KHÔNG ĐÁNG SỢ (9).

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(Phiên bản đồng dao hay cổ tích, những điều không có trong sách truyện dành cho thiếu nhi).

*

67) "...Khi mặt trời lên, chúng là những pho tượng và câu chuyện chỉ thật sự diễn ra khi màn đêm phủ xuống..." (đồng thoại Anh quốc).

Anna vào phòng rồi chốt cửa lại, cô nhìn một lượt rồi tạm thấy hài lòng, đây là phòng hạng 2 trong một khách sạn cũng hạng 2, diện tích chưa tới 20 mét vuông, có phòng vệ sinh và phòng tắm riêng biệt, giấy dán tường còn khá mới và có một ban công nhỏ. Với một chuyến công tác ngắn ngày thì như thế này đã là quá tuyệt vời, sau khi tắm rửa xong thì Anna lên giường và bật đèn ngủ.

Đến nửa đêm, vì lạ chỗ nên Anna trở mình thức dậy, cô nhận ra mình vẫn chưa khép rèm ban công. Anna tự thưởng cho mình bằng cách bước ra ban công và thưởng thức bầu không khí ban đêm của thành phố, nó yên bình nhiều hơn so với những gì ta thấy trên phim ảnh và thời sự và cổ kính cũng nhiều hơn.

Anna nhìn sang nóc của nhà thờ đối diện, có hai bức tượng tạc hình quỷ dữ với cánh và răng nanh đặt ở đó nơi phía trên mái vòm cửa sổ. Khi còn trẻ thì cô cũng đã từng đọc qua về kiểu kiến trúc này trong thư viện của trường đại học, những quyển sách đó viết rằng nếu là tượng quỷ không cánh thì chúng biểu trưng cho những con quỷ địa ngục mà các tu sĩ đã bắt rồi niêm phong trước nhà thờ như một cách để răn đe những con quỷ khác, để nhắc về việc cái ác không thể đi vào bên trong.

Còn với những pho tượng tạc toàn thân là quỷ có cánh thì đó không phải là quỷ, mà đó là thế hệ thiên thần đầu tiên của thiên đường, những thiên thần có nhiệm vụ chiến đấu để dọn sạch sẽ thế gian này, đuổi những con quỷ cổ xưa xuống địa ngục để tạo ra nơi mà con người có thể tồn tại. Để khi những thiên thần cổ xưa đó bị chết đi quá nhiều sau trận đại chiến thì mới tới lượt những thiên thần hình người xuất hiện và coi sóc thiên đường. Do cùng sinh ra từ một ngọn nguồn, vậy nên cách phân biệt đơn giản nhất giữa thiên thần cổ xưa và quỷ cổ xưa chính là đôi cánh, thứ dùng để bay lên thiên đường.

Đó chỉ là một trong những câu chuyện huyền hoặc mà thôi và những pho tượng đá trắng với cánh và nanh nhọn kia là thứ duy nhất khiến người ta còn nhớ tới câu chuyện đó.

Rồi Anna vào phòng, khép cửa, kéo rèm và ngủ tiếp, cố ngủ thật ngon vì sáng mai cô còn có một buổi thuyết trình quan trọng.

Đến sáng, khi đã trả phòng, Anna ngồi trên xe taxi và có dịp được nhìn nhà thờ kia thêm một lần nữa từ phía chính diện, nó thật đẹp, và những cảnh vật khác cũng thật đẹp, tất cả đã khiến Anna cảm thấy thoải mái và tự tin hơn trước khi bước vào cuộc họp. Rồi có lẽ do mải mê nhìn quá nhiều thứ nên Anna đã không nhận ra rằng chỗ mái vòng của nhà thờ vốn không hề có pho tượng nào.

Vẫn còn có một câu chuyện khác về những pho tượng này, đó là năm xưa vào thời đại khải huyền không phải chỉ một mình lũ quỷ bị đuổi xuống địa ngục, mà còn có rất nhiều những thiên thần bị bọn quỷ kéo xuống chung. Để rồi khi bị kẹt lại thì những thiên thần đó bị lũ quỷ giết chết và ăn thịt, cũng có những con quỷ khác đã cắt đi đôi cánh của thiên thần rồi gắn vào lưng mình, đôi cánh giúp chúng có thể thoát khỏi địa ngục nhưng do không thấy được ánh sáng dẫn đường lên thiên đường nên chúng bị kẹt lại nhân gian.

Vậy nên chúng thường hay bay đến nóc của các nhà thờ và chờ đợi, chờ để khi có một ánh sáng thiên thần trong kiếp người chết đi trong hiện thực rồi trở về với thiên đường bằng tia sáng dẫn lối kia, thì chúng sẽ bay theo để có thể trả mối thù xa xưa, hay thậm chí là có thể chiếm được thiên đường nếu như thế hệ thiên thần của thời đại này yếu ớt hơn thời đại trước. Và trong thời gian chờ đợi tại trần gian này thì dĩ nhiên, chúng cần phải ăn uống để gìn giữ sức mạnh của mình.

Câu chuyện này luôn được các thiên thần nhắc nhở cho những đứa trẻ vào mỗi khi chúng sinh ra, như một cách để chúng đề phòng và chuẩn bị, nhắc nhở bằng những bài đồng dao mà dù không ai dạy thì lũ trẻ vẫn sẽ thuộc lòng và hát được. Chỉ là lũ trẻ với sự ham chơi và vô tư của mình, khiến khi lớn lên thì chúng sẽ dần quên đi bài đồng dao đó. Ví như Anna, cô ấy đã từng nhớ, để bây giờ thì cũng đã quên.

Một tuần sau, khi đã xong việc ở thành phố và trở về căn nhà nhỏ của mình nơi ngoại ô, thì vào một đêm mưa bão Anna chợt thức giấc, hình như có một tia chớp vừa đánh xuống gần nhà. Khi Anna tới gần cửa sổ để kiểm tra thì lại có thêm một tia chớp nữa đánh xuống, để ngay trong cái khoảnh khắc chói lòa đó thì Anna chợt nhìn thấy một pho tượng có cánh và răng nanh đang đậu trên cành cây trước nhà, với đôi mắt màu đỏ đang nhìn thẳng vào cô.

Đó cũng là lúc mà Anna chợt nhớ lại một câu hát trong bài hát đồng dao năm xưa:

"...Khi thấy đôi mắt màu đỏ chớp chớp, thì hãy chạy ngay đi, vì những pho tượng đó đã đói bụng rồi..."

*

68) Họ như một món quà.

Nếu tìm hiểu thì bạn sẽ thấy các quốc gia hay các tộc người ở vùng Trung Phi không có nhiều những truyền thuyết hay truyện cổ tích hơn khi so với Bắc Phi và Nam Phi.

Lý do không phải vì họ không có, mọi quốc gia hay tộc dân đều sẽ luôn có đủ những truyền thừa giúp cho giống nòi của mình tồn tại, thời nay thì chúng ta dựa vào sách giáo khoa để phát triển còn thời trước thì chính những câu chuyện xa xưa đã giúp chúng ta còn tồn tại. Để tới một ngày nào đó thì chính những thứ mà chúng ta đang có đây cũng sẽ lại trở thành một câu chuyện xa xưa, một thời để nhớ với rất nhiều những bài học đã qua chọn lọc.

Còn lý do mà bạn khó tìm ra được những câu chuyện của các tộc dân vùng Trung Phi là bởi vì chúng quá tăm tối, tăm tối tới mức mà không thể dùng văn minh hiện tại để bôi xóa chỉnh sửa rồi biến thành một phiên bản khác dễ tiếp nhận hơn, một phiên bản có thể dạy cho trẻ em rồi đưa ra thế giới, để in thành sách, làm thành phim hay để đặt tên cho các khu du lịch.

Hôm nay, chúng ta hãy thử đi dạo đến Trung Phi rồi chạm vào cái vùng tăm tối đó, thử một lần trong đêm nay rồi hãy quên đi khi nắng lên để một ngày mới bắt đầu.

"Vào những khi khô hạn nhất, khác với các bộ lạc khác, khi đa phần sẽ chọn chia ra và đi khắp nơi để tìm nguồn nước mới cho bộ lạc của mình. Thì một nhóm hơn 20 bộ lạc ở Trung Phi với khoảng từ một đến hai ngàn thành viên sẽ theo thông lệ mà tụ họp với nhau tại một điểm đã định trước.

Tại đó, họ sẽ cùng nhau dựng lều và sống quần cư như một bộ lạc duy nhất, với thức ăn được chia đều cho tất cả còn nước uống thì sẽ do các tù trưởng hay thầy cúng đi lấy ở một nơi bí mật.

Câu chuyện hôm nay là về cái thứ được coi là nguồn nước dự phòng đó.

Trong truyền thuyết đô thị thì chúng ta sẽ gọi họ là người da, người túi, người cao su, người biến hình, người bao bọc, người không xương, người luồn qua khe cửa...còn với các bộ lạc Trung Phi thì họ sẽ coi đó là 'người chứa nước'.

Họ hay được tìm thấy khi đang thu mình lẩn núp trong các hốc cây, trong dạ dày voi, trong các giếng cạn hay khi quấn và bám lên thân của những con vật khác. Khi bắt được hoặc khi tìm thấy được thì các thổ dân sẽ không giết họ, thay vào đó thì sẽ giao nộp cho tộc trưởng rồi các tộc trưởng sẽ gom hết tất cả lại, giấu vào một nơi bí mật.

Tại đó, vào mùa có mưa và các mạch nước còn chảy, thì họ sẽ bị ép uống thật nhiều nước, nhiều đến mức căng phồng lên như một quả bóng và còn to hơn như vậy nữa. Rồi thổ dân sẽ thít cổ và bịt các lỗ thoát khác trên cơ thể của họ, dùng cách đó để tích trữ nước cho mùa khô.

Trung bình thì một túi da chứa nước như vậy sẽ dự trữ đủ lượng nước cho vài chục người uống trong vài tháng, khi quần thể bộ lạc đông đến vài ngàn người thì sẽ cần đến hàng chục hay thậm chí hàng trăm túi trữ nước như vậy. Để sau khi mùa khô kết thúc thì những cái túi nước kia vẫn sống, vẫn được cho ăn và cho giao hợp để sinh sản ra thế hệ kế tiếp.

Bản thân họ - người – sinh vật đó, là một tài sản quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho các bộ lạc ở Trung Phi, thứ đã giúp cho con người còn tồn tại được trong cái khô hạn mấy ngàn năm qua ở nơi đây. Cũng từng có thời điểm họ được tôn sùng như thần linh chứ không chỉ là túi tích trữ nước, cũng từng có lúc vì muốn độc chiếm họ mà các cuộc chiến bộ lạc quy mô lớn đã diễn ra.

Rồi khi thời đại thực dân hóa bắt đầu, khi những cái thùng chứa và can đựng được đem đến Châu Phi, thì cũng là lúc thân phận của những người – túi da kia thay đổi. Họ không bị ép chứa nước nữa, cũng không được tôn thờ hay bị tiêu diệt, mà chỉ đơn giản là tiến trình lịch sử đã lần đầu cho phép họ được hòa vào cộng đồng người và sống như những con người bình thường."

Câu chuyện gần đây nhất mà ta nghe về họ chính là khi có một tàu buôn nô lệ bị đắm ngoài khơi, thì một trong số họ đã tự bơm phồng mình lên để làm phao cứu sinh, giúp cho các nô lệ và thủy thủ đoàn bám vào và bơi được vào bờ.

Đó, lại là một truyền thuyết đô thị khác, một câu chuyện vẫn còn được tiếp tục kể cho đến tận ngày hôm nay.

*

69) Chuyện cương thi.

Về vấn đề cương thi, thì ở Trung Quốc cũng như các địa phương có nhiều người gốc Hoa cư ngụ, cho tới nay vẫn chưa có ghi chép hay cách thức diễn giải nào đúng đắn với dòng chảy từng có trong lịch sử. Vì đa phần họ đều nghiên cứu dưới góc độ văn hóa hàn lâm hoặc dân gian truyền miệng, chủ yếu dừng lại vào thời nhà Thanh hoặc tối đa thì cũng chỉ tới thời nhà Minh vào thế kỷ 14, 15.

Lý do là vì thế hệ các nhà tâm linh gốc Hoa ở thời đại trước đã cùng nhau đưa ra phán định là chấm dứt mọi dòng chảy tâm linh có liên quan đến cương thi. Và trong nhiều năm nay thì Trung Quốc vẫn chưa sản sinh ra được thế hệ các nhà tâm linh tiếp nối, đó là một sự đứt đoạn truyền thừa quy mô lớn nhất từng có trong lịch sử Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, từ đó khiến cho không chỉ dòng chảy cương thi mà còn rất nhiều dòng chảy tâm linh khác thuộc bản sắc của Trung Hoa bị thất truyền, bị phai nhạt và biến mất.

Mặc dù khác gốc khác nguồn, nhưng với sự tôn trọng dành cho cổ nhân thì tôi cũng không muốn vi phạm phán định của các vị vào thời trước kia, họ có lý do của họ, nếu chúng ta không đồng tình với lý do đó thì cũng nên tôn trọng họ, phải như vậy thì mới có thể hi vọng rằng con cháu đời sau sẽ tôn trọng những phán định hiện tại của chúng ta.

Ví như việc giữ chân Mẫu ở ngoài khơi và xin Mẫu đừng trở lại đất liền khi chưa đến lúc, đó cũng là một phán định của đa số các nhà tâm linh trong thế hệ trước của Việt Nam. Họ có lý do của họ, Mẫu cũng có lý do để làm theo, còn tôi thì tôn trọng họ và tôn kính Mẫu, vậy nên tôi cũng tuân theo.

Quay lại chuyện cương thi, về phần tâm linh của người Trung Quốc thì để cho người Trung Quốc tự giải quyết, tự sản sinh rồi tự xuất thế mà lo cho dòng chảy của mình, biên cương không đụng thì tâm linh cũng không phạm, còn họ mà dám phạm thì mình cũng không ngại đâu. Bây giờ chỉ nói về chuyện cương thi của người Việt, một dòng chảy mà tự nó kết thúc chứ không có ai cấm cản hay che đậy.

Tín ngưỡng liên quan đến âm phủ của Trung Hoa bắt đầu bởi Đạo giáo từ khoảng 2000 năm trước công nguyên, lúc ban sơ thì được coi là âm tuyền, là một dòng sông đưa các linh hồn vào luân hồi với chính dòng sông đó là pháp tắc duy nhất vận hành. Rồi sau này do kết hợp thêm với các dòng chảy của Phật giáo và Hỏa giáo nên đã được bổ sung và có các hệ thống tín niệm như ngày hôm nay.

Còn ở Việt Nam thì khởi nguồn của dòng chảy có liên quan đến tín ngưỡng về thế giới bên kia là Mẫu, với Mẫu là pháp tắc duy nhất. Hiểu đơn giản là chúng ta trở về với mẹ rồi lại được sinh ra bởi mẹ, với bất kỳ chuyện gì diễn ra trong quá trình này đều là do mẹ quyết định.

Rồi sau đó, tín ngưỡng về Phủ Quân xuất hiện, tín ngưỡng này có từ rất lâu so với tín ngưỡng về 10 tầng địa ngục của Trung Quốc, vì đạo Phật du nhập vào Trung Quốc sau công nguyên còn tín ngưỡng Phủ Quân thì có khi người Việt vẫn còn trong chế độ mẫu hệ, tức xuất hiện song song hoặc trước thời Văn Lang. (3000 năm trước công nguyên)

Khi đó, tín niệm về việc được bao bọc bởi Mẫu không đủ để người Việt cổ có đủ sức mạnh và chỗ dựa để chống chọi với tự nhiên hay kẻ thù, bởi nó quá yếu đuối, nó khiến con người chỉ chấp nhận cái chết chứ không bước thêm một bước nữa là chấp nhận hi sinh.

Sự phát triển trong tâm linh tạo ra sự phát triển trong tinh thần, và cấp độ tinh thần mà có thể đạt được ý niệm hi sinh, đó là một mức rất cao. Để ngay trong các thần thoại cổ xưa nhất của phương Tây thì con người của thời đại đó vẫn chưa đạt được các mốc của giá trị hi sinh, đa phần đều chỉ mới dừng lại ở cái chết, chấp nhận cái chết và chống chọi với cái chết.

Phủ Quân là tín ngưỡng được tổ hợp bởi các tín niệm về những cái chết của những người cha, những người đàn ông đã chết khi bảo vệ tộc đàn. Là những linh hồn đàn ông đã không chọn hành trình trở về với Mẫu, thay vào đó thì họ đã tự tạo ra một cõi riêng cho mình để từ đó mà có thể tiếp tục coi ngó, phò trợ, bảo vệ cho tộc đàn.

Tức có tín niệm Phủ Quân, thì cái chết không còn là 'chết là hết' hay 'chết để làm lại từ đầu', mà nay đã chuyển thành 'chết nhưng vẫn còn sứ mệnh'. Chính lòng tin vào sứ mệnh đó đã tạo ra giá trị hi sinh trong đời sống tinh thần và quan điểm về cái chết của người Việt.

Và khi tín niệm được xây đắp qua thời gian thì nó thành tín ngưỡng, và việc thực hành hay truyền thừa cái tín ngưỡng đó là vai trò của tâm linh, là một phần trong công việc của các nhà tâm linh vào mỗi thời đại. Buộc phải làm, bởi nếu không thì sẽ mất gốc, lúc đó thì sẽ không còn chỗ dựa để đi tiếp nữa, hoặc có đi thì cũng sẽ đi sai đường, đi về hướng tàn lụi.

Bây giờ thì ta bắt đầu nói về tâm linh bản sắc, về sự liên quan giữa tín ngưỡng Phủ Quân và việc người sống bảo vệ hay gìn giữ thi hài của người chết, trong quá khứ và ngay hiện tại. Về lý do, cách thức, vai trò và tại sao dòng chảy đó lại lụi tàn.

(Phần nội dung này ad xin được niêm phong, để chờ khi dân trí của người Việt được nâng cao và được giải phóng thì ad sẽ đăng tải, lý do là để tránh việc có người lợi dụng các kiến thức này để thực hành mê tín. Thà để nó thành thứ mua vui còn hơn là để nó thành thứ hại người, là việc mà Lang nhờ cậy ad. Đó cũng là lý do mà Lang tin tưởng giao di sản lại cho ad, vì ad cũng cực kỳ ghét mê tín.)

*

Trương Lang Vương

*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro