29

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến xuân về gia đình thầy Tuấn cô An đều ăn bữa cơm tất niên cùng nhà ngoại vào 28 tháng Chạp rồi về quê nội nhà thầy Tuấn từ 29 tháng Chạp đến sang mùng 2 tháng Giêng. Tối mùng 3 sẽ là bữa cơm đoàn viên đầu năm có mặt đủ cả 3 anh em nhà cô An. Suốt 20 năm nay đều như vậy, nếu ai hỏi cô An rằng có buồn không khi thời con gái ngắn ngủi, chẳng đón được mấy cái giao thừa cùng bố mẹ ruột thì cô không ngần ngại lắc đầu. Bởi lẽ hôn nhân là chuyện của cả hai gia đình, đâu thể bên trọng bên khinh, đâu thể chỉ nghĩ cho mình mà mặc kệ nỗi lòng của người con quanh năm suốt tháng xa quê chỉ mong dịp Tết để về đoàn tụ như thầy Tuấn. Chính vì thấu hiểu và thông cảm cho nhau, cuộc hôn nhân mà nhiều bạn bè đồng trang lứa đánh giá là "chưa kịp chơi đã vội theo chồng" của cô An suốt bao năm vẫn bền vững và hạnh phúc.

Cô An không mấy buồn, vậy bố mẹ cô thì sao? Ông bà không hẳn là buồn, chỉ là có chút nhớ mong khoảng thời gian 3 đứa còn nhỏ, Tết đến phụ giúp bố mẹ thì ít nhưng tiếng chí chóe cười đùa vang khắp nhà. Biết làm sao được, trước 18 nó là con mình, sau 18 là con của thiên hạ, chỉ cần con hạnh phúc thì bố mẹ an lòng. Cứ như thế, mùng 3 Tết từ ngày cô An lấy chồng chính là ngày mà căn biệt thự của ông Trung bà Hương đông đúc náo nhiệt nhất khi con cháu về đoàn tụ không thiếu một ai.

Sáng mùng 3 Tết năm nay cả gia đình cô An thầy Tuấn đáp chuyến bay sớm quay về thủ đô. Tiết trời tháng Giêng se lạnh vẫn có những tia nắng dịu nhẹ, đường phố ngợp sắc đỏ cờ hoa, xe cộ cũng thưa thớt, một không khí hiếm có của thủ đô quanh năm tràn ngập người từ tứ xứ đổ về bôn ba. Vừa đặt vali vào phòng, thầy Tuấn gọi về quê báo bình an, cô An cũng nhấc máy gọi cho bố mẹ báo chiều 5h cả nhà sẽ đến, Tùng Bách tranh thủ xem xét cây hoa ngoài ban công, chỉnh lại hệ thống tự động tưới nước theo giờ, An Thư cẩn thận lau bụi trên sofa và kệ tủ rồi lập tức bật đài cáp xem bù những chương trình em yêu thích. Cô An cũng mệt lừ sau mấy ngầy Tết tất bật nấu nướng cúng kiếng, cúp máy xong liền uống một cốc nước ấm rồi ra sofa, giang tay ôm con rồi cả hai mẹ con nằm dài ra đấy. Thầy Tuấn nhìn thấy cũng chỉ khẽ cười rồi cùng con trai đi quanh nhà kiểm tra điện nước, check cam an ninh. Vợ thầy là vậy, ra ngoài duyên dáng thông tuệ khôn khéo đến đâu thì về đến nhà cũng vẫn mãi là cô mèo mướp biếng lười và ham ngủ. Phong ba bên ngoài mình cùng nhau gánh, còn dưới mái nhà này anh cho phép em tùy ý suốt đời!

*     *     *

"Cháu chào ông, cháu chào bà, cháu chào bác Huân, cháu chào cậu Nghĩa, em chào các anh, chị chào hai em nhéeee" - An Thư vừa đặt chân vào phòng khách nhà ông bà liền "bật loa" hết cỡ. 

"Khẽ một tí Thư ơi bố váng hết cả đầu" - thầy Tuấn khẽ nhéo "yêu" vành tai nhỏ của bé con - "Con chào bố mẹ ạ" - quay sang bắt tay với bác Huân và cậu Nghĩa - "Em chào anh, chào cậu, chúc mừng năm mới"

Nhà ông bà ngoại An Thư vốn có giúp việc nhưng đến Tết thì cho họ nghỉ về quê. Tết mà, ai cũng cần được đoàn viên, và vì là Tết nên ông bà không muốn có người ngoài trong nhà. Thế là chào hỏi lì xì rôm rả xong xuôi, mấy chị em phụ nữa vào bếp, cánh đàn ông sửa soạn lễ lạt bàn thờ rồi cùng nhau thưởng trà ngắm hoa bàn chuyện công việc, trong khi đó sấp nhỏ tự do tung hoành bày đủ thứ trò chơi. Cô An là con gái duy nhất trong nhà, trên cô là bác Huân, dưới cô là cậu Nghĩa. Anh và em trai của cô đều lập gia đình, mỗi nhà đều sinh được hai cậu con trai khôi ngô tuấn tú, thành ra An Thư sinh sau đẻ muộn là đứa cháu gái duy nhất, là cái đuôi lẽo đẽo theo các anh nhưng lại bày nhiều trò nghịch trên trời dưới đất khiến các anh trông bở hơi tai, chỉ sợ xảy ra chuyện gì thì ăn mắng cả đám. 

Bữa tối đoàn viên đầu năm diễn ra trên gian phụ ở tầng 4 trong không khí vui vẻ và ấm cúng. Không phải cả năm chỉ có mỗi dịp này là nhà ông bà đông đủ con cháu, cũng không phải chỉ có dịp này là bàn tiệc thịnh soạn đủ các món, nhưng không hiểu sao không khí lại đặc biệt đến thế. Có lẽ ý nghĩa của Tết nằm ở đó, khi mà mọi người quây quần bên nhau, khi mà tất cả bỏ lại phía sau bao lo toan phiền muộn, khi mà con cái nhận ra không biết còn được chúc tết bố mẹ bao nhiêu năm nữa, khi mà ông bà nhìn ngắm các cháu của mình trưởng thành lên từng ngày. Mấy anh em An Thư ăn nhan gọn rồi rủ nhau ra sân thượng nướng mực, để lại người lớn cùng anh Thành con lớn nhà bác Huân bàn chuyện ra Giêng lấy vợ. 

"An Thư lại đây bố bảo này" - để ý con gái nhỏ đứng dậy đi theo các anh, thầy Tuấn vẫy tay lại dặn dò - "Con đã ăn no chưa? Có muốn ăn gì nữa không? Bố lấy miến măng vịt cho nhé?"

"Không, con no lắm rồi, không ăn nữa đâu ạ"

"Ừ được rồi. Thế theo các anh đi nướng mực thì nhớ cẩn thận kẻo bỏng, không nghịch lung tung, nghe chưa? Ngoài sân thượng gió lắm đấy, áo khoác đâu mặc vào"

Nhìn con khoác áo xong xuôi thầy Tuấn dặn Tùng Bách "nhớ để ý em nhé" rồi mới xoay người vào bàn tiếp tục trò chuyện. Cô An ghé tai thầy nói nhỏ:"Trông anh chả khác gì mấy bà mái già cục ta cục tác cả ngày cả". Đáp lại lời trêu chọc đó, thầy Tuấn chỉ khẽ vòng tay nhéo mông vợ một cái trong khi mặt vẫn giữ vẻ đạo mạo không hề biến sắc, chỉ có cô An là ngượng chín mặt thầm rủa "lão giáo già lưu manh".

Sân thượng tầng 4 về đêm đón gió khá lạnh. Mấy anh em chia nhau ra lục từ trong kho cái kiềng 3 chân từ đời thuở nào cùng bó củi còn dư từ hôm nhà ông bà gói bánh chưng trước Tết, lọ mọ thổi thổi nhóm nhóm cười đùa vui vẻ. An Thư lăng xăng chọt chỗ này chạm chỗ kia, không hiểu tìm đâu ra được túi cồn đá trắng đã nát vụn (loại hay dùng với bếp ga mini), hào hứng đem khoe anh Bách:

"Anh Rô anh Rô xem em tìm được cái này nè"

'Hửm? Em lấy ở đâu đây? Đưa đây anh vút đi, cái này dễ bén lửa cháy lắm đấy"

An Thư thấy anh vươn tay lấy thì liền rụt lại giấu sau lưng:"Không, em cầm chơi tí thôi, có làm gì đâu mà bén lửa"

"Chứ cầm cái đó để làm gì" - Tùng Bách nhìn em gái khó hiểu, vốn muốn lấy đem vứt đi nhưng nhìn điệu bộ ngang bướng của nó nên cũng thôi, đành chịu khó để mắt thêm tí là được.

Mấy anh em quây quần bên bếp lửa, những con mực đầu tiên nướng xong được Tùng Bách đem vào cho người lớn nhâm nhi trò chuyện. Trở ra sân thượng thấy An Thư vẫn bướng bỉnh tiếp tục ném mấy mẩu vụn cồn nhỏ vào lửa khoái chí nghe tiếng nổ lách tách mắc dù mình đã can ngăn bao nhiêu lần, Tùng Bách dứt khoát bước đến nắm tay kéo em gái đứng dậy:

"Đưa đây cho anh"

"Không, em chơi một tí thôi mà"

"Đây không phải là đồ để chơi, Thư! Anh nói rồi mà, em nghịch như thế rất nguy hiểm. Đưa đây anh vứt đi, nhanh, hay muốn anh vào mời bố ra xử lý" - Tùng Bách vừa nói vừa cương quyết lấy túi cồn bé em giấu sau lưng.

"Không...của em..." - An Thư càng ngang bướng hơn, vặn vẹo đủ đường né tránh.

Thấy em út như sắp khóc đến nơi, các anh khác cũng mềm lòng không muốn mất vui liền lên tiếng can Tùng Bách: "Thôi Bách, đừng căng thẳng thế. Thư không phá nữa, lại đây ngồi với anh, mực chín rồi này"

An Thư nghe có người giải vây liền ngay lập tức thoát khỏi tay anh Bách, chạy đến ngồi bên cạnh anh Long cười khì khì. Tùng Bách từ bé đến lớn đúng là bị đứa em gái này chọc cho bạc cả đầu (dĩ nhiên là bên cạnh giáo trình y khoa :v )

An Thư ngồi im được một lúc, thấy anh Bách lơ đễnh thì liền ngứa tay, tranh thủ không ai để ý vẫn tiếp tục "trò vui" của mình. Anh Long ngồi bên cạnh đương nhiên biết, nhưng cũng chỉ khẽ nhắc An Thư chứ không muốn em bị mắng. An Thư được thế nên càng nhờn, chơi hết vụn cồn thì liền chuyển sang mấy miếng to hơn. Đang giơ tay định khẽ ném thì chợt thấy anh Bách quay lại nhìn, An Thư hốt hoảng lỡ tay ném mạnh vào chính giữa ngọn lửa, ngay lúc này Phong - con trai đầu của nhà cậu Nghĩa - đột ngột từ bên ngoài đứng ghé đầu vào, chưa kịp nói hết câu "Ui mực nướng thơm thế..." thì bị lửa bùng lên táp vào mặt bật ngửa người. 

Mấy anh em ai cũng la to vì bị bất ngờ.

Người lớn trong nhà nghe thấy động tĩnh liền lao ra.

Mấy cậu con trai đều vây quanh đỡ lấy Phong.

An Thư hoảng sợ không biết phản ứng gì, ngồi co ro mặt mũi trắng bệch...

*     *     *

Tùng Bách là sv năm 2 ngành y đa khoa, ngay lập tức xuống nhà tìm hộp y tế lên sơ cứu. Phong tuy chỉ hơn An Thư 4 tuổi, cu cậu mới chỉ 15, nhưng thân là con trai lớn của đội trưởng đội đặc nhiệm chống ma túy, từ bé đã được bố Nghĩa cho học võ nên phản ứng rất nhanh, may mắn không bị bỏng, chỉ là ngọn lửa sượt qua xém mất một phần tóc mái và chút đuôi chân mày, không có gì nghiêm trọng đáng ngại. Tùng Bách chỉ cần lấy túi đá chườm mát, bôi chút thuốc mỡ làm dịu da là ổn, lúc này cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm.

An Thư từ nãy đến giờ vẫn đứng trong góc phòng cùng mẹ, nước mắt thi nhau lăn dài mặc cho mẹ An vẫn kiên nhẫn xoa lưng vỗ về. Tùng Bách sơ cứu xong xuôi, người lớn trong nhà lúc này mới bình tâm lại tìm hiểu ngọn ngành mọi chuyện. Các anh lớn có ý bao che, chỉ nhìn nhau lắc đầu, tỏ vẻ đây chỉ là tai nạn không may, duy chỉ có An Thư vẫn tiếp tục khóc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro