Hậu phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dưới đây là vài dòng tâm sự mấy chuyện thú vị tìm được trong lúc ngụp lặn trong đống tài liệu về Truyện Kiều trên mạng, ai có hứng thú có thể đọc, nếu muốn hỏi phần 2 đâu thì xin chờ, khi nào mị viết xong phần 2 sẽ up một lượt, còn nếu cả hai đều không thì xin bái bai, hẹn gặp lại lần sau!

Từ ngày đầu tiên học Truyện Kiều đã không thích Thúy Kiều, cũng không thích bất kỳ một nhân vật nào cả. Mãi về sau nhờ có cao nhân Zổ chỉ điểm mới đi tìm hiểu về nhân vật Hoạn thư, và càng tìm hiểu thì càng cảm thấy bản thân quả thực rất thích nhân vật này. Thật sự rất cảm ơn Zổ về chuyện này.

Hoạn thư, giờ thì lúc viết tên vị này hẳn ai cũng viết là Hoạn Thư, nhưng trong Kim Vân Kiều truyện, Hoạn thư không phải là họ Hoạn tên Thư mà nghĩa là con gái nhà họ Hoạn. Vậy nên trong toàn bộ câu chuyện này, mị chỉ gọi Hoạn thư là Hoạn thư hoặc Hoạn tiểu thư.

Cả trong Truyện Kiều và cả trong Kim Vân Kiều truyện đều không nói tên của Hoạn thư là gì, chỉ đơn gọi là Hoạn thư. Trong câu chuyện này cũng sẽ y như thế, mị sẽ không cố bịa ra một cái tên cho nàng. Bởi trong mắt nhân thế, nàng chỉ là con gái Hoạn gia, còn trong mắt người thân, nàng là bảo bối trong tim họ, tên là gì cũng không thể thay đổi được điều đó. Ngoài ra còn là vì Hoạn thư là con gái tể tướng đương triều, mà mọi người đều biết đấy, có thể ngồi được vào cái vị trí đó, học phú không chỉ chất đầy ngũ xa đâu, mà phải là ngũ thập xa! Mị tự nhận thấy học phú bản thân còn chưa chất đủ một xe nữa, không đủ khả năng đặt tên cho con gái tể tướng.

Hoạn thư trong Truyện Kiều và Hoạn thư trong Kim Vân Kiều truyện khác nhau khá nhiều, và đây cũng là một trong những nét thay đổi lớn khiến truyện thơ nôm của Nguyễn Du lại được coi trọng hơn tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân. Nàng thông minh hơn và đặc biệt, có chiều sâu nội tâm hơn, nhưng chuyện này khó mà nhận ra được vì trích đoạn Truyện Kiều được học trong sách giáo khoa quá ít, đoạn trích duy nhất có sự xuất hiện của nàng là Báo ân báo oán, mà trong đoạn trích ấy học sinh sẽ được phân tích cho biết sự thông minh, nhanh trí, dẻo mỏ của Hoạn thư, nhưng làm kiểu gì cũng sẽ phải đá sang cho bằng được sự bao dung, độ lượng, từ bi của Thúy Kiều.

Câu thơ mà mị cảm thấy có thể bộc lộ được cái gọi là chiều sâu nội tâm của Hoạn thư chỉ có đúng một câu thôi.

"Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm"

Câu thơ này trong đoạn kể về thời điểm Thúc sinh gặp lại Kiều sau một năm dài ngỡ nàng đã chết. Đa số các bài phân tích trên mạng đều sẽ hiểu theo cách: người ngoài là ám chỉ Hoạn thư, người trong là ám chỉ Thúc sinh và Thúy Kiều. Nhưng mị thích hiểu theo cách người ngoài là chỉ bộ dáng bên ngoài, còn người trong là chỉ nội tâm hơn, như vậy thì câu thơ này đều đúng với cả ba người trong hoàn cảnh đó. Thúy Kiều khóc vì nhận ra hoàn cảnh éo le của mình, Thúc sinh khóc vì phải nhìn người tình của mình bị người ta hành hạ, còn Hoạn thư khóc vì phải nhìn cảnh chồng mình khóc vì người không phải mình. Chỉ một câu này mà tự dưng trong lòng cảm thấy, ù ôi hóa ra Hoạn thư cũng là người sâu sắc như thế! Giống như phát hiện ra đại lục mới vậy.

Giờ nhắc đến Hoạn thư, trong lòng mị sẽ không hiện lên một mụ đàn bà chanh chua, ngoa ngoắt, độc ác, mà là một người vợ không thể tự do thể hiện sự tức giận của mình khi chồng bạc tình quả nghĩa lại còn phải nghĩ cách giữ thể diện cho hắn. Thật sự là quá bất công!

Thêm vài điều bất công nữa dành cho Hoạn thư.

Một, là ai cũng bảo rằng Hoạn thư hành hạ Thúy Kiều quá độc ác. Mị lại không cảm thấy như thế. Hoạn thư chưa từng đánh đập nàng, cho nàng ăn cơm đầy đủ, cho nàng chỗ ngủ hằng đêm, cho nàng một công việc trong sạch. Thị tỳ trong nhà ít ra cũng hơn phải làm gái nhà thổ rất nhiều, đúng chứ? Hơn nữa trong Truyện Kiều, sau khi biết Thúy Kiều là người có tài, thái độ của Hoạn thư với nàng cũng đã nương nhẹ hơn nhiều.

Hai, mị đã từng đọc được một bài phân tích nói rằng, Hoạn thư cho Thúy Kiều là Quan Âm Các chép kinh là hủy hoại tài năng của nàng. Thật luôn! Chỉ chép kinh thôi cũng có thể hủy hoại tài năng của nàng Kiều! Tin nổi không?! Chép kinh mà làm như chép hoàng thư vậy, trong khi đó rõ ràng Thúy Kiều chủ động xin nương nhờ cửa Phật. Tôi cũng đến quỳ với vị nào có suy nghĩ này.

Về bốn người Xuân Hạ Thu Đông thì có một nửa là do mị tự bịa ra, một nửa là dựa trên nhân vật cho trong truyện. Trong Truyện Kiều, đoạn Thúy Kiều ra Quan Âm Các chép kinh, Hoạn thư có cho hai thị tỳ theo hầu gọi là Xuân, Thu. Trong Kim Vân Kiều truyện thì có rõ ràng hơn, ghi hẳn tên hai người là Xuân Hoa và Thu Nguyệt, đất diễn cũng thêm được một chút nhờ có sự xuất hiện của Hoạn bà trong cuộc báo oán của Thúy Kiều.

Hạ Liên và Đông Tuyết thì hoàn toàn là do mị tự bịa thêm cho đủ bốn mùa. Và đương nhiên tài năng và trí tuệ của cả bốn người họ đều là mị tự chém.

Viết truyện dựa trên Truyện Kiều mà không nhắc đến Kiều thì hơi sai sai. Mị xin nói một chút cảm nghĩ về nàng vậy.

Như đã nói từ đầu, mị không hề thích Kiều chút nào, cái sự không thích này chủ yếu là vì cá tính của bản thân. Mỗi lần học Kiều là một lần xuyên tạc. Điển hình nhất là lúc học Trao duyên.

Mị vẫn còn nhớ hồi học Trao duyên, cô giáo thì bô bô trên bục bảo rằng nàng khổ tâm thế nọ đau đớn thế kia, mị thì ngồi ngay bàn đầu, truyền giáo cho con bạn ngồi bên cạnh thế này:

- Đây, mày xem câu này. Rõ ràng là ý bảo, dù chị trao Kim lang cho em, trao cả tín vật cho em, nhưng dù em có cầm tín vật của chị thì người trong lòng Kim lang vẫn là chị, chàng sẽ không bao giờ yêu em đâu!

Thề luôn! Lúc đó cảm thấy Thúy Kiều thật sự là chẳng ra làm sao, chị gì mà lại bắt ép em gái lấy một kẻ không yêu mình. Vậy mà mỗi lần phân tích Trao duyên đều phải nói hay nói tốt cho Thúy Kiều, cảm thấy cả lòng đều trống trải ༼ ༎ຶ ෴ ༎ຶ༽

Trao duyên trong mắt mị cứ như là Thúy Kiều bảo em gái ở lại giữ chỗ cho mình vậy, chờ một ngày nào đó nàng có thể trở về thì Kim lang vẫn là của nàng, nếu không thể trở về thì cũng chẳng thuộc về kẻ khác. Mỗi lần nhìn thấy Thúy Vân chẳng lẽ lại sợ hắn không nhớ đến Thúy Kiều sao?

Mị thấy sách giáo khoa quả đúng là sách giáo khoa, quá cứng nhắc, biến hình tượng Kiều trong lòng trăm người đều như một: đẹp, tài, có tình có nghĩa, lúc nào cũng bị cuộc đời ép uổng phải làm những chuyện nàng không muốn. Trong khi đó hình tượng trong lòng mị lại là thế này: đẹp, tài, có tình có nghĩa, số khổ, đụng chuyện là chỉ biết khóc (trong khi mị cực kỳ ghét kiểu người này), người ta chạm nhẹ vào một chút đã giãy đành đạch cả lên (hoặc có người thay nàng giãy đành đạch cả lên, ví dụ như vụ chép kinh bên trên), làm chuyện gì cũng đổ tại hoàn cảnh.

Có một học thuyết là càng nghĩ đến chuyện gì nhiều thì chuyện đó cuối cùng cũng sẽ xảy đến. Mị cảm thấy nó ứng nghiệm vào cuộc đời Kiều rồi, nàng càng nghĩ tương lai nàng không ra gì thì đúng là nó không ra gì thật ╮(╯_╰)╭

Mị phát hiện ra trong quãng thời gian lưu lạc của mình, giá trị quan của Thúy Kiều thay đổi nhanh không ngờ, và cũng rất hợp lý. Hồi còn trẻ Kiều chọn Kim Trọng – một kẻ có tài có sắc, không quyền thế, tiền bạc có không thì không biết. Sau khi buộc phải bán thân lấy tiền, nàng nhận ra tiền rất là quan trọng, tiền có thể làm được nhiều thứ, tài sắc chả là cái đinh gỉ gì, nên nàng chọn Thúc sinh – một kẻ có tiền, rất nhiều tiền. Nhưng ngay sau đó nàng cũng nhận ra, Thúc sinh cũng chỉ là đinh gỉ trước Hoạn thư – con gái tể tướng, nên sau đó nàng chọn Từ Hải – một kẻ có quyền, quyền đến mức có thể thay nàng đập bẹp Hoạn thư. Rồi đến cuối nàng nhận ra, quyền cũng chẳng thể bảo vệ được nàng luôn. Từ Hải có quyền nhưng có kẻ còn có quyền to hơn. Vậy nên cuối cùng, khi Kim Trọng trở thành một kẻ vừa có tài vừa có sắc vừa có quyền (tiền vẫn không biết có không), nhưng quyền không thể bằng Từ Hải, tiền (dù không biết có không) chẳng thể bằng Thúc sinh, tài sắc lại càng không bì được với Thúy Kiều, nàng đếch thèm theo hắn nữa.

Về Từ Hải, cùng với vị anh hùng này thì Vương Thúy Kiều và Hồ Tôn Hiến là ba nhân vật duy nhất có tồn tại trong lịch sử. Cũng phải cảm thán thêm là Thúy Kiều bị mệnh kẻ thứ ba đeo bám, ngoại trừ với mối tình đầu với Kim Trọng ra thì tất cả các cuộc tình sau đều trở thành kẻ thứ ba. Mã giám sinh – Tú bà, Thúc sinh – Hoạn thư, ngay cả với Từ Hải trong cả Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện đều bị lược bỏ, nhưng trên thực tế trước khi có Thúy Kiều thì Từ Hải đã có một thiếp tên là Lục Châu.

Về Thúy Vân, cảm giác của mị đối với vị này là, một kẻ vô hình trong nhà họ Vương. Trên có một người chị như Thúy Kiều dựa vào tài sắc có được sự yêu quý của mọi người. Dưới có một em trai càng khỏi phải nói, chỉ cần dựa vào mẩu thịt thừa ra giữa hai chân hắn là đã quá quan. Một khúc đầu đuôi đều được người ta dồn hết tình cảm hết công sức chăm nom, khúc giữa thì được gì? Thúy Vân trên không bằng Kiều, dưới không bằng Quan, nàng được cái gì nữa đây? Bởi vậy mới nói chính sách hai con quả thực là quá chí lý chí tình!

Về cơ bản thì trong mắt mị, Truyện Kiều có bốn nhân vật nữ điển hình đều có thể áp dụng câu "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Thúy Kiều, khỏi phải nói, ai cũng nhận ra điều này. Ba nhân vật kia gồm Hoạn thư, Thúy Vân và Đạm Tiên. Nhưng giáo dục Việt Nam quả thực là nền giáo dục chết, biến hình tượng của cả bốn vị này thành một khuôn mà một khi nhắc đến ai ai cũng chỉ biết Thúy Kiều – đẹp, tài, số khổ, Hoạn thư – đánh ghen độc ác, Thúy Vân – mặt mâm, ngây thơ vô lo vô nghĩ (trong khi Thúy Kiều thì lúc nào cũng đầy một bụng suy tư, mà không một cái nào tốt), Đạm Tiên – Thúy Kiều phiên bản vài năm trước.

Mà mị đọc xong Truyện Kiều, cảm thấy hình tượng Nguyễn Du xây dựng cho nhân vật đa chiều hơn nhiều. Hoạn thư không phải chỉ là một mụ vợ đanh đá ngoa ngoắt, nàng cũng có lúc đau buồn. Thúy Vân không phải chỉ là một kẻ vô lo vô nghĩ, nàng cũng lo sợ khi Thúy Kiều và Kim Trọng đoàn tụ, phải chịu cảnh chung chồng với chính chị mình. Thúy Kiều cũng không phải người tốt từ đầu đến chân, nàng cũng là một kẻ độc ác, độc ác nhất là ép em gái mình lấy một kẻ chẳng hề yêu Thúy Vân một chút nào hết. Nhưng ai mà dám viết Thúy Kiều độc ác nộp cho giáo viên thì kẻ đó chết chắc! Giống như cô Tấm dù có tưới nước sôi cho Cám, làm mắm Cám cho mẹ ghẻ ăn thì nàng vẫn được gọi là hiền.

Mà ngẫm lại văn học Việt Nam chuộng mấy cái hình tượng phụ nữ yếu đuối, đụng chuyện là chỉ biết khóc với chờ người đến cứu, chẳng thể tự làm được gì, nhưng một khi có ô dù vững chắc thì lại như biến thành kẻ khác, chuyện gì cũng dám làm, mà toàn làm chuyện độc ác. Mị không thích điều này một chút nào cả.

Nói về nhân vật mị cảm thấy thần thánh nhất Truyện Kiều đi – Tam Hợp đạo cô. Vị này không được nhắc đến nhiều trong Truyện Kiều, chỉ xuất hiện có hai lần mà lần xuất hiện cuối cùng lại nói một tràng dài khiến mị chỉ muốn quỳ xuống dập đầu nói: "Thần tiên sống! Xin hãy nhận của con một lạy!"

Cũng nhờ vị này nhắc nhở mà Giác Duyên sư cô mới biết đường mà đi vớt Kiều, nếu đợi đến lúc Giác Duyên nhớ ra cái hẹn 5 năm với Kiều thì có khi xác nàng cũng trôi sang tận bờ biển California rồi.

Mị chỉ hơi thắc mắc sao Giác Duyên là sư cô lại quen được với một đạo cô, lại còn thần đến mức này. Truyện Kiều: mối tình ngoại truyện? Hay là tọa đàm học thuật chủ đề tích hợp Phật – Đạo vào phương pháp truyền giáo?

Nói chung dù vị Tam Hợp đạo cô này xuất hiện ít nhưng cảm giác cứ như trùm cuối vậy, là nhân vật duy nhất không gặp Kiều không biết Kiều nhưng vẫn kiếm được một chân trong Truyện Kiều. Thật sự là quá thần thánh!

Còn Kim Trọng, kể ra cũng đáng thương, yêu phải Thúy Kiều rồi bị hình ảnh của nàng ám ảnh cả đời không dứt ra nổi, còn lấy phải phiên bản lỗi của Thúy Kiều. Đến cuối cùng Thúy Kiều cũng không chịu về bên cạnh hắn, không thể có được thứ mình vẫn luôn thèm muốn trong tay thì lại càng không dứt ra nổi bóng dáng Kiều. Nhưng dù có đáng thương mấy thì cũng không thể phủ nhận sự dở hơi của Kim Trọng (mà thường thì người ta hay bảo là si tình). Đã chấp nhận cưới Thúy Vân còn một mực đi tìm Thúy Kiều. Tìm về làm gì? Bỏ Vân lấy Kiều? Bỏ Kiều lấy Vân? Chơi three-some? Si tình đến độ ngu người thế này đúng là hết thuốc chữa.

Còn nhân vật cuối cùng, là Thúc sinh. Đáng thương thay cảnh hắn ngầu lòi nhất là lúc chuộc thân cho Kiều thì lại bị Nguyễn Du giản lược quá mức nên cái sự mưu mẹo của hắn đều bị cất đi hết rồi. Nhưng không sao, đã có mị kể lại. Mị cũng cảm thấy chỉ có loại con buôn như Thúc sinh mới trị được loại con buôn như Tú bà, dĩ độc trị độc, lấy bạo chế bạo. Vừa cứu được người vừa đỡ được tiền. Vỗ tay tán thưởng Thúc sinh một chút.

Mị thực ra rất thích Thúc sinh. Tại sao lại thích thì phần sau sẽ nói. Phần 2 là sàn diễn của hắn rồi, mong rằng mọi người cũng sẽ thích hắn như mị.

À còn về thời gian trong Truyện Kiều. Mị đã phải vật vã đi đọc Truyện Kiều từng từ một để tra cho tra tuyến thời gian của nó, đùng cái kiếm được một bài phân tích tuyến thời gian rất hay, vui vẻ đọc một hồi cảm thấy không đúng lắm. Bài phân tích đó nói Kiều Kim gặp nhau năm Gia Tĩnh 1, mị chạy lên wiki, trong đó lại ghi Từ Hải chết năm Gia Tĩnh 35. OMG Thúy Kiều lưu lạc tận 35 năm! Về sau mị quyết định chặn đầu chặn đít lại, Kim Kiều gặp nhau năm Gia Tính 24, Từ Hải chết năm Gia Tĩnh 35, trong 11 năm thì Thúy Kiều đã ở bên Từ Hải tận 7 năm rồi, 4 năm cuối cùng ở trong chùa chờ Kim Trọng đến quến. Như vậy thì 15 năm lưu lạc của Kiều bắt đầu từ lúc nàng gặp Kim đến tận khi nàng đoàn tụ. Vậy mà mị cứ nghĩ đến khi nhảy sông là hết 15 năm rồi. Không biết làm toán thật đáng sợ.

Cuối cùng của cuối cùng là vài tiểu kịch trường, do Tra đầu têu ra, mị thấy vui liền phát triển thêm chút, mục đích chính là giải trí và tụt mood.

Kịch trường 1:

(Khi viết đến tận trang thứ 30 mà vẫn chưa thể cho Thúy Kiều lên sân.)

Thúy Kiều: Ta là nhân vật chính! Sao ta vẫn chưa được lên sàn?! Phần diễn của ta đâu?! Mau mau cho ta ra sàn để quần chúng thấy được phong thái tót vời của ta! Để họ tung hoa cho ta! Đạo diễn đâu? Mau cho ta lên sàn!!!

Đạo diễn: Cô nương, ngươi cầm nhầm kịch bản rồi, giờ ngươi chỉ là nhân vật phụ thôi.

Kịch trường 2:

Vương Thúy Kiều mơ mơ màng màng tỉnh khỏi cơn mê, vừa mở mắt ra lại thấy khung cảnh trước mắt thật quá đỗi xa lạ, khiến cho đầu óc vẫn chưa tỉnh táo được bao nhiêu của nàng lại càng u mê hơn.

Đột nhiên, một ý nghĩ chợt lóe sáng trong đầu nàng. Lẽ nào... lẽ nào nàng xuyên không rồi? Nàng lại được làm nhân vật chính rồi?

Đạo diễn: Cắt cắt! Ngươi diễn kiểu gì vậy hả? Tự dưng cười như dở người làm cái gì?!

Kịch trường 3:

Từng tiếng đàn tình tang vang lên, nỉ non tha thiết, như tiếng khóc thương đau đớn. Tiếng đàn như tiếng ai lã chã rơi lệ, sao mà sầu bi, sao mà u oán. Từng âm từng âm chảy qua bàn tay Hoa nô, lan qua những sợi dây đàn, tỏa vào dưới nắng chiều, bị gió cuốn đi, rót vào tai thấm vào lòng.

Rồi đột nhiên, một tiếng đàn vang lên thật mạnh mẽ, giai điệu thay đổi hẳn! Vương Thúy Kiều gân cổ lên:

- Let it go! Let it go!! Can't hold it back anymore, ó ó o!!!

Kịch trường 4:

Vương Thúy Kiều đứng gác dưới bầu trời đêm, gió thu thổi qua khiến nàng khẽ run lên vì hơi lạnh, nhưng so với cái rét lạnh trong lòng thì thực chẳng thấm vào đâu. Nàng càng nghĩ càng chỉ thấy bao nhiêu cay đắng chua xót đều trào ngược lên trong bụng nàng.

Trường Sinh: Cô nương, bị loét dạ dày thì đừng bỏ bữa.

Kịch trường 5:

Thúc thiếu gia khóc thật sự rất thống thiết, mặt mũi lem nhem, tay áo ướt sũng, ngay cả cả bàn tay Vương Thúy Kiều đang bị hắn nắm chặt cũng không thoát khỏi số kiếp bị gột rửa một phen, bao nhiêu thứ nước trên mặt đều tuôn trào ra hết, còn dữ dội hơn cả Hoàng Hà vỡ đê.

Vương Thúy Kiều gào ầm lên:

- Ngươi mau buông ra! Chia tay thì chia tay! Đừng có bôi nước mũi lên người ta! Ta thề ta không lấy chuông vàng khánh ngọc của ngươi nữa! Ngươi còn không mau buông tay!

      

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro