2. Khóc trên vai người lạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không chỉ mỗi bà bầu Thúy, mà các phòng trà khắp nơi âm thầm ủ ê nhau đào tạo ra mấy ả đào ngang ngửa Mẫn, phải đẹp, phải hát hay, phải lẳng lơ được như Mẫn, bởi nói Mẫn là thước đo cũng không sai, nhưng để mà trên đời này có độc nhất mình Mẫn thì cũng không đúng lắm , cái gì mà hay hay thì chắc chắn mấy ngày sau sẽ mọc ra một cái y chang vậy, giá thậm chí nó còn rẻ hơn, bởi vậy mới có cái câu giễu nhại "made in China" chỉ dành riêng cho hàng nhái trứ danh mà bây giờ thằng Tàu còn không biết nên tự hào hay là xấu hổ nữa.

Mười giờ khuya Mẫn liêu xiêu dáng ngọc lại gần con nhỏ đánh giày, vung cẳng chân để cho đôi guốc rớt xuống đường, kêu lên mấy tiếng lộc cộc, Đình chuẩn bị dẹp tiệm đi về mà xui sao gặp Mẫn giữa đêm, đáng lẽ nó không thèm làm đâu, nhưng mà nó nghĩ tới cả ngày không được mấy bận khách, tiền kiếm không đủ ăn cơm nên mới bấm bụng chạy đi lụm hai chiếc guốc đang lăn long lóc trên vỉa hè về.

Đình hay vui, vui nhất là cái giờ tan làm, dù chẳng ai thèm quản cái nghề ruột của nó, bữa nào thích thì làm, không thích thì nghỉ, vậy chứ mà Đình vẫn siêng ngồi tới khuya, sợ mình vừa đứng dậy thì một ông khách Tây sộp tới tìm người đánh giày, nên ráng nán lại, dù nửa đêm cung đường lớn vắng tanh, chỉ còn ngọn đèn vàng cúi đầu chuyện trò cùng nó. Đơn độc vậy chứ nó chẳng buồn, nghèo tiền nghèo bạc nhưng tinh thần có hề nghèo đâu, nó có niềm vui, vui cái nỗi về nhà có bà ngoại chờ cơm, vui cái nỗi nhà nó là rôm rả nhất xóm, vui vì không phải bận lòng bới bất cứ ai, cứ vậy mà sống hết đời thì chết.

"Lau giùm đôi guốc cái coi."

Nhờ hành ghề lâu năm, Đình nhìn cái là biết xuất xứ của đôi guốc ba xu này, tự nhiên thấy lạ, cái người ưa chưng diện như Mẫn mà cũng có lúc xỏ đôi guốc gỗ này ra đường chắc, bộ không sợ người ta đánh giá hay gì?

"Mày nhìn gì? Thấy lạ lắm hả? Không biết tao là ai đúng chưa? Tao là Mẫn, Lưu Trí Mẫn, ca sĩ nổi tiếng nhất Nam Kỳ Lục Tỉnh."

Mẫn gào lên trong đêm, dáng ngồi co ro trên cái ghế ba cẳng xụp xệ, không biết nàng bị gì, nhưng nhìn có vẻ nhiều niềm riêng lắm, nàng xỉn quắc cần câu, cái mùi rượu nồng quyện với hương nước hoa gì đó mà Đình không biết tên, tự nhiên làm Mẫn gợi tình đến lạ.

Người như Mẫn mà cũng biết buồn, nàng buồn cái thói đời bạc bẽo làm sao, buồn phận mình tuổi trẻ có hạn, buồn phận mình dăm ba năm nữa phận dạt về đâu. Bởi vậy Mẫn nỗ lực hết cái xuân thì, bòn rút sức mình để nhận về đôi tờ tiền giấy, Mẫn yêu tiền là mấy, nhưng Mẫn cũng biết xót cái tuổi xanh.

Uống rượu vô là Mẫn xỉn không biết trời trăng mây nước gì nữa, hôm nay Mẫn không đi hát, nàng cancel hết các lịch diễn phòng trà, ăn bận bình dân ngồi nhậu mình ên bên bờ kè lộng gió, tới gần nửa đêm thấy chẳng còn ai, Mẫn mới lủi thủi đi về, tưởng chỉ còn mình mình giữa trục thành rộng lớn, vậy mà cũng còn cái bóng lưng nhỏ xíu của con nhỏ đánh giày đang cặm cụi dọn đồ đi về, tự nhiên nhìn nó, Mẫn muốn chạy lại xả hết buồn tủi vô người nó, bởi nàng biết, tâm sự với người lạ có đôi khi tốt hơn.

Mẫn ngồi đó, hai gò má cao đỏ hồng, khóe môi hé mở khẩu hình lẹt trẹt không ai nghe được gì, chỉ biết Mẫn đang sầu đời ti hí mắt nhắm mắt mở nhìn cái bóng ngả nghiêng bên lòng đường hiu hắt, Mẫn buồn rồi, không biết ai có gan làm đệ nhất đào hát Sài Thành nặng lòng, chỉ biết lần đầu tiên Mẫn say quên đường về, rồi Mẫn khóc.

"Ê, không có khóc nha, tui không biết gì đâu, cùng lắm là không lấy tiền của cô, đi nhanh giùm cái."

Đình nhíu mày thấy Mẫn bắt đầu tu tu khóc, Mẫn khóc nhỏ như tiếng mèo kêu, nhưng phố thị về khuya lặng như tờ, nên Mẫn khóc tự nhiên thấy não nề vô cùng tận. Đình nhìn Mẫn mấy bận, âm thầm đánh giá nước mắt của người đẹp cũng khác với nước mắt của mấy đứa đầu đường xó chợ như nó ghê, bởi người ta mới có bài "Giọt lệ đài trang" chứ đâu ai thèm viết cho mấy đứa đánh giày như nó.

Mẫn cứ vậy mà dụi đầu vào tấm vai gầy nhẻm của Đình rồi khóc, nàng khóc nấc lên, trút mọi muộn phiền lên Đình, để cái hồn nghệ sĩ đa sầu đa cảm mượn tiếng khóc bộc tỏ nỗi niềm, tự nhiên nàng thấy mình đúng, nàng đúng vì chọn một người lạ để khóc cho họ coi, bởi quanh nàng mỗi ngày có chục trăm người vây quanh, hô hào ca tụng nàng, nhưng chẳng có lấy một ai để nàng có thể thở dài giải bày mọi phiền muộn trong đời, trước mặt bọn "người quen" nàng khép lại tâm tư, tự mình sắm tuồng đóng vai ả đào kiều diễm, người phụ nữ sống trong gấm nhung lụa là chẳng bao giờ sầu bi, khổ lụy, bởi họ đâu thích cái dáng vẻ khóc trôi cả lớp sáp điểm trang của nàng vậy đâu, họ thích coi nàng lung linh trên sân khấu, điệu bộ đòng đưa, con mắt đuôi phượng diễm tình câu nhân.

Vậy đó, lần đầu tiên Mẫn khóc công khai, khóc trên vai một người vừa lạ lẫm vừa thân quen.

Đình lạ với Mẫn, lạ tới độ Mẫn chẳng thèm nhớ mình gặp nó hồi nào, cả hai chẳng thấy nhau được mấy lần, Đình giống như cái bóng mờ trong cuộc đời hoàng huy của Mẫn, nên Mẫn mới mượn Đình, mượn nó nghe nàng tâm tình. Nghe rồi thì thôi, nghe rồi thì quên.

Đình cũng quen với Mẫn, quen cái sự lắng nghe của một tri kỷ, bởi Mẫn tự sắm cho Đình cái vai ấy, cái vai tri kỷ nửa giờ của nàng, vậy mà Đình chẳng có xô Mẫn ra, nó ngồi nghe nàng khóc nửa giờ liền, trong đêm tối tăm mù mịt một ngày hạ tàn như hơi thở của một ả nghệ sĩ sau cánh rèm sân khấu, Đình cho Mẫn mượn cái bờ vai làm chỗ dựa tạm.

Thật cũng không có ngờ nàng đào hát số một Sài Thành lúc bấy giờ lại đi vay mượn con nhỏ đánh giày nghèo kiết dưới góc hẻm lầm lũi.

Nàng đào cô đơn quá, cô đơn tới độ khóc trên vai một người lạ, bởi trăm người dập dìu bước qua đời, nàng vẫn không tìm cho ra một tri kỷ.

                                                                                              ...

"Tiền boa mà cũng phải chia 60/40 hả? Hồi đó tui hát ở Nam Đô một cắc cũng không chia."

"Vậy thì về đó mà làm."

Mẫn vẫn còn cái thói ngôi sao hạng nhứt mà quên mất bây giờ mình đang đứng ở đâu, giữa năm 1972 Sài Gòn đón thêm một lứa ca sĩ mới, đổ xô từ các phòng trà lớn nhỏ, mỗi người một kiểu, đa phần đều ăn theo hình ảnh của cô đào hạng nhứt Trí Mẫn, thành thử ra bây giờ đi đâu cũng gặp Trí Mẫn, người ta chẳng còn coi nàng là độc nhất vô nhị của Sài Gòn nữa. Phòng trà Nam Đô, nơi tạo ra tên tuổi lẫy lừng của Trí Mẫn nhắc lại chuyện cũ xưa, nói nàng có tiếng rồi, cắt phăng hợp đồng không còn muốn hợp tác nữa, nên giờ nàng đòi quay lại chắc họ cũng không thèm tiếp.

Nàng có tự tôn của mình, tự tôn của một ả ca sĩ đắt sô từng được săn đón như siêu sao thế giới, cái tự tôn cao ngút bằng trời của nàng dẹp bỏ hết ý định lầm lũi quay về cái chốn xưa mà xin vào một chân làm đào phụ, bởi giờ ở đó người ta cũng có đào chính là tên bán vé, hát hay như sáo, lại còn là làn gió mới, còn cần gì nàng nữa.

"Ai mà thèm"

Nói rồi, Mẫn đứng lên bỏ về.

Mấy tháng trời không có công ăn việc làm, Mẫn ra vô cư xá ngày mấy bận mà không thấy ai đánh tiếng liên hệ nàng đi hát, vậy chứ mà lúc ra đường vẫn phải chưng diện, vẫn phải bận đầm chấm bi hàng hiệu, đầu vấn khăn choàng, mang kính mắt mèo đi bát phố.

Bởi nhờ cái thói chưng diện ấy mà tiền Mẫn dành dụm bao nhiêu lâu đổ hết vô mấy chai dầu thơm Chanel no5 spray Cologne, Mẫn rằng phụ nữ là phải thơm, thơm từ trong mồ hôi thơm ra mới đặng, nên Mẫn chiết tiền của vô mấy cái hạt bụi thơm không hề ngại tay, Mẫn nghĩ mình có cái gu hưởng thụ hết sức là duy mỹ, nên ba cái này Mẫn không thấy phí, ngược lại con thấy sang. 

Mỗi lần đi bát phố cũng xịt một tí ra cổ tay, rồi ấn trét lên mang tai, xương quai xanh. Vậy nên Mẫn đi đâu cũng để lại cái mùi hương làm nhân tình lưu luyến, cộng thêm sự đỏm dáng yêu kiều của cái đương thì mơn mởn, ai mà không mê cho đặng. Hồi đó người đứng gần cô ca sĩ hạng nhứt này còn nói, chắc Trí Mẫn thơm sẵn từ trong trứng, chớ ai mà có dè, tiền không trong đó.

Tối chủ nhật Mẫn sửa soạn đồ để đi bát phố, hồi đó cứ tới chủ nhật là nàng chạy show mệt nghỉ, từ phòng trà này qua phòng trà kia, hát hò chừng nào cổ họng đau như ai cào ai xé thì thôi, vậy mà giờ chớ có ai thèm gọi cho Mẫn, thành ra Mẫn rảnh lắm, đi bát phố một vòng để coi còn có ai nhận ra mình từng là đào hát hạng A hay không, để nàng tìm lại đâu đó cái cảm giác được săn đón như minh tinh thế giới mà lâu dữ lắm rồi nàng không được trải nghiệm lần nữa.

Trí Mẫn cười vậy thôi, chứ trong lòng không khỏi chua xót, vậy nhưng Mẫn nghĩ, buồn cỡ nào cũng phải tươi cười, buồn cỡ nào ra đường cũng phải sang, để cho người ta không thương hại cái sự thoái trào của mình.

À thì Sài Gòn bây giờ khắp các tụ điểm nàng từng nhẵn mặt sao mà khác xưa quá đỗi, chớp mắt mới có vài tháng, mấy cái áp phích lớn bây giờ không còn treo hình nàng nữa, đổi lại là mấy cái đứa mặt hoa da phấn nào đó mà nàng cho rằng nhìn nó thua xa mình.

Thời của Mẫn nổi, ca sĩ ít lắm, nổi được như Mẫn phải vượt trội hơn cả, các bà bầu ông bầu, chủ phòng trà cũng phải công nhận là trong tất cả những ca sĩ họ đã làm việc qua, chưa từng có ai đạt tới cái trình vừa giỏi vừa đẹp được như Mẫn, nhưng Mẫn mắc cái bệnh ngôi sao, coi thường bầu show, khán giả quá nên dần dà họ ghét, không thèm làm việc nữa. 

Mấy đứa ca sĩ mới lên, đẹp không bằng Mẫn, hát cũng không hay như Mẫn nhưng được cái tụi nó biết điều hơn Mẫn. Tiếng tăm Mẫn tuột dốc không phanh cũng là do vậy. Không ai thèm liên hệ Mẫn đi show nữa, bởi giờ nhìn đâu cũng thấy ca sĩ, ca sĩ A ca sĩ B, mỗi đứa hát một thể loại nhạc, riết rồi cái thú thưởng nhạc phòng trà của dân Sài Gòn không còn duy mỹ như xưa. Mẫn rằng thôi thì thà là ế show cũng không hát chung với cái đám này.

Mẫn dạo bước dọc theo lối bờ hồ, gió tạt vào mặt nàng mát rượi, cái tư vị biển hồ sao mà thoải mái quá, nàng hít một hơi dài căng tràn lá phổi, đặng những bạc lòng theo lối gió cuốn trôi đi.

Con nhỏ đánh giày bữa nay nó không còn ngồi trước hẻm Cống bà Xếp nữa, nghe nói dọc bờ hồ nhiều khách tới chơi lắm, thị dân Sài Gòn là như vậy đó, làm thì làm, mà chơi cũng chơi dữ thần, cứ tối tới mấy tụ điểm tập trung đông đúc thường là mấy quán nhậu, bờ kè lộng gió, chỉ tới khi nào giáp nửa đêm mới thoáng dần, con nhỏ biết vậy nên ra đó ngồi, mình nó chiếm một ô gạch nhỏ ngay hông bờ kè, đợi khách đi qua thì kêu người ta vô đánh giày.

Nhưng hôm nay hình như duyên trời cho nó gặp lại Mẫn, cái người mà mấy tháng trước tự nhiên chạy lại chỗ nó ngồi khóc huhu, ngẫm lại Đình dần tìm ra nguyên do vì sao mà nàng khóc, dù chỉ là đứa đánh giày hèn mọn, nhưng thị phi gì ngoài đường là Đình biết hết, mình nó chứng kiến cảnh Sài Gòn tháo xuống lớp áo điểm trang mang tên Trí Mẫn để thay vào đó hàng loạt những gương mặt mới mẻ, chắc chẳng mấy ai hay cô đào kia mủi lòng tới mức nào, bởi lúc nàng khóc chỉ có mình nó nghe chứ có ai biết đâu.

Đình nhìn Mẫn trầm ngâm bên bờ kè hồi lâu, thấy gió chạm khẽ vào mái tóc mây xinh đẹp của nàng, mang hương bồ kết thoảng vào trong gió se. 

À thì, tự dưng lại xao xuyến. 

Đình chớp mắt tự mình trấn an, chắc do Mẫn đẹp quá, mà người đẹp thì ai không mê, bóng trăng vàng ngã vào mặt hồ êm, trong một khắc Đình bỗng nghe lòng mình tựa bóng trăng, cũng ngã nhào xuống lòng hồ đen kịt.

Đang ngắm nhìn người đẹp từ đằng xa, Đình nghe leng keng tiếng xích lô trờ tới, chở theo một thằng cha Tây đến đánh giày, Đình mừng rỡ vì khách Tây thường sộp hơn khách Việt, Đình mở cái hộp đồ nghề ra, loẹt xoẹt mấy cái là chà xong đôi giày, ông khách Tây cúi đầu nhìn xuống chân, thấy đôi giày sáng lóe soi được mặt mình trong đó mà rất chi hài lòng, hào phóng móc trong túi ra tờ 5000đ đưa cho Đình, khỏi phải nói nó vui tới cỡ nào, một khách tới đánh giày nó lấy có 1000đ, ông khách này đưa nó tới 5000đ, bằng nó đánh 4 đôi giày nữa mới đủ.

Đang vui mừng Đình chợt nhớ tới Mẫn, ngẩng đầu lên thì thấy nàng biến đâu mất tiêu, dọc bờ kề chỉ còn lại lác đác mấy người, chỗ Mẫn đứng khi nãy chỉ còn lại mỗi đôi dép. Nó hoảng hồn đứng lên, miệng chửi 

"Bỏ mẹ, chẳng lẽ nhảy sông tự tử rồi?".

...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro