2. Sắc thái thứ 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Nguyên một ngày, Kaiser nhốt mình trong phòng tranh và điên cuồng vẽ, bỏ cả ăn uống.

Như thể anh chẳng màng gì cả, không muốn dây dưa với mớ vướng bận nào hết, dù là cuộc sống hay chuyện học hành. Anh nghỉ học không phép, căng vải toan A1 lên khung gỗ và pha màu dầu. Mùi hăng đặc trưng của nhựa thông không tan quánh lại trong căn phòng bừa bộn nhưng lại trật tự theo logic của gã sinh viên trẻ sống một mình, dưới đất xếp rất nhiều những bức tranh đủ kích thước được hoàn thành tuỳ hứng. Một chiếc thang gỗ bốn chân năm bậc lem luốc dính sơn, được trưng dụng làm giá để hoạ cụ, đầy ắp bút và những lọ màu đa dạng chất liệu, Kaiser kéo nó ra cạnh giá vẽ. Anh luôn lựa chọn kĩ càng và đầy đủ những thứ cần thiết cho việc hoàn thành một tác phẩm tranh, xếp chúng bên cạnh để tiện tay sử dụng, chứ không bao giờ vừa vẽ vừa ngẫm nghĩ xem làm gì tiếp theo. Dù đi theo nghệ thuật, nhưng anh luôn tư duy theo hướng trật tự và lí trí nhất, có lẽ chảy trong huyết quản anh là dòng máu của một công dân Đức điển hình, anh không phải kẻ thuộc trường phái hổ lốn thiếu cân nhắc khi sáng tác. Mọi thứ anh vẽ ra đều đã có một bản phác thảo chi tiết rõ nét trong đầu, và việc của anh là hiện thực hoá nó trên giấy vải dưới ngòi cọ mượt như gió cuốn.

Thời gian tích tắc chảy trôi, trong căn nhà không có chiếc đồng hồ nào cả, mà Kaiser cũng chẳng cần đong đếm thời gian. Nhưng anh nghĩ cũng đã rất khuya rồi, thậm chí quá sang ngày hôm sau, không gian ngoài đường lặng yên đến tịch mịch, không sót lại chút tia tạp âm. Mái tóc vàng kim như hoàng sa chảy xoã ngang lưng, đã bung ra tự lúc nào, dù nhiều lần anh cầm túm cả mớ lên và vấn cao. Tóc mai như tơ mịn loà xoà quẹt vương trước mặt, Kaiser dụi mắt, ngăn cơn buồn ngủ đột ngột ập đến. Anh uể oải xoa bóp vùng cổ căng cứng sau khoảng thời gian dài đứng vẽ, sờ lên hình xăm đoá hồng xanh kì quái như một thói quen, rồi luệt quệt đôi dép xốp tiến ra phía cửa sổ. Dường như anh cũng mới nhận ra mình đã không mở cửa để đón bất kì ánh sáng tự nhiên nào trong ngày. Và ngoài trời là một màn đêm yên tĩnh mịt mờ, cùng gió lạnh thổi xộc vào trong căn phòng bít bưng mùi sơn dầu mới quánh, cơn gió bất chợt ập đến thổi rối xù những gợn tóc óng ánh vàng xao động. Mùi hăng nghẹt của nhựa thông lập tức được giải phóng, tản mác ra bầu trời đêm, Kaiser thấy dễ thở hơn một chút. Có lẽ adrenaline trong người anh cũng vơi đi phân nửa rồi, sự mệt mỏi kéo tới khiến anh chỉ muốn leo lên giường ngủ đến tận chiều.

Trên bệ cửa sổ có một lon beer Pilsner anh tuỳ tiện để tự bao giờ mà không nhớ. Kaiser kéo lại vạt áo mỏng trên người, ngồi lên bệ cửa, xoay lưng về màn đêm rét giá. Anh bóc lon beer thơm ngát mùi lúa mì Đức và ngửa cổ uống từng hớp. Cái lạnh từ từ xâm chiếm lấy thể xác không còn chút sức lực. Kaiser bật cười mỉa mai, đúng là bùa mê thuốc lú, không dưng lại bị một kẻ lạ mặt trên đường hớp hồn rồi vắt kiệt thần trí thế này. Mới chỉ một bức tranh đầu tiên, liệu anh còn đủ tinh lực mà vẽ 98 bức còn lại không.

Ở chính giữa căn phòng là một bản tranh sơn dầu mới hoàn thành, sắc độ còn tươi mướt, chưa ráo màu vẽ. Kaiser lẳng lặng nhìn nó, trong khi uống những ngụm beer còn lại. Một bức hoạ hoàn mĩ, tuyệt đẹp.

Tại sao nó đẹp đến vậy? Vì ấy là khuôn mặt tinh xảo của một dung nhan thần bí đến khó tin. Từ màu tóc chuyển sắc hồng lạ lùng, đến đôi đồng tử màu ruby trong vắt không nhiễm tạp dương thế. Nước da mỏng như sứ trắng, lấm tấm một chút tàn nhang mong manh dưới ánh quang mang ngày mới. Tất cả khiến Kaiser xao động. Đặc biệt là biểu cảm trên gương mặt của người ấy, vừa có thần lại vừa trống rỗng, vừa tràn đầy đức tin, lại vừa lẩn khuất do dự, ẩn tàng trong nét dịu dàng ngây dại, là thuốc độc khó đoán... Kaiser híp mắt nhìn người trong tranh. Người ấy như đang nhìn lại anh, lại như không nhìn. Đó là cái nhìn về một cõi xa xăm, hướng tới đấng tối cao nào khác. Tràn đầy sự trung thành của kẻ bề tôi với đức quân vương.

"Sắc thái thứ 1 - Tín ngưỡng của kẻ hầu", Kaiser đặt tên cho bức tranh đầu tiên.

Sau ấy, Kaiser ngủ đến tận chiều muộn, tỉnh táo lại sau một ngày một đêm hoạt động hết công suất, đã thấy ngoài trời đen đặc phủ trùm trong bóng tối. Tự dưng anh thấy mình như sinh vật sống về đêm vậy, điều đó làm anh ngột ngạt mất hứng. Anh ghét màn đêm u tối, chỉ kẻ hèn nhát mới không dám đối diện với Mặt Trời.

Căn nhà Kaiser đang ở là của một người họ hàng đã chuyển đi nước ngoài, nội ngoại thất đều như thuộc về những thế kỉ trước vậy, tình cờ cũng cách trường anh đang theo học không xa. Xung quanh đầy đủ các cửa hàng, tiệm ăn, siêu thị... sầm uất và nhộn nhịp. Qủa nhiên, nơi nào nhiều sinh viên thì làn gió tươi mới luôn khiến người ta thấy khung cảnh thật sống động. Anh rảo bộ vào chuỗi siêu thị Rewe To Go phổ biến, suy nghĩ nên mua gì ăn. Dạ dày lục bục sôi lên vì cơn đói, nhưng bản thân anh lại không thực sự muốn nạp thứ gì vào người. Anh mua đại một cân bratwurst (xúc xích nướng) trên quầy thức ăn nhanh, cùng hai lon beer, bỏ chung vào một túi, rồi lững thững rời đi. Mặc dù Kaiser không có chủ ý đi đâu, đầu óc cũng khá trống trải những suy nghĩ, nhưng bằng thế lực nào đó đôi chân tự đưa anh di chuyển tới một nơi.

Phòng khám nhãn khoa Wkm.

Kaiser đoán bừa, Wkm là viết tắt của Willkommen - xin chào trong tiếng Đức. Một cách đặt tên đơn giản, tuỳ tiện, cho có. Hầu như các hàng quán, cửa tiệm ở Châu Âu thường đóng cửa sớm sau 5 giờ chiều, và phòng khám tư nhân này cũng không ngoại lệ. Cửa đóng im ỉm, kèm một tấm biển ghi giờ làm việc trong ngày. Còn giờ cũng quá 7 giờ hơn. Anh tần ngần một lúc trước hàng hiên, bước qua bước lại không chủ ý. Nơi đây khá gần trường anh học, chỉ cách một con hẻm băng qua. Vậy mà anh cũng chưa từng đến nơi khuất ngõ này trong mấy năm liền, thật lạ lẫm.

Đương lúc anh đang phân vân nên làm gì tiếp, thì cánh cửa cuốn bảo an thình lình kéo lên, lộ ra mặt tiền cửa kính sáng sủa hệ thống đèn vàng trắng trong không gian phòng khám. Kaiser nheo mắt nhìn, thấy một bóng người chạy vụt từ cầu thang trên tầng, lao tới mở cửa. Khuôn mặt ấy Kaiser không thể quên được, vẫn xinh đẹp như trong tưởng tượng.

Nhân vật với mái tóc có tông màu nâu hồng ấm áp chuyển sắc lạ kì xuất hiện, như đốm lửa bập bùng nhẹ thắp lên trong tâm can Kaiser giữa tiết trời cuối Thu lạnh lẽo, và ngoài trời gió đang rít lộng như muốn túm mớ tóc dài xoã ngang lưng của anh mà ném lên không trung. Ness nhìn anh, nở một nụ cười rạng rỡ với đôi đồng tử hồng ngọc ánh lên những điểm sáng tươi vui, khiến Kaiser hơi chói mắt. Anh chưa biết nên nói gì.

"Anh cảm giác là em sẽ tới hôm nay." - Ness tươi cười, khoé môi cong lên những đường viền quyến rũ.

Kaiser đưa túi đồ ăn mới mua ở siêu thị tiện lợi cho Ness, bởi thực ra anh cũng chẳng biết nên làm gì tiếp theo. Anh đi vào phòng khám mắt, bên trong sạch sẽ gọn gàng với rất nhiều những thiết bị đo thị lực, khu vực khám chữa cho bệnh nhân có rèm vải trắng che phủ, vài kệ tủ trưng bày gọng kính nhiều mẫu mã, luẩn quẩn trong không khí là mùi thuốc khử trùng hăng cồn đặc trưng ở bệnh viện... Anh ngắm nghía theo kiểu tò mò một cách kín đáo, bởi thị lực của anh khá tốt, gần như 10/10 nên chẳng bao giờ đặt chân đến những chỗ như này. Ness là bác sĩ nhãn khoa, có phòng khám tư nhân, đi tới theo địa chỉ mới biết hoá ra lại ngay gần nơi Kaiser sống.

Đặt túi nylon đồ ăn lên bàn làm việc, Ness lấy beer ra bật nắp lon, khen gu chọn beer của Kaiser là "có khẩu vị tốt", rồi cắt hết xúc xích ra đĩa. Kaiser không phải người hướng nội, anh không ngại giao tiếp hay có rào cản tiếp xúc với người khác, chẳng qua tính cách nguyên bản của anh có chút khinh người và quá mức đề cao cái tôi, nên kiểu hướng ngoại như anh không thực sự phổ biến. Để nói thì anh chính là một ENTP điển hình số hiếm trong xã hội.

Hai người vừa ăn xúc xích vừa uống beer lúa mì như những thằng trai Đức, và nói chuyện phiếm. Ness cười rất nhiều, có màu hồn nhiên theo hướng Kaiser có thể dung nạp. Anh cũng thoải mái cười và bộc lộ nhiều hơn về những suy nghĩ độc đoán của bản thân trong những đề tài họ nói với nhau. Mà cũng lâu rồi, Kaiser mới nói nhiều như vậy với một ai đó. Anh không cảm thấy ai đồng cảm được mình, mà bản thân anh cũng hơi thiếu dây thần kinh thấu hiểu cho câu chuyện của người khác. Nhưng anh biết Ness hứng thú anh - chứ không chỉ mỗi anh bị Ness thu hút từ cái nhìn đầu tiên. Thông qua cách Ness chăm chú nhìn mãi vào đôi mắt xanh như mặt biển của anh, như chưa hề rời đi tiêu cự. Cái nhìn đăm đăm sâu sắc nhưng kìm nén điều gì đó, sợ rằng bản thân sẽ không kiểm soát được mà xé toạc bộ mặt tươi cười hiện tại. Kaiser nghĩ mình ảo giác rồi. Bị Ness nhìn khiến anh cảm thấy như bị một con bạch tuộc lẳng lặng cuốn lấy, tưởng như vô tri nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Dù anh thấy cảm giác này khá hấp dẫn và có phần hồi hộp.

"Có muốn thử đo mắt không?"

"Bệnh nghề nghiệp à?"

"Em có đôi mắt hớp hồn thật đấy."

Chết tiệt! Đây hẳn là điều Kaiser nên nói, chứ không phải để gã trai kia nói ra trước! Ness vui vẻ bắt Kaiser đọc hết bảng thị lực Landolt C, sau đó còn lôi kéo bắt làm đủ bài kiểm tra mắt khác. Nhưng Kaiser cũng chiều theo ý muốn của hắn, không cảm thấy khó chịu hay phiền phức. Dù sao cũng vui theo cách vô thưởng vô phạt, mặc cho hắn nghịch. Khúc ấy, Kaiser nằm trên chiếc ghế da dài, Ness ngồi ghế y sĩ bên cạnh, săm soi. Tay hắn cầm chiếc đèn chiếu và một thiết bị kính chuyên dụng, đặt trước mắt Kaiser, dường như đang đọc các thông tin trong đáy mắt xanh ấy. Một lúc sau, Ness tháo găng tay, chạm nhẹ lên bầu mắt Kaiser, cái chạm nhẹ như lông vũ, khiến anh hơi nhột, nhưng nó lướt qua nhanh chóng, ngón tay thuôn dài mềm mại của hắn du di một đường cong chạy ngang hai bầu mắt, trượt xuống thái dương. Kaiser khó hiểu, nhưng Ness vẫn mỉm cười dịu dàng. Làn da trên những đầu ngón tay hắn ấm áp, như thể hắn là kiểu người có thân nhiệt máu nóng vậy. Hắn nói Kaiser có thị lực quá tốt, tầm nhìn thậm chí là ưu việt hơn những người khác, nhưng đôi khi không nên lạm dụng đôi mắt quá sức bởi cái gì cũng cần có quãng nghỉ. Kaiser thú nhận một khi anh chú tâm vào công việc sáng tác, thì không cách nào tiết chế bản thân dừng lại, có những thời điểm để hoàn thành một bức tranh mà anh không ăn không ngủ trong suốt 50 tiếng đồng hồ, mặc cho thân thể gào thét và đầu óc cùng đôi mắt đau nhức muốn nổ tung. Anh bị chuyên tâm thái quá và sử dụng đôi mắt tinh nhạy của mình không hề giữ gìn. Ness gật đầu ghi chép, sau đó lấy một chiếc kính trắng gọng kim loại tròn, đưa cho Kaiser, nói rằng đây là dòng kính chống ánh sáng xanh, gia tăng bảo vệ mắt khi làm việc trong môi trường có nhiều ánh đèn trắng, tiếp xúc nhiều màn hình điện tử, hay thường xuyên phải đảo mắt để phân biệt màu sắc. Ness nghiêng mặt, nhẹ giọng bên tai Kaiser bằng chất giọng ngọt trầm như hương mật, hắn khuyên Kaiser nên giữ gìn đôi mắt cẩn thận hơn, vì nó hoàn mĩ đến trân trọng. Sau đó hắn cài chiếc kính gọng tròn vào ve áo Kaiser như một món quà gặp mặt.

Kaiser bị sự quan tâm ấy làm cho lạ lẫm. Anh đề xuất có thể tiếp tục đến phòng khám của Ness để quan sát và vẽ tranh không? Trước đó anh từng kể về bài tập học kì quan trọng phải hoàn thành 99 bức hoạ chân dung đa sắc thái. Ness lập tức vui vẻ đồng ý, hắn luôn sẵn lòng gặp và mong được đóng góp một phần vào những tác phẩm nghệ thuật của Kaiser.

Nguyên một buổi học kế tiếp, Kaiser cắp sách đến trường mà không thể hoàn toàn tập trung vào những bài giảng trên lớp. Tâm trí đầu óc anh cứ luẩn quẩn bởi mùi thuốc cồn sát trùng và dáng hình mảnh khảnh trong chiếc áo khoác blouse trắng. Anh chỉ muốn thời gian trôi thật nhanh lẹ để chạy ngay đến phòng khám nhãn Wkm và gặp mặt người thanh niên kia. Không thể tưởng tượng được Kaiser đã ủ ê thế nào suốt mấy tiết học từ sáng đến ba rưỡi chiều, cùng mớ Lịch sử Mỹ thuật trung đại dông dài lý lẽ, cho đến khi chuông báo hết giờ vang lên ồn ã, Kaiser đã có mặt ở nhà Ness chỉ sau năm phút đồng hồ. Anh bay đến như không cần cả thở nữa vậy, kiếm ngay một góc phòng và dựng giá bút lên. Phòng khám hôm nay cũng không vắng, đang có bốn khách ngồi chờ, họ bấm điện thoại hoặc đọc tạp chí, dắt theo cả trẻ con. Người ta liếc mắt nhìn anh hờ hững, không hề tỏ vẻ lạ lùng hay khó hiểu. Kaiser sắp xếp hoạ cụ, anh chỉ mang rất gọn nhẹ cho một buổi diễn hoạ, dựng nền bố cục màu sắc và bắt lấy ý tưởng, còn hoàn thiện tranh sẽ là khi về nhà. Có âm điệu trầm thấp, ngọt ngào phát ra phía sau rèm vải trắng, là tiếng của Ness đang thăm khám cho một bệnh nhân nữ. Tiếng nói cũng chỉ rì rầm mà thôi, không đủ cho những người phía ngoài nghe được nội dung. Lúc sau, tấm rèm được vạch sang bên, người phụ nữ đi ra và người tiếp theo trong số thứ tự tiến vào chiếc ghế trống. Trong khoảnh khắc gã y sĩ xinh đẹp từ phía bàn làm việc liếc thấy bóng người có mái tóc vàng kim xoã dài sau lưng ngồi ở phía ngoài cạnh chiếc bảng vẽ A2, hắn nhoẻn cười ý nhị. Kaiser chớp được điểm sáng ấy, anh gõ gõ đuôi bút chì lên mặt bảng thay cho lời chào hỏi, Ness gật đầu nhẹ và thông báo rằng buổi khám bệnh hôm nay sẽ không buông rèm cửa. Phần lớn những người tới phòng khám này cũng chỉ để đo mắt và mua kính, hoặc xin kê nước muối vệ sinh, nên không ai phản đối việc này. Vậy là Kaiser đã có thể trọn vẹn ngắm nhìn Ness khi đang làm việc.

Bệnh nhân tiếp theo là một nam giới trung niên, khuôn mặt trái nết với nhiều nếp nhăn khắc kỉ. Ness kiểm tra mắt cho người này theo đúng những quy trình thông thường và tiến hành vấn đáp bệnh. Hắn ngồi đối diện bệnh nhân, nhưng ngăn cách qua chiếc bàn giấy xếp gọn từng chồng bệnh án và một số dụng cụ y tế, có một hàng kính mắt trong với đủ những thông số diop từ 0.25 đến 10 và một khay đựng những chiếc gọng kính đo mắt bằng kim loại điền đầy những con số lập dị trên viền tròn,... nhiều những thứ thú vị khác nữa. Kaiser tập trung nhìn vào biểu cảm của Ness, thấy hắn khi bước vào công việc cũng chẳng khác những khi anh từng biết cho lắm. Ness có vẻ là người hoà nhã, hay cười, cũng là một dạng hướng ngoại. Nhưng Kaiser cứ vô tình đọc ra từng điệu bộ của Ness đều ẩn tàng sự vờ vĩnh, giả trân. Vẻ như hắn cười, mà hắn không thực tâm như thế. Khách sáo, xa lạ và giữ mình trong một không gian suy tư riêng biệt, Ness là sự hoà trộn của lối giao thiệp hướng ngoại nhưng thâm tâm che giấu bản chất hướng nội cô độc. Kaiser cố gắng lột tả nụ cười ấy trên giấy.

Ness có một đôi môi rất đẹp. Viền môi cong rõ đường chữ M gợi cảm và khác biệt, Kaiser luôn có cảm giác thôi thúc muốn miết ngón tay lên môi hắn để di theo đường cong hoàn mĩ này. Nếu nói khuôn mặt Ness là một tổng thể hài hoà của nhiều đường nét thanh tú, thì có lẽ môi là nơi cuốn hút Kaiser nhất, anh thấy đặc biệt hơn tất cả chính là nụ cười cong lên kia. Khó để cắt nghĩa hoàn toàn tính chân thật trong ý cười của Ness, thực tâm hay giả dối, hồn nhiên hay ác tà.

Những người khách thăm bệnh lục tục đứng lên đi về cũng là lúc Kaiser hoàn thành xong bức diễn hoạ. Anh hài lòng với cái đẹp trước mắt, còn gã y sĩ thì chưa từng tắt nụ cười trên gương mặt yêu kiều. Hắn ghé lại xem tranh của Kaiser, cười khanh khách, nói rằng người trong hình còn đẹp hơn bản gốc nữa. Kaiser không cho là đúng nhưng anh tự kiêu rằng tác phẩm của mình đủ đẹp dưới mọi góc độ. Và nhiều lúc nó đẹp hoàn hảo quá mức anh không biết phải sửa chữa từ đâu. Điều đó khá nguy hiểm với những người làm nghệ thuật, bởi họ không nhận được những lời góp ý phê bình, đồng nghĩa là họ đã không bước qua khỏi vùng sáng tạo để đột phá bản thân. Đôi khi một bức tranh đẹp lại cần sự khuyết thiếu, méo tròn để nó trở nên đời hơn, thực hơn. Điên hơn, phá cách hơn. Kaiser thầm dự tính những bức tranh tiếp theo phải tìm kiếm ra sắc thái hấp dẫn hơn nữa, chứ không thể cứ mãi hoàn mĩ một cách rập khuôn.

Bởi vậy, các ngày sau đó, Kaiser thường xuyên giữ liên lạc với Ness. Anh tới phòng khám nhãn khoa kiếm Ness để tìm tòi những điều mới lạ. Mặc dù nếp sinh hoạt của Ness cũng không có điểm nào quá mức khác thường nhưng anh lục lọi ra được trong đó những nét thú vị của riêng Ness. Ness rất hay cười, gần như nụ cười xinh đẹp luôn thường trực trên đôi môi cong, nhưng không phải nụ cười nào cũng giống nhau. Cười xã giao, cười thiện chí, vui vẻ, ngượng ngùng, lịch sự, vô tri,... thậm chí là cười nhạt, cười gượng gạo. Chỉ tuyệt nhiên là chẳng có nụ cười nào thật lòng.

Ngoài việc cả hai cùng đi ăn uống, mua sắm linh tinh đời thường ở trung tâm thương mại, và quanh quẩn ở phòng khám xem Ness làm việc, nhiều lúc Kaiser cũng rủ Ness làm những việc anh thích. Chẳng hạn như đi tản bộ ở Museumsinsel, ngắm nhìn dòng sông Spree êm đềm lững thững chảy, anh giải thích ý nghĩa những bức tượng đậm chất Trung Cổ và Phục Hưng xung quanh toàn cảnh kiến trúc quận Mitte. Cả hai cũng ghé thăm các bảo tàng lớn nhỏ ở đây để xem tranh. Mặc dù Ness không hiểu lắm ý nghĩa của chúng, nhưng hắn thì thầm rằng Châu Âu đã từng đen tối biết bao. Bóng ma của dịch bệnh và giai cấp phủ trùm xuống một màu đen đặc như hồ dính, lạc hậu và tàn ác, nên những bức tranh cổ xưa đều đem tới cảm giác nặng nề, ám ảnh và chết chóc. Ness vô tình thể hiện ra hắn có hứng thú với những tác phẩm tôn giáo, hoặc những bức tranh hoạt nghĩa về tử vong. Chẳng hạn như hắn đã ngắm nghía rất kĩ bức hoạ rộng gần 3m trên tường Phòng trưng bày Quốc gia, "Der Zug des Todes" (Chuyến tàu tử thần) của Gustav Adolph Spangenberg. Cái chết được nhân cách hoá, trở thành một bộ xương trong trang phục tế lễ trắng nhởn, trùm chiếc áo choàng vải gai sẫm màu bốc lên mùi tử thi, tay trái lắc chiếc chuông gọi hồn, dẫn đầu cho đoàn người dài dằng dặc não nề lê bước, trong đó có người già cằn cỗi, trẻ nhỏ thơ ngây, danh tính không chừa một giai tầng nào từ hiệp sĩ, giám mục, kẻ gian, gã chăn cừu, người khuyết tật,... có cả sự chia li khi một người lính trẻ sắp gia nhập đoàn người để lại nàng thiếu nữ đau buồn ngoảnh mặt không nỡ nhìn. Cái chết là sự công bằng nhất trên thế gian này, nó không bỏ sót bất kì ai, chỉ còn tiếng quạ đen tang tóc bay thành đàn trên bầu trời u ám. Kaiser giải thích nó là dòng nghệ thuật tang ma, một trào lưu của hậu kì Trung đại, khi con người đột nhiên trở nên bị thu hút bởi cái chết, những bí ẩn đằng sau sự chết và cuộc sống phù du như bướm, hoa, bọt nước. Thông điệp 'Memento Mori' xuyên suốt trong những tác phẩm thời đó, nó nhắc nhở rằng tử vong luôn hiện hữu nên đừng sợ hãi, thay vào đó hãy học cách sống sao cho tốt đẹp hơn. Kaiser nói nếu Ness thích, anh có thể dẫn hắn đi xem nhiều hơn những bức tranh thuộc thể loại Vanitas - với những ẩn dụ về hộp sọ đặt cạnh muôn vàn thứ đẹp đẽ phù phiếm hư vô. Nhưng Ness chỉ lắc đầu.

Hắn cho rằng cái chết chỉ là sự hấp dẫn thuần tuý từ sâu trong lòng mỗi người. Khiến người ta buộc phải thấy kích thích, thấy sợ hãi, rạo rực hoặc khổ đau ngay khi vừa tiếp xúc. Nó không phải thứ đáng để đam mê hay tìm hiểu. Điều lãng mạn nhất ở trào lưu này đối với hắn có lẽ là điệu nhảy Danse Macabre - những bộ xương nắm tay nhau nhảy múa đến chết.

Ness mỉm cười dịu dàng, thực ra bức tranh hắn thích nhất không phải những điều tang tóc như thế đâu. Hắn thực sự thích là bức tranh "Frühlings landschaft" (Phong cảnh mùa Xuân) của Charles-François Daubigny cơ, và quả thật nó chẳng hề liên quan tẹo nào đến chết chóc hay ám thị. Bức tranh mô tả khung cảnh mùa Xuân xanh ngát, trời xanh lam nhàn nhạt, đồng cỏ xanh lục tràn đầy ý thơ, mọi thứ nhẹ nhõm như đôi mày giãn ra thư thái sau một mùa Đông dài lạnh lẽo, trả lại bầu không khí tươi mới đâm chồi. Trong bức nền ấy là một đôi tình nhân từ xa đứng nép vào nhau, vừa nổi bật xuân tình, nhưng lại như hoà vào trong cảnh sắc, có lẽ tình yêu chỉ đơn giản như thế chứ chẳng có gì vĩ mô để phóng đại nó lên. Phải chăng hắn có từng khao khát thứ tình yêu như vậy trong đời? Hay hắn lập dị hơn thế, khi muốn cùng một người yêu nào đó đan hai tay vào nhau cùng nhảy nhót giữa Xuân hoài đến chết?

"Đùa thôi, so với nhảy múa, anh muốn thử vẽ vời hơn. Hay em dạy anh vẽ đi?"

"Anh muốn vẽ gì?"

"Vẽ em chẳng hạn."

Không hiểu bằng thế lực ma quỷ nào, Kaiser lại đồng ý chuyện này nữa. Trong phòng tắm xa lạ, anh ngồi trên chiếc ghế tay vịn da đen trước chiếc gương chữ nhật phản chiếu lại căn phòng gọn ghẽ không hề có mùi ẩm mốc, tường và sàn sơn trắng đơn giản. Ánh sáng ấm áp vàng nhạt rơi lên mái tóc vàng xoã ngang lưng, anh ít khi chải, cứ để nó rối bù.

Tiếng lạch cạch không ngừng vang lên, khuếch thanh trong không gian yên tĩnh, đó là tiếng khuấy bát nhựa. Ness loay hoay đổ hỗn hợp này vào hỗn hợp kia, pha trộn lẫn lộn rồi khuấy không ngừng. Chúng sền sệt như keo dẻo, rồi từ trắng, tím lại dần đổi thành xanh biển. Đôi lúc cổ họng hắn ngâm nga phát ra một bài ca lạ lùng, xem chừng vui vẻ lắm. Rốt cuộc hỗn hợp màu xanh này cũng được phết lên mái tóc vàng kim lấp lánh của Kaiser bằng chiếc lược lông mảnh. Ness cẩn thận chải màu xanh đều lên từng dải tóc sau đó bọc những dải tóc được ủ màu vào những miếng giấy bạc, cố định chúng bằng kẹp nhựa. Tóc của Kaiser sáng màu sẵn nên không cần bước tẩy, có thể trực tiếp bôi màu nhuộm luôn.

Sau vài lần gội xả và sấy khô, mái tóc màu vàng như cát chảy được phủ lên một lớp ombre màu xanh lam độc đáo. Ness vẫn không ngừng ậm ừ phát ra tiếng nhạc từ trong cổ họng, hắn cầm kéo và bắt đầu cắt tỉa mái tóc Kaiser chẳng theo một quy luật nào. Tiếng lách cách vẫn vang lên không ngớt, sắc lẻm và nhanh chóng. Một thoáng suy tưởng hiện xẹt qua tâm trí Kaiser, nếu đầu kéo sắc nhọn kia đâm anh một cái thì sao? Đâm xuyên từ sau não, chọc qua bầu mắt, máu chảy tung toé, và thế là tổ hợp màu xanh này có thêm màu đỏ tươi nhức nhối như những bông hoa anh túc nhuỵ vàng. Anh nhìn nét cười mãn nguyện của Ness tự hỏi Ness có đang nghĩ điều tương tự như anh? Ness nhận ra Kaiser chăm chú nhìn mình qua gương, hắn nheo mắt cười đáp lại, ánh phản quang từ lưỡi kéo sắc lẻm hắt một đường sáng loè ngang mặt, đẹp như những pho tượng cổ điển sớm mai được nắng chiếu.

Kaiser hỏi tại sao lại là màu xanh.

"Vì đôi mắt em xanh biếc như mặt biển. Tưởng chừng tĩnh lặng nhưng âm thầm nổi sóng. Em tựa như màu xanh này vậy."

Đoá hoa hồng trên cổ em cũng là màu xanh dương.

"Chắc thế. Hoa hồng xanh tượng trưng cho phép màu không tưởng, những điều phi thực tế nhưng lại có thể thành sự thật."

Và điều đó giống Kaiser.

Bằng cách vô tình nào đó, Kaiser và màu xanh lam đã gắn với nhau hợp lí vô cùng.

Hôm đó Ness được thoả sức tô vẽ Kaiser, còn Kaiser trở về nhà vẽ bức tranh mùa Xuân nhưng ảm đạm như Thu tàn. Chính giữa khung cảnh cỏ úa dật dờ ngả nghiêng theo gió, là một người tóc ám đỏ đương khiêu vũ, hắn mặc bộ phục trang lụa rộng rãi màu đỏ tươi, xinh đẹp và tà mị, vạt áo tung bay theo mỗi nhịp chân. Khuôn mặt hắn trẻ trung ngây thơ mộ đạo, đuôi mắt cong tràn ngập ý cười, quả thật là đang cười rất tươi, dù nét cười nhuốm màu cô liêu. Hắn đang khiêu vũ, nhưng đối tượng kia là bộ xương khô quắt vô hồn. Cảnh vật cứ xoay tròn, xoay tròn theo bước nhảy, cứ nhảy mãi không ngừng. Là hắn tự do trong thế giới hắn vẽ ra, hay hắn mắc kẹt trong ảo tưởng viển vông về tình yêu của bản thân? Hắn ôm mộng về tình yêu phù phiếm chẳng bao giờ có được, hay cố chấp với khối xương cốt rệu rã vô tri giác đương ấp trong vòng tay. Điệu nhảy mùa Xuân giả dối lặp lại đến tận cùng cái chết. Kaiser đặt tên cho bức tranh này là: Sắc thái thứ 10 - Một chút lý tưởng của tình yêu.


.

(Koganei. 21.8.24)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro