Chương 4: Cứu tinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiều hôm sau, các giáo sĩ được dẫn tới diện kiến Douma tại căn phòng nơi họ gặp y lần đầu, còn các hộ vệ thì chờ bên ngoài. Một nhóm tín đồ của Douma quỳ mọp dưới ngai đức Giáo tổ của mình. João phát hiện Yuta trong nhóm người nọ, nhưng anh ta không nhìn về ông.

Tiếng mưa rền rĩ tràn qua cánh cửa shoji, và João quyết định dời sự chú ý đến với nó.

Trang phục của Douma hôm nay giản dị hơn so với mấy ngày trước: áo choàng màu nâu đỏ; một chuỗi tràng hạt kép buông xuống quanh cổ(1) - một phương tiện(2) đặc thù của giáo phái này.

João và đồng bạn được mời ngồi vào một hàng bên cửa. Khi họ đã yên vị, Douma cất tiếng gọi, và hai người đàn ông - một già, một trẻ - tiến vào. Họ lặng lẽ quỳ gối và cúi thấp.

"Chào mừng, các bạn ta ơi!" Douma nói, "Ta thật lấy làm vui mừng rằng mọi người đều có mặt tại đây."

"Tạ ơn ngài đã dành thời gian tiếp đãi," João nói, ngồi thẳng dậy.

Douma nhìn ông và kêu lên, "Quý ngài Cassis, khí sắc ông tệ quá! Chỗ ngủ của các vị không thoải mái sao? Có gì cứ nói, ta sẽ sai người lo liệu nhu cầu của mọi người."

João nặn ra một nụ cười. Không cách nào yên giấc, ông đã thức viết nhật trình từ bấy đến sáng, cố ép xuống dòng suy nghĩ phi nước đại không ngừng trong mình. Suốt những tiếng đồng hồ dằng dặc đó, người giáo sĩ nhận ra: ông căm ghét nơi này. Không khí ở đây, con người ở đây, tất cả quấy nhiễu sự yên ả trong tâm hồn ông, và ông mong mỏi được nghe lại tiếng chuông của Nagasaki.

"Thưa đại nhân, nơi ở của chúng tôi còn hơn cả tiện nghi kìa." Ông đáp, "Chỉ do tôi hầu như đêm nào cũng khó ngủ cả. Xin ngài chớ phiền lòng."

"Ông chắc chứ? Ta không thấy phiền hà gì đâu."

"Chắc chắn là vậy, thưa đại nhân. Cảm tạ ngài quan tâm."

Douma không có vẻ đã bị thuyết phục, nhưng y không khăng khăng thêm nữa. "Được rồi, nếu ông đã nói vậy. Xin hãy chăm lo cho bản thân."

João hứa ông sẽ làm theo lời Douma.
Nụ cười lại nở, Douma chụm tay thành hình tròn và bảo, "Trăng đêm qua thật đẹp phải không?"

João cảm thấy sau gáy buốt lạnh, nhói lên như bị kim châm. "Thưa phải."

Cảm giác mơ hồ dai dẳng quen thuộc này khiến ông phát bệnh.

"Vùng núi về đêm lúc nào cũng đẹp như vậy chăng?" João hỏi, giọng nói không có gì khác lạ, nhưng ánh mắt ông lại dò hỏi một điều hoàn toàn khác biệt.

Douma hạ tay xuống, đặt vào trong lòng. "Có chứ!" y đáp. "Lúc nào đó chúng ta cùng ngắm trăng nhé, khi tiết trời ấm lên ấy."

Bụng João quặn lên. Douma đã hiểu ra rồi ư?

João, dĩ nhiên, đã báo lại cho các anh em của ông về chuyện xảy ra đêm trước. Thầy Antonio chỉ nói, "Chà, chính thầy cũng nói rồi đấy, họ nghi ngờ chúng ta!"

Douma cho tất cả lui xuống, trừ nhóm giáo sĩ và hai người đàn ông nọ. João cẩn thận lắng nghe tiếng bước chân khi họ ra ngoài và khép cửa lại. Khi bước chân của một số đã xa, João nghe thấy tiếng sột soạt, rồi một tiếng "thụp" rất nhẹ trên nền gỗ.

Vẻ như không hay biết gì, Douma cựa người điều chỉnh tư thế trên đệm, tươi cười.

"Các quý ông mau tới đây nào," y nói, lời nói như một người bà con thân thiện, "Có chuyện gì vậy?"

Người đàn ông trẻ tuổi liếm đôi môi khô nẻ. "Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về Tịnh độ, thưa Đức Giáo Tổ Từ Bi," gã lên tiếng, "Khi tiến vào Tịnh độ, chúng ta sẽ tiếp tục tu tập cho đến khi đạt được Giác ngộ viên mãn."

Douma gật đầu, "Đúng vậy đó, Kosuke."

"Nhưng," Kosuke nói, "những người vẫn còn ở lại phía sau thì sao ạ? Chẳng lẽ vãng sinh vào một trong Tam giới vì mục đích này lại không phải là một hành vi Đại Bi ư?"(3)

Mọi ánh mắt dồn vào Douma, nhưng biểu cảm của y không hề thay đổi.

"Một câu hỏi xuất sắc đấy, Kosuke," y nói, "Ta lấy làm mừng rằng anh có thể đến trước ta mà giãi bày những nghi hoặc trong lòng mình. Trả lời một cách đơn giản thì: không. Vãng sinh vào một trong Tam giới khi chưa đạt được Giác ngộ là không khôn ngoan. Trên thực tế, làm vậy còn có thể gây hại."

"Vì sao vậy ạ?"

"Tam giới," Douma nói, "chứa đầy những xấu xa cám dỗ. Nếu anh vãng sinh về những xứ ấy, anh lại chưa thành Phật, vậy tất sẽ chịu ảnh hưởng bởi những dục vọng và truỵ lạc đang hoành hành nơi đó."

Y ngừng lời, đánh giá biểu cảm các thính giả của y. João cũng làm vậy. Hai người đàn ông tha thiết dõi theo Douma như đám trẻ tràn đầy kính sợ khi nhận phép Bí tích.

"Hãy nghĩ điều đó giống như việc hấp tấp nhảy xuống nước cứu người chết đuối trong khi bản thân không hề có kỹ năng hay phương tiện để cứu người," Douma nói. "Sao một người có thể giúp người khác khi mà người nọ ngay bản thân mình còn lo không xong?"

Sự căng thẳng trong thân thể Kosuke dường như đã bay biến đi đâu cả. Gã cúi thấp, "Tôi hiểu rồi. Tạ ơn ngài, thưa Đức Giáo Tổ Từ Bi."

"Ta mừng rằng tâm trí anh đã thông suốt," Douma nói. "Xin hãy quay lại nếu anh có thêm vướng mắc nào. Ta luôn có mặt ở đây."

Người đàn ông lớn tuổi hơn không cười.

"Shota," Douma chú ý vẻ bất an của ông ta, "ông có điều gì phiền lòng vậy?"

"Thưa Đức Giáo Tổ Từ Bi," Shota lên tiếng, giọng ông như những cành lá lúc nào cũng có thể gãy khúc của một gốc mơ già. "E rằng tôi sẽ chẳng bao giờ đạt được Giác ngộ. Nghiệp chướng bám theo tôi lớn quá." Ông hạ tầm mắt xuống sàn, "Tôi già rồi, thưa Đức Giáo Tổ Từ Bi. Tôi không có nhiều thời gian."

"Shota," Douma dịu dàng bảo, "ông có tin vào đại nguyện cảm thương của Đức Phật A-di-đà không? Lời nguyện rằng ngài sẽ cứu vớt mọi loài hữu tình trong thế gian đó?"

"Có chứ ạ!"

"Tự lực mà không nhờ đến viện trợ từ thần thông của Đức Phật là vô cùng khó khăn. Hãy phấn đấu nhắm tới Con Đường Giản Đơn."

Người đàn ông lớn tuổi cau mày, "Con Đường... Giản Đơn ư, thưa ngài?"

"Những ai tin tưởng vào lời dạy của Đức Phật, tu tập niệm Phật, và thề nguyện vãng sinh tới Tịnh độ sẽ được lời nguyện của Đức Phật phụ trợ và hậu kiếp của họ được đảm bảo," Douma giải thích. "Cũng như vậy, ông sẽ dựa vào thiên phú của ta để băng qua con đường dẫn đến Giác ngộ."

João sửng sốt. Lời nói của Douma giống như gió xuân tươi mát vậy - tuy liên quan đến toàn các vấn đề phức tạp nhưng những lời này lại được diễn đạt một cách nhẹ nhàng thoải mái dễ đi vào lòng người nghe.

"Tự lực là một điều đáng ngưỡng mộ, Shota à," kẻ thấu thị bảo. "Ông đã giành được sự kính trọng tuyệt đối từ ta đấy! Nhưng nương nhờ sự giúp đỡ của người khác lại càng không phải điều gì đáng xấu hổ."

Người đàn ông lớn tuổi quay mặt khỏi những người trong phòng, như hổ thẹn, lại như chán nản.

Douma không lấy đó làm phiền, "Shota, chư thần đều chưa hề buông bỏ ông. Xin ông đừng buông bỏ chính mình. Ông vẫn còn sống. Và ông sẽ còn ở bên mọi người một thời gian dài nữa, phải không nào?"

Shota ngẩng đầu nhìn người đứng đầu của mình như thể ông chưa từng nghe được điều gì như thế trong đời. Đôi môi mỏng của ông run lên, rồi mím chặt. Ông cúi thấp người, lí nhí nói lời cảm ơn rồi rời đi.

Sau khi người đàn ông đi khỏi, Douma quay sang các giáo sĩ. "Ông ấy là người tốt. Cựu samurai, các vị biết đấy. Ông đã từng gặp samurai nào chưa, quý ngài Cassis?"

João phiên dịch hết câu và khựng lại, bối rối. Ánh mắt ông và Douma khoá lấy nhau. Người phiên dịch đỏ mặt, kẻ thấu thị thì bật cười ha hả.

Đó là tiếng cười sảng khoái nhất João từng nghe được từ chàng trai. Ông không nén nổi mà nở một nụ cười.

Theo lệnh Douma, một cô gái trên tay ẵm một đứa bé sơ sinh tiến vào gian phòng. Gương mặt trắng trẻo thanh tú của cô bị nỗi đau buồn làm nhàu nhĩ, và đôi mắt cô, tựa hai viên ngọc bích, ngập trong nước mắt. Khi cô cúi mình, mái tóc đen buông xuống sau lưng như một tấm mành che.

"Đây là Kotoha," Douma nói. "Cô ấy đến với chúng tôi từ một năm trước. Còn đây là Inosuke." Douma rạng rỡ vẫy tay với đứa bé, bóp giọng thủ thỉ nựng bé như người chú thân thiết nựng cháu. "Inosuke dễ thương! Xin chào Inosuke!"

Bé Inosuke kêu lên.

Douma khúc khích, "Inosuke nè, bây giờ mẹ con có hơi bồn chồn nhỉ. Không biết là có việc gì đây?" Y dời sự chú ý về phía cô gái, lấy lại vẻ điềm đạm. "Kotoha," y nói, "điều gì khiến cô phiền muộn vậy? Gần đây cô vẫn luôn vui vẻ mà. Chuyện gì đã xảy ra?"

Cô gái cúi đầu, "Chỉ là một chuyện vớ vẩn," cô nói, chất giọng êm ái nghẹn ngào vì nước mắt, "vốn không đáng để Đức Giáo Tổ phải bận lòng ạ."

"Kotoha," Douma nói, "cảm xúc của cô không bao giờ là vớ vẩn hay không đáng gì cả. Không phải với ta - không phải với Inosuke. Nhưng trước nhất thì bản thân cô phải tin vào điều đó đã."

Cô gái cúi đầu không nói gì, nên Douma tiếp tục, "Hãy biết thương mình như thương người vậy. Như Đức Phật đã nói, "Người, chính bản thân người, cũng hệt như bất kỳ ai trong khắp cõi này, xứng đáng với lòng yêu thương của mình."

Giây phút này, João nhận ra, giống như một khoảnh khắc thấu triệt.(4) Tông giọng Douma không hề thay đổi, nhưng ánh mắt của y thì có. Y nhìn người con gái kia với vẻ trìu mến, rơi giọt nước mắt thương tiếc vì cô. Dĩ nhiên, y cũng đã tỏ rõ sự thương tiếc với Kosuke và Shota, nhưng lần này không giống. So sánh hai bên cũng như so sánh hơi ấm trực tiếp truyền tới từ ánh nắng mặt trời với sức nóng đã được lọc qua lớp cửa giấy cói vậy.(5)

Kotoha cắn môi. Với giọng nói đã mạnh mẽ hơn chút ít, cô nói, "Thưa Đức Giáo Tổ Từ Bi, gần đây tôi đã phải hứng chịu những cơn ác mộng khủng khiếp. Có những lúc tôi tỉnh dậy mà chẳng biết mình đang ở đâu."

"Giấc mơ thế nào?"

Nước trào ra từ mắt Kotoha, giọng cô vỡ oà, "Gã đàn ông đó - tôi cứ luôn mơ thấy hắn tới tìm tôi!"

Douma đứng dậy bước khỏi bục để đến bên cô gái đang rơi nước mắt không ngừng, khuỵu gối xuống và đặt tay lên vai cô. "Thương thay," y nói, mắt lấp lánh ánh nước, "Cô phải chịu nhiều tổn thương quá đỗi."

"Tôi không hiểu!" Kotoha thổn thức. "Tôi không muốn nghĩ về hắn nữa - vậy mà sao tôi lại gặp những giấc mơ như thế?"

"Kotoha," Douma dịu dàng bảo, "cô quá khắc nghiệt với bản thân. Ta hiểu - cô muốn làm một người mẹ tốt vì Inosuke, vậy nên cô muốn mình vui vẻ không lo lắng về người kia, phải không?"

Cô gái gật đầu, cúi nhìn con mình. "Vâng. Tôi muốn Inosuke được hạnh phúc."

"Inosuke hạnh phúc mà."

Kotoha kinh ngạc ngẩng lên.

Douma nói tiếp, "Inosuke có một người mẹ luôn yêu thương săn sóc mình. Cậu bé an toàn, cậu bé có người quan tâm chăm nom." Y đưa tay ra, và Kotoha đặt Inosuke vào lòng y. Douma mỉm cười nhìn đứa bé bi bô những gì không rõ, bắt chước tiếng bé. Inosuke cười khúc khích, giơ tay kéo tóc y.

"Đứa trẻ này chắc chắn là hạnh phúc," Douma nói, có vẻ y không hề thấy đau. "Cô đừng trách móc bản thân như vậy. Có những điều khó có thể quên đi, nhất là những điều đã hằn lại sẹo trong trái tim chúng ta. Càng dằn vặt bản thân vì nhớ đến chúng, cô sẽ chỉ càng thêm bất hạnh."

Kotoha ngẫm nghĩ về lời nói này trong khi bàn tay nhỏ xíu của Inosuke tàn bạo giày xéo mấy lọn tóc vàng của Đức Giáo Tổ.

"Chúng ta niệm phật vì mình cũng nhiều như vì người khác thôi," Douma nói thêm, trả lại Inosuke và gỡ tóc ra. "Khi nào cô gặp phải ác mộng hay nghĩ đến người đàn ông nọ, hãy niệm phật thay vì tự khiển trách mình. Ta hứa, dần dần rồi những suy nghĩ đó sẽ phai nhạt, và tâm tính cô sẽ kiên định hơn trong thế giới này."(6)

"Tôi xin cố gắng hết sức!" Kotoha reo lên. Dáng điệu cô mạnh mẽ, và mắt cô toả sáng. Cô cúi thấp hết sức có thể trong phạm vi tư thế bồng con cho phép, "Cám ơn ngài, thưa Đức Giáo Tổ Từ Bi, ngài lúc nào cũng giúp đỡ tôi."

Douma đứng dậy cười khẽ, "Tất nhiên rồi. Ta được sinh ra để cứu giúp người khác mà."

Chàng trai trở lại vị trí của mình, giữa chừng y gửi đến João một nụ cười thông hiểu.

Y đang điều chỉnh lại tư thế của mình thì Kotoha buột miệng, "Nếu ngài có bao giờ gặp rắc rối, thưa Đức Giáo Tổ, thì tôi luôn ở ngay đây!"

Douma cứng người. Y ngẩn ngơ, mắt nhìn không chớp lấy một lần, hệt như những bức tượng trong ngôi đền.

Thầy Lorenzo khịt mũi. Một tiếng gầm vọt lên tới họng João, nhưng ông nhịn lại và để vẻ mặt của mình diễn đạt sự tức giận đến đồng bạn.

Kotoha hốt hoảng quỳ xuống trước nhà thấu thị vĩ đại, "Tôi rất xin lỗi! Là tôi lỡ lời! Mong ngài bỏ quá cho!"

Có vẻ việc này đã lay tỉnh Douma, và Đức Giáo Tổ Từ Bi lại nở nụ cười. Nụ cười như ánh dương thuần khiết. "Cô không làm gì sai cả," y nói. "Chỉ là ta có hơi ngạc nhiên. Cám ơn cô, Kotoha."

Kotoha rời đi, và khi các tín đồ của Douma được gọi trở lại vào trong, João và Giáo tổ nhìn nhau.

Mắt Douma loé lên ánh băng sắc lạnh. Chúng răn đe João, không nên nói về những gì ông vừa chứng kiến.

______

Đêm đó, khi các anh em của ông đều đã ngủ, João cầu nguyện. Cảm xúc mạnh mẽ ập đến chiếm trọn ông khi Lorenzo nhạo báng một Douma sững sờ không nói nên lời không như bất kỳ thứ gì ông từng cảm thấy suốt hàng thập kỷ. Ông chán ghét cậu trai nọ, chán ghét cả giáo phái của y, vậy mà một hành động cười cợt chẳng đáng kể đã vượt qua điều đó. Không hợp lý chút nào.

Không phải vì sứ mệnh của ông. Douma đã chối bỏ Chúa, y báng bổ Người, y coi các giáo sĩ như trò tiêu khiển, nhưng João đã không cảm nhận được thứ gì sánh bằng sự tức giận đối với Lorenzo ông cảm nhận được vào khoảnh khắc đó. Nó bản năng, nó hung bạo, như phản ứng co quắp đáp lại cơn đau, hay sự đụng chạm bất thình lình không hề ngờ trước. Đến tận lúc này cơ thể João vẫn còn nhớ rõ sức nóng thiêu đốt trong đầu ông, tiếng rít gào ông đã nuốt vào trong.

Người giáo sĩ nhớ lại buổi nói chuyện trong vườn, hối hả lục lọi trí nhớ tìm kiếm một câu trả lời cho sự điên rồ này.

A, là thương hại. Hơn tất cả, khi đó, ông đã thương hại Douma. Y kiêu căng và ảo tưởng, nhưng còn trẻ quá. Một đứa trẻ ngốc nghếch chưa bao giờ được nhìn thấy biển dù nơi đó kề sát như thể trêu ngươi.

Nhưng có phải chỉ có thế? Có phải đơn giản chỉ là lòng thương hại đã châm ngòi sự bùng nổ khi đó trong ông?

Mắt João mở ra. Không. Là nụ cười mà y dành cho cô gái đó - Kotoha. Đã lâu lắm, từng có một người phụ nữ nhìn ông với ánh mắt ấy, nơi Bồ Đào Nha xa xôi của ông. Bên trong tượng thần luôn mỉm cười kia là một cậu bé tự thuyết phục mình tin vào lời nói dối về sự phổ độ cho mọi người. Y tin rằng mình nằm ngoài tầm tay cứu vớt của Chúa, một tạo vật bán thần, vậy mà trái tim con người trong y vẫn khát khao niềm hạnh phúc cấm kỵ.

Người giáo sĩ cười, nhịp tim của ông dần điều hoà. Không có gì cần phải sợ hãi cả.

Đây là lý do vì sao Chúa gửi ông đến đây: để đưa Douma đến với biển cả, đến với một con chiên của Người.

===============

- Chú thích:

(1) Joudo-shuu (một nhánh của Phật giáo Tịnh độ) sử dụng chuỗi tràng hạt kép, gọi là nikka juzu, dùng để đếm khi niệm kinh (lần tràng - ND). Điều này khá hiếm thấy trong các tông phái Phật giáo. Có vẻ nguyên tác thực sự đã xây dựng Giáo phái Vạn Thế Cực Lạc của Douma dựa trên Phật giáo Tịnh độ, vì Douma hồi nhỏ được khắc hoạ với chuỗi tràng hạt kép này trên cổ!

(2) Nguyên văn là "accessory". Trong Phật giáo, mọi hình thức pháp khí hay vật thể đều là những phương tiện (tu tập). (ND)

(3) Không rõ "mục đích này" nhân vật Kosuke nhắc đến là gì? (ND)

(4) Nguyên văn là "epiphany". Từ này nói đến một trải nghiệm tôn giáo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, hay một khoảnh khắc "bừng tỉnh", một khoảnh khắc bạn đột ngột hiểu ra điều gì. (ND)

(5) Cửa shoji trong tiếng Anh còn được gọi là "rice paper door", tuy nhiên, trái với niềm tin sai lầm khá phổ biến này, cửa shoji không được làm từ "rice paper" (giấy thông thảo, giấy cói...). (ND)

(6) Nguyên văn là "you shall be more present in this world". Vì những nghĩa thông thường của "present" rất không phù hợp nên tôi đã cố tìm nghĩa cổ, nghĩa hiếm và bắt một nghĩa "attentive" và gò thành thế kia. (ND)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro