Ngoại truyện 1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-*-

Tết Nguyên đán đi qua, một năm làm lụng mới lại đến. Người làm nhà họ Lý tất bật đi ra đi vào nhà chính nhà phụ, không khí lúc nào cũng bận rộn. Chính quyền mới, nghĩa là một thời kì mới được bắt đầu. 

Trước tết, Nỗ đại diện hiệp hội kinh doanh đi dự họp bàn phương hướng phát triển sau ngày giải phóng. Người Lý gia từ xưa đến nay đều có tiếng ngầm là không theo một chủ nghĩa nào cụ thể, suy nghĩ chính trị của nhà họ Lý cũng vô cùng mơ hồ từ bề trên đến người dưới. Người làm kinh doanh nên nước nào thuận thì xuôi theo, khó có thể nói chính xác rằng người nhà họ Lý là thuận lòng theo chế độ hay mang tâm tư riêng. Nỗ cũng giống như những bậc tiền bối đi trước của dòng họ, hiện tại chỉ đơn giản là đổi chính quyền, đổi luật lệ, Nỗ hoàn toàn không có hứng thú với bất kì điều gì khác ngoài việc liệu chính quyền này có tương lai hay không. Đất nước thống nhất là một niềm vui lớn, nhưng để những người kinh doanh như Nỗ không mang một tâm tư khác là hoàn toàn không thể. Ngoài những miệng ăn trong nhà, Nỗ còn mang trách nhiệm với hàng ngàn miệng ăn ở hai mươi công xưởng lớn nhỏ trải dài khắp lục tỉnh, và cả những gia đình nông dân đã định cư trên đất nhà họ Lý nhiều năm qua. Làm sao để không mang tâm tư riêng khi tình hình khó khăn thế này chứ? Trong cuộc họp Nỗ đã nói những gì cần nói, Nỗ biết rằng nhà họ Lý có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của lục tỉnh nên không đòi hỏi nhiều. Quyết định cuối cùng mà Nỗ nhận được chính là các công xưởng sẽ hợp tác với chính quyền mới, sản xuất độc quyền hàng hóa do nhà nước ban hành. Mặc dù có chút thất vọng với quyết định này, nhưng trước mắt cần phải khôi phục đất nước sau chiến tranh, không thể đòi hỏi thêm nhiều. 

Trước khi kì nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu, Nỗ đã thu mua một số công xưởng vừa và nhỏ để mở rộng quy mô, kịp tiến độ sản xuất hàng hóa cho dịp năm mới. Trong thư Nỗ gửi Dân ở trại cải tạo, Nỗ chỉ dám viết vài dòng sơ sài về mình, còn đâu toàn là nói về những người trong gia đình. Nào là bé Trân, bé Sương thế nào, bác Năm chú Bảy cô Tám như thế nào, còn khoe rằng thằng Dương đi cải tạo cùng đợt với Dân mà được về trước tết rồi, Dân thì chưa về nữa. Nỗ nói rằng Nỗ đón tết với Dân mười bốn năm mà còn không quen bằng việc xa Dân năm cái tết, xong rồi lại bộc bạch "em nhớ Dân quá" ngứa ngáy cả tâm can. Trong nhà ai muốn viết thư gửi Dân đều phải đưa cho Nỗ đọc trước, để chắc chắn rằng không ai nói cho Dân biết Nỗ thức đến sáng để làm việc, một ngày chỉ ngủ hai ba tiếng, thuốc uống nhiều hơn cả ăn cơm. Dù sao thì Nỗ cũng muốn Dân bình tâm cải tạo, không cần lo nghĩ cho cậu. Việc của Dân là phải chuyên tâm cải tạo thật tốt để về với Nỗ thật sớm, chứ không phải giữ nỗi lo lắng trong lòng mà ngày đêm không yên. 

“Anh ráng cải tạo thật tốt để về với em. 
Cả nhà đều mong ngóng anh.
Yêu anh.
Nỗ của anh.”

Nỗ đặt bút xuống, thở ra một hơi rồi gấp thư lại, bỏ vào phong bì, cậu vuốt vuốt cho thẳng thớm rồi mới lồng vào xấp thư sẽ gửi đi trước tết. Mấy đứa nhỏ giờ biết viết chữ rồi nên tụi nó tháng nào cũng viết thư cho các cậu các anh ở trong trại cải tạo, thư mỗi lần gửi đi đều phải đến một xấp. Mà thư gửi về lúc nào cũng phải cột dây vì các anh các cậu cũng viết nhiều y hệt như tụi nhỏ. Nỗ nhìn bìa thư ghi nguệch ngoạc vài ba con chữ mà thấy lòng mình ấm lên. Tụi nhỏ nhà mình đáng yêu quá trời rồi! 

Cậu vươn vai, ngáp một cái dài rồi sắp xếp lại bàn làm việc, sau đó đi đóng cửa sổ lại rồi mới chuẩn bị đi ngủ. Đây là đêm đầu tiên sau bốn tháng trời Nỗ mới có một giấc ngủ trước năm giờ sáng, cụ thể hôm nay là chín giờ tối. Việc ở công xưởng nhiều, lại thêm chính quyền mới nên loay hoay mãi Nỗ mới được thả lỏng một chút. May mà công ty lớn có anh hai chị ba quản lý, không thì Nỗ chắc không trụ nổi trước tình thế này. Cậu ngẩng đầu nhìn trăng sáng trên cao, thời tiết đang độ vào xuân nên trong lành hơn, trời cũng thoáng đãng hơn. Lúc nhỏ có Dân đón tết cùng thì niềm vui cũng tìm được ở những điều giản dị tầm thường nhất. Dân đi lính rồi mất tích bao nhiêu năm, là bấy nhiêu cái tết Nỗ buồn bã không nguôi. Khi đó, nhìn trăm hoa khoe sắc mà trong mắt Nỗ chỉ thấy một màu xám bi thương. Bây giờ Dân về rồi, cái bệnh “nhìn đâu cũng thấy màu xám” của Nỗ cuối cùng cũng khỏi. Dù không biết phải chờ đến bao giờ, nhưng vì Dân còn sống nên Nỗ nguyện lòng chờ đợi. 

Lúc thằng Thành lớn đem thư ra bưu điện để gửi, Nỗ đã ở ngoài vườn chăm bón cho đám cây. Chăm sóc cây cối là hoạt động giải trừ căng thẳng hiệu quả nhất mà Nỗ có thể nghĩ ra ngoại trừ đọc sách. Nhìn những nụ hoa lưu ly đang chuẩn bị bung nở, cậu lại nhớ đến cái ngày mà Dân trồng bọn nó xuống. Để mua được hạt giống, Dân khi đó mười chín tuổi phải mua từ tay những người buôn, giá một bịch hạt giống cỡ bằng lòng bàn tay đắt đến mức Nỗ nghe qua phải giật mình. Dân đã để dành tiền tiêu vặt hay tiền thừa mà bề trên cho để mua, còn chưa biết là trồng được hay không. Nỗ khi đó đã trách Dân rất nhiều, nhưng cuối cùng cũng cùng hắn gieo hạt, còn là người chăm sóc mấy năm qua. 

“Anh nghe ông đó nói hoa này còn có tên là forget me not đó.” Dân tủm tỉm cười.

Nỗ ngừng tay xới đất, trái tim mạnh mẽ đánh "thịch" một cái. Một loại cảm giác sợ hãi dâng lên trong lòng cậu, hàng trăm ý nghĩ không mấy hay ho như một chiếc máy chạy qua đầu Nỗ rất nhanh. Dân muốn nói gì? Dân nói vậy nghĩa là sao? Ngoài kia nguy hiểm bủa vây như thế, Dân nói thế nghĩa là sao??

“Hi vọng khi anh về, anh có thể thấy chúng nở hoa.” Dân đập đập tay lên ụ đất, tiếp tục tủm tỉm cười. “Khi anh về.”

Dân quay sang nhìn Nỗ, mắt hắn cong cong mang ý cười, còn lòng cậu thì bỗng nhiên nóng lên, cảm giác sợ hãi sẽ mất hắn vĩnh viễn khiến Nỗ suýt nữa đã không thể kìm nén nổi.

"Nỗ cho phép anh cưới Nỗ được không?"

Bùm!!

Nỗ ngượng chín cả mặt, chỉ sợ rằng mặt trời ngày hôm đó còn không thể đỏ và nóng bằng mặt cậu. Trong lúc bối rối, Nỗ khua kéo loạn xạ vào cây tùng la hán, đến khi bình tĩnh lại, mới nhận ra đám lá cây đã bị mình cắt không ra hình thù gì. Cảm giác nhộn nhạo và lo lắng trong lòng càng lúc càng tăng.  

“Anh ngăn hong kịp luôn á!”

Dân chống nạnh nhìn cái cây bị Nỗ làm cho biến dạng, lắc đầu cảm thán. Tay Nỗ vẫn cầm kéo, nhìn Dân, rồi bật cười.

“Có bao nhiêu đâu! Mua lại mấy hồi.”

“Anh biết. Nhưng mà không đáng.”

Dân ngồi xuống chỗ ụ đất, tiếp tục lấp đất lên. Nỗ đứng nhìn đỉnh đầu đen tuyền của Dân, trong lòng dâng lên cảm giác nôn nao khó tả. Cậu không biết hắn đã nghĩ gì khi nói câu đó, nhưng trái tim này của Nỗ dường như không chịu đựng nổi sức ép kinh khủng mà câu nói đó gây ra. Nỗ đã tự đặt hàng trăm câu hỏi trong đầu, rằng Dân thực sự nghiêm túc hay là nói chơi, nếu nghiêm túc thì cậu sẽ trả lời thế nào? Nếu nói chơi thì phản ứng ra sao? Hàng trăm câu hỏi nảy lên trong đầu Nỗ như lô tô, cuốn cậu theo những suy nghĩ xa xôi mà cho tới khi quay về thực tại, cái cây yêu quí của anh Cả đã trở nên nham nhở, có phần trơ trọi dưới đường kéo của Nỗ.  Hiện tại, khi đã bình tĩnh lại, cậu bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh xa xôi hơn. Khi mà những người ở bên ngoài hàng rào nhà ông bá Lý biết tin cậu Út yêu đương với một người đàn ông, rồi đàm tiếu, rồi chửi rủa, Nỗ chịu được, Dân chịu được, nhưng ai trong nhà mà chịu được? Những đứa nhỏ sau này lớn lên, liệu tụi nó có phải chịu sự trêu chọc của bạn bè chỉ vì chủ của tụi nó yêu một người đồng giới? Rồi sau này của sau này nữa, khi cả Nỗ và Dân ở tuổi xế chiều, liệu rằng có cảm thấy hối hận vì đã “không bình thường”, không người thân, không người nối dõi? Nỗ thở ra, ngồi xuống bên cạnh Dân.

“Suy nghĩ kĩ chưa mà nói vậy?”

“Mỗi ngày đều nghĩ tới.” Dân mỉm cười nhìn Nỗ, lại tiếp tục đào đất. “Mỗi ngày đều suy nghĩ làm sao cưới được em mà gia đạo mình vẫn bình an.”

"Ông bá Lý khó lắm đó."

"Ừa thì anh làm việc cho ông bá Lý mà."

"Anh cả, anh hai, anh ba cũng khó nữa."

"Ừa anh cũng làm việc cho cậu Cả, cậu Hai, cậu Ba mà." 

"Má Ba tính cũng kì nữa!"

"Ừa anh biết."

Nỗ nhất thời cứng họng, những người mà Nỗ cho là "khó" nhất nhà đã được liệt kê, nhưng Dân lại chẳng có chút biểu hiện nào của lo lắng hay sợ sệt. Thật ra cũng không thể trách hắn giấu nhẹm đi cảm xúc. Mấy năm trời làm việc cho nhà này, hắn có khi nào mà được thảnh thơi đâu. Cả ngày bận tối mắt tối mũi, có khi đến khuya mới thấy được mặt mày. Có đợt hắn bệnh nặng, phải nằm hết một tuần. Bác sĩ Tuấn ngày nào thăm khám cũng chửi rủa đủ thứ, cái miệng độc địa chanh chua không ai bằng. Vậy mà thiếu gia Hách chịu nổi. Sau đợt đó, ông bá Lý phải sắp xếp lại công việc, Dân mới có thời gian nghỉ ngơi một chút. Nỗ xót Dân muốn chết, lúc còn ngại ngùng thì bữa nào cũng học khuya chờ Dân về chỉ để cho miếng bánh hộp xôi, lúc được sự chấp thuận của bà Tư thì cứ tối nào mà Dân đi canh điền về muộn, là thấy Nỗ ngồi ở nhà sau ngủ gục, có khi trên tay còn cầm bánh mì đã nguội lạnh từ lâu. Thế là Dân vừa đi làm về, mình mẩy còn ướt đẫm mồ hôi lại phải cõng Nỗ lên phòng ngủ, tắm rửa sạch sẽ, đi thăm nhà trước nhà sau, sau cùng lên phòng Nỗ nhìn một cái rồi mới yên tâm về phòng mình ngủ. Hôm nào không đi làm khuya, Dân ở trên phòng Nỗ cả buổi, Nỗ dạy cho biết nhiều thứ. Cuối cùng trả công bằng cái hôn ở má. Dù bà Ba vẫn hay tỏ thái độ với cả hai, nhưng cũng không phải quá gay gắt. Mấy đứa nhỏ được nhận nuôi thi thoảng không hiểu chuyện vẫn hay hỏi, nhưng mà những điều nhỏ nhặt này cơ bản không thấm vào đâu so với nhiều thứ ở tương lai mà hai người phải đối mặt. Nỗ khi đó vô cùng chần chừ, dù tình yêu với Dân có sâu đậm đến mức nào, thì thời đại này có quá nhiều người sẽ không đồng ý với việc hai người đàn ông yêu nhau. Lại thêm chuyện binh biến bên ngoài hàng rào, còn chưa biết Dân đi rồi có về được không hay ngộ nhỡ… Nên khi đó, Nỗ chần chừ và vô cùng sợ hãi, không thể cho Dân một câu trả lời đàng hoàng.

Nỗ tỉa phần lá cuối cùng của cây tùng la hán mà năm xưa mình cắt đến tan tác, mỉm cười thật xinh đẹp bên dưới chiếc nón rộng vành. Dù không biết khi nào Dân sẽ thực sự về với mình, nhưng Nỗ biết rằng, tình yêu này của hai người sẽ mãi bền chặt, vì mối tình này là tình đầu của cả hai, cũng là mối tình cuối của hai người. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro