1. Ngược dòng thời gian

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sài Gòn, 1972

Sài Gòn đầu những năm 70, trên đường Lê Văn Duyệt có một con nhỏ đánh giày ngày nào cũng ngồi án ngữ ở đầu hẻm cống Bà Xếp, ông Tây nào đi ngang nó cũng dụ tấp vô đánh giày, tuy dốt đặc cán mai nhưng ở ngoài đường hành nghề vài năm, nó cũng bỏ túi được ít vốn liếng tiếng Tây tiếng u đủ xài.

Nó tên là Đình, cả một con hẻm lớn, ngày ngày người người ra vô như mắc cửi, vậy mà không ai biết họ tên đầy đủ của nó là gì, chỉ biết tên nó độc một chữ Đình.

"Tên Đình, họ gì hỏi chi?"

Đình nhíu mày nhìn thằng du côn trước mặt nó, cái thằng lì hết sức, bị nó chửi hai ba bận rồi, vậy mà không chịu đi.

"Mày ưng tao đi, mai mốt khỏi đi đánh giày nữa, tao nuôi mày luôn."

Thằng du côn nhìn Đình không chớp mắt, nó thích Đình ghê lắm, đôi năm trước nó ghé qua đây đòi tiền bảo kê, thấy Đình xách cái hộp đồ ghề ra ngồi trước nhà, sửa soạn đi làm, lúc đó con nhỏ vừa mới trổ mã, đẹp ngây ngất, thêm cái má đào hây hây ửng hồng dưới vệt nắng dát vàng, vậy là thằng du đãng biết yêu luôn.

Từ dạo đó ngày nào nó cũng ghé qua đây, ăn bận chỉnh tề, sửa tướng sửa dáng cho Đình nó ưng bụng, vậy mà con nhỏ tới nửa cái nhìn cũng không thèm đáp trả, nó hằn học khó chịu, cái thằng điên này đâu ra vậy trời?

"Mày lo thân mày trước đi, cái ngữ du côn du đãng như mày mà đòi nuôi ai?"

Đình nói, không thèm kiêng nể gì.

Ở cái hẻm cống Bà Xếp này, giang hồ nhiều đếm không hết, có mấy tay vang tiếng khắp nơi, trộm cướp, giết người, buôn lậu, cái gì cũng có, mấy đêm nằm trông đèn, Đình còn nghe tiếng chân tụi nó chạy ầm ầm ngoài đường, dí nhau trối chết. Vậy mà ở đây mười mấy năm, Đình vẫn sống nhăn răng, chắc nhờ trời thương trời độ.

Đình sống chung với bà ngoại, ngoại của Đình lưng cong, mắt mờ, mái đâu sương lam bạc trắng, vậy chứ mà ngoại nấu ăn ngon, Đình đánh giày ở ngoài đường cả ngoài, bụng đói thông thốc mà về nhà lúc nào cũng có cơm chờ sẵn.

Thời đó Sài Gòn không thiếu cơm tiệm, cơm dành cho thị dân đa phần giá cả đều giống như nhau, dĩa cơm tấm mấy đồng ai tấp vô ăn cũng được, muốn ăn sang thì kêu 2 miếng sườn, giá tiền cũng chỉ tăng có một chút, Đình ngồi ngoài đường đánh giày, mấy bận ngó sang hàng cơm sáng bốc khói nghi ngút làm bụng nó nổi trống cồn cào, nó bấm mũi tự niệm "không được hít, không được hít" cả buổi, vậy là cũng qua ngày, lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần gió sáng thổi cái mùi thịt nướng tẩm ướp khôn khéo phảng phất quanh nó, nó đều bấm mũi thở bằng miệng, không biết bấm kiểu gì mà bây giờ, quán cơm tiệm nào ở đây nó cũng biết mùi, dù chẳng bao giờ nó bước chân vô trong đó, khẳng khái kêu một dĩa cơm sườn bì chả ngồi nhâm nhi thưởng thức cái đặc sản Sài Gòn trứ danh.

Ai hỏi ra cũng nói công thức ướp thịt y chang nhau à, cũng bấy nhiêu đó thôi, cái kịch bản cũ xì bà chủ tiệm nào cũng dắt lưng để mỗi lần khách hỏi tới thì lấy ra trả lời cho có, vậy chứ mà mỗi tiệm vị thịt nó làm khác nhau, nhưng chỗ nào cũng ngon, ăn là biết thịt nướng cơm tấm.

Ngoại Đình nấu cơm không nhiều, biết cái tính chắt chiu của nhỏ cháu, nên lúc nào cũng tỉ mỉ đong đếm sao cho vừa cơm vừa gạo mà ăn tới hết tháng, trong cái mâm cơm tròn vành vạnh, chỉ có hai khứa cá kho, một dĩa rau luộc với một chén nước mắm pha ăn hoài không hết.

"Sao ngoại hỏng đổ đi cho rồi, pha riết lợt phè à, ăn gì được nữa đâu."

Đình giả bộ giận, chỉ vô chén nước mắm bị chế nước năm lần bảy lượt riết rồi bay hết trơn cái màu nâu óng của nước mắm, chi cho cực vậy không biết, một tĩn nước mắm Đình mua đầu tháng sánh đặc vị thịt cá, chế nước chán chê thì đổ rồi múc chén khác mà ăn. Đình dè xẻn thì dè xẻn, chứ chuyện ăn uống của hai bà cháu, Đình chẳng tiếc mấy đồng, Đình nói, nó thương ngoại nhất trên đời, ngoại nó phì cười, nhe cái hàm răng đã rụng sạch trơn, tay thì cầm cây đũa cả toang gõ vô đầu nó một cái, không thương sao được, trên đời này Đình còn ai nữa đâu.

Đình không nhớ nó đã phải làm việc này bao nhiêu lần trong đời rồi, chỉ biết cứ hễ mỗi lần trời mưa, là nó đem cái thau ra giữa nhà ngồi mà hứng nước, giống như một thứ phản xạ vô điều kiện, nó làm trong vô thức bởi nó còn chẳng biết mình đang tỉnh hay mơ.

Sài Gòn mấy đêm mưa muộn giăng mắc khắp các con hẻm vốn trù mật vào ban ngày, đèn đường hắt hiu dát mấy mảng vàng lập lòe xuống gót chân những kẻ lỡ bộ, như sương sa, như khói đượm. Đình sống trong một căn nhà nhỏ nằm tuốt luốt trong tận cùng con hẻm nghèo, có cái gác lửng nồng nặc mùi ẩm mốc, thứ giá trị duy nhất trong nhà của nó chắc là cái máy cát-sét chập mạch hay bị giựt như người giựt kinh phong, mỗi lần ngoại nó mở lên nghe là phải vỗ vào bên hông cái máy vài lần mới được, ấy thế mà nó lại là thứ mang đậm giá trị thời cuộc nhất, chừng vài chục năm nữa, giới trẻ - người nặng tình nặng nghĩa với những điều hoài cổ, ưa chuộng cuộc chinh phạt thâu đêm kiếm tìm những tàn tích bị thời gian bồi lấp giữa lòng Sài Gòn tấp nập hẳn là sẽ thích cái "la dô" quỷ ma này lắm.

...

Đình ngồi trước hẻm, hộp đồ nghề để dưới chân, chèn ghế dưới đít rồi ngồi xuống lấy tờ báo ra che nắng. Mà để coi báo hôm nay viết cái gì, đương nhiên là nó không dư tiền để mua báo rồi, nó có biết chữ đâu, tờ báo này nó chôm của ông già Tàu ngồi uống trà sáng, chôm một tờ thôi, chôm hết ổng chửi.

"Trời, nữa hả?"

Ngày nào cũng vậy, không có bữa nào mà mấy tờ nhật báo không đăng bài về cái ả đào hát số một này lên, hồi đầu nhìn nàng còn thấy thích, tại nàng đẹp quá ai mà không mê, riết rồi đi đâu cũng gặp, hình nàng dán trên áp phích khắp các nẻo đường, mấy cái phòng trà còn in hẳn biển hiệu lớn, treo nàng lên cao, vậy mới hút khách.

Nàng đào hát Trí Mẫn dạo đó nức tiếng gần xa, hỏi tới tên nàng ai cũng biết, cứ hễ là tầng lớp thị dân thì ai cũng đã từng nghe nàng hát một lần rồi, mấy mụ đàn bà ngoài chợ ngồi lựa tôm lựa cá còn bình phẩm nói ra nói vô, chứ mấy gã đàn ông mà nói về Trí Mẫn, toàn khen thôi. Đâm ra nàng ta thường hay bị ghét, ghét bởi cái miệng đàn bà đồng loại, nhớ bữa đó nàng đi xích lô về nhà, thế là mấy mụ đàn bà trông thấy đồn ầm hết lên, nói nàng cập với thằng cha xích lô để có người đưa rước khỏi tốn tiền cuốc.

Đình nghe mà cười nắc nẻ, đào đắc sô như Trí Mẫn tiếc gì mấy đồng bạc lẻ đi xích lô, không chừng nàng còn cho tiền ngược thằng cha xích lô nữa. Vậy mà người ta vẫn cứ tin, tin những gì mà họ muốn.

Hồi đó người ta sùng bái cái gu thẩm mĩ của Trí Mẫn ghê lắm, lấy nàng làm cái thước đo tiêu chuẩn, trang điểm ăn mặc gì cũng nhìn vô nàng rồi làm theo, mấy cái mốt áo dài chiết eo cũng từ nàng ta mà ra, chứ hồi đó người ta mặc áo dài suông đuột, nhìn nó thuần phác mà nàng chê nó hủ lậu, quê mùa, không tôn lên được dáng dấp của người phụ nữ đẹp giống như mình.

Phát ngôn bạt mạng xong xuôi, nàng chả thèm quan tâm ngoài kia có chục trăm người chửi rủa mình mỗi ngày, Mẫn chỉ biết cấm đầu vô kiếm tiền, rồi lấy tiền đó thực hiện cái mong ước cách tân của mình.

Từ dạo Mẫn đem áo dài đi chiết eo rồi mặc nó lên sân khấu đứng hát, điệu bộ đòng đưa làm cho bao gã đàn ông nhìn vô xốn xang trong bụng, muốn ôm nàng về nhà mà sợ con vợ ở nhà làm trận làm thượng, nên mới đành ngậm ngùi ở chốn phòng trà vung tiền cho nàng, chỉ để đổi lại mấy phút nhìn ngắm tiên nhan.

Đình nhìn chằm chằm vô tấm hình của Trí Mẫn trên tờ nhật báo, nhớ lại cách đây tầm hơn tháng, Trí Mẫn có đi ngang chỗ đánh giày của nó, nàng đỏm dáng, ỏng eo lướt thướt vụt qua mặt nó, lần đầu tiên nó tiếp xúc với nàng gần như vậy, mùi nước hoa bay ra từ trong từng chân tơ kẽ tóc của nàng làm Đình nức mũi hết trơn, nó sặc lên tới não, ở trong khu ổ chuột lâu quá, có đời nào hít được mấy loại mùi hạng sang này đâu, nên Đình thấy lạ lẫm, nhất thời nó tưởng mình chìm trong gấm nhung đài trang từ đời nào, ý là chỉ mới hửi có một tí cái mùi thơm chắt chiu từ đẩu đâu trên người của nàng đào sang Trí Mẫn thôi đó.

"Tui đánh giày, chứ không có ăn xin."

Đình gắt gỏng nhìn tờ bạc lẻ Trí Mẫn mới thả xuống kế bên nó, tự nhiên thấy nàng hết đẹp.

"Đánh giày mà cũng sỉ diện dữ."

Trí Mẫn ở trên cao quá, quen sống trong lời tán tụng, nên lần đầu thấy con nhỏ đánh giày hằn hộc với mình, nàng đào 26 tuổi sốc ghê lắm, nhưng nàng không biểu lộ gì sất, nàng nhếch môi quẩy đít bỏ đi, ai mà quan tâm mày có phải con nhỏ ăn xin hay không, tao dư tiền thì tao cho.

Rồi từ đó, nàng đào số một Sài Thành lúc bấy giờ trong con mắt của Đình trở nên diêm dúa, xấu xí vô cùng tận, nó ghét nàng, ghét cái thói khinh khi người ta của nàng, mặc dù nó chỉ là một đứa đánh giày vô danh tiểu tốt, nhưng nó có cái tự trọng cao vút mấy ai thèm để ý.

Có một hôm Trí Mẫn ngồi xe chung với luật sư Thành, tham ý dò mua miếng đất nhỏ gần Đại Thế Giới, Mẫn nói để đó mốt chết thì chôn, luật sư Thành ngồi trong xe tự nhiên phì cười.

"Mới hăm sáu tuổi mà lo tính ngày xuống mồ rồi hả?"

Tính chứ sao không, nàng nghĩ mà để trong bụng, không muốn nói ra, nhìn xuống hai bên đường, cây cối thụt lùi về sau mà lòng nao nao khó tả.

Nàng chẳng muốn lấy chồng, cũng chẳng muốn đẻ con, nàng sợ có gia đình rồi nhan sắc tàn phai, lúc đó còn ai tung hô mình nữa, nàng thích cái hào nhoáng trên sân khấu hơn, thích dát xa xỉ phẩm lên đầy người, thích bận đầm bó eo, đuôi chấm gối, đứng dưới ánh đèn lúc mờ lúc tỏ ngân nga khúc tình ca không tuổi, làm bao gả trai thị thành mủi lòng dắm dúi cái xắt tay đắp đổi cho nàng mấy trăm đến mấy ngàn đồng bạc một ngày.

Người ta nói Trí Mẫn đi hát là phụ, làm gái mới là chính, bởi nàng đêm vào phòng trà ngày ra sòng bạc mấy bận, lần nào ra khỏi cổng sòng bạc cũng có mấy gã trai quấn quanh, mấy khi thấy nàng quạnh quẽ một mình. Mẫn quen sống trong cái sự o bế của thiên hạ, mấy khi Mẫn để ý tới người ghét mình ngoài kia, nhưng Mẫn ghét ai đồn mình làm gái lắm, Mẫn kiếm tiền bằng cái nghề hát chân chính, phục vụ khách thập phương bằng giọng ca của mình, chớ có phải nằm dạng hai chân ra kiếm tiền đâu mà kêu người ta làm gái.

Mẫn giận hết sức, đàn bà nhiều chuyện không bước chân vô đây, gặm nhấm cái thú thưởng ngoạn ca nhạc trữ tình sang chảnh nơi phòng trà này, đâu có hề biết Mẫn chưa có từng mồi chài bất cứ ai, đàn ông đến nghe Mẫn, say mê nàng đều là đám có tiền, tự nguyện vung tiền cho nàng, có mấy người lịch sự mà Mẫn cảm tình lắm, người ta nhét tiền giấy vô trong bó hoa hồng, trao tặng nàng tận tay, tuy vậy chứ nàng chẳng hề ưng bụng ai, nàng thích mình ên đứng đó cho bao kẻ thèm, dại gì trở thành của riêng thằng nào đó. Dưới mắt nàng, thằng nào cũng như nhau hết thôi.

Nói về giọng ca của Mẫn, không phải tự nhiên mà dân thị thành mê nghe Mẫn hát, mà không chỉ mỗi thị dân, mấy ông quan cấp cao miền lục tỉnh mà tới Sài Gòn đi công tác, ngày về cũng ráng dăm ba bữa nán lại phòng trà Nam Đô mà nghe Mẫn hát. Mẫn hát hay, trời phú cho Mẫn cái chất giọng yêu kiều, ma mị, thành thử Mẫn hát nhạc buồn như ru hồn người ta, tới nghe Mẫn hát một lần mà không mê mới lạ.

Giữa tháng 3 năm 1972, Mẫn hết hợp đồng với phòng trà Nam Đô, thế là mấy ông bà bầu đua nhau giành Mẫn về mình, sợ Mẫn lọt vô tay người nào thì phòng trà đó hút sạch khách thập phương, đâu làm ăn được gì nữa.

"Chia chát vầy thôi, không ký."

Mẫn lần giở bản hợp đồng mấy bận, thấy cái mồi mình ăn không nhiều, tiền boa cũng phải chia cho bầu, vậy thôi. Tánh Mẫn là vậy, biết mình có giá trên cơ người ta, nên bầu cũng không nể mấy người, thấy không được thì nhất định là không dính vô.

Bà bầu Thúy cù cưa với Mẫn một hồi không được, đành nổi xung thiên, giận ở chỗ khắp cái Sài Thành này chỉ có mình Mẫn là đắt sô, Mẫn đi đâu tiền đi theo đó, thành thử ra Mẫn mắc cái thói ngôi sao, nhìn ai cũng bằng nửa con mắt, đời bầu Thúy làm việc với nhiều ngôi sao rồi, mà chưa thấy đứa nào xấc láo như Mẫn.

Mẫn không có chống lưng, không có ai đứng sau dung túng cho nàng làm mình làm mẩy, Mẫn chỉ có độc một cái thân, với tiếng tăm vang vọng gần xa, bấy nhiêu đó thôi cũng làm Mẫn vượt trội hơn người, nhưng Mẫn nào biết đời đâu có dễ sống như vậy.

...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro