Chương 5: Đoá hoa thất lạc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Buổi sáng cuối cùng của kỳ ở trọ đã đến, và ai nấy – trừ Douma – đều hoan hỉ. Các giáo sĩ Dòng Tên nói nói cười cười trong lúc dùng bữa sáng, chẳng hề chú ý đến những cái lườm, nguýt đầy ghét bỏ của Hanabusa và những trưởng lão khác của giáo phái.

Trái tim của Douma không thể đáp lại bất luận sự khuây khoả hay lòng căm ghét, ngay cả khi mũi y co giật vì kinh tởm thứ mùi hôi thối ngập ngụa khắp căn phòng. Từ trước cả khi nhóm truyền đạo đặt chân đến, đã nổ ra nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề tắm rửa. Các trưởng lão cương quyết rằng thân xác tanh tưởi của lũ ngoại quốc sẽ vấy bẩn dòng nước thiêng trong lòng ngôi đền. Douma đã đề ra một biện pháp thoả hiệp: cho phép những người này ngược lên thật xa phía thượng nguồn để tắm giặt, nhưng các trưởng lão không mảy may suy suyển. Chỉ nhúng một ngón chân xuống dòng sơn tuyền tinh khiết thôi cũng không thể chấp nhận được — ghét bẩn sẽ theo đó mà tuôn vào lãnh địa của họ và làm ô uế thứ nước mà họ, và quan trọng nhất là Giáo tổ của họ, sử dụng.

Một khi mấy lão già đã cương quyết đến vậy thì chỉ có các đấng thần linh mới có thể lay chuyển suy nghĩ của họ — và thần linh thì không thể bị lạm dụng vì những chuyện cỏn con như thế.

Đưa mắt nhìn về phía bên kia chiếc bàn, Douma nhắm đến một đối tượng thú vị hơn: João Cassis. Người giáo sĩ tập trung tuyệt đối vào bữa ăn của mình, hầu như không hề ngẩng đầu lên. Douma nhận thấy rằng sự im lặng của ông càng kéo dài bao nhiêu thì đồng bạn của ông càng to tiếng bấy nhiêu.

Cassis là một người đàn ông mang làn da màu đồng và dáng vẻ khắc khổ, gương mặt ông in hằn dấu vết của chí ít năm mươi năm; một kẻ nô lệ quy củ dưới gót những suy tưởng của chính mình, như nhiều người đàn ông trung niên khác. Bóng tối dưới mắt ông nặng nề và u ám chẳng kém sắc trời cái ngày ông bước vào ngôi đền, và bản thân đôi mắt ấy còn ảm đạm hơn, hệt như hai cái hốc rỗng tuếch.

Đức Giáo tổ kìm lại một cơn lạnh buốt dọc sống lưng. Y từng thấy nỗi sợ hãi và sự chán ghét trỗi lên trong những cái hốc đó. Cơn thịnh nộ đen ngòm hiện thân ngày hôm trước hòng buộc một người đồng hành của ông ngậm miệng lại đã không hề bị ngó lơ.

Nhìn chung thì trong thời gian qua, những giáo sĩ Dòng Tên này đã làm tròn vai trò của một tiết mục tiêu khiển; đó là điều tối thiểu mà Douma đã chờ mong – chờ mong một cách háo hức. Họ nịnh y bằng quà cáp hòng đổi lấy sự bảo trợ và che chở, đút cho y những câu chuyện về một thế giới xa vời tách biệt hoàn toàn với mảnh trời của y. Người phiên dịch của họ, trái lại, đã trở thành một thứ gì đó hơn thế nữa: một người đàn ông với lòng tận tuỵ đến lạ lùng đối với niềm an yên trong tâm linh của Douma, lòng tận tuỵ mà không một người đồng đạo nào của y từng biểu lộ. Họ đã rơi biết bao nước mắt trên sàn phòng trải tatami của y, giọt nào giọt nấy giả dối chẳng khác những thứ họ thốt lên. Nhưng Cassis không như thế.

Douma cảm thấy mơ hồ. Y không ham gì lòng thương hại của người này, hay Chúa của ông ta. Đã vậy, thì cớ gì, cớ gì mà y lại lấy làm phiền lòng rằng ông ta sẽ đi mất?

Bên phía tay phải của y, Hanabusa đang ném những cái lườm sắc như dao cạo về phía những vị khách vẫn khù khờ chẳng hay biết gì. Sự căm ghét trong mắt lão phủ màu chết chóc tựa như thanh kiếm Bồ Đào Nha không còn tồn tại nọ.(1)

Douma tặng cho lão một nụ cười dễ mến, tự hỏi lão sẽ còn tức giận đến đâu nếu phát hiện ra bàn tay yêu ma của một kẻ ngoại quốc đã với đến Giáo tổ của lão.

Ít lâu sau, Douma đứng ngoài cổng đền chờ nhóm khách quý của y ra. Ngâm nga một giai điệu không rõ, y ghé mắt nhìn hai tuỳ tùng người Nhật mà đoàn giáo sĩ dẫn theo. Họ đứng canh cạnh xe cùng với hành lý của chủ, chạm phải cái nhìn chăm chăm của Douma thì né tránh ngay.

Người hầu của các giáo sĩ, Douma trầm ngâm. Sự tồn tại của họ là một câu đố với y. Điều gì trong sâu thẳm những người ấy đã dẫn dắt họ tin theo giáo lý của một kẻ tử vì đạo ngoại lai? Điều gì đã thuyết phục họ ruồng bỏ chư thần và sự cứu vớt hứa hẹn nơi Đức Phật? Họ cũng chỉ được nghe những thứ vớ vẩn Cassis đã kể cho y thôi. Có gì khác? Điểm sai biệt nằm ở đâu?

“Bẩm Đức Giáo Tổ Từ Bi,” giọng nói của Hanabusa như ống sậy chọc vào tai.

Douma quay lại và mỉm cười. “Sao vậy?”

“Một trong các vị khách thỉnh cầu được yết kiến ngài.”

Đức Giáo tổ suýt nữa đã đảo tròn con mắt trước sự nhỏ nhen của lão già. Hanabusa biết rõ tên của tất cả các giáo sĩ.

“Ai?”

“Thưa, là người phiên dịch.”

“Ngay bây giờ sao?”

“Tôi có thể chuyển lời từ chối ạ,” tay trưởng lão nói, quay người định đi.

“Không,” Douma nói nhanh, “Đưa ông ta tới đây.”

Hanabusa chững lại, cúi gập người, rồi rời đi. Đang cắn gần gãy răng cố nhịn cơn tam bành đây mà, y biết rõ lắm.

Douma trở mắt về với hàng cây xào xạc, mày cau lại. Thiếu chút nữa y đã hối hận về quyết định tiếp chuyện Cassis một lần nữa; việc này sẽ khiến cảm xúc của y về ông ta vốn đã rối như tơ vò nay lại càng thêm phức tạp.

Y lại ngâm nga giai điệu vừa nãy và tức thì thấy đỡ hơn hẳn. Đó là giai điệu của bài hát y yêu thích. Trong một khoảnh khắc khi đôi mắt nhắm nghiền, Douma chẳng nghe thấy gì ngoài khúc ca của tiếng chim hót và của chính y.

Cho đến khi giọng Hanabusa cất lên thông tri, “Thưa Đức Giáo Tổ Từ Bi, quý ngài Cassis đã đến.”

Douma quay lại, tươi cười chào đón người khách đang chờ, “Chào buổi sáng quý ngài Cassis! Vẫn ổn cả chứ?”

Cassis mỉm cười, những nếp nhăn trên khoé mắt càng thêm sâu. “Ổn cả, thưa đại nhân,” ông nói. “Chúng tôi chẳng thể đòi hỏi một gia chủ hiếu khách hơn.”

Douma khúc khích, “Quý ngài cứ nói quá.” Y phất tay về phía khu vườn, “Nào, ta cùng đi dạo một lát nhé.”

Hai người thơ thẩn bước ngang qua hai người tuỳ tùng, xa khỏi cổng đền. Hanabusa và Yuta theo sát phía sau.

Liếc thấy hàm người giáo sĩ nghiến chặt lại, Douma mỉm cười. Đối với y, họ chỉ là những cái bóng, nhưng Cassis lại phản ứng với họ như thể những bóng ma.

“Ông sẽ trở về Nagasaki,” kẻ thấu thị nhận định. “Hẳn phải là một chuyến đi rất dài.”

Thú thực, Douma không thể hình dung khoảng cách chia cắt giữa y và những bờ biển nơi thành phố của các giáo sĩ Dòng Tên. Bất kể là gần trong gang tấc hay xa tận chân trời, nơi ấy vẫn nằm ngoài tầm với.

Mắt Cassis nhấp nháy trước gia chủ của ông. Thứ đó lại trồi lên rồi — nỗi kinh sợ. “Phải.”

“Nghe ông có vẻ không vui.”

“Tôi có rất nhiều việc phải làm ở đó.”

Douma bật cười, “Ôi trời, quý ngài Cassis ơi, tôi cứ ngỡ ông là một chú ong chăm chỉ kia!”

Một nụ cười thoáng hiện trên môi người giáo sĩ.

“Vậy ông muốn nói gì với tôi?”

“Tôi muốn tạ lỗi.”

Đôi mắt thiên phú của Douma như muốn bật khỏi tròng, “Hở?”

“Xin thú thực rằng khi trước tôi đã nghĩ về cậu một cách khinh miệt,” người giáo sĩ giải thích. “Tôi đã không sao lý giải nổi giáo phái của cậu, lý tưởng của nó, người sáng lập ra nó. Trái lại, cậu đã không khinh khi tôi, giúp tôi thấu hiểu mặc dầu tôi đã tỏ ra khiếm nhã. Tôi xin cảm tạ cậu.”

Lần thứ hai trong hai ngày liên tiếp, Douma bị buộc phải tự trấn tĩnh bản thân. Y đã chuẩn bị sẵn sàng cho những bài thuyết giáo nối dài và thêm nhiều lời kêu gọi về với Chúa Cha, chứ không phải cái này. Ngôn từ của ông ta, đôi mắt của ông ta, tất cả đều rất quen, rất người. Cassis là một con người không giống bất kỳ ai y từng gặp.

Suy nghĩ ấy thình lình làm dậy lên một cơn sóng lòng mang theo sợ hãi và cay đắng, như căm, như giận. Không. Douma biết rõ con người và những mưu chước của giống ấy, và rằng không như Kotoha, mối hữu hảo của Cassis chứa cả toan tính.

Nhưng con đường của tôi không phải sự cứu rỗi thực sự, đúng không?”
Douma nhìn thấy nỗi xót xa trong ánh mắt của người giáo sĩ.

“Đúng vậy,” Cassis nói.

Douma mỉm cười, tự hỏi liệu một con người mang theo kinh sợ như vậy có thật lòng tin như thế. Rằng liệu có con người nào làm được như thế.

“Ra vậy.”

Cuộc trò chuyện coi như đã chấm hết. Cả hai trở về với thế giới của riêng mình, không bên nào thuyết phục được kẻ kia. Douma đã có thể dễ dàng để mặc mối giao thiệp giữa hai người đứt đoạn tại đây, nhưng sự tò mò trong y đã thắng thế.

“Vì sao ông lại tới hòn đảo này?”

Những đường thẳng trên trán Cassis xô nhau lại thành một vẻ nhăn nhó chua chát. Đây là một câu hỏi đơn giản, hoàn toàn có thể trả lời một cách giản đơn, vậy mà người giáo sĩ lại thận trọng cân nhắc cứ như ông chưa từng suy xét đến điều này. Hay có lẽ, câu trả lời ẩn sau bóng tối sâu trong mắt ông.

“Tôi…”

Ông ngập ngừng, suy nghĩ dường như bị hút cả vào thứ gì phía trước. Lần theo ánh mắt trân trối của Cassis, Douma bắt gặp một bụi hoa bên mé nước, có một tín đồ của y đang đào xới ở đó. Họ im lặng nhìn người đàn ông kia kéo một vật màu tím đậm hình củ hành ra khỏi mặt đất.

“Đó là gì?” Cassis hỏi.

“Rễ hoa bỉ ngạn,” Douma đáp.

“Sao anh ta lại đào bỏ nó?”

Rõ ràng là ông giáo sĩ rất thích hỏi đáp, chỉ cần không phải là về bản thân ông ta, Douma nghĩ. Thôi thì cũng đành.

“Đối với các giáo phái khác thì bỉ ngạn là dấu hiệu của mùa thu. Nhưng phái chúng tôi thì không cởi mở với loài hoa này như vậy,” y giải thích. “Chúng là điềm xấu, thậm chí là đại hung, nên hễ thấy có cây bén rễ là phải loại bỏ ngay.”

“Trên đường mà bắt gặp hoa bỉ ngạn thì sao?” Cassis hỏi.

“Thì tức là ta và người ta vừa từ biệt sẽ không bao giờ tái ngộ.”

Cassis định đáp lại, nhưng bất kể lời đáp ấy là gì thì nó cũng đã bị cắt ngang bởi những người mới đến – các đồng sự của ông, người tuỳ tùng thứ ba của họ, và tín đồ của Douma.

Trái tim Douma chìm xuống. Y bước ra xa khỏi Cassis, và hai nhóm người cũng tách hẳn ra: một nép lại nơi cổng đền, một chuẩn bị rời khỏi nó, mặt đối mặt dưới tán lá xì xầm.

Nhóm giáo sĩ cúi chào.

“Thưa Đức Giáo Tổ Từ Bi,” Cassis nói. “Mong ngài vui lòng chấp nhận lời cảm ơn của chúng tôi, dù rằng như vậy chẳng đáng là bao so với tấm lòng hiếu khách của quý phái.”

Douma khẽ lắc đầu, “Phái ta rất lấy làm vinh hạnh, Cha Cassis ạ. Chúc con đường các vị bước đi chẳng bị bỉ ngạn phủ bóng. Xin bái biệt.”

Hai người nhìn nhau. Không còn gì để nói nữa rồi.

Sau một cái cúi chào nữa, các giáo sĩ rời đi, bóng lưng đen thẫm của họ hoà vào bóng tối của khu rừng.

“Xong!” Aochi già nua reo lên khi họ khuất dạng. “Cứ như đám người đó chưa từng tồn tại vậy!”

Phải, Douma nghĩ, giống như thanh kiếm họ tặng ta.

“Lạy trời ta không phải chịu đựng bọn chúng thêm một lần nào nữa!” Hanabusa càu nhàu.

“Ông ấy đã gọi ta là Đức Giáo Tổ Từ Bi,” Douma lẩm bẩm.

Hanabusa khinh miệt, “Hắn chẳng thật tâm đâu ạ.”

Đức Giáo tổ mỉm cười. Y chẳng biết được khoảng cách giữa ngôi đền này và biển cả ngoài kia, nhưng y quá rõ con người và những mưu chước của giống ấy.

“Ta biết.”

========
Chú thích:

Có lẽ là nói tới Carracks black sword, một loại kiếm xuất hiện từ thế kỷ 15, được thiết kế cho thuỷ thủ và binh sĩ trên tàu thuyền vào kỷ nguyên của các cuộc phát kiến địa lý kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17-18. (ND)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro