Trao trọn một đời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

One short 1: Trao trọn một đời.

Một đời ngắn ngủi đến thế nào? Một đời ý nghĩa đến thế nào? Để lựa chọn gửi gắm một đời, một tâm tư cho ai hay một thứ gì đó thật không dễ dàng. Anh, người chọn gửi gắm cả một đời cho nghiệp cứu hỏa của mình.

Anh đương nhiên có gia đình, một gia đình ở quê cũ. Anh có con, một đứa con gái dễ thương hiểu chuyện. Nhưng anh độc thân, nói đúng hơn là anh đã li hôn khi con gái vừa lên 9 tuổi. Em chọn sống cùng mẹ. Sau hai năm li hôn, vợ anh có gia đình mới. Gia đình thứ hai của cô bé hoàn toàn êm ấm. Anh được trao quyền đến thăm con nên mọi chuyện có vẻ tốt đẹp.

Đổ vỡ một lần không phải lí do để anh không đi thêm bước nữa hay khép lòng. Tôi nghe anh nói anh đã tìm thấy hạnh phúc, một niềm hạnh phúc giản đơn mà tôi chưa từng biết đến. Anh nói anh có tình yêu của riêng mình. Anh yêu công việc, anh yêu con người, anh yêu cuộc sống. Đó là tình yêu đơn thuần với những điều hết sức bình dị.

Nhưng tình yêu với tôi là một thứ gì đấy không gần gũi cũng chẳng quá ý nghĩa. Tôi vẫn nhớ câu nói của anh cùng đôi mắt như chứa đựng ngàn dải ngân hà trôi nổi giữa bao cảm xúc. Kể cả khi tôi nghĩ thứ tình yêu ấy của anh thật khó hiểu. Ví von với việc một con chim thích làm tổ, ví von với việc một con đại bàng thích treo mình trên không trung. Hoặc như so sánh với việc gà mái thích nhìn ngắm cái tổ ấm của nó với đôi ba quả trứng sắp nở, so sánh với việc đại bàng thích phóng tầm mắt băng qua cả nghìn cây sổ như thể một siêu năng lực. Tôi không biết nhưng tôi nghĩ rằng mình nên biết.

- Đi xem mắt? Kết hôn? Không, chú mày hiểu làm sao được những gì anh đã trải qua. Tuổi trẻ như chú thì nói không hợp chỉ là cái cớ để chấm dứt một mối quan hệ không còn tình cảm. Nhưng đôi khi không hợp lại là một lí do đau lòng đấy! Đó là qua bao gian khổ, biến chất, qua bao hiểu lầm không buồn giải thích nữa. Quyết định buông tay. Không phải vì không muốn hiểu mà là vì quá hiểu, nhưng đôi khi chẳng thể làm được gì. Thử hỏi nếu để con bé sống trong cái gia đình toàn lời qua tiếng lại thì có vui gì? - Anh nhấp một ngụm chè rồi nhìn lên bầu trời, ánh mắt chứa đựng nhiều tâm tư.

- Vậy anh cứ thế sống, không thấy nhạt nhẽo à?- Tôi cười hờ, hỏi lại.

- Sao lại thấy nhạt nhẽo? Cuộc sống của anh mày thi vị chán. Chú mày làm nhiệm vụ bao lần rồi? Anh ở cái ngưỡng tuổi 36 thì rất nhiều. Nhìn cách họ ôm lấy nhau hạnh phúc, thở phào nhẹ nhõm hay đôi giọt nước mắt chảy ra khi xoa đầu đứa con vừa thoát khỏi đám cháy, anh thấy ấm áp vô cùng. Không còn là công việc nữa, không còn là lợi ích cá nhân nữa, đấy là tình thương. Anh công nhận là có nhớ con gái của mình, đôi khi nhớ về gia đình cũ. Nhưng chỉ là nhớ thôi, bởi anh thật lòng mong cô ấy tìm được một người phù hợp hơn anh.- Anh ngừng lại. Tôi cũng im bặt, cơ bản không biết nói gì nữa.

Tôi nghĩ rằng có một người bạn hơn mình nhiều tuổi cũng có cái hay. Anh hiểu biết hơn tôi. Tôi chưa có gia đình, cũng chưa có người yêu. Cuộc sống của ai thế nào tôi không biết, nhưng của tôi chỉ thu nhỏ lại vừa bằng những bữa ăn và những ngọn lửa. Tôi muốn cứu người, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chỉ vậy thôi. Tôi không tận hưởng cuộc sống được như anh, cái "thi vị" của anh đối với tôi là được ăn cơm mẹ nấu, trò chuyện vài ba câu cùng cha. Tôi không chắc rằng nghề của chúng tôi khó nhọc, tôi không chắc rằng nghề của chúng tôi nhẹ nhàng. Chúng tôi luyện tập, chúng tôi cứu hỏa, chúng tôi cứu người, chúng tôi không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ.

Chẳng ai vào nghề này mà lại không có niềm đam mê với công lí. Nhớ ngày xưa, tôi hồn nhiên nói rằng:" Con sẽ trở thành lính cứu hỏa mẹ ạ! Con sẽ lao vào đám cháy như anh hùng trên tivi vậy! ". Mẹ tôi cười, nửa tin nửa ngờ cho đến khi tôi thật sự đứng ở đây với biết bao anh em cứu hỏa. Đúng thật, cái nghề này anh hùng lắm! Mà lại không dễ dàng, luyện tập nghiêm ngặt, ăn uống điều độ, trực ca hàng ngày. Xót xa lắm khi nghe tin về những đám cháy lớn cùng những hình ảnh mệt mỏi rã rời của đồng nghiệp. Họ đã cố gắng, cố gắng và hi sinh rất nhiều. Họ chính là những anh hùng đời thường trước kia tôi ngưỡng mộ, hiện tại và sau này vẫn luôn như thế.

Điều hạnh phúc nhất là của không thiệt hại, người còn nguyên. Điều xúc động nhất là nhìn những khuôn mặt lấm lem thở hổn hển, lưng dựa vào thành xe chẳng còn chút sức lực. Tôi thương các anh vô cùng, tôi thương những lần nghe các anh nói chuyện cùng bố mẹ bảo mình không sao dù bàn tay cháy đen vì lửa. Điều sợ hãi đương nhiên là cái chết. Cái chết của đồng đội, cái chết của người gặp nạn, cái chết của những em nhỏ vô tội hay cái chết bị thiêu rụi nơi đám lửa bập bùng. Thời bình này cũng thật mất mát, thật đau thương. Phải trải nghiệm, tôi mới hiểu được mạng sống mỏng manh nhường nào, mới hiểu được chúng ta nên trân trọng cuộc sống ra sao.

Anh em chúng tôi coi nhau như người một nhà. Có những bữa ăn, có những chia sẻ, có luôn cả những khoảnh khắc đời thường đáng nhớ. Mẹ anh cũng như mẹ tôi, mẹ tôi chẳng khác gì mẹ anh. Vài lần về thăm nhà, lên là bao nhiêu quà to quà nhỏ, chúng tôi nháo nhào mỗi người chia nhau một ít. Rồi cùng nhau đi làm nhiệm vụ, nhiều khi tự phân công nhau, người nào ra việc ấy, vừa vô tình mà lại hữu ý. Giờ chúng tôi được phân công thêm nhiệm vụ, đó là giúp người đuối nước, đuối sông. Chúng tôi có thêm những khóa huấn luyện mới, đồng thời kiểm tra nhiều hơn.

Khi đọc báo về vụ cháy lớn hay tương tự vậy, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, cười trừ, mong rằng không ai trong số chúng tôi vướng phải những nguy kịch ấy. Biết là mong nhưng có những mong ước lại tưởng chửng xa vời với hiện tại, cái ngày ấy cũng đến.

Hôm nay là sinh nhật thứ 37 của anh. Anh làm trong nghề gần mười năm rồi, lại thân thiết với anh em tổ đội, vài người định tổ chức sinh nhật cho anh. Tôi tặng anh cái áo phao màu sẫm. Anh ở một mình có bao giờ chịu chăm chút bản thân đâu. Hôm ấy, cô bé - con anh xuất hiện, hóa ra em chỉ nhỏ hơn tôi có 6 tuổi. Em năm nay vào 10, vừa trải qua kì tuyển sinh gay gắt. Tôi thấy em giống anh cả về khuôn mặt, từ nét lông mày đến khuôn miệng tựa tựa cha, đến tính cách, rất chất phát, thật thà.

Ai lại nghĩ một ngày bình thường đến thế lại xảy ra vô số chuyện. Tôi nghe bản thân có nhiệm vụ, tạm biệt em rồi chạy một mạch đến chiếc xe sắc đỏ quen thuộc. Lòng cồn lên khi biết vụ cháy ở một chung cư 15 tầng. Tôi sợ mấy vụ cháy cao tầng lắm. Sợ những người kẹt trong những ngóc ngách, sợ lắm những em nhỏ còn lạc trong khói lửa, sợ đám cháy lan rộng hơn xuống tầng dưới, lên tầng trên. Chúng tôi thi nhau chạy, kiểm tra, cứu những người còn kẹt trong đám khói, dập cho ngọn lửa nhỏ dần.

Cuối cùng thì sau bao nỗ lực, vụ cháy đã kết thúc. Người cuối cùng đã an toàn ra khỏi đám cháy trên lưng của một lính cứu hỏa. Tôi mệt lả, đưa mắt nhìn những đồng chí khác, có người nằm vật ra vì mất sức, còn lại thở dốc, khẽ đưa mắt nhìn nhau như muốn nói "Ổn cả rồi phải không?".

Chưa. Chưa ổn một chút nào. Tôi ngỡ ngàng nghe một cán bộ khác báo cáo rằng anh nhập viện khi thực hiện nhiệm vụ. Tưởng như tất cả mệt mỏi tan biến, tôi bắt vội taxi chạy ngay đến bệnh viện trung ương. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mặt tôi là đôi chân bị bó bột của anh, em ngồi ngay bên cạnh cùng chiếc bánh sinh nhật dưới chân. Tôi tiến lại gần, khẽ hỏi:

- Anh ổn chứ?

- Khổ lắm. Anh mày ổn! Trước khi chú vào, thằng Kiên, thằng Liêm đến thăm anh cả rồi. Tại cứu hộ ở khu Trúc Bạch, anh mày không may sảy chân ngã. Vụ hỏa hoạn cũng được giải quyết rồi, không sao, không sao! - Anh nói một cách đầy bình tĩnh trên giường bệnh.

Là tôi tự dọa bản thân rồi. Phòng bệnh giờ vắng lắm, chỉ có mỗi giường anh có người. Thấy thế, tôi mới chạy ra gọi hai đồng nghiệp là anh Kiên, anh Liêm vào thăm anh. Nghĩ bụng chắc con bé cũng ngượng, tôi bèn qua ngồi cạnh, nói rằng:

- Không sao đâu! Mấy chú hiền lắm, cũng sắp lập gia đình cả rồi nên em đừng ngại.

- Này mới quen mà bạo thế. Chú mày qua đấy ngồi cạnh con bé làm gì?- Anh Kiên, người mau miệng nhất tổ đội trêu tôi.

- Anh, thằng Hào nó hơn cái Yến có 6 tuổi thôi. Cẩn thận lại mất con gái ấy chứ đùa! - Anh Liêm thấy thế hùa theo làm tôi lúng túng chẳng biết nói gì.

- Ơ, hai chú biết tên cháu ạ?- Em ngơ ra hỏi.

- Bố mày kể cho hai chú về mày suốt, không biết làm sao được.- Anh Kiên nói. Tôi liếc qua nhìn em dưới làn tóc ngắn che đi một phần khuôn mặt, nét cười hiền trên môi em ấm áp như ánh mặt trời, thu hút tôi đôi phần.

- Rồi, thế có tổ chức sinh nhật không thì bảo?- Anh nằm trên giường bên, cười bâng khuâng. Em xách bánh kem ra góc rồi châm lửa cho cặp nến số 37, nét mặt em thoáng buồn.

- Em thấy hơi tủi thân khi thiếu mẹ trong sinh nhật bố hửm?- Tôi hỏi nhỏ bên tai em.

- Không. Không phải đâu, anh đừng nghĩ thế! Bởi mẹ em không chịu được cô đơn, bố em lại quá bận nên em không trách việc họ li hôn. Càng lớn, em cảm thấy nghiệp cứu hỏa này cực nhọc, em thấy có lỗi với bố. Em ước mình có thể bên bố nhiều hơn, chăm sóc bố tốt hơn. Và anh biết không...- Em nhìn lên, ánh mắt hướng thẳng vào con ngươi tôi. Lạ lẫm quá, như thể đây là lần đầu tôi biết đến giác cảm này.

- Em muốn lấy được một người chồng làm nghiệp cứu hỏa như bố em vậy!- Tôi lặng thinh. Câu nói ấy của em buộc chặt vào tim tôi một nút thắt.

Phía bên kia, hai con người thích trêu chọc mọi người đang giúp anh ngồi dậy một cách nhẹ nhàng nhất. Tôi đỡ bánh giúp em, mọi người thì thầm hát bài chúc mừng sinh nhật. Anh thổi nến, khoảnh khắc ấy căn phòng ngập trong màu ngọt ngào. Đó là cái ngọt anh em tổ đội trao nhau qua cái ghì đầu, qua những lời trêu đùa, qua những hành động hết đỗi nhỏ nhặt. Đó là cái ngọt tình cha con qua lời hỏi han, cái bánh sinh nhật.

Tôi cảm nhận được rồi, cảm nhận được cái "thi vị" anh nói rồi. Đó là thi vị ngổn ngang giữa dòng đời đa diện, đa phương, đầy màu sắc và trọn vẹn những cảm xúc không thể nêu tên. Có lẽ trong lòng chúng ta đều có những mảng màu, mảng cảm xúc như những mảnh kính vỡ ta phải tự tay ghép lại mới nhìn ra được mặt phản chiếu của chính bản thân mình.

Bản quyền thuộc Hà Hương và Watermel

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro