Một. Ở CẢNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi vẫn nhớ hôm đó, nhớ kĩ. Nhớ trời nắng cháy da, những tia nắng nóng nảy càn quét da thịt đám dân cảng chúng tôi hệt như một đứa bé gắt gỏng luôn gầm gừ đòi kẹo.

Mặt trời đứng bóng.

Phải rồi, còn tệ hơn đám trẻ đòi kẹo.

Những năm ấy, tôi tưởng mình cứ như đang đứng đâu đó dưới lòng đất sâu hun hút, đen kịt và đầy tuyệt vọng. Không biết mình rơi xuống từ bao giờ, cũng chẳng biết đã bao lâu. Như thể một cậu nhóc cứ mải ngửa đầu nhìn miệng hố tít trên cao, không muốn thoát và hiển nhiên chẳng thể thoát. Liệu cuộc đời tôi sẽ bị chôn vùi vĩnh hằng nơi tối tăm này hay sao? - tôi đã nghĩ như thế, phải mà tôi có chút ý chí thoát ra khỏi đây, giá mà tôi bắt đầu đào xới chút hi vọng, ban đầu cũng có, nhưng giờ tôi chỉ nghĩ.

Nhưng rồi, như thể Chúa đã xót thương khi nghe thấy tiếng tim tôi bị đè bẹp theo năm tháng, em chợt đến cùng một mẩu dây thừng bện to bằng cả lóng tay - người mang một thứ phát sáng như thứ tín hiệu nhiệm màu cho tôi chút ít hi vọng. Chỉ trong một cái chớp mắt, tôi nhanh chóng từ hố sâu giật mình trở về thực tại, và đó cũng là lần đầu tiên ta gặp nhau.

×××

Em đứng trong bóng râm dưới một tán cây thấp, tóc được tết thành hai bím gọn gàng cùng một bộ váy trắng dài qua gối, thoạt nhìn rất đắt tiền. Ánh mắt em đượm thứ cảm giác phức tạp mà tôi không tài nào lí giải, hướng về phía ngọn hải đăng xa xăm, mũi giày tròn loáng bóng nhướn lên tỏ vẻ như đang ngóng chờ một điều gì đó. Hai tay em ôm chặt con búp bê nhỏ, một con búp bê bằng vải đã phai màu, với làn tóc màu nắng nhạt được tết cùng một kiểu với em, và cũng mặc một chiếc váy trắng hệt như cô chủ nhỏ. Em đứng đó, cứ hễ nghe thấy âm thanh của một chuyến tàu cập bến vang lên, em sẽ giật giật phần bím tóc của búp bê. Khoé môi em cong lên đầy thích thú nhìn tàu từ từ nhập cảng, và rồi như chỉ có như thế, em lại nhanh chóng mím môi thành một đường chỉ thẳng, vẻ mặt thể hiện sự chán chường vì không bắt gặp được điều làm em háo hức mong đợi, rồi em tiếp tục chờ.

Mọi thứ diễn ra như một vòng tuần hoàn nho nhỏ.

Ở cảng Sồi Đỏ.

Tôi đứng cách em một quãng, vắt vẻo trên những thanh rào chắn ngang giữa nền gạch và lối ra bãi cát ươm đầy nắng vàng, như lọt thỏm trong một lò nướng khổng lồ lộ thiên cạnh biển. Không xa cũng chẳng gần, nhưng vừa đủ để nhìn em thật rõ. Cũng vừa đủ để tôi bắt đầu thầm mến một ánh mắt tôi chưa từng gặp qua.

Khác với em, ánh nhìn của tôi có lẽ mang theo chút hơi nóng hắt lên từ gạch lát, em như cảm nhận được điều gì đó, bất giác phá vỡ đi vòng lặp khép kín của mình, quay đầu sang nhìn về phía tôi.

Tôi chuyển hướng nhìn, nhanh chóng lảng tránh sự đánh giá (tôi nghĩ thế) từ em.

Da đầu tôi tê rần tưởng như vừa đâm vào ổ kiến, bị nhìn chòng chọc rõ là chẳng dễ chịu  chút nào, lẽ ra tôi nên biết thế từ sớm.

Tôi biết tôi chỉ là một đứa trẻ bần hèn, không nhà cửa, sống chui rúc, ở ké dưới hầm của dân địa phương. Gia đình tôi tan nát từ trước khi chúng tôi kịp có một tấm ảnh gia đình để tưởng niệm. Xác bố tôi chưa bao giờ được tìm thấy, thuyền của ông bị đắm vào một đêm bão và có lẽ bây giờ xương cốt ông đã bị vùi chôn dưới đáy biển sâu. Mẹ tôi từ lâu cũng đã lênh đênh cõi không tên, đã quá lâu để tôi có thể nhớ lí do mẹ tôi không còn sống, cũng đã quá lâu để bắt tôi phải nhớ được khuôn mặt của họ mang dáng hình ra sao.

Tôi là một thằng con trai nghèo, từ khi còn nhà đã vậy, đến khi bố mất họ càng khinh khỉnh và ngang nhiên đuổi tôi khỏi chiếc thuyền con của chúng tôi. Tôi đã sống một cách hèn mọn và hay lang thang quanh những khoang thuyền hành nghề trộm cắp. Tôi không mang dáng dấp thanh cao như em, mớ tóc cháy nắng lỉa chỉa cứng như mấy cọng thép cũng chẳng được chải chuốt, không có những món đồ chơi hàng ngoại nhập, không được ăn vận đẹp đẽ hay thậm chí dù chỉ là một chiếc áo đủ dày để thoát khỏi cái lạnh của biển đêm. Tôi bị nắng hun cho cháy da khét thịt, cũng không mang ánh mắt (dẫu có chút phiền lòng khó lí giải) nhưng lấp lánh đầy niềm vui thích mới lạ khi ở cảng, như em.

Tôi không giống em, tôi phát ngán với cái cảng Sồi Đỏ này.

Tôi có thể ba hoa chích chòe với đám du khách cả ngày trời về nơi đây: Cảng Sồi Đỏ chúng tôi đầy ắp những thứ hải sản tươi roi rói, những con cá ngon ngọt nhất mọi người từng được nếm thử trong đời! Dù thực tế tôi đã quên bẵng đi tôm cá tươi có vị như thế nào từ lâu, tôi làm quái gì có tiền, và cũng chẳng có thuyền để tự mình đi đánh lưới. Tôi cười đùa với họ về một sự thật hiển nhiên rằng chẳng có cây sồi đỏ nào ở cảng Sồi Đỏ cả, vì có Chúa mới biết gã láu cá nào đã đặt cho cảng biển tên của một loại thân gỗ mọc trong rừng. Tôi thậm chí còn có thể vẫy tay với mấy tên đàn ông khuân vác hàng hóa gần đó và nhe hàm răng nham nhở ra cười, chỉ để đám du khách tin vào câu người dân ở cảng Sồi Đỏ thân thiện nhất quả đất (mấy gã đó thường cũng sẽ hợp tác tung hứng với tôi vài câu, nhưng tôi biết mấy gã hẳn đã nôn ọe cả chục lần trong suy nghĩ và hẳn sẽ cười nhạo tôi ngay tắp lự nếu không vì vài đồng bo lấp lánh) và một lần nữa, chỉ có Chúa mới biết ngài đã muốn cắt lưỡi tôi bao nhiêu lần vì cái tội nói dối không chớp mắt của tôi.

Tôi như thế cốt cũng chỉ để kiếm được mấy đồng thưởng, rồi lại chia chác làm ăn, sau đó lại tiếp tục ra vẻ chuyên nghiệp với tốp du khách tiếp theo, kiếm tiền.

Tôi cũng có một vòng lặp khép kín cho riêng mình, như em.

Dù là thế, tôi chưa bao giờ muốn ở lại cảng biển nhưng cũng chưa lần nào muốn rời khỏi cảng biển. Tôi đã sống ở nơi này kể từ khi có kí ức, và dù có thấy nhàm chán ra sao, tôi vẫn là một đứa trẻ được cảng Sồi Đỏ nuôi lớn và bảo vệ. Tôi khá sợ việc phải rời bỏ vỏ bọc của mình, sợ cả những thứ mới mẻ mà tôi chưa từng được nhìn thấy, tôi cũng chưa từng cảm thấy mình sẽ nhìn một điều mới lạ với niềm thích thú như em, không phải tôi đang ghen tị hay so sánh mình với em, có lẽ, tôi nào dám. Nhưng tôi ngưỡng mộ em khôn cùng. Có thể là vì lẽ đó, trong phút chốc gặp mặt em, nhìn thấy em, đầu óc tôi đã ngập tràn sự tưởng tượng về một tương lai giả định khác hẳn bình thường, mọi thứ xảy ra nhanh đến lạ.

Tôi đoán chừng mình đang cư xử rất gượng gạo, tôi ngượng ngùng gãi gãi đầu, hai má nóng ran. Lần đầu tiên tôi thấy thật may mắn vì thời gian qua mình đã sống chui rúc dưới nơi tối tăm không chút ánh sáng và phơi mình giữa cái nắng rát da của biển. Làn da bị nắng táp mỗi ngày và khuôn mặt đen nhẻm bởi hầm than đã thành công cứu tôi khỏi sắc ửng đỏ ngượng ngùng. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình tệ hại đến thế, chỉ muốn chiếc đồng hồ thời gian đứng kim ngay khoảnh khắc này để tôi được đường đường chính chính ngắm nhìn em rõ hơn, gần hơn và lâu hơn một chút.

Tôi có chút bồn chồn, khẽ đánh mắt sang ngó xem em đã dời tầm mắt về phía ngọn hải đăng quen thuộc hay chưa. Tôi mong là rồi, vì tôi sợ em sẽ buồn bực khi bị một thằng nhóc đen nhẻm và đầy mùi than dầu như tôi phá vỡ cảnh biển. Nhưng trái lại, em không hề sợ sệt như tôi đã dự đoán, em không có lấy một tia thất vọng khi nhìn thấy sự xấu xí mà tôi tin cả đời em chưa từng bắt gặp. Sau vài cái chớp mắt, em nhoẻn miệng cười, một nụ cười ngọt ngào như mấy viên đường vuông vức tôi thường trộm ở hàng trà, nụ cười làm tôi nhung nhớ ở tận cuối dòng chảy kí ức. Em vẫy vẫy tay, tôi đoán là em muốn chào tôi, vì đó là phép lịch sự đầu tiên mà những đứa trẻ con nhà gia giáo như em sớm phải thuộc nằm lòng. Hai mắt tôi mở to đầy bất ngờ, tôi ngập ngừng, và trong một khoảnh khắc nào đấy, tôi đã quên mất mình cũng nên đưa tay đáp lại lời chào của em.

Tôi đúng là một đứa sỗ sàng, tất cả những gì tôi biết về lễ giáo đều là nhờ ông già khó chịu hàng bánh mắng mỗi khi tôi nài nỉ ông ta cho mót vài cái bánh đem bán.

Một người đàn bà từ đâu đó xuất hiện, tiến đến đón em về. Thoáng đầu, em cúi gằm mặt ngoan ngoãn quay đi, nhưng rồi, em lại đột ngột ngoảnh mặt lại, ánh mắt có chút luyến tiếc nhìn cảnh biển, nhìn ngọn hải đăng của em, và có thể có cả tôi trong đó nữa, cứ cho là thế đi.

Lòng tôi rạo rực, tôi thoát khỏi cảnh vắt vẻo trên rào, bàn chân trần chạm xuống nền gạch nóng rát, tôi nhăn mặt, suýt chút nữa đã nhảy cẫng lên rồi bổ nhào vồ mặt đất. Tôi chẳng có thời giờ để xuýt xoa, Chúa ơi vậy mà tôi lại chần chừ, dù tôi muốn đưa tay lên vẫy chào tạm biệt em, nhưng cuối cùng vẫn muộn hơn định mệnh một chút.

Em được bố bế lên con xe đen bóng nhẫy, tiếng động cơ nổ giòn và làn khói xe phụt ra từ ống bô che mất tầm nhìn. Tôi đứng thất thần, chỉ biết trơ mắt nhìn con xe khuất dần sau đoạn đường vắng.

Nắng tắt, chỉ còn mình tôi ở cảng Sồi Đỏ.

Tôi cứ ngỡ mình vừa nằm mơ, một giấc mơ quá đỗi hân hoan, em giống với Chúa trời, còn tôi sắm vai một con chiên ngoan đạo. Đối với tôi em chính là vậy, bởi em là người tôi có thể nhìn thấy, có thể đem lòng si mê, nhưng chỉ có vậy, chẳng thể vươn tay chạm vào hay giữ lấy.

Đến tận khi thân thể này trở về nơi miễn cưỡng có thể gọi là nhà, tôi vẫn cứ như lạc vào ánh mắt khi đó, lạc vào cảnh biển xa cùng ngọn hải đăng thân thuộc. tôi sa vào cõi mộng, tất cả những gì vừa diễn ra quá đỗi bất ngờ, hỡi những vì chiêm tinh trên trời, và ơn Chúa, xin hãy đưa tôi vào cõi có em.

Tôi đã trót không thể rời mắt khỏi thứ ánh sáng lấp lánh tỏa ra từ em, giấc mộng đẹp nhất tuổi mười ba của tôi, khoảnh khắc thấy như vừa được sống lại của tôi, nhưng em thì không phải của tôi.

Tôi ngả lưng bừa vào một góc coi như là khá sạch sẽ trong hầm, khép đôi mi lại và suy nghĩ vẩn vơ về những nỗi nhớ nhung non nớt của một đứa nhóc. Những nỗi nhớ nhung chập chờn, ấm nóng như cát trắng phơi mình cùng biển cả, khoác lên gam nắng vàng đầy chân thật, cháy da thịt.

Như một đám lửa, thật, một đám lửa.

Lửa cháy to và lan sang những căn nhà bên cạnh.

Tiếng hô hoán dần trở nên dày đặc, nhốn nháo náo loạn.

Khói và tro bay túi bụi, chúng len lỏi giữa những khe hở và lấp đầy căn hầm chỉ trong giây lát. Chúng suýt khiến tôi chết ngạt, đè nén cuống họng và làm trì trệ trái tim ươm mùi biển sớm đã thô ráp.

Có lẽ như lúc đấy Chúa đã đáp lại lời van lơn của tôi, và ngài vừa định mang tôi đến trước mặt để đàm phán.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro