Chap 4-5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

4.

Tối đó, Kaeya ghì tôi xuống cái ghế chân dài ở quầy bar, cười tủm tỉm giải thích thân phận của mình cho bartender, sau đó kêu vài anh em đến dọn dẹp hiện trường sạch sẽ. Còn thân chỉ tay năm ngón xong thì lập tức vòng lại bên cạnh tôi, ân cần tay ấp tay ôm như thể đang dỗ dành vị người yêu vẫn còn đang trong cơn hoảng loạn, phất tay kêu bartender gọi một ly nước trái cây tôi thích, vừa lơ mơ trong men say vừa kể lể cho tôi nghe vài câu chuyện ngoài khơi. Như thể bọn tôi chỉ mới vừa xa nhau có một buổi tối vậy.

Tôi một chữ cũng không đáp lại nổi, chỉ biết lặng người gật gù theo từng dấu chấm câu của hắn.

Theo lời hắn kể thì tôi biết được, lúc tôi rời cảng Perpignan được khoảng một tháng thì hắn theo như kế hoạch đã giăng buồm đi đến căn lều cũ của tôi để tá túc qua mùa đông, thế mà khi vừa đến đã hay tin tôi đi rồi. Khả năng giữ bí mật của tôi cũng không tệ, hắn không hề bắt được chút tin tức nào của tôi. Chỉ nhận được túi đồng vàng từ tay gã thợ sửa dù ấy, rồi dùng nó để trang trải qua mùa đông tại căn lều cũ kia, cho đến khi băng ở bến cảng tan hết mới lại giương buồm xuất phát. Bọn họ quét sạch mớ rau củ tôi để quên dưới hầm, cũng tiện tay chốt luôn hai căn lều bên cạnh để làm trạm dừng chân lâu dài.

Hắn khen mắt thẩm mỹ của tôi đỉnh thật, đống đồ cũ trong tủ của tôi chỉ cần mặc vừa đều đã bị hắn cướp sạch. Lúc nói đến đây, hắn còn lờ đờ trong cơn say, cười khúc khích cởi hai cái cúc trên áo khoác, lộ ra chiếc áo sơ mi tôi tự may. Hắn dùng cả hai tay để mân mê chiếc cúc trên cổ áo do tôi đích thân chọn ở tiệm, giọng nói vương mùi rượu bảo không ngờ thiếu gia nhà Ragnvindr còn biết mấy tạp kĩ bình dân này.

Tôi lỡ mất một nhịp thở, giải thích kỹ càng cho hắn rằng, đây chỉ là chút mánh lẻ do mẹ tôi dạy từ hồi bé thôi, không dám khoe khoang. Mớ quần áo cũ bỏ lại chủ yếu là để ngừa có người nhận ra khi đến Bordeaux. Mớ rau củ trong hầm đúng là quên thật, nhưng tôi cũng rất lấy làm vinh hạnh nếu chúng có thể được ngồi trên mâm cơm của họ.

Hắn cười ngạo nghễ, ghé sát vào mặt tôi thì thầm bảo rằng hắn vừa mới đến đây hôm nay để chuyển hàng, sáng mai lại phải khởi hành đi vơ vét chút của ở Bắc Gironde, xong xuôi sẽ quay lại Bordeaux tìm tôi. Bảo tôi từ từ chờ hắn, không được chạy vội như trước nữa.

"Không là tôi sẽ nghĩ bậy rằng anh ghét tôi đấy," Kaeya ngắm nghía cái ly gỗ trong tay, giọng điệu không phân được là nghiêm túc hay cợt nhả, "Bình thường người ta hay trốn khỏi người mà họ ghét rất rất là xa."

Tôi vốn cũng vì trốn khỏi đám người ở Marseille, tiện tay cũng muốn làm công to việc lớn mới chạy đến tận đây, không phải vì cố tình tránh né Kaeya — nói cách khác, nếu có thể, tôi chẳng hề muốn con chim công biển này biến mất khỏi cuộc sống mình. Khi nghe Kaeya nói mong là tôi sẽ chờ hắn, tôi liền càng không thể để mất hắn thêm lần nữa. Nên đã đáp: "Đi đường cẩn thận."

Hắn vừa ý gật gù, sau đó không chút kiêng nể gì nốc sạch cái ly trước mặt, hỏi: "Nhà mới của anh ở đâu? Tôi đưa anh về."

Dựa vào thực lực của tôi, còn chưa tới mức cần một con ma men đưa về nhà. Tôi vô thức ông nói gà bà nói vịt đáp: "Là một căn nhà rất lớn, đủ để cho cả anh và đoàn thuỷ thủ tới làm khách."

"Không có dẫn theo đám đó," hắn nấc một hơi sặc mùi rượu, ngón trỏ chọc chọc lên trán tôi, "Anh Diluc đúng là không hiểu phong tình."

Nửa đêm, tôi xách theo Kaeya về đến nhà mới. Hắn ngáp ngắn ngáp dài, nghênh ngang lòng vòng khắp nhà như gia chủ, vài bước lại hỏi giấy trên bàn viết gì vậy, vài bước tiếp lại chui vào bếp lục quýt ăn. Tôi trông hắn suýt nữa nhét cả quả lẫn vỏ vào miệng, hai tay cầm đệm chăn vội quăng xuống giật lại trái quýt.

"Khoảng bốn năm trước," hắn hơi cúi đầu xem tôi bóc quýt cho hắn, thong thả kể chuyện, "Có ba anh em của đoàn tôi đi rồi."

Đây là lần đầu hắn chịu mở miệng kể chuyện có liên quan tới hắn cho tôi, tôi nghiêng người lắng nghe. Hắn nói tiếp: "Trước khi ra đi, họ chỉ có thể nằm trong khoang thuyền, sắc mặt dần trở nên trắng bệch, sau đó từng cái răng rụng xuống. Bác sĩ bảo đây là bệnh 'scurvy'."

"Bọn tôi đến Nantes tìm bác sĩ," hắn ngẩng đầu nhìn vào trản đèn dầu ở phòng trong, "Cách nào bọn tôi cũng thử qua rồi, bác sĩ cũng đã cố hết sức. Tôi cũng tạ ơn hắn lắm, nhưng họ vẫn không trụ nổi. Là do trước kia bọn tôi lênh đênh trên biển quá lâu, rau củ gần như biến mất khỏi thực đơn hằng ngày nên mới xảy ra tình trạng thế này."

Tôi bóc xong vỏ quýt, tách một múi ra đưa đến miệng hắn. Hắn lập tức ngậm cả tay tôi lẫn cả miếng quýt vào miệng, nhếch mép cười thoả mãn.

"Diluc, tôi thích biển. Biển cho tôi một cảm giác rất chân thật: đó là tôi đang sống, mọi người xung quanh tôi cũng đang tồn tại. Mà cảm giác thật này lại rất dễ khiến người ta lạc lối," hắn nói, "Nhưng mà dù sao thì lâu lâu vẫn phải quay về đất liền một lần. Rốt cuộc thì cuộc sống này không chỉ được tạo nên từ một thứ duy nhất nhỉ."

Đến câu cuối cùng, hắn quay lại mỉm cười nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng như thể đang ngắm nhìn một báu vật trân quý vừa mới được khai quật.

Tôi suýt nữa bị đôi mắt sâu thẳm kia hút vào, xoay mặt đi nói: "Nhà vệ sinh ở bên phải của anh, rẽ trái, ở căn phòng thứ hai." Hắn cất giọng cười to, đón lấy quần áo trong tay tôi rồi nhanh chóng rời đi.

Tiếng nước kêu rì rào một lát. Tôi ở phòng khách chờ đến khi hắn bước ra, dẫn hắn đến phòng nghỉ cho khách, cùng nhau nói câu chúc ngủ ngon, rồi cũng quay lại phòng ngủ. Một đêm qua đi, khi tôi đi qua phòng tìm hắn, thì chỉ thấy đống chăn gối đã được xếp gọn gàng và một tờ giấy để lại. Nét chữ không mấy gọn gàng ấy viết rằng: Gặp lại sau, hũ mật của tôi.

Ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại gấp gọn tờ giấy đó, đem nó kẹp chung với tập bản đồ da dê ở cuối giá sách.

Vào giờ trưa của một ngày nào đó hai tuần sau, một tên thợ ở vườn nho bỗng nhiên tức tốc gọi tôi "Lão gia Noctua". Tôi vừa mới ra cửa thì thấy, là một hải tặc của tàu Chim vượt biển. Hắn cười chào hỏi với tôi, gửi cho tôi một hộp quà bằng gỗ cao đến tận đầu gối.

"Thuyền trưởng đang ở ngoài cảng dỡ hàng," hải tặc kia nói, "Anh ấy sai tôi đem quà tặng cho ngài, sau đó hỏi ngài có thể qua đó ngồi chút không. Gần đây ảnh có gặp vài chuyện rắc rối, sợ là sẽ phải khởi hành đi ngay trong hôm nay."

Tôi buông giấy bút trong tay xuống, mở cái hộp gỗ hoa văn chằng chịt kia ra, có hai món đồ vật nằm yên lặng bên trong hộp nhưng nó lại khiến tôi xúc động đến mức đỏ cả mắt.

Đó là một hộp đàn bằng da trâu, gia huy Ragnvindr mạ vàng đập vào mắt tôi. Tôi dường như không kìm nén nổi giọt lệ, dùng tốc độ nhanh nhất có thể mở cái khoá cực kỳ quen thuộc ấy ra. Móc khoá vừa mở, nắp hộp cũng theo nó bật ra. Tôi như ý nguyện nhìn thấy món đồ thân thuộc – chiếc đàn violin cũ làm bằng gỗ tuyết tùng vảy cá. Mặc dù ở trên phủ một lớp bụi mỏng, tôi vẫn có thể nhìn thấy được từng vân gỗ nhàn nhạt từng được cha tôi cẩn thận vuốt ve. Chuyện cũ thời niên thiếu như một thác nước ập vào trí óc tôi, từng xoáy nước nhẹ nhàng vuốt ve qua trái tim tưởng chừng đã sớm chết lặng.

Có thể là do hiếm khi thấy biểu cảm của tôi phong phú như vậy, tên thợ và gã hải tặc kia đều lắp bắp hoảng loạn. Gã hải tặc vội vàng đặt hộp quà sang một bên, mở miệng kể đầu đuôi câu chuyện về món quà này: "Lúc thuyền trưởng trở về Marseille, đã cướp được món đồ này ở hậu trường phòng đấu giá...Cũng không biết là cái gì nhưng lại không cho bọn tôi lau chùi nó, nói là bảo bối của ngài, sợ mấy gã thô tục như tôi tay chân vụng về lại làm hư mất."

Nước mắt tôi không ngừng chảy xuống lăn dài trên hai sống mũi, lông mi gần như nhoè đi, đành phải giơ tay che lại biểu cảm chật vật của mình, nói: "Tôi chắc chắn sẽ tự mình đi cảm ơn. Anh Connor, làm ơn giúp tôi soạn mấy thùng rượu nho thượng hạng, rồi theo tôi đi."

Tên thợ nhanh chóng vâng lệnh. Tôi cũng cố nén lại cảm xúc, xếp lại đàn violin vào hộp. Không ngờ lại thấy dưới đáy thùng gỗ còn có một cái hộp dài.

"À, cái đó," Gã hải tặc tươi cười đón lấy cái rương tôi đang cầm, nhìn tôi ước lượng hộp quà dài tầm nửa cánh tay kia, thấy tôi thắc mắc vì sao nó quá nhẹ, hắn mới đáp, "Thuyền trưởng dặn dò tôi, nếu món đồ kia trả không đúng chủ, thì cái này là quà nhận tội; nếu đúng rồi thì món quà này tặng ngài để ngài cắm trong cái bình thuỷ tinh màu xanh đồng trên bàn ăn cơm."

Tôi cười cười, không ngờ rằng hắn lại nhớ rõ từng đồ vật bài trí trong nhà tôi như vậy, nâng khuỷu tay lau khoé mắt, tôi vội mở hộp quà ra.

Đó là một đoá hoa hồng Provence tươi màu hồng nhạt vẫn vương chút sương sớm. Hẳn là mua được từ tay thợ chuyên trồng hoa ở Marseille. Tôi nhẹ nhàng lướt đầu ngón tay trên cành hoa trơn nhẵn, bỗng dưng cảm thấy thứ tình cảm vô danh kia cũng như từng cây gai này, đâm sâu vào ngực khiến tôi không cách nào làm ngơ nó nữa.

Tôi đưa đóa hoa ấy lên mũi nhẹ nhàng cảm nhận hương thơm của nó, nói: "Cảm ơn, nó đẹp lắm."

Gã hải tặc giật mình trông tôi, dường như bị tôi nhìn chằm chằm lại nên hơi xấu hổ, quay mặt qua chỗ khác, âm thầm oán trách: "Aiza, tức thật chứ, thuyền trưởng Alberich nên tự mình đi xử mấy vụ này mới đúng."

Tôi suy nghĩ một lúc hàm ý trong câu nói của hắn, vẫn chưa hiểu lắm, chỉ biết là nụ cười trên môi cũng cứng lại rồi.

Từ vườn nho của tôi nhìn ra có thể thấy rõ cảng Bordeaux rực rỡ dưới ánh mặt trời, hôm nay tôi càng cảm nhận được cái đẹp ấy rõ ràng hơn. Ngọn núi thấp tà tà phía tây, sóng nước lấp lánh nơi biển bắc, mây sương lượn trên đỉnh đầu, vườn nho của tôi như trải dài vô tận giữa núi trời. Nơi xa xôi tận biển khơi kia còn có người thương nhớ tôi như vậy.

Đột nhiên tôi cảm thấy như mình vừa được sống lại, từng chuyện trong quá khứ bỗng chốc tan biến thành động lực thúc đẩy tôi bước tiếp. Như thể rằng tôi sớm sẽ được ưỡn thẳng lưng đứng trước nấm mồ chôn di vật của cha, mẹ, và cả gia tộc tự hào rằng mình đã không phụ cái tên Ragnvindr.

Trước khi tôi kịp hoàn hồn lại, tay tôi đã theo quán tính đặt bông hoa ấy vào cái bình y như ước nguyện của Kaeya, rồi đem bốn thùng rượu ngon tiến về phía bến cảng.

Trên đầu tàu Chim vượt biển có một đám thợ đang cật lực chuyển hàng từ tàu xuống xe ngựa. Tôi bước theo gã hải tặc ấy trên cầu thang, đám thuỷ thủ nhìn thấy tôi thì phấn khích lắm, nhao nhao vẫy gọi "Ngài Noctua" từ tận phía xa. Nhìn thấy tôi mang quà đến thì càng hưng phấn hơn nữa, nhanh chóng phụ giúp Connor khuân thùng rượu lên boong thuyền.

Tôi không hỏi bọn họ Kaeya ở đâu, muốn tự mình đi tìm hắn. Lúc bọn họ đang tất bật, tôi đạp lên từng tấm ván gỗ bị gió biển mài bóng loáng, đi về phía boong chính ở đầu tàu, trước kia hắn từng nói đó là phòng nghỉ của hắn.

Bước đến cách boong khoảng hai mét nhưng vẫn không nghe thấy giọng hắn, tôi liền tự tiện đến gần cái cửa sổ hình tròn nhỏ trông vào. Không thấy người đâu, đập vào mắt chỉ có cái bình hoa nằm giữa bàn.

Đó là một cái bình sứ kiểu cũ, thân hình bầu đơn giản mà trang nhã, chỉ là hoa văn xanh vàng sặc sỡ trên thân bình trông hơi bị chói mắt mà thôi. Trong bình, cắm đầy một bó hồng Provence.

Đoá hồng phấn kia hiển nhiên là một cành nhỏ trong cả bó hoa to bự đó.

Trái tim tôi hẫng một nhịp.

Lúc đấy tôi đã phản ứng thế nào, tôi cũng chẳng nhớ rõ nữa. Chỉ có cảm giác đau đớn cùng cực khi lửa đỏ bị băng tuyết dập tắt thì lại rõ mồn một. Tôi cố giữ gương mặt bình tĩnh, gọi Connor sai hắn đến ngân hàng gần nhất lây hai túi đồng vàng về, hỏi thăm mấy gã hải tặc xung quanh xem thuyền trưởng của họ ở đâu. Mọi thứ ổn thoả xong mới quay người đi tìm.

Tôi tìm thấy Kaeya trong phòng quản lý ở nơi dỡ hàng, tiến lên nhét thỏi vàng vào tay hắn. Nói rằng đây là quà cảm ơn hắn đã giúp tôi mua lại cây đàn violin đó, còn đoá hoa hồng xinh đẹp kia nữa. Ánh mắt của hắn đã rất vui vẻ khi vừa nhìn thấy tôi, nhưng nghe xong câu nói ấy, sắc mặt của hắn liền đanh lại.

Cả hai chúng tôi đều không còn là mấy đứa nhóc vừa bước chân ra đời, nhìn mặt đoán ý cũng dễ như trở bàn tay. Hiếm khi tôi được chiêm ngưỡng thần thái khác của hắn ngoài cái vẻ mặt nghênh ngang thường ngày, hắn dùng tốc độ nhanh nhất có thể để chấm dứt cuộc đàm phán với người giao dịch, lập tức kéo tay áo của tôi muốn trả tiền lại, nén xuống cảm giác hoang mang và khó hiểu: "Diluc, anh nghĩ là tôi vì tiền mới đi lấy lại món đồ kia cho anh?"

Trong lúc sốt ruột hắn dường như đã quên sạch kính ngữ mà chúng tôi hay dùng để bạo biện cho mối quan hệ này.

Tôi bẻ ngược lại xưng hô của hắn, nhìn thấy tia thất vọng trong con mắt ấy, cũng bị chột dạ theo: "Chỉ là quà đáp lễ bình thường thôi, so với món quà của anh, mấy thứ này chẳng đáng một góc."

"Tiền cũng là quà cảm ơn 'bình thường' hả? Đừng có khinh thường tôi, Diluc," Kaeya ngoài miệng cười lớn, ánh mắt lại lạnh như băng, "Quả nhiên là tôi chẳng bao giờ hiểu được trong óc của lũ quý tộc mấy người chứa cái gì. Lấy lại đi, tôi nói cho anh biết, cướp biển không đời nào thiếu mấy thứ vô tri như này đâu."

Tim tôi như thắt lại, những cảm xúc vô danh ập vào lồng ngực. Tôi nghĩ là tôi đã làm sai gì đó rồi, nhưng không hiểu vì sao, người tôi như một con rối không hồn, chẳng thể biết sai thì sửa như mọi khi. "Anh Kaeya, tôi không có ý khinh thường anh. Đây chỉ là khoản thù lao cơ bản. Tôi còn đem đến vài thùng rượu, là loại anh thích. Thuỷ thủ của anh đã chất hết lên thuyền rồi," tôi đáp lại, dường như cảm giác cay xè ở chóp mũi đã sắp ngăn không được, ngay cả hít thở bình thường cũng không nổi, giọng nói vô thức nâng lên hai tông, "Anh có thể tự mình đi xác nhận, không nhất thiết phải chỉ trích tôi ở giữa chốn đông người như vậy."

Tôi hiếm khi nói một câu dài thế này, đặc biệt là những lúc tự thấy mình đang đuối lý. Thế mà hôm nay tôi lại phản ứng như vậy. Tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân mình đến mức khi nói hai câu cuối, tôi dường như chẳng dám nhìn thẳng vào mắt hắn.

"Đúng thật là anh không hề khinh thường tôi," có vẻ như Kaeya đã nghe ra được gì đó trong ngữ điệu của tôi, hắn bình tĩnh nói chậm lại, nhưng từng câu từng chữ vẫn cứng rắn quyết liệt không thôi, "Nhưng mà, tôi lại thật sự cảm thấy rằng anh đang khinh thường ý tốt của tôi đối với anh. Tóm lại, cảm ơn mấy thùng rượu của ngài, thưa lão gia Diluc...Ragnvindr."

Khoảnh khắc hắn nói ra tên họ đầy đủ của tôi bằng giọng điệu xa cách ấy, người tôi đau đến mức run lên. Tôi nhớ lại đoá hồng hắn vừa tặng mình, cành hoa trơn nhẵn, ít gai hơn hẳn so với những đoá cắm trong lọ kia, có lẽ là bị ai đó dùng tay không nhổ bớt đi.

Linh hồn của tôi cũng giống như từng cây gai nhọn ấy, bị cưỡng ép rút ra khỏi thân thể này.

5.

Ngay cái buổi chiều tôi như chạy trối chết khỏi bến cảng ấy, Chim vượt biển cũng lần lại lần nữa ra khơi, tiến về phía lòng biển vô tận. Tôi thì vẫn trong cái guồng quay cơm áo gạo tiền ấy. Xử lý việc làm ăn, chuyện nhà cửa cùng những thứ lặt vặt không hồi kết. Tôi là quý ngài "Lão gia Noctua", là chủ nhân của cái tửu trang mới phất lên này. Càng ngày càng nhiều mối quan hệ xã giao, càng ngày càng ít khoảng trời riêng tư.

Đoá hồng Provence trên bàn kia cũng lặng lẽ chết đi, trong một đêm mưa hè nào đó, nó tựa như chút dịu dàng không biết từ đâu nhẹ ve vuốt qua cuộc sống của tôi, không chút sức sống.

Đôi khi tôi vô thức đi dò la tin tức của Chim vượt biển. Nhưng hầu hết đều chỉ nhận được dăm ba câu chuyện tán phét được truyền miệng khắp nơi, ví dụ như, bọn họ có vẻ như là đã theo chân quân đội chinh phục được một bộ tộc cổ xưa nào đó ở phương bắc Le Havre, hay là đang đóng quân trong một ngôi làng ở Tây Bắc Brester, đưa một lão già bị bệnh nào đó đến Duvana để chữa trị. Cũng có người kể gặp được họ ở phiên đấu giá của Lorion, đang mua bán con quái vật biển khổng lồ bắt được ở Vịnh Bisai, tên thuyền trưởng đội mũ ba góc đính lông chim công còn ngay tại chỗ chém chết một tên nhà giàu mới nổi to gan đem quái vật biển khoe khoang trên đường cái để cướp bóc giữa ban ngày. Thấy bảo, Kaeya còn truyền tin cho người bên này, nói cuối năm tính qua Paris tham gia cuộc đấu giá khác.

Mỗi khi tôi ngồi bên bờ cát nghe mấy lão ngư dân đánh cá biển kể mấy chuyện này, luôn sẽ có kẻ lân la bên cạnh hỏi thăm: "Lão gia Noctua, không phải ngài thân thiết với gã thuyền trưởng kia lắm à, sao còn ngồi đây nghe bọn tôi tán phét thế?"

Tôi chỉ có thể đờ mặt nhìn lại, để bọn họ tự mình nghĩ lấy câu trả lời.

Khi mùa hè kết thúc, tôi cũng bị cuốn vào vòng xoáy của vụ mùa, tự mình chỉ đạo thu hoạch nguyên cả một mùa thu. Tôi mua lại một quán rượu cũ ở bên góc cua dẫn vào thành phố ở cuối chợ cảng, tự mình mặc lên chiếc tạp dề của chủ quán trước kia, chiều chiều tạt qua làm bartender ca đêm. Ngày qua ngày vô vọng chờ đợi cái gọi là kỳ tích mà có lẽ sẽ vĩnh viễn không thể xuất hiện một lần nữa trong đời mình. Mà tia hy vọng duy nhất tôi đang bám víu là câu nói của hắn trước căn lều tạm bợ nơi thành Bordeaux: "Tôi muốn cùng anh vượt qua mùa đông năm nay."

Là kẻ làm ăn, tôi hẳn nên biết rõ hợp đồng không ký tên đóng dấu, sẽ chỉ là lời nói suông, nhưng tôi chỉ có thể cưỡng ép bản thân đừng coi lần chia tay giữa hè ấy là lời ly biệt vĩnh viễn.

Mãi cho đến lễ Giáng Sinh.

Đây là một ngày lễ mừng lớn vào mùa Đông, tôi từng đọc được nó trong sách, về cơ bản thì nó không khác "Ngày Đông Chí" trong văn hoá phương Đông là bao, đều được tổ chức vào mùa Đông. Cũng ngày đó, tôi đến nhà thờ ở cảng Bordeaux đi lễ, sau đó dạo bước quay về quán rượu — hiện tên là "Quà tặng của thiên sứ". Hôm nay, tôi cho tất cả nhân viên của quán nghỉ sớm. Khách khứa trong tiệm cũng ít ỏi vô cùng, sau tám giờ tối thì vắng tanh.

Mấy cái này đều là chuyện râu ria, tôi chỉ chăm chú dựng tai lên nghe ngóng động tĩnh ngoài cửa. Bởi nếu quý ngài Khổng tước kia còn nhớ rõ lời hứa năm ngoái, hẳn là hắn sẽ xuất hiện ở cảng Bordeaux trước mười hai giờ đêm nay.

Mùa Đông năm nay đúng là không yên bình chút nào. Tấm biển "Quà tặng thiên sứ" bị gió quật va đập kêu lạch cạch trên không trung, sấm sét trắng xóa bầu trời cứ mỗi hai ba giây lại rầm rầm vang lên, chiếu sáng cả mặt tiền của quán, đánh xuống mặt đất nổ tung.

Bão đến.

Tôi ngồi lẻ loi trong tiệm, nhớ lại sáng nay đột nhiên ngư dân đều đồng thanh bàn tán về "mưa", mấy tên thợ tất bật dùng vải bông mỏng bọc dây nho, cố định chúng lại. Nhưng sấm chẳng mấy khi ghé thăm sườn núi, mà lại tập trung ở bờ biển. Tôi cảm tưởng như cả quán rượu của mình cũng sắp bị đánh bay. Con đường phía trước quán cũng ngập thành sông, may là sàn phía trong được thiết kế cao hơn nền đất bên ngoài, quán rượu mới không bị biến thành hồ bơi. Cơn bão kia ập tới dồn dập, như thể bên ngoài kia là trận chiến giữa  Saul và Jormungandr vậy. Tôi thì đang tự hỏi xem có nên đóng cửa quán, chờ bớt mưa rồi về hay không.

Cơn bão đến bất ngờ như vậy, khỏi nói cũng biết sóng biển ngoài khơi đang rền dữ đáng sợ cỡ nào.

Nhịp tim của tôi dần tăng tốc theo từng tiếng sấm vang. Tôi không dám chợp mắt nghỉ ngơi, sợ rằng chỉ cần nhắm mắt lại thì sẽ nhìn thấy cảnh tượng những con sóng dồn dập tàn phá con thuyền nhiều cột nào đấy.

Hồi còn rất nhỏ, có lần tôi ngồi nghỉ một mình trong căn nhà gỗ sau núi, đã từng được chứng kiến tận mắt cảnh sóng thần ập đến. Cũng là mây đen phủ khắp bầu trời, con sóng cao gấp mấy lần bức tường thành từ nơi xa xa đang lao về phía tôi. Lúc ấy, cả người tôi ướt đẫm, nhưng vẫn cố dùng hết sức bình sinh chạy nhanh về trang viên, nhưng tình cờ lại gặp được một đứa bé trạc tuổi mình nằm ngất bên bờ cát. Tôi theo bản năng gồng sức kéo cả thân thể dính đầy đất cát kia vào chiếc lều dưới chân núi, sau đó mới sốt ruột đi tìm cứu viện.

Nhưng chuyện khiến tôi áy náy đến tận hôm nay là, lúc tôi đưa bác sĩ đến, cậu bé kia lại vô thanh vô thức biến mất. Khả năng cao là đã bị đợt sóng thần thứ hai cuốn trôi đi rồi.

Đó là lần đầu tiên tôi biết được sinh mạng của con người bé nhỏ thế nào trước thiên nhiên rộng lớn.

Còn giờ đây, tôi đang đứng ngồi không yên trong Quà tặng thiên sứ, một tiếng sấm rạch ngang trời khiến tôi giật thoắt mình, hồn phách cũng sợ đến mức trốn tụt vào trong. Nhưng thân thể lại tự động đứng phắt dậy, lao mình vào màn mưa, trong đầu tràn ngập hình ảnh con sóng cao chạm trời ấy.

Mặc cho cơn mưa to xối xả xuống đầu, tôi phóng như điên về phía Tây Bắc của bến cảng, mặc cho hai lần đạp trúng rêu xanh không kịp trở tay mà vấp té đập mặt xuống nền đất, tôi vẫn không dám lãng phí chút giây phút nào, cắn răng chịu đựng cơn đau buốt của vết thương bị nước mưa và đất cát nhiễm trùng, dốc sức mà chạy.

Đừng đến mà.

Tôi âm thầm cầu nguyện cho con thuyền cướp biển mà mình ngóng trông suốt hơn ba tháng trời, rồi lại sợ rằng boong thuyền bằng gỗ ấy lại không thể chịu nổi cơn giận dữ của biển cả. Mong là họ đã cập bến tại một bến cảng nào đó mà tôi không biết tên, tốt nhất là mọi người đều an toàn lên bờ, tá túc tại trạm dừng chân, cùng nhau đàn ca những bài hát dân gian, quây quần bên đống lửa ăn mừng một mùa Đông nữa lại qua đi.

Bến cảng mưa bão ầm ập, mấy tấm vải bạt yếu ớt bị thổi bay tứ tung, gió lớn đuổi bắt sóng biển, cuốn chúng xô tạt vào bờ, ập vô con đường tôi đang hướng tới. Bình thường tôi cũng chẳng có tí kính nể gì với Chúa Trời đâu, nhưng lúc này đây tôi lại điên cuồng khẩn khoản cầu xin rằng ngài sẽ bảo vệ người tôi đang chờ đợi bình an vô sự trở về.

Tôi mò mẫm giữa trời gió táp một lúc lâu, đi từ phía Nam đến phía Bắc. Cả đời tôi chưa từng chật vật thế này, mái tóc dài bị nước biển và nước mưa cuốn thành một mớ lộn xộn. Tôi túm chặt lấy lan can sắt bên bến cảng, dưới ngọn đèn hải đăng lờ mờ tìm kiếm khắp nơi. Nước mưa theo gò má chảy vào cổ áo, khiến cả người tôi ướt nhẹp, nhưng giờ đây tôi chẳng còn chút tâm tư nào để ý đến nó, bên tai chỉ có tiếng gió gào thét không ngừng.

Một tiếng "Rầm" vang lên, thanh âm của cột buồm đổ gãy ầm vang bên tai tôi, tôi quay đầu lại, đón gió chạy về nơi phát ra tiếng động. Cát đá chui vào giày, tôi chẳng rảnh mà bận tâm, dứt khoát bỏ đôi giày bên bờ biển, đạp chân trần gian nan ngược hướng gió mà đi. Trong màn mưa trắng xoá, Chim vượt biển và chiếc cờ hải tặc quen thuộc ấy như một phép màu hiện ra trước mắt tôi — Con tàu chật vật nghiêng ngả bên bờ biển, mười mấy gã thuỷ thủ đang dùng thả mỏ neo cố định nó ở bến cảng.

"Ngài Noctua," Một gã thuỷ thủ tinh mắt nhìn thấy tôi, cách màn mưa và bão cát đầy trời vẫy tay qua, "Ui Trời đất, đúng là ngài Noctua thật!" Tôi ho sặc ra chút cát đất theo nước mưa bay vào miệng, dốc sức chạy về phía họ. Nhưng khi họ nhận ra đó thật sự là tôi, một đám lại đồng thời quay ra hô hào gì đó, múa may tay chân ra hiệu tôi 'quay về'. Khi tôi chỉ còn cách họ khoảng hơn 20 mét, tôi rốt cuộc hiểu được ý họ nói là gì, như một con rối gỗ đứng sững lại giữa trời đất, vì bị gió thổi mà lảo đảo bước chân.

"Chỗ này quá nguy hiểm! Quay về đi, bọn tôi xử...phì, xử lý được chuyện này!!" Họ mồm năm miệng mười hô hào.

Đầu óc đang quay cuồng của tôi chợt bừng tỉnh khi nghe thấy câu "Thuyền trưởng vừa cập bờ đã đi tìm ngài rồi.". Chẳng kịp cùng họ vẫy tay chào hỏi, tôi ba chân bốn cẳng phi như bay trở về.

Chẳng thể phân biệt được thứ dính trên mặt mình là nước mưa, bùn đất, nước biển hay là nước mắt nữa. Tôi nghiêng ngả lảo đảo chạy như điên về quán rượu, cơn đau trên vết thương còn đổ máu ở đùi và tay như thể không thuộc về cơ thể này. Trong màn mưa lạnh lẽo, tôi vừa tuyệt vọng vừa hạnh phúc nhận ra rốt cuộc thứ tình cảm dằn vặt lòng mình bấy lâu nay là gì.

Tôi dùng hết sức bình sinh lao về quán rượu, tông cửa xông vào, nhìn thấy vị thuyền trưởng cướp biển mình nhớ thương ngày đêm đang ngồi bên quầy bar — hắn cũng bị thương khắp nơi, cả người chật vật bẩn thỉu, bắp tay trái còn có một vết thương sâu đến lòi cả xương, đang ào ạt phun máu ra.

"Hãy để những con sóng của Le Dukai dâng trào," Hắn đang biến tấu lời thoại của Poseidon trong《Những người phụ nữ thành Troy》của Olinus thành một bài hát với tông cao vút, hát vang như chốn không người. "Khiến xã Dunkirk, biển St. Omel, và cả cảng Blogne, eo biển Hertz chất đầy xác người chết."

"Chào mừng anh trở về, Diluc." Phát hiện ánh mắt của tôi, hắn xoay người nhìn tôi nhếch mép cười.

Nhịp thở của tôi chợt khựng lại, hàng ngàn câu hỏi han quan tâm lúc này như bị nghẹn ở cổ họng, không nói lên lời. Tôi không biết dùng câu từ nào để miêu tả tâm trạng như thể vừa tìm được đường sống trong chỗ chết này, vì tôi chẳng dám tưởng tượng cảnh nếu hắn bị chôn vùi nơi bến cảng, tôi sẽ biến thành một con quỷ vật vờ lay lắt thế nào.

Hắn nhìn thoáng qua bộ quần áo rách rưới trên người tôi, lại chẳng hề động chạm đến tình trạng chật vật của cả hai, giọng điệu vẫn ôn nhu cuốn hút như cuộc chạm mặt lần trước ở  Bordeaux: "Khiến anh phải lo lắng rồi. Chim vượt biển khoảng nửa tiếng trước vừa cập bến, nhưng do trước đó bọn tôi va phải đá ngầm, nên mới tới trễ thế này. Thật sự xin lỗi anh rất nhiều."

Sau đó hắn nhìn vết thương trên người tôi, đôi mày hơi lo lắng nhíu vào: "Mưa lớn vậy, còn tự mình chạy ra đó làm gì?"

Tôi rốt cuộc vẫn không thể kìm nén những cảm xúc trong lòng, cánh mũi sụt sịt vài hơi không khí ấm cúng trong căn phòng, nâng tay quệt sạch nước mưa và bùn đất trên mặt, chẳng thèm sắp xếp lại bao xúc cảm lộn xộn và hoảng loạn trong lòng, hai bước thành một lao qua ôm chầm lấy hắn.

Kaeya bị tôi xô suýt chút nữa va vào cạnh bàn, dù vậy hắn vẫn ung dung đưa một bàn tay bọc lấy trán tôi, tránh cho cả tôi cũng trở thành nạn nhân của cuộc va chạm này. Tay còn lại hắn lót sau lưng tôi, không đẩy ra cũng không cự tuyệt. Khi tôi cuối cùng cũng thoả mãn chôn cả người mình vào lòng hắn, hắn mới cúi đầu, má kề má, cười nói vào tai tôi: "Có phòng tắm không? Tôi mượn một lát."

Gương mặt tôi thoáng chốc đỏ bừng, đứng lên đáp: "Ở trên lầu, tôi dẫn anh đi."

"Không cần khách sáo với tôi thế," Kaeya vuốt tóc mái dài qua cằm của mình ra sau, "Vết thương của anh cũng không hơn kém gì tôi đâu, hay anh tắm trước đi? Để lâu sẽ nhiễm trùng đó."

Tôi không chối từ đề nghị ấy, lôi một cái xô gỗ ra trước mặt hắn, đổ đầy nước, cầm khăn nhẹ nhàng rửa sạch miệng vết thương cho hắn, sau đó phơi cả khuôn mặt đỏ bừng đi tắm rửa, băng bó. Tay chân của Kaeya nhanh nhẹn hơn tôi nghĩ. Khi ta thay quần áo sạch sẽ, đổ cái xô đầy máu loãng của hắn đi, dọn dẹp mọi thứ xong xuôi, hắn đã quấn chiếc khăn tắm tôi đưa quanh hông đi về phía quầy bar. Ánh đèn lờ mờ chiếu lên thân thể hoàn hảo ấy, như một pho tượng Hy Lạp cổ bỗng dưng sống dậy.

Kaeya nhìn chiếc ly rượu lau sạch sẽ tôi vừa để trên bàn, thản nhiên nói: "Chủ quán, cho một ly rượu vang đỏ nóng."

Tôi gần như không dám nhìn thẳng vào thân hình trần trụi đó của hắn: "Quần áo tôi đưa anh đâu rồi?"

"Không vừa, tất cả đều nhỏ hơn tôi một số, tôi để lại chỗ cũ rồi," Kaeya xòe hai tay ra, ngữ điệu âm thầm có chút bất đắc dĩ, "Ngài Diluc vậy mà không chuẩn bị chút quần áo mùa Đông cho tôi, làm tôi tủi thân muốn chết."

Không biết có phải do tôi quá đa nghi không, tôi có cảm giác như hắn đã nhìn rõ được chút tâm ý khó tả mà ngay cả tôi cũng không hiểu được ấy. Như thể trước kia hắn đã từng đứng ở một góc nào đó chăm chú nhìn tôi thật lâu, mà tôi lại chẳng hề hay biết gì cả.

"Tôi cũng không biết ngài Kaeya sẽ đại giá quang lâm căn nhà nhỏ bé này của tôi để tá túc qua Đông." Tôi tránh né ánh nhìn của hắn, cầm một ly rượu không đẩy qua, "Tôi lên lầu tìm xem còn bộ quần áo nào vừa cỡ anh không, tiện thể cầm hai cái bánh gừng xuống. Rượu vang đỏ nóng thì bây giờ mới đun."

Kaeya cười nâng ly rượu lên, làm động tác cụng ly với tôi: "Cứ từ từ, tôi sẽ chờ anh."

"Tôi sẽ ở đây cả mùa Đông này," Hắn nghĩ một lát, ngay khi tôi vừa bước một chân lên bậc thang đầu tiên thì nói tiếp, "Thời gian của chúng ta còn rất nhiều."

Nghe thế, trái tim nhỏ bé của tôi kinh hoàng nhảy liên hồi như một con thỏ hoang chạy trốn khỏi vuốt sắc đại bàng. Tôi dùng tốc độ nhanh nhất lục ra một bộ đồ ngủ rộng rãi, lại vòng qua chiếc rương trữ đồ ăn ở cuối giường lôi nguyên hộp bánh gừng ra, bày trên chiếc đĩa gỗ ở quầy bar. Nhân lúc Kaeya đang mặc quần áo, tôi xoay người nhóm lửa xào hương liệu và bột quế, lấy chai rượu vang đỏ dưới áp đáy thùng đổ vào nồi đun sôi lên. trong làn khói mờ mịt hương rượu, một bóng ma chậm rãi che phủ mu bàn tay của tôi. Ngay khi tôi vừa giật mình phản ứng, thì Kaeya đã tựa cằm lên vai tôi rồi.

"Diluc," Hắn dùng giọng mũi lầu bầu thở vào tai tôi, "Ăn miếng bánh gừng cho nóng người không?"

Tôi mặt đỏ tai hồng, không dám nhìn hắn, chăm chú ngửi mùi rượu trong nồi để điều chỉnh lửa: "Của anh hết, có phải là tôi chưa từng được ăn mấy thứ này đâu."

Hắn nhìn chằm chằm tay tôi hồi lâu, bỗng nhét cả miếng bánh gừng đang ăn dở trong tay vào miệng tôi. Tôi cau mày theo quán tính ngửa đầu né tránh, hắn lại đột ngột buông tay, miếng bánh quy cứ thế mà rớt xuống hõm xương quai xanh tôi. Khi tôi còn đang sững sờ, hắn đã cúi người xuống, buông câu "Xin lỗi, lỡ tay.", rồi túm lấy cánh tay trái, vùi mặt vào hõm vai tôi, đầu lưỡi mơn trớn xương quai xanh, hơi thở ấm nóng của hắn phả vào ngực tôi, cắn lấy miếng bánh gừng đưa vào miệng.

Mồi lửa cọ sát nòng súng bắn ra từng tia sáng.

Hơi thở của tôi hoàn toàn rối loạn, nửa thân trên vô thức kích động đến phát run,cả cơ thể như vừa bị ném vào nồi nước sôi, từng cái lỗ chân lông nổ tung vỡ ra. Tôi vừa run tay bê nồi rượu vang được hâm nóng để lên miếng lót đan bằng cỏ, đã bị Kaeya túm lấy xoay người đè lên mặt tường, hắn nhắm con mắt duy nhất lộ ra kia lại, dồn dập hít hà mùi rượu bay luẩn quẩn trong không khí, cắn lên đôi môi của tôi, sau đó là một nụ hôn gần như dựa toàn vào bản năng, xâm chiếm và cướp đoạt. Lúc đầu tôi còn có thể tự mình đứng vững, nhưng càng về sau tôi chỉ có thể nhũn người ngã vào khuỷu tay của hắn, nhắm chặt hai mắt hoảng loạn hưởng thụ vị ngọt ngào quấn quýt giữa hai đôi môi.

Nụ hôn đầu này như kéo tôi lại về cái đêm suýt nữa chết đuối ấy ở cảng Dieppe, tôi cũng giao cả thân thể vào vòng tay vững trãi ấy của hắn, đầu óc quay cuồng không thể phân biệt được gì, chỉ có từng hình ảnh vụn vặt xẹt qua đôi mắt hờ khép.

Con thuyền rẽ sóng trong đêm đen. Tiếng đàn lia buổi trưa hè. Ba tiếng súng nổ vang giữa khoảng không tĩnh lặng. Chiếc đàn violin yêu quý.

Đoá hồng Provence chết.

Đầu óc ầm vang, tôi đột nhiên vùng vẫy đẩy cơ thể đang đè trên người mình ra. Sức của hắn thật ra không mạnh bằng tôi, đặc biệt trong tình huống tôi đột ngột phản kích, trực tiếp bị tôi đẩy lùi ra sau nửa bước, va vào cạnh bàn quầy bar. Hắn xuýt xoa một tiếng, kinh ngạc nhìn tôi, cực kỳ hoang mang với hành vi phản kháng bất ngờ này.

Không biết từ khi nào, trận mưa ngoài cửa đã tạnh, bên khoài tửu quán không khí còn ẩm ướt, yên lặng và trầm tĩnh, mùi rượu vang đỏ nóng còn quanh quẩn bên bếp. Đồng hồ treo tường kêu lên ba tiếng báo hiệu rằng một nửa của đêm Đông này đã qua đi.

Hắn thấy tôi sững sờ đơ người tại chỗ, mới cẩn thận tiến tới, dùng ngữ điệu mềm mại nhẹ nhàng tôi chưa từng bao giờ được nghe thấy từ miệng hắn mà hỏi: "Sao vậy?"

Tôi há miệng thở dốc, muốn giải thích rõ ràng cho hắn rằng mọi sự không phải do tôi cố ý.

Nhưng chiếc bình cắm đầy hoa hồng trong khoang thuyền nọ cứ như bóng đè bao phủ lấy tâm trí tôi, biến thành một kẽ hở, biến thành một sự tồn tại chỉ biết mang đến đau thương và biệt ly.

Hắn thấy tôi không phản kháng nữa, thì chỉ bất đắc dĩ mỉm cười, lặng yên ve vuốt sợi tóc bên thái dương tôi. Nhưng hắn nào biết, hắn càng thể hiện nhiều bộ mặt tôi chưa từng thấy qua, tôi càng như đứng ở mép vực sâu lung lay không dám nhúc nhích.

"Xin lỗi," Chớp mắt hắn lại đã khôi phục dáng vẻ bình thản ung dung thường ngày, "Có lẽ là tôi hiểu lầm thôi, anh Diluc. Cho nên, tối nay tôi ngủ ở đâu đây? Ầy, mong là đám thuỷ thủ có thể tự mình kiếm được chỗ nghỉ chân, ngày mai tôi phải vào thành tìm thợ sửa thuyền giỏi nhất để sửa con Chim vượt biển kia mới được...Phải bảo họ mở rộng khoang chứa hàng ra thêm chút nữa."

Cont.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro