Chương 12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hạ Lan đã từng sống một cuộc đời hào nhoáng, trong mười chín năm ngắn ngủi ấy, đại đa số thời gian cảm xúc của hắn được rất nhiều người quan tâm. Thái tử điện hạ có chuyện vui, hắn chưa về đến cung của mình các nô tài đã xếp hàng sẵn sàng nghênh đón chúc mừng, mặt ai cũng rạng rỡ hơn cả hắn. Thái tử điện hạ buồn bực, kẻ dưới sẽ tìm cách lấy lòng nịnh nọt hắn hoặc là cẩn cẩn thận thận hầu hạ hắn, ngay cả một con ong cũng không dám vo ve trong vườn. Hắn sinh ra ở vị trí ngạo nghễ nhìn xuống chúng sinh, đâu có lẽ đi phải nhìn sắc mặt người khác mà sống, nếu người đó không phải là phụ hoàng mà hắn kính yêu nhất mực. Đến cái lúc tỉnh cơn mộng cuộc thế phồn hoa, Hạ Lan mới nhận ra rằng mình đã từng hoang đường đến thế nào.

Một lần rơi đài, vạn kiếp bất phục, ngay cả cơ hội khóc thương cho người chí thân của mình cũng không có. Ta cứ nắm lấy tay của Đỗ Trung, vô thức chà xát nó giữa hai bàn tay cũng không mấy ấm áp của mình, tự huyễn hoặc rằng cậu ấy vẫn còn một hơi thở, tất cả chỉ là một giấc mộng, chỉ một giây nữa thôi cậu ấy sẽ mở mắt ra trêu chọc nhìn ta nói "Lừa được điện hạ rồi nhé.", hoặc giả khi chúng ta bừng tỉnh, mọi thứ chỉ là một giấc mơ trưa. Có thể chúng ta còn đang ngủ gật trong thư phòng của Đông cung, ta gối đầu lên đùi Đỗ Trung, Đỗ Trung giúp ta làm bài tập, đọc thơ cho ta nghe, thỉnh thoảng thở dài lay vai ta dậy: "Điện hạ, đừng ngủ nữa, nước miếng ướt hết đùi tôi rồi đây này.". Ta sẽ chớp mắt mơ màng ngồi dậy, quẹt quẹt khóe miệng, vươn vai, nhận lấy khăn và nước mà người hầu dâng lên, qua loa rửa mặt, sau khi ngáp một cái thật dài, ta sẽ kê đầu lên vai Đỗ Trung, híp mắt vui vẻ nhìn những trang bài tập đã được viết gọn gàng sạch sẽ: "Chữ giống ta như đúc, giỏi ghê, ta nghe tiếng gió lớn lắm, chúng ta đi chơi thả diều đi.".

Hạ Lan hoang đường, Diệp Lan cũng chưa muốn tỉnh. Chính là, ở vị trí của ta bây giờ, ta đã chẳng thể tự tin quyết định số phận của mình như khi trước. Khuê Gia vẫn còn ngẩn ngơ, Đỗ Ngạc gần như một cái xác khác đè lên thi thể Đỗ Trung, cửa phòng bật mở rất nhanh rồi khép lại, một người cao lớn bước vào, tiến đến gần Khuê Gia:

- Nơi này không thể ở lâu, phải đi thôi.

Khi đó ta không có tâm trí mà tự hỏi vì sao Khuê Gia cùng phu quân của muội ấy có thể sắp xếp được một nơi thuận tiện như vậy, vừa gần phủ đệ nơi công chúa ở khi hồi kinh vừa kín đáo không để người của thái tử phát hiện ra. Có lẽ trong đầu ta, Khuê Gia vẫn luôn là một đứa nhỏ, cho nên kể cả khi thấy được gia đình đề huề hạnh phúc của muội ấy, ta vẫn không tin được cô bé ngày nào kéo áo ta làm nũng đã trở thành một người phụ nữ nhất mực đảm đang, hiền thục và tài giỏi. Còn phu quân của con bé, người thanh niên có phần gầy ốm rụt rè năm đó, người mà phụ hoàng đánh giá là "yếu ớt, bạc nhược", người mà thái tử Hạ Lan đã bênh vực hết lời để bảo vệ mối lương duyên của người muội muội mà hắn yêu thương nhất – đã ra dáng một người chủ gia đình vô cùng đáng tin cậy và vững vàng. Thật ra, ngay từ đầu ta cũng như phụ hoàng vốn không ủng hộ tình cảm của Khuê Gia, chúng ta đều cho rằng con bé bốc đồng còn tên kia thật không xứng đáng. Nhưng mà, cũng cái cậu trai chẳng có vẻ gì là khỏe mạnh hay dũng cảm ấy đã dám đối đầu với thái tử cao cao tại thượng, không chút sợ hãi nhìn thẳng vào mắt ta mà nói: "Thần sẽ bảo vệ công chúa một đời bình an.". Nếu có điều gì có thể an ủi ta vào lúc này thì có lẽ là ta biết rằng con mắt nhìn người của Hạ Lan năm ấy không tồi.

Trong căn phòng nhỏ nơi phủ công chúa, nước mắt vẫn lăn dài trên gương mặt chết lặng của Đỗ Ngạc, dường như linh hồn đã hòa tan vào trong ấy. Ta có ảo tưởng rằng khi giọt nước mắt cuối cùng của hắn rơi xuống, hắn cũng sẽ biến mất. Ta im lặng đứng cạnh cửa sổ, để gió lạnh táp vào mặt từng cơn từng cơn, hy vọng có thể triệu hồi chút lý trí. Cơn đau thấu tim gan vẫn đang mặc sức mà hành hạ, và ta biết rằng cơn đau này từ đây sẽ đắp nên tòa thành vĩnh cửu trong lòng, để kể cả khi vui vẻ nhất, nỗi buồn vẫn hiên ngang mà tồn tại, nhắc nhở ta rằng ta không xứng đáng được hạnh phúc trọn vẹn. Phò mã dường như luôn quan sát ta không thôi, ta cũng không buồn để ý. Đến lúc này rồi, ta còn đóng kịch được thế nào đây?

Khuê Gia sau khi đi xem Vĩnh Uyển thế nào thì mau chóng trở lại. Gương mặt của muội ấy đã lau sạch nước mắt, trước khi bước vào phòng, không một dấu tích của nỗi buồn nào lưu lại trên tuyệt thế mỹ nhan. Cửa phòng vừa khép lại, phò mã đã nhanh chóng đỡ lấy muội ấy, dìu cơ thể vì gồng gánh nặng nề mà không còn mấy sức lực ngồi xuống một cái ghế đã chuẩn bị sẵn, đặt vào tay của muội ấy tách nước chỉ hơi âm ấm, đứng cạnh muội ấy như một vệ thần. Lúc này, phò mã mới lên tiếng:

- Ta sẽ lo hậu sự của Đỗ công tử chu toàn, đảm bảo tránh tai mắt của thái tử. Trong thời điểm nhạy cảm thế này, chỉ đành ủy khuất cậu ấy.

Đỗ Ngạc mặc dù suy sụp nhưng vẫn nhớ kiện toàn lễ nghi, hắn chầm chậm chống người đứng dậy, cung tay hành lễ, cúi đầu một cái thật sâu:

- Đa tạ phò mã, đa tạ công chúa.

Đến lúc này, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía ta. Nếu lý trí mà nói thì tình cảnh này hẳn rất buồn cười, một cậu nhóc mười lăm mười sáu tuổi chẳng có vẻ gì là trưởng thành đứng giữa những người đã trải qua kinh biến cuộc đời, nhưng gương mặt của cậu ấy thì dường như có thể chia sẻ được nỗi buồn khắc cốt và nghi ngờ nồng đậm của họ. Khi Hạ Lan khó xử, hắn hay cười một cách tự giễu, Diệp Lan cũng có cái thói quen này, dùng một nụ cười không quá khó coi che giấu cảm xúc của mình.

Mấy lần, phụ thân của ta đã cực kỳ phức tạp nhìn ta khi thấy ta nở cái nụ cười đó. Người nửa muốn nói gì đó lại thôi, cuối cùng, trong một lúc chỉ còn hai cha con ta, phụ thân đã xoa đầu ta – dù lúc ấy ta không còn bé bỏng gì nữa – mà nói: "Vui thì cười, buồn thì khóc, tức giận thì phát tiết, chỉ cần không tự làm mình bị thương là được rồi.". Ta đã cố gắng sống một cách thoải mái tự do như vậy trong một thời gian, cho đến khi vận mệnh đưa ta trở về nơi xưa chốn cũ.

Khuê Gia trầm ngâm nhìn ta một hồi.

- Hoàng huynh mà lần trước ta nhắc với cậu không phải là nhị hoàng huynh, mặc dù nhị hoàng huynh cũng rất tốt. Đại hoàng huynh của ta đã mất vào mười sáu năm trước, không có ngày nào là chúng ta không nhớ đến huynh ấy.

Ta khẽ gật đầu với muội ấy:

- Dưới mồ cùng lắm chỉ là một bộ xương trắng mục nát, xin công chúa chớ thương tâm.

- Quả nhiên... – Đôi mắt đan phượng của Khuê Gia lập tức bị một màn sương mờ bao phủ, bàn tay trắng như sứ của muội ấy khẽ run lên, một giọt lệ trong suốt không biết vì đau lòng hay vì vui sướng trượt nhanh xuống gò má bạch ngọc.

Ánh trăng bàng bạc lần theo cửa sổ đổ vào trong phòng, len lỏi vào từng ngóc ngách của cõi lòng đóng kín. Có lẽ vì không bị đè nén dưới một áp lực phi thường nặng nề, hoặc giả gánh nặng đó đã không còn có thể so sánh với những mất mát đã xảy ra, càng không phải bị cưỡng bức phơi thân dưới thái dương gay gắt, từng tầng bí mật nửa thản nhiên nửa chộn rộn rũ bụi bặm phủ trên người, cọ quậy tỉnh giấc giữa đêm khuya.

Đỗ Trung dù đã lìa trần nhưng vẫn thành toàn cho chúng ta một cuộc tái ngộ.

Thảng thốt, ta nghe như mình đang hỏi Khuê Gia, lại nghe như tiếng của Khuê Gia vọng ra từ một giấc mộng nào đó.

"Có xứng đáng không?"

"Thay hoàng huynh hoàn thành tâm nguyện, bảo vệ người quan trọng với hoàng huynh. Về tư tình thì, muốn thay hoàng huynh đòi lại từ chỗ thái tử một cái quạt."

.

.

.

Ta trở về Long Đức cung của thái tử khi trời vừa tờ mờ sáng, mang theo rất nhiều những vết bầm tím trên người và vài ba vết trầy rõ ràng trên mặt. Gương mặt uể oải tiết lộ một đêm không mấy suông sẻ, khi Xuân Hoa nhìn thấy ta, cô ấy phải hết hồn kêu lên một tiếng. Lúc này, Vinh Nguyên chỉ mới tỉnh dậy. Ta thay cô ấy mang nước rửa mặt vào trong phòng. Vinh Nguyên còn đang dụi mắt, vừa nhác thấy ta khóe miệng liền vô thức cong lên. Ta thấy hắn cười mà tim thắt lại. Khi ta ngồi xuống cạnh Vinh Nguyên đưa khăn cho hắn lau mặt, hắn mới nhìn rõ ta hơn, hắn không giấu khỏi vẻ ngạc nhiên:

- Sao lại thế này? Bọn họ nói ngươi và Vĩnh Uyển mặc dù bị kéo vào một đám ẩu đả nhưng không sao, vậy là không sao ư?

- Vĩnh Uyển công tử không sao cả. – Ta cười đáp – Tôi cũng không sao, thị vệ của công chúa bảo vệ chúng tôi tốt lắm.

Khi Xuân Hoa chải tóc cho Vinh Nguyên, hắn vẫn cứ không an tâm về ta:

- Ngươi không cần theo ta hôm nay đâu, ở lại phủ nghỉ ngơi cho khỏe, ta gọi thầy thuốc đến xem cho ngươi.

- Người ở phủ công chúa đã xem cho tôi rồi, không sao đâu. – Ta trấn an Vinh Nguyên trong khi kiểm tra một lượt sách vở chuẩn bị cho buổi học sáng.

Ngày hôm nay, hoàng thượng gọi Vinh Nguyên vào cung đọc sách làm bài tập, không phải đến lầu học nghe giảng. Tám chín phần mười hoàng thượng muốn trực tiếp khảo bài hắn sau đó.

Chỉ vài canh giờ trước, khi chúng ta lần lượt rời khỏi căn phòng nhỏ, phò mã đã chặn ta lại:

"Đêm nay có ẩu đả trong kinh thành, Vĩnh Uyển và cậu vô tình bị kéo vào, thị vệ tuy bảo vệ Vĩnh Uyển chu toàn nhưng cậu bị thương chút đỉnh, để đảm bảo an toàn mà hai người đều hồi phủ công chúa trước, sáng mai sẽ đưa cậu về chỗ của thái tử."

Do đó, những vết thương này không phải tự nhiên mà có. Chỉ là, chúng không thấm vào đâu sao với nỗi đau trong lòng ta. Khi Lữ Hoài – Đỗ Ngạc áy náy nhìn ta, ta chỉ cười mà lắc đầu, ta thật sự không sao, thậm chí, ta còn phải cảm ơn hắn.

"Công phu không tồi." – Ta còn phải cảm thán, nhìn Đỗ Ngạc tuy gầy yếu nhưng khí độ hơn người.

"Quá khen, đều là do Cung Túc vương dạy dỗ. Cung Túc vương che chở cho tôi đến khi trưởng thành, lại sợ tôi không thể tự bảo vệ mình, mời thầy về dạy chút võ nghệ phòng thân."

Cung Túc vương là nhị hoàng tử Hạ Toàn, chữ "Cung Túc" này thể hiện tính tình của đệ ấy - thu liễm khiêm cung, cung kính nghiêm nghị không trễ nải. Từ Khuê Gia và Đỗ Ngạc mà ta biết rằng ngay sau khi ta mất không lâu, Hạ Toàn đã xin lui về đất phong cũng như dùng hết toàn lực bảo hộ những người có liên quan, cứu được ai thì hay người ấy, trong đó có Đỗ Ngạc. Mẹ con Đỗ Ngạc vốn đã an toàn trong trận lụt nhưng bị người hãm hại, mẹ hắn rơi xuống dòng nước xiết, hy sinh thân mình để người của Hạ Toàn thuận lợi cứu lấy con mình. Từ đó về sau, Đỗ Ngạc thay tên đổi họ, ẩn mình trong Cung Túc vương vương phủ cho đến khi trưởng thành, lấy tên Lữ Hoài trở về kinh thành.

Cơn đau trong lòng khiến ta nhiều phen tức ngực khó thở, ta giận dữ mà không biết giận ai, ta đau thương chẳng thốt nổi nên lời, ta cũng không có quyền khóc tang cho người huynh đệ thân hơn ruột thịt. Nếu cứ nghẹn trong lòng, ta nhất định không trụ nổi đến sáng. Vài vết thương hữu hình nơi da thịt giúp ta phát tiết bi phẫn trong tâm, chúng luồn lách túa ra nơi da rách thịt nát.

Phu nhân không tự nhiên ngã, ngọn đèn oan nghiệt càng không tự nhiên đổ lên người Đỗ Trung. Cách hành xử có phần hấp tấp nhưng quyết tuyệt này đã nói lên thủ phạm đằng sau nó. Bọn họ khá vội vàng nên bất chấp một vài tiểu tiết, có điều lại càng giống với lối hành xử của nhóm người đầy kiêu ngạo.

Trái với vẻ ngoài có phần mệt mỏi của ta, tinh thần ta lại tỉnh táo hơn bao giờ hết, phần lớn là nhờ vào những vết thương trên da thịt cũng như trong lòng. Kỳ lạ là ta cũng không mơ màng mất tập trung. Nếu có lúc nào đó tâm trí ta hơi lơ đễnh thì hẳn là lúc ta như nhìn thấy hình ảnh của Đỗ Trung khi trước. Hắn nghiêm túc hơn ta nhiều, tận tâm hơn ta nhiều, sơ tâm lại trong sáng hơn ta bao nhiêu. Dù với tấm lòng trẻ thơ hay với sự trưởng thành trước tuổi, mọi thứ hắn đều ưu tiên cho ta trước hết.

Thời gian ở trong cung lần này tương đối thoải mái nhưng Vinh Nguyên không hoàn toàn thả lỏng. Hắn nói với ta, mỗi khi hoàng gia gia gọi hắn đến đây ngầm ý cho hắn nghỉ ngơi. Thái tử nghiêm khắc, thân là hoàng trưởng tôn cao quý nhưng Vinh Nguyên ăn đòn nhiều hơn là ăn bánh ngọt, còn ở đây, hoàng thượng cho người chuẩn bị không thiếu bất kỳ món điểm tâm hắn thích nào, luôn luôn đặt chúng trong tầm tay hắn. Tiểu đại nhân nghiêm túc đọc sách viết bài, nhưng lúc hắn ngừng tay, ta có thể thấy gương mặt tuấn tú sáng bừng lên, thỏa mãn nhón lấy một cái bánh nhỏ tinh xảo.

- Hoàng thượng thật sự rất thương người. – Nhân khi nghỉ ngơi, ta mỉm cười nhìn Vinh Nguyên đang thưởng thức món ăn khoái khẩu của mình.

Trong mắt Vinh Nguyên có những tia sáng nhảy múa, những tia sáng mà chắc chắn chúng không dám manh động trước mặt thái tử. Thư phòng của phụ hoàng không đổi cách bày trí, ta thậm chí còn nhớ được góc nào của người đặt cuốn sách yêu thích, thứ tự ra sao, hàng mấy quyển mấy, có nhắm mắt cũng không đụng trúng bất kỳ vật trang trí nào.

Hắn ở đây không rụt rè so vai cúi đầu như ở trước mặt cha hắn, dưới sự che chở của hoàng thượng, hắn hoàn toàn bộc lộ khí phách thiên chi kiêu tử. Hoàng thượng thích hắn nhất trong số các tôn tử, mà cũng chỉ có hắn mới ở gần hoàng thượng. Ngự thư phòng bình thường một hoàng tử còn phải rụt rè khi được gọi đến đã trở thành đặc quyền mà người ông dành cho đứa cháu trai yêu thích, biến nơi này thành không gian mà hắn thuộc về.

Ta cũng từng như vậy, mặc kệ có làm bài xong hay không, mệt mỏi liền ngang nhiên trèo lên tháp thượng ngủ ngon lành. Mấy lần phụ hoàng đến bất chợt lúc ta còn đang lẩm bẩm trong mộng, người hoặc là bất lực chờ ta tỉnh dậy, hoặc là cáu quá phát mạnh cho ta một cái vào mông, khiến ta hoảng hồn bật dậy. Mỗi lần như thế, Đỗ Trung đều im thin thít quỳ cạnh bên, sẵn sàng chịu đựng trách phạt bất kỳ lúc nào.

"Bảo con làm bài, con lại ngủ." – Có vài lúc, thứ chờ ta sau mỗi giấc mộng ngọt ngào là hàng chục cán quạt, ta tiến thoái lưỡng nan nằm trên đùi phụ hoàng, Đỗ Trung quỳ mọp dưới đất không dám ngẩng đầu, người hầu bên cạnh không ai dám thở mạnh.

"Con đã làm gần xong rồi..." – Vậy mà vẫn có thể già mồm cãi bướng, phụ hoàng vừa dừng tay để ta quỳ xuống nhận lỗi, ta sẽ chống chế mà nói thế, nước mắt rơm rớm phân bua, tay không an phận xoa xoa hai khối mông vừa chịu tội.

"Quỳ cho đàng hoàng! Thái tử, trẫm đang đùa với con sao?" – Đến khi phụ hoàng phải gắt lên ta mới chịu nghiêm túc hơn, cái mông còn bực dọc uốn éo một chút.

Nhẹ nhàng thì bị mắng một chút, bị đánh cảnh cáo vài cái không tính là đau; nặng nề thì quỳ đến khi chóng mặt hoa mắt, mông cũng bị đánh sưng mấy tầng, cả Đỗ Trung cũng vì ta mà bị đòn. Thân làm thư đồng, Đỗ Trung sẽ không gánh vác hình phạt thay cho ta mà sẽ bị quất nhiều hơn ta một chút, có khi bật cả máu. Lần nào cũng vậy, khi trở về cung, ta và hắn đều nằm úp sấp cạnh nhau, gương mặt trắng bệch của Đỗ Trung áp sát giường, ta cũng áp một bên má xuống, mặt đối mặt, ta nhìn thấy hai giọt lệ lớn đọng trong hốc mắt của mình qua con ngươi trong sáng của hắn, hắn cũng thấy hàng lông mi ướt nhẹp của hắn qua ánh mắt ta.

Có lần nọ ta bị phụ hoàng đánh rất đau, đến nỗi phụ hoàng không nỡ kéo quần ta lên mà phải dùng áo choàng lớn của người bọc ta lại, bế ta ngồi kiệu trở về cung. Ta rất ấm ức, vì sao nhất định phải đưa ta về, bình thường ta chỉ cần làm nũng một chút người đều không nỡ để ta về, luôn luôn giữ ta lại ngủ cùng người. Long sàng của người vốn là nơi cấm kỵ vậy mà đã trở thành một trong những lựa chọn của ta. Chỉ có lần đó, người thật sự rất tức giận, rất đau lòng, kiên quyết giáo huấn ta. Ta chỉ thấy người nghiêm khắc mà tủi thân không thôi, ta không nghĩ đến việc người một đường ôm lấy ta đủ chặt để không làm ta ngã, đủ dịu dàng để không làm ta đau thêm. Trên đường về, lúc ta quấy quá, người còn nhẹ nhàng thơm lên trán ta, dỗ dành đứa trẻ lớn xác là ta như khi ta mới ba bốn tuổi.

Ta nằm trên giường vài ngày, lúc nào cũng làm loạn, lúc nào cũng ngóng phụ hoàng đến thăm nhưng khi phụ hoàng đến thật thì lại giả vờ giận dỗi không chịu nhìn người, không chịu nói chuyện. Người cũng hết cách với ta, đành phải bảo Đỗ Trung:

"Mấy ngày nay trời rất nóng nực, ban cho Đông cung một cái quạt, ngươi thay điện hạ nhận đi."

Một buổi trưa gắt gỏng, ta mơ màng mở mắt, thấy Đỗ Trung quỳ cạnh giường nhỏ, quạt từng nhịp đều đều. Ta tự nhiên rất muốn khóc, vội vàng giữ lấy hắn. Vì ta mà hắn cũng bị đòn, nửa thân dưới ta đau bao nhiêu, hắn còn đau nhiều hơn. Hắn không thể ngồi, đứng lại vô lực, chỉ có thể quỳ cạnh ta. Ta đau lòng trách cứ hắn mấy câu, hắn nhỏ giọng đáp:

"Điện hạ, thuốc chưa khô, người còn chưa kéo quần lên, cảnh này khó coi lắm, không nên để nhiều người thấy."

Hắn biết ta trọng mặt mũi, vì vậy nhận hết khó chịu vào người.

Nửa buổi chiều, Vinh Nguyên vẫn chăm chỉ ngồi sau án thư, người hầu đi đến thông báo rằng hoàng thượng có chút việc đột xuất nên sẽ không tới đây sớm được, một thầy dạy học được vời đến để giảng vài quyển sách cho hắn. Phần ta, thái giám dùng lý do hoàng thượng ban thưởng sách cho hoàng trưởng tôn, bảo ta cùng đi lấy. Ta biết đây là một cái cớ, con cháu đế vương được học những điều mà thường dân không thể biết, mỗi lần như vậy ta đều sẽ lui ra ngoài chờ Vinh Nguyên.

.

.

.

Ngày hôm nay trời dìu dịu, không nắng cũng chẳng mưa. Ta còn bực dọc vì thế, tại sao Đỗ Trung mất đi oan uổng đau đớn thế mà ông trời lại chẳng có vẻ gì thương xót. Một người tốt như vậy ra đi, hoàng thiên lại bạc bẽo thờ ơ. Ta đi theo thái giảm nhỏ, băng qua những lối đi rải đầy sỏi và những bụi hoa đầy màu sắc, đến trước một đình hóng gió chứ không phải tàng thư các như ta vẫn nghĩ. Nhác thấy người trong đình, cơ thể lập tức căng thẳng.

- Tham kiến hoàng thượng. – Ta quỳ xuống hành lễ.

- Đứng dậy đi, tới đây. – Hoàng thượng không có vẻ xa cách hay nghiêm nghị như những lần trước.

Đợi ta bước vào trong đình hóng gió, hoàng thượng phẩy tay bảo người xung quanh lui hết. Người hiền từ cười nhìn ta, chẳng khác gì trưởng bối trong nhà nhìn một tôn tử. Nhưng mà, lòng ta chua xót, ta đã không còn tin vào sự hiền từ hay dịu dàng của người nữa rồi.

Người chỉ vào cái ghế nhỏ đối diện người:

- Ngồi xuống đi.

- Thần không dám. – Ta một lần nữa quỳ xuống, trán dí sát mặt đất – Thần không dám.

Người im lặng một lúc, sau đó lên tiếng có vẻ bất đắc dĩ:

- Đừng sợ. Diệp Lan, trẫm nhớ khi đó chúng ta gặp nhau trên đường, ngươi rất thoải mái, cứ thoải mái như vậy đi.

- Thần có mắt không tròng, không biết người là hoàng thượng nên đã xúc phạm người, hoàng thượng xin tha tội cho thần. – Ta vẫn không đứng dậy.

Một thảo dân thì nên có thái độ thế nào với hoàng đế?

- Cũng cứng đầu lớn gan đấy. – Ta nghe phụ hoàng thoải mái cười lên, sống lưng ta lạnh buốt – Ngồi xuống đi, nếu không chính là khi quân phạm thượng.

Ta không biết mục đích của hoàng thượng gọi ta đến đây để làm gì, ta đã có bao giờ biết được ý định thật sự của người đâu.

Nơi ngự tiền, hoàng đế không lên tiếng, không có ai dám mở miệng. Kể cả có là đại thần trong triều, khi được gọi đến trước mặt hoàng thượng chỉ có thể trả lời đúng với câu hỏi, không được lắm mồm phân bua. Phi tử của phụ hoàng lúc hầu hạ người cũng thế, các bà im lặng như những pho tượng, ai làm việc nấy, người phe phẩy quạt người mài mực, tuyệt nhiên không một tiếng động dư thừa. Cảnh tượng phu thê hòa hợp duy nhất mà ta từng thấy là khi mẫu hậu còn tại thế, lúc đó ta đã bái sư được một thời gian, đôi lần mẫu hậu sẽ dẫn ta đến ngự thư phòng, nhân khi phụ hoàng phê duyệt tấu chương thì để ta làm bài. Nhưng mẫu hậu cũng không nói gì nhiều, đại đa số thời gian chỉ lẳng lặng đọc một quyển sách. Thỉnh thoảng hai người trao đổi một ánh nhìn mềm mại, phụ hoàng ngừng bút, mẫu hậu thẹn thùng cười như ngày đầu gặp mặt: "Đoạn này viết rất hay.", phụ hoàng đáp: "Được, vậy lát nữa cùng nàng xem.". Hạ Lan đôi lúc sẽ láu táu bỏ xuống những bài vở trước mặt, huơ tay nhỏ đòi hỏi "Con cũng muốn, nhi thần cũng muốn xem,", không để ý tự dây mực lên mũi.

Trước khi lui xuống, thái giám đã chuẩn bị cho ta một chén trà, mùi hương quen thuộc làm ta có chút xúc động. Đình hóng gió mát mẻ, vườn nhỏ thanh vắng bình yên, Hạ Lan đã cùng phụ hoàng ở nơi này nói bao nhiêu là chuyện. Lúc mâu thuẫn của chúng ta càng ngày càng dâng cao, Hạ Lan không còn lần nào trò chuyện gần gũi nào với hoàng thượng nữa, thẳng cho đến khi thiên thu vĩnh cách. Lúc này đây, bỗng nhiên ta tự hỏi, người có nhiều con cái như vậy, là Hạ Vinh hay ai đã thay thế vị trí của ta.

- Lâu lắm rồi trẫm không đến đây nữa. Vườn nhỏ này không có gì đặc biệt nhưng mà trẫm đặc biệt thích nó, vì ái thê và một hoàng tử của trẫm cũng thích nó.

Phụ hoàng đang nói ai thế?

Ái thê của người chắc chắn là mẫu hậu, cũng chỉ có mẫu hậu mới là nguyên phối của người từ đó đến nay, khi mẫu hậu mất người chưa từng lập hậu. Còn hoàng tử của người, người đang nói về ai?

Ta rất muốn nhìn người, ta cảm thấy người có nỗi khổ nào đó không tiện nói. Kể cả khi chúng ta đã mâu thuẫn sâu sắc không thể hóa giải, ta vẫn mong người mãi mãi hạnh phúc.

- Lần trước khi ngươi về nhà có bị phụ thân mắng không?

- Hồi hoàng thượng, lúc đó... thần có bị trừng phạt một chút. – Nhắc lại chuyện cũ ta có phần hơi xấu hổ, lần đó bị phụ thân đánh rất đau, ta còn khóc sướt mướt cầu xin phụ thân nương tay, sau đó một thời gian mà cái mông vẫn nở hoa tưng bừng không chịu để yên cho ta làm gì cả.

- Nếu trẫm là cha ngươi trẫm cũng sẽ cho ngươi một trận. – Hoàng thượng hình như đang cười – Có điều, từ lần đó Vinh Nguyên rất thích ngươi, từ ngày ngươi hầu hạ Vinh Nguyên, thằng bé có tinh thần hơn nhiều.

- Hoàng thượng quá khen, hoàng trưởng tôn thiên tư thông minh, được hầu hạ hoàng trưởng tôn là phúc phận của thần. – Những lời khen này ta đương nhiên không dám nhận.

Giọng của hoàng thượng trở nên trầm ngâm:

- Trẫm đã không gặp Diệp Huyền lâu lắm rồi, rất nhiều người trẫm từng biết đã hóa thiên cổ. Âu cũng là duyên số, Diệp Huyền trước khi từ quan đã đóng góp rất nhiều cho triều đình, sau này nếu ngươi có thể tiếp tục hầu hạ Vinh Nguyên thì tốt.

Diệp Huyền là gia gia của ta trong kiếp này. Diệp gia gia chủ động từ quan, luôn dặn dò phụ thân phải biết giữ mình thận trọng. Gia gia nói, sản nghiệp của Diệp gia không tồi, cứ từ từ mở rộng, không cần vội vàng gấp gáp, mấy đời tổ tiên Diệp gia đã đảm bảo tương lai cho con cháu, chỉ cần bảo hộ cả nhà chu toàn.

Ta ước gì mình có thể hoàn toàn thả lỏng hầu người ôn lại chuyện cũ, vì đúng là người chỉ ôn lại chuyện cũ thật.

- Diệp Huyền là một thiên tài, ông ấy cùng tuổi với đại hoàng thúc An đại vương của trẫm, hai người khi trước rất thân với nhau. Đại hoàng thúc nhiều lần dẹp yên loạn lạc với các quốc gia lân cận, Diệp Huyền nối tình giao hảo hai bên, khảo sát tình hình thương mại, xây dựng được rất nhiều thương cảng, phố thị sầm uất ở sát biên giới. Hai người tình thân như thủ túc, lúc đó trẫm còn nhỏ lắm nhưng vẫn nhớ rất rõ.

- Thỉnh thoảng gia gia của thần cũng nhắc lại chuyện cũ. Tiếc là An đại vương... mệnh bạc phúc mỏng sớm qua đời. – Ta vẫn nhớ như in phụ hoàng nói với ta y bị giam trong chùa Khải Tường đến khi mất, nhưng may mà ta kịp hồi tưởng lại phản ứng của Vinh Nguyên và Vĩnh Uyển lúc ta đề cập chuyện này, đối với bọn họ, An đại vương chết vì bạo bệnh.

- Ngươi làm cho Vĩnh Uyển với Vinh Nguyên bất ngờ đấy, mà đúng là An đại vương mất trong chùa Khải Tường. – Hoàng thượng cứ như đang bàn chuyện thời tiết, từng chữ người nói ra khiến cổ họng ta bị bóp nghẹt lại.

Không có gì là lọt khỏi tai mắt của hoàng đế được. Hoàng thượng lại không có vẻ gì muốn truy cứu, người chỉ bâng quơ:

- Việc của y không hay ho lắm nên hoàng thất phong tỏa mọi tin tức, chỉ truyền ra ngoài y chẳng may mắc bệnh qua đời, còn những ngày cuối cùng của y thế nào thì vẫn còn là một bí mật. Trưởng bối không muốn nhớ, hậu bối chỉ cần biết thế là được.

Phụ hoàng giăng lưới rồi lại thu lưới, người đổi sang một câu chuyện khác, ta vẫn cảm thấy ngột ngạt và bị đe doa như có ai kề dao vào cổ, sẵn sàng rạch một nhát thật ngọt bất kỳ lúc nào.

- Lúc trẫm còn nhỏ, đại hoàng thúc từng tặng trẫm một tượng Phật rất tinh tế do Diệp Huyền mang về từ một nước lân bang. Tượng Phật đó nhỏ khoảng một bàn tay, tự tỏa ra mùi thơm rất dễ chịu. Trẫm rất thích nó, sau này, trẫm ban cho ái tử của trẫm, chắc là con của trẫm cũng rất thích nó.

Tượng Phật đó là món quà người ban cho ta khi ta lâm bệnh nặng sau khi mẫu hậu qua đời. Phụ hoàng vốn không sùng đạo, không quá tin vào quỷ thần, nhưng lúc ấy người sẵn sàng vì ta mà vời người vào làm lễ, trai giới cầu nguyện, tự tay chăm cho ta từng muỗng cháo chén nước.

Hoàng thượng, người đang giả vờ hay thật sự ý tại ngôn trung? Người dạy Hạ Lan hỉ nộ không viết trên mặt, vậy tại sao sự dịu dàng âu yếm và luyến tiếc buồn thương của người tại sao lại lộ ra dễ dàng trước mặt một tên thảo dân tầm thường không tiền đồ? Đã từng đáng trân trọng như vậy rồi lại rẻ mạt như thế, người muốn cho ai thì cho, lấy lại thì lấy, người phơi bày chúng ra, ẩn bên dưới là thiên la địa võng, một khi sa vào, vạn kiếp bất phục.

- Tiên đế từng ban cho Diệp Huyền một viên dạ minh châu cực quý, ngươi có từng thấy qua chưa?

- Hồi hoàng thượng, thần từng thấy qua vài lần, rất đẹp. – Ta không muốn nói phụ thân đã tặng nó cho ta, dù sao thì thứ mà hoàng đế ban thưởng cũng không có ai dám chiếm làm của riêng, đã ban cho Diệp gia thì Diệp gia sẽ phải giữ gìn nó cẩn thận.

- Dạ minh châu thì nhiều nhưng đạt đến độ tuyệt trần như vậy thì không có nhiều. Còn một viên nữa cũng rất đẹp, trẫm ban nó cho ái tử của trẫm, khi đó nó đang giận dỗi trẫm cái gì đó, còn chẳng thèm nhìn qua nó một cái.

Hoàng thượng, xin người đừng cứ hở một chút là lại "ái tử" "ái tử". Chuyện cũ hóa mũi kim đâm vào mí mắt, trái tim đang đập thình thịch trong lồng ngực suýt nữa là chịu không nổi.

- Vị hoàng tử đó quả thật rất có phúc khí... – Ta mơ hồ nghe mình nói thế.

- Nó là người mà trẫm nói qua với ngươi, đã giận dỗi trẫm nữa rồi, không muốn gặp lại trẫm.

Tim ta không gào thét đòi ra ngoài nữa, nó thật sự ngừng đập.

Người không nên nhắc đến Hạ Lan bằng thái độ như thế này, người nên khinh ghét chửi rủa hoặc không quan tâm. Nếu thật là thế, con sẽ rất vui. Kẻ đã làm người đau lòng nên nhận trừng phạt thích đáng. Hạ Lan đã chết rồi, con không mong con sẽ để lại bất kỳ một vệt đen nào trong tâm trí của người. Người cứ quên con đi, người cứ thế này con sẽ lại càng dằn vặt hơn nữa.

Con sẽ chịu không nổi mà muốn hỏi người rất nhiều câu mà Hạ Lan không còn cơ hội để hỏi.

Nếu ta có cơ hội, có lẽ Hạ Lan sẽ nói, phụ hoàng, năm đó người phong con làm Đông cung hoàng thái tử cũng không phải vì người thật sự cảm thấy con xứng đáng đúng không, những năm sau đó chúng ta ép buộc lẫn nhau tin rằng đây là một lựa chọn sáng suốt chứ không phải một sai lầm, nhưng thứ ngay từ đầu đã không đúng thì làm sao mà sửa được.

Một tiếng chim hót có chút chói tai đâm thủng một chỗ trên màng giấy tĩnh lặng. Ta lại nghe thấy tiếng của hoàng thượng:

- Sắp đến năm mới, Vinh Nguyên nói với trẫm ngươi sẽ về nhà một thời gian. Vinh Nguyên có vẻ sẽ nhớ ngươi nhiều đó. Trẫm từng gặp qua phụ thân của ngươi, tuy còn trẻ tuổi nhưng rất tài giỏi, trẫm vẫn rất lấy làm tiếc là cả Diệp Huyền lẫn Diệp Quân đều không muốn tiếp tục làm quan. Đệ đệ của ngươi bao nhiêu tuổi rồi?

- Hồi hoàng thượng, đệ đệ của thần năm nay tám tuổi.

Nhắc đến phụ thân và Diệp Lâm, ta tự nhiên vui vẻ hơn rất nhiều. Có lẽ hoàng thượng cũng nhận ra điều đó, giọng nói của người mềm mại đi mấy phần:

- Tình cảm huynh đệ như các ngươi thật đáng trân quý. Ngươi làm trẫm nhớ đến con trai lớn của trẫm, nó cũng rất bảo bọc hoàng đệ hoàng muội của mình.

- Đây là trách nhiệm của một huynh trưởng. – Ta nghiêm túc đáp lời.

Lúc này, vô tình ta hơi nâng đầu một chút, vừa vặn gặp trúng ánh mắt của hoàng thượng. Hoảng loạn, ta lại vội cúi đầu. Hoàng thượng cảm khái:

- Trẫm thật nhớ lúc mới gặp ngươi, ngươi không e dè sợ trẫm như bây giờ. Thôi bỏ đi, dù sao lần đó ngươi cũng bị đòn đau, Vinh Nguyên thì bị dọa sợ. Hôm nay bù đắp cho các ngươi.

Một lát sau, ta mang về cho Vinh Nguyên một chồng sách cùng một cặp quạt rất đẹp. Hoàng thượng nói, đền bù cho trận đòn và kinh hách lần trước, ban cho Vinh Nguyên và ta mỗi người một cái. Vinh Nguyên có vẻ rất phấn khích. Quạt của hắn có vẽ một bức tranh sơn hà rất đẹp. Còn công tâm mà nói thì bức tranh non nước trên cái quạt của ta hơi đơn giản, có chút không xứng với chất lượng thượng thừa của cây quạt, nhưng như vậy cũng đã ngoài sự mong đợi của ta rồi. Khi Hạ Vinh thấy hai món này, hắn rất để tâm ngắm nghía. Gương mặt Vinh Nguyên cố gắng kiềm nén niềm vui bất ngờ, Hạ Vinh chỉ thoáng qua một cái cũng đã hiểu. Hắn trả lại cho con trai cây quạt của hắn, khẽ liếc sang cây quạt có phần đơn sơ hơn nằm trong tay của ta, qua loa dặn dò một câu:

- Được hoàng thượng yêu mến thì phải cố gắng mà học hành cho tốt.

.

.

.

Cùng với không khí rộn ràng đón xuân của nhà nhà người người, ta cũng tạm xa kinh thành một thời gian, mang theo rất nhiều ban thưởng từ Vinh Nguyên về thăm nhà. Ngồi trên xe ngựa do Vinh Nguyên sắp xếp, nghĩ đến Diệp Lâm hoạt bát, phụ thân hơi khắc khe khô khan nhưng nhất mực kiên nhẫn yêu thương, ta cứ vô thức mà mỉm cười một mình. Ở gần thì thỉnh thoảng lại sinh chuyện, đi xa vậy mà kể cả đại nương ta cũng có chút nhớ nhung. Xuân Hoa giúp ta mua một ít phấn son thượng hạng dành cho các quý phu nhân, hy vọng nhờ vào chúng mà đại nương hòa hoãn với ta hơn chút trong dịp năm mới.

Kiếp trước ta nợ rất nhiều người, kiếp này người ta có lỗi nhất hẳn là phụ thân. Hồi còn nhỏ, vì có ký ức của Hạ Lan, ta nhất định không xem phụ thân là phụ thân. Đến khi hoàn toàn tiếp nhận được phụ thân, ta lại không khiến người an lòng được bao lâu, bắt đầu từ những chuyện lông gà vỏ tỏi đến kinh thiên động địa giữa ta và đại nương. Từ ngày gặp lại hoàng thượng, tinh thần ta cứ hoảng hốt không thôi, phụ thân vì vậy mà lo lắng cho ta hết mực. Khi ta trở thành thư đồng cho Vinh Nguyên, phụ thân không thể ngủ được mấy đêm liền, người gầy hẳn đi chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.

Ít nhất, ta thầm nhủ, hãy để ta làm đứa con ngoan của người. Cảnh tượng đêm trung thu người dẫn chúng ta đi chơi rõ ràng như mới hôm qua. Phụ thân gấp thuyền giấy cho chúng ta, dịu dàng xoa đầu ta, nói rằng cả đời này người chỉ mong ta bình an.

Khi đó, ta nào biết sự bình an mà mình mong cầu lại khó có được như thế.

Trái với cảnh tượng ta mong chờ, những hiệu buôn và dược đường lớn của Diệp gia nhất tề đóng cửa, trang viên của Diệp gia im ắng lạ thường, thoang thoảng còn vẳng tiếng quát mắng hạ nhân của ai đó. Cổng lớn không trang trí đèn hoa cũng không có sự tấp nập vào cuối năm, hoàn toàn đối nghịch với không gian nô nức bên ngoài. Sự bất an xâm chiếm tâm trí, ta vội vàng ôm hành lý nhảy xuống xe. Đến tận khi ta đập cửa mấy hồi, Trần bá mới chạy ra.

- Đại... đại thiếu gia về rồi. Thật xin lỗi, tôi suýt nữa thì quên mất.

- Trần bá, có chuyện gì thế? – Nhìn gương mặt như già đi thêm chục tuổi của Trần bá, ta hoảng hồn.

Trần bá là cánh tay đắc lực của phụ thân, là người mà gia gia ta đã bồi dưỡng để giúp phụ thân trông nom nhà cửa Diệp gia. Trần bá trầm ổn đáng tin cậy, trước giờ chưa có gì có thể làm khó được ông ấy. Khi ta bị đòn đau, khi ta và đại nương có mâu thuẫn, ông ấy luôn là người khuyên nhủ ta đầu tiên, giảng hòa giữa ta và phụ thân. Nay Trần bá trở nên tiều tụy như vậy, hẳn trong nhà đã xảy ra chuyện gì rất lớn.

- Đại thiếu gia, vào trước hãy nói. – Trần An vội đẩy ta vào trong, tự tay đóng cổng chính lại.

Mặc dù bên trong đã được trang trí ít nhiều nhưng khuôn viên Diệp gia vẫn khoác lên mình một màu ảm đạm khó giải thích. Nhìn những chậu hoa đang chuẩn bị nở rộ, ta chỉ thấy chúng quá đỗi lạc lõng và vô lực trong tình cảnh thế này. Người làm trong phủ cứ cúi mặt mà chạy đi, bước chân gấp gáp đập rộn trên nền đất, mặ mày ai cũng ủ dột khó coi, chứng tỏ chủ nhân của Diệp gia trang không hề có tâm trạng tốt. Trần bá gọi người mang hành lý của ta vào trong. Ta nhìn quanh, phụ thân đâu, Diệp Lâm đâu, không phải mọi người đã biết ngày hôm nay ta trở về rồi sao?

Không kịp để cho ta cất tiếng, Trần bá vừa dẫn ta đi vừa giải thích:

- Lão gia và phu nhân bây giờ đang ở chỗ nhị thiếu gia. Đại thiếu gia, xin hãy thật bình tĩnh nghe tôi nói...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro