2. "Người yêu nhỏ, hôm nào thì em đến?..."

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cái lần thầy Thiết gom hết can đảm mà đến thăm Nguyệt vào giữa đêm ấy, cả cái xóm nghèo này đều biết. Sao mà không biết cho được vì chó sủa váng trời mà?

Người dân quê buổi tối muộn một chút đều ở nhà không bước ra khỏi cửa, phần vì chẳng có hoạt động gì vui, phần vì không an toàn. Ra đường giờ đó chỉ có mấy thằng ăn trộm.

Cho nên mặc dù là cửa đóng then cài, nhưng biết bao con mắt vẫn thò ra từ sau mái tranh vách đất mà ngó xem kẻ nào đang phá tan cái không khí tĩnh mịch tẻ nhạt đêm nay. Nhìn thấy là ông giáo hiền lành, hay dạy chữ cho mấy đứa nhỏ nhà mình thì cũng yên tâm không sợ mất con gà cái cuốc. Nhưng mà ai cũng thắc mắc là giờ này thì ông giáo đi đâu vậy cà?

Thằng Lợi với thằng Lộc đang giăng mùng chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng mấy con ngỗng ngoài sân ngoạc mồm lên kêu inh ỏi. Buổi tối cửa sổ phải đóng kín để muỗi mắt khỏi bay vào, nhưng thằng Lợi vẫn rón ra rón rén cọt cà cọt kẹt chống cái cửa sổ xập xệ lên, hóng mắt qua sân nhà bên – cái sân xinh xắn với mấy luống rau gọn gàng và cả một gốc mai đang ra thật nhiều nụ xanh biếc.

Bên trong ngôi nhà vách nứa với ngọn đèn dầu leo lét, thầy Thiết ngồi bên chiếc bàn nhỏ của Nguyệt, trời xuân mát mẻ mà căng thẳng đến mức đổ mồ hôi hột.

Lúc mới đến trước cổng nhà em, thầy đã suýt chút nữa muốn quay đầu bỏ chạy. Thầy chẳng có lý do nào chính đáng để xuất hiện ở đây vào giờ này cả!

Đúng lúc đó thì cánh cửa hé mở. Chút ánh sáng đèn dầu leo lét hắt ra cùng một mái tóc vàng đẹp như ánh trăng đập vào tầm mắt làm tim thầy thịch một cái nhảy ra khỏi lồng ngực. Đến nước này thì bỏ chạy cũng không còn kịp nữa rồi!

Nguyệt nheo nheo mắt nhìn bóng đen cao lớn thậm thò thậm thụt ngoài hàng rào hoa đậu biếc. Cái dáng người đẹp như tượng tạc ấy cả xóm này chỉ có mỗi thầy Thiết mà thôi.

Nhưng mà mắt em không tốt lắm nên vẫn phải xác nhận lại lần nữa: "... Thầy Thiết hả thầy?"

"A... ừ, là tôi!" thầy Thiết vội đáp. Nghe giọng em gọi tên mình, chẳng hiểu sao thầy lại cảm thấy có bổn phận phải trả lời ngay không nên để em phải đợi lâu vậy. Bao nỗi lo lắng nãy giờ vèo một phát tan biến mất, chỉ còn lại hình ảnh Nguyệt đứng đó lấp ló sau cánh cửa chờ thầy mà thôi.

Cổng nhà em thấp nhỏ, chẳng đóng bao giờ, thầy Thiết bước trên lối đi giữa những luống rau, tới trước mặt Nguyệt, vò vò mái tóc vốn đã rối tinh, cười nói: "Tới cho em mấy cuốn sách với hộp kẹo sô-cô-la. Mà... giờ này Nguyệt vẫn còn thức hả?"

"Em ngủ rồi. Tại thầy làm chó sủa dữ quá nên mới phải dậy coi."

"..."

Nguyệt rất thưởng thức gương mặt điển trai lúng ta lúng túng của thầy Thiết. Mấy hôm nay không phải là em không muốn sang, nhưng mà vì không biết mở lời thế nào nên cứ lưỡng lự mãi. Chẳng lẽ lại "Xin lỗi vì bữa trước em nghi ngờ thầy muốn bán em cho ông người Pháp kia" à? Nhìn vậy thôi chứ em vẫn là một đứa da mặt mỏng, trêu người ta thì được chứ bị ghẹo lại là chỉ biết đỏ mặt tía tai thôi.

Cũng may, thầy Thiết vậy mà lại chủ động sang gặp em trước. Chẳng bõ công mấy bữa nay đêm nào em cũng thức thật khuya để cửa mở sẵn chờ thầy.

Thế cho nên là bây giờ thầy Thiết đang ngồi đây, trước mặt em, cười hì hì lôi ra mấy cuốn tiểu thuyết văn học với một hộp kẹo sô-cô-la to. Nguyệt rót cho thầy ly nước mát, xong xuôi cứ thế ngoan ngoãn ngồi một bên gặm kẹo, chữ được chữ mất nghe thầy bịa lý do để ở đây vào giờ này.

Thầy Thiết nói là do mấy ngày liền không thấy em ghé nhà, lo chân em lâu khỏi. Trong lời nói rõ ràng là có chút ý tứ dỗi hờn.

"Em tính mai mới ghé để cảm ơn thầy..." Nguyệt ngập ngừng.

Như thể chỉ chờ có vậy, thầy Thiết bèn nhanh nhảu: "Vậy mai em ghé tôi nhé?"

Cứ thế như nước chảy mây trôi, mấy đứa nhỏ trong xóm bắt đầu quen với việc thầy Thiết và anh Nguyệt thường hay xuất hiện bên cạnh nhau. Thằng Lộc còn phát hiện trong nhà anh Nguyệt có rất nhiều sách và bánh kẹo của thầy, còn thầy thì dạo này không phải ra chợ mua rau nữa vì cứ cách ngày là anh Nguyệt lại mang sang cho.

Thằng Lộc đem thắc mắc đi hỏi anh hai nó sao tự nhiên dạo này thầy Thiết với anh Nguyệt thân nhau thế. Chưa dứt câu mà thằng Lợi đã vô duyên vô cớ chửi em nó một tràng, xong rồi vẫn còn hậm hực, ôm đống củi to liệng vô lò nhóm lửa nấu cơm, nấu ra một nồi cơm khê đến mức Nguyệt ở bên nhà cũng nghe được mùi khét.

-

Trên bàn dạy học của thầy Thiết xuất hiện một cành mai cắt từ cái cây trong sân nhà ai đó. Mà từ dạo ấy thầy cũng kém tập trung hẳn, đang trong giờ lên lớp lại cứ tủm ta tủm tỉm cười một mình, mà theo lời tụi nhỏ thuật lại thì lúc đó nom thầy hơi ghê ghê. Còn anh Nguyệt trong mắt bà con xóm làng nổi tiếng lạnh lùng như hoa trên vách đá thì chẳng biết dạo này ăn phải cái gì mà siêng ra ngoài hẳn, còn cười nhiều hơn. Có những buổi sớm mai, người ta bắt gặp thầy với Nguyệt chụm đầu trong thế giới riêng của hai người. Trên cây cầu gỗ đơn sơ bắc qua con suối nhỏ, rì rầm thủ thỉ nói chuyện gì đó chẳng ai hay, chỉ thấy Nguyệt cười rộ lên, má hồng răng trắng xinh như hoa đào tháng giêng chớm nở. Mà thầy Thiết đứng bên cạnh, chọc cười được người ta thì cũng vui như ba ngày Tết, đuôi mắt dịu dàng như nắng xuân, lấp lánh một niềm tự hào không thể gọi tên.

Một tình yêu bé nhỏ vụng trộm cứ thế âm thầm bén rễ đâm chồi. Thầy Thiết bao năm qua đã bao giờ thèm đón một cái Tết hẳn hoi, vậy mà tại nhành mai của Nguyệt, tại mấy miếng mứt gừng em tự tay làm lại bỗng dưng thấy Tết trên quê hương mình sao mà đáng yêu quá.

Hình như mưa xuân làm mềm lòng thiếu nữ, cô Tư xóm trên cũng đem lòng thầm mến thầy giáo điển trai, cũng len lén làm vài miếng kẹo mè thơm ngọt mang sang tặng thầy. Thầy Thiết nhìn bịch kẹo thắt nơ xinh xắn chỉn chu trên tay cô Tư, lại chỉ nhớ tới cảnh tượng nhóc tóc vàng khệ nệ bê nguyên cái nia mứt qua nhà thầy. Gừng em trồng, mứt em làm, từng miếng xếp gọn gàng còn thơm nguyên mùi nắng. Giọt mồ hôi lấp lánh trên chiếc trán tròn tròn, em cười cười đưa tay quệt đi, năm ngón thon thon cẩn thận lựa qua lựa lại bốc một miếng mứt trên nia đưa lên miệng thầy. Cay cay the the, vị ngọt ngào êm ái thấm xuống lòng thầy giáo trẻ.

Thầy cười, cảm ơn rồi đưa cho cô Tư một hộp bánh bích quy bảo về chia cho đám em út trong nhà. Bịch kẹo mè của cô Tư thầy không nhận, bánh bích quy trong tay thiếu nữ vì vậy cũng buồn hiu.

Thấm thoắt đã qua một mùa xuân, đất trời vào mùa mưa. Chẳng biết ông Trời cố ý hay là lòng người muốn vậy, cứ đúng lúc Nguyệt sang nhà thầy chơi là trời lại đổ cơn mưa. Mưa đêm to quá, trà nóng cũng không xua được cái lạnh, thầy Thiết đem mấy ngón tay em ủ ấm trong tay mình. Nguyệt sờ sờ tay thầy, phát hiện mấy vết chai ngồ ngộ bèn hỏi từ đâu mà có, thầy ngập ngừng bảo là do bấm phím đàn ghi-ta lâu ngày mà ra.

Dưới mái hiên, lấy tiếng mưa rơi tí tách làm nhịp đệm, thầy giáo ôm cây đàn ghi-ta cũ, ngân nga hát tặng người yêu nhỏ một bản tình ca bằng tiếng Pháp. Tông giọng trầm ấm, xua đi cái lạnh do những cơn mưa dầm:

"Quand il me prend dans ses bras
Qu'il me parle tout bas
Je vois la vie en rose...

Khi em ôm anh vào lòng
thì thầm với anh những điều ngọt ngào
Là lúc anh cảm thấy cuộc đời này xinh đẹp biết bao..."
La Vie en rose.

Cứ thế qua mùa mưa rồi lại đến mùa khô, yên bình bên nhau được gần một năm thì trong xóm bắt đầu râm ran mấy tin đồn không hay về thầy và em. Nhưng mà cái làng này ngoại trừ mấy đứa nhỏ ra thì hầu hết người ta đều không thích Nguyệt lắm. Chẳng biết do bản tính khó gần, hay do ngoại hình kỳ lạ của em, hoặc cũng có thể là do cả hai, mà người ta bắt đầu đến nói với thầy Thiết những điều không hay về em.

Rằng em khắc chết cha mẹ mình, cửa chùa rộng mở vậy cũng không chứa nổi một đứa như em. Rằng nhà Nguyệt thì nghèo mà tính tình thì lại làm cao, chẳng biết đọc được bao nhiêu sách mà ai cũng không muốn gần. Rằng Nguyệt bị bệnh gì đó quái gở, mắt nhạt, da trắng, tóc vàng, nhìn hao hao con bé bị bạch tạng ở xóm trên.

Thầy Thiết cúi gằm mặt. Không ai thấy được nét âm u lạnh lẽo trong ánh mắt thầy. Mấy người đến nói linh tinh về Nguyệt đều bị thầy đuổi về, bảo họ đừng cố ý mang con gái sang đây nữa vì thầy đã có người yêu rồi.

Người yêu của thầy tốt đẹp như vậy, mà bọn họ kẻ thì bảo em tính tình xấu, người lại bảo em mắc bệnh lạ. Bọn họ mới bệnh! Người lớn nào hình như cũng mang bệnh trong người, cái căn bệnh mang tên: định kiến. Tụi con nít xóm này dù bị xua đuổi cũng vẫn cứ bám lấy chân Nguyệt mỗi khi có cơ hội, vì chỉ có những tâm hồn trẻ thơ sáng như gương đó mới không bị hai chữ "định kiến" làm lu mờ đi.

Nguyệt nói thật ra em đã quen với việc này rồi. Thậm chí ngày xưa cả bọn trẻ cũng chẳng hề ưa em. Lúc Nguyệt mới ra khỏi chùa, bọn nó cứ thấy em là chạy theo chọc ghẹo ác ý, có đứa còn chơi xấu bắt côn trùng ném vào người em nữa. Nhưng mà có một hôm tình cờ con bé Na thấy Nguyệt cầm quyển truyện cổ tích trên tay, nó không biết là sách gì, chỉ thấy trên bìa có hình công chúa hoàng tử đẹp quá đỗi bèn tò mò đến ngẩn ngơ. Con bé nuốt nước bọt đánh bạo lại gần, thỏ thẻ xin em đọc to lên cho nó nghe với. Bé Na lúc đó chưa đầy năm tuổi, móng tay toàn là đất, bím tóc bù xù gắn cái bông héo quắt, im lặng ngồi nghe Nguyệt đọc từ Lọ Lem cho đến Công chúa ngủ trong rừng. Chân nhỏ không chạm đất đong đưa trên ghế, tới mấy đoạn khoái chí thì cười lên khanh khách làm thằng Lộc nhà bên cũng phải tò mò ngó qua. Thằng Lợi anh thằng Lộc đi chăn bò về, thấy cu em mình cứ đứng bên hàng rào nghệt mặt ra thì tò mò trông theo hướng nó nhìn.

Chỉ thấy trước mảnh sân xinh xắn nhà bên, dưới ánh chiều tà, Nguyệt ngồi đó cẩn thận thắt lại cái bím tóc bù xù cho bé Na, còn hái thêm bông sứ trắng, cẩn thận chùi hết nhựa hoa đi rồi mới gắn lên hai bên tóc. Xong xuôi thì lại vờ làm mặt cau có đuổi con bé về, mà con bé thì vừa được nghe kể chuyện vừa được bím tóc đẹp nên nào có để tâm, vui vẻ đến mức nhảy chân sáo về nhà.

Thằng Lợi thằng Lộc, người lớn ngắm người lớn, trẻ con nhìn trẻ con, nhìn đến quên cả đất trời.

Từ đó trở đi, hai anh em nhà nó, cùng tụi con nít trong xóm mới dần dần thay đổi cái nhìn về Nguyệt. Chẳng quan tâm người lớn nói gì nữa, bọn nó cứ thế kéo tới làm phiền em mỗi khi có cơ hội, lúc thì bắt đọc truyện, lúc thì đòi dạy đan lá, đuổi về cũng không chịu về.

"Những ai như trẻ nhỏ thì mới được vào Thiên Đàng", một ông bạn người Pháp từng nói với thầy Thiết như vậy.

Nhưng cái làng này thì có được mấy đứa con nít đâu? Mỗi ngày Nguyệt vẫn phải vô duyên vô cớ đối mặt với bao nhiêu là ác ý, cứ nghĩ đến đây là thầy lại đau lòng không thôi.

"Em có muốn cùng tôi đi nơi khác sống không? Bất cứ đâu, lên thành phố, hoặc đến tỉnh khác cũng được, tất cả đều tùy ý em."

Thầy Thiết nói vậy đó. Thầy nói với em như thế, rồi trong khi em còn chưa quyết định được mình có nên theo thầy không, thì thầy đã không nói không rằng mà bỏ đi rồi.

Tháng mười một tây lịch, đêm hôm trước thầy còn cùng em thổi nến chúc mừng sinh nhật, đến hôm sau lại chỉ còn một mảnh thư.

Tửu lượng của Nguyệt không tốt, hôm qua lại phá lệ uống một ly rượu vang đầy, mơ mơ màng màng được thầy cõng về nhà, cứ thế ngủ li bì cho đến gần trưa. Quà sinh nhật tặng thầy là một chiếc áo khoác len em tự đan theo sách hướng dẫn, vụng về xấu xí. Ngủ một đêm dậy mới thấy xấu hổ, định chạy sang đòi lại quà thì chỉ thấy cửa đóng then cài. Trên tay nắm cửa là một mảnh thư không dài không ngắn. Thư gửi cho em, thầy viết rằng xin lỗi vì không thể kể rõ lý do đã phải vội vã tạm biệt, bảo em cứ ở lại nhà thầy, còn nhấn mạnh nhất định phải ở trong nhà thầy, mùa xuân sang năm thầy sẽ quay lại đây, bảo em gắng chờ.

Hai vai Nguyệt buông thõng, môi em mím lại, run rẩy. Chờ? Anh lấy gì đảm bảo sẽ quay lại đây? Bảo em cứ thế ngu ngốc chờ? Anh rốt cuộc cũng không chịu nổi cái xóm nghèo nát này rồi chứ gì? Trở lại với thành phố xa hoa của anh, đàn ông thì lịch thiệp, phụ nữ thì xinh đẹp, việc gì phải kẹt lại đây với một đứa như em? Đem cái nhà này cho em xem như đền bù? Em không cần! Không cần thầy, căn nhà này càng không!

Nguyệt muốn khóc, muốn mắng người, uất ức không có chỗ trút, em chẳng thể làm gì ngoài bất lực nghẹn ngào nức nở. Sân nhà thầy có một chậu mai nhỏ chiết từ gốc mai nhà em, bị Nguyệt tức giận hất đổ xuống thềm, lá thư bị em vò nát nhàu trong tay, vứt xuống con suối nhỏ, theo dòng nước trôi đi mất.

Hai tháng qua đi, Nguyệt lại trở về với em của trước kia, hoặc tệ hơn, không cười không nói kể cả với bọn trẻ. Thầy Thiết đi rồi chẳng còn ai dạy chữ, anh Nguyệt cũng không chơi với tụi nó nữa, tụi nhỏ trong xóm buồn thiu.

Có một lần Nguyệt lăn ra bệnh, Lợi sang thăm rồi chăm sóc em, sẵn tiện nói xấu thầy Thiết, mắng đến là hăng say. Cậu ta một phần vì muốn chiếm lại cảm tình của Nguyệt, một phần là tức anh ách thật. Ông thầy mắc dịch đó không biết từ đâu chui ra, cướp mất Nguyệt của cậu ta, xong xuôi lại ra đi chẳng nói chẳng rằng, để lại Nguyệt buồn bã, bệnh đến mức không dậy nổi, mà thằng chả vẫn bặt vô âm tín.

"Ông có ngon thì đừng về nữa!" - Lợi nghiến răng nghĩ thầm.

Ba ngày sau thì Nguyệt khỏi bệnh. Em lồm cồm ngồi dậy, thẫn thờ nhìn cuốn lịch trên tường, rồi lại nhìn ra ngoài sân. Hăm mấy tháng Chạp, lại sắp đến Tết rồi mà mấy hôm nay em nằm liệt giường, quên mất không ngắt lá mai để cho cây ra nụ. Em xỏ dép, chậm chạp đi ra vườn, leo lên cái ghế đẩu, cẩn thận ngắt xuống từng cái lá xanh, như thể sợ rằng nếu mai không nở thì mùa xuân sẽ không về vậy.

Ngắt lá mai xong thì làm mứt, làm thật nhiều mứt gừng.

Nguyệt bệnh dậy cũng quên không cảm ơn người đã chăm sóc em. Như một kẻ vô tâm vô tình, vì trái tim và cả trí óc em đều chẳng còn ở đây nữa. Thằng Lợi biết, cũng hiểu nên chẳng trách móc gì em. Cậu ta thương Nguyệt còn không hết, giờ chỉ mong sao ông thầy kia lại xuất hiện, để cậu ta thay em đấm vào mặt ổng mấy phát cho bõ tức.

-

Thiết, người Pháp không ai quan tâm tên họ đầy đủ của anh ta là gì, mà chỉ gọi bằng biệt danh một chữ "Noir", có nghĩa là màu đen.

Noir được đào tạo để trở thành một phần trong bộ máy chính quyền thực dân Pháp, trong công cuộc biến đất nước da vàng bé nhỏ này trở thành thuộc địa. Tương lai của Noir đã được định sẵn là sẽ trở thành một Đốc phủ sứ chức cao vọng trọng.

Đốc phủ sứ (tiếng Pháp: chef de province) là một chức quan cao cấp dành cho người Việt trong bộ máy hành chính dưới thời Pháp thuộc, đảm nhiệm vị trí đứng đầu một trung tâm hành chính hoặc một đại lí lớn, quan trọng ở thuộc địa Nam Kỳ thời Đông Dương thuộc Pháp. Đốc phủ sứ được tuyển chọn trong số Tri phủ hạng nhất có thâm niên từ 3 năm trở lên, và chức quan này nằm dưới sự chỉ đạo của một viên chức người Pháp, đó là quan chủ tỉnh. - theo Wikipedia.

Noir chưa bao giờ hào hứng với công việc này, chỉ là không thích cũng chẳng ghét. Ba mẹ Noir mất sớm để lại con trai độc nhất cho ông bà nội chăm sóc, mà dòng họ nội từ bao đời đã làm cho chính quyền thực dân, thế nên anh cũng cứ thế mà theo. Vừa ra trường về nước, ông nội đã vạch sẵn cho anh một con đường: trở thành Tri phủ, sau ba năm sẽ được lên Đốc phủ. Noir chọn cái xóm nhỏ nghèo bên sông làm "địa điểm thực tập" đầu tiên của mình.

Vậy nên Noir mới bất ngờ xuất hiện ở đó. "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", anh dùng cái danh thầy giáo để dạy học cho bọn con nít hòng khai thác được nhiều tin tức từ chúng, đồng thời dễ dàng chiếm được cảm tình của mọi người từ già đến trẻ trong làng.

Nhưng mà ngay lần đầu thực tập đã xảy ra sai số. Tri phủ tập sự Noir chẳng biết chiếm được bao nhiêu cảm tình của dân làng nhưng mà trái tim và linh hồn thì đã sớm bị người ta trộm đi rồi.

Trái tim bị trộm mất ngay trong một phút giây bất cẩn, nhìn thấy em ngồi giữa đám trẻ con, mắt đẹp như hồ thu.

Mà linh hồn thì bị lũ con nít ở xóm nghèo, bị bờ sông khóm trúc, con suối nhỏ, chiếc cầu gỗ đơn sơ mộc mạc, bị vườn rau xinh xắn gọn gàng, bị đồng ruộng thơm mùi mạ non, cùng vạn điều xinh đẹp khác của quê hương, mang đi mất.

Noir vừa bắt đầu say sưa yêu đương, vừa liên tục viết thư về cho gia đình, bảo họ từ chối bọn người Pháp đi, anh không thèm làm Tri phủ hay Đốc phủ gì đó nữa!

Thuyết phục mãi không được, cuối cùng ông nội cũng tìm ra cái xóm nhỏ nơi cháu trai họ đang chơi trò yêu đương trốn tìm. Ông gửi một bức thư, đe dọa anh về gấp, nếu không thì sẽ chẳng có thương lượng gì cả.

Trong suốt khoảng thời gian đó, anh liên tục viết thư gửi về cho Nguyệt. Biết trước xóm nhỏ xa xôi hẻo lánh, thư mình viết sẽ không đến được tay em, nên trong bức thư để lại trước khi rời đi, anh mới dặn đi dặn lại Nguyệt nhất định phải ở lại ngôi nhà của anh. Ngôi nhà nằm lẻ loi riêng biệt bên bờ suối, là địa điểm duy nhất anh có thể chỉ cho thư lại, phu trạm* mà không sợ thất lạc.

Thư lại, phu trạm: cách gọi bưu tá, người đưa thư trong thời Pháp thuộc.

Cũng bởi vì quá ngu ngơ chủ quan, không nghĩ rằng Nguyệt sẽ tức giận đến mức chẳng thèm quay lại ngôi nhà đó dù chỉ một lần, bao nhiêu là thư từ moi hết ruột gan ra để viết chẳng bao giờ đến được tay em. Nên Nguyệt mới không biết rằng thầy Thiết đã xin lỗi em vạn lần trong thư, đã mong nhớ em đến dường nào, đã vì em mà chấp nhận từ bỏ tất cả, ngay cả dòng họ cũng từ, cả tên trong gia phả cũng bị gạch đi.

Từ nay nếu có ai hỏi anh tên họ là gì, anh sẽ tự tin mà nói rằng tên mình chỉ có một chữ Thiết.

Tự tin mà nói rằng anh đã không làm tay sai cho giặc phản bội đất nước mình, đất nước đã sinh ra em và lũ trẻ, những phận người bé nhỏ mà anh lỡ đem lòng yêu thương.

...

Trưa 28 tháng Chạp, gió xuân hiu hiu thổi, xóm nhỏ nghèo ven sông lại được một phen xôn xao: thầy Thiết quay về rồi!

Nhưng mà trong nhà không có bóng Nguyệt, chậu mai bể tan tành dưới đất, thầy Thiết nhận ra người yêu nhỏ lần này có vẻ tức giận không hề nhỏ.

Mảnh sân bỗng ồn ào, lũ con nít lại nhao nhao kéo tới, đứa cười đứa mếu, con bé Na lại khóc hu hu, còn thằng Lộc thì tít mắt hỏi thầy có mua sô-cô-la về cho nó không.

Còn chưa kịp trả lời, thầy Thiết đã bị một người hùng hổ xông tới, dạt hết đám loi choi qua một bên, thẳng tay đấm một cú đau điếng lên mặt thầy.

Một cú vẫn chưa đủ cho Lợi hả giận, cậu ta xăng tay áo, nghiến răng muốn nhào qua đấm thêm phát nữa liền bị lũ con nít nhao nhao níu lại. Con bé Na vừa mới nín lại ngoạc mồm khóc tiếp. Mũi thầy Thiết chảy máu rồi!

"Ông còn mặt mũi quay lại đây sao? Ông có biết hơn hai tháng qua Nguyệt như thế nào không? Em ấy còn tệ hơn trước khi gặp ông, suốt ngày không nói không cười, tuần trước bị bệnh một trận mất mấy ngày mới khỏi. Vừa khỏi đã lồm cồm dậy ra vườn loay hoay làm gì đó không thèm nghỉ ngơi, cả ngày cứ như người mất hồn. Sao em ấy phải khổ sở đến thế vì một thằng đàn ông vô tâm khốn nạn như ông vậy?...."

Lợi còn mắng nhiều lắm, nhưng thầy Thiết không nghe nổi nữa rồi.

Đến tận lúc mọi người ra về hết mà bước chân thầy vẫn nặng trịch, không muốn vào nhà, cũng không dám chạy sang nhà em để nói một câu xin lỗi.

Người yêu nhỏ, liệu em có tha thứ cho tình yêu khờ dại này của tôi không?

Người yêu nhỏ, em sẽ chẳng bao giờ đến thăm tôi nữa sao?

...

Sáng 29 tháng Chạp, thầy Thiết chầm chậm mở cửa nhìn khoảng sân vắng lặng buồn bã. Nắng xuân ngập tràn, hắt xuống con suối nhỏ lấp lánh; lũ chim lại hót ríu rít trên cành, mà cây đàn ghi-ta trong tay thầy lại chẳng thể gảy nên chút giai điệu nào vui tươi.

Người yêu nhỏ, Tết đến rồi, hôm nào thì em đến?

Sáng 30 tháng Chạp, nhà thầy Thiết không có hoa mai, không có mứt Tết, người yêu nhỏ cũng không. Lũ trẻ hôm nay cũng làm sao ấy, chẳng có đứa nào sang chơi. Thầy buồn quá, lôi chiếc áo len em vụng về đan tặng mình ra mặc. Áo em tặng được thầy mặc suốt mấy tháng qua, đã cũ lắm rồi.

Chiều tối, xóm nghèo bên sông lại được một phen lao xao nữa! Tụi nhỏ trong xóm chia làm hai tốp: tốp một do thằng Lộc cầm quân, kéo đến nhà thầy Thiết, báo tin anh Nguyệt lại bệnh lăn quay rồi; tốp Hai do bé Na dẫn đầu, chạy sang nhà anh Nguyệt gào toáng lên thầy Thiết buồn tới mức té xỉu!?

Trẻ con mà đi bịa chuyện nói dối như vậy là không tốt đâu nhé, nhưng vẫn được vào Thiên Đàng!

Giữa khoảnh khắc đất trời giao hòa, có hai linh hồn lạc mất nhau trong hốt hoảng mà tìm thấy đối phương. Lo sợ, bần thần, rồi nhẹ nhõm cho nhau cái ôm siết chặt.

Ôm vào mới thấy, người yêu trong tay gầy đi thật nhiều...

Lũ trẻ ranh hai tay bịt mắt, có đứa vẫn he hé lén nhìn. Thằng Lợi tức tối muốn xì khói, quát một tiếng giải tán hết cả đám. Tụi nó bung chạy, vừa cười vừa hét, giòn tan như tiếng pháo nổ đêm 30.

Ôm Nguyệt trong tay, sờ được cả xương cánh bướm, thầy Thiết đau lòng không nói nên câu, bao nhiêu lời giải thích xin lỗi gì đó bay mất sạch, chỉ có thể lí nhí bảo rằng: "Anh về rồi, giữ đúng lời hứa với em..."

Đôi mắt đẹp vốn đang long lanh của Nguyệt trợn to nhìn thầy, một giọt nước không giữ nổi mà lăn xuống gò má, em mím môi mắng: "Anh dám không về không? Sách anh đưa em đọc hết rồi, mấy hộp sô-cô-la anh cho em ăn sạch sẽ rồi, mứt... mứt gừng cũng làm xong rồi. Anh dám không về không?"

"Đ-đừng khóc...", thầy cuống quýt đưa tay lau nước mắt cho người yêu nhỏ, vẫn quen thói dỗ dành em như trẻ con, "Mai đưa em lên thị xã chơi xuân nhé, chịu không?"

Dắt em đi thật nhiều nơi, đến bất cứ nơi nào em muốn. Ở đâu cũng được, miễn là em hạnh phúc.

Riêng anh, có em cạnh bên là mùa xuân đã đủ đầy rồi.

-
End 🥰.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro