Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi uể oải ngó quanh nhà một thoáng như một thanh tra đội cảnh sát đang chăm chú dò xét hiện trường: "Má ơi, nay mưa nhà mình có bị dột không má"

"Không, bây ướt hết rồi kìa, vô thay đồ đi"

Má tôi, người đàn bà đang nằm phe phẩy quạt trên cái võng mà tôi mới vừa "mắc" lên cột nhà mấy hôm trước. Hổm rày má tôi bệnh, cứ nằm miết vậy, con Lan như vắt giò lên cổ chạy đôn chạy đáo nào chăm má tôi, nào lo việc học trên trường. Được bữa nay bà má đỡ bệnh nên nó mới rảnh rỗi đi bán với tôi, mà coi bộ tôi thấy thà nó đi học hay cứ ở nhà chăm má còn sướng hơn. Đi hai mình, nó mệt một mà tôi mệt mười.

Nghĩ tới tôi lại não nề, thở dài.

"Sáng rày bán ế lắm hay sao mà thở dài thườn thượt vậy bây"

Má tôi ngừng phẩy quạt, quắc mắt dòm, còn chưa đợi tôi trả lời, má nói tiếp: "Mà coi chứ mưa này mà dưới quê là được bộn cá đó hen, mấy bữa trước cậu tư bây điện lên nói..."

Má tôi lại thao thao bất tuyệt với mấy câu chuyện cũ rích, cứ mùa này dưới quê mình như này, rồi đợt trước cô, cậu, mợ bây đi ghe được bộn, hay chuyện con Tí, con Mận mới đó mà đi học lớp một rồi. Toàn mấy chuyện dưới quê, má đem nói đi nói lại miết vậy. Tôi cũng mặc kệ bà nhớ nhà, nhớ quê, lặng lẽ ngồi nghe hết thẩy mấy chuyện má nói, dặn lòng ít hôm nữa gọi điện hỏi thăm cô chú dưới miệt quê mình.

Ngồi độ chừng một hồi tôi nghe lộn xộn gì bên tai, nhíu mày ngẩng đầu lên thì thấy con Lan đang giẫy nảy ngoài cửa, nhìn coi bộ gấp dữ lắm rồi. Tôi cứ trơ mặt vừa nghe má nói, vừa nhìn nó, miệng thầm cười ghẹo con nhỏ.

"Cái gì ngoài đó vậy?". Má nhác thấy tôi cứ chăm chăm phía cửa nên đâm ra thắc mắc.

"Dạ, đâu có gì đâu má. Mà con thấy chắc trời muốn mưa nữa rồi quá. Má nằm nghỉ, để con ra ngoài xem sao"

Tôi vớ đại cái lí do rồi thủng thỉnh đi ra chỗ con Lan đứng. Nhìn bộ dạng nó hấp tấp ngược lại với vẻ ung dung của tôi thành ra tôi lại càng muốn trêu ngươi nó.

"Làm gì mà tưng tưng như tép nhảy vậy?"

"Cha mệ ơi, mi biết mấy giờ chưa Quốc? Năm rưỡi, hơn năm rưỡi chiều rồi nớ, răng mà chưa tắm rửa thay đồ đi"

Tự nhiên nó đổng đổng tung một tràng làm tôi ngớ người, tự hỏi con này hôm nay dầm mưa đến hâm người hay gì mà quan tâm chuyện ăn ở của tôi.

"Bệnh hả? Năm giờ rưỡi thì sao, sau năm giờ rưỡi tắm thì bị ma bắt hả mậy"

Tôi khoanh tay nheo mắt dòm nó như một kẻ tâm thần mới trốn ra từ Chợ Rẫy. Mọi khi biết nó không được bình thường mà tôi cũng không nghĩ nó đến độ bệnh hoạn dữ vậy.

"Bệnh cha mi, sáng ni hẹn 6 giờ với cái anh đẹp trai còn chi, giờ tỉnh bơ rứa?"

Con Lan mất kiên nhẫn dùng tay đánh bôm bốp vào người tôi. Tôi giật mình the thé kêu đau, chưa kịp định hình lời con nhỏ mới nói là gì nhưng tôi cứ gạt phăng cái tay thối của nó ra trước. Ôi mẹ ơi, thân má tôi đứt ruột đẻ ra để con mắm khô này đấm thùi thụi vào người vậy đó sao.

"Hẹn gì? Tao có hẹn ai đâu, có bao giờ- OÁI, CÓ HẸN"

Tôi, giây trước còn lúi cúi xoa xoa cái vai đau nhức, giây sau liền bàng hoàng bật thẳng người dậy.

Tiếp đến là một màn rối rắm giữa tôi với con Lan. Nó chạy vào nghía cái đồng hồ đã là 6 giờ kém 15 phút, sau đó nhanh chóng chạy ra chỗ tôi vẫn đang đứng bần thần nãy giờ mà hối thúc đi tắm.

Tôi cũng lật đật theo nó, hết chạy ra rồi lại chạy vào. Cuối cùng thầm thở dài đứng thay áo sau trận cãi vã với con Lan rằng cái áo nào mới là đẹp nhất. Mặc dù thật ra tôi cũng chẳng có mấy cái áo, nó cứ khoái làm vẻ vậy đấy thôi.

Loay hoay cùng nó nãy giờ mà váng cả mặt mày. Nhưng kì thực trong lòng tôi bây giờ cứ như ai đó đã lẻn bước vào, nhen lên đốm lửa nóng hôi hổi. Hay là cứ thôi nhỉ? Nhỡ đâu đấy là người ta trêu, chứ ai đời lại mời cái thằng bán bánh quèn xó chợ đi chơi bao giờ. Chưa nói đến anh ta trông kiêu kì như vậy, nhìn, không, ngửi thôi tôi cũng biết là thiếu gia của ông cả bà cả nào đó rồi. Nói đâu xa, lúc anh mua bánh bò là bên kia đường tôi đã nhác thấy bóng mấy ông vệ sĩ to như hộ pháp. Trông đáng sợ lắm. Mua bánh xong xuôi, lên cái xe hơi sáng bóng còn có tôi tớ dìu đến nơi đến chốn cơ mà.

Tôi tặc lưỡi, giờ mà thay đồ ra thì còn kịp không nhỉ?

"Anh ơi, Quốc ơi, ôi trời ơi"

Tôi còn đang mãi ngẫm nghĩ bâng quơ về người nọ thì nghe con Lan la thất thanh. Nghĩ, con này lại giở chứng gì nữa đây.

"Lại sao?". Tôi lười nhác đáp.

"Mệ em bị chi rồi, ngã ngang đây ni, nhanh"

Tôi nghe tiếng Lan nức nở, thống khổ gào lên.

Rồi tôi lại nghe tiếng tim mình rơi độp xuống sàn đất. Mặc kệ hàng nút còn đang buông thõng, xộc xệch, tôi cũng chẳng biết mình ra khỏi phòng bằng cách nào, quỳ thụp xuống chỗ má với con Lan ra sao. Chỉ nhớ hai cái chân linh hoạt, tháo vác hằng ngày, ngay lúc ấy không cách nào ngừng run rẩy, ngay lúc ấy cứ quấn vào nhau sực té đôi ba lần.

Tôi sợ, bởi vì tôi rất sợ nhìn cái cảnh má yếu ớt nằm trong lòng đứa em gái nhỏ. Tôi rất sợ cái cảnh mình bất lực nhìn má mỗi ngày lại càng một xa: "Má, má ơi, đừng làm con sợ". Cứ mỗi một tiếng 'Má' tôi lại lay lắc thân mình mềm nhũn trong tay. Chắc tôi nghĩ làm thế là người đàn bà ấy sẽ mở mắt ra, dùng cái quạt mo cau gõ vào đầu tôi rồi lầm bầm mấy câu mắng yêu như thuở tôi còn bé thơ 'thằng cha bây, cứ ghẹo tao miết'

Sương mù đã giăng giăng trước mắt tôi, nhẹ nhàng lơ lửng ôm lấy trái tim tôi mà siết thật chặt: "Lan, chạy xuống dưới bàn thờ ông Địa lấy tiền, anh đưa má lên trạm xá"

Khổ thân, tôi chẳng còn nhận ra giọng mình vì sự run rẩy đến quái lạ.

Thầm nhủ: Quốc ơi, bình tĩnh!

Đến tận lúc ngồi thơ thẩn trong trạm xá, tôi vẫn cảm nhận được trái tim mình run rẩy quặn lên từng hồi. Ở trạm xá tĩnh mịch vì thực ra chẳng có mấy ai ở đây thường lui tới những chốn phải tốn nhiều tiền như thế bao giờ. Thầy thuốc nam, thuốc bắc thì vẫn đầy ra đấy thôi. Nói thế thì người ta lại tưởng tôi giàu, chứ giờ này tôi còn đang rũ rượi ngồi chờ con Lan đi mượn thêm tiền hàng xóm vì không đủ hết toa thuốc mà ông đốc-tờ* kê đây.

Đúng là trời ơi đất hỡi !

Đúng là nghèo còn mắc cái eo !

Phải mà tôi giàu có thì má với Lan đâu có khốn khổ đến thế, cũng đâu cần mượn nợ xóm làng, họ hàng quanh năm như này. Giờ không biết kiếm đâu ra bao nhiêu đó tiền để trả người ta cho bằng hết.

Tôi mà bán thân tôi được thì tôi cũng bán quách đi cho xong.

"Thím Tư Lệ cho mượn bi nhiêu nớ"

Tôi hoàn hồn thoát ra khỏi mớ bồng bông ủ dột. Giương mi mắt nặng trĩu lên nhìn con Lan tóc tai lù xù, bết dính trên trán bởi những thứ mồ hôi. Tội nghiệp con nhỏ, chạy đi chạy lại tối giờ chưa ngơi nghỉ giây nào. Nó cũng muốn nghỉ, nhưng em gái tôi không dám, nó sợ ngồi đây rồi nó sẽ còn bồn chồn hơn tôi gấp trăm lần. Cứ chạy tới lui vậy mà nó an tâm hơn nhiều.

Tôi ngó mấy tờ giấy tiền trên tay Lan, tự dưng nảy ra cái gì đó, hỏi: "Mấy giờ rồi?"

Con Lan nghe xong dáo dác tìm cái đồng hồ treo trên bức tường cuối dãy hành lang, nheo mắt dòm hồi lâu mới trả lời: "7 giờ hơn rồi hấy"

Tôi bất giác vuốt lên mái đầu hơi cháy nắng, tay khẽ sờ lên vải áo xanh nhạt đã được cài nút gọn gàng. Lạ đời. Tôi càng nghĩ càng thấy mình phát điên rồi. Chỉ mới vừa gặp nhau ban sáng, tất thảy sự xinh đẹp ấy đã làm choáng ngợp trái tim tôi nhưng tôi cũng không đến mức người ta vừa rủ đã lật đật đi vậy chứ... Đúng là thằng trai quê dễ dụ!

Không, không đúng. Tôi đi là vì người ta cho tôi tiền. Mười ngàn đồng. Một buổi hẹn. Bản thân tôi không cần vì thế mà bán rẻ chính mình, nhưng đúng là tôi đã làm thế, chính tôi đã bị đồng tiền tha hoá. Dù thật ra mười ngàn đồng cũng chẳng đáng là bao...

Đầu tôi có chút ong ong, nhắm nghiền đôi mắt dựa vào bức tường trắng có hơi bong tróc phía sau: "Lan, cầm 10 ngàn ra chỗ hồi sáng, trễ hẹn dữ rồi nhưng mà cứ cầm ra đấy xem. May gặp người ta thì đưa lại, xui thì thôi cầm về. Mất công người ta đợi hoài"

Tôi không nhìn nhưng vẫn chắc rằng con nhỏ đang nhướn cái đôi mày đáng ghét của nó, miệng thì hẳn đang trề ra cả dãy. Tôi còn lạ gì nó nữa.

"Người ta mồ* chớ người ta ni thì nỏ đợi lâu dữ vầy mô hấy"

Nó lèm bà lèm bèm.

Ừ thì công nhận nó nói cũng đúng. Người giàu thì chả có cái thói chờ đợi như bọn nghèo nát chúng tôi đâu. Nhất là đợi chờ những giống loài gặm nhắm, đen đúa thì lại càng không. Họ tiến một bước, chúng tôi phải lùi ba bước. Họ ho một khắc, chúng tôi phải cúi đầu 'dạ thưa' hai lần. Cái lẽ đời nó là thế đấy.

Đợi con nhỏ chí choé đi rồi tôi cũng lo mua thuốc thang. Đứng dưới bóng đèn lờ mờ của hiệu thuốc, tôi nghĩ cũng ngộ nghĩnh, hồi trước đến mơ tôi cũng không dám mơ đến chuyện đi mượn nợ người khác, vậy mà giờ cứ mặt dày dăm ba hôm là mượn lác đác. Hôm nay vì má bệnh mà còn mượn hẳn hơn 3 số. Tôi cầm không đặng mà dặn lòng sau đợt này chắc phải tranh thủ kiếm thêm việc gì đó để làm thôi. Nghèo không phải là cái tội, nhưng nghèo mà không có ý chí thì đúng là một cái tội. Đời tôi mang đủ tội rồi nên tôi không muốn phải mang thêm gì nữa. Tôi chỉ cầu ước được yên ổn mà qua ngày dưới mái tranh lụp xụp, tạm bợ ở "xóm nghèo" này với má với em mà thôi.

Đêm đó tôi nằm kế má mà miệng cứ mơ màng mấy tiếng 'má ơi, má ơi' như người bệnh. Sao tôi thấy mình vẫn còn con nít quá. Tự nhiên những kí ức ùa về thuở dưới quê tôi, trưa nắng mải mê chạy giỡn với bọn Hạnh Còi đến té ngã rách cả quần, mà vừa mắc cỡ lại đau quá thế là cứ ngồi khóc tu tu đến khi má ra ẵm về mới thôi. Mít ướt vậy đó mà giờ mọi người nhìn tôi xem, lớn lên cũng được cái mã, ngày xưa dưới quê làm công cho người ta suốt ngày dầm mưa dãi nắng nên dù không quá cao lớn nhưng trông tôi vẫn đủ vững chãi, thêm cái da rám nắng thành ra nhìn cũng hay ho phết.

Tôi lăn lộn hàng tá những câu hỏi ngổn ngang rằng không biết bọn Hạnh Còi dạo này ra sao rồi nhỉ? Cũng lâu rồi bọn tôi chưa có dịp gặp lại. Rồi không biết bọn nó có giống như tôi, có còn hay nhớ về những miền xưa cũ, những hồi đập lúa thuê ngứa rân mình mẩy. Ngẫm nghĩ bao lâu tự nhiên tôi thèm, tôi thèm quá cái cảm giác vô tư, thèm quá cái thuở chơi đùa cùng chúng bạn, tôi lại càng thèm quá mình còn nhỏ bé nằm trong lòng má, để má ru hò, để tôi an giấc.

Tôi nhớ nhung quá đỗi.

*

"Cái tụi này sao vậy cà? Tao có bại liệt đâu mà bây cứ làm quá"

Trời vừa hửng sáng, gà trong chuồng còn chưa kịp dậy mà cái "ụ" nhà tôi đã lao nhao cự cãi. Chẳng là hôm nay tôi tính không đi bán để ở nhà chăm má phụ con Lan, phần vì tôi cũng không còn tâm trí nào để quan tâm tới mấy cái bánh bò bánh bọt nữa. Giờ mà đi bán đoán chừng người ta dụ mấy câu tôi đã giao liền cái xe bánh rồi chạy về nhà luôn.

Vậy đó mà má tôi nào có chịu ý kiến ý cò của tôi với nhỏ Lan. Bà nói một là một, hai là hai, có mười ông trời tôi với nhỏ cũng không dám cãi má.

Tôi đành phàn nàn:"Nói không lại má luôn". Sau đó quay sang con Lan đứng bên cạnh, dặn:"Vậy mày ở nhà canh má uống thuốc đúng giờ đó nghen. Lo ham chơi quên việc tao mà biết là tao kí lủng đầu mày"

Ừ thì đương nhiên cũng phải doạ mấy câu vì đó giờ nó nổi tiếng là lì lợm và ham chơi mà. Tôi đến sợ. Ngày trước có lần nhờ nó ra chợ mua hành để về ăn cơm, cơ mà nó đi từ sáng đến chiều vẫn chưa thấy mặt mũi đâu. Cuối cùng tôi bắt gặp nó đang trèo cây hái sấu, cứ vắt vẻo, tòn ten trên cành. Chắc mặt tôi lúc đó trông bợm trợn lắm nên con Lan vừa quay đầu là giật mình ngã sấu luôn. Tay chân thì trầy trụa mà mặt mày thì lấm lem và chắc chắn rằng về nhà lại được tôi tẩn cho một trận nhừ tử nhớ đời.

Lan xem chừng không phục, bĩu môi: "Hứ, đầu ni dễ kí nhể? Tao quên thì còn mệ nhớ, mi khỏi lo"

Nó khoanh tay, đầu quay ngoắt sang một bên, sau đó vẫn quen thói mân mê cái bím tóc trông ghét ơi là ghét. Tôi đảo ngược mắt lên tận trần nhà, bỗng chốc ý tưởng cắt trụi tóc nó lại hiện lên trong đầu tôi.

"Thôi, tôi can các anh, các chị. Thằng Quốc đi lẹ đi, hơi đâu đứng đó chí choé với nó miết hà. Hết cha nó buổi sáng để mày bán cho ma đó ha"

Má tôi ho khù khụ toan ngồi dậy, Lan đứng kế bên cũng phụ đỡ má tôi một tay.

"Dạ dạ thằng Quốc đi ngay đây, mẫu hậu kính mến ở nhà phụng dưỡng bệnh tình"

Tôi ngó chừng bà vui vẻ mà cà rỡn. Má tôi cười ha hả mấy tiếng. Sau này tôi mới thấm thía cái thứ âm thanh đó của má biết bao nhiêu, là thứ âm thanh dai dẳng, đeo bám tôi suốt cả cuộc đời, nó cứ xa dần, xa dần rồi từ từ lịm tắt...

"Ai bánh bò, bánh tiêu hôn!"

Cơn mưa ngày hôm qua phần nào làm giảm bớt cái nắng khắc nghiệt của Sài Gòn, dù vậy chớ tôi thấy da thịt mình vẫn bỏng rát, thì cũng tại tôi đang vận áo ba lỗ, ngồi bó giò chờ Thượng Đế đến "cứu giá" đây.

Còn đang ngồi phe phẩy cái quạt mới cuỗm của má sáng nay thì ánh sáng trước mắt tôi bỗng bị che khuất bởi một thứ gì đó. Tôi cau mày, dự là ngước lên hỏi tội kẻ đứng chắn đường làm ăn thì tôi sững người khi thứ giọng vừa quen lại vừa lạ ở trước mặt vang lên.

"Hôm qua tôi đợi, mà sao cậu không đến?"

_____________________________
"Đốc-tờ": (khẩu ngữ) bác sĩ
"Mồ": (phương ngữ) nào

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro