Trai Hay Gái (Dị Bản)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trai Hay Gái

Câu truyện số một:

"Giờ các em có thể về nhà .Chúc các em kỳ nghỉ vui vẻ!"

Lời cô tổng phụ trách vừa dứt, cả trường bắt đầu ầm ầm lên tiếng nói cười. Loáng thoáng tôi nghe được kế hoạch hè của mấy đứa xung quanh. Mỗi đứa một phong cách, gi gỉ gì gi cái gì cũng có.

"Làm trận liên minh đi anh em ơi."

"Kim So Hyun đang ra phim mới, tao phải ở nhà cày phim của anh ấy mới được."

"Tao đang hóng EXO."

"Lớp mình lập team đá bóng đi."

...

Để lại tiếng ồn sau lưng, tôi đạp con mini hồng về nhà, đến cửa còn nhảy xuống kiểu ông già, làm một đường cong vô cùng điêu luyện.

Vậy là một tháng hè ở nhà của tôi bắt đầu.

"Con điên, ngã chết giờ!" Mẹ tôi quát lên khi thấy tôi xuống xe kiểu đấy.

Mà các bạn biết xuống xe kiểu ông già là gì không?

Là bạn thôi không đạp nhưng cũng không phanh rồi nhảy cả người sang một bên mà tiếp đất. Ngày xưa phanh ậm ẹt người ta thường xuống xe kiểu đấy, còn bây giờ thì chỉ có mấy ông già theo thói quen thuở trước mới làm kiểu vậy.

Còn tôi ư? Tôi học của ông hàng xóm cũ tôi đấy!

Nghe tiếng mẹ chửi tôi cũng không nói gì chỉ cất xe rồi lấy cái ghế gỗ con con ra ngồi hóng hớt. Chị tôi ngồi trên một cái ghế cao đang tỉ mẩn đẩy gọng kính nhổ tóc sâu cho mẹ. Tôi bĩu môi một cái. Đừng nghĩ chị tôi chăm chỉ như thế! Các bạn bị lừa rồi, nhất định là ngày mai ngày kia chị ấy không đi chơi thì cũng xin tiền của mẹ cho mà xem! Mục đích cả thôi. Ngày xưa hồi tôi còn ở nhà cũ còn có cái trò một trăm cái tóc sâu thì được một que kem hoặc là mười nghìn đồng. Lúc ấy tôi thích lắm, cũng lấy cái nhíp ra mò mẫm như tìm vàng vậy mà kết quả lại bị mẹ đá cho một cái vì tội nhổ đau. Thế là tôi ngậm ngùi đưa cái nhíp cho bà chị kiếm tiền.

- Kít - Tiếng xe máy phanh lại ngay hiên nhà tôi làm tôi giật mình quay ra.

Là cô Loan!

Đúng là cô ấy rồi, người mà tôi từng nghe mấy bà nội trợ trong xóm kể về.

Cô cũng thuê nhà trong xóm tôi, nhưng cũng chẳng bao giờ ló mặt. Họa chăng cũng chỉ là mấy lời gào thét vọng ra từ trong nhà thể hiện chủ nhân của nó vẫn ở đó. Hoặc cũng có thể do tôi học cả ngày nên chẳng mấy khi thấy cô ấy, trừ mấy lần cô sang nói chuyện với mẹ tôi.

Một người phụ nữ bất hạnh.

- Chị Thành ạ, em qua gửi đỡ ít tiền. - Cô xuống xe, gạt chân chống với tay lấy cái túi tối màu đi đến chỗ mẹ và chị tôi đang ngồi.

Trông cô có vẻ xanh xao hơn so với lần cuối tôi gặp. Hẳn là lại do vấn đề gia đình của cô rồi.

Những người đến nhà tôi kể khó kể khổ không ít nên tôi cũng chai mặt với mấy câu chuyện ấy. Nhưng riêng cô Loan lại khác, tôi tin những gì cô ấy nói, và tôi thấy thương cô ấy nhiều hơn là chán ghét. Cô ấy khổ thật! Không phải như mấy người giả khổ giả sở đến xin khất nợ.

Nghe có vẻ to lắm đúng không?

Nhưng các bạn đừng hiểu lầm, nhà tôi cũng bình thường thôi. Họ nợ là nợ tiền vật liệu xây dựng làm nhà ấy. Có thể hiểu nhà tôi giống như một cái cầu bắc giữa đầu mối và người làm nhà, cũng tương tự như người buôn rau là cầu nối của người nông dân và người tiêu dùng vậy. Lời lãi cũng chẳng là bao, người dư dả thì người ta trả hết luôn, người khó thì đến nói chuyện cho khất, chỉ tội mỗi là đầy người có tiền vẫn cứ xin chịu, thành ra nhà tôi cũng chẳng mấy kiếm.

Mẹ tôi buộc tóc lên rồi mời cô vào nhà:

- Em vào đây.

Còn không quên sai mấy đứa chúng tôi:

- Con Tuyên cất ghế, con Thuỷ thì vào nấu cơm đi.

Tôi "Vâng." một tiếng rồi bắt đầu thu dọn. Chị tôi cũng chẳng nói chẳng rằng mà đi thẳng vào bếp mà làm nhiệm vụ.

Xếp ghế vào một góc nhà, tôi thấy cô Loan mở cái túi tối màu, bàn tay đen nhẻm vì cháy nắng lôi ra một cọc tiền năm trăm nghìn rồi đưa cho mẹ tôi:

- Đây là tám triệu, em gửi tạm chị. Còn năm triệu nữa chị cho em khất đến tết ạ. - Giọng cô nhỏ nhẹ cất lên.

Quả thực cũng vì giọng nói này, tôi mới tin về lời mẹ kể về cô Loan hồi trẻ. Bởi ngoại hình có thể thay đổi vì năm tháng, nhưng giọng nói và cử chỉ thì khó mà đổi thay cho được.

Cô Loan không phải gốc ở làng tôi mà là từ nơi khác đến. Hồi cô mới về làng, cô được nhiều người thích lắm. Được cái vẻ ngoài xinh xắn, nói năng khéo léo mà còn chịu thương chịu khó nữa. Cô làm ở đâu cũng không ai chê được. Cũng vì vậy mà hồi ấy khối trai làng si mê cô, còn gái làng thì lại khó chịu.

Mẹ tôi năm ấy làm thuê cùng cô trong nhà may, lại hay nói chuyện với nhau nên cũng thành ra thân thiết.

Sau này mẹ tôi bỏ nghề nhưng đôi lúc vẫn còn tâm sự chuyện trò với cô Loan.

Hồi cô yêu chú Sơn làng tôi, cả làng tấm tắc khen đẹp đôi, sau này lấy nhau vợ chồng cùng chịu khó chẳng mấy mà giàu. Nghe mẹ kể hồi ấy cô Loan tâm sự nhiều chuyện hạnh phúc lắm. Nào là chú Sơn mua tặng cô đôi dép tổ ong mới đi cho êm chân, nào là chú Sơn với cô lên chợ huyện chơi, ở đó có bao nhiêu là đồ đẹp, nào là cô Loan về nhà chú Sơn được cả nhà quý, nấu ăn thì ngon tuyệt vời...

Mỗi khi nhắc đến cô Loan hồi trẻ, mẹ tôi lại lên giọng:

- Đấy! Ngày xưa bằng tuổi mày mà cô ấy làm được bao nhiêu là việc! Nhìn mày bây giờ xem? Chỉ suốt ngày cắm mặt vào cái điện thoại. Có ngày tao vứt luôn cái điện thoại của mày đi ấy.

Nhưng cũng đến bốn năm năm trở lại đây rồi, mẹ không nhắc về cô Loan nữa.

Lần đầu tiên tôi thấy cô là năm ngoái.

Tôi sốc!

Tôi không tin người phụ nữ mặt mày đen nhẻm, cái mắt sâu hoắm cùng vài nếp nhăn trên mắt hằn lên mỗi lần cô nói chuyện là cô Loan xinh đẹp mẹ kể. Nhưng mẹ lại nói đấy chính là cô ấy...

Thời gian thật có sức mạnh quá lớn, nó cướp đi thật nhiều thứ của con người.

Cô Loan...

Mẹ tôi kể, sau khi cô lấy chồng vẫn làm may mấy năm, sau đó thì bỏ đi làm ruộng phụ nhà chồng. Khó khăn nhọc nhằn nhưng được cái gia đình thuận hoà, vợ chồng thông cảm cho nhau.

Cô Loan sinh con đầu lòng là con gái.

Đó là điều tốt. Người ta thường thích gái đầu lòng.

Cô Loan sinh con thứ hai là con gái.

Bên nhà chồng bắt đầu lục đục. Nhưng cũng không sao. Mới có đứa thứ hai thôi mà. Ông bà còn đẻ mười mấy đứa con kia kìa.

Được năm năm làm ruộng thì chú Sơn đi học nghề rồi vào làm cho một nhà máy cách làng tôi độ gần chục cây số. Cô Loan khi ấy bắt đầu có thai đứa thứ ba. Nghe kể là bên nhà chồng cũng sốt ruột lắm. Không biết là trai hay gái. Còn cô thì bắt đầu lo sợ mà kể với mẹ tôi. Nhỡ là con gái thì sao?

Mẹ tôi nói: "Gái thì gái, trai thì trai, chửa rồi thì phải đẻ thôi. Bỏ tội nó ra."

Cô Loan sinh đứa thứ ba là con gái.

Năm ấy cô buồn, còn khóc lóc đến nói chuyện với mẹ tôi.

"Chồng em ngoại tình."

"Em không biết làm sao nữa chị ơi. Đấy là người làm cùng nhà máy, có khi cũng lâu rồi... Em chết mất. Anh ấy bỏ em thì em phải làm sao bây giờ... Mấy anh chị của ảnh, còn có ý ủng hộ nữa. Chết em mất thôi chị ơi..."

"Em sợ quá chị ạ. Mẹ anh ấy, anh chị anh ấy bảo em không biết đẻ, bảo em vô dụng cũng được. Anh ấy khó chịu với em cũng được. Nhưng anh ấy thế này thì em không chịu được chị ơi."

"Chị ơi, hay em cứ để chồng em với nó? Để nó đẻ con trai rồi về em nuôi?"

"Mà không được chị nhỉ! Nhỡ em bị đuổi đi thì sao?"

"Em bế tắc quá chị à. Sống thế này thì sống để làm gì chị. Chồng em, nó vẫn cứ đi thôi. Nhỡ đâu có khi nó có gia đình khác rồi ấy..."

"Nó không có chị ạ... Không có đứa con nào... Em cũng chẳng biết là vui hay buồn nữa."

"..."

Có lẽ là cô ấy nên buồn...

Sau này cô Loan xây nhà mới, tôi mới gặp cô thường xuyên hơn. Cũng là chuyện của năm năm sau rồi.

- Em cảm ơn chị. - Cô nói với mẹ tôi sau khi mẹ tôi cất tiền vào quyển sổ nhỏ.

Mẹ tôi hỏi han lại cô:

- Chuyện thế nào rồi? Có tiến triển gì không?

Cô Loan nghe mẹ tôi hỏi cũng chỉ lắc đầu:

- Chán lăm chị ạ. Chồng em còn đang đòi ném thuốc đi kìa chị.

- Sao được. Cố uống đi chứ. Thuốc ở nhà ông đấy được lắm. Nhà Thuỵ Thanh cuối làng cũng lấy chỗ ông đấy. Năm ngoái đẻ con trai rồi còn gì.

- Thôi em cũng cố khuyên anh nhà em vậy ạ. - Nói đến đây mặt cô buồn rười rượi, mí mặt rũ xuống chán nản.

- Dạo này có chuyện gì không? - Mẹ tôi lại khơi chuyện.

- Vẫn thế thôi chị ạ. Bia rượu còn khó bỏ kia chị.

- Chết. Uống thuốc thì phải kiêng chứ! - Mẹ tôi vỗ đùi phàn đối, xong nhớ ra cái gì liền "À." lên - Cô không nấu cơm à? Cũng hơn sáu giờ rồi.

- Em nấu trước rồi chị. Anh ấy ăn trước, lát em về với mấy đứa trẻ con ăn sau.

- Sao lại ăn trước ăn sau? - Mẹ tôi thốt lên.

- Nhà em thế rồi chị. Anh ấy phải ăn xong mới đến em với con chị ạ.

Nghe vậy, mẹ thở dài một tiếng.

Cô Loan ngồi thêm một lúc nữa rồi mới ra về. Kể ra nhà cô cách nhà tôi có khoảng hơn năm trăm mét, chắc phải vội lắm mới vừa bán hàng đã sang nhà tôi luôn như vậy.

Thấy bóng cô cùng tiếng xe lạch bạch đi về đến nhà, dắt xe vào cửa, mẹ tôi mới thở dài thêm một tiếng nữa.

- Đấy! Mày thấy chưa? Lấy chồng xa nó khổ thế đấy. Có chuyện cũng không về với mẹ được. Mấy năm đầu còn thấy về quê, chứ giờ có về nữa đâu. Con gái lấy chồng là bát nước đổ đi.

- Cô ấy ở đâu hở mẹ? - Tôi hỏi.

- Nam Định.

Được một lúc im lặng, mẹ tôi lại nói:

- Lấy chồng ấy mà, đẻ không được con trai. Thằng nào nó biết nghĩ, biết thương vợ nó thì được. Chứ mấy thằng cứ lê lết quán bia quán rượu, nghe mấy bố đời khích đểu cho vài câu thì chỉ đến nước nhà tan cửa nát. Khổ mỗi đàn bà, chân yếu tay mềm, nó đánh cho, nó chửi cho, nhục nhã chứ mày tưởng à.

- ...

- Mấy hôm trước, nửa đêm nó về, nó còn đạp con này đang ngủ xuống giường, mà đánh, mà chửi...

- Thế á mẹ? - Tôi giật mình. Sao tôi lại không biết nhỉ?

Nhưng nghĩ lại, tôi biết thì làm được gì đây?

- Mày ngủ say như chết! Biết được cái gì mà biết. - Mẹ tôi tặc lưỡi một cái rồi bỏ vào nhà.

Tôi còn đứng đó nhìn chiếc xe cũ với thùng cá sau yên của cô Loan mãi.

Phụ nữ...

Là phụ nữ... Là một kiếp khổ...

Có họa chăng, hơn nhau ở tấm chồng.

Nhưng ai biết được thế nào? Lúc lấy nhau là một người, sau này lại là một người khác mất rồi...

Tôi từng đọc ở đâu đó một câu thế này: "Ai rồi cũng lấy nhầm người."

Ngày hôm sau, tôi bắt đầu làm việc nhà. Công nhận là vô cùng mất thời gian! Tôi làm xong thì cũng trưa ngày rồi. Hoặc cũng có thể do tôi dậy muộn.

Cơm nước xong xuôi. Hôm nay bố tôi không ở nhà, vậy là tôi bắt đầu mở ca nhạc to cho thích tai. Vừa lúc ấy thì nghe tiếng mẹ gào:

- Mày có cho nhỏ xuống không? Điếc tai tao!

Vậy là tôi ngậm ngùi cho xuống, miệng vẫn còn lầm bầm cãi giả.

- Chị Thành ơi.

Tôi quay ra thì thấy cô Loan mặt mày xám ngoét, mắt hoe đỏ chỉ trực khóc ngay.

Mẹ tôi chạy ra đỡ cô vào nhà, tay còn giữ lấy cô ấy rồi sai tôi:

- Vào rót nước cho cô.

Tôi nghe vậy cũng chạy vào bếp.

Từ phòng khách cô Loan nức nở. Lần đầu tiên tôi thấy cô khóc...

- Chị ơi, chị cho em ở đây đến chiều, không giờ này bố nó đánh em chết mất...

Tôi đặt cốc nước trên bàn.

- Cô uống nước đi ạ.

Cô Loan tay run run lấy cốc nước rồi đáp lại tôi.

- Cô xin.

- Thế nó lại làm sao? - Mẹ tôi vuốt lưng cho cô rồi hỏi.

- Anh ấy hôm nay lại quá chén. Đi với hội Hùng Tân chị ạ. Cũng chẳng biết nói gì.

- Mẹ nó! Lai là cái hội Hùng Tân! Chẳng làm ăn gì chỉ đi khích đểu nhà người khác! Ông Bình nhà chị là chị cấm! Không có chơi bời gì với cái hội ấy cả! - Mẹ tôi chửi.

Lúc trước bố tôi từng bị mấy người ấy lôi kéo, thành ra thua nợ mất mấy chục triệu. Từ ấy lời mẹ tôi bố không dám phản đối.

Cô Loan lấy cái vạt áo màu ngà lau nước mắt:

- Em sao cấm được anh ấy chị ơi. Giờ em chán lắm. Em chẳng biết làm sao nữa chị ạ. Cái gì cũng làm rồi mà trời cũng không thương, không cho em một thằng con trai... Khổ lắm chị ạ.

Mẹ tôi thở dài, rồi nghĩ ra cái gì đó liền xoay xoay vai cô Loan:

- Thế có đau ở đâu không? Nó đánh ở đâu?

Cô Loan nghe mẹ tôi kể liền nức nở lắc đầu.

- Anh ấy ném cái tủ gỗ, nhưng em tránh được.

Mẹ tôi nghe vậy cũng chỉ biết thở dài, xem qua vai cô Loan.

Còn tôi ư?

Tôi thấy sợ thay cô ấy. Sợ cuộc sống hằng ngày.

Tại sao cô ấy không giải thoát mình? Tại sao phải sống khổ sở như vậy?

Ly dị.

Ly dị là xong đúng không?

Nếu là tôi, tôi nhất định sẽ ly dị.

Tôi đã nói với mẹ như vậy.

Còn mẹ thì lại lập tức gàn đi.

- Mày còn bé! Mày thì biết cái gì? Ly dị rồi, tài sản thì được bao nhiêu? Rồi ba đứa con chềnh ễnh ra đấy? Làm thế nào với chúng nó? Mày tí tuổi, nghĩ chưa đến nơi đến chốn đừng có nói linh tinh. Sau này lấy chồng rồi sẽ biết! Đã là phụ nữ thì phải như thế!

Đã là phụ nữ thì phải như thế!

Một câu nói chốt lại tất cả mọi việc...

Tôi rất muốn khóc.

Không vì lý do gì cả.

Mà nếu muốn bới ra lý do, thì chắc là phận con gái.

Khóc vì mình là con gái. Tại sao mình không sinh ra là một thằng con trai? Có phải bớt khổ hơn không?

Tương lai mình cũng là một người phụ nữ, cũng có chồng...

Mà đã là phụ nữ thì phải sống như vậy. Một cuộc sống vì chồng, vì con.

Cô Loan có lẽ cũng nghĩ giống mẹ tôi.

Cô sẽ không ly dị.

Điều gì khiến cô ấy có thể nhẫn nhịn nhiều năm như vậy? Phải chăng chính là tiếng cười của ba đứa con gái? Phải chăng chính vì tương lai của ba đứa con gái? Người ngoài sẽ nghĩ gì khi ba đứa trẻ có bố mẹ ly dị? Phải chăng chính những định kiến về phụ nữ trong xã hội đã đè nặng lên cuộc đời cô Loan?

Để rồi đóa hoa hương sắc ngày nào trở nên tàn tạ héo mòn vì bão tố cuộc đời...

Đến hơn hai giờ chiều, cô Loan cũng bình ổn lại mà xin phép mẹ tôi:

- Em về nhà đây. Không biết anh ấy thế nào rồi.

Tôi thấy thật nực cười. Cái người vừa quay cuồng trong cơn say đến nỗi định hại chết cô ấy, cái người mà hằng ngày vẫn đánh đập cô ấy, cô ấy lại quan tâm và lo lắng. Là trách nghiệm chăng? Trách nghiệm với cái tờ giấy hôn thú với hai chữ ký? Hay là vì tình nghĩa?

Tôi không nghĩ tôi có thể sống giống cô Loan...

Từng lời nói của cô ấy đều khiến tôi không thở nổi. Nó như thể ám ảnh tôi vậy. Ám ảnh về một người phụ nữ quá ư là cam chịu, quá ư là bất hạnh...

Tối đó, văng vẳng từ phía nhà cô Loan tiếng cãi vã.

Tôi đem túi rác đi đổ qua đó loáng thoáng nghe tiếng phụ nữ:

- Mày còn kêu gì nữa. Có đẻ cũng không xong! Lại còn thích cãi! Bố mẹ này dạy mày thế à?

- Thôi mẹ về đi.

Là giọng chú Sơn.

Tôi giật mình. Chú ấy mà cũng có thể nói như vậy?

"À." Lên một tiếng. Tôi nhận ra, bia rượu làm con người ta thay đổi như thế nào. Liệu chăng? Con người khi tỉnh rượu của chú Sơn cũng là chút gì đó để cô Loan cam chịu sống?

Hay là không phải vậy? Hay lời nói kia chỉ là để mẹ chú về cho đỡ to chuyện?

Tôi không hiểu.

Có lẽ là vì "tôi còn bé" nên tôi không hiểu...

Một thời gian sau, cô Loan không còn ở nhà thuê trong xóm tôi nữa mà chuyển về nhà mới ở trong làng. Mấy bà nội trợ trong xóm thuở đầu vẫn còn nói về cô. Về những trận đánh ban đêm mà cô phải chịu.

Nhưng giờ thì không còn nữa. Họ không nói về cô Loan nữa mà nói về những tin sốt dẻo khác...

Cuộc đời cô Loan vẫn tiếp tục.

Còn tôi thì không nghe được tin gì về cô cả. Đôi lúc cô cũng nói chuyện với mẹ tôi, nhưng là qua điện thoại và tôi thì bị đuổi ra chỗ khác vì lý do trẻ con không nghe linh tinh.

Nghĩ về mọi chuyện, tôi lại bất ngờ phát hiện ra, con người thì ra vô tâm như vậy. Cuộc đời người khác, vốn chỉ là một phần trong câu chuyện tán gẫu để họ thỏa cái hứng buôn chuyện, chán thì thôi. Hay chính việc tâm sự cũng vậy, người kia tốt thì sẽ nghe hết rồi cho vài lời khuyên hoặc tiếng thở dài, người kia xấu thì nghe câu được câu chăng rồi tặc lưỡi bỏ qua.

Bởi, vốn cuộc đời người ta đâu có liên quan đến mình?

Người ta bị đánh!

Ừ thì cũng đáng thương thật. Nhưng làm gì được? Có quyền gì mà làm?

Cái sự đời nó là như thế rồi! Trời cho sướng thì sướng, trời bắt khổ thì chịu khổ!

Mọi người thường kết thúc câu chuyện của mình như vậy.

...

Một buổi chiều cuối thu gió thổi nhè nhẹ. Có vài tiếng nói từ phía chợ vọng về hướng này:

- Con Loan hàng cá thế mà chửa nữa rồi đấy.

- Thế cơ á? Thành bốn bận rồi nhỉ?

- Nghe bảo thấy thằng Sơn chiều nó lắm, chẳng phải làm gì cả.

- Ôi dào, cứ được ba tháng siêu âm xem trai hay gái. Lại gái nữa thì có mà ăn đất!

Mấy chiếc lá vàng bị gió thổi tạo ra thứ tiếng xào xạc. Ngày đã tắt, mai sẽ lại thay đổi...

12/08/2016
Hân Tuyền.
(Lưu Thu Huyền)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro