Chương 20: Tiếng đàn nổi lên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hoàn cảnh của Thanh Viễn Bá phủ ngày càng lụn bại, Yến Lâm là đệ tử thế gia huân quý tất nhiên biết rõ. Chuyện thứ nữ Bá phủ này "rơi xuống nước" ở yến tiệc hôm Trùng Dương, cũng coi như mọi người đều biết, huống hồ lúc ấy còn có một câu kinh thế hãi tục kia của Khương Tuyết Ninh?

Bà tử hành hạ cô nương, nô tài hiếp đáp chủ tử. Mặt mũi Thanh Viễn Bá phủ xem như mất hết. Chỉ là để tránh người ngoài nhàn rỗi đàm tiếu, nói Bá phủ bọn họ hà khắc với thứ nữ, bên ngoài đương nhiên không dám làm khó thứ nữ này nữa, nhưng e rằng những đau khổ âm thầm phải chịu chỉ có nhiều hơn chứ chẳng ít.

Dũng Nghị Hầu phủ chỉ có một mình hắn là đích tử, mà hắn lại còn rất được trong cung cưng chiều, nên muôn kiểu thủ đoạn ngầm hậu trạch đều không tới chỗ hắn. Nhưng chưa ăn thịt heo cũng từng thấy heo chạy, trong hậu trạch có tranh đấu ra sao, Yến Lâm vẫn hiểu rõ. Dù sao phụ thân cũng có một đám thiếp thất cùng thứ nữ thứ tử.

Hắn cảm thấy Ninh Ninh quá để tâm thứ nữ Bá phủ chỉ là bèo nước gặp nhau này, không khỏi khuyên nàng nói: "Tâm ngươi quá lương thiện, người vừa vụng về vừa kém cỏi lại không biết tranh giành như nàng ấy trên đời này đếm không xuể. Cứu được rồi thì thôi, chẳng lẽ lại còn trông cậy nàng ấy thay da đổi thịt? Cần biết rằng người ở vào tỉnh cảnh nào cũng có nguyên nhân cả, nếu nàng ấy có bản lĩnh sẽ không đến nỗi rơi vào kết cục như lúc trước."

Khương Tuyết Ninh thu hồi ánh mắt, nói: "Chính bởi vì ta cứu, cho nên lại mới để ý hơn người bình thường, cũng hy vọng nàng sống tốt hơn một chút. Chẳng qua ngươi nói cũng đúng, ta đã hết lòng quan tâm giúp đỡ, sao có thể quản sâu hơn được nữa?" Dứt lời, nàng nhẹ nhàng thở dài, tựa như muốn mượn nó xoa dịu chút cảm giác không quá dễ chịu nào đó ở đáy lòng. Sau đó nàng mới nói với Yến Lâm: "Chúng ta vẫn nên vào xem đàn thôi."

U Hoàng Quán, nghe tên liền biết nơi này đặc biệt thiết kế ra vì đàn. Mặc dù vị trí nằm trong phố xá sầm uất rộn rộn ràng ràng, ở kinh thành cũng coi như là vị trí tấc đất tấc vàng, nhưng phải từ dưới lầu không mấy dễ chú ý đến đi lên cầu thang đến tầng hai mới có thể trông thấy tấm bảng trúc thanh nhã mộc mạc. Hai chữ "U Hoàng" dùng mực nước viết lên thân trúc.

Chỉ vì đàn là vật trang nhã, khách đến xem đàn, hoặc giả yêu đàn muốn học đòi văn vẻ, hoặc thật lòng yêu đàn thì không ưa náo nhiệt, cho nên trang hoàng phong cách như vậy lại vừa khéo hợp cả đôi đường.

Yến Lâm hiển nhiên không phải lần đầu tới nơi này, quen lối đưa Khương Tuyết Ninh đi vào. Trước bát hương trong góc, một nam tử ăn mặc kiểu văn sĩ ngồi trước lư hương đang dùng đũa hương điều hương. Hắn đốt Bà Luật hương* thượng hảo. Khắp cả U Hoàng Quán đều phiêu đãng hương thơm nhàn nhạt.

*Bà luật hương hay Long não còn gọi Kim Cước Não, Cảo Hương, thời xưa là loại hương liệu quý.

Văn sĩ kia nghe thấy tiếng bước chân liền quay đầu lại, nhìn thấy là Yến Lâm thì cười lên, nhẹ nhàng đặt đũa hương xuống, vừa đi tới chậu đồng bên cạnh rửa tay, vừa nói: "Cuối cùng Thế tử cũng tới rồi. Ta nghĩ nếu Thế tử lại không đến, ta sẽ treo mấy cây đàn kia ra bán."

Yến Lâm bật cười: "Dù gì cũng là tiệm đàn trang nhã, ngươi thu lại hơi thở đầy mùi tiền kia đi được không?" Văn sĩ kia hoàn toàn không thèm để ý, chỉ nói: "Ngươi nghĩ ta mở tiệm đàn ra làm từ thiện chắc? Muốn đàn phải tắm gội, rửa tay, đốt hương, còn phải tìm đàn tốt, có chỗ nào không cần tới tiền?"

Khương Tuyết Ninh chỉ cảm thấy người này mới mẻ kỳ lạ, không khỏi nhìn thêm mấy lần. Văn sĩ kia cao gầy, tướng mạo bình thường, cũng nhìn thoáng qua Khương Tuyết Ninh, tỉnh ngộ: "Là vị cô nương này muốn xem đàn sao?" Khương Tuyết Ninh không nói lời nào. Yến Lâm khó chịu, nói: "Đừng nói nhảm nữa, đàn đâu?"

Văn sĩ kia hơi nhướng mày, dễ dàng nhận ra vị trí của nữ tử này trong lòng Yến Lâm không bình thường, lại không bởi vậy mà thu hồi ánh mắt, ngược lại còn nhìn Khương Tuyết Ninh thêm vài lần, mới quay người đi vào gian bên trong, lấy bốn cây đàn cất giấu ở đó ra. Hắn ôm từng cây từng cây, xếp trên bàn dài trong tiệm, sau đó mở từng túi bọc bên ngoài ra, gọi Yến Lâm lại xem: "Vốn đã tìm ra năm cây đàn, có một cây là Cố Bản Nguyên ở Giang Ninh mới làm ra, nhưng tới chậm, lúc người của ta đến nơi Cố Bản Nguyên đã tặng cho Tạ Cư An rồi."

Cố Bản Nguyên là chước cầm sư (người làm đàn) nổi tiếng nhất hiện tại. Bình thường, trình tự làm đàn rất rườm rà, từ chọn lựa vật liệu gỗ đến xỏ dây đàn thử âm, làm xong một cây đàn ít nhất phải mất hơn một năm, nếu làm cẩn thận trau chuốt thì phải hơn hai năm thậm chí ba năm. Chước cầm sư cũng tính là nghệ nhân, dùng nó kiếm sống.

Nếu hai năm mà chỉ làm một cây đàn đương nhiên sẽ chết đói, cho nên rất nhiều chước cầm sư sẽ chuẩn bị vật liệu gỗ tốt, đồng thời chế tác mười hoặc hai mươi cây đàn, như thế dù trình tự làm đàn vẫn cần hai năm như cũ, nhưng lại làm ra được rất nhiều đàn.

Có điều Cố Bản Nguyên năm nay đã sáu mươi mấy tuổi, sắp đến tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hy, tinh thần sức lực không thể so với những chước cầm sư trẻ, không cách nào cùng lúc làm ra nhiều đàn nữa, nên cơ bản phải mất hai, ba năm mới làm ra một, hai cây đàn.

Mà bản tính người đương thời lại ưa thích theo đuổi vật gì hiếm có. Hai năm nay, người dùng ngàn vàng cầu mua đàn nhiều vô số kể, chỉ là không ai ngờ, cây đàn mới này còn chưa lộ diện lấy một lần, âm thanh còn chưa gảy ra tiếng nào, lão già lại đưa thẳng đến cho Tạ Nguy, khiến không biết bao nhiêu người âm thầm cắn răng ghen tức.

Yến Lâm tập võ, cũng tính là người mê đàn, nhưng có từng nghe thanh danh Cố Bản Nguyên, nhất thời cũng sững sờ một chút: "Tặng?" "Ừ, tặng không." Văn sĩ kia rốt cuộc cũng lộ ra mấy phần bất mãn, cười nhạt, nhưng lại có mấy phần cười trên nỗi đau của người khác: "Mấy hôm trước không phải có mấy kẻ thuộc nghịch đảng Bình Nam Vương ám sát mệnh quan triều đình ở kinh thành sao? Tạ Cư An làm một cây đàn đã ba năm, hôm đó ở chỗ ta chọn được mấy dây đàn tốt, đang định nhân lúc rảnh rỗi thì xỏ dây thử âm, kết quả vừa trở về nửa đường chẳng biết sao lại lên Tầng Tiêu Lâu gì kia, gặp phải thích khách nghịch đảng. Người thì không sao, chỉ có cây đàn mới còn chưa xỏ dây xong đã người ta bị chém một đao hỏng rồi. Chậc, hắn có tức giận khó chịu hay không ta không biết, nhưng dù sao chỉ nghe người ta nói hắn hai ngày liền không vào triều. Cố Bản Nguyên biết chuyện này, liền sai người từ Giang Ninh xa xôi đưa cây đàn lên kinh thành tặng hắn. Đây còn không ngược đời sao!"

Yến Lâm nói: "Không phải ngươi quan tâm cây đàn sao?" Văn sĩ kia lạnh lùng hừ một tiếng: "Ngàn vàng mua đàn xong ta liền bán gấp đôi lại cho ngươi, Tạ Cư An chặt đứt đường phát tài của lão tử!"

"Khụ." Yến Lâm ho khan một tiếng, rất muốn nói "Trông bản Thế tử giống loại coi tiền như rác dễ bị lừa vậy sao", nhưng nghĩ tới nghĩ lui vẫn là không nói gì. Tạ Nguy chính là Thiếu sư của Thái tử, bây giờ lại còn chủ trì nhật giảng Kinh Diên trong cung, coi như nửa tiên sinh của hắn.

Đối phương thì khác. Văn sĩ này là chủ nhân U Hoàng Quán, vốn là tiến sĩ đồng khoa với Tạ Nguy, lại còn cùng là nhân sĩ Kim Lăng, họ Lữ tên Hiển, tự Chiếu Ẩn. Một đường học hành thi cử, Tạ Nguy đứng đầu hắn thứ hai, Tạ Nguy đạt Giải nguyên hắn thứ hai, Tạ Nguy Hội nguyên hắn thứ hai, ngay cả khi vào Hàn Lâm Viện cũng còn ở trên đầu hắn. Người đương thời đều nói đùa "Tạ nhất Lữ nhì".

Lữ Hiển xuất thân bần hàn, tính tình cố chấp, càng không bằng Tạ Nguy càng muốn so đo, bản thân lại còn thoải mái nữa. Nào ngờ một hôm Tạ Nguy nhận tin báo tang từ Kim Lăng. Tạ Nguy vội về chịu tang còn phải giữ tang ba năm, Lữ Hiển bỗng nhiên thành đệ nhất, nhưng lại cảm thấy Hàn Lâm Viện trở nên vô vị. Qua một năm, hắn thẳng thừng từ quan. Nghe người ta nói hình như cũng về Kim Lăng.

Bốn năm trước bởi vì phò tá đương kim Thánh thượng Thẩm Lang, Tạ Nguy lần nữa trở lại triều đình, nay làm đến chức Thiếu sư. Lữ Hiển lại giống như không có hứng thú làm quan nữa, mặc dù cũng trở về kinh thành, nhưng chỉ mở một cửa tiệm đàn, trông như chỉ muốn sống an nhàn.

Người từng vào Hàn Lâm Viện nay lại làm việc này, thật sự trước nay chưa từng nghe nói. Vài người quen cũ trong kinh cũng không dám tin, nhiều lần đến xem tận mắt.

Không bao lâu sau, tiệm đàn này vang danh khắp trên triều. Đương nhiên, dần dần liền có người phát hiện so với làm quan thanh chính, Lữ Hiển làm "gian thương" lại không chút yếu kém, sau lưng cũng có câu nói "Tiến sĩ bán đàn, không mua không được", có thể thấy hắn làm ăn "dữ" bao nhiêu.

Cũng có nghĩa, Lữ Hiển cùng Tạ Nguy là chỗ quen biết cũ, mở miệng liền gọi một tiếng "Tạ Cư An" có phần không khách khí, nhưng Yến Lâm được Tạ Nguy giảng bài, lại phải cân nhắc hai chữ "Tôn ti".

Hắn nhìn một lượt bốn cây đàn trước mặt, hỏi: "Những cây này thì sao?" Lữ Hiển liền giới thiệu qua từng cây đàn một, chẳng qua từ đầu tới cuối có hơn nửa thời gian chỉ nhìn Khương Tuyết Ninh, rất nhiều câu là nói để nàng nghe, hiển nhiên đã biết "trọng điểm" của mối làm ăn hôm nay ở đâu.

Chỉ là Khương Tuyết Ninh thực sự không yêu đàn. Kiếp trước lúc học đàn, các vị quý nữ thế gia đều ra sức nỗ lực để nổi bật trước mặt Tạ Nguy, duy chỉ có nàng ngại khổ ngại mệt, thời gian đầu ỷ bản thân có Yến Lâm, sau thì ỷ vào Thẩm Giới, căn bản không đi nghe hắn giảng mấy lần. Nếu hỏi nàng thích cây nào trong số đàn này. Nàng rất muốn trả lời: cây nào cũng không thích.

Cũng may Yến Lâm biết trước kia trong phủ nàng không học đàn, đại khái suy nghĩ cân nhắc liền lấy cây cổ cầm hơn ba trăm năm trước, tên là "Tiêu Am". Trên thân đàn vì bị lâu ngày mài mòn và rung động lúc đàn tấu, đã phủ lên hoa văn như nước chảy, thanh âm toát ra trầm dày, âm vang lại trong trẻo thấm nhuần. Có điều, giá tiền cũng đáng sợ.

Lữ Hiển khẽ mỉm cười đưa ra ba ngón tay với Yến Lâm, Khương Tuyết Ninh hít sâu một hơi.

Yến Lâm lại coi như bình thường, sai người lấy ngân phiếu trả tiền, sau đó tự tay bọc lại cây đàn, đưa vào tay Khương Tuyết Ninh, nói: "Các ngươi vào cung tuy là làm thư đồng cho Công chúa, Tạ tiên sinh đối xử với mọi người cũng coi như khoan hậu, nhưng về học vấn, nhất là đàn, sẽ không vì các ngươi là cô nương mà nhẹ nhàng bỏ qua. Nghe Tạ tiên sinh dạy học, phải thật tập trung tích cực. Trong cung tiên sinh không thường đánh đàn, ta may mắn từng được nghe mấy lần, vô cùng hay. Ngươi xưa nay không muốn học đàn, ắt là do tiên sinh dạy đàn không tốt. Nay vào cung, biết đâu lại thích thì sao." Cho nên, đàn tốt nhất định phải có.

Nhưng Khương Tuyết Ninh nghe hắn nói những lời này đuôi mắt cũng hơi giật giật: Không một ai hay biết, sau khi vào kinh dù thế nào nàng cũng không muốn học đàn là bởi vì Tạ Nguy.

Bốn năm trước trên đường lên kinh, Tạ Nguy đã ôm đàn. Nàng còn tưởng rằng người này thật sự là thân thích xa của Khương phủ, mặc y phục vải trắng bình thường, trừ một cây cổ cầm thì không có gì cả, trông còn ốm yếu bệnh tật. Dù ngồi cùng xe với nàng, nhưng lại không thích tiếp xúc với người khác, phần lớn thời gian đều nhắm mắt dưỡng thần, chỉ có nửa đường lúc thỉnh thoảng dừng lại nghỉ chân, hắn mới gảy cây đàn kia. Khương Tuyết Ninh nghe không hiểu, cũng thấy hắn rất chướng mắt.

Khi đó nàng mới biết được thân thế mình, lại biết trong nhà còn có một vị "tỷ tỷ" người người tán thưởng, trên đường đi sợ bị vú già trong kinh tới đón coi thường, dù chưa từng học quy củ gì, lại bởi vì nội tâm sợ hãi, nàng lại càng thể hiện ra dáng vẻ tiểu thư vọng tộc, cố giữ một phần "tự tôn" hèn mọn đáng thương. Đại tiểu thư đều ở trên cao nhìn xuống, vênh mặt hất hàm sai khiến. Cho nên nàng cũng ăn trên ngồi trước, vênh mặt hất hàm sai khiến người khác. Trong số những "người khác" này có cả "Tạ Nguy".

Nàng lớn lên nơi hương dã, cũng chưa từng học quy củ gì, nhưng trông người này đi đứng ngồi nằm đều có tiêu chuẩn khuôn mẫu, bất kể là tư thái nâng đũa lúc cùng ăn, hay lúc ở trong xe ngựa tựa lưng nghỉ ngơi cũng không hề loạn, đều khiến nàng thấy mà khó chịu.

Lúc ấy nàng cảm thấy người này đã nghèo túng còn thích làm dáng. Nhưng thật lâu sau mới bằng lòng thừa nhận, sở dĩ nàng khó chịu, là vì cho dù không hiểu, cũng có thể cảm nhận được sự cách biệt một trời một vực. Mà sự cách biệt này là của một nha đầu lớn lên nơi hương dã với kinh thành phồn hoa nàng sắp tới kia.

Nhưng con người luôn không muốn thừa nhận. Cho dù về sau làm Hoàng hậu rồi, nàng cũng không muốn gặp Tạ Nguy, mà tên hắn lúc nào cũng gắn với đàn khiến nàng cũng không muốn nhìn thấy đàn.

Thời gian kinh hoảng khốn đốn nhất trong đời nàng đã bị người này nhìn thấy, nên chỉ cần nhìn thấy người này, nàng sẽ nhớ tới những chuyện quá khứ. Mà đây là điều kiếp trước nàng kiêng kỵ nhất.

Ai biết Tạ Nguy lúc đó nghĩ gì về nàng? Lúc trước hoàng hậu nương nương này cũng chỉ là nha đầu mặc long bào lên cũng không giống Thái tử mà thôi.

Hễ nhớ tới liền cảm thấy khó chịu, cho nên từ trước đến nay Khương Tuyết Ninh chỉ coi như đoạn quá khứ này không tồn tại. Tạ Nguy thấu đáo lòng người đại khái cũng biết ý nghĩ của nàng. Cho dù địa vị trong triều rất cao, ra vào cung đình thường xuyên, hắn cũng cực ít xuất hiện trước mặt nàng, cũng không hề nhắc đến chuyện này. Về phần vết sẹo trên cổ tay, nàng cũng mời thái y kê đơn, cẩn thận bôi thuốc hai năm đã tiêu tan sạch sẽ.

Lúc này, Bà Luật Hương thoang thoảng trong tiệm, mang hơi thở cổ xưa mà xa xăm, khiến người tĩnh tâm. Khương Tuyết Ninh chớp mắt cúi xuống nhìn cây đàn "Tiêu Am" đã giao vào tay mình, chợt nghĩ: Nếu không phải vì Trương Già, có lẽ đến lúc nàng chết đi, chôn vào lòng đất, cũng sẽ không nhắc với ai là nàng còn từng có ơn cho Tạ Nguy uống máu. Nhưng mà...

Hình như kiếp trước sau trận cung biến, trên tay Tạ Nguy dính máu, sau đó cũng không hề chạm vào đàn nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro