Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kết thúc hôm đó, An vẫn rất lúng túng mỗi khi vô tình bắt gặp Phương, hay khi cô lại gần tỏ ý muốn trò chuyện. Cậu sẽ lắp ba lắp bắp những câu vô nghĩa, dù cố gắng bao nhiêu cũng không thành một câu ra hồn. Giao tiếp chưa bao giờ là điểm mạnh của An, với người lạ, nói Phương là người lạ thì thật không phải. Nhưng cũng chưa biết Phương có coi An là bạn không. Mỗi khi được người khác giới bắt chuyện, trông cậu sẽ như một thằng đụt chính hiệu, và với Phương thì mọi thứ còn tồi tệ hơn. Chẳng hạn thế này:

"Lát mấy giờ mày về?"

An phải mất một lúc lâu định hình Phương đang nói chuyện với mình, vài giây phân tích câu hỏi, và gần một phút suy nghĩ câu trả lời. Vầng trán nhăn nhúm của Phương như muốn trách "câu đơn giản thế cũng không trả lời được à", càng khiến An bối rối.

"Có." Cô không phản ứng, An lặp lại. "Không."

"Mày về muộn? Nhà mày ở đâu?" Thêm một câu hỏi 'đơn giản'. An lại vật lộn với chúng.

"Ừ." Lần này đủ to để Phương nghe, chí ít là cậu nghĩ vậy. Song, dường như cô không hiểu An nói gì.

"Mày nói bé quá, cởi khẩu trang ra đi!" Phương nói, dứt khoát chồm người lên trước. Nhưng chưa kịp chạm vào khẩu trang thì An đã vội lùi mạnh đầu ra sau.

Chưa bao giờ Phương thấy An phản ứng mạnh đến vậy. Không thể tưởng tượng con người này lại có những phản ứng thái quá như vừa rồi. Chính An cũng bất ngờ với hành vi của mình. Phương ngơ ngác nhìn cậu, cả hai trơ mắt nhìn nhau, gượng gạo, im bặt.

Phương định rủ An cùng hội bạn mình đi "ăn chơi bay lắc". Những chuyến "phê pha" này thì An không lạ gì, "thảo luận" về tình yêu, ghép đôi, ngồi lê đôi mách thâu đêm. Chúng sẽ tổ chức "thật hay thách" dù ai cũng biết nó chẳng tốt đẹp gì. Phải kể màn "thử" rượu đến ngất ngư của chúng.

Trước đó cậu đã thoáng nghe họ bàn luận về mình, rồi chuyển hướng sang chủ đề tình yêu. Đám con gái khởi sự nói xấu ai đó, nhiều cái tên được nhắc đến. Họ dùng những lời lẽ gièm tục với các cặp trai gái "không xứng đôi" hoặc "tai tiếng" trong trường. Chẳng hạn đôi tình nhân Long 10A3 và Ân 11A2, họ thổi phồng vấn đề đặng "lên án" hai con người này. Những chuyện xung quanh thời cấp hai như, "hồi trước thằng Long liệt điểm hóa, suýt trượt cấp ba", rồi nào "con Ân chạy tiền mới vào được trường này chứ học hành chả ra gì", "Hai đứa ngu yêu nhau thì quá hợp đôi".

An không phải đối tượng được nhắc đến mà cũng khó chịu. Hẹn hò với ai là quyền họ, học hành thế nào tự họ biết, ai cần mấy tiểu thư phải tọc mạch đời tư người khác làm gì. Một điều nữa, An không thực sự biết những Long và Ân có thân thiết gì "hội chị em" đang nói xấu họ hay không, nếu là bạn mà nói xấu sau lưng nhau như vậy thì cũng hiểu đạo đức và nhân phẩm họ tồi tàn đến mức nào. Nhưng, thế chẳng phải An cũng đang tự nói chính mình đó sao? Bản thân cậu ngay lúc này, sâu trong những tầng suy nghĩ cũng đang nói xấu họ, đang phỉ báng dè bỉu họ. Vậy cũng có khác gì họ đâu? Nếu một ngày cậu bị những con người đó phỉ báng, có lẽ cũng đáng?

Tất nhiên không nói Phương. Không. An chỉ tự an ủi bản thân và nghĩ tốt cho cô. Cậu không thực sự biết con người cô thế nào. Nếu Phương cũng là một trong số họ, liệu An có còn thích cô? Nhưng rốt cuộc An thích Phương vì điều gì? Cậu không biết. Cậu tự nhủ đây không phải thích, chỉ là ấn tượng thôi. Chắc chắn An không thích một người qua đôi mắt. Dù mắt Phương rất đẹp, An thì thầm với chính mình. Nhưng không phải con người cô, nếu cảm xúc này là thích thì nó "không đúng đắn", nghĩa là cậu chỉ đang thích vẻ đẹp của Phương.

Cuối cùng chẳng có buổi đi chơi nào, An đã phí một cơ hội trời cho. Vấn đề không nằm ở việc thoái thác lời mời, cách cậu hành xử mới đáng quan ngại. An sợ Phương sẽ chẳng bao giờ mời mình nữa. Nghĩ lại thật xấu hổ, tiếc nuối, đáng ra cậu nên bình tĩnh hơn. An đã thực sự luống cuống, chưa từng thấy ai sỗ sàng đến vậy. Suýt nữa khuôn mặt cậu đã phơi bày trước cả lớp.


Kết thúc ngày đầu tiên. Thiện và Đức về trước. Vừa đánh trống là chúng nó phi thẳng về nhà luôn, nhiều khi Huy cũng ghen tị, không phải vì nhà gần trường, mà bởi chúng có những phụ huynh biết cách quan tâm con cái. Người ta cũng thường ghen tị với cậu vì chẳng bao giờ bị bố mẹ áp lực điểm số. Chẳng bao giờ bị rầy la. Khách quan mà nói, phụ huynh cậu chẳng quan tâm gì đến cậu nên mới không đặt nặng vấn đề điểm số. Mỗi phụ huynh cũng từng là học sinh. Họ đều có lý do của riêng mình.

Từ phía sau, An bước đến. Mỗi khi lang thang trong trường một mình, có người quen biết để trò chuyện thế này cũng đỡ buồn. "Huy." An nói. "Chuyện tao nhờ sao rồi?"

"Thiện với Đức về nhanh quá, tao chưa kịp nói," Huy đáp. "Hay mày rủ Phương với Hạnh dẫn tao tới chỗ đó đi."

"Không được."

"Sao thế?"

"Phương bận rồi," An đáp.

Tĩnh lặng bao trùm. Bấy lâu sau, không khí quá gượng gạo, Huy bèn đánh sang chủ đề khác. "Mày có thấy lên cấp ba, học sinh về nhanh hơn không?"

"Ừ. Mới đánh trống mười phút mà sân trường đã vắng hoe." Và từ đó mỗi ngày trôi qua, cái chết ngày càng thê thảm. "Đám con trai cấp hai bọn mình còn ở lại trường, đá banh đá cầu ầm ĩ đến tận sáu giờ tối. Khéo bảy giờ vẫn có thằng ngồi trong trường."

"Mày còn nhớ thằng Dũng 9A6 không?"

"Ừ."

Đó là một nhân vật nổi tiếng thời cấp hai của An với hàng đống hình xăm trên mu bàn tay, đầu tóc luôn vuốt keo bóng bẩy.

"Bọn mình gặp nó trong trận chung kết đó," Huy nói. "Nó cũng vào trường này."

"Ồ."

"Hình như 10A15, lớp tích hợp."

"Cũng phải, nhà giàu mà."

Vài năm trước, trường đã mở các lớp tích hợp nhằm đào tạo những học sinh giỏi tiếng Anh hoặc có nguyện vọng du học. Tất nhiên học phí rất đắt, gấp mười lần các lớp thường. Tuy An và Huy là hai người duy nhất trong nhóm thuộc gia đình có tài chính ổn định, song cả hai vẫn đăng ký lớp thường để học cùng Đức và Thiện. Ưu đãi tích hợp gồm tám tiết một tuần với giáo viên nước ngoài, được học chuyên sâu về các lĩnh vực khoa học bằng tiếng Anh, cuối cùng là hệ thống đồng phục riêng. Phải, lớp tích hợp mặc đồng phục khác các lớp thường.

"Trường này cũng tổ chức giải bóng đấy, gặp lại thằng Dũng là tao bẻ cổ ngay!" Huy nói.


Huy sớm biết An thường nói chuyện một mình, đó là những cuộc đối thoại sắc xảo. Cậu có xu hướng tưởng tượng một nhân vật, tuồng như thoát thai khỏi bản ngã để cùng trò chuyện. Hoặc tạo ra hai nhân vật khác nhau và An là khán giả. "Họ" thường được đặt trong bối cảnh buổi phỏng vấn một nhà văn mới nổi, câu hỏi là "cảm hứng từ đâu viết nên cuốn sách này", "bạn viết nó trong bao lâu", "hành trình xuất bản thế nào". Và An kể ra vô số chi tiết tinh vi đến mức hồ như chuyện ấy đã thực sự xảy ra. Phải chăng chính cậu mới là nhân vật chính trong buổi phỏng vấn?

Dạo trước, đúng như An nói: "Khéo bảy giờ vẫn có thằng ngồi trong trường". Thằng đó bắt đầu ngân nga những điệu quan họ cũ mèm, thế gian tắt trời đóng lối. "Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi," nó ngân nga, í a rồi hát tiếp. "Em ơi anh vẫn đợi bèo dạt." Nó ngồi đó chừng mười phút thì bảo vệ quay sang hỏi: "Cần chú gọi bố mẹ đến đón không?". Và điệp khúc đó sẽ cứ lặp đi lặp lại chừng nào nó còn ngồi trong trường. Sao chú cứ hỏi mãi dù biết rõ câu trả lời?

Hoặc chú thực sự không biết, chú hỏi những câu xã giao như "ai đón con, bố hay mẹ", "phụ huynh dặn mấy giờ đón". Tựu chung là đuổi khéo. Cậu hiểu, chú vừa làm bảo vệ vừa kiêm luôn trông trẻ, thế nên nhiều lần An tự ý rời trường rồi vờ tự cuốc bộ về nhà. Nếu không thì gay to, nhất là khung giờ đó, bên ngoài đầy rẫy tệ nạn. Song nhà cậu cách trường mười mấy cây số, bố mẹ sợ cậu la cà lêu lổng nên không cho xe riêng.

"Tớ biết mình không nên đi quá xa. Quanh đây nhiều góc tối." An nói với một thực thể không rõ nguồn gốc. Nhưng cậu biết những lời mình thốt ra sẽ chạm đến một nơi nào đó. Tạm thời chưa thể gọi tên.

An chỉ thả bộ qua bãi sân xi măng đối diện, nơi nhà trường thường tổ chức giải bóng. Trên thực tế, nó còn được dùng làm sân tập võ, tập yoga, bóng rổ. Ở đây có ánh đèn sáng và một tiệm cà phê nhà làm nho nhỏ sát bên. An thử hình dung lại cảnh tượng thường nhật. Mua một cốc cà phê, ngồi nhâm nhi rồi tự vấn.

"Bảy giờ rồi còn uống cà phê, tối không ngủ được thì sao? Mai còn phải dậy sớm đi học." Nhưng thay vì nghĩ trong đầu, cậu lại buột miệng thành tiếng. Lần này là nói với chính mình. "Vả lại, mẹ dặn bị bệnh tim không được uống cà phê. Hay cứ coi như là phần thưởng! Tự thưởng cho mình một cốc cà phê. Nhưng vì cái gì?"

Cơn nghiện ập đến.

"Vì đã chịu đựng quá nhiều!" An nói. "Có lẽ là thế rồi!" Vội nhấp một ngụm cà phê, cậumỉm cười.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro