0. Ngôi mộ kép

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sài Gòn, 2015.

Nhân viên công tác xã hội Chi Lợi ngẩng đầu, mặn môi nhìn cái thời tiết hẩm hiu của Sài Gòn mùa này, chợt tặc lưỡi cái tách, chốn này đáng ghét quá đi mất, ngày thì mưa đêm thì nóng như đổ lửa, vậy mà dân họ ở đây hoài được cũng hay.

Ông già làm nghề trông coi nghĩa địa bì bõm từ trong nhà đi ra ngoài sân, hai tay rinh cái thùng nước lớn để nó tòn ten đung đưa chính giữa hai giò, thấy Chi Lợi còn ôm ba lô trên tay chưa chịu đi về, ông lắc đầu nói thêm lần nữa.

"Về đi, hôm nay mưa, không có thăm mả được."

Về là về làm sao đây? Chi Lợi nhíu mày, bắt chuyến bay từ Đà Nẵng tới Sài Gòn, vậy mà đi sang đây hai bận đều không được vô thăm mả, cái mả nằm đẩu đâu tuốt trong miệt sân nhà ổng, trời mưa ổng không cho vô, bắt bữa nào ráo trời thì ghé.

"Mà chú ơi, con tới vì công việc thật mà, con là Nhân viên công tác Xã hội, tới để hoàn thành tâm nguyện của thân chủ con."

Chi Lợi nói một lèo, cái giọng của người miền Trung làm ông già nghe không đặng, cộng thêm mưa sớm cứ dội thẳng xuống mái tôn lạch tạch, hai người đối diện với nhau kẻ nói người nghe vậy mà một hồi hỏng ai hiểu gì hết.

"Mày nói từ từ thôi, chú già rồi..."

Chi Lợi chùi bàn tay ướt sũng nước mưa vô hai bên đùi rồi rút trong balo ra một tờ giấy ủy thác, thân chủ của cô có người em thất lạc hai mươi mấy năm, sau mấy bận thời cuộc ly loạn hồi đó, tới giờ mới tìm được chỗ ở của nhau, vậy mà chưa kịp gặp nhau thì người em không may qua đời, thân chủ của cô cũng lâm bệnh nặng, mấy ngày trước gửi cho Chi Lợi địa chỉ chỗ này, nói là muốn đem kỷ vật hồi nhỏ của cả hai về nơi an nghỉ cuối cùng của người em, vậy mới thấy không có lỗi.

Lý giải xong trời cũng vừa dứt mưa, ông già gật đầu mấy cái, mái tóc hoa tiêu đội nắng rề rà cùng Chi Lợi đi ra ngoài mấy cái mả.

Chỗ này là nghĩa địa "tư nhân", đất rộng quá không có gì làm nên đem chôn người chết, ai chết không có người thân lo thì cứ để cho ông già lo, sống một đời khổ cực tới chết thì cũng phải được đáp đền chớ, ai mà biết lúc sống làm gì sai quấy nhưng nghĩa tử là nghĩa tận mà.

Chi Lợi hoàn thành thủ tục ủy thác bàn giao xong xuôi, đưa giấy cho ông già ký tên xẹt xẹt rồi để cái hộp lên trên bàn thờ, mưa vừa dứt là nắng cũng đổ, bởi vậy nói Sài Gòn thất thường đâu có sai.

"Ủa, sao hai cái mộ kia nằm sát nhau dữ vậy chú?"

Chi Lợi làm việc xong xuôi, húng hắng đi vòng vòng coi ông già quét mả, một dãy mồ mả dài sọc nối nhau nằm san sát, cỏ mọc theo hàng theo lối trải giữa đường đi, ông già chăm từng cái mả như chăm người thân mình nằm đó, ở cái chốn này chắc có mình ổng vậy thôi.

"Đừng có chỉ trỏ vô mộ của người ta, bị quở bây giờ đó."

Ông già nhoài đầu vừa ghì bàn tay đặng chà sạch cái vệt loang dơ trên mộ, vừa nhắc nhở cái đứa vô ý tứ đằng sau.

"Nam mô à, con nhỏ nó không có biết gì, mới tới đây lần đầu lỡ có gì sai thôi bỏ qua cho nó nghe, chiều tui soạn dĩa bánh ra cho mà ăn."

Ông già lau xong, lúc đi ngang cái mả kép thì lấy bàn tay vỗ lên mộ, thủ thỉ mấy tiếng nữa mới ngưng.

Ông già rủ Chi Lợi vô trong nhà ngồi uống nước, cũng lâu dữ rồi trong nhà không có khách lạ, ở một mình sớm tối ra vô mấy chục năm tưởng không tủi mà tủi không tưởng.

"Mốt mày đừng có chỉ trỏ mả của người ta, gặp người khó tánh người ta đi theo mày cho mày khỏi lấy chồng luôn đó."

Ông già nửa giỡn nửa thiệt, thấy Chi Lợi sợ xanh mặt ra mới thôi, ổng húp một ngụm trà rồi chành miệng vì cái vị đắng nghét chảy lên đầu lưỡi, uống nhiều năm rồi mà cũng còn thấy đắng.

"Hồi nữa mày về, chạy ra ngoài ngoải xin lỗi người ta một tiếng đi nghe hôn, tao soạn cho dĩa bánh rồi đem ra."

Chi Lợi gật đầu, nghe chớ không dám cãi.

Giữa trưa mặt trời treo cao, nắng dát vàng cả khuỷnh sân nhà, Chi Lợi đem dĩa bánh ra ngoài cái mả kép hồi nãy, miệng lẩm bẩm mấy câu ông già chỉ.

"Lần đầu con tới đây, con không cố ý mạo phạm người đã khuất, xin bỏ qua cho con. Lần đầu con tới đây, con không cố ý mạo phạm người đã khuất, xin bỏ qua cho con."

Cái mả kép nằm tuốt luốt trong góc sân, sơn ngoài màu xám, là cái mả độc nhất vô nhị ở đây, mả kép mà hai cái tên ở trên không cùng họ, ông già nói mả kép thường chỉ dành cho người cùng huyết thống, có máu mủ mới chôn chung, còn không thì là vợ chồng người ta chết mà không muốn xa lìa.

Cái mả này ngó sao cũng thấy lạ, trên mả có tên hai người con gái, không cùng họ, một Kim một Liễu.

Chi Lợi đứng trước cái mả kép, để dĩa bánh lên rồi đốt cây nhang chuẩn bị khấn, chưa kịp khấn tự nhiên nước mắt chảy ào ào, không biết tại vì sao mà không ngừng được. Bàn tay Chi Lợi đặt lên mả, xúc cảm chạy dài từ đầu ngón tay lan lên não, càng chạm nhiều, nước mắt càng chảy ra, cõi lòng trống không mà nước mắt cứ tuôn như suối. Mãi cho tới khi Chi Lợi nhấc bàn tay ra khỏi ngôi mộ, cô mới thôi nước mắt.

Giữa trưa, Chi Lợi bắt xe ôm quay về khách sạn, trên đường về trong đầu cô dấy hàng tá điều khó hiểu, nhưng tất cả đều được Chi Lợi lý giải bằng một cách hết sức khoa học, có lẽ khói nhang nơi đó khiến mắt cô bị cay, rồi nước mắt tự động chảy ra, dù khi đó Chi Lợi hoàn toàn không hề thấy cay mắt.

"À, đoạn này tên gọi là gì bác nhỉ?" Chi Lợi hỏi khi chiếc xe trờ tới trước cửa khách sạn.

"Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cháu ạ." Bác xe ôm cao giọng đáp, thả Lợi xuống tận nơi, bác lấy của cô ba chục ngàn, hẹn cô có đi đâu thì ra ngoài bờ hồ đối diện là sẽ thấy bác.

Chi Lợi cười xòa gật đầu cho có lệ rồi quẩy ba lô đi vào trong. Khách sạn ba sao Chi Lợi đặt chỗ trước một đêm bay ra Sài Gòn, dù view ở đây không đẹp cho lắm nhưng ít ra nó cũng sạch sẽ và gọn gàng, suy cho cùng thì tiền nào của nấy.

Ngủ một giấc quá trưa, mặt trời đè nặng trên đầu Chi Lợi mới bừng tỉnh, tất cả những gì cô cảm nhận được chỉ là mệt mỏi và mệt mỏi. Vì tính chất công việc của mình, Chi Lợi luôn phải trôi nổi ở khắp nơi, làm cu li cho thiên hạ, cái nghề mà mẹ cô gọi là cái nghề bao đồng, vậy chứ mà hình như có duyên nên Chi Lợi không bỏ được. Có điều đây là lần đầu tiên Lợi thấy mệt tới mức như vậy, ngủ một giấc dậy không những không khỏe hơn mà còn mệt gấp đôi buổi sáng.

Trong lúc ngủ, Chi Lợi không hề ý thức được đã có chuyện gì xảy ra, chỉ biết rằng mình cảm thấy rất khó thở.

"Chắc là chưa quen chỗ lạ" Chi Lợi tự trấn an mình, cô ngồi dạy làm vệ sinh cá nhân xong xuôi, bước ra khỏi cổng cũng là lúc phố xá bắt đầu lên đèn.

Dọc con hẻm nhỏ dẫn vào trong khách sạn, người dân nơi đây khiến cho Lợi có chút cảm giác choáng ngợp, những đứa trẻ nhỏ nô đùa không ngừng chạy nhảy khắp nơi, không hề nhìn thấy có người đang đi tới, chúng liên tục chạy vòng xung quanh Chi Lợi, những bậc lão thành cặm cụi với việc riêng của mình trước cửa nhà hay những người đàn bà mặc đồ bộ ngồi thành một tụ ở cuối đường đang bàn tán về một người nào đó mà Chi Lợi chẳng hề biết tên. Con hẻm bị phủ một màu xám tro kỳ lạ, Chi Lợi thấy hoa mắt vì lũ trẻ cứ liên tục chạy vòng quanh mình, thanh âm rền vang những tiếng xì xào của mọi người dội thẳng vào tai cô, bỗng cô co người lại, cánh tay bật ra tìm một vách tường gần đó để bám vào, Chi Lợi nôn thốc nôn tháo ngay dưới chân mình, khiến cho con hẻm vốn đang náo nhiệt nhất thời im bặt, tất cả ánh nhìn già trẻ đều đổ dồn về phía cô. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, Chi Lợi có cảm giác như mình đang đứng giữa bầy sói dữ tợn, từng ánh nhìn soi mói sáng lóe lên trong đêm, bất giác Chi Lợi rùng mình một cái.

                                                                                          ...

Ngày đầu ở chốn lạ, Lợi chỉ dám đi vòng vòng gần đó, bởi cái tính thích khám phá đây đó một mình thành thử ra Chi Lợi không thèm kêu xe ôm hay xích lô gì đưa đi cho tiện. Ăn uống xong, Chi Lợi cuốc bộ về lại khách sạn, mặt mũi phơi ra ngoài để cho gió đêm ở bờ kè thổi mát. Chắc là tối nay cô sẽ ngủ ngon, vì trước khi ngủ cô đã cuốc bộ một đoạn khá xa, chân cẳng mỏi nhừ nhưng mà thích lắm.

Về lại khách sạn, chủ khách sạn là một người đàn ông 35 tuổi cao lớn và rất hiếu khách, Chi Lợi nhận được tất cả những ưu đãi từ anh ta như thể cô là vị khách duy nhất đến đây thuê phòng trong suốt một thời gian dài vậy.

Và đúng như thế, Chi Lợi là vị khách hiếm hoi đến đây tìm thuê phòng, người chủ giải thích với cô rằng vì vị trí khách sạn không được tốt, nằm tuốt trong hẻm nên người ta thường không đến thuê nhiều, nhu cầu của khách hiện tại ngày càng cao, họ thích những căn phòng mở cửa sổ ra là có thể thấy biển, thấy núi, hoặc ít nhất cũng thấy được dòng xe nối đuôi nhau chạy ròng trên cung đường lớn. Còn ở đây chỉ có thể nhìn thấy một vách tường lạnh lẽo.

"Khách sạn mình mở cửa lâu chưa anh nhỉ? Em thấy với lượng khách hơi khiêm tốn như thế này, làm sao mình có thể đảm bảo thu nhập hàng tháng?" Ngồi trên bàn ăn, Chi Lợi không ngại hỏi han những khó khăn mà người chủ đang gánh, anh mời cô một bữa ăn như thông lệ của khách sạn mỗi khi có một lượt khách mới tới thuê.

"Khách sạn anh mở từ năm 2000, thật ra thì đây là nhà cũ của bố mẹ anh sau khi mất đã để lại từ sau giải phóng"

"Vậy Hưng Thịnh cũng là...?"

"Đúng rồi, Hưng Thịnh là tên của anh, cũng là tên anh lấy đặt cho khách sạn, nhưng mà hình như nó không được hưng thịnh cho lắm"

Anh Thịnh cười khổ, tay gắp vào bát cơm một miếng thịt kho vừa nạt vừa mỡ, Chi Lợi gật gù, trong đầu hiện lên một suy nghĩ mới, có lẽ trước đây bố mẹ của anh ta rất giàu, phải giàu lắm mới có được một căn nhà lớn như thế này.

Khách sạn Hưng Thịnh dù không có góc nhìn đẹp nhưng chung quy vẫn là một thiết kế không hề thua kém so với các khách sạn 3 sao khác, dịch vụ tốt, phòng ốc sạch sẽ và giá cả phải chăng, nhưng không hiểu vì sao khách sạn lại rất vắng khách.

Người chủ khổ sở có cho mình những ngày nghỉ dài từ ngày này qua tháng khác vì vắng khách tới thuê, anh tìm một nghề khác để giữ vững thu nhập mỗi tháng cho gia đình, còn quản lý khách sạn chỉ là một công việc tay trái.

Tối đó, Chi Lợi nằm ngủ trên chiếc giường đôi thơm mùi oải hương, tiếng mèo vẫn kêu oang oảng bên ngoài cửa, không biết chúng ở đâu, nhưng dưới ánh trăng sáng vằng vặt một ngày lưng chừng hạ đổ, trong lúc Sài Gòn đang say giấc nồng thì cô lại không thể nào chợp mắt.

Cánh cửa tủ dựng sát giường bất ngờ hé mở trong khi Chi Lợi đang thiu thiu ngủ, tai cô đeo ear phone nên những tạp âm bên ngoài bao gồm tiếng mèo cũng không thể nào quấy rầy cô được nữa.

Gió ngoài song cửa thổi vào trong, vồ về giấc ngủ vừa đến, trong lúc Chi Lợi chuẩn bị chìm sâu vào giấc mộng một bàn tay chỉ có ba ngón trắng toát thò ra từ cửa tủ, nhưng lại rất nhanh chóng thụt vào.

Chiếc tủ rung lên khe khẽ rồi ngừng lại hẳn. Chi Lợi vẫn ôm gối ngủ say nhờ có chiếc ear phone cắm gọn trong lỗ tai.

                                                                                               ...

Sáng hôm sau, Chi Lợi lại đến nhà ông già coi mả, dù công việc bàn giao kỷ vật đã xong, nhưng vẫn còn điều gì đó thôi thúc Chi Lợi đến đây thêm một lần nữa. Cô không thể tự lý giải được những mong muốn kỳ quặc của mình, nên cứ để cho đôi chân dẫn lối, một lần nữa Chi Lợi lại xuất hiện trước khu nghĩa địa tư nhân.

"Tới thăm mả nữa hả? Bữa nay ráo trời nè, vô nhà đi"

Ông già canh mả mở cánh cổng lớn đã bị gỉ sét gần như toàn bộ, mời Chi Lợi vào trong. Lần này cô được ông mời vô tận trong nhà, ngồi uống trà đàm đạo. Ông hỏi Lợi năm nay nhiêu tuổi, cô lễ phép đáp lại, sinh năm 1989, tháng 10 này là 26 tuổi.

"Chà, bữa rày khỏe không anh ơi" Một ông cụ luống tuổi lưng khòm bước vào nhà, tựa như có quen biết từ lâu rồi, ông lão ngồi hẳn xuống ghế, tay với lấy bình trà rót ra cái tách nhỏ.

"Khỏe gì, ho gần chết, qua nghe nhạc hả?"

Chi Lợi chào hỏi xong, ngồi lại xuống ghế cùng thắc mắc giắc ngang đầu mình, nghe nhạc mà phải lội bộ sang nhà người ta nghe, coi bộ cũng chịu khó dữ.

"Ừ, mở đi"

Trời trưa nắng cháy, mặt trời chiếu xuống nhân gian những vầng sáng lớn vỡ tan, chiếc máy cassette cũ vang lên một tiếng cạch thật nhỏ khi ông lão cắm cái cuộn băng vào trong. Chi Lợi nhíu mày, quả đúng là ở đây có nhiều đồ vật mang đậm giá trị thời cuộc quá, bây giờ tìm đâu ra người xài cái đầu máy cassette như vầy nữa, lớp trẻ hiện nay đắm chìm trong thời đại kỹ thuật số, nghe nhạc chỉ cần mua trên iTunes, Amazon, còn không thì nghe miễn phí trên các nền tảng khác, chẳng máy ai còn nhớ những chiếc băng cassette như thế này đã từng có một thời vàng son.

Tiếng nhạc chầm chậm phát ra từ chiếc đầu máy cassette, Chi Lợi thầm nhận định đúng là đồ cổ, nhạc hết bị rì thì lại bị nhão, dập, có đôi đoạn chẳng nghe thấy gì, nhưng hai ông cụ vẫn rưng rưng nghe hết một bản nhạc trữ tình.

Dù âm thanh có hơi kém chất lượng, nhưng về phần hát thì Chi Lợi phải gật gù cảm thán, bởi vì chất giọng của nữ ca sĩ nghe hay quá, giống như rót mật vào tai người ta, thảo nào ông cụ mới vừa đến lỡ miệng thốt lên một câu, gọi chiếc máy kia là nơi tôi lưu trữ ký ức, ký ức thì vốn là những điều đã cũ, bị thời gian bào mòn chẳng còn góc còn cạnh, nhưng chỉ cần thoáng nghe đến, lại nhớ rõ mồn một chẳng xót thứ gì, có chăng máy lưu trữ chỉ là một hình thức, thứ lưu trữ ký ức thật sự lại chính là trái tim ta.

"Bài này hay quá, nghe khác biệt hẳn với những ca sĩ trẻ bây giờ hát lại" Buộc miệng, Chi Lợi cất giọng khen.

"Còn phải nói à mày, đây là người đầu tiên hát ca khúc này, có cái hồn chất thơ mà dù bao nhiêu người hát lại cũng không sánh bằng"

Chi Lợi gật đầu, có vẻ ông cụ rất thích ca khúc, và dường như ông chỉ đến đây để nghe lại những chiếc băng đĩa nhạc có một không hai này. Có lẽ thời gian đã biến chúng trở thành những điều quý giá mà không có bất kì đồng tiền giá trị nào có thể mua lại được nữa.

"Liễu Trí Mẫn..." Chi Lợi đọc nhanh cái tên được in mực xanh trên bìa cuốn băng cũ, chợt nhớ hình như mình đã từng đọc được tên này ở đâu rồi.

Là ngôi mộ trước nhà, một trong hai cái tên nằm ở đó, chính là Liễu Trí Mẫn.

Bước qua bao thời cuộc loạn ly, vết hằn thời gian vẫn còn đâu đó trên đuôi mắt của những ông cụ cằn cỗi đang sống dưới vòm trời bềnh bồng như nước, mây cứ trôi, có người bạn cũ đã ở mãi trong quá khứ vào những ngày xuân thì chớm xanh.

"Đây là một trong hai người vợ của bác hả?" Chi Lợi ngây ngốc hỏi, có lẽ cô còn mang quá nhiều thắc mắc, tánh cô từ trước đến nay vẫn luôn ngại người lạ, sợ hỏi nhiều làm phiền người ta, nhưng không hiểu sao đứng trước chuyện này, có thức gì đó chứ giục giã cô xé rách hiện tại, lội ngược về quá khứ, nơi đã diễn ra những mối tình ngắn hạn đầy bi thương.

"Haha, mày đừng nói vậy, tao chỉ có một vợ thôi" Ông chú canh mả cười nắc nẻ, đuôi mắt hằn lên ty tỷ vết chân chim.

"Vợ ổng kìa, cái người họ Kim đó" Ông chú còn lại ngoắc tay ra sau, chỉ lên bàn thờ, nơi có khung ảnh thờ hai người con gái, một người tóc ngắn tên Kim Mẫn Đình, còn một người tóc dài tên Liễu Trí Mẫn.

"Cả đời này tao chỉ có thương mình bả, vậy mà bả vắn số, bỏ tao đi sớm quá" Nói đoạn, ông lão lắc đầu, đôi mắt đượm buồn ngoáy lại nhìn bức chân dung đằng sau làn khói trắng.

Chi Lợi khẽ nhíu mày, thật kỳ lạ, ông lão chỉ có một vợ, nhưng vợ ông ấy lại được thờ chung với một người phụ nữ khác, đến mộ cũng đặt chung một chỗ, còn ông thì sao?

"Mày có muốn nghe chuyện tình của ổng không?"

                                                                                                ...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro