chap 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bốn năm đại học và một năm lang thang tìm việc, tôi toàn đi xe đạp. Tôi là dân tỉnh lẻ, nhà tôi không khá giả gì, lên thành phố đi học được ba mẹ sắm cho chiếc xe đạp đã là quá may mắn đối với tôi.

Thực ra ba tháng đầu tiên sau khi nhập học, tôi vẫn chưa có xe riêng. Hằng ngày tôi phải đi xe buýt để đến lớp. Trường tôi học có tới bốn cơ sở nằm ở bốn địa điểm khác nhau, và không phải tuyến xe buýt nào cũng đỗ gần nơi tôi học. Có những hôm tôi phải đi bộ từ trạm xe đến trường học mất gần ba mươi phút, và đó là lý do thỉnh thoảng tôi lại vào lớp trễ.

Ba tôi làm nghề mua bán phế liệu. Có một thời gian nghề này rất khấm khá. Đó là cái thời tôi còn bé, ba mẹ tôi khi thu mua phế liệu phải đưa tôi lên sống trên ghe để tiện trông nom. Sống lênh đênh trên sông nước, tôi suýt chết đuối cả chục lần. Có khi đang ngồi ăn cơm, tàu lớn đi ngang làm sóng duềnh lên, ghe lắc mạnh thế là tôi rơi tõm xuống nước. Tôi còn bé tí, chưa biết bơi, lần nào ba tôi cũng hối hả lao xuống nước vớt tôi lên. Có một lần tôi chạy nhảy ở bến sông, ống quần vướng vào bàn đạp của chiếc xe ba tôi dựng bên cạnh khiến tôi ngã vào túi đựng các mảnh kim loại. Đầu gối tôi bị rách một đường dài, đến nay vẫn còn vết thẹo cong cong như hình nốt nhạc trông rất buồn cười. Bây giờ hàng nhập khẩu về nhiều, người ta ít xài đồ tái chế nên phế liệu hiếm chỗ thu mua, giá rớt thê thảm. Gia đình tôi dần lâm vào cảnh khó khăn.

Dù vậy khi biết tôi đi lại vất vả trên thành phố, ba tôi quyết dành dụm tiền mua xe cho tôi. Lúc ba tôi dẫn tôi đến cửa hàng xe đạp, tôi cứ mân mê chiếc xe màu xanh lá cây có kiểu dáng rất đẹp. Tôi thích chiếc xe này quá. Tôi thích cả giỏ xe, vè xe, yên sau và các họa tiết rất biết cách tạo điểm nhấn được trang trí khéo léo trên sườn xe.

Nhưng ba tôi lại chọn cho tôi một chiếc xe theo tôi là quá sức thô kệch.

- Con nè! – Ba tôi gật gù

- Chiếc xe này có khung sườn theo ba là rất chắc chắn. Ba biết loại thép này. Chiếc này có thể đi theo con suốt bốn năm đại học mà không phải sửa chữa lần nào.

- Nếu nó bị cán định thì sao? -

- Cán đinh hay bị gai đâm thì vá lại. Cùng lắm là thay ruột xe. Chuyện nhỏ mà!

Tôi tin ba tôi hiểu biết về lãnh vực này hơn tôi nên tôi không cãi lại ông, dù rất muốn. Nhưng tôi nằng nặc quyết đòi chủ tiệm gắn thêm cho xe tôi một cái chuông.

Ba tôi nhún vai:

- Thời bây giờ đi xe đạp ai mà nhấn chuông!

- Con sẽ nhấn.

- Chạy trên thành phố, xe ô tô xe gắn máy ầm ĩ ngoài đường, con nhấn chuông ai mà nghe. Lên chốn đô thị đông đúc con cứ chạy chầm chậm sát lề phải là an toàn, gióng chuông gõ mõ mà làm gì! Tuy nói vậy, ba tôi vẫn chiều ý tôi, đồng ý trả thêm một khoản tiền để chủ tiệm gắn chuông vào.

Cái chuông nhỏ bé đó, sau này những buổi tối đi dạy thêm hay đi làm về khuya tôi vẫn buồn tay nhấn để nghe tiếng leng keng vang lên trong hẻm vắng. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Để tan đi trong lòng những muộn phiền của cuộc mưu sinh vất vả. Để thấy đời vui hơn.

Sau nhiều lần chuyển chỗ ở, cuối cùng tôi trọ ở một căn phòng nhỏ nằm trên tầng ba một chung cư cũ kỹ. Chung cư có bãi giữ xe nhưng để tiết kiệm một trăm ngàn một tháng, ngày ngày tôi phải ì ạch khiêng xe lên vác xe xuống theo cầu thang bộ.

Đến khi nhỏ Min, bạn cùng lớp về ở chung với tôi và ngày ngày hai đứa thay phiên đèo nhau đến trường thì gánh nặng của tôi được chia đôi.

Ngày đầu tiên Min dọn tới, hai đứa giao hẹn:

- Hai tư sáu, mình khiêng. Ba năm bảy tới phiên bạn. Sau ba ngày, bọn tôi nhận ra cả hai đều có vấn đề về não. Và lập tức khắc phục:

– Ủa, tại sao tụi mình không thể cùng khiêng cho đỡ mệt. Đứa phía trước đứa phía sau.

Chiếc xe đó, sau khi ra trường, đã rong ruổi cùng tôi trên khắp các nẻo đường tìm việc. Đúng như ba tôi nói, suốt năm năm qua tôi đã nhiều lần ngã xe và sau mỗi lần như vậy người tôi trầy trụa lung tung nhưng chiếc xe vẫn chẳng hề hấn gì.

Khi đi làm ở chỗ Jimin, mỗi buổi sáng tôi đạp xe đến quán, vội vã thay đồng phục rồi vội vã đi khắp các chợ với chiếc giỏ cột ở yên sau. Thời gian đầu tôi hơi ngại ngùng với chiếc giỏ to tướng chất đầy thực phẩm sau lưng. Dù vậy trong thâm tâm tôi vẫn thầm biết ơn ba tôi. Nếu hồi trước tôi quyết mua xe theo ý tôi thì chiếc xe điệu đàng đó chắc không kham nổi công việc chợ búa nhiêu khê này.

Một ngày, tôi vừa dắt xe đạp ra khỏi quán, Jimin bất ngờ giơ tay cản lại:

- Cô cất xe đạp đi!

Jimin chỉ chiếc xe máy dựng bên cạnh:

- Cô lấy chiếc này mà đi!

- Đưa xe cho em, chị đi bằng gì?

- Tôi từ sáng đến tối chỉ quanh quẩn ở quán đâu có đụng đến xe cộ.

Từ hôm đó, tôi chỉ phải chạy xe đạp đến quán và đạp xe từ quán về nhà trọ. Rong ruổi các chợ, tôi cưỡi chiếc xe máy mà Jimin cho mượn.

Niềm vui của tôi không dừng lại ở đó.

Một ngày khác, Jimin hỏi:

- Cô lên Seoul ở nhà bà con hay ở trọ?

- Em ở nhà trọ.

- Nhà trọ cô nằm ở đâu?

Tôi không hiểu Jimin hỏi điều đó làm gì nhưng vẫn đáp:

- Ở...

- Cô ở xa quá! – Jimin nhíu mày

- Sao cô không thuê nhà gần đây để đi làm cho tiện?

- Nhà ở trung tâm giá mắc lắm, em thuê sao nổi!

Jimin nhìn con hẻm hun hút chạy ngang trước cửa quán, thở ra:

- Hằng ngày cô chạy xe đạp từ nhà trọ đến quán mất nhiều thời gian quá.

Jimin nói đúng. Mỗi sáng tôi phải để đồng hồ reo lúc 5 giờ 30. Thức dậy cũng chỉ đủ thời gian làm vệ sinh, thay quần áo, chải tóc qua loa, bôi vội lên mỗi một tí son rồi lật đật dắt xe ra khỏi nhà, không kịp cả ăn sáng. Chỉ khi đến quán rồi tôi mới mua ổ bánh mì kẹp thịt hay tô mì gói bày bán gần đó để lót dạ. Hôm nào tới trễ do kẹt xe, tôi chạy ra chợ luôn, bỏ cả bữa sáng.

Jimin có vẻ quan sát tôi rất kỹ. Chị chép miệng:

- Tôi thấy có hôm cô không có cả thì giờ ăn sáng.

- Đó là thói quen xấu. - Jimin nhún vai

- Cứ như vậy cô sẽ không có đủ sức khỏe làm việc lâu dài.

- Em quen rồi.

Jimin dán mắt vào mặt tôi, giọng thăm dò:

– Tôi nhượng lại chiếc xe máy cho cô đó, cô đồng ý không?

Tôi như không tin vào tai mình.

- Nhượng lại là sao?

- Là bán lại.

- Rồi chị đi làm bằng gì?

- Tôi mua xe mới.

- Chị bán giá bao nhiêu?

- Xe cũ, tôi bán rẻ thôi. Khoảng ba triệu.

Tôi cắn môi, nghe hai gò má nóng lên:

- Em không có ba triệu.

Jimin đưa ra một cái giá quá rẻ. Xe máy có chỗ bán sáu, bảy triệu. Có chiếc lên đến mười triệu. Nhưng thật tình tôi không có ba triệu. Một triệu cũng không. Lương thử việc của tôi hiện bốn triệu một tháng. Qua tháng thứ ba, có thể tôi nhận lương cao hơn. Nhưng tôi còn phải chi xài cho việc sinh hoạt. Thật ra, từ ngày đi làm tôi đã nuôi nấng ý nghĩ sắm một chiếc xe gắn máy. Tôi biết tôi không thể tiếp tục đi cả chục ngôi chợ mỗi ngày bằng xe đạp, dù đó là chiếc xe "có thể đi theo con suốt bốn năm đại học mà không phải sửa chữa lần nào" như ba tôi ca ngợi. Gần đây, tôi chạy chiếc xe máy Jimin cho mượn, đỡ vất vả hơn, nhưng việc phải đi đi về về hằng ngày bằng xe đạp giữa vùng ven và trung tâm thành phố ngốn của tôi quá nhiều thời gian và sức lực.

Để thực hiện ước mơ của mình, tôi đã vẽ ra trong đầu cả chục kịch bản nhưng làm thế nào để biến những kịch bản đó thành hiện thực thì tôi vẫn chưa nghĩ ra. Tôi định mỗi tháng sẽ trích một ít tiền gửi về quê nhờ ba mẹ tôi chơi hụi. Chỉ như vậy tôi mới có thể có một món tiền lớn. Nhưng nếu có tiền, tôi vẫn chưa thể mua xe ngay được. Tôi còn phải trả nợ cho ngân hàng chính sách xã hội số tiền tôi vay để đóng học phí đại học bốn năm qua.

Tôi đành dẹp bỏ những nung nấu qua một bên. Mỗi buổi sáng, tôi len lỏi giữa dòng người xuôi ngược, nhấm nháp nỗi buồn theo từng vòng quay của bánh xe và tự động viên mình cố gắng thêm một thời gian nữa, trước khi vận may thình lình rơi trúng đầu mình. Và hôm đó - là cái hôm mà thực tế đã đi xa hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của tôi, vận may mà tôi chờ đợi đã hiện ra trong vẻ mặt đăm chiêu của Jimin kèm theo lời đề nghị bất ngờ của chị.

Nghe tôi bảo không có tiền, Jimin nheo mắt

- Cô không cần trả ngay bây giờ. Mỗi kỳ lương, cô trả tôi một ít là được rồi. Kiểu như trả góp vậy đó.

- Một ít là bao nhiêu?

- Cái đó tùy theo khả năng của cô.

Câu chuyện thần tiên này không hề có trong vô số kịch bản tôi từng vẽ ra. Tôi nghĩ Jimin muốn giúp đỡ tôi. Trong một thoáng, tôi bắt gặp mình cảm động. Lúc này hai đứa tôi đang đứng trước cửa quán, tắm mình trong cái nắng chói chang phản chiếu từ mái tôn nhà đối diện nhưng tôi không thấy nóng dù mồ hội đã đẫm lưng áo. Tôi gần như không suy nghĩ được gì nữa. Tôi nói, mơ hồ nhận ra trí óc tôi đã làm việc không đúng cách, lẽ ra tôi nên tìm một câu khác, ít máy móc hơn:

- Cảm ơn chị.

- Cô không phải cảm ơn tôi. Tôi sắp mua xe mới nên không cần đến chiếc xe này nữa. Cô đồng ý mua nó là tôi mừng rồi.

- Nhưng...

- Tôi vì quán ăn chứ không phải vì cô! - Jimin cắt ngang lời tôi, giọng ráo hoảnh

- Tôi hy vọng với chiếc xe này, cô sẽ đi làm đúng giờ hơn. Hơn nữa, hằng ngày chạy xe đạp từ nhà cô xuống đây rồi chạy về thì quá vất vả cho cô. Tôi sợ tới một ngày cô không chịu nổi sẽ nghỉ việc!

Jimin xoa cằm:

- Cô mà bỏ việc ngang thì chết tôi!

Cách nói chuyện của Jimin làm tôi khó chịu. Tôi như người va phải tường, chưa kịp vui với thứ cảm xúc đẹp đẽ vừa nảy mầm đã lập tức khựng lại. Nhưng tôi chỉ hụt hẫng trong một giây. Một giây thôi. Một giây sau tôi tự nhủ: Vậy cũng tốt! Thái độ thẳng thắn, sòng phẳng của Jimin dù sao cũng khiến tôi dễ chịu hơn là cảm giác phải chịu ơn chị.

Tôi nói, lạnh lùng:

- Vậy thì em không cảm ơn chị nữa.

Trước khi tôi quay đi, Jimin chợt buột miệng:

– Nè, cô tô loại son gì mà nhợt nhạt quá vậy?

Tôi ngớ người ra, không hiểu Jimin nói gì. Thật khó mà tin con người khô khan đó cũng có lúc quan tâm
đến vẻ bề ngoài của tôi.

- Chị nói gì? – Tôi ngơ ngác hỏi lại.

- Tôi hỏi cô tô loại son gì mà nhợt nhạt quá vậy.

- Chị hỏi làm gì?

- Đây là loại son có tác dụng giữ ẩm phải không?

- Chị rành về mỹ phẩm của con gái quá ha.

- Quán này đa số là con gái. Tiếp xúc với các cô lâu ngày thì tôi phải biết chứ.

Jimin tặc lưỡi:

- Cô nên dùng loại son gì khác cho mặt mày tươi lên.

Sau khi ra trường, nhỏ Min chuyển qua phòng trọ khác, gần với chỗ làm. Ở chung là Giselle. Giselle cùng quê với tôi. Chị lớn hơn tôi hai tuổi, học trung cấp y tế, ngành điều dưỡng, bây giờ đang làm ở một phòng khám tai mũi họng cách chỗ trọ khoảng năm cây số.

Mái tóc xoăn, bồng bềnh giúp gương mặt Giselle lúc nào cũng bừng sáng. Vẻ rạng rỡ của Giselle có thêm phần giúp sức của loại son thời trang tụi con gái bây giờ hay xài, bọn tôi thường gọi là son lì. Chị nói với tôi y như Jimin:

- Sáng ngủ dậy mặt mày nhợt nhạt, em nên dùng loại son như chị nè. Trông tươi tắn hơn!

- Em đủ đẹp rồi.

- Đã đẹp phải làm cho đẹp hơn chứ!

Tôi phớt lờ lời khuyên của Giselle. Nhưng đến khi Jimin nói y như thế, tôi buộc phải suy nghĩ. Bạn gái chê thì không sao, nhưng khi sếp cũng có nhận xét tương tự thì tôi không thể làm ngơ.

Ờ, son lì thì đã sao, nhất là loại son này đang có đợt khuyến mãi! – Tôi động viên mình - Là con gái, đôi khi mình cũng nên o bế bản thân một chút!

Ngày hôm sau tôi chạy xe máy đến quán với đôi môi đỏ thắm. Jimin phát hiện ra ngay sự thay đổi trên gương mặt tôi nhưng chị không nói gì, chỉ mỉm cười và quay mặt đi. Vẫn nụ cười nửa miệng đó, nhưng lần này trông nó bớt đáng ghét hơn.

to be continue...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro