Chương 25

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bọn lớp mày làm gì mà thằng Duy Anh kín miệng thế? Gần một tháng trời bố mẹ nó mới lên trường làm việc." Dũng hỏi. "Chúng nó cứ sống khổ sở cả vì nơm nớp sợ bị đuổi học."

"Không biết được, chắc nó giấu bố mẹ."

"Giấu kiểu gì được, nằm viện cả tuần trời mà. Mọi chuyện sẽ không thể cứ vậy mà êm xuôi, có lẽ thời gian tới chưa được thong thả rồi."

"Lo gì. Mày có đánh nó đâu?" Tôi nói.

"Thì không đánh, nhưng vài đứa trong lớp thằng em tao liên can vụ này, hóng chuyện chút thôi." Hắn nói, lấy lược ra chải đầu, ngắm vuốt trước gương. "Với cả vụ này không giống vụ mày đánh thằng Quang, trường hợp của Duy Anh là bị đánh hội đồng và thậm chí sau khi xuất viện nó còn chẳng nhớ nổi mặt mũi đứa nào đánh mình. Thế thì còn làm ăn gì nữa."

Tôi cười trừ, tiếp tục tản bộ trong hành lang. "Có thể nhà trường sẽ ém luôn chuyện này, liên quan đến lớp tích hợp đằng nào họ chẳng bao che. Còn không thì nhận đút lót, tao còn lạ gì."

"Cũng phải, thế thì người hưởng lợi nhiều nhất là bọn A8 còn gì! Lớp em tao đã gián tiếp cứu chúng nó phen này. Hy vọng họ đừng làm ầm ĩ như bố mẹ thằng Quang."

Đúng lúc đó, xuất hiện trước mặt bọn tôi là em hắn, Trần Thanh Lâm. Cậu ta xuất hiện từ nhà vệ sinh nam đầu dãy tầng hai, bước đến khi trông thấy Dũng. Hoặc có lẽ cả hai đã hẹn nhau.

"Chúng nó trả gấp đôi gấp ba tiền bồi thường cho phụ huynh Duy Anh rồi, chắc họ cũng không muốn làm lớn chuyện đâu. Vẻ mặt chúng nó lúc gặp phụ huynh Duy Anh có vẻ ăn năn hối lỗi lắm!" Lâm nói rồi cười phá lên, tôi vẫn quen nhìn sáu chiếc nhẫn của cậu ta hơn là những hình xăm trên mu bàn tay Dũng. "À An, hôm đó mày gọi cứu thương cho Duy Anh đúng không?" Không đợi tôi nói, Lâm tiếp tục. "Cũng may đấy! Hoàn thành xong nhiệm vụ là chúng nó rủ nhau đi đánh bi-a hết cả ngày. Duy Anh mà có mệnh hệ gì thì đút bao nhiêu cũng không cứu nổi chúng nó."

"Tình cờ thôi, cùng đường đến sân bóng."

"Mày nói bọn lớp mày cũng chuẩn bị đi. Lúc bước khỏi phòng hiệu trưởng, chính bọn A3 nói tao rằng chúng nó đang mưu mô gây sự với lớp mày ngày hội xuân đấy."

Tôi khịt mũi. "10A4 chẳng liên quan gì tao nữa, đó không phải tập thể tao thuộc về."

Sau đó, không còn hứng thú về lớp nữa, tôi cúp luôn tiết cuối như một học sinh cá biệt điển hình. Tôi không muốn ngồi chơi một tiếng rưỡi trong cái lớp hỗn loạn chẳng ai quản thúc. Và khi tiếng trống cuối ngày vang lên, tôi vào lớp xách cặp ra về. Như mọi ngày, tôi ngồi đợi ở hàng ghế đá suốt hàng giờ, dõi mắt theo chiếc cầu thang, chứng kiến từng giai đoạn của ngôi trường. Từ học sinh đầu tiên bước xuống cho đến trời tối mịt, chẳng còn ai.

Tôi lấy bao Canyon Vanilla đã bẹp rúm ró trong cặp, chỉ còn lác đác vài điếu. Ra góc khuất sau cầu thang khu B rồi châm lửa. Ngay lúc đó, điếu thuốc trên tay bất ngờ bị giật mất, sân trường tối đến mức chẳng thấy gì. Người đó đưa điếu thuốc tôi vừa châm lên môi, ánh lửa lập loè của điếu thuốc đã soi tôi thấy. Tú Anh cất giọng: "Xin nhé!"

"Sao mày ở đây giờ này?"

"Tao chưa muốn về," cô nói. Cách rít thuốc và nhả khói của Tú Anh khá thành thục. "Nhìn gì mà nhìn? Con gái hút thuốc lạ lắm hở?"

"Thì cũng lạ thật."

"Lần đầu của tao đấy," Tú Anh mỉm cười nhìn tôi. "Bố tao hút suốt nên lâu dần cũng ngấm, từ thao tác đến kiểu cách. Thấy hay chưa nào!"

"Sao giờ lại muốn thử?" Tôi hỏi.

"Cứ phải có lý do thì mới được hút à? Thế mày hút vì gì?" Tú Anh nghiêm mặt nhìn tôi.

"Tao có hút đâu?"

"Nói dối khéo đấy. Nhìn mặt mày tỉnh bơ chưa kìa!" Tú Anh nói, cô cười ngặt nghẽo làm tôi lúng túng.

Tôi bước đi với một cô gái bên cạnh. "Gặp riêng với tao thế này không sợ thằng Kiên ghen à?" Tôi hỏi. Tú Anh không trả lời ngay, cô rít một hơi thật sâu rồi phả hết đống khói vào mặt tôi, mù tịt mắt. Tôi ngửi thấy hơi thở cô, làn khí ấm áp từ khoang miệng cô tiếp xúc da tôi thật dịu dàng.

"Kệ mẹ thằng dở hơi ấy đi," Tú Anh đáp. Câu trả lời dứt khoát. Khuôn mặt không biểu hiện cảm xúc nào, chỉ như một người đang say. "Bọn tao giận nhau từ lần tao bênh mày trong bài làm nhóm. Hôm nay thì lại cãi nhau tiếp vì tao nhận ra thằng Kiên chẳng biết cái mẹ gì về chuyện nhóm mình, thế mà nó vẫn cứ khăng khăng là Dung đúng. 'Thế thì mày yêu nó luôn đi!' Tao nói. Tao hiểu cảm giác của mày rồi, chúng nó đếch biết gì về mày hết, và cũng đếch cần biết. Chúng nó chỉ thích hùa nhau để hạ bệ mày thôi, như lũ chó ấy!"

"Say thuốc lá à?" Cô ấy mặc kệ lời tôi, tiếp tục nói với chiếc miệng cười toe toét như thể xem điều tôi vừa nói chỉ là một câu đùa. Chăm chỉ quan sát chiếc răng khểnh xinh xắn trong miệng cô đang cắn nhẹ điếu thuốc. Bờ môi cô cũng thật dịu dàng với điếu thuốc.

"Kiên cũng vậy, một con chó chính hiệu!" Tú Anh nói, giữ lấy hơi thở. Rồi tiếp tục căng giọng lên như muốn quát vào mặt tôi. "Nó luôn cáu gắt với tao mỗi khi làm mất hình tượng trong lớp: Giáo viên chỉ trích vì không học bài, bạn bè phê phán vì không làm tròn bổn phận của lớp trưởng, đủ thứ hầm bà lằng như thế và nó chửi tao một cách thậm tệ! Ở nhà bố mẹ tao chửi nhau suốt ngày, từ đầu năm tới giờ. Vấn đề ngoại tình gì gì đó, tao nghe trộm đại loại là bố tao cặp kè với một bà giáo trên Đại Học. Có hôm mẹ tao cầm dao dọa chém bố, thế là tao cũng cầm dao dọa tự sát. Sau lần đó thì chiến tranh lạnh, cũng sắp ly hôn rồi. Thử hỏi nếu bị như thế, mày còn tâm trí nào để học nữa không?"

"Chắc không."

"Ừ, đúng đấy. Để tao kể nốt đã nào. Đến đâu rồi nhỉ, à phải rồi, ly hôn. Chúng nó thích chỉ trích thì tự lên mà làm lớp trưởng này, tao cho đấy, chứ tao cũng có giành của ai đâu? Nhưng mà không! Chúng nó chửi cho sướng cái mồm thôi, đến khi tao muốn từ chức thì đếch có đứa nào dám lên thay. Vậy đấy! Mày nói xem, như thế mà coi được à?"

"Không, không coi được chút nào." Nghe thấy sự run rẩy trong giọng mình, bởi tôi vừa nhận ra bản thân đã nghĩ như vậy về Tú Anh trong ngày khai giảng.

"Đấy! Rõ khổ mà. Tao đã kể hoàn cảnh của mình cho thằng Kiên nghe rồi, nhưng nó lại tiếp tục chửi mắng tao vì những chuyện khác. Như bênh vực mày trong bài làm nhóm: trong khi nó chẳng biết đếch gì về nội bộ nhóm mình; Đùa cợt những câu ngớ ngẩn: làm như những câu đùa của nó hài hước lắm không bằng!" Tú Anh ngập ngừng. Rút điếu thuốc khỏi miệng, gõ vài cái cho tàn rơi xuống đất, lại ngậm lên môi, hút lấy hút để trước khi nó cháy hết. "Thậm chí nó còn giận dữ chỉ vì hôm đó tao tô màu son đậm hơn thường ngày! Yêu mà khắt khe thế thì vứt mẹ đi cho xong. Biết vậy tao kiếm bừa cái gì để chửi lại cho nó bõ, như là điểm thấp hơn tao này, học dốt hơn tao này, nghèo hơn tao này!"

"Thế chúng mày sao rồi?" Tôi hỏi.

"Sao là sao? Chiến tranh lạnh chứ sao! Chiều nay tao còn định nói chuyện tử tế thì nó lại giở chứng tiếp. Gì mà 'con gái hiền diệu nết na không được lớn giọng', 'đừng nặng lời với người khác'. Nó là bố tao chắc? Chính vì thằng Kiên suốt ngày kiếm cớ cãi nhau nên tao mới điên quá không kiểm soát được lời nói. Cứ cho là tao hơi nặng lời đi, nhưng con Dung thì sao? Gì mà 'tưởng chúng mày đang giận nhau'. Giận thì không được làm lành à? Chả nhẽ giận nhau là thủ tục đợi ngày chia tay hay sao? Tao nói có sai không?"

"Mày hoàn toàn đúng," tôi đáp.

"Ôi chao, mày biết cách an ủi đấy." Tú Anh nhìn tôi bằng đôi mắt nai, khẽ mỉm cười, chiếc răng khểnh ngô nghê cũng cười với tôi. Mái tóc ngắn như con trai của Tú Anh đã dài ra đáng kể. "Giờ muộn rồi sao mày còn ở trường? Hôm nào mày cũng về muộn thế này à?"

"Ừ," tôi chẳng biết nói gì hơn.

"Cần đèo về không? Tao có xe riêng."

"Thôi, không báo trước với mẹ là về ăn roi ngay."

Nghe vậy, Tú Anh vươn vai, hít một hơi thật sâu.

"Tâm sự với mày mà khoẻ cả người, đúng là không gì thoải mái hơn trút muộn phiền vào lỗ tai người khác! Cảm ơn đã ở đây giờ này nhé. Không thì tao chẳng biết tâm sự với ai. Và cũng cảm ơn vì điếu thuốc nữa, nói chuyện với mày vui lắm! Tao nghĩ chúng mình nên có những buổi gặp riêng thế này nhiều hơn. Mày có thuốc, tao có chuyện. Thế là hợp tình!"

"Cũng được, nhưng Kiên mà phát hiện là nó đánh tao chết!" Tôi nói. Vừa dứt câu, Tú Anh đã cười phá lên.

"Có mà mày đánh nó chứ thằng nào đánh lại mày! Nói thật, tao thấy ở bên mày an toàn hơn nhiều."

Sau buổi nói chuyện hôm đó, tôi cũng có thêm nhiều cuộc tâm sự khác với Tú Anh vào chiều tối thứ ba và thứ tư liền kề. Chúng tôi chỉ gặp nhau và tỏ ra thân thiết khi sân trường hoàn toàn phủ lấp bởi ánh trăng. Đa phần toàn cô nói, còn tôi nghe. Tú Anh nói xấu Kiên khá nhiều, chẳng hiểu sao cô vẫn chịu đựng quen cậu ta đến hiện tại. Tôi không dám hỏi vì sợ mình vô ý.

Tôi hỏi về thời cấp hai của Tú Anh thế nào thì những câu chuyện cứ ào ạt tuôn ra, như cơn lũ. Hết chuyện này đến chuyện khác nối đuôi nhau, thậm chí tôi còn chẳng hiểu chúng liên quan gì đến câu hỏi ban đầu. Hay cô chỉ đang lục tìm những ký ức có chung một loại cảm xúc. Cũng như tôi, Tú Anh không sinh ra trong một gia đình giàu có. Những năm tháng tiểu học và cấp hai của Tú Anh cũng khổ cực và từng bị bạn bè trong lớp coi thường. Chỉ đến khi vào lớp chín, công ty bố cô gặp thời và bắt đầu làm ăn phát đạt. Thế nên lên cấp ba cô mới được mua sắm những món đồ hiệu đắt tiền. Tú Anh kể tôi nghe về sự thiếu hụt tình thân ái trong gia đình cô từ khi tiền bạc khấm khá. Tôi đồng cảm được, bởi đó cũng là hoàn cảnh của tôi. Tôi hiểu nỗi đau của Tú Anh, bởi đó cũng là nỗi đau của tôi.

Chính điều ấy đã gieo xuống đầu tôi khúc điệu không mấy tươi tắn vào cuối bài ca 2009. Tôi ngắm những nốt trầm vuốt ve tâm hồn mình, tự hỏi tại sao lại hiểu sai về Tú Anh nhiều đến thế. Chỉ vì cô trông sang chảnh và thời thượng, thế là tôi đã vội xếp cô vào "hội chị em bạn dì thích ăn chơi và bay lắc". Tôi thấy thật tệ vì đã luôn đối xử với Tú Anh bằng thái độ không đúng với bản chất con người cô (mà có lẽ không chỉ một mình cô). Và càng day dứt hơn khi nhận ra tôi và cô giống nhau đến kì lạ.

Từ thời khắc đó, tưởng như giữa tôi và Tú Anh đã hình thành một sợi chỉ vô hình liên kết hai số phận. Như một điểm chung, vẫn liên quan gì đó đến nhau, phải không nào? Đặc khác biệt tôi lại không muốn sợi chỉ ấy "đứt phựt đi", thậm chí nâng niu. Ràng buộc ấy không cần "trốn chạy" hay "cố quên đi". Như thể tôi được sinh ra để gắn chặt với cô vậy, và tôi nghĩ mình cũng muốn điều đó. Nhưng bản thân tôi hiểu, mầm cây lần này tôi gieo xuống sẽ phải lớn lên bằng những dục vọng sai trái. Vả chăng, tôi cũng không muốn tâm hồn Tú Anh bị nhúng vào những u ám tiêu cực của đời mình.

Hôm cuối cùng trong năm, nhà trường cho học sinh nghỉ ngày thứ năm, thứ sáu. Tính cả hai ngày cuối tuần là bốn. Mọi người ở nhà chẳng biết làm gì, tôi đoán họ sẽ ra ngoài đi dạo, hít thở khí trời, gặp gỡ và nói chuyện với bạn bè. Nhưng tôi thì vẫn trung thành với căn phòng. Nghe đài và nhạc cổ điển vào buổi sáng, tập thể dục với những bài hít đất và đu xà. Đến trưa lại tìm những đĩa phim cũ để xem. Chiều tối thì đọc sách, thế là hết ngày cuối năm. Không có gì đặc sắc, nói trắng ra là hệt những ngày cuối tuần bình thường, chứ chẳng nói cuối năm gì cho cam.

Không yên tĩnh lắm. Ngoài phố là những tiếng pháo nổ tanh tách vui tai, hòa hợp cùng dàn trống kèn múa lân. Chúng làm tôi hoài niệm ghê, nhớ cái hồi bố mẹ vẫn thường đưa tôi đến những nơi như vậy, cùng xem múa lân sôi động và soi mắt cười trong nhau. Nhưng dù vậy, giờ nếu có người rủ thì tôi cũng chẳng muốn đi, vừa ồn ào vừa tốn thời gian. Tôi không còn phù hợp với những nơi đó nữa. Biểu hiện ấy không phải mong muốn nhất thời, chỉ là tôi đã thay đổi.


Những ngày đầu mùa xuân năm sau, chúng tôi học nốt chương trình học kỳ một, vài môn bắt đầu dạy chương trình học kỳ hai. Tháng giêng trôi qua êm ái, không có sự kiện nào nổi bật. Trước khi bước vào tháng Hai, một chiều thứ ba, tiết Sử. Mai bước vào lớp thông báo: "Lớp nghe kĩ! Hội xuân diễn ra vào thứ sáu tuần này. Doanh thu bán sẽ được dùng để tổ chức liên hoan cuối năm cho các em."

Mai vừa đi, cả lớp đã náo loạn, ai nấy đều háo hức. Vì khuôn viên trường khá rộng, có bãi trước bãi sau, thế nên tất cả gian hàng từ khối mười đến khối mười hai đều được đặt dưới sân. Từ hôm nay, trường bắt đầu có những linh vật trang trí, nào mô hình xốp hổ vàng, nào tranh vẽ sặc sỡ trên các vách tường chào đón năm Canh Dần sắp đến. Trước cửa mỗi lớp cũng khoác lên bộ áo mới, đỏ thắm, rực rỡ khắp dãy hành lang. Đâu đâu cũng thấy hai câu, "Chúc mừng năm mới", và "An khang thịnh vượng, vạn sự như ý". Trước cửa phòng hiệu trưởng, hiệu phó và giám thị được lấp đầy bởi những cây mai đào, do tự tay học sinh trang trí thủ công.

Giờ ra chơi, bước men theo con đường dẫn tới cầu thang thoát hiểm tầng hai, Tú Anh đã đợi sẵn ở đó.

"Hội xuân đang rất gần rồi, có háo hức không?"

"Đại loại thế," tôi đáp.

"Tao hỏi là 'có háo hức không'! Mày trả lời cái kiểu gì vậy?"

"Thưa nàng, tôi không háo hức lắm." Tôi nói mỉa. Nhưng cô chẳng hiểu trò đùa của tôi, cứ nói tiếp như thể tôi vừa chúi đầu xuống hố sâu mà không được ai đáp lại.

Có lẽ tôi không đủ thú vị.

"Còn văn nghệ nữa, mày không tham gia ư?"

"Tao có tài năng gì đâu mà tham gia."

"Sao không? Tài đánh nhau này, mày có thể biểu diễn múa võ cho mọi người xem. Tao đồ là ai cũng thích!"

"Nghiêm chỉnh đi," tôi đáp.

"Nhưng sao lại không háo hức? Tao nghĩ ai cũng thích những lễ hội kiểu này?"

"Có lẽ tao sẽ ở nhà."

"Sao thế? Đến chơi với mọi người cho vui."

"Không thích, chỉ vậy thôi." Tôi đáp. Tú Anh nhìn tôikhó hiểu, nhưng tôi không giải thích gì thêm. "Có vài chuyện, tao không quan tâm nữa."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro