♪2♪

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Mai mày đi rồi, ngủ mau.

Đêm nay sao có thể giống đêm hôm ấy đến thế nhỉ, chỉ là trăng hôm nay không tròn như trăng đêm ấy, nửa vành trăng lả lơi vắt vẻo cạnh đoá quỳnh đêm làm mùa hè không còn khiến người ta khó chịu như ban đầu nữa. Chi một tay gối trên đầu, một tay nó vươn tới, mân mê đôi bàn tay nhăn nheo vì công việc đồng áng dãi nắng dầm sương của người đàn bà ngoài tứ tuần bên cạnh.

Quá khuya rồi nhưng người đàn bà ấy vẫn thấy mình tỉnh táo tới lạ. Bà Hoài tuổi chưa lớn, bà cũng như bao người phụ nữ ở tuổi này, giấc ngủ với bà rất quan trọng. Nhưng đêm nay bà phá lệ giống mấy cụ già trong làng, cơn buồn ngủ chẳng mảy may đến với bà. Chắc vì nỗi lo lắng từ sâu trong lòng bà khi biết ngày mai thôi, người thân cuối cùng của bà, đứa con trai bà yêu thương hết mực, ngày mai sẽ chẳng còn ở bên bà nữa.

Nó sẽ tới một nơi rất xa, một miền đất nó chưa từng tới, đương đầu với bọn khát máu mọi rợ khuyết thiếu đạo đức. Ở đó bà sẽ không nhìn thấy nó, bà sẽ không biết được nó sẽ phải đối diện với hiểm nguy đến mức nào, nhưng bà biết, việc nó đi lần này chỉ có cửu tử nhất sinh. Chồng đi, giờ con trai cũng đi, trong lòng bà không tránh khỏi một phen nhộn nhạo.

Nhưng không cho con đi thì mất nước. Thôi thì nỗi đau mất con, mình bà chịu cũng được. Còn nỗi đau mất nước, dân tộc mình không thể tiếp tục.

Vũ trụ có rất nhiều kì quan, nhưng tác phẩm đẹp nhất của đấng sáng tạo là trái tim người mẹ.

Chi nằm trên cái giường tre cũ mèm, tóc nó phất phơ theo từng luồng gió thoảng qua cái quạt mo bị mọt cắn đến móp mép, hơi thở đều đều chầm chậm trái với tiếng trống ngực cứ vang vọng bên tai nó. Nó cũng lo lắm, chỉ mong mẹ già ở nhà giữ gìn sức khoẻ, ăn uống đầy đủ, cũng chỉ mong mẹ không vì nó đi mà đâm ra buồn phiền ảnh hưởng đến bệnh già.

Nó cũng lo cho quãng đường tới đây nó sẽ đi. Chi tự hỏi miền Nam xa quê hương nó tới mức nào, nhưng lo hơn là lo mình sẽ làm được gì khi đã tới tiền tuyến. Liệu nó sẽ không làm vướng chân của người khác chứ, liệu nó sẽ không chết trước khi làm được điều gì đó cho Tổ quốc chứ? Nó chỉ hi vọng mình sẽ không làm mẹ thất vọng, không làm cách mạng thất vọng, cũng nôn nao muốn cống hiến cho đất nước.

Cho dù sống hay chết đều mang lại giá trị cho đời, có như thế đến khi chết đi nó mới không hối hận.

Cũng một phần nó muốn gặp lại anh Quốc.

Sáng hôm sau, tiết trời vẫn quang đãng như sáng hè năm đó. Trời xanh thăm thẳm, trong đến sâu hun hút. Dường như không mùa tòng quân nào trời xấu cả, chẳng phải do mùa hè, cho dù có là giữa hè thì trời cũng không sạch đến thế. Có lẽ do tinh thần quả cảm của những viên ngọc thô tẩy rửa sắc trời đến sáng trong nhất, tâm hồn thanh cao ấy không mảy may vương lấy ác niệm.

Trái với dã tâm bẩn thỉu của bè lũ cướp nước bán nước.

Chi thấy bản thân mình lâng lâng, xung quanh nó là hàng trăm gia đình cũng có con trai tầm tuổi nó. Cha mẹ họ cũng quyến luyến như mẹ nó vậy, họ khóc, khóc chứ, vì họ đã dâng cả máu thịt, cả tâm can của mình cho Tổ quốc rồi. Nhưng nó cũng thấy hơi buồn cười, nhưng nó cũng thấy khóe mắt mình cay cay. Những người cha người mẹ già cả lệ hoen khóe mắt, những người con thơ nước tràn đôi mi, những người vợ liên tục cắn môi nặn ra nụ cười mà họ cho rằng thật rạng rỡ nhưng thật ra lại méo xệch đến khó coi. Họ ôm rồi đẩy vai người lính trẻ, nức nở khuyên nhủ.

- Mày đi đi, đi mau, Tổ quốc còn chờ mày đi đấy. Đi thì dốc hết sức mình, có chết cũng phải chết vì cách mạng!

- Bố mày già rồi, chưa già tao cũng muốn đi lắm. Nhưng tao có tuổi rồi, mày đi thay bố, giết giặc thay bố. Nhớ lấy, chiến đấu là vì hòa bình, vì Tổ quốc, vì sứ mệnh cách mạng giao cho mày, vì con bé con, vì thằng cu con nhà mày, chiến đấu để chúng nó sau này được sống trong hoà bình.

- Anh cứ đi, con cái thầy u nội ngoại em sẽ lo. Anh đi mạnh giỏi. Em xin lỗi, em phận đàn bà chỉ cáng đáng được gia đình, vậy xin anh hãy cố thêm cả phần của em nữa, góp công gánh thêm cho tương lai con cái mình sau này, giúp chúng nó được sống trong yên vui.

Bà Hoài là người cục mịch, bà trầm tĩnh, ít nói. Chi cũng không nghĩ bà sẽ nói mấy câu sướt mướt với mình, cùng lắm bà chỉ dặn dò nó vài câu mà thôi.

- Chi, vì cách mạng, vì Tổ quốc, vì mẹ đã mang mày tới cuộc đời. Cố làm sao để chết đi đừng hối hận. Ngày cách mạng thắng lợi, mẹ chờ mày về.

Nó không nghĩ mẹ nó sẽ nói mấy câu như sẽ chờ sẽ đợi với nó. Nhưng nó vui lắm.

Nó gật đầu cái rụp, cười cười nhìn mẹ. Chi không phải đứa khéo ăn nói, nó giống bà Hoài, từ gương mặt với từng đường nét mềm mại tinh xảo, đến tính cách trầm trầm nhưng hơi nóng tính. Ngoại trừ dáng mắt hạnh với đuôi mắt nhếch lên như cha nó thì Chi đúng là bản sao hoàn hảo của bà.

- Vậy con đi đây, mẹ bảo trọng... Chiến thắng con nhất định về.

- Trần Lan Chi!

- Có!

Nó như nhớ lại sáng năm ấy, khi cái tên Quốc Thần cất lên, nó thấy lòng mình như hụt hẫng.

Còn hôm nay, tiếng gọi ấy như mồi lửa châm lên cho ngọn đuốc chiến đấu cho nó.

Hi vọng có thể còn được gặp lại anh.

Trên đường hành quân, Chi làm quen được với Thắng. Thắng là sinh viên Hà Nội, cũng theo kêu gọi xếp bút nghiên mà lên đường. Anh Thắng ưa nhìn, dáng người mảnh khảnh, nhìn là biết anh chẳng mấy khi vận động, là kiểu thư sinh điển hình. Anh hơn nó hai tuổi nhưng sức nó phải ăn đứt anh mấy lần. Chẳng biết mất bao nhiêu ngày thể lực của anh mới có thể quen với tốc độ hành quân như vũ bão của quân đoàn, Chi đi lâu cũng quen thân với anh, hai người cũng gọi là bạn bè thân thiết.

- Sao bố mẹ em lại đặt tên em là Lan Chi vậy? Nghe như tên con gái ấy.

- Mẹ em cũng bảo vậy á! Nhưng mẹ em kể ngày xưa bố em cứ nằng nặc đặt thế theo cây lan chi, ý là kiên cường bền bỉ. Mẹ em phản đối nhưng nghĩ ông sắp đi rồi nên đành chiều theo ổng. Thế anh tên Chiến Thắng ý là mong cách mạng thành công sao?

- Ừ, Chiến Thắng là để mong cho kháng chiến thắng lợi. Anh còn có đưa em tên Thắng Lợi cơ kìa.

Cuộc trò chuyện của hai người bắt đầu từ cái tên của họ. Lâu dần lâu dần cả hai cũng cởi mở hơn kể về cuộc sống trước khi lên đường của mình. Đa số đều là Thắng kể, còn nó thì thấy cuộc sống của mình ngoài mẹ và anh Quốc thì cũng chẳng có gì để kể nên thường im lặng nghe anh nói.

- Chi thích cái cậu tên Quốc phải không?

Nó sững người trước câu hỏi của anh Thắng, tự hỏi sao anh biết được. Anh cười xòa, dường như biết được điều nó thắc mắc, anh liền cong cong khoé mi ra điều biết tuốt với nó.

- Vì trông em khi nhắc đến cậu ấy, trên mặt em có gì đó phảng phất vui vẻ. Không phải vui vẻ mềm dịu như khi nhắc tới mẹ, nhắc đến Quốc em sẽ vui theo kiểu rất hưng phấn ấy. Y hệt cô bạn gái ở nhà của anh, thậm chí anh thấy em trông còn vui hơn cô ấy gặp anh ấy chứ.

- Anh... Không thấy em kì lạ sao? Ý là em không giống người bình thường...

- Em có chỗ nào không bình thường nói anh nghe chơi nào? Em, rất, bình thường, Chi ạ! Em vẫn ăn ngày ba bữa mới sống, vẫn thở, hành vi vẫn bình thường, vẫn yêu nước. Em với anh đều giống nhau. Chúng ta đều là người bình thường, hà cớ gì chỉ vì em thích người cùng giới mà lại trở thành bất thường. Nghe anh, em là người bình thường, thậm chí cao quý hơn lũ mọi rợ kia, vì em chiến đấu vì lẽ phải cao đẹp. Anh không thể giải thích sao cho em hiểu, nhưng hãy nhớ, em là người không hề bất thường.

Sau này anh Thắng tách đoàn tiếp tục vào Nam còn nó thì cùng tiểu đội làm tiếp tế trên núi rừng Trường Sơn, nhưng lời anh thì nó nhớ mãi.

Ra là nó không hề bất thường.

Thời gian tiếp theo Chi tiếp tục cùng với tiểu đoàn của mình làm công việc hỗ trợ quân dân ta đánh giặc ở trên đường mòn Hồ Chí Minh hiểm trở, tiếp tục công tác hỗ trợ bộ đội. Tại đó Chi gặp không biết bao nhiêu anh chị bộ đội xung phong khác, đủ mọi loại lứa tuổi, nhưng bên trong cách anh chị luôn là tấm lòng son sắt trung trinh với Đảng, luôn cùng nhau một lòng hướng tới giải phóng miền Nam, giành lại độc lập. Ở nơi núi rừng hiểm trở này, công việc của họ tuy chỉ là một công tác rất nhỏ, thậm chí họ cũng chẳng được ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ chính là một mắt xích không thể thiếu trong phác đồ lịch sử, là một phần nhỏ nhoi mà quan trọng trong việc gầy dựng, giành lại cơ đồ.

Nhưng trong nó vẫn còn một nỗi niềm canh cánh không bao giờ nguôi đến tận bây giờ nó vẫn chưa gặp lại anh Quốc của nó. Liệu anh bây giờ có còn sống? Nó không dám mơ mộng cao sang hão huyền rằng anh sẽ bình an vô sự, nó chỉ hi vọng anh còn sống cho dù có mất đi một phần máu thịt, nhưng chỉ cần anh còn sống, nó cũng mừng rồi.

Dường như ông trời cũng nghe thấy lời khẩn cầu và mong ước nhỏ nhoi được gặp anh Quốc của nó. Vậy nên, sau bao tháng ngày “ngày nhớ đêm mong” nó đã được gặp anh, dù tình cảnh khi ấy chẳng tốt như nó mong đợi.

- Ôi chị Hòa, bình thường chị còn chả sợ máy bay với bom nổ chậm của bọn giặc, sao nay lại tái mét mặt mày thế kia?

- Tổ cha mi, hỏi chi hỏi lắm rứa. Mi cứ mặc chị.

Chị Hòa trước là giao liên, sau chị được tiểu đội trưởng huấn luyện cho lái xe tải hàng. Chị là con gái mà còn mạnh mẽ hơn nó nhiều, chị cũng là người khi thấy Chi bị mấy anh ghẹo đứng ra bảo mấy anh lắm chuyện. Nó quen chị Hoà tính cách cứng như mấy núi đá ở núi rừng Trường Sơn rồi, nay thấy bị phá lệ sợ tới xanh mặt có hơi lo lắng.

- Ả cấy em sợ ma anh Chi ạ. Nỏ hiểu răng chỉ nỏ sợ cấy chi, lại sợ mấy cơn ma rừng.

- Còn cả mi nửa. Chẳng nhẻ bây nỏ sợ. Dù mấy ổng bả côi bản đều theo mấy anh Việt Minh, nhưng tau vẫn rợn, biết khi mô mấy cơn ma rừng nhảy ra bắt mình đi chớ.

- Ấy thế mà tớ còn định nhờ Hoà sau này cách mạng thành công Hoà lái xe chở tớ về, giờ thấy Hòa sợ ma quá chắc phải lựa thắng buổi sáng mà về thôi.

Cả tiểu đội nghe chị thanh minh cho sự sợ hãi của mình mà cười nắc nẻ, chị Hòa mạnh mẽ bao lâu nay lại sợ ma phải biết. Lại thêm anh trai nào đó phụ họa trêu chị làm chị lại giận dỗi ngúng nguẩy ra điều hờn dỗi lắm. Làm gì có ai biết mai đến trước hay chết trước, mọi sự vui đùa tếu táo cũng chỉ là gieo cho nhau chút hi vọng về tương lai được trở về. Nhưng cười chẳng được bao lâu thì đoàn xe về sau xe chị lại chẳng làm mọi người cười to như vậy nữa.

Họ đưa về vài cô gái mở đường, bên cạnh họ còn vài người lính bị thương nặng, có vẻ là tàn dư cuối cùng của tiểu đội nào đó của ta. Các anh chiến sĩ có vẻ đã chiến đấu cảm tử cho tới khi sức cùng lực kiệt, hơi tàn giúp các anh còn sống mà được các chị mở đường đưa về. Cái giá máu đỏ các anh vẫn chưa trả đủ cho các đồng đội đã hi sinh, nhưng cũng vì nghĩ đến kháng chiến trường kì mà sáng suốt biết tiến biết lùi. Mọi người trong tiểu đội lo lắng lắm, nó cùng mọi người chia làm hai tốp. Một bên đi kiếm đồ trị thương, một bên thì đỡ các anh xuống sơ cứu trước cho họ. Nó nhanh nhảu lấy đồ hỗ trợ mọi người, bên trong nó cũng lo lắng không thôi. Lo chứ, nó cũng như bao người khác lo cho đồng bào mình mà thôi, các anh các chị đau nó cũng đau chung một nỗi.

Số người đưa về hôm nay không nhiều, cũng chỉ tám chín đồng chí, nhưng chẳng có ai là "nguyên vẹn". Người các anh bê bết máu đỏ tươi đến gai mắt, tóc, máu cùng cáu bẩn làm các anh càng thêm tàn tạ. Người mất tay, người mất chân, chân tay cơ man nào là máu, có chỗ nát bấy, dập nát mà vẫn treo lủng lẳng trên thân thể bằng mấy thớ thịt vụn nát bươm không nỡ nhìn.

Nhưng con người làm Chi chết trân, là cái thân thể không còn nguyên vẹn của Quốc giữa các đồng chí được đưa về.

Vạn niên trùng phùng.

Nó vô thức chạy tới bên anh, sà xuống vuốt mái tóc đang dính vào mặt anh để xác nhận. Nó trông anh lắm, chẳng ai có thể phủ nhận sự ngóng trông gặp lại cố nhân của Chi.

Nhưng lúc này, nó không muốn gặp lại anh trong hoàn cảnh này chút nào.

Tóc mái được vuốt ngược ra sau, vẫn gương mặt sáng sửa mà nó ngày nhớ đêm mong. Nước da anh hơi ngăm, phản ánh cái gian lao cực khổ khi hoạt động ở nơi núi rừng hiểm trở. Gương mặt góc cạnh toàn máu me, xước xát đến mức chẳng chỗ nào trên mặt anh được nguyên vẹn. Chi thấy tim nó như hụt mất một nhịp không tin vào thứ nó thấy trước mắt, trong lòng nó bỗng quặn thắt tới lạ, chèn ép buồng phổi đến khó thở.

Tiểu đội nó thấy cậu đồng chí nhỏ tuổi như ngơ ngác, nhưng chẳng để ai hỏi chuyện được nó, mấy chị dân quân xốc nách nó kéo sang một bên, để các anh các chị khác sơ cứu trước cho các thương binh. Mất một lúc, Chi mới như tỉnh khỏi cõi mộng, cậu trai trẻ vốn hiền hòa bình tĩnh nay lại mất khống chế, toan lao tới chỗ anh của nó mà xác nhận một lần nữa thì bị các anh lôi lại, cản không cho nó phiền các chị sơ cứu cho các chiến sĩ. Lo chứ, lo lắm lo vừa, nhưng nó vẫn chưa mất chức năng nghe hiểu, mà ngồi một góc rấm rứt khóc để yên không dám phiền tới các anh chị đang chạy vạy cứu chữa cho các anh bộ đội.

Sau một đêm tất bật, chẳng ai dám nghỉ ngơi, thì đến rạng sáng tình trạng của các chiến sĩ được đưa về đêm qua đã tạm thời coi như qua cơn nguy hiểm, thần kinh của mọi người cũng tạm thời được chùng xuống. Chi khóc đến mệt ngủ từ lúc nào chẳng ai biết, mọi người cũng không muốn đánh thức nó, mãi đến khi mọi công tác cứu thương hoàn thành thì mọi người gọi nó dậy trông coi các anh thương binh để mọi người tạm nghỉ ngơi, có gì biến chứng nó cứ gọi các anh các chị dậy, tâm trạng nó không ổn định đừng táy máy hỏng chuyện. Mọi người cũng thương nó nhỏ tuổi, biết là cũng có rất nhiều chiến sĩ còn ít tuổi hơn nó, nhưng trong tiểu đội hiện tại nó là một trong hai đứa bé nhất, các anh các chị coi nó như em trong nhà mà yêu thương, coi như bõ nhớ đứa em nhỏ ở nhà nên cũng dung túng chút.

Nó dậy, rồi cũng chỉ lặng lẽ ngồi bên cạnh nhìn từng chút thương tật của mấy anh chiến sĩ. nó lẩm bẩm đếm, một, hai,... sáu, bảy. Bảy? Nó ngỡ ngàng một chút, kiên trì đếm lại. Vẫn là bảy? Có lẽ đêm qua một anh đã chẳng qua khỏi. Như thói quen nó đảo mắt tìm anh, thật mừng rằng anh của nó vẫn còn sống. Nó biết nó ích kỉ, thật xấu tính khi chỉ biết có người nó quan tâm, nhưng biết sao được đây, khi mà trong tâm trí nó choán hết là nỗi lo sợ mất anh. Nó dặn lòng, anh nó ổn rồi, giờ thì nó cũng cần để tâm đến các anh thương binh khác, nhưng vẫn theo thói quen nó xích đến gần chỗ anh Quốc, một tay vuốt nhẹ tóc mái trên trán anh, mắt đưa quanh theo dõi tình trạng của người khác.

Mặt trời ló rạng, từng tia nắng theo những đường chỉ chưa chắc tay trên mái lều tồi tàn rọi xuống cũng chẳng làm ấm lên không khí tràn mùi thuốc hăng hắc của chút thuốc tây ít ỏi cùng vài loại lá cây rừng bị đâm nát làm thuốc. Sau cái đêm mệt mỏi ấy chẳng mấy ai có thể gượng dậy tiếp tục công việc mình, nhưng mệt mỏi mấy những người chiến sĩ ấy vẫn phải gượng dậy, từ đó mới thấy cậu trai trẻ của tiểu đội ngồi ngẩn ngơ bên chiến sĩ nọ, tay vùi vào mái tóc người kia xoa loạn. Anh chiến sĩ đêm qua trêu chị Hòa, nay đã quay sang nó chọc.

- Chi, xoa thế thì ai ngủ được với chú?

- Cái anh này, cứ trêu em nó. Chi, nhớ chú ý mấy người bị thương, bọn chị đi trước, xem thấy có biến chứng thì gọi mọi người đang ngủ dậy hỗ trợ xem sao nghe chưa.

Nói rồi mọi người cũng rời đi, trong lều chỉ còn mỗi nó còn thức. Chi cứ ngẩn ngơ ngồi đó, có lẽ qua một khắc, nó thấy người dưới tay mình khẽ động. Quốc tỉnh rồi, có lẽ cơn đau khắp tứ chi cùng lục phủ ngũ tạng làm anh phải tỉnh lại từ cơn mộng mị. Cái đau làm trán anh giần giật, nhưng đôi mắt anh vẫn sáng ngời. Anh nhìn nó, chớp chớp mắt rồi cố kéo khóe môi cười với nó một cái. Môi anh xước xát, máu đã ngưng chảy nhưng vẫn dính trên môi anh trông tàn tạ cùng cực.

Cổ họng Quốc khô khốc, anh vẫn thấy trong cuống họng mình một mùi rỉ sét của máu qua một đêm vẫn chẳng phai đi mà càng thêm tanh nồng. Vừa tỉnh lại thấy nó bên cạnh, anh mừng lắm, nhẩm nhanh thì nó mới đi tòng quân đâu đó gần một năm, ấy vậy giờ đây anh đã được gặp lại nó. Anh muốn nói với nó, thật mừng vì gặp được em ở đây, nhưng cơn đau nhói làm anh choáng váng, miệng cũng vì thế mà chẳng thốt lấy được một lời.

Nó thấy anh tỉnh, cũng mừng rỡ ra mặt gọi một chị y tá đến coi anh giờ ra sao rồi. Một lúc sau cũng có vài anh chiến sĩ nữa tỉnh lại. Mấy chị y tá tất bật ngược xuôi, kiểm tra cho quốc xong thì mọi người giao anh lại cho nó chăm rồi đi tới chỗ những người khác xem xét. Nó ngồi đó xem các chị tới rồi lại đi, cuối cùng chỉ còn anh với nó. Chi ngồi nhìn anh nằm đó, chẳng nói gì, mỗi phút mỗi giây nhưu thể thiên thu mà trôi qua, cuối cùng người nói trước lại là quốc.

- chi không có gì để nói với anh à?

Giọng anh khàn đặc, nghe chữ được chữ mất, nhưng chi vẫn hiểu được anh nói gì. Nó như sợ anh vỡ nát mà nhẹ tay vuốt ve từng chút mấy sợi tóc lòa xòa trước trán của anh. Nó cất giọng, rồi như ngỡ ngàng trước việc giọng mình đã lạc đi tự bao giờ, nó nuốt nước bọt, điều chỉnh lại tâm trạng đương xúc động, chậm rãi nói với anh.

- Thật mừng vì được gặp lại anh, Quốc Thần.

Cho dù hoàn cảnh có tệ đến mức nào.

Thì.

Thà là ô thước còn hơn cách biệt âm dương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro