Ngoại truyện 2.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tháng tư đầu tiên của một nước hoàn toàn độc lập, nắng nóng như đổ lửa xuống nhân gian. 

Nỗ ngồi trong phòng làm việc không thể chịu nổi sự nóng bức phải mở toang tất cả cửa sổ để đón gió. Quạt máy trong nhà hoạt động hết công suất để giúp mọi người tránh nóng. Lũ nhỏ mấy hôm nay rủ nhau đi tắm sông sau khi phụ việc, bị chú Ba la quá trời, không nghe mà còn trả treo lại. Lúc nào cũng phải nhờ mấy đứa lớn ra ngoài sông canh chừng, lỡ biết bao nhiêu là việc. 

Nỗ lật sổ sách ra để xem. Tiền nong lại là một trong những vấn đề khiến Nỗ đau đầu. Tiếp đến là chuyện công xưởng. Rồi thêm chuyện mấy đứa sơ sinh bị người ta bỏ trước cổng, không biết đem đi đâu. Các nhà tu công giáo gần đây không có kế hoạch nhận nuôi thêm trẻ, Nỗ cũng không nghe nói tình hình của các chùa chiền như thế nào, dinh thự Lý gia hiện tại cùng lắm chỉ có thể nhận thêm trên dưới năm đứa nhỏ nữa. Các cô trong nhà đã lớn tuổi rồi, không thể chăm sóc cùng lúc cho quá nhiều đứa trẻ. Nỗ ngả lưng ra sau, lòng miên man suy nghĩ.

Không biết nền kinh tế này rồi sẽ ra sao, không biết cậu có thể duy trì sự thịnh vượng của Lý gia được hay không, vấn đề của đất nước này quá nhiều sau khi kết thúc chiến tranh. Lý gia là tất cả niềm tự hào của Nỗ, cậu muốn Lý gia là gia tộc luôn luôn có tương lai, là một đóa hoa thiên tuế mãi mãi không bao giờ lụi tàn theo năm tháng. Nhưng với nền kinh tế tự cung tự cấp này, “ thịnh vượng ” là điều dường như không tưởng. Trong những trang báo cáo từ các công xưởng được gửi tới, tâm thư của các công nhân nhiều vô số kể. Nỗ biết rằng thời kỳ này quá nhiều khó khăn, dù cho có sự giúp đỡ từ bên ngoài thì rõ ràng cái khổ này cũng không thể qua trong một sớm một chiều. Nỗ cũng không biết làm sao để giúp đỡ, mỗi tháng chỉ có thể trích ra từ trong kho một phần nhỏ những thứ thiết yếu để giúp đỡ các công nhân. Tao đoạn này vẫn còn dài, vẫn còn nhiều việc để chính phủ mới giải quyết, Nỗ cũng không dám can thiệp điều gì quá sâu. 

“Dạ cậu Tư ơi.”

Có tiếng gọi cùng tiếng gõ cửa. Nỗ vươn vai, đóng lại sổ sách rồi từ từ đứng lên, cất tiếng trả lời : “Cô Hai hả? Có chuyện chi?”

“Dạ…”

Tiếng của cô Hai có chút ngập ngừng, coi bộ không báo cáo liền được. Nỗ chỉnh lại y phục, tóc tai rồi mới chậm chạp ra mở cửa. Cửa vừa mở, đứa bé trên tay cô Hai đã vươn tay muốn ôm. Nỗ không chớp mắt, cũng không bất ngờ, đưa tay nhẹ nhàng gãi gương mặt non mềm của đứa trẻ. 

“Lại bị bỏ hả?”

“Dạ. Bị bỏ trong cái chòi ngoài ruộng á cậu Tư.”

Nỗ thở dài, nhìn nét mặt và làn da ngăm đen kia, Nỗ biết liền đứa trẻ này là con lai. Từ ngày giải phóng đến giờ, số trẻ sơ sinh là con lai bị bỏ lại ở các trại mồ côi, nhà tu hay thậm chí là ở tại bệnh viện nhiều không đếm xuể. Gần một năm sau ngày giải phóng, hầu như tháng nào cũng có hai ba đứa nhỏ bị bỏ lại trước cổng dinh thự. Mặt đứa nào đứa nấy cũng sáng sủa, hoạt bát, vậy mà người ta nỡ bỏ. Cậu ôm lấy đứa nhỏ, nó thích thú với mùi hương dịu nhẹ của cậu hay sao đó mà cười khùng khục, đôi bàn tay búp măng nắm lấy tóc cậu kéo mạnh. Cô Hai hoảng hốt ôm lấy đứa nhỏ, khẽ trách nó vô lễ với cậu Tư. Đứa nhỏ không hiểu nó vừa sai điều gì, miệng nhỏ cười với Nỗ. Cậu nhếch mép, xoa xoa bàn tay. 

“ Dạ cậu Tư… ” Cô Hai xách nách đứa nhỏ bế bên hông, ngập ngừng nhìn Nỗ. 

“ Sao ạ? ”

“ Tui biết chuyện của cậu Tư với thằng Dân. Cũng không phải chuyện xấu xa gì. Tui thì tui chấp nhận được. Nhưng mà á, còn người trông coi nhà cửa, cậu Tư không lấy vợ thì cậu Tư cũng coi coi chọn đứa nào làm con thừa tự, để sau này nó còn lo nhang khói. ” Cô Hai đặt bàn tay chai sạn của mình lên tay Nỗ, mỉm cười. 

Nỗ cũng hiểu ý, gật nhẹ đầu. Chuyện công còn nhiều, hơi đâu mà lo chuyện tư… 

Thời gian trôi nhanh như con chó con chạy chơi ngoài đồng. Mới đây mà sổ sách trong phòng làm việc của Nỗ lại chất cao như mấy ngọn núi nhỏ, cậu lại tự mình tăng ca tại nhà mà ngồi làm đến sáng. Tụi nhỏ trong nhà nhìn cậu Tư cứ tới cuối tháng lại thức đêm thức hôm, người gầy đét, mặt mày hốc hác, tụi nó thương lắm mà không biết làm sao, thi thoảng chỉ biết làm một ca nước chanh, một vài cái bánh cho cậu Tư ăn đỡ buồn miệng, uống cho đỡ cái trời oi bức. 

“ Tụi bây đừng có đi tắm sông nữa thì cậu Tư đỡ lo hơn đó! ” Dương đứng ở cửa bếp nhìn mấy đứa nhỏ tíu ta tíu tít pha nước, lắc đầu nói. 

“ Trời nóng quá nên tụi con mới đi tắm sông chứ bộ! ” Bé Trân cũng không để yên, dẩu cái miệng lên trả lời. 

“ Trả treo hả mậy? ” Dương nhéo má bé Trân, đứa nhỏ thì la oai oái còn mấy đứa khác thì cười giòn tan. 

Dương thở ra một hơi. Thôi thì, trẻ con mà, sao nỡ để nó hiểu cái thời đại khổ cực này được… 

Nỗ ở trên lầu nghe tiếng cười nói, lòng cũng nhẹ gánh một chút. Đúng là nhà có tiếng cười của trẻ con thì lòng cũng dịu dàng hơn hẳn. Cậu nhủ thầm ký nốt tờ văn bản cuối rồi xuống nhà dưới chơi chung với tụi nhỏ. Mấy ngày qua Nỗ cũng mệt mỏi lắm rồi. Cậu còn tưởng tượng được cảnh mình nằm trên giường và ngủ đến tám giờ sáng ngày mốt nữa cơ. Công việc hiện tại rất nhiều, nhưng dù sao Nỗ cũng hiểu mình không phải là cái máy, không thể làm hết trong thời gian ngắn được. Cậu đã nghĩ như thế, rồi tâm tình sáng sủa hơn một chút. Cậu dọn dẹp lại bàn làm việc rồi ra ngoài, khóa cửa và xuống lầu chơi cùng tụi nhỏ, Nỗ nghĩ mình cũng cần một chút “vitamin trẻ con”.

“Cậu Tư với cậu Dân, ai tỏ tình trước vậy ạ?”

Bé Sương cạp một miếng dưa hấu to thật to, hai mắt long lanh nhìn Nỗ đang gọt dưa hấu cho mấy đứa ăn. Nỗ bật cười nhìn bé Sương, đám nhỏ nghe thấy sắp có chuyện hay, lập tức bu lại ngồi quanh Nỗ, mấy cặp mắt sáng rực như sao. Nỗ cười thành tiếng, vừa ăn dưa, vừa nhớ lại chuyện ngày xửa ngày xưa, ngày mà khói lửa chiến tranh chưa lan đến cướp mất Dân của Nỗ.

Nỗ gặp Dân vào một ngày trời trong, độ tháng Sáu. Khi đó Nỗ được sáu tuổi, tháng Tám tới sẽ vào lớp một, còn Dân cũng sáu tuổi, lúc đó đang cùng một vài đứa trẻ khác vừa đi cuốc đất về. Dân lọt vào mắt Nỗ ngay lập tức, thân người nhỏ nhắn, đen nhẻm, trông giống như những đứa trẻ khác, nhưng ánh mắt lặng như tờ và cách hắn đứng từ xa nhìn lũ trẻ chạy chơi đã thu hút Nỗ. Nỗ tiến tới làm quen Dân, và rồi Dân được bà Tư nhận về nuôi, trở thành một người vừa là đầy tớ trung thành, vừa là tri kỷ cả đời.

“Hồi đó cậu Dân đẹp hong cậu?”

Nỗ dừng khoảng chừng là ba giây, sau đó cười mỉm không trả lời. Lũ trẻ cười ồ lên chọc ghẹo rằng vì ngày đó Dân đẹp nên mới lọt vào mắt Nỗ, đám trẻ thích thú nhìn khuôn mặt đỏ lựng của cậu. Nỗ cũng không bác bỏ, vì hồi đó thì Dân đẹp thiệt, nét đẹp hài hòa hiếm có trên khuôn mặt của một thằng nhỏ sáu tuổi. Khi chia tay Dân, các bạn ở trại trẻ mồ côi khóc nhiều lắm vì ở trại, Dân như người anh lớn, sáng gọi dậy, trưa đưa cơm rồi lại hò cả đám đi ngủ trưa, chiều lại đốc thúc cả đám về ăn cơm để kịp giờ tự học buổi tối. Trông Dân có nhiều việc để làm so với một thằng nhóc sáu tuổi, vì điều kiện thiếu thốn nên cuối cùng Dân chọn trở thành đứa trẻ lớn sớm hơn các bạn, để các bạn có thể sống đúng lứa tuổi của mình. Sau khi về dinh thự, Dân cũng không đổi khác. Hắn vẫn giữ nề nếp sinh hoạt cũ, sáng bốn giờ ba mươi đã dậy, tập thể dục rồi làm những công việc nho nhỏ hắn có thể làm. Nỗ ngày xưa dạn dĩ, hay kéo Dân cùng trốn học đi chơi trên cái xe đạp cũ mà cô bếp mua cho Dân. Những lúc bà Tư lên thành phố học, hai đứa trẻ trong dinh thự rộng lớn ở bên nhau, bảo vệ nhau khỏi những hiểm nguy. Cứ thế, hai người đã lớn lên bên nhau, chứng kiến nhau trưởng thành cho đến ngày Dân phải ôm súng ra chiến trường. 

“Hồi nhỏ cậu Tư có sợ ma hong cậu Tư? ”

Bé Trân thích thú nhìn Nỗ, mấy đứa nhỏ nghe vậy cũng tranh nhau nói mấy câu chuyện về ma. Nỗ cười tít cả mắt. 

“Ừa, cậu sợ chứ. Hồi đó cậu còn con nít giống mấy đứa mà!”

Nỗ từ nhỏ đã ngủ một mình một căn phòng rộng lớn, vì vậy vẫn hay giật mình giữa đêm vì sợ. Nhưng bởi vì không có mẹ ở nhà, người ở cũng không ở cùng trong dinh thự, nên trước khi Dân đến, Nỗ rất hay khóc, rồi vì khóc mệt quá mà ngủ thiếp đi đến sáng. Nhưng từ lúc Dân về, tối nào Nỗ cũng kéo hắn ở lại để ngủ cùng. Dân thì lại là một đứa đơn giản, nhìn thấy chăn êm nệm ấm, gió quạt thổi mát phù phù, lại được cậu Tư cho vào ngủ cùng thì không việc gì phải từ chối. Thói quen ngủ cùng Dân được hình thành từ dạo đó, cho tới lúc chuyển lên dinh thự lớn sống, Nỗ mới tập quen từ từ việc ngủ một mình. 

“Nghe đã ghê!” Bé Mỹ cảm thán, hai má tròn đung đưa theo nụ cười của cô bé. “Con cũng muốn có được một người như cậu Dân làm bạn!”

“Bạn gì mà bạn!” Bé Trung búng tay vào trán của bé Mỹ. “Cậu Dân chỉ có một trên đời thôi, mà cậu Dân đời này thuộc về cậu Tư rồi!”

Bé Mỹ trề môi một cái dài, bên cạnh những tiếng cười giòn tan của lũ trẻ, đôi mắt của Nỗ cong thành hình trăng khuyết, lấp lánh như ánh sao. Đúng là có “vitamin trẻ em” thì Nỗ cảm thấy là mình cũng được sáng sủa hơn chút rồi. Cậu đoán hôm nay mình có thể có một giấc ngủ ngon , ha ha. 

Thi thoảng, Nỗ có vài sự phán đoán sai lầm về cơ thể của bản thân. Ví dụ như cậu nghĩ là mình có thể ngồi thêm một chút để xử lí đống văn kiện, nhưng vừa nghĩ xong thì đầu óc cậu đảo lộn, trời đất chao đảo rồi cứ vậy mà tỉnh giấc trong bệnh viện.  

“Trời ơi, tao mà không lên đưa nước cho cậu Tư chắc giờ này chuẩn bị liệm luôn rồi!” Tiếng anh Hạo vang lên phía sau cánh cửa, Nỗ còn phải phì cười. 

“Nhỏ cái miệng lại!! Miệng như cái bô bể vậy?! Cậu Tư nghe thấy là chết anh đó!!” Tiếng thằng Dương nghiến răng kèn kẹt đe dọa, Nỗ lại phì cười lần nữa. 

“Cậu Tư nghe thấy thì tao chịu thôi! Nói bao nhiêu lần rồi mà cậu có nghe đâu! Bác sĩ Tuấn lúc nãy nổi điên lên sợ muốn chết, tưởng ổng muốn phanh thây hết người ở trong nhà rồi đó!”

“Biết rồi mà. Anh đừng nói vậy nữa để cậu nghe thấy cậu buồn.”

“Tao chắc là người ở trong cái nhà này đã nói với cậu Tư nghỉ sớm nhiều lần lắm rồi đó, mà cậu không chịu nghe gì hết! Bữa nào tao quạo tao điện cho cô Ba để cô Ba xử lí cậu Tư! Mới đầu tháng tám mà cậu bệnh hết hai lần! Thiệt tình!!”

Nỗ nghe thấy trận cãi nhau nho nhỏ của anh Hạo và thằng Dương, thực ra cũng không hẳn là cãi nhau, đây chỉ là một cuộc tranh luận nho nhỏ giữa những người cùng lo cho chủ thôi. Nỗ mỉm cười rất thỏa mãn, cậu không biết mình đã làm gì để được nhiều người lo lắng cho đến thế, nhưng sau trận bệnh này có lẽ Nỗ phải nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân thôi. Lúc nào cũng tự nói là sẽ kiểm điểm, nhưng đến cuối cùng sau khi khỏi bệnh, vì tham công tiếc việc nên vẫn lao đầu vào làm. Nỗ giơ bàn tay mình lên để xem, bàn tay trắng bóc, xương xẩu gân cốt gì cũng nổi hết lên, nhìn rõ như ban ngày. Xưa giờ bàn tay Nỗ thanh mảnh, sau khi Dân đi lính thì còn ốm hơn cả lúc trước, bây giờ thì đến cả đốt ngón tay cũng nhìn ra được. Nỗ âm thầm thở dài, cậu đúng là loại người lì như trâu mà! Lúc nào cũng để người khác phải lo lắng cho thôi! Nỗ nằm xuống, nhắm mắt lại, trong ý chí quyết tâm sẽ bỏ thói tham công tiếc việc mà nặng nề chìm vào giấc ngủ một lần nữa. 

Ở nhà, quản gia của Lý gia - bác Thành vội mở một cuộc họp gia nhân khẩn để sắp xếp lại công việc. Trước giờ cậu Tư có bệnh thì cũng là chăm lo ở nhà, đợt này bệnh nặng, phải vào bệnh viện hết mấy ngày, trong mấy ngày này, mọi công việc khi vắng bóng cậu Tư đều phải được xử lý ổn thỏa. Trước mắt là phân công gia nhân vào bệnh viện chăm sóc cho cậu, rồi công việc ở nhà, sau đó là tới quản mấy đứa nhóc không cho tụi nó gặp chuyện gì, cuối cùng mới tới việc ở công ty. Bác Thành mân mê chòm râu trắng của mình, cặp kính lão thi thoảng phải nâng lên một chút. Những sự việc bất ngờ thế này không hiếm, hơn năm mươi năm làm quản gia cho nhà họ Lý bác đã kinh qua rất nhiều trường hợp còn lộn xộn hơn thế này. Lần bệnh này của cậu Tư, bác muốn sắp xếp cho cậu nghỉ bệnh lâu hơn một chút, nên mới sắp xếp công việc nhiều ngày hơn. 

“Có gì cho con làm không bác?”

“Hả? Thằng Dương hả? Có—”

Bác Thành có chút bất ngờ với người đứng ở cửa, đôi mắt nheo lại rồi bật cười buông bút xuống. 

Nỗ thức dậy lần thứ hai đã là lúc hoàng hôn, khi y tá đang thay túi nước biển cho cậu. Nỗ nheo mắt nhìn hoàng hôn phía sau những ngôi nhà, trong lòng lại nhớ về ngày hoàng hôn cùng ngắm với Dân. Cả hai đã cùng nhau đón hoàng hôn rất nhiều lần, ở rất nhiều nơi, và nơi nào cũng mang lại rất nhiều kỉ niệm. Nỗ trò chuyện với cô y tá một chút, rồi nhìn theo bóng lưng cô đi ra. Ngồi trong phòng buồn chán không có gì làm, cậu ngồi bấm số điện thoại điện về nhà hỏi thăm tình hình. Người bắt máy là bác Thành, không gian xung quanh vang lên tiếng trẻ con nói cười ríu rít.

“Ở nhà có gì mà vui vậy bác?” Nỗ mỉm cười mân mê góc dưới của điện thoại, lại nghe loáng thoáng tiếng trẻ con nói gì đó. 

“Có gì đâu cậu! Lũ nhỏ ra đồng bắt được cá, tụi nó muốn kho lạt rồi đem vô cho cậu ăn á mà!” 

Bác Thành cười nói, Nỗ cũng theo đó mà bật cười. Lũ nhỏ dễ thương thật. Phải chi tụi nó không cần phải lớn lên…

Nỗ muốn nói thêm vài câu nữa, nhưng có vẻ việc nhà đang không ổn lắm nên bác Thành không tiện nghe máy lâu, Nỗ hiểu nên cũng nói qua loa rồi cúp máy. Cậu thở dài, lại ngồi mân mê điện thoại. Trong phòng bệnh một mình buồn chán muốn chết, sách gia nhân đem vào Nỗ đã thuộc nằm lòng tất cả, báo hay tạp chí cũng đều đã đọc qua, đến cả tờ quảng cáo mỏng lét cũng chẳng chừa. Nỗ ngả lưng ra sau, lòng lại nhớ về những ngày tháng sống dưới mái nhà có ông bá Lý chở che, có Dân cùng chơi đùa. 

Làm người lớn khó khăn thật…

Trong lúc Nỗ đang bận suy nghĩ và nuối tiếc vẩn vơ thì ở nhà lại được một phen náo loạn. Đám nhỏ chạy lung tung từ nhà trên xuống nhà dưới, hò hét cười đùa đủ kiểu. Thằng Dương lết cái chân nặng trịch la lối om sòm. Cô Hai thấy không chịu nổi nữa, ngay lập tức xách roi mây đi ra, hung dữ nhìn từng đứa một. 

“Đi đánh răng rồi lên phòng học bài liền cho má!”

Đám nhỏ thấy cô Hai xách roi mây ra thì sợ xanh mặt, đồng thanh "dạ" một tiếng rồi dắt díu nhau xuống nhà dưới. Thằng Dương vừa thở vừa chống tay vào cầu thang, cảm thán :

“Đúng là chỉ có cây roi của má hai mới có thể trị được bọn nó!” Nói rồi nó ngồi luôn xuống bậc cầu thang, lắc đầu cười trừ. “Chứ con là thua!”

Cô Hai nhìn thằng Dương, dặn dò thêm một chút rồi mới vô bếp làm tiếp việc còn dang dở. 

“Ủa đi luôn hả?” Dương nhìn người vừa bước ra từ nhà bếp, ngơ ngác hỏi. 

“Ừa, giờ này bệnh viện ít người.”

Nói rồi người đó đi ra khỏi nhà ngay, dường như vội lắm, không thể chờ thêm được nữa. Dương lau bàn khách, mỉm cười.

– 

Nỗ gấp sách lại, buồn chán để lên tủ nhỏ đầu giường. Ở trong đây hết ngồi lại nằm, không nằm thì lại ngồi, một ngày như dài ba năm vậy. Nỗ nghĩ mình có thể sẽ chết vì chán không. Cậu thở hơi ra, xuống giường làm vài động tác thể dục. Khi thấy trong người bắt đầu nóng lên, cậu nằm xuống sàn hít đất. Hít được cỡ ba cái thì nằm ra đất luôn, Nỗ chán lắm rồi, không có hứng thú làm gì cả. 

“Sao nằm dưới đất vậy? Nhìn em có giống người bị bệnh đâu!”

Nỗ giật bắn mình nhanh chóng đứng lên. Trái tim trong ngực đập thình thịch như trống vang, cả người cậu cứng đơ như tượng đá, 2 mắt mở to dường như đang không thể tin vào những gì mình nhìn thấy. 

“Sao? Anh đi có mấy tháng mà quên anh rồi hả?”

Người kia bật cười, để đồ đạc lên bàn. Bất thình lình, Nỗ lao tới ôm lấy khiến người nọ mất thăng bằng rồi cả hai cùng ngã sõng soài trên đất. 

“Anh!! Anh về với em rồi!!” 

Nỗ ngẩng mặt lên nhìn Dân, khuôn mặt vẫn còn vương chút mệt mỏi do bệnh tật ướt đẫm nước mắt. Nỗ khóc rất to, Dân nghĩ có khi còn có thể sánh ngang với trẻ con khóc. Lúc Dân đi lính về sau bao năm mất tích, Nỗ còn không khóc như đứa con nít thế này. 

Dân đỡ Nỗ lên giường, rồi ôm cậu vỗ về. Vừa dỗ em nín khóc vừa kể chuyện mấy tháng đi cải tạo làm gì, ăn gì, uống gì, cán bộ như nào, vật chất ra sao. Dân kể rất nhiều, một bụng chuyện chỉ để dành kể cho Nỗ nghe. Hồi lâu sau, rốt cuộc Nỗ cũng nín khóc, Dân cưng chiều lau nước mắt cho cậu, cả người hơi cúi xuống để nhìn vào mắt Nỗ. 

“Anh… ở với Nỗ… ” Giọng Nỗ mới khóc xong nũng nịu ngọt như kẹo dẻo, cả khuôn mặt đỏ bừng níu lấy tay Dân. Không thể tin được đây là ông chủ của Lý gia, người vừa mấy ngày trước còn đứng trên bục phát biểu cho Hiệp hội thương nhân quốc gia. 

“Anh ở với Nỗ suốt đời.” Dân thay Nỗ nói lời khẳng định, tông giọng vừa dịu dàng lại vừa chắc như đinh đóng cột. 

Nỗ khịt mũi, mỉm cười hạnh phúc ôm siết lấy Dân. Cuối cùng, sau bao năm tháng, Nỗ cũng được một lần nữa ôm lấy Dân… 

Nhiều năm sau, khi đất nước đã sang trang mới, những đứa trẻ "mắt xanh mũi đỏ" bị bỏ rơi ngày nào bây giờ đã trở thành những cô chú trung niên, trải qua những ngày tháng thăng trầm của cuộc đời. Những đứa trẻ ngày đó Nỗ nhận nuôi, nay đã có thể sống một cuộc đời của riêng mình với những nỗi lo toan khác nhau. Nỗ bây giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, không biết ngày nào thì mình đi, nên đã chuẩn bị sẵn tất cả mọi thứ. Cậu nhận nuôi một đứa nhỏ lai tây, da đen nhẻm, mắt to, môi dày, tóc đen mượt như gỗ mun, bị bỏ ở trước cửa nhà mấy chục năm trước làm con thừa tự, đặt tên cho nó là Lý Gia Bảo, nghĩa là bảo bối của gia đình. Gia Bảo từ nhỏ đã rất hiểu chuyện, thấy mình khác biệt cũng không bao giờ hỏi tại sao, ở trường bị bạn bè bắt nạt cũng chỉ biết im lặng chịu đựng. Nỗ thấy tội nghiệp quá nên lúc Gia Bảo được mười ba tuổi thì cho nó sang Mỹ du học, Nỗ hi vọng ở Mỹ nó thấy có những người trông giống nó thì sẽ không còn tủi thân nhiều như trước nữa. Gia Bảo ở Mỹ sống rất nguyên tắc, lại còn là đứa giỏi giang chịu khó, cả thời niên thiếu chẳng nghe thấy có bạn gái bạn trai gì. Nó tự xây dựng cơ ngơi bên Mỹ, Nỗ nghĩ chắc là nó cũng muốn duy trì sự thịnh vượng của Lý gia, ai ngờ là thật. Nó học ngày học đêm, chỉ mong sao giỏi bằng được một phần ba ba nó thôi, chứ nó còn không mong giỏi bằng các cô các bác. Gia Bảo qua Mỹ học rồi Nỗ mới phát hiện, thực ra tính hiếu chiến của thằng bé rất cao, nó xem thành tích của các anh chị em họ là mục tiêu để nó vươn lên, qua Mỹ được gần năm nó mới bộc bạch nói nó muốn Nỗ cũng có thể tự hào đem nó đi khoe. Nỗ nghe xong cười cả buổi, không làm việc nổi. Giờ Gia Bảo đã có gia đình riêng, mọi thứ từng là của Nỗ, cậu đã giao lại cho Gia Bảo. Nỗ cùng Dân trở về ngôi nhà cũ ở dưới Bạc Liêu, ngôi nhà ngày xưa cả hai từng sống. Ngày bước chân về, Nỗ tưởng như được thấy mẹ mình đang ngồi đan len, bên cạnh là con Ki đang ngủ ngáy khò khò. Bây giờ, những hình ảnh này chỉ còn nằm trong kí ức của Nỗ, đời người coi vậy mà như gió thoảng mây bay, thoáng chốc mọi thứ đã không còn giống ngày mà ta rời đi nữa. 

“ Đang nghĩ gì vậy? ” Dân ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh Nỗ, hỏi nhỏ. “Bé ba có làm bánh xèo đó, em ăn không?”

Nỗ lắc đầu, bàn tay già nua nhăn nheo nắm lấy tay Dân. “Em bỗng dưng nhớ mẹ. Mẹ mất được ba mươi năm rồi…” Đôi mắt trải qua năm tháng của Nỗ nhìn màn hình ti vi, tay nắm tay Dân miết nhẹ mu bàn tay. 

Dân tựa vào vai Nỗ, chậm chạp trả lời một câu hỏi : “Nếu có kiếp sau, chúng ta có còn được gặp nhau không?”

“Hỏi xàm cái gì vậy ông già?” Nỗ bật cười nhìn Dân, đôi bàn tay đan vào nhau vừa khít, không một kẻ hở. “Hơn bảy chục tuổi đầu rồi có còn là con nít đâu mà hỏi mấy câu vậy!”

“Bảy chục chỉ là con số thôi, anh vẫn đi chạy bộ được nhé!” Dân ngẩng đầu đáp lại, càng khiến Nỗ cười lớn hơn. 

“Thiệt tình!” Nỗ cười bất lực, mặt lại hướng về chiếc ti vi đang phát phim hoạt hình. “Đời này làm gì có kiếp sau. Một người sống một đời là đủ rồi.” Nỗ lật bàn tay của Dân lên, hôn một cái vào mu bàn tay. “Đời này của em trọn vẹn rồi, không cần có kiếp sau.”

Dân nghe thấy thế, cũng bật cười khúc khí chất, nhìn Nỗ bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương, nhiều năm qua vẫn chưa bao giờ thay đổi. 

“Anh cũng vậy.”

Toàn văn Hoàn.

Chúc mọi người Giáng Sinh an lànhhh ♡♡♥︎♥︎

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro