Khi lỗi thuộc về những vì sao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lỗi tại tôi đã đọc chú sách này vào nửa đêm.

CON MÈO THỨ NHẤT: POV

Sách dùng ngôi thứ nhất, tất nhiên là để bạn nhập tâm, và nhập tâm vào một đứa trẻ ba mươi ba tuổi chia đôi bị mắc chứng ung thư tuyến giáp không phải là một trải nghiệm dễ chịu, chưa kể bạn trai bạn (hoặc bạn trai của Hazel) cũng bị u xương. Ví dụ bạn mở cuốn sách ra đọc, thay vì thấy dòng "Tôi nghĩ ung thư...", lại là dòng "Hazel nghĩ ung thư...", đấy nghe khác hẳn. Nghe đứa nào tên Hazel nghĩ về chứng ung thư của con bé đâu có khác gì bạn lên mạng tìm đại một hai bài báo phỏng vấn bệnh nhân đâu đúng không? Khi mà bạn làm Hazel rồi bị John Green đấm cho vài cú về những điều tồi tệ mà định kiến đã bẻ bạn nghĩ thế, bạn sẽ bắt đầu thấy cuốn sách thống khổ này dính chặt vào bàn tay bạn. Cái POV này thú vị ở chỗ nếu bạn là một người không mắc ung thư thì bạn sẽ có khuynh hướng nổi điên với Hazel hơn, ừm và đó là một cái bẫy khá đẹp. Bạn hóa khùng với nhân vật chính vì sao nào? Bất cần đời, không lắng nghe câu chuyện tẻ nhạt về hai hòn bi của Patrick, hỗn láo với hai đấng sinh thành quằn quại, không chịu hôn Gus ngay từ lần đầu tiên? Nhiều lắm, rất nhiều điều con bé làm sẽ khiến bạn khó chịu, nhưng lúc nào John Green cũng sẵn sàng tẩn cho bạn một trận ra trò bằng từ "ung thư". Hazel Grace bị ung thư, và phần tệ nhất của ung thư, theo như mình thấy, là quãng thời gian chờ chết vì bệnh nhân biết mình bị mắc ung thư. Mình hay nghe mấy câu hỏi khá là lãng mạn mang tính làm cuộc sống hạnh phúc hơn như kiểu "Nếu như còn một ngày để sống thì bạn sẽ làm gì?", rồi nhiều người trả lời nhiều kiểu, kể ra cũng hay tại vì bạn biết chắc ngày mai bạn chết và bạn có thể đổ mười lăm tỷ cho một cái bồn vệ sinh hay gì đó dạng vậy, nhưng thực tế là bạn chỉ biết đích xác ngày mai bạn sẽ chết khi bạn cố gắng tự tử hoặc theo như John Green, cái Ngày Cuối Cùng nó tới. Giống như một dạng bệnh nhân sắp chết và đột nhiên bạn thấy khỏe khoắn như tuổi đôi mươi trong người trong một vài tiếng ấy. Vậy có ai đã từng hỏi bạn câu kiểu như, "Nếu bạn chỉ còn một chuỗi ngày bệnh tật cho tới khi cơn đau khiến bạn thấy nhảy vào lửa còn êm hơn, bạn sẽ làm gì?" không? Người bị bệnh đâu có đổ mười lăm tỷ cho cái bồn vệ sinh được, bởi vì biết đâu ngày mai người ta khỏe mạnh hơn.

Nãy giờ mình nói chỉ để chỉ ra một điều là bạn không thể trông mong Hazel Grace sống tươi đẹp như những con thiên nga của Tchaikovsky được. Con bé đang chờ chết, đồng thời cũng mong được sống đến mức con bé tuyệt vọng chờ cái chết tới chứ không chịu đi tìm cái chết. Khi mà bạn bắt đầu đồng cảm rồi, tức là bạn coi con bé như một người bình thường, bạn sẽ thấy sự thương hại nhiều hơn tình thương đến từ người ngoài, rồi bạn sẽ thấy bản thân trong đám đông thương hại đó, cùng lúc bạn đóng vai Hazel.

Hay nhỉ. Nó làm mình phát điên.

Tóm lại là, rất ngắn gọn, chiếc POV này khiến bạn có một nền tảng thấu hiểu trước khi rớt nước mắt như mưa.

CON MÈO THỨ HAI: MƯU CẦU HẠNH PHÚC VÀ NỖI ĐAU TỘT CÙNG

Hazel có mưu cầu hạnh phúc không? Có chứ, nhiều lắm. Lúc đầu mình nghĩ cô bé này khá rắn rỏi và cần ít tình thương hơn người khác, nhưng mà hình như nó không đúng, tại vì Hazel đã dành gần như trọn cuộc đời ba mươi ba năm chia đôi để nghĩ về quãng thời gian sau cái chết của mình. Con bé nói về mình như một vết sẹo, một quả bom nổ chậm. Nếu con bé sống quá quấn quít hay dành tình yêu nhiều quá cho những người không mắc chứng ung thư, cái chết của Hazel Grace sẽ trở thành vết đâm chí tử cho tất cả bọn họ. Bởi vì ước mong đó đến từ trái tim trong trắng, con bé không muốn mình trở nên ích kỷ.

Còn anh, anh yêu và được yêu, anh hy sinh và được hy sinh, anh sống như thể anh có thể dành trọn tám mươi năm còn lại của một trăm cho người con gái anh yêu mà không ngần ngại về tương lai. Cách thể hiện tình yêu của hai người khác nhau, nhưng cho dù thế nào thì đó cũng mang không chỉ tình yêu của cả hai mà của tất cả mọi người, và có đôi lúc chuyện trở nên tuyệt vọng đến mức bạn chẳng muốn ai làm gì nữa. Vậy mà mọi người vẫn làm gì đó, tỉ như Hazel vẫn đến bảo tàng để ghi lại kỷ niệm với anh sau cú dội chấn động từ ông tác giả nọ.

Hạnh phúc thì phải đi chung với bất hạnh, mặc dù Hazel không thích câu này lắm.


Mình hỏi bạn nhé, Nỗi đau tột cùng của bạn là gì?

Bạn cứ nghĩ và nêu, mình sẽ không so sánh chúng với nhau, tất nhiên nỗi đau là không thể so sánh được rồi. Vậy thì Nỗi đau tột cùng đó khiến bạn thấy thế nào, và bạn sẽ chọn sống tiếp với chúng hay chết đi?

"Nỗi đau cần được cảm nhận". Hazel và anh chàng điển trai đã luôn lặp lại thế, rằng nỗi đau cần được cảm nhận, tại sao? Mình nghĩ ai trong đời cũng có những giai đoạn đau đớn, ở mọi chỗ bạn có thể tưởng tượng đến, nhưng cái đau đó khiến chúng ta "sống", một con người biết đau sẽ biết né tránh cơn đau, biết chạy đến nơi ấm áp, biết quý trọng người có vòng tay ấm áp và biết cảm thông với người có cùng cơn đau. Trong cuốn "Biên niên ký chim vặn dây cót" của chú Haruki cũng có một nhân vật luôn đau thế. Chị căm ghét cơn đau của mình đến mức chỉ muốn chết đi, nhưng rồi bỗng dưng cơn đau biến mất. Chị bảo đó dường như lại là một con người khác nữa, một thực thể không có nỗi đau và cũng không thật sự sống.

Bản thân cơn đau cũng sống, Hazel nói đến tế bào ung thư cũng chỉ đang vật lộn với cơ thể của họ để tồn tại, vậy nên nỗi đau tột cùng có lẽ cũng là minh chứng hùng hồn nhất của sự đấu tranh cùng tột cho cuộc sống. Và việc anh chết trong lúc chống chọi với ung thư không thể thừa nhận như một cuộc chiến thất bại, anh cũng không chiến thắng, tất nhiên, nhưng anh để lại một dấu tích, giống như dấu hôn hơn là vết sẹo, cho tất cả mọi người anh yêu.

CON MÈO THỨ BA: ĐIẾU VĂN

Hồi đó mình có đọc được một đoạn hội thoại ngắn thế này,

"Chị biết điều tàn nhẫn nhất trên đời là gì không?"

"Chị biết."

"Là gì?"

"Là em."

Lời tươi đẹp đủ rồi, giờ thì mình muốn nói thứ tàn nhẫn nhất cũng là tình yêu. Mình đã suy nghĩ (không) nhiều về việc Hazel dành điếu văn cho những người đang sống và đi đến kết luận hết sức đơn giản: người đã mất không bao giờ nghe được lời yêu thương nữa, vậy nên phải nói khi họ còn sống. Đó cũng là lý do cho buổi tổng duyệt điếu văn của Gus, anh muốn biết khi anh chết hai người mà anh yêu quý sẽ nói gì, anh muốn cảm nhận tình thương đó trước khi trái tim anh ngừng đập và má anh không còn nghe được âm thanh từ nụ hôn của Hazel nữa. Tình yêu đem lại nhiều thứ cao cả và tình yêu cũng khiến đứa trẻ hơn hai mươi nghe điếu văn của chính mình. Dông dài quá, tóm lại là nếu không yêu nhau thì hai đứa sẽ đỡ chật vật hơn xíu và cuộc sống sẽ bớt vui đi nhiều xíu.

Mình không biết hai từ "điếu văn" tác động thế nào đến từng người nhưng mà chắc chắn là ai cũng sẽ có điếu văn. Anh biết mình chết trước, vậy nên anh cũng đã soạn sẵn một bài cho Hazel. Anh hỏi Hazel có đồng ý với anh rằng cho dù tình yêu có làm họ đau đớn tới mức nào thì họ vẫn sẽ chọn nhau không? Điều hối tiếc duy nhất của anh chàng điển trai có lẽ chỉ vỏn vẹn hai từ.

"I do."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#review