7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thanh rời khỏi làng khi trời còn chưa sáng rõ, khi gió chưa ngừng tắt trên những rặng tre đầu làng, và cả cơn mưa như trút nước vẫn chưa ngừng đổ xuống những mái ngói đỏ tươi thấp thoáng hiện ra giữa màn mưa trắng đục khi nhìn từ con đê cao xuống.

Bắt một chiếc xe ôm chạy dọc theo đường quốc lộ về phía Bắc, Thanh bần thần nhìn các loại phương tiện giao thông đi ngược chiều mình, như thể một thằng con trai lần đầu xa nhà, cứ mỗi lần nhìn một chiếc xe máy hoặc ô tô chạy vụt qua là anh lại ngoái đầu nhìn, vởi vẻ thiết tha muốn được đi cùng trên những chuyến xe ấy. Bác chở xe ôm vẫn tập trung làm tốt công việc của mình, là đưa anh thanh niên nọ rời xa quê mình.

Đây là lần thứ hai Thanh xa nhà, lần thứ nhất là sau khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, khi đó chính Hùng là người dẫn em trai mình chân ướt chân ráo lên thành phố nhập học. Còn lần thứ hai là đây, 5h sáng, một ngày mưa ảm đảm, anh đi một mình mà chẳng rõ khi nào mới có thể trở về? Có thể là đợi đến khi kí ức của đêm đen đó lãng vãng phai mờ trong tâm trí, hoặc chí ít cũng là đến khi con người ta không còn nhớ nổi những tháng năm qua đã bị thời gian đổi màu dĩ vãng như thế nào?

Chiếc xe ôm dừng lại tại một quán ăn sáng nằm bên vệ đường mà theo như Thanh được biết là sau đây chừng nửa tiếng sẽ có chuyến xe đầu tiên lên Hà Nội chạy qua. Anh vốn có ý định vào trong Nam nhưng suy nghĩ mãi vẫn là quyết định dừng chân ở Hà Nội mặc dù cả hai nơi đó với anh mà nói đều là những nơi xa lạ với những con người hoàn toàn xa lạ.

6h sáng! Thanh ngồi tư lự trên chiếc ghế gỗ với chi chít những lỗ đinh do đã qua nhiều lần tái tạo, tựa đầu vào một cột tre, thứ được chủ quán dựng lên ở bốn góc làm nơi cố định chiếc bạt, gió thổi tung góc bạt tạo ra những tiếng phần phật nghe có vẻ rất dữ dội. Mắt Thanh vẫn nhắm nghiền nhưng không phải ngủ, bằng chứng là anh vẫn nghe thấy mồn một âm thanh của những chiếc bát đũa lách cách chạm vào nhau sau lưng mình, cảm nhận những ngón chân bị thấm ướt sau mũi giày đã hứng một lượng nước mưa vừa đủ. Phía xa xa, đèn pha từ chiếc xe khách nhấp nháy như báo hiệu sự hiện diện của mình, Thanh từ từ mở mắt, ngồi ngay ngắn, đội lại chiếc mũ phớt lên đầu rồi khoác ba lô đứng dậy, tư thế sẵn sàng đó chẳng cần anh phải đưa tay vẫy cũng đủ để bác tài hiểu ý dừng lại.

Xe mới ra khỏi bến được chừng năm phút nên vẫn chưa có khách. Phần nữa là vào mùa mưa như thế này cũng chẳng có mấy người ở thị trấn cần đi đâu đó bằng phương tiện xe khách. Thanh chính là vị khách đầu tiên bước lên xe, không thiếu chỗ ngồi nhưng anh lại chọn cho mình chiếc ghế cuối cùng, đặt ba lô sang ghế bên cạnh, anh ngả người ra ghế, tay khẽ vén tấm rèm che ở ô cửa kính, nhìn ra bên ngoài với ánh nhìn lơ đãng.

Xe chạy với tốc độ vừa phải, tuy vậy nhưng Thanh nhận ra hình như mình đã ở xa làng quá rồi. Bởi vì nơi này có đồng lúa xanh mướt chứ không phải là cánh đồng bị mưa lũ làm cho trần trụi như ở quê anh, hai bên đường là các quán xá với đầy đủ các loại mặt hàng kinh doanh. Nơi này đông vui và hiện đại, so với khung cảnh tĩnh lặng nơi đồng quê anh là một cuộc sống khác, một thế giới khác.

***

Bữa cơm sáng đầu tiên bên nhà chồng của Loan quả là khó nuốt trôi. Sau khi lo phần ăn cho chồng xong, bà Phú bỏ ra sau vườn, nơi lũ gã đang cắn nhau inh ỏi, suốt từ lúc nhìn bóng đứa con trai yêu dấu rời khỏi nhà cho đến giờ bà vẫn chưa mở miệng nói với ai câu gì. Bà ngồi ở góc vườn, khóc ngon lành, khóc vì thương con, xót con.

- Mẹ! Coi như là mẹ nể mặt con, hôm nay là ngày đầu tiên Loan làm dâu nhà mình, cô ấy đã nấu mấy món mà mẹ thích ăn nhất. Mẹ vào ăn với cả nhà đi.

- Mày tiếc công của nó thì cố mà ăn cho hết đi. Giờ tao không còn tâm trí đâu mà ăn với uống, mà cái mặt nó tao cũng không muốn nhìn.

- Lỗi là ở thằng Thanh chứ không phải cô ấy, mẹ cũng tận mắt nhìn thấy rồi còn gì, Loan là người bị xâm hại.

Hùng ra mặt bênh vợ, giống như chưa từng có xích mích xảy ra trước đó với Loan, có lẽ vì sau khi nghe cô nói sẽ bỏ về thị trấn nên anh luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ, anh nhận lỗi với cô, nói năng nhỏ nhẹ với cô, cũng thể hiện niềm tin đặt lại chỗ cô nên cô mới tạm nguôi ngoai mà cho qua chuyện. Với lại nếu giờ cô bỏ về nhà mẹ đẻ thì hàng xóm nhất định sẽ dị nghị, cô không muốn thấy bà ấy héo mòn vì phải lo nghĩ cho đứa con gái của mình thêm một ngày nào nữa.

Nhưng niềm tin của Hùng là một thứ gì đó rất dễ bị lung lay. Khi nghe bà Phú than thở về thằng Thanh, nó là một thằng hiền lành ngoan ngoãn, sống với nó bao nhiêu năm trời, tính nó như thế nào lẽ nào anh lại không biết thì anh lại bắt đầu hồ nghi tính chân thực của sự việc.

Nhưng vì yêu vợ, anh tìm cách gạt bỏ hết những suy nghĩ không hay về cô ấy qua một bên.

Thanh không xác định được chính xác nơi mà mình cần đặt chân đến nên sau khi chiếc xe khách trả anh ở bến, anh lại leo lên một chiếc xe bus khác với mục đích là đi lòng vòng quanh thành phố để thăm quan.

Thời tiết Hà Nội thật dễ chịu, ánh nắng phủ lên ô cửa kính một luồng ánh sáng và rọi vào một nửa khuôn mặt của Thanh, không giống như một vài vị khách xung quanh ngọ nguậy tìm chỗ tránh đi những hột nắng ấy, chàng thanh niên chân chất lại có vẻ thích thú với sự sống hiếm hoi nơi thành thị. Ở cái làng quê nghèo bốn mùa mưa lũ giống như làng anh thì việc được hưởng một ngày mùa thu có nắng có gió như này, nói không quá là một ân huệ từ ông Trời.

11h trưa, xe suýt soát dừng lại ở điểm dừng xe bus gần một trường trung học cơ sở đúng giờ tan tầm của học sinh. Kẻ xuống người lên chen chúc ở cả hai cửa trước sau. Thanh ngồi ở hàng ghế cuối, cảm thấy sự có mặt của mình trên chuyến xe này thật vô nghĩa nên anh xách ba lô bước xuống, hòa vào dòng người đi bộ trên vỉa hè.

Bụng réo rắt kêu đói, Thanh đưa mắt tìm kiếm. Đối diện cổng trường có một quán ăn bình dân, thiết nghĩ với một người lang bạt như anh thì nơi đó quả là một nơi dừng chân lí tưởng, anh khẽ gật đầu, như có vẻ hài lòng với quyết định của mình.

- Chú ơi, chú có đánh giày không?

- Đánh giày?

Thanh nhìn thằng nhóc đen đúa gầy rọp, cao lông ngông trong chiếc áo phông và quần đùi kiểu cũ, tay xách một chiếc thùng đồ nghề hơi ngước mắt nhìn anh. Nó có một đôi mắt sáng nhưng lì lợm, thật lâu mới chớp một cái. Ánh mắt Thanh nhìn nó rồi lại rơi xuống mũi giày thể thao của chính mình, một sự thương cảm sâu sắc làm giọng nói của anh như bị lạc đi.

- Xin lỗi cháu, chú không đi giày da.

- Vậy cháu lau qua giày cho chú nhé, giày chú bẩn hết rồi.

Thằng bé mím môi do dự, nhưng vẫn với sự lì lợm ấy, nó kiên quyết.  - Từ sáng đến giờ cháu chẳng đánh được đôi nào cả, cháu phải mua cơm cho cả em gái cháu nữa.

Không hẳn là xin xỏ nhưng cái cúi đầu bất lực của nó làm Thanh cảm động. Anh đặt tay lên vai nó, khẽ nói : - Đi theo chú!

Thằng bé lẽo đẽo theo sau chàng trai lạ mặt sang quán ăn bên kia đường. Vì đang là giờ cao điểm nên không dễ gì có thể tìm được một chỗ ngồi thoải mái cho hai người, Thanh đành nhường lại ghế ngồi cho thằng nhỏ, còn mình thì đứng tựa lưng vào mép tường trong lúc chờ bà chủ quán làm cho hai suất cơm ngon lành.

- Của cậu hết hai trăm.

- Cảm ơn!

Thanh đưa tay ra túi sau tính lấy tiền trong ví đưa cho bà chủ, nhưng sờ hết túi nọ đến túi kia cũng không thấy gì. Chết tiệt! Anh gắt lên một câu, quay lại tìm thì không thấy bóng dáng thằng nhóc khi nãy đâu cả. Không lẽ là nó? Thấy anh loay hoay mãi mà không trả tiền cơm cho mình, người chủ quán có vẻ sốt ruột.

- Nhanh lên cậu ơi! Tôi đang vội lắm.

- Tôi xin lỗi! Tôi sẽ quay lại ngay.

Thanh chạy ra khỏi quán, hoang mang nhìn dòng người tấp nập trên khắp các ngả đường. Anh hết chạy lên rồi lại chạy xuống, đứng giữa ngã tư đường, thằng nhóc đen đúa khi nãy biến mất như cơn gió, không để lại vết tích gì.

Đúng là chốn đô thị phồn hoa, loại người nào cũng có, nghề gì cũng có, trong đó bao gồm cả nghề trộm cắp. Thanh bất lực ngồi xuống một bồn hoa trên vỉa hè, giờ thì trên người anh không còn một xu dính túi, đến cả việc thuê một chỗ nghỉ tạm anh cũng không dám nghĩ đến nữa thay vì những công việc có thể kiếm ra tiền giữa lòng thành phố đang hiển hiện ngay trước mắt.

Nhớ lại những lời mẹ anh đã nói, bà bảo một mình anh lên thành phố không người thân thích làm sao sống được? Khi ấy anh còn quả quyết rằng mình là thanh niên trai tráng lấy bốn bể làm nhà. Giờ nghĩ lại thì tự thấy những lời mình từng nói có vẻ tự tin đến mức ngông cuồng, chợt thấy hối hận, thấy tủi thân làm sao?

- Chú!

Tiếng gọi rất khẽ, thoảng như tiếng gió, nhưng là tiếng gió rào rào trên mấy ngọn tre, ngọn chuối quê anh trong những ngày mưa lũ cuồn cuộn. Anh giật thót, quay sang bên cạnh.

- Chú phải cẩn thận chứ! Mấy thằng đánh giày ở thành phố đông đúc này dễ làm liều lắm, chú đừng có tùy tiện tin người.

Phải rồi! Anh biết chứ, có điều sau khi bị mất trắng năm triệu bạc anh mới rút ra được một chân lí như vậy. Nhưng điều mà anh lưu tâm lúc này không phải là cái chân lí hiển nhiên đó, mà là, anh đang được một con nhóc lên mặt dạy đời. Và hình như anh cũng không có vẻ gì là đang tiếp thu cho lắm "bài học" đầu tiên sau khi lên phố mà con bé dành tặng cho mình, mà đang bị cuốn hút mãnh liệt vào khuôn mặt xinh xắn,  vào đôi mắt to tròn đen láy, long lanh như vì sao đêm của nó. Kiểu như có một mũi tên thiện ý từ đâu bất ngờ xuyên qua lồng ngực anh, chạm khẽ vào trái tim anh, khiến nó bất cẩn đánh rơi một nhịp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro