Chuyện kể của những tấm ảnh (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông tôi có một tấm ảnh vô cùng kì lạ.

Đó là một tấm ảnh kĩ thuật số của những thập niên 80 - 90, phần rìa đã bắt đầu quăn lại và lấm tấm ố vàng vì sự khắc nghiệt của thời gian, hoặc cũng bởi vì nó được nhét vừa khít trong một góc của chiếc ví da cũ kĩ ông luôn mang theo bên mình. Nhưng không phải những điều đấy khiến tấm ảnh trở nên đặc biệt. Nếu nó là ảnh chụp chân dung hay phong cảnh nào đó có ý nghĩa quan trọng đối với ông thì tôi còn hiểu được, đằng này, nó lại chẳng hiện lên rõ hình thù gì. Chỉ là những vệt mờ mờ của một bàn tay ai đó muốn che đi ống kính, dáng người đằng sau thì nhòe hẳn vì người chụp không thèm chỉnh lại tiêu cự nữa mà cứ thế bấm máy. Tôi không nghĩ một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp như ông lại hài lòng với tấm ảnh hỏng đó, có thể tác giả là một người khác, hoặc có thể sau đó ông đã chụp lại những tấm khác đẹp hơn. Song chẳng biết vì lí do gì mà ông vẫn giữ lại, thậm chí còn cất giữ như thể nó là báu vật quý giá không gì sánh được. Đã đôi lần, tôi thấy ông lấy nó ra và ngắm nghía rất lâu, khi đó ông đang ngồi trên chiếc ghế gỗ bập bênh đặt ngoài hiên nhà, giữa vườn cây xanh mọc đầy cỏ dại, cặp kính lão trễ xuống sống mũi để lộ đôi mắt đen lấp lánh, những nếp nhăn hằn trên hai khóe miệng. Ông có thể ngồi đó hàng giờ liền, không nghe thấy ai khác, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh nữa. Giống như ông đã hoàn toàn lạc vào một thế giới khác, một thế giới mà chỉ riêng ông biết. Những lúc ấy, tôi đến và ngồi xuống cạnh ông, tôi nghĩ ông chẳng nhận ra được đâu bởi ông còn mãi bận vuốt ve tấm ảnh và lẩm nhẩm gì đó. Tôi cũng đã từng không nhịn được mà cất tiếng đánh động ông về sự hiện diện của mình, cũng từng mè nheo hỏi ông về tấm ảnh kì lạ kia. Thế mà đáp lại tôi, ông chỉ mỉm cười thật dịu dàng, dù ông luôn làm thế với tất cả mọi người nhưng nụ cười của ông khi đó còn chất chứa một điều gì đó khác nữa. Rất lâu sau này, đến lúc đối mặt để nói lời chia tay với mối tình đầu của mình, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, thứ ẩn giấu đằng sau nụ cười đó của ông chẳng hề nhuốm màu hồng mộng mơ đẹp đẽ như tôi vẫn tưởng.

Có dạo, tôi lôi những cuốn album lúc bé của mình ra mà xem mãi không chán. Rồi cứ mỗi tấm ảnh, tôi lại hỏi mẹ đó là ngày như thế nào, nhân dịp gì, tại sao bố mẹ lại quyết định lưu giữ hình ảnh của tôi khi đó. Mẹ tôi luôn trả lời một cách từ tốn và chi tiết, cứ như chuyện chỉ vừa mới xảy ra cách đây vài phút. Bà có thể quên tắt đèn khi ra khỏi phòng, có thể quên chìa khóa nhà hay mắt kính để ở đâu, nhưng lại nhớ như in mọi thứ liên quan đến tôi. Những câu chuyện bà kể không phải lúc nào cũng đặc sắc, không phải cái nào cũng là sự kiện nổi bật. Chúng chỉ là tổ hợp của những khoảnh khắc ngốc nghếch bình dị bất cứ gia đình nào cũng có. Đôi lúc bà chợt ngừng lại, bật cười ở lưng chừng câu chuyện, âu yếm nhìn rồi xoa đầu tôi. Trong mắt bà, tôi vẫn và sẽ luôn là một thằng nhóc nhỏ lém lỉnh, nghịch ngợm mà bà dành hết tất cả tình yêu trên đời để trao tặng. Nhìn những tấm ảnh ngây thơ thuở nhỏ và lắng nghe mẹ kể, trí óc non nớt của tôi hiểu rằng sở dĩ người ta chụp ảnh là vì muốn ghi lại hình ảnh trưởng thành của những người thân yêu qua từng năm tháng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời họ, những kỉ niệm không thể đánh đổi được, để sau này, dù có già đi và trí nhớ có dần phai mờ, vẫn còn thứ gì đó tồn tại bất chấp thời gian, gợi nhắc họ về một quãng đời tươi đẹp mình từng trải qua. Ít nhất điều đó thật dễ giải thích với hầu hết mọi người, nhưng ở trường hợp như ông thì lại khác. Làm sao nó có thể giúp ông không quên được người trong lòng khi thứ còn để lại trên đó chỉ là những vệt sáng lờ mờ chẳng rõ mặt mũi? Ông nhìn thấy được gì trong tấm ảnh chụp lỗi ấy nhỉ?

"Sẽ đến một lúc nào đó, con trai ạ, con không cần phải dùng đến những tấm ảnh để nhắc nhở bản thân về một ai đó lướt qua đời mình nữa. Hình ảnh của họ, gương mặt, mái tóc, nụ cười, từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, thậm chí cả mùi hương, giọng nói của họ lúc ấy sẽ được trực tiếp khắc vào trái tim con, vào tâm trí con, trở thành một phần không thể tách rời của con người con. Bằng cách đó, con sẽ không bao giờ quên, chắc chắn không thể nào quên được."

Tôi đoán trong cuộc đời của mỗi người đều tồn tại ít nhất một đối tượng đặc biệt như vậy. Một người mà ta dùng hết mọi giác quan của cơ thể để ghi nhớ sự hiện diện của người đó. Một người mà cho dù chỉ còn lại hình bóng mờ ảo trên mặt giấy cũng đủ khiến ta bồi hồi như thể vừa được sống lại trong khoảnh khắc ấy. Thế thì, cần những điều kiện gì để ta có thể sống mãi trong trái tim của một ai khác? Ông hẳn rất yêu quý người trong ảnh, cách ông trân trọng tấm ảnh của người đó hệt như cách mẹ tôi bảo quản những cuốn album của tôi vậy. Và dù ông không bao giờ nói gì về người đó, tôi dám cá rằng nếu một ngày kia ông chịu mở lời, biểu cảm của ông chắc cũng sẽ không khác mẹ tôi bây giờ là bao. Người đó là gì đối với ông? Bạn thân, đồng nghiệp cùng vào sinh ra tử, người yêu hay ân nhân cứu mạng? Mỗi lần nghĩ đến con người bí ẩn ấy, tôi lại có linh cảm rằng nguồn cơn của mọi câu hỏi phức tạp bao quanh ông đều xuất phát từ phần đời mà ông đã bỏ lại ở phía bên kia đại dương.

Ông vốn từng là một nhà báo, đã từng đi chu du khắp nơi trên thế giới. Ông kể có lần, trong quá trình điều tra một phi vụ ngầm của băng đảng xã hội đen khét tiếng, ông bị vướng vào những mâu thuẫn bất đồng giữa các thành viên trong hội, bị săn đuổi, nhiều lần gặp nguy hiểm suýt bỏ mạng tại nơi đất khách quê người. Nhưng, chính cái khoảng thời gian ấy đã đem lại cho ông những hồi ức tươi đẹp nhất, đáng giá nhất, đã làm thay đổi cả một cuộc đời sau này của ông. Ông chỉ tôi những vết thương của mình, những vết sẹo khắc sâu trên cơ thể chắc hẳn sẽ không bao giờ xóa bỏ được ấy mà ông lại xem chúng như những chiến tích đáng để tự hào. Ở thành phố mang biểu tượng của tự do, chẳng ai biết những gì đã xảy ra với ông, ông cũng không muốn nhắc lại chuyện quá khứ của mình. Khi trở về nước, chẳng một lời giải thích nào, ông cứ thế mà nghỉ việc ở tòa soạn rồi mở một phòng triển lãm nhỏ. Ông trưng bày những tấm ảnh thu được trong những chuyến đi trước đó, hết nguồn tư liệu thì lại xách máy ảnh lên và đi lang thang khắp nơi. Những người quen biết ông bảo rằng có điều gì đó rất khác ở ông, kể từ lúc ông rời khỏi "miền đất hứa". Một thứ đang dần vắt kiệt sức sống của ông, đôi khi, biến ông thành một bức tượng với đôi mắt đờ đẫn nhìn về nơi xa xăm, như thể linh hồn của ông đã bị cướp mất, bị lạc ở đâu đó ngoài kia. Ông không còn là chàng thanh niên vui vẻ, hoạt bát, tràn đầy nhựa sống và hoài bão lớn lao như ngày nào nữa. Âm điệu trong giọng nói của ông khiến tôi liên tưởng đến một bản nhạc sầu não người ta thường chơi trong những buổi tiễn biệt. Có lẽ ông đã đấu tranh rất lâu, một cách đau đớn và mệt mỏi không ngừng, để bỏ lại sau lưng tất cả mọi kỉ niệm nhắc mình nhớ về khoảng thời gian đặc biệt ấy. Tôi tự hỏi, nếu biết trước chuyện sau này, liệu ông có ước rằng phải chi mình chưa từng đặt chân đến đó, phải chi mình đừng tạo nên những cuộc gặp gỡ thì giờ đây hẳn đã tránh được bao nhiêu mối suy tư ưu phiền?

"Dù có được chọn lại một lần nữa, ta vẫn sẽ chọn đi đến nơi ấy, vẫn chọn được gặp người, được đồng hành cùng người. Nếu có điều gì đó khiến ta hối tiếc, thì đó là việc rời đi mà không đợi người. Đáng lẽ ta nên ở bên người lâu hơn, đáng lẽ ta nên bằng mọi giá khiến người đi theo ta. Phải chăng nếu ta quyết đoán hơn nữa, cứng rắn hơn nữa thì giờ đây mọi chuyện đã khác, ta và người sẽ không phải bị chia cắt lâu đến thế này?"

Đó là những lời trăn trối cuối cùng của ông. Đến thời khắc ấy, trí óc ông đã hoàn toàn mất hết minh mẫn rồi, ông ngỡ rằng mình vẫn còn là chàng trai trẻ tuổi nhiệt huyết năm nào. Có lẽ không phải thân xác già nua còm cõi đang nằm lại đây mà chính tâm hồn mang hoài nét thanh xuân thời xa xưa ấy mới là thứ sắp phải tan biến. Một biến cố nào đó đã xảy đến với ông và vô tình làm cho chiếc đồng hồ linh hồn của ông dừng lại mãi mãi. Người ta thường bảo tuổi trẻ giống như một giấc mộng, một cái hồ chứa đầy những nông nổi, bồng bột lẫn nuối tiếc. Đó là quãng đời cho phép ta đắm chìm trong những viễn cảnh tươi đẹp do chính mình vẽ nên, không ngần ngại đặt ra hàng đống lời thề thốt, hứa hẹn vì nhất mực tin tưởng rằng ta có tất cả thời gian còn lại trên đời. Suy nghĩ ấy thật dại dột biết bao, thế mà chẳng ai có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn mà lao đầu vào, vứt lại cho bản thân mình của mai sau trăm ngàn câu "giá như". Trớ trêu thay, chúng ta đều nhờ những điều như thế để trưởng thành, những vụng dại xốc nổi, những rung động thuở thiếu thời, những đắng cay mất mác sinh ra từ khoảng thời gian đó dần biến thành hồi ức đẹp nhất đi bên ta suốt cả cuộc đời. Giống như mẹ tôi đã nói, bản thân mỗi con người đã là chiếc máy ảnh tuyệt vời, hoàn hảo nhất rồi.

Sau khi ông mất, tôi được thừa hưởng lại phòng triển lãm của ông dù cả hai chẳng có quan hệ máu mủ ruột thịt gì. Không có gia đình, con cái, người thân, bạn bè lần lượt ra đi hết, ông chẳng còn lấy một ai thân thích ngoại trừ thằng nhóc kế nhà thỉnh thoảng có dịp về quê lại ghé qua thăm hỏi vài câu. Vì cả ông bà nội ngoại đều mất trước khi tôi ra đời, nên tôi xem ông cụ hàng xóm như ông ruột của mình. Tuổi thơ tôi gắn liền với khu vườn không bàn tay chăm sóc và những tấm ảnh của ông, tôi lúc nhỏ còn từng có ý định nối nghiệp ông nữa. Nhưng sau cùng, tôi lại chọn cho mình một con đường khác, con đường dẫn tôi rời xa quê hương, rời xa những người thân yêu của mình. Ông chưa bao giờ nói đến việc để lại tài sản cho tôi trong những lần cả hai cùng trò chuyện. Lần cuối cùng gặp nhau, ông chỉ bảo rằng lỡ như một mai này ông lìa đời, hãy đốt tấm ảnh trong chiếc ví da cũ kia theo cùng ông. Ông không cần gì khác ngoài nó. Tôi rốt cuộc cũng thu đủ can đảm để hỏi ông vì sao lại giữ cái tấm ảnh kì lạ đó, chẳng lẽ ông không còn tấm nào khác tốt hơn sao? Ông nghe vậy liền bật cười, đúng là ông đã chụp rất nhiều ảnh của người đó, toàn bộ chúng đều rất đẹp, đều đã được đem ra trưng bày hoặc gửi tặng cho những người bạn chung của hai người, có khi tôi đã từng trông thấy qua rồi mà không hề hay biết. Tuy nhiên tấm ảnh kia lại sở hữu một ý nghĩa không thể chia sẻ được, một kỉ niệm riêng chỉ hai người có với nhau, và điều đó khiến nó trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. "Đó là minh chứng cho sự gắn kết của hai chúng ta, dù tương lai có ra sao đi nữa, linh hồn ta và người ấy vẫn sẽ luôn song hành cùng nhau, vĩnh viễn không thể xa rời."

Vĩnh viễn không thể xa rời. Đó là lí do ông luôn mang theo tấm ảnh bên mình cho đến tận lúc mất, như mang theo phần linh hồn mà người đó đã trao gửi cho riêng một mình ông. Dẫu trong thâm tâm đã biết cả hai không thể gặp lại nhau được nữa, ông vẫn kiên quyết tin tưởng rằng đến một lúc nào đó, số phận sẽ cho họ cơ hội tái ngộ. Có lẽ trong một hình hài khác, có lẽ tại một kiếp sống khác. Ông đã chờ đợi và mong mỏi thời khắc này từ rất rất lâu rồi. Nghĩ đến đó, tôi lại nhớ tới một bài hát mình đã từng nghe qua...

"So you can fit me...

Inside the pocket of your ripped jeans...

Holding me close until our eyes meet...

You'll never be alone...

Wait for me come home..."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro