Trai hay gái?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu truyện số một:

"Giờ các em có thể về nhà .Chúc các em kỳ nghỉ vui vẻ!"

Lời cô tổng phụ trách vừa dứt, cả trường bắt đầu ầm ầm lên tiếng nói cười. Loáng thoáng tôi nghe được kế hoạch hè của mấy đứa xung quanh. Mỗi đứa một phong cách, gi gỉ gì gi cái gì cũng có.

"Làm trận liên minh đi anh em ơi."

"Kim So Hyun đang ra phim mới, tao phải ở nhà cày phim của anh ấy mới được."

"Tao đang hóng EXO."

"Lớp mình lập team đá bóng đi."

...

Để lại tiếng ồn sau lưng, tôi đạp con mini hồng về nhà, đến cửa còn nhảy xuống kiểu ông già, làm một đường cong vô cùng điêu luyện.

Vậy là tôi bắt đầu một tháng  hè ở nhà.

"Con điên, ngã chết giờ!" Mẹ tôi quát lên khi thấy tôi xuống xe kiểu đấy.

Mà các bạn biết xuống xe kiểu ông già là gì không?

Là bạn thôi không đạp nhưng cũng không phanh rồi nhảy cả người sang một bên mà tiếp đất. Ngày xưa phanh ậm ẹt người ta thường xuống xe kiểu đấy, còn bây giờ thì chỉ có mấy ông già theo thói quen thuở trước mới làm kiểu vậy.

Còn tôi ư? Tôi học của ông hàng xóm cũ tôi đấy!

Nghe tiếng mẹ chửi tôi cũng không nói gì chỉ cất xe rồi lấy cái ghế gỗ con con ra ngồi hóng hớt. Chị tôi ngồi trên một cái ghế cao đang tỉ mẩn đẩy gọng kính nhổ tóc sâu cho mẹ. Tôi bĩu môi một cái. Đừng nghĩ chị tôi chăm chỉ như thế! Các bạn bị lừa rồi, nhất định là ngày mai ngày kia chị ấy không đi chơi thì cũng xin tiền của mẹ cho mà xem! Mục đích cả thôi. Ngày xưa hồi tôi còn ở nhà cũ còn có cái trò một trăm cái tóc sâu thì được một que kem hoặc là mười nghìn đồng. Lúc ấy tôi thích lắm, cũng lấy cái nhíp ra mò mẫm như tìm vàng vậy mà kết quả lại bị mẹ đá cho một cái vì tội nhổ đau. Thế là tôi ngậm ngùi đưa cái nhíp cho bà chị kiếm tiền.

Thấy tôi về, chị cũng chẳng để ý mà chỉ bắt chuyện với mẹ:

- Cô Loan giờ thế nào hả mẹ?

Tôi nghe đến cái này tai liền dựng đứng lên nghe ngóng. Đây cũng là chuyện tôi tò mò lắm nhé!

- Vẫn thế, có gì đâu. Mày hỏi làm gì, nhổ đi! - Mẹ tôi hững hờ đáp lại.

Còn tôi nghe được câu đấy liền chán nản hẳn đi. Cứ tưởng được nghe chuyện về cô ấy cơ.

Là thế này, tôi biết chuyện về cô Loan qua một lần hóng hớt các bà nội trợ trong xóm nói chuyện với nhau hồi tháng trước.

Cô Loan không phải là người làng tôi mà là người từ nơi khác đến, ở đâu thì tôi cũng không rõ lắm, chỉ biết mỗi chuyện nhà cô ấy thôi. Cô làm hàng cá, lấy chồng là chú Sơn làng tôi cũng được sáu bảy năm nay rồi. Nhà có ba đứa con nhưng đều là gái cả và đó cũng là vấn đề làm nên chuyện. Các bạn biết đấy! Cứ nói là thời đại mới, không trọng nam khinh nữ. Thế nhưng nào có chuyện như vậy? Cái thói ấy đã ăn vào máu của mấy cánh đàn ông mất rồi, họa chăng muốn thay đổi chỉ có rửa máu thôi. Mà đặc biệt là ở cái làng vẫn còn lạc hậu so với thành phố như làng này. Mấy ông có vợ trưa trưa lại rủ nhau ra quán bia nhậu nhẹt nói chuyện chẳng khác nào mấy bà nội trợ buôn ở nhà.

Chú Sơn kia cũng thế chứ chẳng kém cạnh. Nghe nói lúc trước cũng tốt tính với mọi người, cứ tưởng cô Loan lấy chú về là vớ được cục vàng, ai mà biết được chuyện lại không được như mong muốn.

Cô Loan làm hàng cá được hai ba năm nay, buôn bán cũng tốt lại được cái khéo nên được nhiều người ở chợ yêu mến. Mẹ tôi cũng hay mua cá nhà cô ấy, công nhận là ăn cũng ra gì phết đấy! Cũng vì thế mà tôi thành ra quý cô ấy. Dù sao thì được người thật thà như vậy cũng không phải dễ, nhất là thời điểm hiện tại, cái gì cũng tẩm thuốc này thuốc kia, cá thì có khi là cá ươn cũng mang đi bán.

Hai vợ chồng họ ở với nhau sinh con đầu lòng là con gái, không sao.

Hai vợ chồng họ ở với nhau sinh con thứ hai là con gái, nhà có lục đục.

Hai vợ chồng họ ở với nhau sinh con thứ ba là con gái, nhà lập tức nổi sóng lớn.

Cũng bởi cô ấy chẳng phải người ở đây, mẹ chồng, rồi người nhà chồng lại được thế ấy mà nói cô không ra gì cả. Nào là máy hỏng, là không biết đẻ, là vô dụng. Và thậm chí là chì chiết cuộc sống của cô ấy bằng những hành động lời nói thô tục.

Cô Loan từ một cô gái xinh xắn hồi mới về làng đến nay cũng đã thay đổi nhiều, mặt mày thì hốc hác, mắt thì lúc nào cũng buồn rười rượi, thấy mà thương. Lỗi của ai đây? Tôi cũng không biết nên trách ai. Có nhiều người lắm...

Trách mẹ chồng cô ấy không hiểu vấn đề mà miệt thị nàng dâu.

Trách chị em nhà chồng là phụ nữ mà không hiểu cho nhau.

Hay trách chính chú Sơn không yêu thương trân trọng vợ?

Nếu muốn chửi thay cô ấy thì có nhiều người để chửi lắm, mà có khi là cả xã hội này cũng nên.

Đôi lúc tôi cũng thấy buồn cười. Mấy bà cứ chửi cô ấy thế này thế kia, họa chăng sau này con gái mấy bả lấy chồng rồi rơi vào cái hoàn cảnh éo le ấy không biết mấy bả sẽ làm gì nhỉ? Chửi con gái ruột mình không biết đẻ chẳng?

Cô Loan...

Tôi biết về một đoạn cuộc đời của cô qua lời nói của người khác.

Giới trẻ thường lấy một câu như thế này để tự hào: "Nếu bạn không mù thì đừng hiểu về tôi qua lời của người khác."

Tôi chấp nhận làm người mù.

Để than cho một kiếp người.

Cuộc sống của cô Loan sau khi sinh đứa con gái hai là những ngày muộn phiền. Chú Sơn cũng không còn mặn nồng với cô nữa, mà nhà chồng cô cũng bắt đầu to nhỏ lời ra tiếng vào. Còn tới đứa con gái thứ ba ra đời thì cuộc đời cô đúng là khủng hoảng. Tôi thấy được cả một địa ngục trong ngôi nhà ấy.

Họ nói rằng, chú Sơn sau mỗi lần nhậu nhẹt say bí tỉ thường về đánh đập cô.

Họ nói rằng, chú Sơn nhậu về khuya, đạp cô Loan đang ngủ xuống giường mà chửi.

Họ nói rằng, cô Loan phải nghỉ làm mấy ngày hàng cá. Có lẽ vì chồng.

Họ bắt đầu nói lại thuở xưa của cô Loan.

Thuở mới về làng, cô Loan xinh đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ, được lòng nhiều người làm thuê làm mướn ở cũng chăm chỉ chứ không biếng lười. Năm ấy có nhiều giai trong làng say cô ấy lắm. Bao nhiêu người tán tỉnh cô.

Tôi không ngắm được vẻ đẹp của cô Loan vì hiện tại cô đã không còn xinh đẹp nữa. Nỗi lo cơm áo gạo tiền bao nhiêu năm cùng nỗi khổ chuyện con cái đè nặng lên vai cô làm nụ cười cũng trở nên khó khăn.

Chú Sơn là một trong số những người tán tỉnh cô.

Cô lấy chú Sơn.

Chắc là vì tình yêu.

Tôi nghĩ vậy! Bởi cô hoàn toàn có những lựa chọn tốt hơn nhiều. Nhà chú Sơn thuở ấy cũng nghèo khó vất vả. Lấy nhau về còn làm ruộng bao năm.

Có lẽ cũng vì vất vả mà vợ chồng thương nhau, thuở đầu gia đình cũng thuận hoà vui vẻ lắm. Nghe nói chú Sơn cũng say cô ấy lắm...

Nhưng càng ngày càng thay đổi. Chú Sơn đi học nghề, làm việc cho một nhà máy cách làng tôi gần chục cây số. Lúc ấy cô Loan sinh đứa con gái thứ hai. Loáng thoáng nghe hình như chú Sơn có tơ tình với một cô ở nhà máy. Vậy mà gia đình chú còn có ý ủng hộ. Nhưng cũng không biết vì điều gì, không có chuyện chú Sơn có thêm đứa con nào cả.

Cô Loan làm hàng cá hai ba năm nay, tiền kiếm được bao nhiêu đều đem hết cho chồng, đến tiền mua đồ dùng vệ sinh cũng phải ngửa tay xin tiền. Tôi thiết nghĩ, tại sao cô ấy không giữ lại cho mình một ít? Tại sao phải đưa hết cho chồng? Cô ấy phạm lỗi gì sao?

Cô Loan làm hàng cá hai ba năm nay, mỗi lần đi lấy cá, thồ cá đều là tự mình làm. Trên cái xe máy cũ của cô cồng kềnh đủ đồ, trông mà thấy ghê tay. Đáng lẽ nên để đấng đàn ông làm những việc như vậy mới đúng chứ?

Cô Loan làm hàng cá hai ba năm nay, mỗi lần ăn cơm đều ăn cùng con cái. Thấy cô tâm sự, chồng cô ăn trước, xong rồi mới đến lượt cô và các con. Bản thân tôi nghe mà nực cười! Cô đâu phải osin? Cũng không phải như phim cô dâu tám tuổi mà có kiểu như vậy! Hoang đường!

Làng tôi có lạc hậu! Đúng! Nhưng chẳng đến nỗi chồng ăn trước vợ con lủi thủi đi chỗ khác rồi ăn sau. Tại vì cô không có con trai ư?

Mẹ tôi mỗi lần nói đến cô Loan thường chửi thế này:

- Mẹ nó! Cái thằng Sơn ngày trước có đến nỗi ấy đâu! Cũng là tại mấy ông cứ tiêm nhiễm vào đầu nó cái tơ tưởng ấy nên mới thế! Mẹ chúng nó chứ! Ăn không rửng mỡ nó chán hay sao ấy. Uống thì uống mẹ thôi, lại còn bồi thêm mấy câu vào. Cái máu bia rượu là nó không kìm chế được nên mới thế. Ầy. Nghĩ cũng tội con bé Loan này. Trời cũng trớ trêu thật. Người thì có đầy, kẻ mong chẳng có...

- Cái thói đời là như thế.

- Số nó không cho sướng nên thế!

Họ thường kết thúc câu chuyện bằng những lời than như vậy.

Còn tôi?

Tôi làm gì để kết thúc câu chuyện?

Thực ra, chính tôi cũng chẳng làm gì được. Chỉ là, khi phát hiện ra điều đó, tôi biết được con người ích kỷ đến nhường nào. Họ vốn dĩ chỉ quan tâm đến chính họ, cuộc đời người khác, vốn chỉ là một câu chuyện để nói cho đỡ nhạt miệng.

Tôi cũng thế thôi. Tôi nghe chuyện của cô Loan thì tôi lại bắt đầu ngẫm cho chính mình để rồi đâm ra sợ.

Tôi sợ kết hôn.

Tôi sợ đàn ông.

Chẳng phải họ đều giống nhau hay sao?

Tôi nghĩ vậy.

Họ đều có lòng tự trọng lớn. Họ muốn con trai, để nở mày nở mặt mỗi trận nhậu nhẹt. Để có thể chễm trệ nói vào người chưa có con trai là: "Con vợ mày không biết đẻ, lấy mẹ con khác đi cho rồi!"

Nhưng sẽ có những người khác đúng không? Tôi hy vọng là có!

Và từ hy vọng ấy, tôi lại bắt đầu vẽ ra cả đống nguyên tắc cho hôn nhân của mình như không được lấy chồng quá xa, phải hoạch định trước quy định với chồng về vấn đề tôn trọng lẫn nhau...và cả ti tỉ thứ khác nữa.

Cuộc đời cô Loan vẫn cứ phải tiếp tục. Chuyện về cô rồi cũng sẽ lắng xuống sau những buổi chiều họp chợ. Rồi họ sẽ nói về những tin nóng hổi khác. Và rồi tôi sẽ không được nghe về cô Loan nữa...

Tôi đã từng tự hỏi, ngoài kia còn bao nhiêu cô Loan?

Ngoài kia, còn bao nhiêu phụ nữ phải chịu khổ vì quan niệm "trọng nam khinh nữ"?

Và số lượng đó là nhiều hay là ít?

...

Một buổi chiều cuối thu gió thổi nhè nhẹ. Có vài tiếng nói từ phía chợ vọng về hướng này:

- Con Loan hàng cá thế mà chửa nữa rồi đấy.

- Thế cơ á? Thành bốn bận rồi nhỉ?

- Nghe bảo thấy thằng Sơn chiều nó lắm, chẳng phải làm gì cả.

- Ôi dào, cứ được ba tháng siêu âm xem trai hay gái. Lại gái nữa thì có mà ăn đất!

Mấy chiếc lá vàng bị gió thổi tạo ra thứ tiếng xào xạc. Ngày đã tắt, mai sẽ lại thay đổi...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro