính thêm cả roi nợ, có được không? Nói bố nghe xem tái phạm thì mấy roi hả An Thư?"

"Hức....12 roi ạ...con không có lần sau đâu bố..."

"An Thư tính như thế nào ra 12 roi đấy?"

"Hức...lần này bố cho nợ 2 roi...nghĩa là đáng nhẽ phải bị 5 roi ạ... Tái phạm thì 5 nhân 2 là 10, cộng thêm 2 roi nợ là 12 ạ..."

"Được rồi, con phải nhớ kĩ nhé. Bây giờ ra sau nhà bố rửa chân cho, đi, nào" - cây roi tre thực hiện xong nhiệm vụ đột xuất ngày hôm nay, giờ đây được thầy Tuấn trao trả lại yên ổn ở vị trí cũ trong chậu hoa. Rồi dường như chưa hề có cơn thịnh nộ trước đó, thầy ân cần nắm tay con dắt về phía nhà sau....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro