1. "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước..."

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Couple: thầy Thiết (Tetsu) x Nguyệt (Tsukki)

Bối cảnh Việt Nam, 2-shot, HE.

Vào một buổi chiều tháng Chạp ít nắng, trong một quán cà phê cũ vắng vẻ, giọng ca trầm buồn của chàng ca sĩ đang ngân nga hát "Tháng Giêng và anh" của Ngô Thụy Miên và "Bến Xuân" của Văn Cao – Phạm Duy vọng lại làm mình phải đặt bút xuống viết ngay câu chuyện này.
-

1. "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước,..."

Xóm nhỏ ven sông nghèo xác xơ, buồn hiu hắt, hôm nay được một phen xôn xao.

Người ta kháo nhau rằng có một ông giáo mới chuyển đến đây, tình nguyện mở lớp dạy chữ miễn phí cho mấy đứa nhỏ trong xóm. Nghe nói ông giáo ở bên Tây mới về, học rộng biết nhiều, tính tình cởi mở hào sảng. Mấy hôm đầu tiên về làng, đám con nít tò mò tới đứng lấp la lấp ló ngoài cổng, ông giáo nhìn thấy bèn vẫy vẫy chúng vào chơi, còn phát cho mấy cục kẹo đen thùi lùi nhưng mà thơm mềm ngọt ngào, bọc trong giấy bạc nom cực kỳ chỉn chu, nghe nói là mang từ bên ấy về. Tụi nhỏ trong cái xóm nghèo này có bao giờ biết được một cục kẹo hẳn hoi là gì đâu? "Kẹo" trong đầu chúng nó là mấy cục đường phèn vụn trong hủ đường dưới bếp, cầm trong tay vài giây là chảy nước tùm lum.

Thế nên là bọn nó hâm mộ ông giáo này lắm, đứa nào về nhà cũng bắt ba má buổi tối cho qua nhà ông giáo học chữ. Ông giáo dạy không lấy tiền, buổi tối đám con nít cũng không phải phụ gia đình chăn bò hay làm ruộng, nên ba má chúng nó đều phất tay bảo chúng muốn đi đâu thì đi.

Học chữ là phụ, ăn chực sô cô la mới là chủ yếu. Tụi nó truyền tai nhau lớp học ban tối của ông giáo vừa vui vừa có kẹo ngon, chẳng mấy chốc mà sĩ số lớp đã lên tới gần hai chục đứa...

"Có khi ổng là ông kẹ hay đi dụ con nít đó. Chứ kẹo ở đâu mà cho không tụi bây hoài?" Nguyệt đưa tay khơi cây đèn dầu, nhạt nhẽo buông một câu dọa cho thằng cu Lộc nhà hàng xóm mặt mày xanh mét.

Nó lắp bắp, cái đầu tóc bù xù bẩn bẩn dựng hết lên theo mấy cọng lông tơ: "H-hổng phải đâu anh Nguyệt. Ba má em nói ông giáo Thiết là người đàng hoàng lắm á!"

"Ờ... Vậy thì mầy cứ qua bển mà học. Chạy qua đây hỏi anh chi?"

Nguyệt khó chịu đưa tay xoa xoa hai bên thái dương. Cây đèn dầu cũ kỹ lập lòe làm cho mắt em nhức mỏi, mấy con chữ trên trang sách cũ nhảy múa loạn xạ. Nguyệt muốn đuổi thằng cu về. Nó đi chăn bò xong là tạt luôn vô đây, cứ thế lải nhải cũng phải cả tiếng đồng hồ rồi, làm em suốt từ nãy tới giờ chẳng đọc được chữ nào vào đầu.

Cu Lộc thấy Nguyệt mặt nhăn mày nhó, nó nhanh như tép đưa tay cướp lấy cuốn sách trên bàn, giấu ra sau lưng: "Anh hai em nói mắt anh Nguyệt yếu, buổi tối đừng đọc sách nữa không là mơi mốt bị đui á!"

Nguyệt mất hết cả kiên nhẫn, thẳng tay cốc một cú lên đầu thằng cu. Nó gào mồm la lên oai oái, thả vội cuốn sách, hai tay bưng cục u, ấm ức trừng mắt: "Hức! Không chơi với anh nữa. Em về đi học đây!"

Tiếng chân đất giậm bình bịch xa dần. Nguyệt cúi xuống nhặt cuốn sách lên, phủi phủi bụi, đặt lại trên bàn. Em nhìn ra cửa sổ, mặt trăng đã lên quá ngọn tre. Thằng cu con này ham chơi, về trễ chút nữa kiểu gì cũng bị cho ăn đòn.

Một phần tại thằng nhóc phá đám, một phần mắt cũng mỏi thật nên hứng thú đọc sách chẳng còn nữa, Nguyệt đứng dậy bước ra ngoài. Trời gió lồng lộng, cây mai trước sân nhú mấy chồi non nhỏ xíu, báo hiệu một mùa xuân nữa lại đến.

Từng bước tản bộ, em băng qua cánh đồng vừa gặt xong, ngó nghiêng vào nhà cu Lộc, thấy nó bị má la bèn le lưỡi lêu lêu, chọc nó tức muốn xì khói. Nhà ai nấu cơm muộn, khói bếp bay lên thơm ơi là thơm.

Không biết đi bao lâu, qua một chiếc cầu gỗ bắc ngang con suối nhỏ thì bỗng phía trước xuất hiện một bầy con nít. Nguyệt cau mày, xoay người định đi về. Em không thích lũ trẻ xóm này!

Nhưng mà bọn nó đã kịp nhìn thấy em rồi. Có đứa la toáng lên "Anh Nguyệt kìa tụi bay!", rồi một đám láo nha láo nháo bắt đầu xúm lại đây, vây em ở chính giữa.

Tụi nó thích nhất là ghẹo anh Nguyệt.

Nguyệt mồ côi cha từ lúc má còn đang mang bầu. Má sinh em ra vào đúng đêm rằm Trung thu, mặt trăng tròn sáng rực ngoài cửa sổ. Chín tháng mang bầu em rất ngoan, lúc nào cũng nằm im thin thít trong bụng má, còn má thì toàn thèm ngọt nên đã đinh ninh em là con gái. Nhẩm tính ngày sinh rơi vào giữa tháng tám nên má chọn luôn cho em cái tên Nguyệt.

Cái tên kể cũng đẹp so với mấy cái Tí, Tèo, Mận, Na của mấy bạn đồng lứa. Mỗi tội rõ ràng là tên con gái.

Sinh được em ra thì má cũng chết, bà đỡ đem em vô chùa gửi nuôi, cũng nhờ vậy mà Nguyệt mới biết chữ. Em thích đọc kinh Phật, nhưng không thích đi tu. Sư trụ trì thương em nhưng mà khó tính, quá nhiều khuôn khổ gò bó nên cuối cùng năm mười sáu tuổi Nguyệt xin phép được ra sống riêng, chỉ thỉnh thoảng mới về lại chùa thăm mấy thầy.

Cứ thế em sống một mình cũng được ba năm rồi.

Nguyệt lớn lên khác hẳn so với mọi người trong làng, mà có lẽ là khắp cả cái xứ này chắc cũng chả có ai giống em. Tóc Nguyệt có màu vàng nhạt như ánh trăng, và cả màu mắt cũng vậy, dáng dấp em dong dỏng cao cùng nước da trắng đến lóa mắt. Hàng xóm láng giềng bảo nhau em bị mắc một chứng bệnh lạ nào đó, cộng thêm tính tình khó gần nên quanh năm suốt tháng chẳng mấy ai muốn thân cận.

Chỉ có lũ trẻ ranh là cứ thích bu vào ghẹo Nguyệt. Bọn nó bảo anh Nguyệt xinh hơn cả chị Thắm hoa khôi làng bên, người đẹp tên cũng đẹp.

"Anh Nguyệt nay đi đâu đó?"

"Anh Nguyệt bữa nào bày em xếp lá hình con mèo nha!"

"Sao mấy bữa giờ hổng thấy anh Nguyệt đi chợ nữa vậy?"

"Anh Nguyệt anh ăn kẹo 'si cu la' hông?"

"Anh Nguyệt có biết thầy Thiết hông? Thầy đẹp trai lắm!"

Đám con nít vừa tíu ta tíu tít vừa nắm tay kéo quần Nguyệt lôi xềnh xệch tới ngôi nhà mái ngói mới lợp bên bờ suối. Đến mấy con chim cú mèo đậu trên cây cũng phải tròn mắt nghiêng đầu nhìn cảnh tượng ồn ào ngộ nghĩnh bên dưới.

Ông giáo Thiết đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng lũ trẻ ùa vào sân. Hình như hôm nay có chuyện gì vui hơn mọi bận, chưa đến cửa đã nghe giọng tụi nó la muốn bể nhà. Ông giáo chưa kịp xỏ dép ra đón đã thấy thằng Tèo chạy ù vào hét ầm lên:

"Thầy ơi anh Nguyệt bị té!"

"Hở?", Nguyệt nào?

Ông giáo chưa kịp hỏi đã bị thằng Tèo túm ống tay áo kéo như bay ra ngoài. Không biết đã xảy ra chuyện gì, vất vả lắm mới dạt hết được tụi nhỏ đang túm tụm ra, mới thấy một cậu con trai đang ngồi bệt dưới đất, ngón tay chảy máu tong tỏng.

Nguyệt ngẩng đầu lên: "ông giáo" trong truyền thuyết đây sao? Nhìn qua có lẽ chỉ hơn em đôi ba tuổi là cùng. Gọi bằng thầy là được rồi.

"Thầy" Thiết thì lại hơi ngơ ngẩn một chút trước ngoại hình đặc biệt của cậu trai tên Nguyệt này. Mất vài giây mới sực nhớ ra là cậu đang bị thương, vội vàng quát nhẹ tụi nhỏ tránh sang một bên.

Thầy dìu Nguyệt cà nhắc vào nhà, bôi thuốc sát trùng, băng bó cẩn thận, vừa làm vừa càu nhàu quở mắng tụi nhỏ xô té người ta, dọa còn tái phạm thì đừng hòng được ăn kẹo sô-cô-la nữa.

Khỏi cần dọa thì tụi nó cũng sợ mất mật rồi. Anh Nguyệt đẹp như vậy, hiếm khi chịu ra ngoài chơi, cuối cùng lại tại tụi nó mà bàn tay rách một đường chảy máu, mắt cá chân cũng trật khớp sưng to. Con bé Na đã sợ tới mức hu hu khóc toáng lên.

Hôm đó lớp nghỉ. Thầy Thiết bảo tụi nó về sớm mai lại tới. Về phần Nguyệt thì để lát thầy tự đưa về.

Ngôi nhà của thầy Thiết không lớn cũng không nhỏ, mái ngói tường vôi, cửa gỗ thềm gạch, đèn đóm sáng trưng, nhìn qua là biết người cũng có tiền, khá giả hơn nhiều so với cái xóm nghèo này.

Nguyệt ôm ngón tay bị băng quấn mấy vòng, cúi mặt nhìn thầy giáo xa lạ này đang cẩn thận bôi thuốc xoa bóp lên mắt cá chân em.

"Để tôi tự làm..." Nguyệt co chân, vươn tay muốn lấy lọ thuốc nhưng chỉ bắt được không khí.

Thầy Thiết một tay giữ chặt chân em, tay kia kéo lọ thuốc ra khỏi tầm với của Nguyệt: "Tại tôi dạy tụi nhỏ không nghiêm mới để chúng làm cậu té. Cứ để tôi giúp cậu coi như xin lỗi được không?"

Cũng không phải lỗi của anh, nhưng nói năng chỉnh tề như vậy thì ai mà nỡ từ chối cho được chứ?

Sau khi bôi thuốc xong, thầy Thiết lôi ra một hộp kẹo to đùng, mỉm cười đưa cho em. Nguyệt đưa mắt nhìn qua liền nhận ra là mấy cục kẹo "si cu la" trong miệng thằng cu Lộc suốt ngày ba hoa khoe khoang với em. Nguyệt thích ăn ngọt, y như cái lúc vẫn còn nằm trong bụng má. Em không cầm lòng được, thò tay bốc một viên, cẩn thận lột vỏ. Cục kẹo này đen thùi lùi làm em hơi cảnh giác, nhìn lom lom nửa ngày mới dám thè lưỡi liếm nhẹ một miếng.

Chân mày nhỏ cau lại. Kẹo không ngọt. Còn hơi đắng nữa.

Thầy Thiết quan sát Nguyệt suốt từ nãy tới giờ, thấy em vừa buồn cười vừa dễ thương, không cầm lòng được mà vươn tay xoa nhẹ mái đầu nhạt màu.

Thói quen của người làm nghề giáo là thích xoa đầu mấy đứa nhỏ thôi. Nhưng tại tóc Nguyệt mềm quá thì phải, làm lòng bàn tay thầy Thiết tê rần. Thầy vội vàng rụt tay lại, chụm tay trước miệng hắng giọng chữa ngượng, xong lại gãi gãi quả đầu tóc bờm xờm như mào gà của mình.

Hình như tay thầy giáo cũng dịu dàng hơn bàn tay của những người quanh năm làm nông vất vả. Khoảnh khắc mái tóc bị chạm vào, Nguyệt cũng cứng đờ cả người không nhúc nhích được. Cây kẹo sô-cô-la trên tay bỗng trở nên thừa thải, em lúng ta lúng túng không biết làm thế nào bèn nhét luôn vào miệng nhai lấy nhai để.

Ngọt quá! Hai mắt em sáng bừng lên bởi vị ngọt lịm lạ lẫm nơi đầu lưỡi, đồng tử nhạt màu lấp lánh, mở to hết cỡ nhìn thầy Thiết.

Thầy nhìn vào mắt em, nghĩ bụng trăng rằm thì cũng chỉ đẹp đến vậy thôi...

Khuôn mặt giãn ra, thầy cười. Nom cũng đàng hoàng đĩnh đạc, vậy mà nhe răng cười lên một cái lại như muốn thu hết hào hoa vào đáy mắt khóe miệng vậy. Nguyệt bĩu môi xoay mặt đi, hai tai em nóng bừng.

Cuối tháng Chạp trời gió, thầy Thiết cho Nguyệt mượn cái áo khoác măng tô dày sụ, bảo em leo lên lưng để thầy cõng về nhà. Mắt cá chân bầm tím, sưng to hơn cái trứng vịt nhưng em vẫn nhất quyết nói sẽ tự về.

Đường về nhà băng qua một cây cầu nhỏ, một khoảng rừng vắng, và một cánh đồng. Thầy Thiết bảo dù em có nhảy lò cò qua được cây cầu thì cũng dọa mấy đứa con nít trong làng khóc thét vì tưởng là gặp phải ma cà thọt.

Thế cho nên bây giờ, trên đỉnh đầu có ánh trăng treo, dưới bàn chân có tiếng côn trùng kêu râm ran, hai bên đường là những lũy tre cao vút, còn ngoan ngoãn nằm trên lưng thầy Thiết là bé Nguyệt với hộp kẹo sô-cô-la trên tay. Lúc đi ngang qua nhà cu Lộc còn bị nó với anh hai nó bắt gặp, khỏi phải nói Nguyệt xấu hổ cỡ nào. Em áp sát mặt vào tấm lưng thầy Thiết, như thể chỉ cần em không nhìn thấy họ thì ánh mắt kinh ngạc của họ cũng không chạm được đến em vậy.

Nguyệt lạnh lùng khó ở, quanh năm suốt tháng không chơi với ai ấy thế mà bữa nay được người ta cõng về tận nhà.

Thầy Thiết mới tới chưa được bao lâu, dễ gần khó thân ấy vậy mà bữa nay lại cõng người ta về tận cửa.

Nhà Nguyệt nhỏ xíu, mái tranh vách nứa, chỉ có khoảng sân là rộng rãi xinh đẹp. Em tự trồng ít rau với vài cây ăn trái, thu hoạch được thì đem sang nhà cu Lộc nhờ nó hoặc anh hai nó mang ra chợ đổi giùm ít muối gạo. Mức sống đạm bạc như bao người trong xóm, mãi cũng quen, không đến mức thấy khổ sở. Trong nhà chỉ có cái bàn là nổi bật nhất, trên đó đặt vài cuốn sách xếp ngay ngắn và một cây đèn dầu leo lét.

Thầy Thiết để em ngồi lên giường, còn đang định dặn dò Nguyệt ngủ sớm, sáng mai đưa em lên thị xã tìm thầy thuốc nắn lại khớp với mua ít thuốc về đắp cho mau khỏi. Thế nhưng lời chưa kịp nói ra đã bị tiếng chân ai đó hối hả chạy qua đây làm gián đoạn.

Anh hai của thằng cu Lộc tên là Lợi. Lợi lớn hơn Nguyệt hai tuổi, xêm xêm tuổi với thầy Thiết nên cậu cũng chẳng nể nang gì, vừa vào đã thẳng tay đẩy thầy qua một bên. Cậu ta nhào tới, cúi người xem xét cổ chân em, rồi cầm bàn tay đang bị quấn băng lật lên lật xuống, xong xuôi bật dậy quắc mắt hung dữ nhìn thầy Thiết đang đứng ngơ một góc:

"Thầy làm bé Nguyệt bị thương hả?"

"..."

Thầy Thiết bị cái thằng không hiểu ở đâu chui ra phá bĩnh nên hơi cọc, nhưng cũng chả biết mối quan hệ giữa nó với Nguyệt là gì nên tạm thời ngậm miệng không đáp. Gương mặt thầy khuất trong bóng tối, cao hơn Lợi một cái đầu nên chỉ cần đứng đó dùng ánh mắt sáng quắc quét một lượt từ trên xuống cũng đủ làm cho cậu ta nổi chút da gà.

Nhưng thằng Lợi không biết hôm nay bị cái giống gì. Cậu ta nhìn ánh mắt đó thành một kiểu thách thức trắng trợn, bèn nhào tới muốn đấm một phát vào gương mặt tự mãn của ông thầy khó ưa này. Nắm đấm không đáp được lên mặt đối phương vì thầy Thiết nhìn nho nhã vậy mà chỉ cần một tay là chặn được thằng Lợi sức trâu bò quanh năm làm đồng. Tay nó bị giữ cứng ngắc giữa không trung, tiến lùi đều không được.

Tự nhiên chẳng hiểu sao lại xảy ra xô xát, Nguyệt quên mất cái chân đang bị trật mà nhào tới can ngăn, kết cục là lại ngã lăn quay ra đất. Cú ngã này thực sự đau điếng, em cắn răng kêu lên một tiếng khổ sở.

Thầy Thiết tự nhiên nghe tim mình nhói lên một cái, không còn bình tĩnh mà hất Lợi qua một bên làm nó té chúi nhủi. Thầy bước tới bên Nguyệt, lo lắng đến mức khom gối ngồi xuống nền đất bẩn, nhẹ nhàng luồn tay bế em đặt lại lên giường. Thằng Lợi lại muốn nhào qua, bị ánh mắt hung dữ của thầy làm cho phải khựng lại.

Rõ ràng thằng Lợi là người biết Nguyệt từ nhỏ, ở gần nhà em hơn, cũng thân hơn thằng cha thầy giáo ất ơ ở đâu chui ra đây, vậy mà không hiểu sao giờ phút này cậu lại cảm giác mình mới là người ngoài.

Nhưng mà nhìn trán Nguyệt rịn mồ hôi lạnh vì đau thì cậu cũng xót, nghĩ nghĩ rồi mới lắp ba lắp bắp: "Để... để tui đem rượu thuốc qua bóp cho Nguyệt nha?"

"Khỏi cần!" thầy Thiết cướp lời: "Tôi có mang theo rồi đây."

Nói rồi lôi chai thuốc từ trong túi quần ra để lên đầu giường, còn có cả một bịch bánh quy bơ giòn rụm nữa.

Nguyệt nhìn Lợi, không hiểu hôm nay cậu ta bị cái quái gì, mặt hết tím lại tái, trợn mắt bặm môi. Bình thường Lợi cũng chững chạc lắm, nhưng bây giờ lại khiến Nguyệt thấy phiền, hệt như thằng cu Lộc mới sáu tuổi em cậu ta.

"Lợi về đi. Tui không sao đâu."

Bị em lịch sự đuổi khéo như vậy, cậu ta ban đầu cũng ngạc nhiên lẫn thất vọng vô cùng. Nhưng có vẻ Nguyệt sẽ không thay đổi lời nói, cậu ta cũng chẳng còn cách nào khác ngoài cụp tai tiu nghỉu ra về.

Đêm hôm đó, có ba người mất ngủ.

-

Sáng hôm sau trời lạnh còn hơn hôm trước nữa, gió thổi thốc qua vách nứa làm Nguyệt thức giấc. Em trở mình rồi mới phát hiện cái chân đau điếng hồn. Nguyệt lồm cồm ngồi dậy, phát hiện mắt cá vừa tím vừa đỏ, sưng to trông phát sợ. Em thở hắt ra, nghĩ bụng Tết nhất sắp tới nơi mà chân cẳng thế này thì không biết sao.

Thầy Thiết không biết đã đến từ bao giờ, vẫn kiên nhẫn đứng đợi ngoài cửa. Vừa nghe tiếng Nguyệt thở dài bên trong liền biết em đã thức dậy, bèn gõ nhẹ hai tiếng lên cửa:

"Nguyệt! Lên thị xã với tôi không? Tôi biết một ông thầy thuốc chuyên nắn xương, năm bảy ngày là khỏi."

Thằng Lợi sáng sớm chuẩn bị vác cuốc ra đồng, đứng bên hàng rào nhìn qua thấy Nguyệt mở cửa mời thầy Thiết vào nhà thì tức tối giậm chân. Nhưng mà hôm qua bị đuổi về nên giờ cậu cũng không còn mặt mũi nào mò sang nữa.

Thầy Thiết đưa Nguyệt lên thị xã bằng xe ngựa. Bác phu xe theo lời thầy cho ngựa chạy thật chậm nhằm tránh xóc nảy hết mức có thể. Hôm nay là lần đầu tiên Nguyệt được lên thị xã, mặc dù em đã đọc qua rất nhiều mô tả về nó, nhưng tận mắt chứng kiến vẫn là một câu chuyện khác. Đàn ông ăn mặc chỉn chu lịch thiệp, phụ nữ áo gấm lụa là xinh đẹp như mây. Đường sá sạch sẽ rộng thênh, xe cộ đông đúc. Sắp đến Tết, hai bên đường bày bán đủ thứ nào là bánh kẹo trái cây, liễn trang trí, pháo đỏ, quần áo đẹp, và vô số các chậu hoa tươi rực rỡ cả một con đường.

Vì đi đứng bất tiện, mỗi lần xuống xe đều phải phiền thầy Thiết cõng, nên phần lớn thời gian Nguyệt đều chỉ ngồi trên xe ngựa, thèm thuồng nhìn bánh kẹo bày la liệt trong mấy cửa hàng ven đường mà không dám hé răng. Mà cho dù có đi đứng được đi chăng nữa thì em cũng làm gì có xu nào để mua đâu.

Thầy Thiết thì không hổ là nhà khá giả, mua không biết bao nhiêu là bánh kẹo lạ mắt, bảo là để về phát cho tụi nhỏ trong xóm.

Nguyệt chợt nghĩ phải chi mình nhỏ lại chục tuổi thì hay.

Thầy thuốc là người Pháp, dùng tiếng tây mà nói với thầy Thiết rằng chân em trật khớp hơi nặng, lúc nắn xương lại sẽ hơi đau một chút. Nguyệt nghệt mặt ngồi một bên chẳng hiểu hai người đang xì xà xì xồ nói cái gì cả. Bây giờ hai tên này mà làm giao dịch bán em đi thì em chẳng khác gì cá nằm trên thớt, đến khả năng chạy cũng còn không xong. Sao mình lại nhẹ dạ cả tin thế cơ chứ? Nghĩ đến đây em liền tái mét mặt mày, thấy biểu cảm thầy Thiết có vẻ nghiêm trọng thì bắt đầu suy diễn lo lắng đủ thứ.

Cẩn thận nghe dặn dò xong, thầy quay sang nhìn Nguyệt, biểu cảm lại thay đổi 180 độ. Thầy Thiết lấy trong túi ra một cục kẹo dúi vào tay em, bảo sẽ không đau lắm, đếm đến ba là xong ngay thôi, nếu sợ quá thì ăn một viên kẹo sô-cô-la, có tác dụng giảm căng thẳng.

Nguyệt chắc mẩm trong cây kẹo này hẳn là có thuốc mê rồi. Còn khuya em mới ăn! Vậy nên chỉ mím môi lắc đầu, căng thẳng hết nhìn thầy giáo rồi lại nhìn thầy thuốc.

Mới đếm đến hai đã nghe khớp xương 'khục' một tiếng được nắn về vị trí cũ. Lão thầy thuốc người Pháp đúng là lừa đảo! Nguyệt không kịp hét lên tiếng nào, đau đến chết lặng, chỉ biết túm lấy tay áo thầy Thiết. Thầy thấy em nhíu mặt nhăn mày mà đau lòng xót dạ, biết Nguyệt thích kẹo liền xé vỏ nhét một viên sô-cô-la vào miệng em dỗ dành như thể con nít. Mà thần trí Nguyệt lúc này cũng trì trệ, ai đưa gì chắc cũng ăn, cứ thế ngu ngơ vừa nhai kẹo vừa rớt nước mắt vì đau, quên mất còn đang phải cảnh giác với anh ta.

Lúc hoảng hốt nhận ra thì cây kẹo đã nuốt xuống tận bụng rồi, ngọt lịm thơm ngon, mà em cũng còn tỉnh táo, không có bị ngất xỉu như trong tưởng tượng. Tới tận khi được thầy Thiết bế lên xe ngựa để ra về mà tim em vẫn còn đập bình bịch trong lồng ngực. Ơ thế hóa ra là mình không bị anh ta mang đi bán thật à?

Hối hận vì lỡ nghĩ oan cho người tốt, suốt đoạn đường về Nguyệt chỉ biết đan mấy ngón tay vào nhau ngồi im lặng. Tới tận lúc về nhà, thầy Thiết dúi cho em một bịch to bánh kẹo mà Nguyệt vẫn nhất quyết lắc đầu không nhận. Em còn chưa xin lỗi thầy, mặt mũi nào để nhận thêm ơn nghĩa nữa?

Hai người tạm biệt nhau, Nguyệt lí nhí cảm ơn rồi xoay người cà nhắc đi vào nhà, không nhờ thầy giúp đỡ, cũng không để ý ánh mắt thầy Thiết nhìn theo em như thể còn muốn nói gì đó.

Cánh cửa nhỏ đóng lại, thầy nghĩ thôi thì đành vậy, dù sao cũng chỉ mới quen biết có một hôm, người có duyên sẽ còn gặp lại.

-

Nhưng mà có vẻ lần này thầy cũng không hiểu nổi chính mình rồi!

Ba ngày trôi qua mà Nguyệt vẫn bặt vô âm tín. Không thấy em đi ngang cây cầu gỗ nhỏ, cũng không thấy em ngoài chợ, thầy Thiết sốt ruột đến mức chẳng còn tâm trạng nào để tập trung dạy học. Đến ngày thứ năm, chịu không nổi, trước khi tan học thầy bèn gọi thằng cu Lộc lại. Thầy giáo vô lương tâm, giả vờ khen thằng cu học giỏi tiếp thu nhanh làm nó nở muốn banh lổ mũi, chỉ để dễ dàng hỏi thăm tình hình của Nguyệt.

Thằng cu ra về, để ông thầy ở lại buồn ngẩn ngơ. Nó bảo hai hôm nay anh Nguyệt đã đi lại được rồi, còn ra vườn hái rau mang qua cho anh hai nó nhờ đem ra chợ bán nữa.

Trời tối muộn, thầy Thiết đứng trên cây cầu nhỏ nước chảy róc rách châm thuốc hút, buồn thiu như bị thất tình. Hút đến điếu thứ ba, máu nóng bốc lên, mặc kệ nửa đêm nửa hôm, vác cây đèn pin và một bịch đồ to, chọc cho lũ chó trong xóm sủa om sòm, băng qua cây cầu gỗ, vượt qua một khoảng rừng vắng và một cánh đồng vừa gặt xong, mất ba mươi phút để đến được ngôi nhà nhỏ có khoảng vườn rộng xinh xinh. Tim thầy đập bình bịch suốt cả quãng đường đi, không phải thầy sợ chó, cũng không phải sợ xóm làng dị nghị.

Thầy đột ngột mò đến như vậy sợ sẽ bị Nguyệt lạnh lùng mời về.

Nhớ tới cái hôm em thẳng thừng đuổi thằng Lợi, cái bản mặt tiu nghỉu tội nghiệp lúc đó của nó làm thầy hả hê bao nhiêu, ấy vậy mà giờ bỗng nhiên lại đồng cảm bấy nhiêu.

Thầy thừa biết thằng Lợi thích em. Nhìn cậu ta khổ sở vậy là hiểu. Có lẽ nào thầy Thiết cũng sắp bị đối xử giống như thằng Lợi rồi không?

Ngoài sân nhà em, một nụ hoa mai đầu tiên đã hé nở.

Mà cánh cửa nhỏ kia cũng đang mở hé, như thể vẫn luôn đợi thầy ghé thăm vậy.

-

Có tuổi nên mình bị sến sẩm ẩm ương các bạn ạ =))). Lên cơn là cứ phải viết ra. Đôi lúc mình cảm thấy thương độc giả phải chịu đựng cái mớ cảm xúc dớ dẩn này của mình ấy =))).

Câu chuyện của thầy Thiết với bé Nguyệt diễn ra vào mùa xuân nên sẽ được gói gọn trong 2 chương thôi. Mình định viết one-shot đó mà tại dài quá nên phải chia ra. Chương còn lại sẽ lên vào khoảng 29 tháng Chạp nha!

Chúc mừng KuroTsuki day! Và mừng một mùa Xuân nữa đang đến ❤.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro