Chú Sâm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Nó lấy cây củi khô cào lớp than hồng cho chúng nằm rải đều để nồi cơm chín đều thì nghe tiếng má gọi vọng từ đằng trước:
     - Bây coi chừng nhà, tao đi lên nhà thương một chút.
     Nó ngạc nhiên hết sức. Đang xới dở nồi cơm, nó cầm luôn cây đũa bếp chạy lên hỏi má:
- Ai bệnh vậy má?
- Chú Sâm bây bị bệnh cũ nó hành.
Vậy là má ton tả đi, dặn nó có đói thì ăn cơm trước, khỏi phải chờ. Nhưng lúc này còn bụng dạ đâu mà ăn với uống.
Nó chạy qua nhà chú Sâm. Nhà chú cách nhà nó không xa lắm, chỉ có mấy cánh đồng. Căn nhà không có bàn tay phụ nữ nhìn vào là biết ngay, dù chú sống tương đối ngăn nắp. Sân hè vẫn còn đầy lá rụng. Chiều chiều, nó thường qua chơi và giúp chú quét sân. Đời thương binh như chú làm những chuyện như vậy thì không dễ dàng cho lắm. Ở quê, nhà cửa không san sát như thành thị, nhà chú chỉ chơi vơi giữa đồng, gần nhà nó với cô Hương. Lúc này, căn nhà im ắng, con Kiki thấy nó chạy qua ngoắc đuôi mừng tít:
- Chú Sâm đi nhà thương rồi hả? - tự dưng nó nói chuyện với ... con Kiki - Mày coi chừng nhà nghen, tới cữ tao qua cho mày ăn. Tao rầu cho chú quá hà!
Con Kiki ư hử trong miệng, đuôi cụp xuống, nó dọn dẹp nhà cửa, thắp nén nhang lên bàn thờ tổ, rồi khép cửa về. Con Kiki chạy ra theo tới cổng rồi ngồi đó nhìn theo.
Nó chỉ mong sao má mau về. Không biết chú bệnh nặng hay nhẹ, ai nuôi chú trên đó? Đã qua bên kia cái dốc của cuộc đời nhưng chú vẫn sống mình ên (một mình). Cả nhà nó, ai cũng thương chú hết sức. Mấy năm trong chiến trường ác liệt, cuộc sống của chú bây giờ dường như được đền bù chẳng là bao. Người ta hỏi sao chú không gửi đơn lên xin trợ cấp, chú chỉ cười:
     - Xét cái gì mà xét? Ngày xưa mình tình nguyện có làm giấy tờ gì đâu? Người ta tin thì cho mình làm, mà nào có công to tát gì?
     Như vậy mà chú cứ trồng rau, câu cá sống qua ngày. Chú được bà con thương nên cuộc sống cũng không đến nỗi.
     Má vừa về nhà là nó hỏi ngay:
     - Chú Sâm sao rồi má?
     Má ngồi xuống thở dài:
     - Đang gỡ lưới thì vết thương cũ nó hành nên té xuống mương. Cũng may có thằng Tư nó thấy. Phải mổ thôi, mổ để lấy cái mảnh đạn còn trong bả vai.
     Lúc ấy, nó nghe tiếng cô Hương kêu to ngoài cửa:
     - Chị Ba ơi, có nhà không?
     - Dữ hôn? Chiều giờ cô đi đâu mà kiếm hoài không thấy?
     - Em đi lấy đồ ở xóm trên về may. Đi ngang đám ruộng thấy bông cỏ nhiều quá nên lội xuống nhổ luôn, bây giờ mới về tới.
     - Con cá lóc ở đâu mà ngon quá vậy cô?
     - Thấy thằng Tí con Minh gỡ lưới nên hỏi mua. Định đem qua cho anh Sâm nấu cháo mà không thấy ảnh đâu hết trơn.
     - Mèng ơi! Cô chưa biết gì sao? Chú Sâm đi nhà thương nằm bệnh rồi.
     Cô Hương sững sờ, làm rơi con cá xuống đất làm nó được dịp trườn đi." Chẳng lẽ, vết thương cũ tái phát hả chị?". Cô ngồi xuống thẫn thờ. Má rót trà, bảo cô uống một ngụm để lấy lại bình tĩnh.
     - Tui mới ở trển về nè!
     - Em đi lên trển liền.
     - Đừng hấp tấp. Có mấy cô y tá lo rồi. Cô về lo đồ đạc cho chú ấy đi, mai rồi hẵng hay. Ngày mai, qua rủ tui đi nữa.
     Cô Hương ra về mà ngổn ngang trăm mối. Trong cái xóm này, ai cũng nói chú Sâm và cô là một cặp xứng đôi. Nhưng trớ trêu thay, hai người lại chẳng thể đến với nhau. Cô hay nói là tại chú Sâm cả, chứ cô nào đâu có câu nệ. Cô vốn để ý chú từ khi chú còn là một anh du kích trong xóm nhỏ. Tính chú hiền, lại khẳng khái, yêu nước như vậy, ai mà không yêu? Bẵng đi mấy năm, chú quay về quê nghèo với cây nạng kẹp bên tay trái. Cô khóc ròng mấy đêm. Chú hiểu ý cô Hương muốn là người nâng khăn sửa túi cho chú, nhưng chú cản:
     - Hương đừng khổ vì tui nữa. Tụi mình chắc có duyên mà không có nợ. Hương còn trẻ mà. (những lúc ấy, cô chỉ muốn hét lên "Hơn ba mươi tuổi mà trẻ ư?") Người ta nói là chị ế rồi, như cánh hoa sắp tàn, rụng cuống. Nhìn mấy cô cùng xóm xem. Người đã hai, ba con rồi.
     - Anh ác chi mà ác dữ vậy hả anh Sâm? Nhưng cô chỉ khóc. Chắc chú cũng đau lòng lắm chứ. Lấy một người chồng què như chú có phải là khổ cho cô hay không? Nhưng cô nói cô không cần những thứ đó, chỉ tháng ngày ngắn ngủi cũng đủ để cô chịu đựng và có sức lực vượt qua những khó khăn. Chú có biết là cô hay qua nhà nó khóc hay không? Mặc kệ chú phản đối, cô vẫn chăm sóc chú những lúc rảnh rỗi. Chú không nói chuyện với cô thì cô nói chuyện với gió , với mây, với con Kiki cũng được. Cô nghĩ người đầu mà ích kỉ quá chừng! Bây giờ như vậy nè, có đau lòng hay không?
Tiếng bước chân của ba người cứ vang lên đều đều trong hành lang bệnh viện huyện. Nó với má vào phòng bệnh, đặt trái cam lên bàn:
- Chú Sâm đỡ chưa? Con lo quá hà!
Chú nói giọng nhỏ nhẹ: đỡ nhiều rồi. Thiệt cám ơn con với chị Ba hết sức. Má nó nói: Có gì đâu mà ơn với nghĩa!
Nói xong, má ra hiệu cho nó đi ra ngoài để cô Hương nói chuyện. Nó với má đi ra ngoài, cô Hương vẫn đứng tần ngần trước cửa. Chú nhìn cô cũng bối rối. Cô đi từ từ xuống cái ghế, ngồi xuống nhưng lại cúi mặt. Chú Sâm chưa nói gì nhưng nước mắt cô chảy dài xuống má, rơi trên tấm trải giường trắng toát. Chú Sâm vừa mới mở lời: "Hương à, tui..." thì cô oà khóc như trẻ con: "Anh ác chi mà ác dữ vậy anh Sâm?". Cô nói trong nước mắt giạn giụa, rồi cúi mặt xuống giường mà khóc. Cô ngồi bệt xuống nền gạch. Chú Sâm quay mặt đi, lại nghe nhói đau nhưng không phải vết thương ngày đó. Cái vết thương này là do chú tự khoét sâu thôi. Đến bây giờ, mà chú vẫn còn chạy trốn cô sao? Cô xấu xí? Người trong xóm vẫn nói cô có duyên đáo để đó chứ. Cô lôi thôi lắm sao? Xóm trên cũng như xóm dưới đều biết cô đảm đang. Chắc tại chú chờ cô đến năm chục tuổi mới chịu chấp nhận tình cảm của cô phải không? Tức là không ai chịu cưới cô thì chú mới đón cô về? Không đâu! Ai cũng biết cô đã thuộc về chú rồi, cho nên chẳng ai dám ngỏ lời đâu. Chuyện đã rõ như ban ngày sao chú còn làm đau lòng chi chứ?
Không gian trong bệnh viện im phăng phắc như tiếng đêm không có côn trùng rả rích. Nó nghe rõ mồn một tiếng cô Hương nức nở trong phòng. Chú Sâm lấy tay mình đặt lên bàn tay cô, khẽ khàng nắm lại và siết chặt. Cô nhìn vào đôi mắt sâu hút dưới đôi mày rậm của chú. Hai người nhìn hhau, rồi cô nép mình vào chú, vẫn ngồi bệt dưới sàn gạch. Cơm với canh chắc đã nguội hết rồi còn đâu.
     Nó chở má đi trên con đường đất hai bên đầy hoa mắc cỡ. Má nói: "Một chút, bây qua nhà chú Sâm lấy cái hộ khẩu để tao làm đơn xin miễn tiền nằm viện." Nó cầm quyển hộ khẩu trên tay, thấy ghi chữ đầu có có ghi chủ hộ là chú Sâm, nhưng phía bên kia vẫn còn trống. Nó mong tới một ngày không xa, tên cửa cô Hương sẽ nằm ngay chỗ ấy...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro