Nghĩ thành công của người khác là một may mắn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bắt đầu làm một việc gì lúc nào cũng dễ hơn so với việc phải duy trì nó. Sự thôi thúc của động lực và viễn tưởng về một thành công tốt đẹp luôn làm ta không màng đến những khó khăn ban đầu mà xông pha vào làm việc. Nhưng sẽ ra sao nếu nối tiếp khó khăn này là vô vàn khó khăn khác. Sẽ ra sao nếu sự rào cản của bản thân đang vượt mức ta tưởng tượng. Và liệu ta có đi đến nơi ta muốn?

Những khó khăn đã giúp tôi hiểu được kết quả hiện tại xứng đáng với sự nỗ lực của bản thân như thế nào (hơn 1111 độc giả trong vòng một tháng). Tôi cho là thành công không hẳn nằm ở con số thống kê dần vượt mức mong đợi, mà là tôi biết mình đã bỏ sức nhiều ra sao để đạt được thành tựu đó. Hồi còn mới chập chững rèn từng câu chữ cho tròn ý, tôi nhận ra ý tưởng về nội dung chỉ chiếm một phần của sự nỗ lực, cái quan trọng còn lại là diễn đạt được ý nghĩa đó. Và viết thế nào để dễ đi vào lòng độc giả, viết thế nào để giúp họ lĩnh hội được điều mình muốn truyền tải. Những vấn đề đó dường như vượt quá khả năng giải quyết của tôi hiện tại. Tôi đành dẹp tan sự do dự mà tập trung vào phạm vi mình có thể, vì tôi biết do dự chính là thứ giết chết thời gian và ngăn cản người ta chạm đến những cơ hội.

Viết lách ban đầu chỉ đơn thuần là việc nghĩ gì viết đó, cái phức tạp hơn chỉ xuất hiện khi tôi thật sự dồn hết sức và xem như một công việc hái ra tiền. Mọi khó khăn đến từ lúc tôi đặt những câu hỏi: Sản phẩm của tôi mang đến những gì cho độc giả? Viết như vậy đủ hay chưa? Liệu có ai quan tâm đến những vấn đề mình quan tâm không? Và nếu chỉ nghĩ gì viết nấy như cuốn nhật ký hằng ngày, thì lấy lý do gì để níu kéo lượt đọc của độc giả? Một câu hỏi sẽ đi kèm với một khó khăn mà tôi phải đối mặt, kèm với một vấn đề phải giải quyết và nhất là kèm theo vài thiếu sót cần phải bù đắp.

Nhớ những buổi sáng thức dậy, chẳng màng đến việc ăn uống, thậm chí là đánh răng rửa mặt, tôi lao vào bàn học như một con thiêu thân, bật laptop lên và viết. Tôi tập trung đến khi bị acid dạ dày nhắc nhở, làm cồn cào cả bụng thì mới biết mình đã qua giờ trưa rồi. Nhưng vì đang viết dở với những ý tưởng chưa thoát chữ, tôi không muốn làm cắt đoạn sự mạch lạc chỉ vì đánh rơi cảm xúc, nên đành phải ôm cơn đói từ sáng mà viết tiếp. Nhiều lúc tôi xém ngất vì kiệt sức, cơ thể hoàn toàn không thể làm thêm bất cứ việc gì nữa, lựa chọn bắt buộc lúc đó là phải dừng bút mà nạp năng lượng vào. Tôi tranh thủ mọi thời gian nghỉ dịch để học và làm thêm nhiều thứ khác, cố gắng tôi luyện con người mình từng chút một. Tôi hết luyện thanh, rồi chuyển sang luyện piano; học tiếng anh, rồi đến tiếng pháp, còn muốn thử thách não va chạm với nhiều thứ tiếng trong 1 tháng; tôi học cắm hoa, nấu ăn, từng việc lặt vặt trong nhà và cách sắp xếp mọi thứ vừa ngăn nắp vừa tiện dụng; tôi đọc thêm tài liệu nghiên cứu khoa học và lĩnh hội từ vài trang y học thường thức, vận dụng chúng vào đời sống; ngay cả cách đi đứng, ăn nói, tư duy tôi cũng học cẩn thận từng chút một. Sở dĩ bạn cảm thấy tôi quá tham lam khi muốn nuốt chửng mọi loại kiến thức là vì tôi đang tiếc nuối quãng thời gian lãng phí lúc trước. Bảo thủ rằng đó là cá tính và bản chất của mình đang làm hạn chế con người tôi tiếp xúc với những nền văn minh và nguồn tài nguyên khác. Tôi cho rằng việc làm như thế này đó mới là tôi và tôi phải bảo vệ nó, không muốn ai chỉ bảo hay bắt mình phải làm điều gì, những người nhỏ tuổi hơn mình lại càng không. Làm như thế chẳng khác nào tôi đang ngăn mình vươn đến sự hoàn thiện và hạnh phúc. Tôi cũng biết khẳng định cá tính và năng lực là điều mà tuổi trẻ bọn tôi muốn chinh phục nhất. Tôi cũng thích đưa ra những ý kiến phản biện để muốn người khác thấy được sức quyết liệt toát ra từ cá tính đó. Nhưng nghĩ lại xem, phản biện hay là ngụy biện, cá tính hay chỉ là cái tôi nông nổi và bốc đồng. Con người tôi nhìn kỹ lại cũng chẳng hay ho là bao, tôi có quá nhiều khuyết điểm, phạm rất nhiều sai lầm mà bản thân không thể nhìn ra hoặc là đã không nhìn ra đúng thời điểm. Vậy mà tôi lại từ chối sự chỉ bảo và hướng dẫn của mọi người chỉ vì cái gì, vì cái tôi bảo thủ và kiêu ngạo này sao!

Để có thể học cũng như nhận thức thêm nhiều điều từ cuộc sống, tôi buộc vứt đi cái tôi thối nát mà tự nhận mình là một kẻ dốt thiết tha sự dạy bảo của mọi người, cả những đứa trẻ nhỏ tuổi khác cũng vậy. Tôi không những học từ những người giỏi mà học luôn cả những người tệ; không những học từ những người tốt hoàn hảo mà học luôn cả những người xấu hay gây phiền phức cho tôi. Các bạn ắt hẳn sẽ bảo tôi là người không biết chọn lọc khi tiếp nhận một cách hồ đồ như thế. Không đâu! Tôi tự nhận mình là kẻ dốt vì sự mong cầu học được mọi thứ nhanh và nhiều nhất có thể, dần hoàn thiện bản thân mình. Học ở những khuyết điểm và sai lầm của họ giúp tôi có một cái nhìn chi tiết và cân nhắc hơn về những cản trở mà tôi có thể sẽ gặp. Ít ra thì tôi đã biết xử lý tình huống theo cách này thì bản thân sẽ phải đối mặt với những hậu quả như thế nào. Những cư xử không đúng mức chính là một dạng bài tập, tôi học cách nhìn người sâu hơn, hiểu những động cơ họ hành xử và cảm thông cho những hành động đó. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy tôi: "Khi một ai đó nóng giận, họ ắt hẳn rất đau khổ và vì đau khổ họ đã phải trút lên con. Và con thì không như vậy, con không bị sự trút giận đó khiến con đau khổ theo, con vượt qua được bản thân mình, con thương cho họ, vì biết rằng có lẽ họ đã không hạnh phúc. Con đã dùng sự bao dung và tình yêu của mình để cảm thông họ. Không ai có thể làm con đau khổ được" Tôi đã thực tập theo lời dạy của ngài, khi một ai vì muốn người khác công nhận mình giỏi mà vô tình xúc phạm tôi, khi một ai vì sự mê hoặc của những thứ khác mà vô tình làm tổn thương tôi. Việc mỉm cười và cảm thông, tận dụng những kẻ địch, những người ghét mình để thực hành một bài học ý nghĩa khiến tôi của bây giờ luôn tràn đầy hạnh phúc và biết ơn. Chiến thắng cái tôi của bản thân bằng cách lắng nghe và xin lời khuyên từ những người xung quanh, đôi lúc lời khuyên cũng đi kèm với vài ánh mắt chê bai. Nhưng không sao, con trai mà chẳng trải qua gian khổ thì sao thành viên ngọc quý báo được, con người mà chẳng thể vượt qua sự phán xét tiêu cực thì sao có thể trở nên hoàn thiện. Tôi không phải cho phép người ta xem thường mình, tôi là vì không muốn những ý xấu vô tình đó làm mất đi một khoảnh khắc hạnh phúc của hiện tại. Con người có quyền tự do suy nghĩ và có đôi khi họ cũng chả ý thức hay làm chủ được điều đó. Thế cớ sao ta lại phải bận lòng đúng không?

Sau cái tuần mà tôi được 500 độc giả, có vài người bảo tôi thật ngầu khi viết được sách. Tôi đôi lúc cũng khá bối rối tự hỏi:

"Liệu có ngầu khi viết được sách không?"

Tôi dám cá là việc viết này cũng không quá giỏi giang gì đâu. Nhưng như vậy không có nghĩa đột nhiên một buổi sáng tỉnh dậy mà tự ngồi viết liên tục mấy chương dài. Mỗi phần trong sách đều nên có nội dung, ẩn chứa những kinh nghiệm tích lũy, những bài học đã được thực hành và bí quyết trong cuộc sống. Để có thể viết liên tục 6 giờ liền, nghĩa là tôi phải có 6 tuần để tiếp cận, 6 tháng để học và 6 năm để thực hành. Để có thể toát lên những ý tưởng trong một đoạn văn, nghĩa là tôi phải đọc một chục cách diễn đạt trong những cuốn sách khác. Và để dám tự tin đăng những tác phẩm của mình cho công chúng, nghĩa là tôi phải đọc đi đọc lại hàng chục lần để trau chuốt và rút kinh nghiệm cho chương tiếp theo. Như vậy có nghĩa rằng, việc viết thật sự không khó và đâu đó là may mắn thừa hưởng từ vài năng khiếu có được, nhưng nó sẽ không bao giờ tạo nên một tuyệt phẩm nếu như chưa trải qua quá trình tôi luyện và tích lũy kiến thức.

Ở một vài người thường len lỏi những suy nghĩ như "Chà! Thành công của nó đấy à, may mắn thôi!" Tôi thấy buồn nếu ai đó có tư duy như thế! Họ sẽ chẳng tài nào hiểu được vinh quang của một thành công là nằm ở những ngày cố gắng gượng dậy từ rất nhiều lần vấp ngã, là những lần đối đầu với thử thách và thậm chí là cả nghịch cảnh. Tôi sẽ không thể nào hoàn thành một cuốn sách nếu như không đủ kiên trì. Và để kiên trì, có nghĩa là tôi phải vượt qua rất nhiều cám dỗ khác, kiên quyết ngồi hàng giờ liền mà viết cho bằng được. Nhớ những hôm tôi như một con trốn trại, tóc tai bù xù ngồi cả ngày trời mà chả viết được bao chữ. Sang hôm sau lại cảm thấy quá tệ mà xóa một lần công sức của mấy ngày cặm cụi. Tôi ít khi nào kiên trì như thế, làm cái gì cũng hay dở dở ương ương, thất bại hơi bị nhiều lần đấy chứ. Nhưng may mắn thay, chính cuốn sách này đã cho tôi thấy: tôi đủ mạnh thế nào để đánh bại hàng vạn con quỷ lười, thằng ma do dự, sự dốt nát và tự ti của bản thân. Và cũng vì lẽ đó, mà tôi gọi nó là thành công.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro